Trang

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

01-04-2013 : THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH


Thứ Hai Trong Tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh


 Bài Ðọc I: Cv 2, 14. 22-32
"Thiên Chúa đã cho Ðức Kitô phục sinh, và tất cả chúng tôi làm chứng về Người".

Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: "Hỡi các người Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, xin hãy nghe những lời này:
"Ðức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ, mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Người đã bị nộp, và anh em đã dùng tay kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó. Vì chưng, Ðavít đã nói về Người rằng:
'Tôi hằng chiêm ngưỡng Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi không nao núng. Vì thế, lòng tôi hân hoan, miệng lưỡi tôi hát mừng, và xác tôi yên nghỉ trong niềm cậy trông; vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Ðấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và cho tôi tràn đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa'.
"Hỡi anh em, xin cho phép tôi được bạo dạn nói với anh em về tổ phụ Ðavít rằng: ngài đã băng hà, đã được an táng và lăng tẩm của ngài còn nằm giữa chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng vì ngài là tiên tri, và biết Thiên Chúa đã thề hứa với ngài sẽ cho một người trong dòng dõi ngài ngồi trên ngai vàng của ngài, nên thấy trước, ngài đã nói về việc Chúa Kitô phục sinh, vì Người không phải bị bỏ rơi trong cõi chết, và xác Người không bị huỷ diệt. Ðức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại; chúng tôi hết thảy xin làm chứng về điều ấy".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11

Ðáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa; con thưa cùng Chúa: "Ngài là chúa tể con. Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con". - Ðáp.
2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. - Ðáp.
3) Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ: ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy sự hư nát. - Ðáp.
4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! - Ðáp.

Alleluia: Tv 117, 24

Alleluia, alleluia! - Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 28, 8-15
"Hãy đi nói với anh em đến Galilêa mà gặp Ta ở đó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, các bà vội ra khỏi mồ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: "Chào các bà". Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: "Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta".
Ðang khi các bà lên đường, thì mấy người lính canh vào thành báo tin cho các thượng tế biết tất cả những gì đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ lão, và sau khi đã bàn định, họ cho lính một số tiền lớn và bảo rằng: "Các anh hãy nói rằng: Ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông. Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các anh phải phiền hà đâu". Bọn lính canh nhận tiền và đã làm y như họ căn dặn chúng. Bởi thế, lời đó được phao truyền nơi người Do-thái cho đến ngày nay.
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Hãy Về Báo Tin Cho Các Anh Em Ta

Cách đây hai thế kỷ, giả sử như có một lon bia hay có một lon thực phẩm tươi, chắc chắn người ta vẫn không dám yên tâm thưởng thức những món ăn uống tiện dụng này. Ngày nay, chúng ta yên tâm thưởng thức là nhờ công trình nghiên cứu của ông Louis Paster, nhà ký sinh trùng học người Pháp sống vào thế kỷ XIX. Ông đã nghiên cứu các vi sinh để rồi dùng chúng hoặc tiêu diệt chúng. Dùng vi sinh trong việc tiêm các thuốc chủng ngừa, chữa bệnh chó dại, hoặc tiêu diệt chúng trong các quá trình lên men trong đồ ăn, thức uống. Ðây là những đóng góp lớn lao cho toàn thể gia đình nhân loại.
Tuy nhiên, ông còn có các đóng góp khác ít được ai nhắc đến, đó là những đóng góp cho niềm tin. Trong lúc các bạn đồng nghiệp nhìn vào kính hiển vi chỉ thấy có một số tế bào liên kết với nhau, chẳng có gì hơn nữa, thì trái lại, khi nhìn vào chiếc kính hiển vi, Louis Paster lại reo lên: "Thật kỳ diệu! Còn một điều gì ẩn nấp ở đàng sau nữa: đó là Thượng Ðế".

Anh chị em thân mến!

Qua những khám phá nhà bác học thời danh Louis Paster đóng góp cho nhân loại, chúng ta có thể rút ra được nhiều điều, đặc biệt là cách nhìn các diễn biến và thái độ phải có trước các diễn biến ấy. Cùng một sự kiện, nhưng mỗi nhà bác học lại có một cái nhìn khác nhau. Cùng một tìm tòi khám phá, những mỗi người lại đạt được kết quả riêng biệt.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng đề cập đến hai thái độ khác nhau trước biến cố Chúa Kitô Phục Sinh. Một bên là các phụ nữ và một bên là nhóm lính canh. Ðối diện với họ đều là ngôi một trống. Với nhóm phụ nữ, ngôi một trống là dấu chỉ Tin Mừng Phục Sinh và là khởi điểm cho niềm hy vọng. Tuy lo âu, nhưng họ vội vã đi báo tin vui cho các môn đệ. Nhóm lính canh, họ cũng được nhìn thấy ngôi mộ trống và điều đó không lạ gì đối với họ. Vì thế, ngôi mộ trống không là khởi điểm và tin tưởng của niềm tin, mà còn khiến cho họ càng rời xa niềm tin, càng muốn khỏa lấp niềm tin. Lời đồn đãi ấy vẫn còn vang dội đối với người Do Thái cho đến ngày nay.
Với sự kiện Chúa sống lại, lời nói của nhóm lính canh là những chứng từ có thể đáng tin cậy, vì họ là những người canh giữ mồ đêm hôm ấy. Nếu không vì sợ hãi quyền lực của hội đường Do Thái hoặc không vì chút lợi lộc, tiền của thì chắc chắn họ sẽ là sứ giả loan Tin Mừng Phục Sinh.
Trước Tin Mừng Phục Sinh ai cũng vội vã: các bà thì loan tin cho các môn đệ, còn nhóm lính canh thì vội vã báo tin cho hội đường Do Thái. Ai cũng vội vã, nhưng tùy thái độ mỗi bên mà Tin Mừng Phục Sinh được công bố hay bị dập tắt. Người Kitô hữu cũng là những người được đối diện với Tin Mừng Phục Sinh. Họ được trao cho nhiệm vụ loan báo lại cho người khác biết tin vui này. Chắc chắn lời nói của họ là những chứng từ giá trị, vì họ đã được đón nhận sức sống Phục Sinh của Ðức Kitô.
Tuy nhiên, như nhóm lính canh, có thể vì sợ hãi trước những áp lực trần thế, hoặc vì sức quyến rũ của chức tước, lợi lộc... họ đành tâm phản bội Tin Mừng. Vì thế cho đến hôm nay, họ còn hiểu biết lệch lạc về Chúa Kitô, về Giáo Hội.
Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh, Ðấng đã chiến thắng quyền lực của tội lỗi, ban cho mỗi người chúng ta lòng tin yêu và can đảm. Tin yêu để chúng ta nhận biết được sự hiện diện của Ngài qua các biến cố cuộc sống, dù cho có vẻ trống vắng, u buồn như ngôi mồ trống của Ðức Kitô. Và khi nhận ra được Ngài, chúng ta sẽ can đảm loan truyền Ðức Kitô cho tất cả mọi người, bất chấp mọi gian lao thử thách.
Lạy Chúa, xin cho chúng con được bắt chước các tông đồ cũng như các phụ nữ nhiệt thành tìm kiếm Chúa trong yêu mến và hăm hở ra đi rao truyền tin vui Phục Sinh của Chúa Kitô. Amen.
(Veritas Asia)



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ : Hãy rao giảng Tin Mừng “Chúa đã sống lại” khắp thế gian

Để tin một điều là sự thật, chúng ta có nhiều cách: hoặc chính chúng ta chứng kiến, hoặc qua các chứng nhân, hoặc qua hậu quả mà nó để lại. Không ai nhìn thấy Chúa sống lại từ mộ đi ra, nhưng các chứng nhân nhìn thấy Chúa sau khi Ngài sống lại. Chúng ta nhờ những chứng nhân này, hậu quả của sự kiện Chúa sống lại trên con người họ, và những lời Kinh Thánh để tin “Chúa đã sống lại thật.”
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh biến cố Chúa Giêsu sống lại. Trong Bài Đọc I, thánh Phêrô và các Tông đồ làm chứng Chúa sống lại qua những dữ kiện thực tế và lời tiên tri của Vua David trong Thánh Vịnh 16. Trong Phúc Âm, sứ thần của Chúa làm chứng Chúa Giêsu sống lại, và chính Chúa Giêsu xuất hiện với các phụ nữ và truyền họ mang tin Ngài sống lại cho các Tông đồ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa đã phác họa Kế hoạch Cứu Độ qua cái chết và sự sống lại của Đức Kitô.
1.1/ Đức Kitô là Đấng Thiên Sai: Vấn đề cốt yếu mà Phêrô phải minh chứng cho người Do-thái là Đấng Thiên Sai phải ngang qua con đường đau khổ, cái chết, và sống lại vinh quang; vì người Do-thái mong muốn một Đấng Thiên Sai uy quyền, họ không thể chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ. Phêrô chứng minh điều này đầu tiên bằng những sự kiện thực tế đã xảy ra, sau đó ông chứng minh bằng lời Kinh Thánh.
Về những sự kiện thực tế, ông nhắc lại những gì Đức Kitô đã làm giữa họ: “Đức Giêsu Nazareth, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó.”
Thiên Chúa đã tiền định cái chết và sống lại của Đức Kitô: “Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi.”
1.2/ Vua David đã nói tiên tri về sự chết và sự sống lại của Đức Kitô: Việc Chúa Giêsu sống lại làm trọn lời tiên báo của Vua David.
(1) Thánh Vịnh 16:8-11: Tác giả TĐCV trích dẫn lời TV 16 như sau: “Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng. Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng. Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.”
Câu quan trọng là câu 10 của TV 16, các học giả tranh luận: Lời này áp dụng cho Vua David hay Đức Kitô? Giải thóat cho khỏi cái chết bất tử và phục hồi sự liên hệ thần linh hay giải thóat cho khỏi sự hư nát sau khi chết? Vì chữ “hư nát, shahat” có thể dịch là sự hủy họai như bản LXX hay dịch đơn giản là vực thẳm.
(2) Phêrô cắt nghĩa lời Thánh Vịnh: Vua David là nhân vật có thật: “Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ David rằng: người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay.” Đức Kitô là giòng dõi Vua David: “Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người.” Đức Kitô hòan thành lời tiên tri của Vua David khi Ngài sống lại từ cõi chết sống lại: “Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát.”
“Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng.”

2/ Phúc Âm: Chúa đã thực sự sống lại.
2.1/ Chúa Giêsu truyền các bà loan Tin Mừng cho các Tông-đồ.
(1) Sứ thần loan báo Tin Mừng Phục Sinh: Những bà đồng hành với Chúa trong Cuộc Thương Khó của Ngài ra mộ từ sáng sớm để niệm xác Chúa. Vừa tới nơi, họ thấy một sự thể ngòai sức tưởng tượng: Tảng đá mà các thượng tế đã niêm phong đã được mở ra dưới con mắt ngạc nhiên và run rẩy của các lính canh gác, một sứ thần của Thiên Chúa trắng như tuyết đang ngồi trên tảng đá và nói với các bà: “Đừng sợ! Tôi biết các bà đang tìm gì, Chúa Giêsu đã bị đóng đinh. Ngài không còn ở đây; vì Ngài đã sống lại như lời Ngài đã nói. Hãy đến và nhìn nơi Ngài đã nằm. Hãy đi ngay và nói cho các môn đệ biết: Ngài đã sống lại từ cõi chết. Và Ngài đi trước các ông tới Galilee; tại đó họ sẽ gặp Ngài” (Mt 28:1-7). Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay.
(2) Chúa Giêsu hiện ra với các bà: Trên đường đi, bỗng Chúa Giêsu đón gặp các bà và nói: "Chào chị em!" Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: "Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilee. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó."
Thương yêu Chúa không phải giữ Chúa ở với mình, nhưng phải loan Tin Mừng của Chúa để mọi người cùng tin vào Chúa. Chúng ta sẽ thấy điều quan trọng này được nhắc đi nhắc lại trong những ngày tới. Mọi người cần được nghe Tin Mừng Phục Sinh: cuộc sống không chỉ chấm dứt với cái chết ở đời này, nhưng mở rộng đến cuộc sống muôn đời mai sau với Thiên Chúa.
2.2/ Kế hoạch bưng bít sự thật:
(1) Trước khi Chúa sống lại: Người Do-thái đến gặp quan Philatô và yêu cầu ông sai lính canh giữ mộ Chúa Giêsu cẩn thận, vì khi còn sống Chúa đã tuyên bố Ngài sẽ sống lại sau ba ngày. Họ sợ các môn đệ của Chúa sẽ đến đánh cắp xác rồi phao tin là Chúa đã sống lại; lúc đó họ sợ sự sai trá sẽ nguy hại hơn trước. Philatô nói với họ: “Các ông có lính của Đền Thờ, hãy sai họ đi và canh chừng cẩn mật như các ông có thể làm.” Họ đi và niêm phong tảng đá vào cửa, và đặt lính canh giữ mộ (x/c Mt 27:62-66).
(2) Sau khi Chúa sống lại: Trong khi các bà đi báo cho các môn đệ biết tin mừng Chúa sống lại; có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo quân lính: "Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan Tổng Trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự." Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.
Khi con người đã làm điều sai trái, họ sẽ tiếp tục làm điều sai trái, sự sai trái này sẽ kéo theo sự sai trái khác. Người Do-thái tìm lý do gian trá “Chúa phạm thượng” để bắt Chúa, rồi lại tìm một cớ gian khác “Ông này xưng mình là Vua” để xin Philatô buộc Chúa chống lại Caesar, giờ lại dùng tiền để bịt miệng lính canh giữ mồ Chúa. Không phải họ không biết sự thật, nhưng họ cố tình ở trong sự gian trá, vì ghen ghét và vì những lợi lộc họ đang được hưởng.
 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- “Chúa đã thực sự sống lại.” Chúng ta phải tin điều này và loan báo cho mọi người biết Tin Mừng Phục Sinh; đồng thời phải sống và làm chứng cho mọi người biết: có cuộc sống đời sau.
- Như mưu mô của các thượng tế trong trình thuật hôm nay, ma quỉ và thế gian vẫn đang tìm các để bưng bít sự thật này bằng tiền của và hưởng thụ vật chất.

Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.


SỐNG LỜI CHÚA - Thứ hai (Mt 28, 8-15)

 Dẫn

Tin mừng hôm nay thuật lại sự kiện Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các phụ nữ. Người trấn an các bà và sai các bà loan báo tin mừng phục sinh cho các tông đồ.
Xin cho chúng ta có được niềm vui phục sinh và can đảm minh chứng niềm vui phục sinh cho mọi người.

Chia sẻ

Để biết được thông tin chính xác, ta cần lắng nghe chính người trong cuộc thông tin lại.
Tin mừng hôm nay cho thấy có hai nguồn thông tin trái ngược nhau về sự kiện Chúa Giêsu sống lại.

Nguồn thông tin của các bà phụ nữ.

Đây là những người trong cuộc vì đã trực tiếp gặp gỡ Chúa Giêsu. Đã tận tai nghe lời Chúa nói cũng như đã đụng chạm đến chân Chúa. Các bà còn được Chúa trao nhiệm vụ loan báo cho các môn đệ biết về việc Chúa sống lại và muốn gặp các môn đệ tại Galilêa.

Nguồn tin của lính canh

Những lính canh, cũng đã chứng kiến sự kiện ấy. Nhưng vì bị các thượng tế và kỳ lão mua chuộc và hù dọa nên họ nghe theo lời hướng dẫn của các thượng tế và kỳ lão phao tin không trung thực rằng: “ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ,các môn đệ hắn đã đến lấy trộm hắn đi”.
Cùng chứng những sự việc Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các phụ nữ nhưng những lính canh đã bị áp lực và mua chuộc bởi giới thượng tế và kỳ lão nên đã thông tin sai sự thật.

Trong cuộc sống, ta cũng thường nghe được những luồng thông tin khác nhau về một sự kiện nào đó xảy ra trong xã hội cũng như trong Giáo Hội. Có những thông tin chính thống cần tin theo. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi, phe nhóm và thế lực của mình cũng không ít những thông tin sai lạc, ta cần phải dè chừng.
Hằng ngày trên báo chí, truyền thanh, truyền hình ta bắt gặp rất nhiều thông tin quảng cáo nhằm thu hút khách hàng và lợi nhuận. Bên cạnh những thông tin thật cũng có nhiều thông tin không thật.
Sống trong một xã hội mà phải liên tục đề phòng hàng giả, người giả, thông tin giả thật là bất an.
Chắc chắc ai trong chúng ta cũng không muốn điều ấy xảy ra. Nhưng rồi chính cuộc sống chúng ta cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhiều lần vì sợ, vì tham vì bị mua chuộc… ta lại chấp nhận im lặng hay từ chối làm chứng cho chân lý. Lắm khi vì ham mê tiền bạc, chức quyền ta cũng sẵn sàng chối bỏ niền tin cách dễ dàng.

Chúa Phục sinh ban bình an cho các bà phụ nữ và sai các bà ra đi làm chứng niềm tin phục sinh. Hôm nay, Chúa phục sinh cũng ban bình an cho chúng ta và cũng mời gọi chúng ta can đảm làm chứng cho tin mừng chân lý và tình thương nhằm đem đến niềm vui và bình an cho tha nhân. Xin cho chúng ta trở nên chứng nhân trung thành của Chúa phục sinh giữa cuộc sống hôm nay.


01/04/13 THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PS
Mt 28,8-15

SỰ THẬT ĐỐI LẠI DỐI TRÁ
Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thương tế biết mọi việc đã xảy ra. (Mt 28,11)
Suy niệm: Trước sự kiện xảy ra nơi mộ Chúa vào “tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần,” các phụ nữ chạy về báo tin cho “các anh em” biết Thầy “đã chỗi dậy từ cõi chết,” còn lính canh thì báo tin cho các thượng tế để dàn dựng lời chứng dối hầu phủ nhận sự thật Chúa đã phục sinh. Hai cảnh hậu Phục Sinh này hoàn toàn tương phản nhau. Có người nôn nả đi loan Tin Mừng Phục Sinh; nhưng cũng có người tìm mọi cách dối trá để dập tắt Tin Mừng ấy, và thậm chí họ làm điều này một cách có tổ chức, có kế hoạch hẳn hoi! Nghĩa là, sứ mạng của các môn đệ Chúa phải đương đầu với những trở lực sừng sững ngay từ đầu. Quả thực ngay từ đầu lịch sử Giáo Hội đến nay, các môn đệ Chúa, nam cũng như nữ, đều phải vác những “thập giá” muôn hình vạn trạng trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của mình.
Mời Bạn cảm nếm niềm vui Phục Sinh với các môn đệ Chúa vào lúc mà Tin Mừng Phục Sinh còn nóng hổi ấy. Và cũng như các phụ nữ ngày nào, hôm nay đến lượt chúng ta được Chúa sai đi báo tin vui này cho những người khác nữa. Chúng ta ra đi, không quên sẵn sàng đương đầu với những sự dối trá của thời hiện đại, những ‘tin thất thiệt’ đủ loại được quảng bá để chống lại lời chứng của người môn đệ Chúa Phục Sinh. Làm chứng cho Chúa Giêsu là có… thập giá!
Sống Lời Chúa: Là môn đệ Chúa, tôi luôn chọn sống trong sự thật, và làm chứng cho sự thật dù phải nhọc nhằn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin giúp con luôn can đảm làm chứng cho Chúa bằng một đời sống hoàn toàn trong sự thật.


Thứ Hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh

Đức tin và lòng thành

‘Đavít…đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Kitô khi nói: Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát’: Những lời trích từ bài diễn từ của Phêrô, ông không còn sợ hãi và đã lên tiếng giữa đám đông. Liên tưởng đến vua Đavít là nguời được mạc khải cho biết là một miêu duệ của vua sẽ chiến thắng sự chết và sự hư nát thân xác, để vương quốc trường tồn mãi mãi. Thánh vịnh đáp ca: ‘Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan, thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn’ (Tv 15,7). Phêrô đã khẳng định chắc chắn rằng điều đó đã được chứng thực nơi Đức Giêsu Phục Sinh. ‘Chúng tôi làm chứng điều đó’. Chúng ta cũng được mời gọi, ngày hôm nay trong cuộc sống, qua biết bao đe dọa sự chết, để làm chứng Đức Kitô phục sinh. Ý thức những nguy hiểm về hủy diệt môi sinh, những bạo lực thể xác và tinh thần, biết bao lạm quyền trên những con người yếu đuối, nghèo khổ, chúng ta cùng cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con trở nên chứng nhân cho chiến thắng của Chúa trên sự chết, trên sức mạnh của chia rẽ và sự ác. Xin đặt vào lòng con sức mạnh của Chúa là sự bình an cho con và cho thế giới.

Bài tin mừng gồm hai cảnh: Đức Giêsu hiện ra cho các phụ nữ và bảo họ loan báo cho các môn đệ; lãnh đạo tôn giáo do thái từ chối tin vào sự sống lại của Đức Giêsu. Cả hai đều nhắc đến việc sống lại và đến ngôi một trống. Nhưng cả hai liên kết với nhau bằng một nghịch lý. Các phụ nữ thấy ngôi một trống và thiên thần mặc áo trắng, và trên đường về, họ đã gặp thấy Đức Giêsu và họ đã thờ kính Ngài. Đức Giêsu bảo họ: ‘Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilêa. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó’. Còn những người lính canh cũng thấy thiên thần, họ hoảng sợ kinh hoàng và chạy về thành báo cho các thượng tế biết điều đã xảy ra. Câu trả lời? Các anh hãy nói như thế này: ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác’. Cho dù có sự đối nghịch nhau giữa các phụ nữ và các lính canh, nhưng bản văn nói đến ‘khiếp sợ’, theo kinh thánh, đó là phản ứng của con người khi đối diện với Thiên Chúa. Nên cả hai, các phụ nữ và lính canh đều đứng trước cùng một sự kiện: phục sinh, cho dù người này tin, kẻ kia chối từ. Lý trí con người luôn có thể tìm ra cách để chối từ Đức Kitô phục sinh. Người ta chỉ có thể đến với Ngài bằng đức tin và lòng thành.


 
Thứ Hai 1-4

Chân Phước Elisabetta Vendramini

(1790-1860)

C
uộc đời của chân phước Elisabetta đã được hướng dẫn bởi câu phúc âm "Tình yêu Ðức Kitô đã thúc giục chúng ta tiến bước" (2 Cor. 5:14).
Sinh ở Bassano del Grappa gần Treviso, khi 27 tuổi Elisabetta từ chối lời cầu hôn và nhất quyết giúp người nghèo bớt đau khổ về thể xác cũng như tinh thần. Năm 1820, ngài khởi sự làm việc trong một cô nhi viện ở tỉnh nhà và gia nhập dòng Ba Phanxicô vào năm sau đó.
Sau khi di chuyển đến Padua năm 1828, ngài tiếp tục phục vụ các trẻ em cô nhi. Vào năm 1830, ngài thành lập tu hội Các Chị Em Dòng Ba Phanxicô của Thánh Elizabeth Hung Gia Lợi. Cho đến khi từ trần, Elisabetta đã hướng dẫn tu hội này trong việc giáo dục cũng như chăm sóc người già, trẻ mồ côi và người đau yếu. Ngài luôn luôn kết hợp sự đau khổ của chính ngài với sự đau khổ của Ðức Kitô và Ðức Mẹ Sầu Bi.
Ngài được phong chân phước năm 1990.

Lời Bàn

Những người thánh thiện cho chúng ta thấy tình yêu Thiên Chúa và giúp đỡ tha nhân là hai mặt của một đồng tiền. Tình yêu Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta khi chúng ta thi hành những việc nhỏ bé để nói lên lòng yêu mến tha nhân. Chúng ta thường bất lực khi phải thi hành những gì cần thiết, nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta thi hành những gì có thể làm được.

Lời Trích

Trong bài giảng lễ phong chân phước cho Elisabetta, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói sự cầu nguyện của Elisabetta đã đem lại "sức năng động của Ngôi Lời Nhập Thể, để ca ngợi và khâm phục Ðức Kitô Nghèo Hèn và Chịu Ðóng Ðinh, mà chân phước đã nhận ra và phục vụ Người trong các người nghèo." Sau đó, đức giáo hoàng nói thêm: "Chân Phước Elisabetta dạy chúng ta rằng khi đức tin vững mạnh và chắc chắn, chúng ta càng dám bác ái đối với tha nhân. Khi sự nhận biết về Ðức Kitô càng sắc sảo, chúng ta càng cảm nhận được nhu cầu của anh chị em chúng ta một cách chính xác và đúng đắn" (1990, tập 46, số 1).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét