Thứ Hai
Ngày 04/03/2013
Tuần III
Mùa Chay Năm C
Ê-li-sa từ chối quà của Naaman |
BÀI ĐỌC I: 2 V 5, 1-15a
"Có nhiều người
phong cùi trong Israel, nhưng không có một người nào trong bọn họ được chữa
lành, mà chỉ có Naaman, người Syria ".
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, Naaman, tướng đạo binh
của vua xứ Syria, là người có uy thế đối với vua và được tôn trọng, vì Chúa đã
dùng ông mà cứu dân Syria; ông còn là người hùng mạnh và giàu có, nhưng lại mắc
bịnh phong cùi. Lúc bấy giờ một vài toán dân Syria
bắt một thiếu nữ ở đất Israel
dẫn về để hầu hạ bà Naaman. Cô ta nói với bà chủ: "Chớ chi ông chủ tôi đến
gặp vị tiên tri ở Samaria ,
chắc chắn vị tiên tri ấy sẽ chữa ông khỏi phong cùi". Naaman đến tâu vua
rằng: "Cô nhỏ xứ Israel
đã nói thế này thế này". Vua xứ Syria
liền nói: "Khanh hãy đi, trẫm sẽ gởi cho vua Israel một bức thơ". Naaman ra
đi, mang theo mười lạng bạc, sáu ngàn nén vàng và mười bộ áo. Ông trao cho vua Israel
bức thơ nội dung như sau: "Khi bức thơ này đến tay nhà vua, nhà vua biết
tôi sai Naaman, tôi tớ tôi, đến với nhà vua, để xin nhà vua chữa ông khỏi phong
cùi".
Sau khi đọc bức thơ, vua Israel liền xé
áo và nói: "Ta có phải là Chúa, có thể giết chết và cho sống hay sao mà
vua ấy gởi người đến xin ta chữa lành phong cùi? Các ngươi thấy không, vua ấy
tìm cớ hại Ta đó". Khi Êlisêô, người của Thiên Chúa, nghe tin vua Israel đã xé áo
mình, nên sai người đến tâu vua rằng: "Tại sao nhà vua lại xé áo? Ông ấy
cứ đến với tôi thì sẽ biết trong Israel có một vị tiên tri".
Naaman lên xe ngựa đi, và dừng lại trước cửa
nhà Êlisêô. Tiên tri nói với Naaman rằng: "Ông hãy đi tắm bảy lần ở sông
Giođan, thì da thịt ông sẽ được lành sạch". Naaman nổi giận bỏ đi nói
rằng: "Tôi tưởng ông ấy ra đón tôi và đứng trước tôi kêu cầu danh Chúa là
Thiên Chúa của ông, rồi đặt tay lên chỗ phong cùi của tôi và chữa tôi lành
mạnh. Các con sông Abana và Pharphar ở Đamas không sạch hơn các con sông ở Israel để tôi
tắm và được lành sạch hay sao?" Ông trở về lòng đầy tức giận.
Các đầy tớ của ông đến nói với ông rằng:
"Thưa cha, vị tiên tri có yêu cầu cha làm một việc lớn lao thì cha cũng
phải làm. Phương chi bây giờ người bảo cha: 'Hãy đi tắm, thì được sạch' ".
Naaman xuống tắm bảy lần ở sông Gio-đan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa
dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.
Sau đó ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người
của Thiên Chúa. Đến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói:
"Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên
Chúa ở Israel ".
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 41, 2. 3, và Tv 42, 3.
4
Đáp: Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về
ra mắt Chúa Trời? (x. Tv 41, 3)
1)
Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời ôi! - Đáp.
2)
Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về ra mắt
Chúa Trời? - Đáp.
3)
Xin chiếu giãi quang minh và chân thực của Chúa, để những điều đó hướng dẫn
con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài. - Đáp.
4)
Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan
hỉ, mừng vui. Với cây cầm thụ con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa của
con. - Đáp.
CÂU XƯỚNG
TRƯỚC PHÚC ÂM: Tv 129, 5 và 7
Con
trông cậy Chúa, con mong đợi lời hứa của Chúa, vì nơi Chúa sẵn có lòng từ bi và
chan chứa ơn cứu độ.
PHÚC ÂM: Lc 4, 24-30
"Như Elia và
Elisêô, Chúa Giêsu không phải chỉ được sai đến người Do-thái mà thôi đâu".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
(Khi Chúa Giêsu đến thành Nadarét, Ngài nói
với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng): "Quả thật, Ta bảo các ngươi,
chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình. Ta bảo các
ngươi, chắc hẳn trong thời Elia có nhiều bà goá ở Israel, khi trời hạn hán và
một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không
được sai đến với một người nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá
ở Sarépta xứ Siđôn thôi. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một
người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria ".
Vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều
đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền
đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà
đi. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Quê Hương Ngược
Ðãi Chúa
Một trong những cuốn phim do diễn viên tài ba về kịch câm,
Marxel Marxor thủ diễn có kể câu chuyện như sau:
Một thanh niên đang
lim dim đôi mắt tận hưởng những giây phút tắm nắng tuyệt vời trong một ngày đẹp
trời. Nhưng rồi bỗng nhiên niềm vui của anh bị gián đoạn do tiếng ồn ào của đám
trẻ, tiếng chó, tiếng người qua lại và cả tiếng chim hót. Mọi tiếng động đều có
nguyên do và niềm vui riêng của nó. Tuy nhiên, đối với chàng thanh niên, tất cả
đã trở thành cực hình.
Ðể chống lại sự phiền
muộn ấy, anh ta xây quanh mình một bức tường ngăn cách âm thanh. Mỗi tiếng động
vụt tới là mỗi lần anh gắng sức xây, cứ thế mà bức tường lớn dần, cao dần cho
đến khi ngưng tất cả mọi tiếng động thì bức tường ấy che mất ánh nắng mặt trời
tuyệt vời kia. Bức tường thành một chiếc mồ giam chặt, nhốt kín anh vào trong
đó.
Anh
chị em thân mến!
Dân
tộc Do thái cũng đã được tắm gội ánh sáng. Ðó là niềm tin được trao từ tổ phụ
Abraham. Tuy nhiên, vì tự mãn và ích kỷ, họ đã hành động chẳng khác gì chàng
thanh niên trên. Không chịu mở lòng đón nhận, khiến niềm tin của họ trở thành
khô cằn mất sức sống, xây lên bức tường để bảo vệ mình, hóa ra tự hại lấy mình.
Chúa Giêsu đã chỉ trích thái độ này qua bài Tin Mừng của thánh Luca (Lc
4,24-30).
Anh
chị em thân mến!
Người
Do thái trong hội đường Nazareth
đã tìm cách hãm hại Chúa Giêsu khi Ngài lên tiếng chê trách niềm tin của họ. Có
lẽ ai trong chúng ta cũng bất bình về việc làm của những người này. Nhưng kỳ
thực trong cuộc sống, lắm lúc chúng ta đã sao chép lại nguyên bản việc làm ấy:
tự hào là người Kitô hữu, là người nắm giữ niềm tin, nhưng rồi với một mớ lễ
nghi hình thức, niềm tin trong chúng ta chỉ là ngọn đèn leo lét chực tắt trước
gió. Chỉ là thân cây mất hết nhựa sống chờ ngày gẫy đổ. Ðây là một thứ niềm tin
mà Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường
Hy Vọng" đã nhắc nhở:
"Nhiều người nói: "Tôi có đức tin,
tôi còn đức tin". Có lẽ đức tin là đức tin của giấy khai sinh, không phải
là đức tin của đời sống. Con đừng bao giờ mãn nguyện với một đức tin hình thức
và lý thuyết. Nhưng con phải sống một đức tin chân thật và trung thành. Tự mãn
với chính mình mà không chịu mở lòng đón nhận, khiến người Do thái đã mất Chúa
Giêsu, nền tảng của niềm tin, Ðấng mà họ đang ngóng chờ".
Cũng thế, Kitô hữu nếu chỉ đóng khung trong
những nghi thức, tuân giữ luật lệ, thì sớm muộn gì họ cũng xa rời đức tin là
nguồn mạch sự sống. Vì sống là gì, nếu không là một sự thay đổi luôn luôn. Con
người sẽ chết khi một hệ tuần hoàn không lưu chuyển, hay hệ thần kinh không vận
động. Ðối với đức tin cũng vậy, luôn luôn đòi hỏi một sự trao đổi với Thiên
Chúa và với anh em.
Nếu đối với người Kitô hữu, tin trước hết là
được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương vô cùng. Chúa không phải là Ðấng
bắt con phải kính mến, nhưng Chúa là Ðấng mà con phải để cho Ngài yêu thương
con vô cùng. Nắm được đức tin, con phân biệt đâu là đường hy vọng của tâm hồn
tông đồ, đâu là lối chết của thế gian. Tin là chấp nhận Chúa Giêsu vô điều kiện
và quyết tâm sống chết với Ngài.
Quyết tâm sống chết với Ðức Kitô cần có một
thao thức tìm kiếm. Quyết tâm sống chết với Ðức Kitô đòi buộc phải trao đổi,
cảm thông với anh em, vì Ngài đang hiện diện trong những người anh em ấy.
Lạy Chúa, trong Mùa
Chay thánh này, xin cho con được biết trở về. Trở về, trước hết chính ngay căn
bản niềm tin của con. Một đức tin không có cùng trong những hiểu biết lý thuyết
hoặc những nguyên tắc nghi lễ, nhưng biết mở rộng tâm hồn để đón nhận, để rồi
con sẽ hiểu đâu là ý nghĩa đích thực của đời sống đức tin. Amen.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Thứ Hai Tuần III MC
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Không
một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.
Con
người thường dễ nản chí tức giận, sau khi đã cố gắng hết sức để yêu thương lo
lắng cho người thân yêu, mà họ vẫn vô tâm và làm cho mình phải đau khổ hơn nữa.
Các Bài Đọc hôm nay nói lên những đối xử vô ơn tệ bạc của con người với Thiên
Chúa.
Trong
Bài Đọc I, Sách Các Vua II tường thuật sự kiện tiên tri Elisha chữa khỏi bệnh
cùi cho Naaman, tướng Syria .
Mặc dù là một người Dân-ngọai và kẻ thù của Israel ,
nhưng ông đã thú nhận “không có một Thiên Chúa nào khác trừ Thiên Chúa của Israel .”
Trong Phúc Âm, mặc dù Chúa Giêsu đã dùng lịch sử để vạch ra sự vô ơn và hậu quả
của sự cứng lòng, người Do-Thái vẫn ngoan cố không chịu sửa đổi, còn mang Chúa
lên đỉnh núi và xô Ngài xuống vực thẳm.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Tiên tri Elisha chữa Naaman khỏi bệnh cùi.
1.1/
Hai con người Israel ,
hai niềm tin:
(1)
Người nữ tỳ của vợ ông Naaman: Cô không ghét chủ vì đã bắt mình làm nô lệ; trái lại, cô
còn muốn sự tốt lành cho chủ, kẻ thù của Israel . Cô tuyệt đối tin tưởng và
hy vọng nơi Thiên Chúa sẽ chữa lành qua tiên-tri Elisha. Đây là một hành động
nguy hiểm; vì nếu Naaman không khỏi, cô sẽ mất mạng vì đã đánh lừa ông.
(2)
Vua Israel:
luôn ở trong tình trạng nghi ngờ và sợ sệt người khác muốn làm hại mình. Khi
vua Israelđọc xong thư của vua Aram
thì xé áo mình ra và nói: "Ta đâu có phải là vị thần cầm quyền sinh tử, mà
ông ấy lại sai người này đến nhờ ta chữa hắn khỏi bệnh phung hủi? Các ngươi
phải biết, phải thấy rằng ông ấy muốn sinh sự với ta." Là vua trong nước,
mà vua chẳng biết, và chắc cũng chẳng quan tâm có tiên-tri Elisha, người của
Thiên Chúa có quyền năng chữa bệnh, đang ở trong nước mình. Chính tiên-tri
Elisah, khi nghe biết là vua Israel
đã xé áo mình ra, thì sai người đến nói với vua: "Sao vua lại xé áo mình
ra? Người ấy cứ đến với tôi, thì sẽ biết là có một ngôn sứ ở Israel ."
1.2/
Niềm tin của Naaman được củng cố bởi các đầy tớ của ông.
(1)
Phải khiêm nhường: Kiêu ngạo vì muốn giữ thể diện hay vì tự ái dân tộc là những lý
do làm con người không nhận ra và không lãnh nhận được hồng ân Thiên Chúa. Ông
Naaman tức giận vì tiên-tri Elisha không thân hành ra tiếp ông, nhưng qua sứ
giả. Ông cần người tiên tri làm ơn, chứ tiên tri đâu có cầu ơn ông đâu mà phải
thân hành ra tiếp. Điều vô lý nữa là ông Naaman đã có sẵn trong đầu những gì
tiên tri phải làm để chữa ông, và tức giận khi tiên-tri không làm như thế. Đã
bao nhiêu lần chúng ta cũng có sẵn những ý tưởng trong đầu và muốn Thiên Chúa
cũng như tha nhân phải thi hành như vậy để giúp ta! Sau cùng, ông cũng hãnh
diện hão về các con sông trong xứ sở của mình: “Nước các sông Avana và Pharpar
ởDamascus chẳng tốt hơn tất cả nước sông ở Israel sao? Ta lại không thể tắm ở
các sông ấy để được sạch hay sao?"
(2) Phải bình tĩnh để
nhận ra điều đơn giản (common sense) của cuộc sống: Có những điều quá
thông thường mà khi con người nóng giận, họ sẽ không nhìn ra. Khi thấy chủ mình
tức tối bỏ về, các tôi tớ của ông đến gần và nói: "Cha ơi, giả như ngôn sứ
bảo cha làm một điều gì khó, cha có thể có lý do không làm! Đàng này ngôn sứ
chỉ nói: Ông hãy đi tắm, thì sẽ được sạch!" Nhận ra sự nóng giận vô lý của
mình, ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Jordan , theo lời người của Thiên
Chúa. Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Ông đã được sạch.
(3)
Naaman tuyên bố niềm tin vào Thiên Chúa: Cùng với đoàn tuỳ tùng, ông trở lại gặp người
của Thiên Chúa. Lần này Ông vào, đứng trước mặt tiên-tri và nói: "Nay tôi
biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Israel .”
Điều
trớ trêu là một tướng ngọai bang, kẻ thù của Do-thái lại có đức tin hơn một ông
vua của Do-thái. Ông tin vào một nữ tỳ và lặn lội lên đường đi tìm đến người
của Thiên Chúa là tiên-tri Elisha. Ông được chữa lành và tuyên xưng niềm tin
của ông vào Thiên Chúa.
2/
Phúc Âm: Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.
2.1/
Chúa dạy dân bài học lịch sử: Trình thuật hôm nay tiếp tục tường thuật cuộc trở về Nazareth , quê hương của
của Chúa Giêsu. Sau khi đọc Sách tiên-tri Isaiah, khán giả đồng hương ngồi
xuống, và Chúa bắt đầu rao giảng. Thay vì là một cuộc vinh quy bái tổ, họ bắt
đầu khinh thường Chúa. Ngài mời họ nhìn lại lịch sử để đừng tái diễn những điều
không nên làm. Người nói tiếp: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ
nào được chấp nhận tại quê hương mình.” Chúa Giêsu dẫn chứng lời Ngài nói bằng
hai ví dụ:
(1)
Tiên-tri Elijah cho hũ bột của bà góa tại Zarepta, Sidon, không cạn: "Thật vậy, tôi
nói cho các ông hay: vào thời ông Elijah, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu
tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Israel; thế mà
ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá
thành Zarepta miền Sidon.”
(2)
Tiên-tri Elisha chữa Naaman, tướng Syria, khỏi bệnh cùi: “Cũng vậy, vào thời
ngôn sứ Elisah, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không người
nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Syria thôi."
2.2/
Lịch sử tái diễn: “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy,
lôi Người ra khỏi thành - thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận
đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.”
-
Không giống Naaman, họ không kiềm chế được tính kiêu ngạo, nóng giận. Họ nghĩ
là Chúa Giêsu xúc phạm tới danh dự dân tộc của họ. Thực sự, Chúa Giêsu chỉ muốn
giúp họ nhìn ra sự thật; nhưng họ từ chối không làm.
-
Không giống Naaman, họ không nhìn ra những đơn giản của cuộc sống. Lịch sử dạy
con người những bài học quí giá: Hãy nhìn gương của những người đi trước; nếu
họ làm những quyết định khôn ngoan sinh lợi ích, hãy bắt chước; nếu họ làm
những quyết định điên rồ, đừng bắt chước họ làm như vậy.
Điều
trớ trêu là cũng một Bà gốc Phoenician, có con gái bị quỉ ám ở Sidon, kiên nhẫn
tin tưởng vào Chúa Giêsu đến độ câu trả lời của Bà làm Chúa Giêsu phải ngạc
nhiên và chữa lành con gái Bà: “Vâng, nhưng chó con cũng được ăn những thứ từ
trên bàn của chủ rơi xuống!” Trong khi những người đồng hương với Chúa, đã
không tin tưởng, còn tức giận xô Chúa xuống vực thẳm! Sự thật phũ phàng, khó
tin, nhưng vẫn đang xảy ra!
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
-
Khi nào chúng ta cảm thấy nản chí, muốn bỏ cuộc trong việc yêu thương và giúp
dỡ người khác; hãy nhớ Lời Chúa nói: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại
quê hương mình.”
-
Nếu Chúa đã làm ơn và bị đối xử như thế, chúng ta là môn đệ Ngài cũng phải đồng
chịu số phận. Nhớ rằng chúng ta chưa chịu vô ơn đến độ treo thân trên Thập Giá.
-
Điều này giúp mở mắt chúng ta để nhận ra những hồng ân Thiên Chúa và những sự
giúp đỡ của tha nhân không ngừng đổ trên ta; để đừng bao giờ đối xử vô ơn tệ
bạc với người thi ơn như vậy.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
04/03/13 THỨ HAI TUẦN 3 MC
Th. Caximia
Lc 4,24-30
Th. Caximia
Lc 4,24-30
TRUYỀN GIÁO, MỘT ĐÒI BUỘC
“Không
một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4,24)
Suy niệm:
Loan báo Tin Mừng đã khó khăn, loan báo Tin Mừng cho người nhà hay người thân
thuộc, đồng hương của mình lại càng khó khăn hơn nữa, kể cả đối với Chúa Giêsu.
Những người đồng hương đóng khung Chúa trong lý lịch trần thế của Ngài, nào là
bác thợ mộc, nào là con ông Giuse và bà Maria, v.v… nên thay vì nhận thấy quyền
năng Thiên Chúa trong những việc Ngài làm và Tin Mừng Ngài loan báo, thì họ lại
tẩy chay, chống đối Chúa, thậm chí còn tìm cách sát hại Ngài. Dẫu biết “không
một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương”, Chúa Giêsu vẫn công bố Lời
Kinh Thánh hôm nay ứng nghiệm, vì đó là sứ mạng Chúa Cha trao cho. Ngài ý thức
cách đầy đủ rằng Ngài không phải tự ý mà là được Chúa Cha sai đến để thực hiện
sứ mạng loan báo Tin Mừng như một đòi buộc của tình hiếu thảo với Chúa Cha và
của tình thương xót đối với mọi người mà Ngài nhận là anh em.
Mời Bạn:
Quá khứ đầy vấp váp và cả hiện tại nhiều khuyết điểm của chúng ta thường làm
chúng ta ngại ngùng loan báo về Chúa cho người nhà và người lân cận. Nhưng Chúa
không cho phép chúng ta tránh né sứ mạng cao cả ấy ngay trong gia đình, gia tộc
mình, vì truyền giáo là bản chất của Hội Thánh và của mỗi một Kitô hữu. Đừng
quên rằng vì có nhiều Kitô hữu quá tầm thường nên việc truyền giáo hôm nay đang
èo uột.
Sống Lời Chúa:
Siêng năng đọc Lời Chúa, và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đức tin cho người thân
của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa sai con truyền giáo mọi lúc, mọi nơi, ngay
trong gia đình con. Xin cho con mạnh dạn theo Chúa trong sứ vụ này.
BĂNG QUA GIỮA HỌ MÀ ĐI
Đức Giêsu chẳng bao
giờ coi thường Nazareth, quê nhà của mình. Nhưng sứ mạng của Ngài trải rộng hơn
Nazareth nhiều.
Ngài cho thấy mình không bị trói buộc bởi mối dây làng xã...
Suy niệm:
Trong Mùa Chay Giáo Hội cho chúng
ta nghe về kết cục khá bất ngờ và đau đớn của Đức Giêsu khi Ngài trở về với hội
đường của làng Nazareth
thân quen. Nơi đây Ngài gặp lại những người đồng hương. Họ ngỡ ngàng trước
những lời Ngài giảng. Họ muốn Ngài làm những điều Ngài đã làm ở Caphácnaum (Lc
4, 23). Nhưng Đức Giêsu đã đáp lại bằng câu tục ngữ: “Không một ngôn sứ nào
được chấp nhận nơi quê nhà của mình” (c. 24). Đức Giêsu tự nhận mình là một
ngôn sứ. Như những ngôn sứ khác trong lịch sử Israel , Ngài cũng không được đón
nhận và tin tưởng bởi những người cùng quê. Họ nghĩ mình đã quá biết Ngài, biết
gia tộc, biết nghề nghiệp, biết quá khứ từ ấu thơ đến lúc trưởng thành. Chính
cái biết ấy, đúng nhưng không đủ, lại trở thành một chướng ngại cho việc họ
nhận ra Ngài thật sự là ai. “Ông này không phải là con ông Giuse sao?”
(Lc 4, 22). Đúng Ngài là con ông Giuse, một người thợ mộc. Đúng ngài là ông thợ
mộc độc thân người làng Nazareth .
Giêsu Nazareth là tên được ghi trên thập tự, Nazareth sẽ mãi mãi đi với tên Ngài để phân
biệt ngài với những Giêsu khác. Đức Giêsu chẳng bao giờ coi thường Nazareth , quê nhà của
mình. Ngài quen biết những khuôn mặt trong hội đường này và yêu mến họ. Nhưng
sứ mạng của Ngài trải rộng hơn Nazareth
nhiều. Ngài cho thấy mình không bị trói buộc bởi mối dây làng xã, cũng không bị
giữ chân bởi những người đồng bào cùng tôn giáo. Để biện minh cho thái độ rộng
mở của mình, Đức Giêsu đã nhắc đến hành động của hai vị ngôn sứ thời Cựu Ước.
Êlia, vị ngôn sứ đầy quyền năng, được Thiên Chúa sai đến với một bà góa. Bà này
là một người dân ngoại sống ở Siđôn vùng dân ngoại. Êlisa, vị ngôn sứ học trò
của Êlia, đã chữa bệnh phong cho Naaman. Ông này là người dân ngoại, chỉ huy
đạo quân của Syria .
Như thế các vị ngôn sứ nổi tiếng đã không bị bó hẹp trong dân Do thái. Họ đã mở
ra với dân ngoại. Đức Giêsu cũng chẳng bị giới hạn bởi bất cứ biên cương nào.
Ngài chẳng dành cho quê nhà Nazareth
một ưu tiên nào. Phải chăng vì thế mà Ngài làm họ phẫn nộ đến độ muốn xô Ngài
xuống vực? Mối đe dọa lại đến từ chính những người đồng hương. Làm sao chúng ta
nhận ra và chấp nhận những ngôn sứ bề ngoài rất bình thường đang sống trong
cộng đoàn chúng ta hôm nay?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, dân làng Nazareth đã không tin Chúa vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công. Các môn đệ đã không tin Chúa khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự. Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúahiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối, trong một Hội thánh còn
nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình nơi những gì thế gian chê
bỏ, để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Ê-li-a và bà góa |
Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. (Lc. 4, 24)
Lại thêm một lần đòi dấu lạ. Con người nổi dậy chống Thiên Chúa, họ đòi Ngài phải chứng tỏ sứ vụ tiên tri của Ngài bằng cách làm hài lòng và thỏa mãn họ. Nhưng Thiên Chúa phải cúi phục trước con người sao? Thiên Chúa ban ơn cứu độ, nhưng Ngài chỉ ban cho kẻ tin kính vâng lời Ngài, cho kẻ trông chờ trong kiên nhẫn âm thầm. Ngài đòi có đức tin, vâng lời nhận lãnh biết ơn đối với tất cả tâm tình của họ.
Dân làng Na-gia-rét không nhận biết Đức Giê-su, vì họ phán đoán hoàn toàn theo sở thích loài người. Đức Giê-su là ngôn sứ, Người hành động theo sứ mạng Thiên Chúa.
Không phải những đòi hỏi của người trần ấn định cho hành động của các ngôn sứ, của Đức Ki-tô, các ngài không hành động vì lợi riêng cho mình. Các ngài chỉ hành động theo ý Thiên Chúa. Ngôn sứ không được hành động theo quyết định bản thân mình, nhưng luôn luôn theo quyết định của Thiên Chúa, Đấng đã sai mình.
Thiên Chúa quyết định cho hai ngôn sứ: Ê-li-a và Ê-li-sê đến làm phép lạ cứu giúp những người lương dân, chứ không cứu người đồng hương. Đức Giê-su không hoàn toàn đến thực hiện ơn cứu độ cao cả cho quê hương mình, Người phải đi cứu độ những người dân xa lạ. Thiên Chúa dành cho mình có quyền tự do phân phát ơn cứu độ.
Không ai có thể đòi quyền được ơn cứu độ. Quả thật như vậy, không ai được phép đòi có quyền đó, phải tin ơn cứu độ mình được là nhưng không. Nước Thiên Chúa mà Đức Giê-su rao giảng và thực hiện ơn cứu độ cho những người Thiên Chúa yêu thương. Ơn cứu độ là một ân huệ chứ không do công lao mình làm. Nhưng đó là ân huệ chúng ta được quyền hưởng vì Đức Giê-su đã chết cho chúng ta, và chúng ta phải sống hoàn toàn theo ý Cha của Người, đó là điều kiện căn bản, còn chúng ta vẫn có tự do đón nhận hay từ chối ơn cứu độ.
Nhờ Đức Giê-su, Thiên Chúa đến viếng thăm dân Ngài và ban các ân huệ dồi dào, xưa kia Ngài cũng ban cho dân như vậy qua các ngôn sứ, số phận các ngôn sứ thế nào thì số phận Đức Giê-su cũng vậy.
J.M
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên Tháng Ba
4 THÁNG BA
Đến Gần
Thiên Chúa,
Chúng Ta
Sẽ Được Biến Đổi
Hằng năm, qua phụng vụ,
Mùa Chay nhắc lại cuộc gặp gỡ của Mô-sê với Thiên Chúa hằng sống. Tại gốc rễ
kinh nghiệm đức tin của chúng ta, chúng ta phải thấy bật ra sự cao cả khôn dò
của Thiên Chúa. Thiên Chúa vượt quá các cảm quan và vượt quá trí hiểu của chúng
ta; thế nhưng, Ngài lại hiện diện với chúng ta. Cũng như Ngài đã tự tỏ hiện cho
Mô-sê, Ngài cũng tự tỏ hiện cho chúng ta.
Sự hiện diện và quyền
năng của Thiên Chúa được đổ tràn xuống trên Mô-sê, và cuộc đời ông đã được biến
đổi. Ông có được sức mạnh và quyền lực mới. Vâng, Mô-sê vốn cảm nhận sâu sắc
tình cảnh bị áp bức của dân mình tại Ai-cập và vốn khát vọng giải phóng họ khỏi
cảnh nô lệ. Nhưng ông đã không có đủ sức để thực hiện điều ấy… Ông đã phải trốn
thoát qua đất Midian sau khi hạ sát một người Ai-cập.
Bấy giờ, Thiên Chúa gọi
đích danh ông và tỏ cho ông biết danh tánh Ngài. Qua Danh này, quyền năng của
Thiên Chúa được biểu lộ nơi Mô-sê, một quyền năng sẽ thực hiện bao sự việc lạ
lùng. Mô-sê trở lại Ai-cập, đứng trước mặt Pha-ra-on, và với quyền năng Thiên
Chúa, ông thuyết phục được nhà vua. Cũng chính nhờ quyền năng Thiên Chúa, ông
đã vượt qua được sự yếu đuối và nhút nhát của đồng bào mình. Ông giải thoát họ
khỏi ách nô lệ bên Ai-cập. Vì thế, Mô-sê trở thành công cụ của cuộc Xuất hành –
tức cuộc Vượt Qua của giao ước cũ. Trong cuộc Xuất hành này, Thiên Chúa tự biểu
lộ chính Ngài như “Đấng Giải Phóng”. “Ta là Đức Chúa, là Thiên Chúa của các
ngươi; Ta đã dẫn đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, ra khỏi cảnh nô lệ” (Xh
20,2).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by
Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Casimirô
2V 5, 1-15a; Lc 4, 24-30
LỜI SUY NIỆM: “Người
nói tiếp: Tôi bảo thật các ông; không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê
hương mình” (Lc 4,24)
Cũng như trong Tin
Mừng của Gioan ở câu 11 chương một đã đề cập đến: Người đã đến nhà mình, nhưng
người nhà chẳng chịu đón nhận”. Thiên Chúa đã quá yêu thương nhân loại. Ngài là
Đấng Tự Hữu và cũng là Đấng Hiện Hữu với nhân loại. Trong kế hoạch yêu thương,
cứu độ của Ngài, qua từng thời kỳ lịch sử của nhân loại Ngài đều dùng các ngôn
sứ của Ngài để mạc khải tình yêu thương và sự cứu độ của Ngài đối với toàn thể
nhân loại. Cuối cùng Thiên Chúa đã ban chính Con Một của Ngài đến để thể hiện
tình thương và cứu độ của Ngài. Nhưng đến tận bây giờ số người trong nhân loại
đón nhận Ngài là bao nhiêu? Ước gì mỗi Ki-tô hữu luôn biết quan tâm, ý thức bổn
phận và trách nhiệm của mình mà hy sinh, quên mình để cọng tác vào trong chương
trinh yêu thương nhân loại với Thiên Chúa. Để toàn nhân loại sớm biết đón nhận
và tin Ngài.
Mạnh Phương
04 Tháng Ba
Các Con Hãy Nên Trọn Lành!
Người ta kể lại rằng
thánh Antôn ẩn tu đã tìm đến gặp một người thợ giày, vì nghe đồn rằng người thợ
giày này có một đời sống đạo đức lạ thường. Ðể hỏi đâu là bí quyết để nên
thánh, người thợ giày đáp gọn: "Tôi chỉ biết đóng giày".
Ngạc nhiên vô cùng,
thánh Antôn hỏi vặn lại: "Nếu chỉ có thế thì làm sao mà gọi là thánh thiện
được. Tôi đây, tôi tưởng nghĩ đến Chúa từng phút giây. Ông có bí quyết gì khác
nữa không?". Người thợ giày giải thích: "Tôi làm việc 8 giờ, cầu
nguyện 8 giờ và ngủ nghỉ 8 giờ".
Thánh Antôn vẫn chưa cho
đó là cuộc sống lý tưởng. Ngài cho biết, ngài cầu nguyện từng phút giây.
"Vậy ông sống đức khó nghèo như thế nào?". Người thợ giày bảo:
"Tôi cho Giáo hội một phần ba của cải của tôi, một phần ba tôi bố thí cho
người nghèo và một phần ba tôi giữ lại cho tôi". Thánh Antôn chưa cho đó
là bí quyết nên thánh trọn hảo, bởi vì chính ngài đã phân phát tất cả của cải
của ngài cho Giáo hội và người nghèo...
Thánh nhân vặn hỏi
mãi, cuối cùng người thợ giày mới khai ra bí quyết của ông như sau: "Mặc
dù tôi phân phát một phần ba tiền lương của tôi cho người nghèo, nhưng đêm ngày
tôi không ngủ yên được khi tôi nhìn thấy cảnh nghèo xung quanh tôi, đến độ tôi
đã thưa với Chúa: Chúa ơi, thà để con đi hỏa ngục còn hơn nhìn thấy những người
khốn khổ này phải triền miên trong cảnh nghèo đói...".
Nghe đến đó, thánh
Antôn đã bỏ ra về. ngài chợt hiểu rằng ngài chưa đủ thánh thiện như người thợ
giày này đến độ dám hy sinh tất cả chỉ vì người nghèo.
Có rất nhiều cách để nên thánh, nhưng dường
như không có một mẫu mực thánh thiện chung cho tất cả mọi người. Có người nên
thánh ngay trong bấc sống của mình giữa trần gian. Có người chịu tử đạo. Có
người sống trong bậc tu trì. Mỗi một vị thánh là một cách sống.
Tuy nhiên giữa khung khác biệt đó vẫn có một
mẫu số chung cho tất cả mọi cuộc sống thánh thiện: đó là Tình Yêu. Thánh Phaolô
trong bài ca đức ái đã nói: "Dù tôi có thể nói được các tiếng lạ lùng, dù
tôi có thể làm được phép lạ chuyển núi di sông, dù tôi có làm được không biết
bao nhiêu công trình... nếu tôi không có tính đức bác ái, tôi chỉ là một thứ
thùng rỗng...".
Không có đức bác ái, không có tình yêu thì tất
cả tòa nhà đạo đức của chúng ta chỉ được xây dựng trên hão huyền mà thôi. Chúa
Giêsu cũng đã nói với chúng ta: "Các con hãy nên trọn hảo như Cha các con
trên trời". Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người
không loại trừ ai. Và cuối cùng vì yêu thương con người, Thiên Chúa đã hóa thân
làm người như chúng ta... Ðó là tận cùng của Tình Yêu!
Người thợ giày trong câu chuyện của thánh
Antôn không những dành của cải của mình cho người nghèo, ông còn tưởng nghĩ đễn
người nghèo như chính lẽ sống của mình. Thánh Antôn đã nhận ra đó là bí quyết
cao cả nhất để nên thánh. Bố thí tất cả của cải của mình, xa lánh tất cả các
thú vui của cuộc sống, đêm ngày ăn chay cầu nguyện là điều tốt. Nhưng nếu sống
như thế chỉ để tìm cho mình sự thanh thản trong tâm hồn mà phải sợ người khác
quấy rầy, thì một cuộc sống như thế chưa phải là lý tưởng nhất.
"Hãy
nên trọn lành như Cha các con trên trời". Ðó phải là lý tưởng
của người Kitô chúng ta. Cha trên trời yêu thương tất cả mọi người. Cha trên
trời đã yêu thương con người đến nỗi đã phó ban chính Con Một của Ngài. Thiên
Chúa chỉ được gọi là Cha bởi vì Ngài sống cho con cái của mình... Sự sống Ngài
ban cho chúng ta chỉ có thể triển nở và có ý nghĩa nếu nó cũng được sống cho
tha nhân.
(Lẽ Sống)
Thứ Hai 4-3
Thánh Casimir
(1458 - 1483)
C
|
Ngay từ nhỏ, Casimir đã cảm thấy cuộc đời mình thuộc về một người nào đó, mà vị Vua ấy cao cả hơn cha ngài nhiều. Bất kể những áp lực, nhục nhã và bị tẩy chay, ngài vẫn giữ sự trung tín ấy trong suốt cuộc đời.
Ngay từ nhỏ Casimir đã dâng mình cho Chúa. Một trong những động lực tận hiến ấy là nhờ người giám hộ, John Dlugosz, mà sự thánh thiện của ông đã khuyến khích Casimir trên hành trình cuộc đời.
Thật khó để chúng ta tưởng tượng rằng đời sống vương giả lại là một áp lực. Nhưng đối với Casimir, sự sang trọng chung quanh ngài là những cám dỗ để phản bội sự trung tín đích thực. Ðể chống đối những quần áo sang trọng, đắt tiền mà người ta cho rằng ngài sẽ vui thích, ngài mặc những quần áo bình dân nhất.
Khước từ ngay cả sự tiện nghi bình thường, ngài ngủ ít và dành thời giờ ban đêm để cầu nguyện. Và thay vì nằm trên giường nệm, ngài ngủ trên sàn nhà. Mặc dù ngài là hoàng tử, nhiều người chung quanh đã nhạo cười ngài về những điều ấy. Tuy nhiên, trước bất cứ áp lực nào, Casimir vẫn thản nhiên và thân thiện.
Chắc chắn cha ngài phải kinh ngạc về thái độ của con mình, nhưng có lẽ ông cũng nhìn thấy và thán phục sức khỏe của Casimir. Lầm tưởng về điều ấy nên ông đã sai Casimir dẫn một đạo quân sang xâm chiếm
Tuy nhiên, vua cha quá tức giận vì hoạch định của ông bị thất bại, nên ông đã trục xuất Casimir, lúc ấy mới 15 tuổi, đến một lâu đài ở Dobzki, hy vọng rằng sự tù đầy sẽ thay đổi ý định của Casimir. Nhưng trong thời gian lưu đầy, ý định ban đầu của Casimir mà ngài tin là đúng lại càng gia tăng mạnh mẽ hơn, và ngài từ chối cộng tác trong mọi hoạch định của vua cha bất kể bất cứ áp lực nào. Ngài từ chối cả cuộc hôn nhân do cha ngài sắp đặt. Ngài chỉ cộng tác với chương trình của vị Vua đích thực qua sự cầu nguyện, học hỏi và giúp đỡ người bất hạnh.
Ngài từ trần vì bệnh phổi khi mới 23 tuổi trong thời gian đến thăm Lithuania, mà ngài cũng là Ðại Công Tước của quốc gia này. Ngài được mai táng ở
Ngài được đặt làm thánh quan thầy của Ba Lan và
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét