Trang

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

19-03-2013 : LỄ THÁNH GIUSE


Thứ Ba Ngày 19/03/2013
Tuần 5 Mùa Chay Năm C

Lễ Thánh Giuse


BÀI ĐỌC I:   2 Sm 7, 4-5a. 12-14a. 16
"Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu của Đavít, tổ phụ Người".

Trích sách Samuel quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Nathan rằng: "Hãy đi nói với Đavít tôi tớ Ta rằng: Khi ngày của ngươi đã viên mãn, ngươi sẽ yên nghỉ với các tổ phụ ngươi; sau đó, Ta sẽ cho miêu duệ ngươi lên kế vị và Ta sẽ làm cho triều đại người được vững bền. Chính người sẽ xây cất một ngôi nhà để kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngôi báu triều đại người được củng cố đến muôn đời. Ta sẽ là Cha của người, và người sẽ là con Ta. Nhà của ngươi và triều đại của ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta, ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi".  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 41, 2. 3, và Tv 42, 3. 4

Đáp: Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời? (x. Tv 41, 3)

1) Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời ôi!
2) Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời?
3) Xin chiếu giãi quang minh và chân thực của Chúa, để những điều đó hướng dẫn con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài.
4) Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ, mừng vui. Với cây cầm thụ con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa của con.

BÀI ĐỌC II:   Rm 4, 13. 16-18. 22
"Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, không phải nhờ lề luật mới có lời hứa ban cho Abraham hay dòng dõi của ông trở nên kẻ thừa kế thế gian, nhưng là nhờ sự công chính của đức tin. Vì thế, do đức tin, được coi như là theo ân sủng, lời hứa cho mọi dòng dõi được vững bền, không phải chỉ cho kẻ sinh bởi lề luật, mà còn cho kẻ sinh bởi đức tin của Abraham, tổ phụ của mọi người chúng ta, (như có lời chép rằng: Ta đã đặt ngươi làm cha nhiều dân tộc) trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông đã tin, Đấng cho kẻ chết sống lại, và kêu gọi cái không có như có. Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng mình sẽ trở thành cha nhiều dân tộc, như có lời đã phán với ông rằng: "Dòng dõi ngươi sẽ như thế". Vì vậy, ông đã được kể như sự công chính.  Đó là lời Chúa.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Tv 129, 5 và 7

Lạy Chúa, phúc cho những ai ngụ nơi nhà Chúa, họ sẽ khen ngợi Chúa đến muôn đời.

PHÚC ÂM:   Mt 1, 16. 18-21. 24a
"Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Giacóp sinh Giuse là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Đức Kitô. Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì Thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: "Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh hạ một con trai mà ông đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội". Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền.  Đó là lời Chúa.


Hoặc đọc: Lc 2, 41-51a

"Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM : SỐNG ĐỨC TIN THEO GƯƠNG THÁNH GIUSE
2S 7,4-5a.12-14a.16; Rm 4,13.16-18.22; Mt 1,16.18-21.24a


Thánh Giuse được Tin mừng hôm nay công khai tuyên dương là “người công chính”. Công chính là gì?

Theo luân lý, công chính là trả cho người khác cái thuộc về họ. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu cũng có lần nói: “Của Xêda hãy trả cho Xêda. Của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”. Việc thánh Giuse muốn kín đáo bỏ trốn được giải thích nhiều cách khác nhau. Nhưng cách giải thích chính xác nhất là của thánh Bênađô. Ngài nói:

“Lý do Giuse muốn rời bỏ Maria cũng là lý do mà Phêrô đã xin Chúa tránh xa ông: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! " (Lc 5:8). Đó cũng là lý do viên đại đội trưởng không dám mời Đức Giêsu vào nhà : “Thưa thầy tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi” (Lc 7:6). Như vậy, vì tự coi mình không xứng đáng và là người tội lỗi, nên Giuse tự nhủ rằng mình chẳng là gì hết để có thể sống chung với một con người vĩ đại như Đức Maria... Phêrô đã sợ hãi sự cao cả của quyền năng, viên đại đội trưởng đã e sợ sự hiện diện uy nghi, Giuse cũng thế, ông sợ hãi trước sự mới lạ, trước chiều sâu của một mầu nhiệm lớn lao, nên muốn rời bỏ bà cách kín đáo.. . Lý do khiến Giuse muốn rời bỏ Maria là thế đó”.

Thánh Giuse công chính không dám nhận những gì không phải của mình. Ngài muốn trả cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa. Bào thai trong lòng Đức Mẹ là quyền năng của Thiên Chúa. Thánh Giuse không dám lãnh nhận địa vị cao cả đó.

Đặc biệt hơn, công chính là sống đức tin. Đó chính là điều thánh Phaolô quả quyết khi nói về tổ phụ Abraham trong thư Rôma 4, 3.18-22 mà chúng ta nghe một phần trong bài sách thánh thứ hai: “Ông Abraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính….Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin..., vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện. Bởi thế ông được kể là người công chính”.

Quả thật Abraham luôn tin tưởng vào Thiên Chúa. Vì tin tưởng nên ông mau mắn vâng lời, thi hành mệnh lệnh Thiên Chúa truyền dạy. Thiên Chúa truyền cho ông bỏ quê hương xứ sở, lập tức ông lên đường. Thiên Chúa truyền dòng dõi ông sẽ đông như sao trên trời, như cát dưới biển, dù lớn tuổi, ông vẫn tin. Khi Isaac, con trai ông, đứa con của lời hứa, được mười hai tuổi, Thiên Chúa truyền ông sát tế dâng cho Người, ông lập tức thi hành.

Cũng trong thư Rôma, thánh Phaolô nhắc lại lời tiên tri Habacuc: “Người công chính sống bởi đức tin” (Hab 2,4// Rm 1,17// Gal 3,11). Sống đức tin là sống công chính. Vì ai tin vào Lời Chúa, thi hành mệnh lệnh của Thiên Chúa là trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa là tất cả. Ta chẳng là gì. Mọi sự là của Thiên Chúa. Ta chẳng có gì. Vì thế tuyệt đối vâng lệnh Thiên Chúa và mau mắn thi hành mệnh lệnh của Người là điều hợp lý.

Thánh Giuse là người công chính vì thánh nhân tuyệt đối tin tưởng lời Thiên Chúa, dù lời Thiên Chúa nói với thánh nhân trong giấc ngủ. Thánh nhân tin vào lời Thiên Chúa, trong những sự việc bình thường và hợp lý. Như khi truyền cho thánh nhân đem Chúa Giêsu và Đức Mẹ trốn sang Ai cập và sau đó trở về. Thánh nhân còn tuyệt đối tin tưởng ngay cả trong những trường hợp bất thường và lý trí không giải thích được. Như khi thánh nhân định trốn đi, nhưng Thiên Chúa truyền cho thánh nhân ở lại để nhận Đức Mẹ về làm bạn. Không những tuyệt đối tin tưởng, thánh nhân còn mau mắn thi hành không chút chậm trễ. Đức tin của thánh nhân thật lớn lao. Và vì thế sự công chính của thánh nhân thật trổi vượt, xứng đáng được Tin Mừng chính thức ca tụng.

Chúng ta đang sống trong Năm Đức Tin. Nhưng xem ra chúng ta còn thiếu đức tin. Nếu “người công chính sống bởi đức tin” thì ta chưa sống bởi đức tin. Vì ta còn thiếu công chính. Ta chưa trả cho người khác những gì thuộc về họ. Bất công lớn lao đang tràn lan khắp nơi. Ta chiếm đoạt những gì không phải của mình. Từ chiếm đoạt vật chất của cải, đến chiếm đoạt danh dự, phẩm giá của người khác. Từ chiếm đoạt quyền lợi, đến chiếm đoạt cả tự do. Từ chiếm đoạt uy tín, đến chiếm đoạt cả tiếng nói, cả ý kiến của người khác. Nhất là khi sự chiếm đoạt bât công được thể chế hóa qua guồng máy có tổ chức, được hợp thức hóa qua luật lệ. Tiếm quyền, tiếm danh, tiếm ngôn đang được thực hiện khắp nơi. Nhưng trên hết con người đang chiếm đoạt quyền lợi, và vị trí của Thiên Chúa.

Cần sửa chữa những tệ nạn này bằng một đời sống công chính. Đó là điều mà Hội đồng Giám mục Việt nam đã thể hiện qua bản góp ý để sửa đổi Hiến pháp nước Việt nam. Hãy trả cho từ ngữ đúng ý nghĩa của nó. Hãy trả cho người dân đúng quyền lợi của họ. Hãy trả cho đảng phái đúng vị trí của nó. Và hãy trả cho các cơ quan chính quyền đúng chức năng của nó.

Hôm nay chúng ta vui mừng hiệp thông với toàn thể Giáo hội trong ngày lễ đăng quang của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Thánh Cha là người thao thức với đời sống đức tin thể hiện qua sự công chính. Vì thế suốt đời mục tử ngài quan tâm tới đoàn chiên nghèo khổ. Đòi công bằng cho người nghèo được nghe rao giảng Tin mừng, ngài đã nói với các linh mục: "Chúa Giêsu dậy chúng ta một phương cách khác: Hãy đi. Hãy đi chia xẻ chứng tá của các bạn, hãy đi mà giao dịch với các anh chị em, hãy đi và chia xẻ, đi và thăm hỏi. Hãy trở thành Lời Chúa bằng cả thân xác lẫn tinh thần.”

Đòi công bằng cho người nghèo được quan tâm nên Ngài đã lên án các đồng sự lãnh đạo giáo hội là đạo đức giả vì đã quên rằng Chúa Giêsu Kitô đã làm cho người phong cùi được sạch và ăn uống với phụ nữ làng chơi. Để chia sẻ với người nghèo, bản thân ngài thường đi xe buýt đến sở làm, tự nấu ăn lấy và thường xuyên thăm viếng các khu xóm nghèo nàn xung quanh thủ đô nước Argentina.

Cũng vì luôn đứng về phía người nghèo và luôn bảo vệ công lý, chống lại bất công, bất bình đẳng trong xã hội, Ngài không ngại lên tiếng chỉ trích những điều bất công, phi lý. Mark Rice-Oxley trên nhật báo The Guardian tại Anh, hôm 13/03, năm 2009, cho biết Ngài đã chỉ trích chính phủ của Tổng thống Ernesto Kirchner, chồng của Tổng thống hiện tại của Argentina là Cristina Fernández de Kirchner, là xấu xa và bất chính khi để bất bình đẳng tại nước này gia tăng. Theo báo La Croix, Ngài đấu tranh chống nghèo đói vì Ngài coi nghèo đói là một sự vi phạm nhân quyền. Cũng theo bài viết này, trong một đất nước mà đối lập hầu như không tồn tại, Ngài thực sự là tiếng nói duy nhất dám đương đầu với vợ chồng Tổng thống Kirchner – người mà Ngài không ngừng chỉ trích là độc đoán, chuyên quyền.

Tạ ơn Chúa đã ban cho thời đại chúng ta một vị Giáo hoàng sống đức tin mãnh liệt trong đức công chính lớn lao. Chúng ta hãy đồng hành với ngài và noi gương ngài sống đức tin trong Năm Đức Tin này bằng đời sống công chính.

Lạy Thánh Cả Giuse là Đấng Công Chính, xin nâng đỡ Đức Thánh Cha Phanxicô.

TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt 3/17/2013

Suy niệm về Thánh Cả GIUSE

Thánh cả Giuse là vị thánh rất đặc biệt


Trong tất cả các vị thánh, ngoại trừ Đức Trinh-Nữ Maria là Nữ Vương các thánh, thì không có thánh nào sánh kịp với Thánh cả Giuse.
Thánh cả Giuse được sống bên cạnh Chúa Giêsu, Con của Thiên Chúa; được sống bên cạnh Đức Maria  Maria, Mẹ của Con Đức Chúa Trời, trong gia đình thánh thất, là thiên đàng trên trần gian nầy.
Thánh cả Giuse được chết trong tay Hai Đấng cao trọng nầy, là Con của Thiên Chúa và Mẹ của Thiên Chúa.
Thánh cả Giuse là vị thánh rất cao sang vì Ngài được làm cha nuôi của Chúa Giêsu.
Các thánh tổ phụ, các thánh tiên tri, các thánh nam nữ xưa và nay đều sấp mình thờ lạy Chúa Giêsu, còn Thánh cả Giuse thì nuôi dưỡng Chúa Giêsu, nâng đỡ Chúa Giêsu, lo lắng cho Chúa Giêsu, bồng Chúa Giêsu trên tay, hôn kính Chúa Giêsu, nói chuyện với Chúa Giêsu, cho Chúa Giêsu ăn, cho Chúa Giêsu mặc, bảo vệ Chúa Giêsu khỏi muôn vàn nguy hiểm.
Ý Thiên Chúa quan phòng để cho Thánh cả Giuse làm Cha của Đấng Cứu Thế ở trước mặt người đời. Để thực hiện ý định nầy của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu luôn vâng lời thánh cả Giuse từng li từng tí, tôn kính Ngài như một người con hết sức hiếu thảo.
Bởi thế, trừ ra chức làm Mẹ Thiên Chúa vô cùng cao sang của Đức Trinh Nữ Maria, thì trên trời dưới đất nầy, không có chức nào cao trọng cho bằng chức làm Cha nuôi của Thánh cả Giuse đối với Chúa Giêsu
Vì Chúa Giêsu chỉ có một mình Đức Mẹ Maria là Mẹ thật, nên Thánh cả Giuse được Thiên Chúa Cha giao cho toàn quyền lo lắng mọi sự cho Con Một mình trên trần gian nầy.

Thánh  Giuse rất cao sang vì Ngài được làm bạn rất thanh sạch của Đức Trinh Nữ Maria.

Đối với Đức Trinh Nữ Maria, chức làm Mẹ Thiên Chúa là chức cao trọng vô cùng, thế mà Thánh cả Giuse lại được liên kết mật thiết với Đức Mẹ bằng giây liên lạc hôn nhân theo phép đạo.
Khi ban thánh cả Giuse làm bạn rất thanh sạch của Đức Trinh Nữ Maria, Thiên Chúa ban cho Thánh cả Giuse ba điều cao quý : một là, làm người bạn đường lo lắng, giúp đỡ Đức Trinh Nữ Maria ; hai là, làm người chứng nhận sự trinh khiết tuyệt vời của Đức Trinh Nữ Maria ; ba là, ban cho Thánh cả Giuse ơn trọng đại tham gia vào phẩm chức cao cả làm Mẹ Đức Chúa Trời của Đức Trinh Nữ Maria.

Thánh cả Giuse là vị thánh được Giáo Hội tôn kính hết sức đặc biệt :

Giáo Hội dành một tháng trong năm. tháng ba, để kính Thánh cả Giuse.
Giáo Hội đặt hai lễ trọng trong năm kính Thánh cả Giuse : Lễ Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm của Đức Maria (ngày 19.3 ) và Lễ Thánh Giuse Thợ ( ngày 01.5 ).
Giáo Hội dành ngày thứ tư trong tuần để kính Thánh cả Giuse.
Giáo Hội soạn nhiều kinh đặc biết để cầu nguyện và ca ngợi Thánh cả Giuse như Kinh cầu Ông Thánh Giuse, kinh Thân lạy Ông Thánh Giuse.
Giáo Hội chọn thánh cả Giuse làm Quan Thầy bàu chữa của mình. Khi chọn thánh cả Giuse làm Quan Thầy bàu chữa, Gíao Hội quả quyết rằng : “ Ngoài Đức Mẹ ra, thì trên trời dưới đất nầy không tìm được một vị thánh nào có thần thế để bênh vực Giáo Hội cho bằng Thánh cả Giuse.” ( ĐGH Piô IX, 08.12.1870).

Thánh Cả Giuse treo cao gương sống thánh thiện cho tất cả chúng ta : Ngài là đấng gồm no mọi nhân đức.

Gương yêu mến Chúa Giêsu trên hết mọi sự : Thánh Cả Giuse là Đấng dưỡng nuôi Con Đức Chúa Trời, là Đấng ân cần gìn giữ Chúa Kitô.
Gương hết sức quý chuộng Đức Trinh Nữ Maria : Thánh Cả Giuse là Bạn Đức Mẹ Chúa Chúa Trời, là Đấng thanh sạch giữ gìn Đức Nữ Đồng Trinh.
Guơng trong sạch : Thánh Cả Giuse luôn cầm nhành huệ trắng nơi tay ; Ngài là đấng cực thanh cực tịnh ; ngài là đấng che chở kẻ giữ mình đồng trinh.
Gương khôn ngoan theo Lời Chúa dạy : Thánh Cả Giuse cực khôn cực ngoan, được Thiên Chúa dùng để huớng dẫn Con của Ngài và Mẹ của Con Ngài.
Gương đức tin mạnh : Thánh Cả Giuse là Đấng vững vàng mạnh mẽ. Ngài tin tất cả những Lời Chúa do thiên thần truyền, dầu những Lời nầy được truyền ra trong những hoàn cảnh rất khó khăn : " Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy " ( Mát-thêu 1,24 ) ; " Ông Giuse liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-Cập ” ( Mát-thêu 2,14 ) ; "Ông liền chỗi dậy, đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Israen ” ( Mát-thêu 2,21 ).
Gương vâng lời chóng vánh : Thánh Cả Giuse luôn nhanh chóng tuân theo lệnh Chúa truyền. Ngài là đấng vâng lời mọi đàng, chịu lụy mọi đàng.
Gương thành thật : Thánh Cả Giuse là đấng rất ngay chính thật thà.
Gương sống đời hiền lành, nhịn nhục : Thánh Cả Giuse là gương nhơn đức nhịn nhục.
Gương sống khó nghèo theo tinh thần Tám Mối Phước Thật : Thánh Cả Giuse là đấng yêu chuộng sự khó khăn.
Gương siêng năng làm việc : Thánh Cả Giuse là kiểu thức các tài công noi theo.
Gương điều khiển gia đình một cách thánh thiện : Thánh Cả Giuse là đấng cai quản Thánh Gia Thất xưa ; ngài là Đấng làm cho sáng danh gia đạo.
Gương sống đời nội tâm, thinh lặng : Thánh Cả Giuse không bao giờ nói ra một lời vô ích, một lời ta thán ; ngài nêu cao gương cho các linh hồn sống đời nội tâm sâu xa.
Gương hy sinh tận tụy : Thánh Cả Giuse lo từng miếng cơm manh áo cho Đức Mẹ và Chúa Giêsu, tuy không giàu sang lòe loẹt gì, nhưng cũng luôn luôn đầy đũ. Ngài bao bọc nuôi dưỡng gia đình bằng mồ hôi nước mắt của mình. Ngài thức khuya dậy sớm lo cho kịp công kịp việc để có tiền nuôi sống gia đình.

Thánh Cả Giuse là đấng đầy quyền thế trước mặt Thiên Chúa.

Ngài che chở kẻ giữ mình đồng trinh, nâng đỡ gia thất chúng ta, an ủi kẻ mắc gian nan. Ngài là nơi trông cậy cho kẻ đau ốm liệt lào. Ngài là bổn mạng kẻ mong sinh thì, kẻ hấp hối, sắp lìa đời. Ngài chiến thắng ma quỷ, làm cho quỷ thần kinh khiếp.Ngài là Quan Thầy bàu chữa Giáo Hội.
Thánh cả Giuse thật là một vị thánh siêu phàm, không thiên thần nào sánh kịp, không vị thánh nào so nổi.
Chúng ta hãy nghe những lời đầy trông cậy sau đây của thánh nữ Têrêxa Avila :
Tôi không thể nào quên được rằng cho đến ngày hôm nay, tôi xin Thánh cả Giuse điều gì thì được điều đó, và tôi không thể không lấy làm bỡ ngỡ khi thấy rằng, nhờ Thánh cả Giuse cầu bàu mà Chúa đã ban cho tôi nhiều ơn và đã cứu tôi khỏi những nguy hiểm phần hồn phần xác. Các thánh khác thì được Chúa ban ơn giúp chúng ta trong một vài trường hợp cần thiết, còn kinh nghiệm cho tôi biết rằng Thánh cả Giuse giúp chúng ta trong tất cả mọi trường hợp, như thể Chúa muốn cho chúng ta hiểu rằng : khi ở dưới thế nầy, Ngài đã vâng lời Thánh cả Giuse vì Thánh Cả Giuse là Cha nuôi mình, thì nay trên trời, Ngài cùng không từ chối Thánh cả Giuse điều gì.”

Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang



Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ Trọng Kính Thánh Giuse

Bài đọc: 2 Sam 7:4-5a, 12-14a, 16; Rom 4:13, 16-18, 22; Mt 1:16, 18-21, 24a.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh Giuse trở nên công chính nhờ niềm tin vào Thiên Chúa.

Con người luôn bị giằng co giữa hai thái cực: một bên là đức tin tuyệt đối vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa, một bên là sự suy luận theo lý trí của con người. Khi có sự xung đột, con người phải chọn đàng nào? Nhiều người cho họ chỉ tin những gì lý trí con người có thể hiểu được; ngoài ra là mê tín dị đoan. Nhưng Thiên Chúa đã tuyên sấm qua miệng tiên tri Isaiah: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các ngươi. Như trời cao hơn đất thế nào, tư tưởng và đường lối của Ta cũng cao hơn các người như vậy” (Isa 55:8-9). Lịch sử nhiều lần chứng minh: vâng lời làm theo ý Thiên Chúa mang lại những kết quả quá lòng mong đợi của con người; ngược lại, bất tuân thánh ý Thiên Chúa để làm theo ý riêng mình sẽ gây ra muôn vàn khổ đau cho con người.

Các Bài Đọc hôm nay nêu bật những mẫu gương của những người thi hành thánh ý Thiên Chúa cho dẫu họ không hiểu kế hoạch của Ngài. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa hứa với vua David dòng dõi ông sẽ làm vua cai trị tới muôn đời. Điều này được thực hiện qua Đức Kitô, Ngài thuộc dòng tộc David và sẽ cai trị tới muôn đời. Trong Bài Đọc II, Thiên Chúa hứa sẽ ban cho Abraham một dòng dõi đông như sao trên trời, trong khi ông chỉ có hai người con duy nhất: Isaac bởi Sarah và Ismael bởi Hagar. Lời hứa này cũng được làm trọn nơi Đức Kitô, tất cả những ai tin vào Đức Kitô, họ trở thành con cháu của tổ phụ Abraham. Trong Phúc Âm, thánh Giuse chấp nhận đón Đức Mẹ về chung sống; sau khi được sứ thần của Thiên Chúa cho biết việc Đức Mẹ chịu thai là do quyền năng của Thánh Thần.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta.

1.1/ Lời Thiên Chúa hứa với vua David: Sau khi đã ổn định đất nước, vua David nói với tiên tri Nathan ý định muốn xây nhà cho Thiên Chúa tại thành của David; nhưng ngay đêm ấy, có lời Đức Chúa phán với ông Nathan rằng: "Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là David: Đức Chúa phán thế này: Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi - một người do chính ngươi sinh ra - và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.”

Không phải David sẽ xây nhà cho Thiên Chúa; nhưng chính Thiên Chúa sẽ xây nhà cho ông. Nhà ở đây ám chỉ dòng dõi của David; từ dòng dõi này sẽ xuất hiện Đấng Thiên Sai và uy quyền cai trị sẽ tồn tại đến muôn đời.

1.2/ Lời Hứa của Thiên Chúa: Thiên Chúa cho biết người sẽ xây nhà cho Ngài là Solomon, con kế vị của vua David: “Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi."

Lời Hứa của Thiên Chúa bị đe doạ bởi sự bất trung của hậu duệ của vua David. Có những lúc tưởng chừng như nhà David sẽ hết người nối ngôi, như thời kỳ bị lưu đày; nhưng Thiên Chúa vẫn quan phòng cách khôn ngoan, cho đến ngày Đấng Thiên Sai ra đời từ dòng dõi David.

2/ Bài đọc II: Abraham được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin.

2.1/ Đe dọa của niềm tin: Khi Thiên Chúa hứa sẽ ban cho Abraham một dòng dõi, ông vẫn chưa có lấy một người con dù đã quá tuổi sinh con (Gen 15). Làm sao một người có thể có con đông như sao trên trời và như cát dưới biển, khi chưa có lấy một người con trong lúc tuổi già?

2.2/ Đức tin của tổ phụ Abraham: Nhưng Abraham hoàn toàn tin vào Lời Thiên Chúa hứa, và đó là lý do Abraham được trở nên công chính, như lời thánh Phaolô viết: “Thật vậy, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Abraham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin.”

Thánh Phaolô muốn đả phá một quan niệm sai lầm của người Do-thái: con người trở nên công chính bằng việc giữ cẩn thận các Lề Luật. Ngài dùng chính những gì đã xảy ra cho Abraham để đả phá quan niệm này:

(1) Lời Hứa được Thiên Chúa ban cho Abraham cách nhưng không: Abraham không làm gì để xứng đáng được hưởng những gì Thiên Chúa hứa, như Phaolô xác tín: “Vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Abraham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông.” Hơn nữa Lề Luật được Thiên Chúa ban cho con người sau này, thời của Moses trong cuộc Xuất Hành ra khỏi Ai-cập. Thời của Abraham, làm gì đã có Lề Luật để tuân giữ!

(2) Dòng dõi Abraham được trở nên đông đúc không do di truyền; nhưng do bởi niềm tin của các tín hữu vào Đức Kitô. Phaolô viết: “Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy, như có lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có.”

(3) Con người trở nên công chính bằng đức tin: Abraham không sống trên dương gian để nhìn thấy Lời Thiên Chúa được thực hiện; hơn nữa, Abraham còn chịu rất nhiều thử thách đe doạ niềm tin này. Ví dụ, việc Thiên Chúa muốn ông sát tế Isaac, con ông, trên núi Moriah. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn và thử thách, “mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế. Bởi thế, ông được kể là người công chính.”

3/ Phúc Âm: Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy.

3.1/ Đức tin của Giuse bị thử thách: Cuộc đính hôn của thánh Giuse với Đức Mẹ chắc chắn được Thiên Chúa quan phòng; nhưng Giuse không thể chấp nhận việc Đức Mẹ mang thai khi hai người chưa ăn ở với nhau.

(1) Tình trạng pháp lý: Truyền thống Do-thái về việc cưới hỏi cũng giống như phong tục của Việt-nam. Có ba giai đoạn trong việc cưới hỏi: thứ nhất là giai đoạn hứa hôn, được làm bởi cha mẹ hai bên khi hai trẻ vẫn còn nhỏ. Giai đoạn này không bị ràng buộc nếu sau này một trong hai trẻ không đồng ý tiến tới; thứ hai là giai đoạn đính hôn, thường kéo dài trong khoảng một năm. Theo Luật Do-thái, hai người chính thức thành vợ chồng tuy chưa ăn ở với nhau; nếu muốn ly dị phải theo thủ tục pháp lý. Thánh Giuse và Mẹ Maria ở trong giai đoạn này. Sau cùng là giai đoạn kết hôn, khi hai người ăn ở với nhau.

(2) Cách giải quyết: Một điều Giuse biết chắc chắn là bào thai Đức Mẹ đang cưu mang không phải là của mình. Là người công chính, Giuse không thể chấp nhận bào thai của Đức Mẹ, và ông có hai cách để giải quyết: hoặc tố cáo và Đức Mẹ sẽ bị ném đá vì tội ngoại tình, hoặc bỏ Đức Mẹ cách kín đáo. Vì có lòng nhân từ, Giuse không muốn Đức Mẹ bị ném đá, ông “định tâm bỏ bà cách kín đáo.”

3.2/ Đức tin của Giuse: Khi ông đang toan tính như vậy, thì sứ thần Thiên Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giuse, con cháu David, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."

Để hiểu việc làm của Giuse, chúng ta cần tìm hiểu truyền thống Do-thái hiểu biết về Thánh Thần. Theo Kinh Thánh, Thánh Thần có ít nhất 4 nhiệm vụ như sau:

(1) Ngài là người mang sự thật từ Thiên Chúa đến cho con người (Exo 31:3; Num 11:25; 27:18; Deut 34:9; 1 Sam 10:10; 2 Sam 23:2; Job 32:8; Psa 32:2);

(2) Làm cho con người hiểu biết sự thật (Gen 41:38; Num 24:2; Psa 32:2; Joel 2:28; Lk 12:12; Jn 14:17; 15:26);

(3) Ngài cùng với Thiên Chúa tạo dựng (Gen 6:3; Jdg 14:6; 1 Sam 11:6; Job 27:3; 33:4; Psa 33:6; 104:30);

(4) Tái tạo dựng con người (Gen 1:2; Jdg 6:34; 11:29; 13:25; 15:9; 1 Sam 10:6; Psa 51:10; 143:10; Job 33:4; Eze 37:1-14; Acts 2:1-4).

Thấm nhuần truyền thống trên, Giuse chấp nhận bào thai của Đức Mẹ dẫu biết bào thai không phải là của mình, ông cũng không đòi cắt nghĩa “việc chịu thai bởi Chúa Thánh Thần;” nhưng tin Thánh Thần là nguyên nhân tạo dựng bào thai đó. Suốt cuộc đời chăm sóc Đức Mẹ và Chúa Giêsu, thánh Giuse luôn để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mọi việc và vâng lời làm theo những gì sứ thần truyền. Kinh Thánh tường thuật ba sự kiện: thứ nhất, thánh Giuse chấp nhận đính hôn với Đức Mẹ để trở thành cha nuôi của Đấng Cứu Thế; thứ hai, thánh Giuse chấp nhận đưa Đức Mẹ và Chúa Giêsu trốn sang Ai-cập lúc đang đêm; ngài không nại lý do đang đêm hay làm gì sinh sống nơi đất lạ quê người; sau cùng, ngài chấp nhận đưa gia đình hồi hương và lập nghiệp tại Nazareth; không than phiền phải di chuyển đến nơi ở mới một lần nữa.

Nói tóm, tuy thánh Giuse không để lại một lời nào cho hậu thế; nhưng ngài để cho chúng ta một tấm gương luôn biết lắng nghe và mau mắn thi hành Lời Chúa. Ngài hoàn toàn tin tưởng nơi quyền năng Thiên Chúa, và khiêm tốn thi hành những gì Thiên Chúa truyền, vì Ngài biết trí khôn của mình không thể hiểu nổi sự quan phòng của Thiên Chúa.


ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta được trở nên công chính nhờ niềm tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô; chứ không nhờ những việc chúng ta làm.
- Thử thách và đau khổ trong cuộc đời là những cơ hội giúp chúng ta chứng tỏ đức tin nơi Thiên Chúa. Chúng ta hãy biết sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
- Thiên Chúa luôn trung thành giữ những gì Ngài hứa; vì thế, chúng ta cần đặt trọn vẹn niềm tin tưởng nơi Ngài.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


SỐNG LỜI CHÚA - Thứ ba: Kính THÁNH GIUSE BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA
THÁNH GIUSE NGƯỜI GIA TRƯỞNG TRUNG THÀNH

 Nhân ngày mừng kính Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Maria, bổn mạng giới gia trưởng, xin chia sẻ cùng quý anh em về nhân đức trung thành của thánh cả Giuse.

 1. Thánh Giuse trung thành bảo trợ gia đình.

Sau khi nhận được thánh ý Thiên Chúa, thánh Giuse đã sẵn sàng đứng ra để bảo trợ gia đình thánh gia.

 Thánh Kinh thuật lại cho biết: khi  biết được Đức Maria mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Thánh Giuse đã không ngần ngại nhận Đức Maria về nhà mình đễ chở che và nuôi dưỡng. Nhận lãnh hay bảo lãnh Đức Maria về nhà cũng đồng nghĩa thánh Giuse giải cứu Đức Maria khỏi búa rìu dư luận và thoát khỏi án tử, vì theo luật Do Thái thời bấy giờ, đàn bà không chồng mà có con thì phải bị ném đá đến chết.

 Việc bảo trợ Đức Maria cũng có nghĩa là đồng bảo trợ Hài Nhi đang được cư mang trong cung lòng Đức Maria. Việc nhận Đức Giêsu làm con cũng là việc bảo trợ cho Đức Giêsu sinh ra cách hợp pháp, đồng thời đưa Đức Giêsu vào trong dòng tộc vua Đavít.

 Không chỉ bảo trợ cho Hài nhi Giêsu sinh ra hợp pháp mà thánh Giuse còn bảo toàn mạng sống của Đức Giêsu khỏi nanh vuốt của vua Hêrôđê. Để bảo toàn mạng sống của Đức Giêsu, thánh Giuse phải vượt đường xa hiểm trở gần 500 cây số xuyên qua sa mạc dài hơn 200 km không một bóng cây, không một ngọn cỏ, không một giọt nước, rất gian khổ để đến Aicập tị nạn.

 Ngoài việc bảo vệ sự sống, bảo vệ mạng sống, thánh Giuse còn phải bảo vệ cho Đức Maria và Hài Nhi Giêsu được sống nữa. Ngài đã phải lao động vất vã tại hãng xưởng mộc bé nhỏ tại làng Nazarét để mưu tìm miếng cơm, manh áo, tiền nong để nuôi sống gia đình.

 Cuộc đời thánh Giuse quả không phải sung sướng, an nhàn, trái lại ngài phải trãi qua trăm chiều thử thách và đau khổ. Ý Chúa quan phòng để ngài nêu gương cho anh em gia trưởng khi gặp gian lao, thử thách cũng biết vui lòng hy  sinh như Ngài để bảo vệ sự sống, mạng sống và tạo điều kiện cho gia đình mình được sống an bình.

 Là người cha phải hết lòng bảo vệ con cái mình khỏi tay kẻ dữ, khỏi bầu khí hận thù và bất công. Đó là nhiệm vụ vô cùng to lớn của gia trưởng chúng ta.

 Hằng ngày có biết bao hài nhi bị hủy diệt trong bào thai. Chúng ta cũng đã từng chứng kiến không ít những hài nhi vừa cất tiếng khóc chào đời lại bị chính cha mẹ chúng bỏ rơi, thật đau lòng.

 Cách bảo vệ hài nhi an toàn nhất là chúng ta phải biết tỉnh thức để nghe tiếng Chúa nói trong lương tri như thánh Giuse, dù khi ngủ ngài vẫn thức tỉnh nhận ra tiếng Chúa nói trong giấc mộng.

 2. Thánh Giuse trung thành với vai trò làm cha.

Người cha phải là người biết đón nhận con cái với ý thức rằng con mình cũng chính là con Thiên Chúa ban tặng. Hiểu rõ điều đó, thánh Giuse và Mẹ Maria đã dâng con lại cho
Thiên Chúa. Việc dâng con cho Chúa, nói lên tâm tình tạ ơn về thiêng chức được làm cha mẹ con mình và được diễm phúc cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo.

Để thực hiện tốt thiêng chức ấy, người gia trưởng phải tạo dựng gia đình mình thành một cộng đoàn sống đức tin mạnh mẻ, lòng cậy trông bền đổ và lòng mến Chúa thiết tha.

 3. Thánh Giuse trung thành trong nhiệm vụ giáo dục con cái.

Tin mừng thánh Luca đề cao nền giáo dục tuyệt vời của thánh gia qua câu: " Hài nhi lớn lên càng mạnh khỏe, khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Chúa và người ta" ( Lc 2, 40-52). Chỉ một lời ngắn ngủi của thánh sử Luca nhưng đã diễn tả hầu như trọn vẹn cách thế giáo dục của thánh Giuse và Đức Maria đối với con mình. Các ngài đã để ý và giáo dục con mình về mọi phương diện:Thể dục, trí dục , đức dục ...

 - Thể dục: Trẻ Giêsu càng lớn lên càng mạnh mẻ, đầy sức lực nhờ vào lao động nơi xưởng mộc Nazarét mà thánh Giuse đã dày công tạo dựng.

Lên 12 tuổi trẻ Giêsu đã đi bộ suốt bốn năm ngày đàng lên Giêrusalem dự lễ vậy mà không thấy thánh kinh nói trẻ Giêsu mệt mỏi.

 Sau này giảng đạo, Đức Giêsu đã đi khắp cùng làng mạc, thành phố và cả những vùng lân cận nữa.

 - Trí dục: Càng tuyệt vời hơn khi mới 12 tuổi, cậu bé Giêsu của làng Nazarét quê mùa, vô danh, ở tít vùng sâu, vùng xa đã đàng hoàng vào đền thờ ở thủ đô Giêrusalem, ngồi giữa các thầy tiến sĩ vừa nghe vừa hỏi, và ai cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp khôn ngoan của cậu. Nếu gia đình thánh Giuse không quan tâm đến việc hướng dẫn con mình học hỏi và trao dồi thánh kinh thì làm gì có sự hiểu biết như thế.

 Mỗi ngày Sabát là dịp tốt để tìm hiểu thánh kinh và nghiên cứu luật Chúa. Như trở thành thói quen mà cha mẹ để lại, sau này khi rao giàng Chúa Giêsu thường xuyên vào Hội Đường đọc lời Chúa, giảng dạy và chữa bệnh. Có lẽ nhờ việc quan tâm đến tri thức con mình, nên Đức Giêsu đã thuộc lòng các luật và Lời Chúa.

 - Đức dục: Ngoài đức công chính gắn liền với tên tuổi thánh Giuse, chúng ta còn nhận thấy một nhân đức khác nổi bậc nơi ngài nữa đó là đức vâng lời. Vâng lời thánh ý Thiên Chúa, ngài đã bỏ ý riêng mình để đón nhận Đức Maria về nhà mình. Vâng lời Thiên Chúa, ngài đã mau mắn đem Đức Maria và Hài Nhi trốn sang Aicập.

 Có lẽ chính nhờ ảnh hưởng của một nền đạo đức như vậy mà Đức Giêsu trở nên người con hằng "đẹp lòng Chúa Cha".

 Cuộc đời Chúa Giêsu cũng tiếp nối bằng hai chữ " xin vâng" theo thánh ý Chúa Cha như thánh Giuse và Đức Maria:

 Vâng lời Chúa Cha từ trời cao Người xuống thế, từ Vị Thiên Chúa trở nên người phàm, từ Đấng thánh thiện lại gánh lấy tội nhân, Người vốn là giàu sang lại trở nên nghèo khó...và Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Vì thế Nên Người hằng xác quyết: "lương thực của Ta là làm theo Đấng đã sai ta". Ngoài việc vâng lời Chúa Cha, Đức Giêsu còn luôn vâng lời thánh Giuse và Đức Maria: "Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazarét và hằng vâng phục các ngài" ( Lc 2, 51).

 Vậy người gia trưởng cũng hãy noi gương thánh Giuse quan tâm giáo dục con mình phát triển toàn diện. Trung thành giáo dục như thế mới mong con chúng ta trở nên xứng đáng là con cái Chúa.

 Cùng với Giáo Hội, chúng ta cũng đang sống trong tâm tình của mùa chay thánh. Nếu mùa chay Giáo Hội mời gọi chúng ta trở về, thì  trước hết, chúng ta hãy bắt đầu trở về với chính mình, với những bổn phận của người chồng, người cha, người gia trưởng trong gia đình mình, bằng việc noi gương thánh Giuse trung thành trong vai trò bảo trợ gia đình, trung thành trong trách nhiệm làm cha và nhất là trung thành trong việc giáo dục con mình trở thành người và thành người con Chúa.

 Cầu chúc quý anh em sống mùa chay thật ý nghĩa. Vì sự sống và hạnh phúc gia đình, gia trưởng chúng ta quyết sống với BA TRUNG THÀNH theo gương thánh Giuse Bổn mạng gia trưởng chúng ta. Amen




THỨ BA TUẦN V MÙA CHAY
THÁNH GIUSE BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA - LỄ TRỌNG

Lc 2, 41 - 51a

1 Ghi nhớ: Giuse, Người công chính.

2 Suy niệm:  Hãy nói bạn anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là ai. Câu nói ấy thật đúng với thánh Giuse, bạn trăm năm của Đức Maria.

Đức Maria một người được chọn trong muôn ngàn người phụ nữ, để làm mẹ Đấng Cứu Thế. Thế nhưng điều đó được giữ kín không ai hay biết, bà con láng giềng vẫn cứ nghĩ bà Maria này là mẹ của bác thợ mộc. Nhưng có một người biết được bí mật đó. Người đó chính là thánh Giuse, người được chọn làm bạn với Đức Maria.

Người ta thường thấy người sang bắt quàng làm họ. Còn với thánh Giuse, đây là một tiền định làm bạn với Đức Maria, để làm cha nuôi Đức Giêsu. Bao nhiêu đó cũng cho thấy được phẩm hạnh của Thánh Giuse là thế nào. Vậy mà trong suốt cuộc đời chu toàn vẹn vẻ chức vụ làm cha, chúng ta không nghe thấy Thánh Giuse nói một lời nào.Thế mà gia đinh vẫn hạnh phúc, vợ hiền con thảo. Cuộc sống âm thầm ấy đâu thua kém gì Đức Maria. Chỉ có điều là trong kế hoạch của Thiên Chúa mỗi người có vị trí riêng của mình.

Thiên Chúa đã không lầm khi chọn thánh Giuse làm bạn với Đức Maria và thánh Giuse đã không để Thiên Chúa phải thất vọng khi người đóng trọn vai trò của mình.

Kitô hữu có nghĩa là bạn của Đức Kitô, không phải chúng ta đã chọn Chúa, nhưng là Chúa đã chọn chúng ta. Chúng ta có sống xứng đáng là một người bạn của Đức Kitô chưa ?

3 Sống Lời Chúa:  Các con là bạn hữu của Thầy.

4 Cầu nguyện:  Lạy thánh Giuse, xin dạy con biết sống sao cho xứng với người bạn tuyệt vời của con là Đức Giêsu Kitô.



19/03/13 THỨ BA TUẦN 5 MC
Th. Giuse, bạn trăm năm Đức Maria
Mt 1,16.18-21.24a

NGƯỜI CÔNG CHÍNH THẦM LẶNG
Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. (Mt 1,24)
Suy niệm: Khi được truyền tin, Đức Mẹ còn đối đáp với sứ thần vài lời; còn trong đoạn Tin Mừng có thể gọi là truyền tin cho thánh Giuse hôm nay, chúng ta thấy thánh Giuse chỉ thinh lặng và thực hiện lời sứ thần Chúa dạy.  Thế nhưng, cuộc đời thinh lặng - Kinh Thánh không ghi lại một câu nói nào của ngài - và thái độ mau mắn làm theo ý Chúa của ngài lại trở thành tiếng vang lớn cho các tín hữu ở khắp nơi và qua mọi thời. Hội Thánh đã nhận ra vị thế của ngài trong công cuộc cứu độ, cũng như sự độc đáo nơi cung cách sống của ngài, nên đã chọn ngài làm bổn mạng cho cả Hội Thánh. Hội Thánh còn dành riêng một tháng để các tín hữu chiêm ngắm mẫu gương của ngài.
Mời Bạn: Dù lời sứ thần truyền khác với dự định của mình, thánh Giuse vẫn nhanh nhẹn thi hành. Chú tâm tìm hiểu ý Chúa, rồi thinh lặng, âm thầm thi hành cách vui tươi điều Chúa muốn, đó là nét nổi bật trong cuộc đời công chính của thánh Giuse. Đó cũng phải là cung cách sống niềm tin của bạn trong Năm Đức Tin này.
Chia sẻ: Bạn rút ra được bài học gì từ cuộc đời thầm lặng của thánh Giuse?
Sống Lời Chúa: Nhìn ngắm tượng thánh Giuse thật lâu để cảm nhận được sự thinh lặng tìm hiểu ý Chúa và mau mắn thi hành của ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa vẫn đang nói, đang ban lời cứu độ cho thế giới. Xin cho chúng con biết dành những phút thinh lặng để chăm chú lắng nghe Chúa nói, suy gẫm trong lòng, rồi loan báo lòng yêu thương của Thiên Chúa là Cha cho mọi người. Amen.

ĐẶT TÊN CHO CON TRẺ
Maria là một mầu nhiệm, Giêsu cũng là một mầu nhiệm. Giuse sống bên những mầu nhiệm, nên chính đời ngài cũng trở thành mầu nhiệm

Suy nim:
Cô Maria đã đính hôn với ông Giuse và vẫn ở nhà với bố mẹ. Phải đợi một năm sau cô mới về nhà chồng, mới làm lễ thành hôn thực sự. Lạ thay cô lại mang thai khi chưa chung sống với Giuse. Điều này hẳn làm Giuse bối rối và suy nghĩ nhiều. Ông không thể tố cáo Maria, cũng không thể lấy cô ấy làm vợ. Chỉ còn cách là ly dị Maria cách âm thầm kín đáo. Nhưng Thiên Chúa không nghĩ thế. Ý định của Ngài được báo với Giuse trong giấc mộng. “Đừng sợ đón Maria vợ ông về, vì thai nhi được cưu mang nơi bà là do Thánh Thần” (c. 20). Giuse hay bị đánh thức vào lúc ông cần nghỉ ngơi. Phải có lòng tin thế nào Giuse mới dám nhận Maria đang mang thai làm vợ. Tin thai nhi được Maria cưu mang là “do Thánh Thần” (c. 20), điều đó không dễ dàng, vì chưa bao giờ xảy ra trường hợp tương tự. Tin còn là từ bỏ những toan tính và định tâm của mình (cc.19-20) để vâng phục ý định bất ngờ và khó hiểu của Thiên Chúa. Điều khiến cho Giuse có một chỗ đứng độc đáo trong lịch sử cứu độ đó là việc ông đón Maria đang mang thai về nhà mình làm vợ chính thức. Đơn giản là ông chấp nhận làm đám cưới với Maria. Đón Maria làm vợ cũng là nhận cả thai nhi trong bụng mẹ làm con. Giuse là cha khi ông chấp nhận đứng ra đặt tên cho con trẻ (c. 21). Ai có thể biết được điều gì sẽ xảy ra nếu Giuse cứ muốn âm thầm ly dị Maria? Giuse đã là chỗ dựa sống còn của ơn cứu độ, là nơi nương tựa của Mẹ và Con. Nhờ Giuse, Cô Maria không bị mang tiếng ngoại tình, và bé Giêsu không phải là con hoang, nhưng là con thuộc dòng Đavít. Đức Giêsu sau này có thể công khai và tự tin đến với dân Ítraen. Thánh Giuse đã lập gia đình, đã có một mái ấm với người mình yêu. Ngài sống như một người chồng, người cha bình thường. Nhưng bên trong lại là những mầu nhiệm. Ngài không thật sự là chồng của Maria, cũng không thật sự là cha của Giêsu.
Maria không còn là đối tượng để Giuse mê đắm và chiếm hữu, vì Maria đã thuộc trọn về Thiên Chúa, cả xác lẫn hồn. Maria là một mầu nhiệm, Giêsu cũng là một mầu nhiệm. Giuse sống bên những mầu nhiệm, nên chính đời ngài cũng trở thành mầu nhiệm. Phải đến với mái ấm ở Nadarét ta mới thấy mầu nhiệm ẩn trong cái bình thường. Chỉ ai biết nhìn thì mới thấy sự thánh thiện phi thường ở đó.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
sau hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Nadarét, Chúa đã thành một người chín chắn và trưởng thành, sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.
Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách của Chúa.
Chúa đã học nơi thánh Giuse sự lao động miệt mài, sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa, sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.
Chúa đã học nơi Mẹ Maria sự tế nhị và phục vụ, sự buông mình sống trong lòng tin phó thác và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.

Xin nhìn đến gia đình chúng con,
xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt,
biết yêu thương tha thứ, biết cầu nguyện và phục vụ.

Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn,
Giáo hội chúng con thánh thiện hơn, nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan và tràn đầy ơn Chúa.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
19 THÁNG BA
Các Quyền Của Con Người
Phản Ảnh Vai Trò Làm Cha Của Thiên Chúa

Giáo Hội nhìn nhận Thánh Giu-se – người công chính – là cha của Đức Giê-su Na-da-rét. Đó là lý do vì sao chúng ta nghe thấy những lời này trong Tin Mừng: “Cha con và mẹ đã lo lắng kiếm tìm con” (Lc 2,48).
Những lời ấy được thốt lên bởi Mẹ Đức Giêsu sau ba ngày tìm kiếm đứa con 12 tuổi của mình và rốt cục gặp thấy Người “trong Đền Thờ, ngồi giữa các bậc thầy dạy, vừa nghe họ,ï vừa đặt câu hỏi” (Lc 2,46).
Tất cả chúng ta đều công nhận rằng câu chuyện được Thánh Sử Luca kể lại này là biến cố duy nhất về thời niên thiếu của Đức Giêsu được Tin Mừng thuật lại. Thật là một câu chuyện đầy ý nghĩa, vì cậu thiếu niên 12 tuổi ấy được gặp thấy ngồi giữa các thầy dạy trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. “Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu” (Lc 2,47).
Đồng thời, biến cố này cũng chiếu một tia sáng đặc biệt vào mầu nhiệm làm cha của Giu-se ở Na-da-rét. Chúng ta nhận ra rằng Đức Maria, sau khi quở trách Đức Giêsu (“Này con, sao con nỡ làm thế?”), đã nói tiếp: “Cha con và mẹ đã lo lắng tìm con”. Và Đức Giêsu trả lời: “Tại sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải ở trong nhà Cha con sao?” (Lc 2,49). Đức Maria đã nhắc đến mối quan tâm của một người cha nơi Thánh Giu-se. Còn cậu thiếu niên Giê-su 12 tuổi thì hướng chỉ đến vai trò làm cha của Thiên Chúa.
Nhờ hình ảnh Thánh Giu-se, chúng ta có thể cảm nhận được phần nào mối liên hệ thâm sâu giữa vai trò người cha trong nhân loại và vai trò người cha của Thiên Chúa; chúng ta có thể hiểu vai trò người cha trong nhân loại phát xuất từ vai trò người cha của Thiên Chúa như thế nào – và rút ra được từ vai trò người cha của Thiên Chúa phẩm giá và sự cao cả đích thực như thế nào.
Đối với một con người, việc sinh một đứa con trước hết có nghĩa là mình “nhận nó từ Thiên Chúa”. Sinh một đứa con chính là nhận một món quà do bởi Thiên Chúa tạo thành. Đó là lý do tại sao con cái thuộc về Thiên Chúa trước hết, rồi mới thuộc về cha mẹ mình. Thật vậy, chân lý này vô cùng phong phú và hàm súc cả cho con cái lẫn cho các bậc cha mẹ.
Đây chính là chỗ để ta nhận hiểu tính cao cả của sứ mạng được ủy thác cho người cha và người mẹ – sứ mạng đó là trở thành khí cụ của Cha trên trời trong việc giáo dục con cái mình. Song ở đây ta cũng nhận thấy cái giới hạn rõ ràng mà các bậc cha mẹ phải tôn trọng khi họ nuôi dạy con cái. Cha mẹ không bao giờ được phép tưởng nghĩ rằng mình sở hữu con cái mình. Nhưng cha mẹ phải giáo dục con cái với ý thức thường xuyên về mối quan hệ đặc biệt giữa con cái họ với chính Cha trên trời. Trong mọi sự, họ phải dành mối quan tâm đệ nhất cho Cha trên trời hơn so với mối quan tâm đến vai trò làm cha làm mẹ trần thế của mình.
Thánh gia ở Na-da-rét là mẫu gương hết sức phong phú không chỉ cho các bậc cha mẹ mà cả cho con cái nữa. Thánh Phao-lô nói rằng “Chúa Cha là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3,15). Tất cả chúng ta hãy không ngừng tiến gần hơn đến Cha trên trời.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét