Bâng
khuâng
“Kể
từ ngày 28-2-2013, vào lúc 8 giờ tối, Tòa Thánh Rôma, Tòa Thánh Phêrô, sẽ trở
thành trống ngôi, và Mật tuyển viện sẽ được triệu tập để các vị có thẩm quyền
tuyển chọn vị tân Giáo Hoàng”. Lời thông báo do chính Đức Thánh Cha
Bênêđictô XVI nói với các vị Hồng y tham dự cuộc họp tại Rôma vào
buổi sáng ngày 11-2-2013, đã gây bàng hoàng cho những người hiện
diện. Sự ngỡ ngàng này được Đức Hồng y Sodano, trưởng Hồng y đoàn,
diễn tả liền sau đó: "Chúng con đã nghe Đức Thánh Cha
nói mà cảm thấy mất mát làm sao ấy, hầu như không thể nào tin
nổi. Trong lời nói của Đức Thánh Cha, chúng con
thấy được lòng cảm mến sâu đậm nơi Đức Thánh
Cha đối với Hội Thánh Chúa, vì Đức Thánh Cha đã yêu mến Giáo Hội
này rất nhiều”.
“Tòa Thánh trống ngôi”. Sáng sớm ngày thứ sáu,
1-3-2013, bỗng thấy mình bâng khuâng đến kỳ lạ. Cảm giác bâng khuâng
tiếc nuối như vừa mất đi một điều gì vô cùng quý giá. Cảm giác ấy
cũng giống như vừa được chứng kiến một sự kiện lịch sử rất quan
trọng trong đời người. Vẫn biết rằng trong vài tuần nữa sẽ có một
vị Giáo Hoàng mới cho ngai tòa Thánh Phêrô, mà lòng vẫn cảm thấy
xốn xang, bởi lẽ có một triều đại mang tên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI
đã đi vào lịch sử và sẽ không bao giờ tái hiện nữa. Trong buổi
tiếp kiến chung cuối cùng của Đức Thánh Cha tại quảng trường Thánh
Phêrô ngày thứ tư 27-2, trên 150.000 tín hữu đã hiện diện để lắng nghe
và từ biệt Ngài. Con số này nói lên lòng yêu mến của mọi người
dành cho vị Giáo Hoàng 86 tuổi, người sau cuộc tiếp kiến này sẽ
bước vào một cuộc sống thinh lặng để chuyên tâm cầu nguyện. Những
hình ảnh ghi lại cuộc tiễn biệt Đức Thánh Cha vào chiều ngày hôm đó
làm cho người xem rất cảm động. Có vị Hồng y đã đưa tay lau nước mắt
khi Đức Thánh Cha đi ngang qua và giơ tay vẫy chào.
“Tòa Thánh trống ngôi”. Sự kiện này nhắc tôi suy tư
về Giáo Hội với vẻ đẹp thiêng liêng kỳ diệu. Tôi yêu mến Giáo Hội
hơn bao giờ hết, vì sự hiện diện của Giáo Hội mang tính liên tục
trong suốt hai mươi thế kỷ qua, từ Thánh Phêrô cho đến hôm nay. Sự ngắt
quãng giữa hai vị Giáo Hoàng chỉ là tạm thời. Giáo Hội của Chúa
luôn có người lãnh đạo. Con thuyền Giáo Hội luôn có Phêrô điều khiển.
Không bao giờ Giáo Hội bị bỏ rơi, vì có Chúa luôn hiện diện. Chúa
Giêsu đã hứa: “Này đây, Thày ở cùng các con mọi ngày cho đến tận
thế” (Mt 28,20). Chính nhờ sự hiện diện của Chúa mà Giáo Hội
đứng vững trước bao cuồng phong của cuộc đời. Tôi yêu mến Giáo Hội
như con thơ yêu mến mẹ hiền, vì Giáo Hội sinh ra và cưu mang tôi trong
ân sủng. Tình yêu ấy thúc đẩy tôi hãy làm một điều gì đó dù nhỏ
mọn để vẻ đẹp của Giáo Hội được rạng ngời.
“Tòa Thánh trống ngôi”. Đây cũng là lúc tôi cần
phải cầu nguyện cho Giáo Hội cách đặc biệt hơn. Tôi cầu nguyện cho
Giáo Hội được hiệp nhất. Bởi lẽ có thể lúc này nhiều người thiếu
thiện cảm với Giáo Hội lợi dụng để gây chia rẽ. Có thể lúc này ma
quỷ như kẻ xấu vụng trộm gieo cỏ lùng vào ruộng lúa, làm cho thửa
ruộng mất đi vẻ tinh tuyền. Tôi cần cầu nguyện với Giáo Hội trong
lúc này để khẳng định tôi thuộc về Giáo Hội, chia vui sẻ buồn của
Giáo Hội. “Sentire Cum Ecclesia”, niềm vui của Giáo Hội cũng là niềm
vui tôi đang hưởng. Nỗi lo của Giáo Hội cũng là nỗi lo mà tôi
phải sẻ chia. Tôi cầu nguyện để xin Chúa ban cho Giáo Hội của Ngài
một vị lãnh đạo khôn ngoan tài đức, lái đưa con thuyền Giáo Hội trong
bối cảnh xã hội phức tạp hôm nay.
“Tòa Thánh trống ngôi”. Sự kiện này nhắc tôi những
kỷ niệm khó quên trong dịp yết kiến riêng Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
vào ngày 26-6-2009, nhân dịp các Giám mục Việt Nam đi Ad Limina.
Đức Thánh Cha ân cần hỏi tôi về các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Ngài
cũng quan tâm đến mối tương quan giữa người Công giáo và Phật giáo
cũng như các tôn giáo khác tại Hải Phòng. Khi tôi thưa với Ngài: “Thưa
Đức Thánh Cha, mỗi khi cầu nguyện, nhất là khi chầu Thánh Thể ,
chúng con đều cầu nguyện cho Đức Thánh Cha”. Ngài cám ơn và nói
thêm: “Lời cầu nguyện của mọi người là điều căn bản để giúp tôi
thi hành sứ vụ của một vị Giáo Hoàng”. Mặc dù từ hôm nay, tên
của Ngài không còn được xướng lên trong thánh lễ, tôi vẫn cảm thấy
gần gũi Ngài hơn bao giờ hết, trong tình thảo hiếu mến yêu.
Tin
Đức Thánh Cha sẽ từ nhiệm làm cho cả thế giới bỡ ngỡ, vì là điều
rất hiếm thấy trong Giáo Hội. Người ta luyến tiếc một vị Giáo Hoàng
khôn ngoan, cương trực nhưng kiên nhẫn và chủ trương đối thoại. Người ta
cũng thể hiện sự trân trọng và cảm phục đối với một vị Giáo Hoàng
đã vì yêu mến Giáo Hội, sẵn sàng từ nhiệm khi thấy tình trạng sức
khỏe của mình không còn phù hợp với trọng trách của một vị lãnh
đạo tối cao của Giáo Hội. Lời phát biểu cảm tưởng của một số các
vị lãnh đạo cao cấp trong Giáo Hội và khá nhiều các vị nguyên thủ
quốc đã chứng minh điều ấy. Thiết tưởng tâm tình của linh mục
Federico Lombardi, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, cũng là tâm tình
của rất nhiều người chúng ta: “Cá nhân tôi, tôi đã nhận thông báo
về việc từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng bằng tấm lòng khâm phục sâu xa, về sự dũng cảm
cả thể của việc từ nhiệm này, đối với sự tự do trong tinh thần của Đức Thánh
Cha cũng như đối với mối quan tâm lớn lao về trách nhiệm thừa tác vụ của Ngài.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cống hiến cho chúng ta một chứng từ cao cả về sự
tự do thiêng liêng, về đức khôn ngoan cao cả liên quan đến việc quản trị của
Giáo Hội trong thế giới ngày nay”.
Trong
niềm bâng khuâng và cảm phục, tôi đón nhận lời Đức Thánh Cha như di
chúc thiêng liêng của Ngài cho các tín hữu: “Chúng ta vui mừng vì đã được
hồng ân đức Tin, đó là của cải quý báu nhất không ai có thể lấy đi mất! Chúng
ta hãy tạ ơn Chúa mỗi ngày, qua việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh nguyện và cuộc
sống Kitô hữu. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chờ đợi chúng ta kính mến
Người!” (Lời huấn đức trong buổi tiếp kiến cuối cùng 27-2-2013)
Vâng,
“Hãy vui mừng vì là người Kitô hữu”. Điều này xem ra đơn giản
mà tôi thường hay lãng quên. Cũng như Đức Thánh Cha, mặc dù từ nhiệm,
vẫn “luôn luôn mãi mãi phục vụ Giáo Hội”, tôi nguyện ước dấn
thân để phụng sự Giáo Hội cách hiệu quả hơn, vì chính trong Giáo
Hội mà tôi được gặp gỡ Chúa và anh chị em tôi trong tình gia đình
thân thuộc.
Hải
Phòng, ngày 2-3-2013
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét