THỨ HAI
25/03/2013
Thứ Hai Tuần
Thánh
Bài Ðọc I: Is 42, 1-7
"Người sẽ không
lớn tiếng; không ai nghe tiếng người ở công trường".
Trích
sách Tiên tri Isaia.
Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta
tuyển chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét
xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai, không ai nghe tiếng
người ở công trường. Người không bẻ gãy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn
còn khói. Người sẽ xét xử trong công lý. Người sẽ không buồn phiền, không nao
núng, cho đến khi đặt công lý trên mặt đất, vì các đảo mong đợi lề luật người.
Chúa là Thiên Chúa đã phán như thế, Người là
Ðấng đã tác tạo và mở rộng các tầng trời, đã củng cố mặt đất và các sản phẩm
của nó, đã ban hơi thở cho dân sống trên mặt đất và ban sức sống cho những kẻ
trên đó. Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn
giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con
mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục
những người ngồi trong tối tăm.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 26, 1. 2. 3. 13-14
Ðáp: Chúa là sự sáng, và là Ðấng cứu độ tôi (c. 1a).
Xướng: 1) Chúa là sự sáng,
là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? - Ðáp.
2)
Khi những đứa ác xông vào để xả thịt tôi, bọn thù ghét tôi sẽ xiêu té và ngã
gục. - Ðáp.
3)
Nếu thiên hạ đồn binh hạ trại để hại tôi, lòng tôi sẽ không kinh hãi; nếu thiên
hạ gây chiến với tôi, tôi vẫn tự tin. - Ðáp.
4)
Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh.
Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa! -
Ðáp.
Câu Xướng Trước Phúc Âm:
Kính
chào Vua chúng con: Chỉ có nhà Vua là người thương hại đến những lỗi lầm của
chúng con.
Phúc Âm: Ga 12, 1-11
"Hãy để mặc cô ấy
làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến
làng Bêtania, nơi Ladarô đã chết được Người cho sống lại. Tại đây người ta dọn
bữa cho Người ăn. Martha hầu bàn. Còn Ladarô cũng là một trong những kẻ đồng
bàn với Người. Bấy giờ Maria lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng, và
xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Hương thơm toả đầy nhà. Một môn
đệ là Giuđa Iscariô, kẻ sẽ phản nộp Người, liền nói: "Sao không bán dầu
thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó?" Hắn nói thế không phải
vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi
tiền, nên bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó. Vậy Chúa Giêsu nói: "Hãy
để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta. Vì các ngươi sẽ có người
nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu".
Có đám đông người Do-thái biết Người đang ở
đó, nên tuôn đến, không những vì Chúa Giêsu, mà còn để thấy Ladarô, kẻ đã chết
được Người cho sống lại. Thế là các Thượng tế quyết định giết luôn cả Ladarô,
vì tại ông mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu.
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Xức Dầu Chân
Chúa
Một cựu sĩ quan hải quân là một tu sĩ dòng Ða
Minh, người Pháp, cùng với các nhà chuyên môn thiện chí khác và cha Louis đã có
công khởi xướng lập nên một học thuyết, đồng thời cũng là một nhóm dấn thân
trong xã hội, có tên gọi là: "Kinh Tế và Nhân Bản". Nhóm này có mục
đích phát động một nền kinh tế phục vụ con người.
Sau khi nghiên cứu và đúc kết thành một học
thuyết, thì họ lần lượt cho xuất bản nhiều sách báo, vạch ra một đường hướng
phục vụ thế giới một cách mới mẻ. Ai muốn hưởng ứng thì cứ vận dụng vào cách
sáng tạo, vào hoàn cảnh sống của địa phưong mình. Cha Louis đã du hành khắp nơi
để trình bày đường lối của mình về kinh tế và nhân bản. Cha thường nhấn mạnh
rằng: "Phải làm sao để vừa phát triển kinh tế vừa phát triển con người
toàn diện về mọi mặt, vật chất cũng như tinh thần và phát triển đồng đều trên
mọi miền khắp thế giới".
Mặc dù dấn thân hoạt động nhiều, nhưng cha
không bao giờ quên canh tân chính cuộc sống thiêng liêng của mình. Cha đã dọn
ra một lời nguyện sau đây để hằng ngày dùng đến mà kiểm điểm đời sống: Lạy
Chúa, lỗi tại con; tại con không chân thành yêu thương anh chị em. Tại con
không cảm thấy đau khổ trước những cảnh khốn cùng của anh chị em. Tại con thờ ơ
lãnh đạm bên cạnh người xấu số. Tại con khinh dễ nhiều người, nhất là những
người mang thân phận nghèo hèn, những người có kiến thức kém cỏi hơn con.
Tại con đã để cho kẻ khác phải chờ đợi. Tại
con đã quên hay thất hứa khi con đã hẹn với người khác. Tại con không giữ đúng
những lời cam kết. Tại con không ăn ở dễ dãi với kẻ khác, không sẵn sàng với
người khác. Tại con không biết tìm hiểu những hoàn cảnh của người ta. Tại con
đã chối giúp đỡ họ do tính ích kỷ của con. Tại con đã không ra tay xoa dịu một
vết thương mà đáng lẽ con phải làm. Tại con đã làm thương tổn cho người ta
nhiều, vì lời ăn tiếng nói của con. Tại con đã hạ bệ những kẻ đối nghịch với
con. Tại con đã láo xược và ăn ở bất công. Tại con đã làm gương xấu quá nhiều,
nên anh chị em con đã bị tổn thương nhiều vừa hồn vừa xác. Lạy Chúa, lỗi tại
con. Xin Chúa thương tha thứ cho con. Và con cũng xin Chúa tha thứ cho những
anh chị em đã vì lỗi của con mà sống bất xứng.
Anh
chị em thân mến!
Mẫu gương và lời cầu nguyện trên của cha Louis
mời gọi chúng ta nhìn về thái độ dấn thân của mình trong những công tác xã hội.
Chúng ta muốn phục vụ anh chị em vì tình thương Chúa hay vì những lợi lộc riêng
tư cho bản thân và gia đình mình.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được dịp
nhìn thấy thái độ bênh vực người nghèo của tông đồ Giuđa phản bội Chúa. Giuđa
tuyên bố như thể mình muốn phục vụ người nghèo, nhưng thực ra chỉ nghĩ đến lợi
lộc riêng tư.
Nhưng về phần Maria, bà không thuộc nhóm 12
tông đồ được chọn sống luôn bên cạnh Chúa để lắng nghe Ngài chỉ dạy, nhưng
Maria đã hướng về Chúa với hết tâm hồn của mình và đã thực hiện một việc được
Chúa xem như là có giá trị tiên tri loan báo mầu nhiệm khổ nạn của Chúa. Trong
khi đó thì Giuđa Iscario, một trong số 12 tông đồ đã được chọn lại có tâm địa
khác, ông chỉ nghĩ đến lợi lộc riêng tư. Ông sống bên cạnh Chúa nhưng đã không
thực sự gặp được Ngài.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận,
tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã lưu ý đến những người con tinh
thần như sau: Lâu nay, cha thấy con đi kề bên Chúa mà không thấy Chúa, không
gặp Chúa, không suy tư với Chúa, không đối thoại với Chúa, không hành động với
Chúa. Con không an vui trong tâm hồn và con dấn thân một mình ngoài Chúa. Con
đã mời Chúa lui về nhà thờ. Sự ly dị giữa cuộc sống đạo ở nhà thờ và ngoài xã
hội là nguyên tố tai hại nhất trong thời đại chúng ta. Cả cuộc sống con phải
loan truyền và tuyên xưng với hết tâm hồn thống hối và yêu thương. Và với một
hành động mà người ngoài có thể cho là một hành động điên khùng uổng phí, nhưng
trước mặt Chúa, đó là một hành động nêu gương sáng cho kẻ khác.
Lạy Chúa, xin ban ơn
thanh luyện tâm hồn con khỏi mọi hình thức vụ lợi, ích kỷ, để con yêu mến Chúa
thật lòng và phục vụ anh chị em xung quanh mỗi ngày một thiết thực, hữu ích
hơn. Amen.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Hai Tuần
Thánh
Bài đọc: Isa 42:1-7; Jn
12:1-11.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người Tôi Trung thực thi sứ vụ tới cùng.
Chúng ta bước vào Tuần Thánh, Tuần cực trọng
nhất của Năm Phụng Vụ. Các Bài Đọc tuần này tập trung hòan toàn vào Chúa Giêsu,
Người Tôi Trung của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ nghe tất cả Bốn Bài Ca về Người Tôi
Trung của Thiên Chúa từ tiên tri Isaiah: Bài ca thứ nhất hôm nay, Bài ca thứ
hai ngày mai, Bài ca thứ ba ngày thứ tư, và Bài ca thứ bốn trong ngày Thứ Sáu
Tuần Thánh. Mỗi Bài ca cho chúng ta nhìn thấy những khía cạnh khác nhau của
Người Tôi Trung; tổng kết tất cả bốn Bài ca cho chúng ta cái nhìn rõ ràng về
con người và sứ vụ của Đức Kitô, Người Tôi Trung của Thiên Chúa. Chúng ta có
thể đối chiếu những điều này với những gì xảy ra cho Ngài trong tuần cuối cùng
trên trần thế để biết rằng: Tất cả đã được sắp xếp bởi Thiên Chúa, mặc khải bởi
tiên-tri Isaiah 700 năm trước công nguyên, và hòan thành bởi Đức Kitô.
Trong
Bài Đọc I, tiên tri Isaiah nói về mối liên hệ giữa Thiên Chúa và Người Tôi
Trung, sứ vụ của Ngài là làm sáng tỏ đức công chính của Thiên Chúa, và cách
Ngài đạt mục đích là qua thái độ khiêm nhường phục vụ, thương yêu mọi người, và
trung thành đến cùng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thẳng thắn phê bình Judah
để bảo vệ hành động yêu thương Chúa của Maria. Ngài không sợ âm mưu của bạo lực
khi cho Lazarô sống lại từ cõi chết và dùng bữa với chị em ông tại Bethany .
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bài ca thứ nhất về Người Tôi
Trung của Thiên Chúa:
1.1/
Liên hệ giữa Thiên Chúa và Người Tôi Trung: Đây không phải là một người thường, nhưng là
Người được Thiên Chúa tuyển chọn: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người
Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho Thần Khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm
sáng tỏ công lý trước muôn dân.”
Thiên
Chúa, Đấng sáng tạo mọi sự trong vũ trụ, Đấng trải rộng mặt đất với hoa màu
tràn lan, Đấng ban hơi thở cho dân trên mặt đất, ban sinh khí cho toàn thể cư
dân. Người phán thế này: "Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm
sáng tỏ đức công chính của Ta."
1.2/
Sứ vụ và cách đạt mục đích của Người Tôi Trung:
(1)
Sứ vụ của Người Tôi Trung: làm sáng tỏ công lý của Thiên Chúa trước mặt muôn dân:
“Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh
sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những
người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.”
(2)
Cách thi hành sứ vụ: Rất khác với cách của con người thường. Những đức độ của Người
Tôi Trung được tiên tri Isaiah mô tả như sau:
-
Khiêm nhường:
“Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường.”
-
Thương yêu:
“Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi.”
-
Trung thành đến cùng: “Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Nó không yếu hèn,
không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa
xăm đều mong được nó chỉ bảo.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu khiển trách Judah
Iscariot và bảo vệ hành động của Maria.
Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đến làng
Bethany , nơi
anh Lazarô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta
dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giêsu; cô Martha lo hầu bàn, còn anh Lazarô là một
trong những kẻ cùng dự tiệc với Người.
2.1/
Hai con người với hai thái độ ngược nhau:
(1)
Maria yêu Chúa không tính tóan: “Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và
quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm.” Đây là
lần thứ hai Maria được tường thuật ngồi dưới chân Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng
Luca, cô được Chúa Giêsu khen, vì đã ngồi dưới dân Chúa để nghe lời Người trong
khi chị Martha bận rộn để nấu ăn đãi khách. Cách cô tỏ tình yêu cho Chúa Giêsu
cũng khác mọi người; điều này chứng tỏ khi con người sống trong tình yêu, họ có
nhiều sáng tạo trong cách bày tỏ tình yêu của họ.
-
Cô dám dùng tới một cân dầu thơm để xức chân Chúa Giêsu mà Judah uớc tính trị giá tới 300 quan
tiền; thông thường người ta chỉ xức vài giọt nếu dầu thơm quí giá như vậy. Cô
không tính toán với Chúa vì cô chắc chắn được Chúa cho biết sẽ không còn nhìn
thấy Chúa trên cõi dương gian này nữa. Cô có lẽ là người yêu thương và hiểu
biết Chúa hơn cả trong tuần lễ cuối cùng của Ngài trên dương gian.
-
Tóc rất quí với phụ nữ và họ chăm sóc chải chuốt nó mỗi ngày; thế mà cô lại
dùng tóc để lau chân Chúa thay vì dùng khăn như thói thường. Hành động này
chứng tỏ tình yêu của cô dành cho Chúa. Thông thường người phụ nữ rất kín đáo
khi tỏ tình yêu, cô Maria can đảm làm những điều này trước mặt mọi người.
(2)
Judah Iscariot luôn tính tóan và phê bình: Thấy hành động của cô, một trong các môn đệ
của Đức Giêsu là Judah Iscariot, liền nói: "Sao lại không bán dầu thơm đó
lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?" Judah được Chúa và các tông đồ trao
cho sứ vụ quản lý. Nếu cô Maria muốn giúp người nghèo, 300 quan tiền đó chắc
chắn sẽ được trao cho hắn. Thánh sử Gioan có lẽ đã biết tính tình của Judah
nên chú thích: “Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một
tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ
chung.” Vì Judah
không ở trong tình yêu nên không biết tình yêu là gì! Khi một người so sánh
tình yêu với tiền bạc, người đó không hiểu giá trị của tình yêu.
2.2/
Phản ứng của Chúa Giêsu và các thượng tế:
(1)
Phản ứng của Chúa Giêsu: Ngài nói: "Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có
ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc
nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu." Chúa biết ngày Ngài sắp
chết đã gần kề và Ngài biết ý định của Maria khi cô làm những hành động này.
Chỉ có ai ở trong tình yêu mới hiểu nổi ý tưởng của nhau mà người ngọai cuộc
không bao giờ hiểu được. Chúa Giêsu trưng dẫn lý do xác đáng để bênh vực hành
động của Maria: con người không có Chúa Giêsu mãi mãi.
(2)
Phản ứng của các thượng tế: Biến cố hôm nay xảy ra sau khi Chúa Giêsu đã làm một phép
lạ cả thể: cho Lazarô đã chết 3 ngày sống lại. Đó là lý do trình thuật kể: “Một
đám đông người Do-thái biết Chúa Giêsu đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ
vì Chúa Giêsu, nhưng còn để nhìn thấy anh Lazarô, kẻ đã được Người cho sống lại
từ cõi chết.” Khi nhìn thấy đám đông, các thượng tế quyết định giết cả Chúa
Giêsu lẫn Lazarô, vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Chúa
Giêsu.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Giống như Chúa Giêsu được Thiên Chúa trao cho một sứ vụ khi vào cuộc trần này,
mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa trao cho một sứ vụ. Chúng ta hãy tìm ra
sứ vụ đó để thi hành tới cùng.
-
Cách thức của Thiên Chúa rất khác với cách thức của con người. Để thực thi sứ
vụ, Ngài đòi chúng ta phải khiêm nhường phục vụ, trung thành yêu thương, và
chấp nhận gian khổ.
Lm.An-tôn Đinh Minh
Tiên,OP.
SỐNG LỜI CHÚA - THỨ HAI (Ga 12, 1-11)
Dẫn
“Ai
là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?...Ai thi hành ý muốn Cha tôi,…người ấy là anh chị
em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12,48-49).
Gia
đình của Chúa là gia đình đức tin. Người thân của Chúa là những ai yêu mến và
sống Lời Chúa.
Gia
đình Bêtania là gia đình đức tin, vì mỗi người trong gia đình này đều thể hiện
niềm tin của mình cách tích cực với hết khả năng của mình. Do đó họ xứng đáng
là anh chị em của Chúa và được Chúa yêu thương.
Xin
cho mỗi thành viên trong gia đình chúng ta, biết yêu Chúa hết lòng qua những
việc làm cụ thể trong tuần thánh này, để xứng đáng là gia đình đức tin.
Chia sẻ
Tin
mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu đến làng Bêtania, (cách Giêrusalem độ
chừng 3km) để dùng bữa cơm tối tại nhà La-da-rô, người được Chúa Giêsu cho sống
lại.
Trong
bữa ăn tối thân tình này, ta nhận ra một mẫu gia đình cần phải có để xứng đáng
hưởng ơn cứu độ của Chúa.
Mác-ta: Vốn là con người năng động “lăng xăng nhiều
việc”. Hôm nay lại đuợc Chúa Giêsu viếng thăm và ở lại dùng bữa. Trong tâm tình
biết ơn, vì Chúa đã cho La-da-rô em mình sống lại, nên đã chuẩn bị bữa tiệc chu
đáo thết đãi Chúa.
Maria:
Tin Mừng cho biết là người thích ở bên chân Chúa để nghe Chúa dạy bảo. Cô cũng
là cô gái tội lỗi đi tìm Chúa và gặp Chúa đang dự tiệc tại nhà ông Si-mon. Cô
mang đến một cái bình bằng đá ngọc quý, đựng nước hoa hảo hạng, cô đến quỳ bên
chân Chúa rồi đập cả bình để đổ hết nước hoa trên chân Chúa, khiến cả nhà thơm
ngào ngạt, rồi cô lấy tóc mà lau. Tin mừng hôm nay thánh Gioan cho biết, vì
lòng yêu mến Chúa nên cô đã lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý
giá mà xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm.
La-da-rô: Người được Chúa thương, được Chúa cho
sống lại. Anh là chứng nhân sống động cho mọi người tin Chúa. Anh được ngồi
đồng bàn cùng với Chúa.
Một
gia đình có ba người, mỗi con người mỗi tính cách, mỗi người thể hiện tình yêu
của mình nơi Chúa Giêsu mỗi cách thế khác nhau.
Mác-ta,
không ngại vất vã làm việc nhiệt tâm để lo bữa ăn chu đáo cho Chúa.
Maria,
không sợ tốn hao tiền của vì Chúa. Cô không ngại thể hiện mọi cử chỉ khiêm tốn
nhất, để nói lên lòng kính yêu Chúa.
La-da-rô,
người được gọi là bạn của Chúa Giêsu. Anh được Chúa thương mến cho sống lại.
Trong bữa tiệc, anh được ngồi bên Chúa. Chứng tỏ anh cũng đã yêu Chúa hết lòng.
Một
gia đình toàn những con người chân tình, hết lòng yêu thương Chúa thì làm sao
Chúa không thương mến.
Xin
cho mọi gia đình công giáo, biết bắt chước mẫu gương của gia đình Bêtania hết
lòng yêu mến Chúa. Sẵn sàng hy sinh làm tất cả vì tình yêu Chúa.
Nhất
là trong tuần thánh này biết sẵn sàng hy sinh thời giờ, công việc riêng, để
sống thân tình với Chúa qua việc tham dự đầy đủ và tích cực các nghi thức phụng
vụ. Đồng thời cũng sẵn sàng hy sinh cả tiền của, công sức để góp phần vào việc
tổ chức các nghi lễ trong tuần thánh được trang trọng nơi giáo xứ mình.
25/03/13 THỨ HAI TUẦN THÁNH
Ga 12,1-11
Ga 12,1-11
DẤU HIỆU TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC
Cô
Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su,
rồi lấy tóc mà lau. (Ga 12,3)
Suy niệm:
Người ta chỉ nhỏ vài giọt dầu thơm lên người để “lấy hương lấy hoa;” chẳng có
ai đổ nguyên cả bình dầu thơm, lại là dầu thơm cam tùng hảo hạng, lên chân
người khác. Thế nhưng, đó là điều cô Maria đã làm để bày tỏ lòng trân trọng và
quý mến của cô với Đức Giêsu. Maria đổ nguyên cả bình dầu thơm mà không tính
toán, cũng chẳng tiếc nuối, vì cô muốn dành cho Đức Giêsu những gì quý giá nhất
của gia đình mình. Lượng dầu thơm quý giá chảy trên chân Ngài chẳng thấm
vào đâu so với ơn nghĩa, tình yêu quá lớn Ngài đã dành cho gia đình cô. Có lẽ
điều duy nhất Maria hối tiếc là không có thể làm gì hơn nữa để dâng cho Ngài.
Sự hào phóng, cho đi mà không tính toán, so đo là dấu hiệu của tình yêu thật
sự.
Mời Bạn:
Chăm chú quan sát cử chỉ lau chân Đức Giêsu của Maria: cô xoã mái tóc mình ra
mà lau. Đây là điều cấm kỵ, không một phụ nữ Do Thái nào dám làm ở nơi đông
người. Maria không bận tâm người ta nghĩ gì, nói gì. Cô chỉ chú tâm vào Đức
Giêsu, chỉ muốn diễn tả lòng quý mến với Ngài. Đó là dấu chứng của một tình yêu
đích thực. Theo Chúa Giêsu, thực hiện lòng mến với Ngài cách trọn vẹn, bạn cũng
không quá suy xét thiên hạ nghĩ gì, bình phẩm gì.
Sống Lời Chúa:
Bày tỏ lòng yêu mến Chúa trong Tuần Thánh qua việc tham dự nghi thức phụng vụ
cách sốt sắng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa vui hưởng tình bạn với gia đình Mácta,
Maria và Ladarô trước khi bước vào cuộc Khổ Nạn. Xin cho chúng con cũng nỗ lực
tìm mọi cách đem lại niềm vui cho Chúa trong Tuần Thánh này.
Dấu thân ái
Giu-đa đã chướng tai gai mắt về Ma-ri-a đổ bao nhiêu dầu thơm xức chân Đức Giêsu. Có lẽ chúng ta cũng thấy chướng mắt như vậy. Lọ dầu giá ba trăm đồng gần bằng tiền lương công nhân cả năm, ai trong chúng ta sẵn lòng cho người khác như vậy? Ai đã làm được thế? Chỉ có một cách duy nhất giải thích cử chỉ đó: Cô yêu mến Đức Giêsu.
Khi yêu, người ta có thể cho tất cả. Yêu chân thật thì làm tất cả. Người ta cho thứ tốt nhất và không tính toán giá trị bao nhiêu. Tình yêu chân thật không hẹp hòi, không tính toán, yêu là tất cả.
Chúng ta quả quyết hoàn toàn tự nguyện yêu mến Thiên Chúa và chúng ta có cảm tình nhiều với tất cả mọi người sống với chúng ta. Cần phải chứng thực điều đó qua mấy câu hỏi sau đây: Chúng ta cho những người ta yêu cái gì? Chúng ta đã cống hiến bao nhiêu thời gian cho họ? Chúng ta có sẵn sàng chịu sạch bách hết trọi để đem lại hạnh phúc cho họ không?
Đức Giêsu đã yêu mến chúng ta đến hiến cả mạng sống cho chúng ta, có thể nói yêu đến điên cuồng. Nhưng người ta có thể yêu mà không điên cuồng một chút nào ư? Nếu chúng ta không có thể điên cuồng một chút đối với những người chúng ta nói yêu họ, thì chỉ là yêu nửa vời. Nếu chúng ta không có thể điên cuồng một chút để biểu lộ lòng yêu mến Thiên Chúa, nếu thỉnh thoảng chúng ta không làm những cử chỉ khác thường, thì chúng ta chỉ yêu nửa vời.
Nếu phải vạch trần con tim của chúng ta xem, nếu họ bao bọc chúng ta làm cho chúng ta được hạnh phúc cho riêng mình, khi đó chúng ta mới tỏ lòng yêu họ và yêu Chúa, thì như thế là thứ tình yêu như Giu-đa.
J.Y.G
(Xin lưu ý : năm nay 2013 ngày Lễ
Truyền Tin (25/03) được dời sang Thứ Hai 08/04/2013)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét