Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Israel khẩn cầu Giavê Thiên Chúa, vì là dân riêng của Người

Israel khẩn cầu Giavê Thiên Chúa, vì là dân riêng của Người

Lần trước chúng ta đã bắt đầu tầm nguyên nguồn gốc của lời cầu nguyện. Nó phát xuất từ tương quan của con người là thụ tạo với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa đã dựng con người giống hình ảnh Người. Bản chất và ơn gọi của con người là duy trì nguyên tuyền hình ảnh đó và sống tương quan thân tình với Thiên Chúa, đối thoại với Người. Chiều chiều khi gió hiu hiu thổi Thiên Chúa đến vườn Êđen đi dạo và nói chuyện với con người. Đây là định nghĩa tuyệt diệu đầu tiên của lời cầu nguyện: cầu nguyện là đối thoại, nói chuyện thân tình với Thiên Chúa.

Nhưng lời cầu nguyện còn phát xuất từ sự kiện Thiên Chúa chọn dân Do thái làm dân riêng của Người. Thánh Kinh là cuốn sách kể lại cuộc lựa chọn đó và các hệ lụy của nó trong cuộc sống của dân Do thái. Ơn gọi của tổ phụ Abraham cho thấy Thiên Chúa chuẩn bị cho Người một dân riêng. Để trở thành tổ phụ dân riêng Thiên Chúa chọn, Abraham phải ra khỏi khung cảnh mà ông đã sống cho tới khi đó, như kể trong chương 12 sách Sáng Thế: ”Giavê phán với ông Apram: ”Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St 12,1-2). Ra khỏi môi trường xã hội đa thần, ra khỏi vùng đất phì nhiêu, và cuộc sống định cư bảo đảm, để bắt đầu cuộc sống bán du mục phiêu lưu vô định, nhưng dưới sự hướng dẫn và chở che của Thiên Chúa duy nhất. Sự dứt khoát từ bỏ đó là cả một hy sinh cao độ. Và Thiên Chúa đổi tên ông thành Abraham.

Tuy nhiên, những gì ông Abraham phải bỏ bề ngoài chỉ là biểu tượng cho sự từ bỏ bên trong: từ bỏ chính con người mình, từ bỏ tâm thức con người trần gian của mình để bước vào trong cái luận lý của Thiên Chúa, nhìn mọi sự với đôi mắt của Thiên Chúa và suy tư lý luận như Người. Điều Thiên Chúa muốn ông Abraham tử bỏ là chính cái tôi và tâm thức loài người của ông, hầu hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa và chương trình của Người. Nhưng Thiên Chúa củng cố và thanh tẩy đức tin của tổ phụ Abraham. Ngài hứa ban cho ông có con và dòng dõi đông như sao trên trời như cát dưới biển, nhưng Abraham và bà Sarah vợ ông đợi mãi cho đến khi tuổi già vẫn không thấy có con. Tới khi có được Igiaác Thiên Chúa lại thanh luyện đức tin của Abraham bằng cách xin ông sát tế Igiaác cho Người. Trong tất cả các thử thách và thanh luyện cam go đó ông luôn sẵn sàng thưa vâng với Thiên Chúa. Nhưng ở đây nữa, Thiên Chúa không muốn cái chết của Igiaác, mà muốn rằng cái tôi, con người và tâm thức của Abraham phải hoàn toàn chết đi, để Ngài có thể nhào nắn ông theo như Ngài muốn, và đặc biệt để ông có thể là tổ phụ của dân riêng Chúa chọn, một dân tin nơi Giavê, kính yêu Ngài, tín thác nơi Ngài và vâng lời Ngài. Có thể ví cái luận lý của Thiên Chúa là thứ luận lý của kim tự tháp lật ngược. Điểm tựa của nó là đức tin tín thác, bé tí, vô hình. Nhưng chính trên điểm vô hình ấy Thiên Chúa xây kim tư tháp của lịch sử cứu độ và lịch sử của dân Do thái là dân riêng Ngài chọn. Và công trình của Thiên Chúa càng lên cao lại càng rộng mở mênh mông bát ngát như bầu trời.

Trong câu chuyện cuộc đời tổ phụ Abraham Thiên Chúa luôn luôn là Đấng đưa ra sáng kiến, đề nghị, hướng dẫn và truyền lệnh. Ngài gọi ông, và Abraham luôn thưa: ”Lậy Chúa, này con đây”. Đây cũng lại là thái độ cầu nguyện. Trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa tín hữu cũng phải luôn thưa: ”Lậy Chúa, này con đây”. Lời thưa đó cũng có nghĩa là ”Xin Chúa phán, này tôi tở Chúa đang lắng nghe”, lắng nghe để hiểu biết ý muốn của Chúa và mau mắn làm theo.

Chương 18 trình thuật chuyến Thiên Chúa viếng thăm Abraham dưới hình của ba sứ giả. Đây là một thí dụ khác nữa cho thấy cuộc đối thoại thân tình giữa Thiên Chúa và Abraham, tổ phụ dân Israel. Một cuộc đối thoại rất đẹp, vì hoa trái của nó là người con nối dõi tông đường mà hai cụ già Abraham và Sara hằng mong đợi từ bao năm nay. Cuộc đối thoại với Thiên Chúa luôn đem lại các hoa trái mà con người không ngờ tới. Ở đây là Igiaác, nụ cười, niềm vui, sự ủi an và chồi lộc Thiên Chúa ban cho hai thân cây già cỗi khô cằn, không còn nhựa sống và không sinh hoa trái được nữa theo luật tự nhiên. Vì đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được.

Sau khi báo cho Abraham biết sang năm ông sẽ có con, Thiên Chúa cũng không muốn dấu ông ý định của Ngài là đi đánh phạt dân chúng hai thành Sodoma và Gomorra, vì cuộc sống dâm loạn và qúa bê tha tội lỗi của họ. Ở đây chúng ta tìm thấy vài khía cạnh khác nữa của lời cầu nguyện: đó là lời cầu bầu của tổ phụ cho người ngay lành thánh thiện cũng như cho kẻ tội lỗi. Abraham nài nẵng và mặc cả với Chúa để cứu những người lành thánh, trong đó có ông Lót là cháu và gia đình ông. Abraham thưa với Chúa: “Chẳng lẽ Ngài lại tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? Ngài làm như vậy chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét cử công minh sao?” Đức Chúa đáp: ”Nếu Ta tìm được trong thành Sôđôma năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó”.

Từ năm mươi người lành, Abraham giảm xuống dần chỉ còn mười người. Nhưng Thiên Chúa cũng đã không tìm thấy mười người ngay lành thánh thiện trong thành, nên Sôđôma và Gômora đã bị lửa diêm sinh từ trời rơi xuống thiêu rụi. Cuộc đối thoại của tổ phụ Abraham với Thiên Chúa còn cho thấy hiệu năng của lời cầu nguyện. Nó có thể cứu sống sinh mạng của những người tội lỗi nữa.

Tuy nhiên, trong cuộc sống của tổ phụ Abraham còn có một biến cố thê thảm khác nữa: đó là khi Thiên Chúa truyền cho Abraham sát tế Igiaác cho Ngài để thử lòng và để tôi luyện đức tin của ông, như kể trong chương 22 sách Sáng Thế. Ở đây cuộc đối thoại của tổ phụ Abraham với Thiên Chúa rất ngắn gọn. Thiên Chúa gọi, ông thưa ”Dạ, con đây”. Rồi Thiên Chúa phán: ”Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Igiaác, hãy đi đến xứ Morigia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho” (St 22,1-2). Chúng ta có thể tưởng tượng ra nỗi khổ đau xâu xé nát lòng tổ phụ như thế nào. Nhưng trình thuật cho thấy Abraham mau mắn thi hành đòi hỏi xem ra vô lý và tàn ác của Thiên Chúa. Sáng hôm sau ông dậy sớm thắng lừa, đem theo hai đầy tớ và con là Igiaác. Ông bổ củi để đốt lễ toàn thiêu rồi lên đường đi tới nơi Thiên Chúa bảo. Sang ngày thứ ba Abraham ngước mắt lên và thấy nơi tế lễ ở đàng xa. Ông dặn đầy tớ: ”Các ngươi ở lại đây với con lừa, còn cha con ta đi lên tận đằng kia; chúng ta làm việc thờ phượng, rồi sẽ trở lại với các ngươi”. Tuy ông biết mình sẽ sát tế con, nhưng vẫn xác tín rằng mình sẽ cùng con trở về với các đầy tớ. Ông lấy củi để đốt lễ toàn thiêu đặt lên vai con. Ông cầm lửa và dao trong tay, rồi cả hai cùng đi. Khi Igiaác hỏi ”có củi có lửa ở đây còn chiên làm lễ toàn thiêu ở đâu”, ông trả lời: ”Chiên làm lễ toàn thiêu chính Thiên Chúa sẽ liệu con ạ”. Lên tới nơi, Abraham dựng bàn thờ, xếp củi lên, trói Igiaác lại và đặt lên bàn thờ trên đống củi, rồi đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình. Nhưng sứ thần của Chúa từ trời gọi ông: ”Abraham, Abraham”. Ông thưa: ”Dạ, con đây”. Người nói: ”Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc”. Ông Abraham ngước mắt lên thì nhìn thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông bắt lấy nó dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình.

Thật ra, Thiên Chúa chỉ muốn thử lòng tin của tổ phụ chứ không muốn cái chết của người con mà chính Ngài đã ban cho ông. Điều Thiên Chúa muốn đó là cái chết của chính cái ”tôi” của Abraham, của tâm thức con người trần gian. Abraham phải sát tế nó, để có một đức tin mạnh mẽ tinh tuyền, hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa, bước vào trong cái luận lý của Thiên Chúa, nhìn mọi sự với cái nhìn của Thiên Chúa. Thiên Chúa cần điều đó để biến ông trở thành tổ phụ của dân riêng Người chọn, từ đó phát xuất ra Đấng Messia, Đầng Cứu Thế, Đấng Thiên Sai, là Đức Giêsu Kitô dòng dõi vua Đavít thuộc chi tộc Giuđa. Đó cũng là thứ đức tin mà Chúa Giêsu Kitô đòi hỏi và chờ mong nơi các môn đệ và các kitô hữu.

Như thế, cuộc đời của tổ phụ Abraham cho chúng ta thấy thái độ sống nòng cốt của tổ phụ là cầu nguyện đối thoại thân tình với Thiên Chúa. Và hoa trái của lời cầu nguyện đó là tâm tình tin yêu phó thác, lắng nghe, vâng phục, quảng đại và luôn sẵn sàng với Thiên Chúa, hoàn toàn để cho Chúa định liệu những gì Ngài muốn trong cuộc đời mình, theo chương trình cứu độ của Ngài.

(Thần Học Kinh Thánh bài số 1193)

Linh Tiến Khải


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét