Trang

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

THỨ TƯ TUẦN THÁNH


Thứ Tư Tuần Thánh
Is 50,4-9a ; Tv 68 ; Mt 26,14-25.

Bài đọc                                    Is 50,4-9a

4          Đức Chúa là Chúa Thượng
            đã cho tôi nói năng như một người môn đệ,
            để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.
            Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi
            để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.
5          Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi,
            còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.
6          Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,
            giơ má cho người ta giật râu.
            Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.
7          Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,
            vì thế, tôi đã không hổ thẹn,
            vì thế, tôi trơ mặt ra như đá.
            Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.
8          Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên.
            Ai tranh tụng với tôi ? Cùng nhau ta hầu toà !
            Ai muốn kiện cáo tôi ? Cứ thử đến đây coi !
9          Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,
            ai còn dám kết tội ?



Đáp ca                                     Tv 68,8-10.21bcd-22.31 và 33-34  (Đ. c. 14bc)

Đáp :    Lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân,
xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày.

8          Âu cũng vì Ngài, mà con bị người đời thoá mạ,
            chịu nhuốc nhơ phủ lấp mặt mày.
9          Anh em nhà kể con như người dưng nước lã,
            hàng máu mủ xem con bằng khách lạ mà thôi.
10        Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân.
            Lời kẻ thoá mạ Ngài, này chính con hứng chịu.                       Đ.

21bcd Nỗi sầu riêng, mong người chia sớt,
            luống công chờ, không được một ai ;
            đợi người an ủi đôi lời,
            trông mãi trông hoài mà chẳng thấy đâu !
22        Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng,
            con khát nước, lại cho uống giấm chua.                                  Đ.

31        Tôi sẽ hát bài ca chúc mừng Danh Thánh,
            sẽ dâng lời cảm tạ tán dương Người.
33        Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên,
            người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi.
34        Vì Chúa nhận lời kẻ nghèo khó,
            chẳng coi khinh thân hữu bị giam cầm.                                   Đ.



Tung hô Tin Mừng                            

            Muôn lạy Vua Kitô, vì vâng lời Thánh Phụ, Ngài đã chịu dẫn đi đóng đinh vào thập giá, như con chiên hiền lành bị dẫn đi làm thịt.




Tin Mừng                                Mt 26,14-25

14 Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế 15 mà nói : "Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu." Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. 16 Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.
17 Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su : "Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu ?" 18 Người bảo : "Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy : "Thầy nhắn : thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy." 19 Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.
20 Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. 21 Đang bữa ăn, Người nói : "Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy." 22 Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người : "Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao ?" 23 Người đáp : "Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. 24 Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người : thà nó đừng sinh ra thì hơn !" 25 Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi : "Ráp-bi, chẳng lẽ con sao ?" Người trả lời : "Chính anh nói đó !"
Suy Niệm:
Bài thương khó hôm nay dàn ra những cảnh đối nghịch giữa thiện và ác. Sự bài trí xen kẽ liên tiếp đã tạo nên nét bi hùng. Giuđa và Phêrô là biểu tượng của nhóm hành ác. Còn Ðức Giêsu mẫu người của thiện tâm. Trình thuật khởi đầu kể những toan tính, những mưu kế phản bội của Giuđa - bên cạnh kế hoạch yêu thương của Ðức Giêsu trong việc chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua sau hết với các môn đệ thân yêu. Cả hai kế hoạch thiện - ác  đều dần dần được thực hiện: Người môn đệ sẽ bội phản, nhưng đổi lại, hành vi yêu thương của Thầy vẫn đầy tràn qua việc thiết lập Bí Tích Tình Yêu. Ðoạn sau chót của trình thuật cho thấy rõ: đây là thời của thế gian, nên sự ác trổi vượt hơn với việc loan báo Tông Ðồ Phêrô nhẹ dạ chối Thầy. Nơi các môn đệ kẻ thì phản bội, người thì chối từ. Còn Thầy Giêsu dù thế nào đi nữa vẫn một mực trung tín.

Cầu Nguyện:
Lạy Thầy Giêsu, chúng con không biết diễn tả tâm tình cảm mến của chúng con như thế nào trước tình yêu vô bờ của Thầy. Cảm nghiệm của Thánh Phaolô cũng là cảm nghiệm của chúng con lúc này: "Ở đâu có tội lỗi đầy tràn, ở đó ân sủng càng chan chứa". Thầy Giêsu chỉ dùng chiến thuật yêu thương để chống lại và cảm hóa sự ác. Cùng với Thầy và theo gương Thầy, chúng con tập quen yêu thương. Chỉ khi yêu thương, chúng con mới thực sự là môn đệ thân tín của Thầy. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Tiệc Ly Lời Tâm Huyết

Một phóng viên báo chí người Anh bị cầm tù trong những tháng năm cách mạng văn hóa của thời Mao Trạch Ðông. Lúc được trả tự do, ông viết một bài báo với nhan đề: "Thiên Chúa Giáng Sinh" của linh mục Char. Câu chuyện được kể lại như sau:
Tôi bị giam ở trong một trại giam bên Trung Quốc. Trong trại có một linh mục cùng bị giam tên là Char, 40 tuổi, người Trung Quốc và là linh mục dòng Sitô. Ở trong tù, tôi phải ăn uống cực khổ, chịu kỷ luật khắt khe và công tác lao động lại nặng nề. Chúng tôi phải đào đất và gánh những gánh thật nặng lên đổ trên một ngọn đồi cao. Linh mục Char luôn nêu gương bác ái. Ngài không phải là con người có sức lực lưỡng, nhưng ai mệt thì được ngài gánh giúp, ai nặng gánh không nổi thì được ngài đổi gánh cho nhẹ hơn của mình. Ngài luôn vui vẻ khích lệ anh em, trong trại ai ai cũng mến phục.
Tôi là người Công giáo, nhưng suốt bao tháng năm tôi chẳng sống đạo tí nào. Và điều làm cho tôi thắc mắc là tại sao cha Char lại biết tôi là người Công giáo? Vì một hôm giữa trời đông rét, vào giờ giải lao, ngài cầm tay kéo tôi đi theo và hỏi: "Anh là người Công giáo phải không?" Tôi trả lời: "Thưa cha phải!" Linh mục hỏi tiếp: "Hôm nay là ngày lễ gì anh có biết không?" Tôi trả lời: "Thưa cha, tôi không biết". Linh mục nói tiếp: "Hôm nay là ngày lễ Giáng Sinh".
Vị linh mục trầm lặng và hỏi nhỏ tôi một câu: "Chắc anh nhớ gia đình lắm phải không? Thôi đi theo tôi, chúng ta cùng nhau xuống hố đất kia, tôi cùng anh dâng Thánh Lễ". Tôi cảm thấy có một sức mạnh nào đó nơi cha thu hút tôi, khiến chân tôi phải bước đi và cả hai chúng tôi xuống hố sâu. Chung quanh miệng hố, đất đào nhô lên được đắp thành hai cái mô vững chắc. Tôi chẳng hiểu làm sao ngài lại có một ve rượu nhỏ, và đựng trong một cái bát nhỏ là một mẩu bánh lễ. Ngài để cả hai trên một mô đất nhỏ trước mặt, rồi giang tay cầu nguyện. Lúc đưa Mình Thánh lên, mặt ngài sáng ngời. Tôi chăm chú nhìn rồi tự nhiên đầu gối quì xuống. Tôi ăn năn sám hối, và ngài cho rước lễ, mắt tôi nhòa lệ và lòng tôi cũng như lòng ngài ấm áp hẳn lên.
Sau đó, chúng tôi vội vàng trở về chỗ cũ. Một tên lính gác nhìn chúng tôi liền chạy lại ngay, tóm cổ linh mục và hỏi: "Mày đi đâu đàng kia?" Ngài thẳng thắn đáp lời: "Hôm nay là ngày lễ trọng của chúng tôi. Giờ giải lao, tôi đi cầu nguyện". Tên lính nổi giận đánh cho ngài một trận nhừ tử, ngài thinh lặng chịu đựng. Hắn dẫn ngài đi từ đó, tôi không còn gặp ngài được nữa. Nhưng suốt đời tôi không bao giờ quên được cảnh tượng chiều hôm tiệc ly thánh thiện đó. Chưa bao giờ trong đời tôi đã tham dự và dâng lễ Giáng Sinh một cách sốt sắng như hôm ấy. Lễ Giáng Sinh hôm đó đã biến đổi cả cuộc đời của tôi và đức tin đãsống lại nơi tôi.
Anh chị em thân mến!
Bí tích Thánh Thể là đích điểm của con đường đức tin. Chúa Giêsu Kitô đã mở đầu sứ mạng rao giảng Tin Mừng và lời kêu gọi: "Thời giờ đã đến, Nước Trời đang gần bên. Hãy ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng". Rồi cuối cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu đã thiết lập và cử hành bí tích Thánh Thể với các môn đệ. Ngài căn dặn: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy". Những chặng đường canh tân đã trải qua, và như vậy thì Mùa Chay này phải hướng dẫn chúng ta đến với việc cử hành bí tích Tình Yêu một cách tốt đẹp nhất, để được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô và sống lại với Ngài trong ánh sáng Phục Sinh khải hoàn.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" căn dặn: cả gia đình Chúa Giêsu hướng về núi Calvariô, cả gia đình con hướng về Thánh Lễ. Con muốn nhân danh Chúa ư? hãy tham dự Thánh lễ. Con muốn cảm tạ Chúa ư? Hãy tham dự Thánh Lễ. Con muốn cứu nhân loại ư? Hãy tham dự Thánh Lễ. Chúa Giêsu đã làm như vậy. Ðèn không sáng, nếu hết dầu. Xe không chạy, nếu hết xăng. Hồn tông đồ sẽ suy mạt, nếu không đến với Thánh Lễ: "Ai không ăn Thịt và uống Máu Ta thì sẽ không có sự sống đời đời".
Mọi người tin nhận Chúa đều được mời gọi đến tham dự và cùng dâng Thánh Lễ. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy trong bài Tin Mừng hôm nay, người đồ đệ phản Thầy là Giuđa đã bỏ phòng tiệc ra đi trước khi Chúa Giêsu thiết lập bí thích Thánh Thể.
"Chúng con đã sửa soạn cho Thầy ăn mừng lễ Vượt Qua ở đâu?". Là những kẻ yêu mến Chúa Giêsu thật lòng, thì không thể nào mà không bắt chước gương của các tông đồ hăng say góp phần của mình để Chúa được có chỗ mừng lễ Vượt Qua. Việc cử hành hy lễ Thánh Thể là thực hiện trọn vẹn công cuộc cứu rỗi nhân loại. Giuđa kẻ phản bội cũng ngồi vào bàn dự tiệc rồi ra đi phản bội Thầy mình, mặc dù đã có lời cảnh tỉnh của Chúa.
Lạy Chúa, mặc dù đã nhiều lần con được hiệp dâng Thánh Lễ, được lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa làm của ăn nuôi dưỡng đời sống đức tin, nhưng con luôn ý thức về thân phận mỏng dòn của mình là có thể phản bội Chúa bất cứ lúc nào. Vậy xin Chúa thương gìn giữ con trong tình yêu thương hải hà của Chúa. Amen.
Đương đầu với phản bội!
Bài đọc: Isa 50:4-9; Mt 26:14-25.
Con người phải đương đầu với phản bội và rất đau khổ khi bị phản bội, nhất là từ các người thân tín nghĩa thiết như: cha mẹ, vợ chồng, con cái, thầy trò, anh chị em, bạn hữu. Chúng ta phải làm gì khi phải đương đầu với phản bội? Một điều lợi ích: phản bội giúp chúng ta tìm ra đâu là tình yêu đích thực để trông cậy vào. Tiên tri Isaiah giúp chúng ta nhìn thấy ánh sáng: cho dù cha mẹ có bỏ chúng ta đi nữa, Thiên Chúa không bao giờ bỏ con cái của Ngài. Vì vậy, chúng ta cần chạy đến với Thiên Chúa để lấy sức mạnh và tình yêu mỗi khi đương đầu với phản bội.
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta biết khôn ngoan đương đầu với phản bội. Trong Bài Đọc I, tiên tri Isaiah cho chúng ta thấy đâu là nguồn sức mạnh của Người Tôi Trung của Thiên Chúa: một khi có Thiên Chúa nâng đỡ và bảo vệ, Người Tôi Trung có thể đương đầu với bất cứ nghịch cảnh nào, và tin chắc sẽ thắng vượt tất cả. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu phải đương đầu với sự phản bội vì sự ham tiền của Judah; nhưng Ngài bình tĩnh loan báo tin buồn cho tất cả các tông đồ, ngay cả Judah; và can đảm tiến tới để lãnh nhận các đau khổ từ sự phản bội này. Ngài biết Thiên Chúa sẽ cho Ngài toàn thắng.
I. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi!
1.1/ Sống làm chứng cho Thiên Chúa: Trước khi có thể chu tòan sứ vụ làm chứng cho Thiên Chúa, Người Tôi Trung phải biết dành thời giờ để cầu nguyện và lắng tai nghe như một người môn đệ: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.” Một khi đã hiểu biết kế họach khôn ngoan của Thiên Chúa, Người Tôi Trung sẽ không lùi bước trước những khó khăn trước mặt: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.”
Người Tôi Trung sẵn sàng chịu mọi cực hình để làm chứng cho Thiên Chúa: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.” Khi phải chịu cực hình, Người Tôi Trung chịu đựng với một niềm tin: “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.” Tất cả những điều này trở nên rõ ràng khi chúng ta chứng kiến Chúa Giêsu chịu mọi cực hình trong Cuộc Thương Khó của Ngài.
1.2/ Ai có thể thắng nổi Thiên Chúa? Nguồn sức mạnh của Người Tôi Trung là ở nơi Thiên Chúa, Đấng tạo dựng, quan phòng, xét xử, và yêu thương con cái Ngài. Ông hãnh diện tuyên xưng Thiên Chúa và thách thức mọi kẻ thù: “Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà! Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi!
Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội? Này, tất cả chúng sẽ mục đi như chiếc áo, và sẽ bị mối ăn.” Sức mạnh và uy quyền của thế gian, nếu so sánh với quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa, chỉ như lấy trứng chọi vào đá.
2/ Phúc Âm: Judah Iscariot phản bội và bán Chúa.
2.1/ Lòng tham tiền thúc đẩy Judah Iscariot bán Chúa: “Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Judah Iscariot, đi gặp các thượng tế mà nói: "Nếu tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu." Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu.” Judah biết rõ các thượng tế muốn giết Chúa Giêsu, và muốn lợi dụng cơ hội để làm tiền. Qua trình thuật này, chúng ta phải học được bài học về sức mạnh của đồng tiền: Nó có thể làm cho Judah bán Chúa, bán Thầy, và bán chính mình (Judah tự kết liễu đời mình). Tiền bạc chỉ là phương tiện giúp con người sinh sống, con người phải điều khiển nó, chứ không để nó điều khiển con người. Nếu con người để tiền bạc điều khiển mình, con người đã trở thành nô lệ cho tiền bạc, và sẽ phải lãnh mọi hậu quả như Judah. Con người cần sống đơn giản.
2.2/ Chúa Giêsu tuyên báo sự phản bội của Judah Iscariot.
(1) Ăn Lễ Vượt Qua: Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giêsu: "Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?" Người bảo: "Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: "Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy." Các môn đệ làm y như Đức Giêsu đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua. Chiều đến, Đức Giêsu vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. Lễ Vượt Qua là một trong 3 Lễ vô cùng quan trọng của người Do-thái, vì họ kỷ niệm biến cố Thiên Chúa dẫn đưa họ ra khỏi đất nô lệ của Ai-cập, và tiến vào Đất Hứa. Chúa Giêsu đã sắp đặt mọi sự sẵn sàng. Ngài chuẩn bị sẵn phòng ăn và tất cả những gì cần trối trăn cho các môn đệ trong Lễ Vượt Qua cuối cùng của Ngài với các ông.
(2) Tuyên báo sự phản bội: Đang bữa ăn, Chúa Giêsu nói: "Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy." Đây là một hung tin, thường thì người ta sẽ tránh loan tin buồn trong khi ăn, vì “trời đánh còn tránh miếng ăn;” nhưng đây là cơ hội cuối cùng của Chúa Giêsu với các đầy đủ các môn đệ, Chúa phải cho các ông biết trước khi sự việc xảy ra.
- Phản ứng của các tông đồ: Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: "Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?" Tuy các ông không nộp Chúa như Judah; nhưng đã bỏ Chúa chạy hết, để Ngài phải đương đầu với Cuộc Thương Khó một mình.
- Phản bội bởi thân hữu gây đau khổ hơn của người dưng nước lã: Chúa Giêsu đáp: "Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!" Câu tuyên bố của Chúa đầu tiên không chỉ đích danh ai phản bội, vì cả Nhóm Mười Hai đều chấm chung một đĩa với Chúa. Dĩ nhiên, phải có Judah thì Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa mới thành tựu; tuy nhiên, không phải Thiên Chúa tiền định cho Judah Iscariot phải phản bội Chúa, vì không khó để kiếm một Judah khác trong thế giới này.
- Phản ứng của Judah, kẻ nộp Người: Hắn cũng hỏi: "Rabbi, chẳng lẽ con sao?" Người trả lời: "Chính anh nói đó!" Đã phản bội còn có can đảm để đóng kịch, Chúa Giêsu không muốn tố cáo Judah, nhưng Ngài phải nói cho Judah biết sự thật. Điều ngạc nhiên ở đây là không thấy các tông đồ khác phản ứng. Có lẽ Chúa nói nhỏ đủ để cho mình Judah nghe mà thôi.
II. ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Phản bội xảy ra thường xuyên trong cuộc đời con người. Chúng ta cần bình tĩnh cầu nguyện để đối phó. Sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta vượt qua những cơn khủng hoảng này.
- Chúng ta có thể đương đầu với mọi phản bội bao lâu chúng ta còn Chúa. Judah Iscariot không thể đương đầu vì ông không còn sức mạnh và niềm tin nơi Thiên Chúa.
- Cần tập luyện để có một niềm tin sắt đá vào Thiên Chúa. Khi phải đối diện với phản bội, chúng ta đã có sẵn khí cụ để dùng. Không thể chờ đến lúc đó mới đi tìm niềm tin và sức mạnh.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP

04/04/12 THỨ TƯ TUẦN THÁNH
Mt 26,14-25
CẦN CÚI MÌNH ĐẤM NGỰC

Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó.” (Mt 26,25)

Suy niệm: Nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận xét xã hội Việt Nam hôm nay như sau: “Căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối.” (“Cần một cuộc tự vấn,” Tuổi Trẻ số 1-2012, ngày 01/01/ 2012: 12). Sự giả dối tràn lan khiến nhiều người tự hỏi, sống chân thật để làm gì? Căn bệnh giả dối này từng gây cho Giu-đa mất khả năng nhìn nhận sự thật hoặc chỉ dám nhìn một nửa sự thật. Ông đã dám đối diện với Chúa để hỏi Chúa về chính mình như các môn đệ khác, nhưng ông lại không dám nhìn “mưu tính bán Chúa” bên trong mình. Sự giả dối nơi ông tinh vi đến độ, ngoại trừ Chúa Giê-su, không một ai trong các môn đệ biết những toan tính hạ cấp đó của ông, bởi sự gần gũi trong cử chỉ và lời nói của ông với Thầy Giê-su vẫn không khác gì với các môn đệ khác. 

Mời Bạn: Sống chân thật không chỉ nhìn về Chúa, mà còn nhìn vào chính bản thân khi đối diện với Chúa và đón nhận ơn hoán cải. Có quá nhiều lần chúng ta nhìn lên Chúa, ca tụng Chúa, cầu nguyện với Chúa; nhưng lại quá ít lần chúng mình nhìn nhận sự thật đang nhầy nhụa nơi bản thân để sám hối, trở về với Chúa. Thi sĩ Péguy từng nói: người ta đã thấy ân sủng xuyên qua một tâm hồn đồi bại và đã thấy cái bị hư mất nay được cứu thoát. Nhưng khó mà xuyên qua cái “không thẩm thấu” được.

Chia sẻ: Những giả dối trong đời sống xã hội phát xuất từ đâu?

Sống Lời Chúa: Hãy sám hối, vì tội ta phạm đang đóng đinh Chúa lần nữa.

Cầu nguyện: Hát: “Ôi bởi con mà Chúa mang thảm hình, con đớn đau nhìn vũ trụ tự hối…”


Lời Chúa Trong Gia Đình
THỨ TƯ TUẦN THÁNH; Is 50, 4-9a; Mt: 26, 14-25.
LỜI SUY NIỆM: “Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giuđa Ícariốt, đi gặp các thượng tế mà nói: ‘Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị cho tôi bao nhiêu.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu. (Mt 26,16)
          Dưới bất cứ cái nhìn nào vào con người của Giuđa khi bán Chúa Giêsu, thì thảm kịch chính là ông không chấp nhận con người thực tế của Chúa Giêsu, và ông muốn tạo một Giêsu theo cách riêng của ông.
          Trong đời sống hôm nay, trong chúng ta thảm kịch đó cũng đang diễn ra, khi chúng ta cho là chúng ta hiểu biết thế nào là sự sống và làm cho nó tốt đẹp theo cách sắp đặt của riêng mình. Chúng ta cho đó là tuyệt hảo không cần đến ân sủng của Ngài.
          Nhưng thực ra, trong cuộc sống của chúng ta mọi sự đã được Chúa sắp đặt với ân sủng của Ngài. Chúng ta chỉ có đón nhận hay từ chối hoặc chống đối Ngài mà thôi. Chúng ta không thể thay đổi chương trình của Ngài được. Giuđa đã muốn biến Chúa Giêsu  theo cách suy nghĩ của mình. Điều này đã dẫn đưa Giuđa vào cõi chết, Ước muốn và hành động của Giuđa chúng ta cần phải tránh xa. Chúng ta cần phải được Ngài thay đổi. Chúng ta không bao giờ có thể dùng Chúa cho mục đích riêng cho mình, nhưng phải phục tùng Ngài để được Ngài sử dụng vào chương trình của Ngài.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
04 Tháng Tư
Ðánh Nhau Bằng Gậy Gộc

Họa sĩ Goya, người Tây Ban Nha vào đầu thế kỉ 19, đã để lại một loạt những bức tranh mô tả thân phận con người thật ý nghĩa. Một trong họa phẩm mà ông đã thực hiện trong thời nội chiến của người Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 18 mang tựa đề: "Ðánh nhau bằng gậy gộc".
Trong bức tranh, Goya vẽ hai người nông dân xô xát nhau. Mỗi người cầm trong tay một chiếc dùi cui sần sùi. Một người đang giơ chiếc dùi cui để bảo vệ mặt mình. Nền trời không để lộ một nét nổi bật nào. Người ta không đoán được trời sắp giông bão hay sắp sáng rỡ.
Thoạt nhìn qua cũng nghĩ đây chỉ là một bức tranh tầm thường như những bức tranh khác. Thế nhưng có một chi tiết nói lên tất cả ý nghĩa của bức tranh: đó là hai người nông dân đang hầm hầm sát khí để loại trừ nhau này lại mắc cạn trong cồn cát. Từng cơn gió thổi, cát bụi đang kéo tới phủ lấp hai người đến quá đầu gối.
Goya muốn cho chúng ta thấy rằng cả hai người nông dân này sắp chết. Họ sẽ không chết vì những cú dùi cui giáng trên nhau cho bằng chính cát bụi đang từ từ chôn vùi họ.Thế nhưng thay vì giúp nhau để ra khỏi cái chết, họ lại cư xử chẳng khác nào thú dữ: họ cắn xé nhau. Họa phẩm "Ðánh nhau bằng gậy gộc" trên đây của danh họa Goya nói lên phần nào tình cảnh mà nhân loại chúng ta đang trải qua.Thay vì giúp nhau để ra khỏi không biết bao nhiêu tai họa, con người lại giành giật chém giết lẫn nhau.
Bức tranh ấy có lẽ không chỉ diễn ra ở quy mô thế giới, một nơi nào đó ngoài cuộc sống của chúng ta, mà không chừng đang diễn ra hằng ngày trong các mối tương quan của chúng ta với những người xung quanh. Cơn cám dỗ muốn thanh toán và loại trừ người khác có lẽ vẫn còn đang gặm nhấm tâm hồn chúng ta. 
Bức tranh của họa sĩ Goya cũng chính là bức tranh của thân phận con người chúng ta. Ngay chính trong cơn quẫn bách và đe dọa tứ phía, thay vì liên đới để bảo vệ nhau, người ta vẫn có thể đâm chém lẫn nhau.
Một nhạc sĩ nào đó đã có lý để tra vấn chúng ta: giết người đi thì ta ở với ai? Một trong những phương thế tốt đẹp nhất để tiêu diệt một kẻ thù chính là biến kẻ thù ấy trở thành một người bạn.
Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta khuôn vàng thước ngọc: nếu có ai vả má bên phải của ngươi, hãy chìa luôn cả má còn lại... Trong những giờ phút cuối đời, khi đứng giữa những người đang đằng đằng sát khí muốn hủy diệt mình, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha tha thứ cho họ.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++

Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người (Mt 26,24)
 Suy niệm: 
"Cả người thân con hằng tin cậy,
Đã cùng con chia cơm sẻ bánh,
Mà nay cũng giơ gót đạp con".
Thánh vịnh 40 là một trong những lý do mà các kitô hữu tiên khởi đưa ra trong cố gắng tìm hiểu về biến cố Giuđa phản bội: "Khi ấy một trong nhóm mười hai tên là Giuđa Iscariot đi gặp các Thượng tế mà nói: "Các ngài cho tôi bao nhiêu, tôi sẽ nộp ông ấy cho các ngài".
Bối cảnh của bài Tin mừng hôm nay là Lễ Vượt qua cuối cùng Chúa Giêsu cử hành với các môn đệ. Mỗi năm người Do Thái thời Chúa Giêsu long trọng mừng lễ vượt qua để tưởng niệm biến cố thiên thần Chúa vượt qua cửa nhà người Do Thái có bôi máu chiên để không giết con đầu lòng của họ, khởi đầu cho cuộc giải phóng họ khỏi ách nộ lệ và khai mào cuộc xuất hành tiến về Đất Hứa. Chúa Giêsu đã có ý định dùng môi trường và ý nghĩa của lễ vượt qua này để thiết lập Thánh Thể, nói lên ý nghĩa Ngài là Con Chiên mới sẽ hiến thân chịu chết và đổ máu trên Thập giá để giải phóng và cứu rỗi không những Do Thái, mà cả nhân loại, nhưng soạn giả Matthêu không che dấu một biến cố khác xẩy ra cùng lúc với ngày trọng đại này đó là Giuđa, một trong nhóm mười hai mưu phản Thầy. Đấy là biến cố gây chấn động dữ dội nơi cộng đoàn kitô tiên khởi chính vì cố đưa ra để tìm hiểu những bí ẩn bên trong dẫn đến ý định bán nộp Thầy của Giuđa. Ngoài lý do tìm thấy trong câu Tv 40 mang ý nghĩa tôn giáo, người ta cũng phân tích con người Giuđa được các soạn giả bốn sách Tin mừng nhận xét, là con người tham lam, biển lận, ăn cắp của chung. Có người còn cho rằng Giuđa thuộc một đảng chính trị quá khích chủ trương dùng bạo lực để chống lại ách đô hộ của người Rôma: y theo Chúa Giêsu vì thấy Ngài có quyền năng làm nhiều phép lạ hy vọng Ngài sẽ dùng quyền năng đó để đánh đuổi ngoại xâm. Giuđa thất vọng khi thấy Ngài chọn con đường dẫn tới cái chết trên Thập giá để kết thúc sự nghiệp giải phóng và cứu rỗi của Ngài. Chính sự thất vọng ấy đưa đến bất mãn, và quyết định nộp Thầy. Có người còn chủ trương rằng Giuđa không có ý định giết chết Chúa Giêsu, nhưng qua việc giải nộp Ngài trong tay quân Rôma, Giuđa hy vọng dồn Ngài vào chân tường, buộc Ngài phải chống cự để tự vệ và do đó đánh đuổi quân Rôma ra khỏi bờ cõi. Nếu như thế ngoài tội nộp Thầy phản bạn, Giuđa còn vấp phải một lầm lỗi khác là muốn cưỡng bách Chúa Giêsu hành động theo ý riêng mình.
Để hiểu trọn ý nghĩa bài Tin mừng hôm nay, chúng ta không thể dừng lại ở những lỗi lầm của Giuđa, nhưng cần phải chú ý vào vai chính là Chúa Giêsu. Trước tiên Ngài cố gắng đến cùng để cảnh tỉnh và giải thoát Giuđa khỏi những ý nghĩ mù quáng và đen tối: Vì thế Ngài đã cảnh cáo y bằng một lời mạnh mẽ :"Con người ra đi như đã viết về Ngài, nhưng khốn cho người đó, kẻ làm cho Con người bị nộp. Thà rằng người ấy đừng sinh ra thì hơn". Rồi Chúa Giêsu cũng gọi đích danh Giuđa là người sẽ nộp Ngài. Nhưng lời cảnh cáo và sự vạch mặt chỉ tên đó cũng không làm Giuđa tỉnh thức và cũng không ngăn cản y tự nhảy xuống vực thẳm tội lỗi. Dù Giuđa có những hành động phản bội, Chúa Giêsu vẫn tiến hành việc lập Bí tích Thánh Thể, dấu chỉ của lòng yêu thương đến cùng. Tình yêu đáp lại tình yêu là chuyện thường tình, nhưng tình yêu đáp lại hận thù mới là hành động của một vĩ nhân.
Xin Chúa đánh động tâm hồn chúng ta, để chúng ta tiến vào ba ngày thánh tưởng niệm việc lập Bí tích Thánh Thể, cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập giá của Chúa, để Mùa chay này thực sự biến đổi con tim và cuộc sống của chúng ta.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin đừng để con sống trong tự phụ mù quáng. Xin đừng để con bị những lợi lộc vật chất làm cho con trở nên ngoan cố chống lại Chúa. Xin cho con biết noi gương thánh Phaolô tông đồ quay về với Chúa và dùng phần cuộc đời còn lại cộng tác chặt chẽ với ơn Chúa, đến độ có thể nói như Ngài: "Nhờ ơn Chúa tôi được như ngày nay. Ơn Chúa đã không trở nên vô ích nơi tôi. Ước được như vậy."
Lạy Thầy Giêsu, chúng con không biết diễn tả tâm tình cảm mến của chúng con như thế nào trước tình yêu vô bờ của Thầy. Cảm nghiệm của Thánh Phaolô cũng là cảm nghiệm của chúng con lúc này: "Ở đâu có tội lỗi đầy tràn, ở đó ân sủng càng chan chứa". Thầy Giêsu chỉ dùng chiến thuật yêu thương để chống lại và cảm hóa sự ác. Cùng với Thầy và theo gương Thầy, chúng con tập quen yêu thương. Chỉ khi yêu thương, chúng con mới thực sự là môn đệ thân tín của Thầy.

Ngày 04
THỨ TƯ TUẨN THÁNH
Thánh Isiđôrô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh


Rửa chân
Trong giây phút thinh lặng, Đức Giêsu quì xuống trước từng người môn đệ, lập tức Phêrô phản đối: "Thầy ơi! Thầy lại muốn rửa chân cho con sao?" Thế giới đảo lộn rồi! Sự phản kháng của ông có lẽ cũng là của chúng ta. Ông chấp nhận sứ điệp của Đức Giêsu, nhưng không thể chấp nhận tình yêu khiêm tốn và Chúa lại muốn làm tôi tớ mọi người. Bằng mọi giá, ông từ chối không thể để rửa chân. Có bao giờ chúng ta xác định được giá trị ơn cứu độ của chúng ta hay không? Và nếu Đấng Mêssia quì xuống trước mặt mọi người, con người sẽ đi đến đâu? Nơi đây Đức Giêsu cho thấy mạc khải điều Thiên Chúa làm, không nằm trong mức độ đo lường của con người. Đức Giêsu trở thành người mà những ai gần gũi Chúa phả lên Người những lý tưởng không tưởng nhất. Cái nhìn của họ về Đức Giêsu quấn tấm khăn quanh mình và lau chân các môn đệ, nghịch hẳn hình ảnh mà Phêrô phải cố gắng để thực thi sứ vụ của mình giữa con người.
Thực khó hiểu, thực khó chấp nhận, càng khó bắt chước cử chỉ của Đức Giêsu: "Anh em sẽ thực thi cho nhau như Thầy đã làm cho anh em", làm gương phải noi theo mang tính "luân lý" hơn là bề ngoài. Đến phiên chứng ta từ nay phải thực thi cho nhau như Đức Kitô đã làm cho chúng ta.

Các đan sĩ của Saint-Martin de Mondaye

Thứ Tư 4-4

Thánh Isidore ở Seville

(560? - 636)

T
rong 76 năm cuộc đời của Thánh Isidore là thời kỳ tranh chấp cũng như phát triển của Giáo Hội Tây Ban Nha. Người Visigoth xâm lăng phần đất này trong một thế kỷ, và trước đó nửa thế kỷ trước khi Thánh Isidore chào đời thì họ đã thiết lập một thủ đô khác cho chính họ. Ðó là những người theo Arian -- họ cho rằng Ðức Kitô không phải là Thiên Chúa. Do đó, Tây Ban Nha bị chia làm đôi: Một dân tộc (người Công Giáo La Mã) phải chiến đấu với dân tộc khác (người Gô-tích Arian).
Thánh Isidore là người hợp nhất Tây Ban Nha, giúp quốc gia này trở nên một trung tâm văn hóa và học thuật cũng như một khuôn mẫu cho các quốc gia Âu Châu khác, mà các nền văn hóa ấy đang bị đe dọa bởi sự xâm lăng của những người man rợ.
Có thể nói Thánh Isidore sinh trong một gia đình thánh thiện của thế kỷ thứ sáu ở Tây Ban Nha. Hai người anh của ngài, Leander và Fulgentius, và người chị, Florentina, đều là các thánh được sùng kính ở Tây Ban Nha. Ðây cũng là một gia đình lãnh đạo và tài giỏi với các vị Leander và Fulgentius đều làm giám mục và Florentina làm mẹ bề trên.
Là một người tài giỏi về học thuật, đôi khi Thánh Isidore được gọi là "Sư Phụ của Thời Trung Cổ" vì cuốn bách khoa ngài viết, "Etymology" (Từ Nguyên Học) đã được dùng như sách giáo khoa trong chín thế kỷ. Ngài còn viết các sách về văn phạm, thiên văn, địa lý, sử ký, và tiểu sử cũng như thần học.
Kế vị anh mình là Ðức Leander, Isidore làm giám mục Seville trong 37 năm, ngài đặt ra các mẫu mực cho một đại diện chính phủ ở Âu Châu, đồng thời ngài tẩy chay các quyết định độc đoán và thành lập các thượng hội đồng để thảo luận về đường hướng của Giáo Hội Tây Ban Nha. Ngài yêu cầu mỗi một giáo phận đều phải có chủng viện, ngài viết quy luật cho các dòng tu và thành lập các môn học thuộc đủ mọi ngành. Thánh Isidore viết rất nhiều sách, kể cả một cuốn tự điển, một bộ bách khoa, một cuốn sử người Gô-tích và một cuốn sử thế giới bắt đầu từ khi Thiên Chúa tạo thành trời đất! Ngài hoàn thành bộ phụng tự Mozarabic mà ngày nay vẫn còn được sử dụng ở Toledo, Tây Ban Nha. 
Ngay khi 80 tuổi, ngài vẫn sống khắc khổ. Trong sáu tháng sau cùng của cuộc đời, ngài gia tăng lòng bác ái đến độ, từ sáng đến tối, nhà của ngài lúc nào cũng đầy người nghèo. Ngài từ trần năm 636 và được Giáo Hội tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Lời Bàn

Mọi người chúng ta phải bắt chước Thánh Isidore về học thức và sự thánh thiện. Lòng bác ái, sự hiểu biết có thể chữa lành và hòa giải những người đau khổ. Chúng ta không phải là những người man rợ như đã xâm lăng Tây Ban Nha thời Thánh Isidore. Nhưng những người sa lầy trong sự giầu sang và choáng ngợp bởi các tiến bộ khoa học và kỹ thuật có thể mất đi lòng bác ái đối với tha nhân.

Copyright © 2010 by Nguoi Tin Huu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét