Trang

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Cuộc gặp gỡ các gia đình thế giới tại Philadelphia

Cuộc gặp gỡ các gia đình thế giới tại Philadelphia
Vũ Văn An10/1/2015


Với chủ đề “tình yêu là sứ mệnh của chúng ta”, Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới Lần Thứ Tám, năm 2015, đã diễn ra trong các ngày từ 22 tới 25 tháng Chín tại Philadelphia. Tuy nhiên, lễ hội và thánh lễ kết thúc đã diễn ra với sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào hai ngày 26 và 27 tháng Chín. 

Sáng kiến tổ chức loại gặp gỡ này là của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và cuộc gặp gỡ đầu tiên được tổ chức vào năm 1994, tại Rôma. Cứ ba năm, nó lại được luân phiên tổ chức tại các thành phố khác nhau: Roma (1994 và 2000), Rio de Janeiro (1997), Manila (2003), Valencia, Tây Ban Nha (2006), Mexico City (2009) và Milan (2012). Năm nay, nó được tổ chức tại Philadelphia, Hoa Kỳ, nước vừa được phán quyết của Tối Cao Pháp Viện hợp pháp hóa “hôn nhân” đồng tính. 

Chính yếu tố cuối cùng vừa nhắc ở trên, cộng với Thượng Hội Đồng sắp khai mạc vào ngày 5 tháng Mười này, cũng về gia đình, đã làm Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới năm nay được nhiều người chú ý đặc biệt. Cụ thể là Giáo Hội Việt Nam với sự tham dự của 6 vị giáo phẩm: 4 từ Việt Nam, 2 từ nước chủ nhà và nước láng giềng Canada. Cả hai vị tổng giám mục đứng đầu hai giáo phận đầu và cuối Việt Nam là Đức Hồng Y Nhơn và Đức Tổng Giám Mục Đọc đều đã tham dự cùng với các Đức Cha Ngân, Đức Cha Oanh, Đức Cha Lương và Đức Cha Hiếu. Với gần 2 ngàn linh mục và giáo dân nữa, Giáo Hội Việt Nam đứng hàng thứ ba về số người tham dự, chỉ thua Hoa Kỳ và Canada. 

Theo Đức Tổng Giám Mục Chaput của Philadelphia, con số hơn 17,000 tham dự viên đã làm Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới năm nay trở thành biến cố lớn nhất loại này xưa nay. Thực vậy, theo Donna Crilley Farrell, giám đốc điều hành Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới năm 2015, Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới năm 2012 tại Milan chỉ có 7,000 người đăng ký. Vả lại, nhờ sự hiện diện của Đức Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Chaput tiên đoán sẽ có ít nhất hàng trăm ngàn người tham dự lễ hội và trên một triệu người tham dự Thánh Lễ bế mạc. 

Đồng tính và gia đình

Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới năm nay còn có có đặc điểm lịch sử nữa là: lần đầu tiên nó được tổ chức tại một quốc gia nơi Đạo Công Giáo không chiếm đa số. Bởi thế, thị trưởng Philadelphia, Michael Nutter, gọi nó là “biến cố có tính lịch sử nhất trong lịch sử hiện đại của Philadelphia”. 

Chỉ tiếc một điều, dù trước đây vốn là một cậu giúp lễ, Nutter đã nhân dịp này đề cao nghị trình ủng hộ hôn nhân đồng tính của ông ta. Lại thêm Thị Trưởng Rôma, Marino, không ai mời, cũng tới Philadelphia để cổ vũ cùng một nghị trình.

Có lẽ vì thế ban tổ chức Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới đã mời một người đồng tính, một người đồng tính sống thực khuynh hướng đồng tính của mình, tới nói chuyện với đại hội. Vì đại hội này muốn dội lại phương thức mục vụ của Đức Phanxicô về đồng tính là: xem xét con người, không xem xét ý thức hệ. 

Người đó là Ron Belgau, một nhà văn và là một giảng viên. Với bà mẹ bên cạnh, Ron nói với đại hội vào hôm thứ Năm rằng “hơn bất cứ điều gì khác, buổi nói chuyện này là về câu hỏi: ta có tin những điều Giáo Hội dạy là thật hay không?”

Ron Belgau là diễn giả đồng tính duy nhất nói với đại hội. Anh vốn viết và nói nhiều về quyết định sống độc thân của anh vì giáo huấn của Giáo Hội dạy rằng thực hành đồng tính luyến ái là một tội nặng. 

Tuy nhiên, anh không muốn trở thành “gương mặt chính thức của người Công Giáo đồng tính nam nữ”. Anh chỉ hy vọng chia sẻ câu truyện của anh để khuyến khích họ trở về với gia đình và giáo xứ, giúp người ta cởi mở hơn trong việc đồng hành với những ai đang chiến đấu, cởi mở hơn trong việc chấm dứt im lặng và kỳ thị chống người Công Giáo đồng tính nam nữ. 

Anh bảo: “người Công Giáo đồng tính nam nữ, hoặc nếu các bạn muốn, những người Công Giáo hiện đang chiến đấu với các lôi cuốn đồng tính, không nên sợ thổ lộ đời mình một cách trung thực với gia đình mình. Chúng ta cũng nên là thành phần của đời sống giáo xứ, góp phần vào đời sống Giáo Hội và tiếp nhận sự chăm sóc mục vụ”. 

Ai cũng biết dư luận Công Giáo Mỹ không có gì dứt khoát về đồng tính luyến ái. Nhiều người Công Giáo cấp tiến không vui với quyết định sống độc thân của anh, anh năm nay 40 tuổi. Nhưng theo anh, sống độc thân là một lý tưởng cho những người đồng tính như anh quyết theo “nền đạo đức tính dục Kitô Giáo cổ truyền” coi sinh hoạt đồng tính là tội lỗi. 

Hiện anh đang chăm sóc một blog tên là “Spiritual Friendship” cùng với giáo sư Thánh Kinh Tân Ước Wesley Hill, chú tâm chỉ cách cho các người đồng tính Kitô giáo biết sống trong sạch, nhất là bằng tình bạn, nhằm tăng trưởng cuộc sống thiêng liêng. Nói chung, anh ủng hộ phương thức bao gồm của Đức Phanxicô nhằm mời gọi người đồng tính tham dự vào đời sống Giáo Hội. Anh mong muốn ngài nói nhiều hơn về người đồng tính.

Nhưng ai cũng biết trong chuyến viếng thăm hai nước Cuba và Hoa Kỳ lần này, Đức Phanxicô không nói gì chuyên biệt về chủ đề này cả. Thậm chí, việc ngài gặp Kim Davis, người thư ký thành phố từng đi tù vì khước từ cấp chứng chỉ hôn phối cho các cặp đồng tính trên cơ sở việc này đi ngược lại xác tín tôn giáo của mình, cũng không được Tòa Thánh lưu ý bao nhiêu. 

Điều trên dễ hiểu, vì chủ đề của cuộc gặp gỡ là gia đình. Trong các bài giáo lý để chuẩn bị cho Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới, gia đình được định nghĩa là “hình thức thân mật độc đáo của tình bạn mời gọi một người đàn ông và một người đàn bà yêu thương nhau theo cung cách giao ước của Thiên Chúa… Gia đình nhằm mục đích chào đón sự sống mới”. Không có yếu tố đồng tính nào trong cấu trúc gia đình. 

Hơn nữa, mục tiêu của Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới không nhằm soạn thảo chính sách mới hay vận động Giáo Hội cho một nghị trình đặc thù nào. Đúng hơn nhằm củng cố dây liên kết của gia đình Công Giáo trên thế giới. 

Không dành riêng cho Công Giáo

Điều cũng có tính lịch sử của Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia là nó đã được kết thúc bằng một lời kêu gọi tới gia đình Kitô Giáo rộng lớn hơn, bao gồm cả Công Giáo lẫn Thệ Phản.

Thực vậy, buổi lễ kết thúc đã được đặt dưới sự điều hợp của Đức Hồng Y Sean Patrick O’Malley, Tổng Giám Mục Boston và của Mục Sư Rick Warren thuộc Giáo Hội Tin Lành Saddleback ở California. Hai vị đã đọc những tham luận chủ chốt về “Niềm Vui Của Tin Mừng Gia Đình”.

Mục Sư Warren nói rằng: “điều ta cần là tái sinh lực hóa việc thờ phượng của ta. Ta cần tối thiểu hóa các dị biệt, ta cần động viên các thành viên của ta, ta cần phúc âm hóa người lạc lối và tái lên năng lực cho các gia đình của ta”. 

Lời lẽ trên dội lại sứ điệp của Đức Phanxicô tại Ground Zero ở New York trước mặt các đại biểu Hồi Giáo, Do Thái Giáo và nhiều tôn giáo khác: “tôi tin tưởng rằng sự hiện diện của chúng ta với nhau sẽ là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy ước nguyện chung của chúng ta muốn được là một lực lượng hòa giải, hòa bình và công lý tại cộng đồng này và trên toàn thế giới”. 

Nó cũng đã được nói ra chỉ non một tháng trước ngày kỷ niệm năm thứ 50 ngày công bố tuyên ngôn Nostra Aetate của Công Đồng Vatican II về mối liên hệ của Giáo Hội với các tôn giáo không phải là Kitô Giáo.

Tưởng cũng nên biết các diễn giả tại Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới Philadelphia bao gồm cả người Công Giáo lẫn người Hồi Giáo, Do Thái Giáo và Tin Lành. Và mục sư Warren vốn được Đức Phanxicô mời làm diễn giả sau cùng tại Hội Nghị Chuyên Đề Quốc Tế về Tính Bổ Túc Đàn Ông Đàn Bà” ở Vatican năm ngoái. Ông cũng được mời dự cuộc nghinh đón Đức Phanxicô tại Tòa Bạch Ốc.

Ông cho hay: Đức Giáo Hoàng nhắc đi nhắc lại một câu khiến ông rất lưu ý: “Các gia đình ngày nay đang bị đe dọa. Họ đang bị đe doạ từ bên trong và bị đe dọa từ bên ngoài”. 

Trong số các đe dọa này, Mục Sư Warren liệt kê “tội lỗi được bình thường hóa”, “phá thai được bình thường hóa”, “các Kitô Hữu bị chế riễu nhục mạ" và “các di dân bị xỉ nhục”.

Còn Đức Hồng Y O’Malley thì cho rằng “vẻ đẹp và niềm vui là hai dụng cụ mạnh mẽ nhất ta có để phúc âm hóa, thành thử, cùng nhau, chúng ta muốn mơ về một thế giới nơi vẻ đẹp của đời sống gia đình lôi cuốn người ta”. 

“Chúng ta” ở đây được Đức HY O’Malley hiểu là cả người Công Giáo lẫn các Kitô hữu khác. Vì, theo ngài, “Chúa Kitô mong muốn sự hợp nhất và tình huynh đệ giữa các môn đệ của Người”. 

Mọi vẻ đẹp Thiên Chúa có trong Người, Người đã ban cho gia đình

Như trên đã nói, Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới không nhằm đưa ra bất cứ điều gì về chính sách, nên các vấn đề gây tranh cãi chung quanh hôn nhân và gia đình không được đặt ra. Tất cả tập chú vào việc cử hành vẻ đẹp của gia đình và phương cách duy trì, củng cố và thăng tiến vẻ đẹp này. 

Thực vậy, giữa khung cảnh đầm ấm và lễ hội của buổi tối thứ Bẩy với đại diện các gia đình thế giới tại Philadelphia, Đức Phanxicô đã làm nổi bật tập chú trên, khi ngài ứng khẩu nói với các gia đình rằng “Mọi tình yêu Thiên Chúa có trong Người, mọi vẻ đẹp Thiên Chúa có trong Người, mọi sự thật Thiên Chúa có trong Người, Người đều ban cho gia đình”. 

Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng “Điều đẹp đẽ nhất mà Thiên Chúa đã dựng nên là gia đình. Người dựng nên người đàn ông và người đàn bà, và Người ban cho họ mọi sự. Người ban cho họ thế giới!”. Họ chan hòa trong tình yêu của Người.

Nhưng rồi con người tự tách ra khỏi Đấng đã dựng nên họ. Thế là họ mất tất cả, hết anh em (huynh đệ tương tàn), hết hòa bình, hết tình yêu, cái đẹp và sự thật. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ rơi họ. Người muốn cứu vớt họ, và Người chọn một gia đình để đến cứu vớt họ!
Gia đình này hoàn toàn mở cửa đón chào tình yêu. Vì Thiên Chúa luôn muốn gõ cửa các gia đình hợp nhất, yêu thương nhau, nuôi dậy con cái, giúp chúng tiến lên phía trước, tạo ra một xã hội tốt, thật và đẹp.

Đã đành, gia đình có những khó khăn của nó: cãi cọ, đĩa bay, con cái tạo nhức đầu, lại còn mẹ chồng nàng dâu nữa, luôn có thánh giá. Nhưng sau thánh giá có phục sinh. Chính vì thế, “gia đình là xưởng chế tạo ra hy vọng, hy vọng sống và phục sinh. Tình yêu đem lại tất cả những điều vừa kể. “Tình yêu Là lễ hội. Tình yêu là hân hoan. Tình yêu đẩy ta tiến tới”. 

Ngài đặc biệt lưu ý tới hai thành phần trong gia đình: con cái và ông bà. Con cái là tương lai, là sức mạnh, đẩy ta tiến tới, giúp ta hy vọng. Ông bà là ký ức của gia đình, đem lại cho ta đức tin, truyền thụ đức tin cho ta. Không có sức mạnh và ký ức này, là không có tương lai.
Chăm sóc con cái và ông bà, vì thế, là dấu chỉ tình yêu, không biết có lớn nhất hay không nhưng rõ ràng là dấu chỉ tình yêu nhiều hứa hẹn nhất của gia đình, vì nó hứa hẹn tương lai. 

Trước khi kết thúc bài nói chuyện ứng khẩu, ngài “cố vấn một điều: đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hòa trong gia đình. Trong gia đình, một ngày không thể kết thúc bằng chiến tranh”. 

Hạnh phúc xây đắp bằng những cử chỉ nhỏ bé

Rồi trong khung cảnh trang trọng của Thánh Lễ đại trào, chính thức kết thúc Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới lần thứ tám, Đức Phanxicô, vẫn theo chiều hướng mục vụ hơn là tín lý, đã đưa ra một phương thức hết sức nhỏ nhoi, đơn sơ mà thật thực tiễn để nuôi dưỡng và phát huy vẻ đẹp của gia đình. 

Ngài bảo: “hạnh phúc…luôn được liên kết với những cử chỉ nhỏ bé… ta học được ở nhà, trong gia đình; chúng mất hút giữa mọi điều khác ta làm, nhưng hàng ngày chúng tạo ra những khác biệt. Chúng là những điều âm thầm được mẹ, được bà, được cha, được ông và được con cái thực hiện. Chúng là những dấu hiệu nhỏ bé của dịu hiền, âu yếm và cảm thương” biểu lộ qua các “bữa tối đầm ấm”, “chúc lành trước khi đi ngủ”, “ôm hôn khi đi làm về”. 

Ngài cho biết thêm: “Tình yêu được biểu lộ bởi những điều nhỏ bé, bởi việc lưu ý tới những dấu chỉ nhỏ bé hàng ngày làm chúng ta cảm thấy thoải mái như ở trong nhà. Đức tin tăng trưởng khi nó được đem ra sống và được khuôn đúc bởi tình yêu. Đó là lý do tại sao các gia đình, các mái ấm của ta là các Giáo Hội tại gia thực sự. Chúng là nơi thích đáng để đức tin trở thành đời sống, và đời sống trở thành đức tin”. 

Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh tới một điều đôi khi rất thiếu nhưng Thiên Chúa vốn ban dư thừa cho các gia đình đó là lòng đại lượng. Ngài nói: “nói về sự tốt lành và trong sạch của con tim, những con người phàm nhân chúng ta chẳng có bao nhiêu để hiến tặng. Nhưng Chúa Giêsu biết rằng đối với con cái, ta có khả năng đại lượng vô hạn” miễn là ta mở lòng ra với Thần Khí. 

Hướng về Thượng Hội Đồng sắp tới

Khi nói chuyện với các giám mục thế giới tụ về Philadelphia dự Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới lần thứ tám, Đức Phanxicô không thể không nghĩ tới cuộc tụ tập sắp tới, tuy không đông bằng, nhưng thực sự đại diện cho toàn thể giám mục đoàn thế giới, bàn về cùng một chủ đề gia đình, nhưng theo một chiếu hướng khác hẳn: đưa ra những nét chính cho một nền mục vụ gia đình trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện nay.

Bối cảnh ấy khiến Thượng Hội Đồng suy tư vể đủ mọi khía cạnh của đời sống gia đình hiện tại gồm đủ nét chân thiện mỹ của nó, cũng như các khó khăn thử thách, các thách đố lớn nhỏ rất nhiều và rất khó giải quyết của nó. Nhưng bất chấp tính đa phức này, gia đình vẫn là hồng phúc độc đáo của Thiên Chúa và việc duy trì và thăng tiến vẻ đẹp của nó vẫn là mục tiêu tối hậu của mọi cố gắng mục vụ. 

Bởi thế, Đức Phanxicô nói với các vị giám mục trên rằng: “gia đình, trước nhất và trên hết, không phải là một vấn đề gây âu lo, mà đúng hơn là một xác nhận đầy hân hoan phúc lành Thiên Chúa ban cho tuyệt tác này của tạo dựng”. 

Thành thử, thách đố lớn nhất không hẳn là tìm cách thay đổi cấu trúc của nó mà “cương quyết thừa nhận phúc lành này… Vì gia đình là qũy đạo nền tảng của giao ước giữa Giáo Hội và tạo thế của Thiên Chúa. Không có gia đình, đến Giáo Hội cũng không hiện hữu. Mà Giáo Hội cũng không là điều mình được kêu gọi trở thành, tức ‘dấu chỉ và dụng cụ của sự hiệp thông với Thiên Chúa và của sự hợp nhất của toàn thể nhân loại’”. 

Nhưng ta vốn sống trong một xã hội đang thay đổi một cách nhanh chóng về đủ mọi phương diện. Các thay đổi này đang ảnh hưởng tới ta, ta không “miễn nhiễm” trước các thay đổi này, nên ta phải sống, tin và công bố trong thứ thế giới cụ thể này, một thế giới không còn sự “hỗ tương hỗ trợ” giữa nó và Giáo Hội nữa. 

Ngài mang hai hình ảnh tiệm tạp hóa ngày xưa với các liên hệ quen biết bản thân và siêu thị ngày nay với tính vô danh lạnh lùng, để nói rằng “chủ nghĩa duy tiêu thụ ấn định ra điều quan trọng”. Có những mối liên hệ tiêu thụ, có những tình bạn tiêu thụ, có những tôn giáo tiêu thụ, cái gì cũng tiêu thụ… Mà tiêu thụ thì không thích việc tạo ra gắn bó, tiêu thụ không thích nói tới các liên hệ nhân bản. Các dây nối kết xã hội chẳng qua chỉ là phương thế giúp tôi thoả mãn các nhu cầu của mình. Hậu quả là nền văn hóa vứt bỏ tất cả những gì không còn hữu dụng hay thoả mãn sự thưởng ngoạn của người tiêu thụ. Nghịch lý thay, thứ văn hóa này chỉ sản sinh ra cô đơn, sợ phải cam kết. 

Nghĩ tới một trong các chủ đề của Thượng Hội Đồng sắp tới, Ngài đặt câu hỏi: “ta có nên kết án giới trẻ phải sống trong thứ thế giới này khôn?” thứ thế giới chán nản, phục tùng vô ý thức khiến họ trì hoãn việc kết hôn? Tất nhiên là không.

Muốn thế, ngài nói “các mục tử giám mục phải gom mọi năng lực để bồi đắp lòng hứng khởi giúp các gia đình đáp ứng đầy đủ hơn nữa ơn phúc của Thiên Chúa mà họ được kêu gọi thụ hưởng. Ta cần đầu tư năng lực của ta không phải vào việc nhắc đi nhắc lại các nan đề của thế giới và các công phúc của ta, mà là vào việc thành thực mời gọi giới trẻ can đảm và cương quyết chọn hôn nhân và gia đình”. 

Ngài nói: các vị phải mạnh dạn đồng hành với giới trẻ và giúp họ trưởng thành hướng tới cam kết hôn nhân. Trong việc đồng hành này, theo ngài, đừng lúc nào cũng “giải thích” giáo huấn, điều này “mất căn bằng một cách nguy hiểm”. Trái lại, phải giúp họ nghe lời Chúa, giúp họ cảm nghiệm được lời Chúa hứa. Tóm lại, đừng “nói nhưng hãy chăm sóc”, nghĩa là đứng giữa đoàn chiên, không sợ bị hỏi, tiếp xúc, đồng hành. Không ngại “phí” thì giờ, chia sẻ vui buồn với họ. 

Về gia đình trong bối cảnh Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới lần thứ tám và gần tới Thượng Hội Đồng về gia đình, Đức Phanxicô chỉ nói có thế với các giám mục đến từ 100 quốc gia. Đủ thấy mục tiêu thực sự của Thượng Hội Đồng này không hẳn chỉ quanh quẩn ở các chủ đề nóng bỏng như cho phép người ly dị tái hôn rước lễ hay thừa nhận người đồng tính.

Điều trên được chính Đức Phanxicô minh xác khi trả lời một câu hỏi trên chuyến bay từ Philadelphia trở lại Rôma. Xin được trích dẫn nguyên văn:

Jean Marie Guenois, Báo Le Figaro: Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha hiển nhiên không thể dự ứng cuộc thảo luận của các nghị phụ thượng hội đồng, chúng con biết rõ điều đó. Nhưng chúng con muốn biết ngay trước thượng hội đồng này, trong trái tim mục tử của Đức Thánh Cha, liệu Đức Thánh Cha có thực sự muốn một giải pháp cho người ly dị và tái hôn không. Chúng con cũng muốn biết liệu “tự sắc” của Đức Thánh Cha về việc làm nhanh diễn trình tuyên bố vô hiệu có đã đóng được cuộc thảo luận này chưa. Cuối cùng, Đức Thánh Cha trả lời ra sao cho những người sợ rằng việc cải tổ này, thực tế, đã tạo ra điều vốn được gọi là “ly dị kiểu Công Giáo”. Xin cám ơn Đức Thánh Cha. 

Đức Phanxicô: Tôi xin bắt đầu với vấn đề cuối cùng. Trong việc cải tổ thủ tục và cách tôi đóng cửa đối với đường lối có tính hành chánh, là đường lối qua đó việc ly dị có thể được dẫn khởi. Các bạn có thể cho rằng những ai nghĩ đây là “ly dị theo kiểu Công Giáo” là sai, vì văn kiện mới nhất đã đóng cửa đối với việc ly dị. Vì với phương thức hành chánh, rất dễ ly dị. Sẽ luôn luôn có phương thức pháp lý. Tiếp đến câu hỏi thứ ba: văn kiện… tôi không nhớ câu hỏi thứ ba nhưng bạn có thể sửa sai. 

Jean Marie Guenois, Báo Le Figaro: Câu hỏi là về ý niệm ly dị theo kiểu Công Giáo, liệu tự sắc có đã đóng cửa cuộc tranh luận trước khi có thượng hội đồng về chủ đề này chưa.

Đức Phanxicô: Điều này đã được đa số nghị phụ của thượng hội đồng năm ngoái yêu cầu: giản dị hóa thủ tục vì có những vụ kéo dài cả mươi, mười lăm năm, không đúng sao? Phán quyết thứ nhất rồi lại phán quyết thứ hai, và sau đó, còn kháng án nữa, hết kháng án này tới kháng án nọ. Không bao giờ chấm dứt. Phán quyết kép, khi việc kháng án có giá trị, đã được ấn định bởi Đức Thánh Cha Lambertini, tức Đức Bênêđíctô XIV, vì ở miền trung Âu Châu, tôi sẽ không nói nước nào, có nhiều lạm dụng, và để chấm dứt các lạm dụng này, ngài đã đưa ra thể thức này nhưng nó không phải là điều chủ yếu đối với diễn trình. Thủ tục thay đổi, pháp chế thay đổi, trở nên tốt hơn. Vào thời đó, cần thiết phải làm như thế, rồi Đức Piô X muốn hợp lý hóa và đưa ra một số thay đổi nhưng ngài không có thì giờ hay khả năng làm điều này. Các nghị phụ Thượng Hội Đồng yêu cầu việc hợp lý hóa này, tức làm nhanh chóng diễn trình tuyên bố vô hiệu. Và tôi dừng ở đó. Văn kiện này, “tự sắc” này làm dễ diễn trình và vấn đề thì giờ, nhưng đây không phải là ly dị vì hôn nhân là bất khả tiêu nếu là bí tích. Và điều này Giáo Hội không thể thay đổi. Đây là tín lý. Đây là bí tích bất khả tiêu. Xử theo luật là chứng minh rằng điều xem ra là bí tích thực ra không phải là bí tích, vì thiếu tự do chẳng hạn, hay thiếu chín chắn, hoặc mắc bệnh tâm thần. Có thật nhiều lý do để tuyên bố vô hiệu, sau khi đã nghiên cứu, điều tra. Rằng đó không hề là bí tích. Thí dụ, người ta không được tự do. Một thí dụ khác: bây giờ thì không thông thường lắm nhưng trong một số khu vực của xã hội bình thường, ít nhất tại Buenos Aires, có những đám cưới lúc người đàn bà có thai: “mày phải được cưới hỏi”. Ở Buenos Aires, tôi đã khuyến cáo các linh mục, một cách mạnh mẽ, gần như ngăn cấm họ cử hành các đám cưới trong những điều kiện như thế. Chúng ta gọi những đám cưới này là “đám cưới cấp tốc”, phải không? Để che đậy mặt mũi. Rồi các trẻ thơ sinh ra đời, một số vụ xong xuôi nhưng không hề có tự do và rồi sự việc dần dần ra tồi tệ khiến họ chia tay mà nói “tôi bị bó buộc phải kết hôn vì chúng tôi phải che đậy tình huống này nọ” và đây là một lý do để tuyên bố vô hiệu. Rất nhiều lý do như thế. Các vụ vô hiệu, các bạn có, các bạn có thể tìm thấy các lý do này trên liên mạng, nhiều lắm, đúng không? Rồi vấn đề các đám cưới lần thứ hai, của những người ly dị, tạo ra một cuộc kết hợp mới. Các bạn đọc gì, các bạn có “Tài Liệu Làm Việc”, điều được đưa vào cuộc tranh luận, đối với tôi, xem ra hơi quá đơn giản hóa khi nói rằng Thượng Hội Đồng là (để tìm) giải pháp cho những người này và những người này có thể được rước lễ. Đây không phải là giải pháp duy nhất. Không, điều được “Tài Liệu Làm Việc” đề nghị nhiều hơn thế nhiều, và vấn đề kết hợp mới của các người ly dị cũng không phải là vấn đề duy nhất. Trong “Tài Liệu Làm Việc” còn nhiều vấn đề hơn nữa. Thí dụ, giới trẻ không chịu kết hôn chẳng hạn. Họ không muốn kết hôn. Đây là một vấn đề mục vụ đối với Giáo Hội. Một vấn đề khác: tính chín chắn về xúc cảm để kết hôn. Một vấn đề khác nữa: đức tin. “con có tin rằng cuộc hôn nhân này vĩnh viễn không? Có, có, có, con tin”. "Nhưng con có tin điều này không?" tức việc chuẩn bị hôn nhân: tôi thường hay nghĩ rằng để trở thành một linh mục, người ta cần chuẩn bị tới 8 năm, ấy thế nhưng đâu có gì là nhất định, Giáo Hội vẫn có thể cất cái bậc giáo sĩ khỏi bạn. Nhưng đối với 1 điều kéo dài suốt đời, họ làm tới 4 khóa! Bốn lần… Hẳn có điều gì không đúng ơ đây. Đó là điều Thượng Hội Đồng phải đối phó: phải chuẩn bị hôn nhân như thế nào. Đây là một trong những điều hết sức khó khăn.

Có nhiều vấn đề, tất cả đều đã được liệt kê trong “Tài Liệu Làm Việc”. Nhưng, tôi thích bạn hỏi về chuyện “ly dị theo kiểu Công Giáo”. Thứ đó không hề có. Đây cũng không phải là hôn nhân, đây là tính vô hiệu, nó không hề hiện hữu. Mà nếu hôn nhân đã hiện hữu, thì nó bất khả tiêu. Điều này rõ ràng. Cám ơn bạn”.

Như thế, theo Đức Phanxicô, hai vấn đề hàng đầu của Thượng Hội Đồng là làm sao để người trẻ dám tiếp nhận ơn phúc kết hôn theo nghĩa kết hợp nam nữ giữa một người đàn ông và một người đàn và làm thế nào chuẩn bị họ cho cuộc kết hợp suốt đời ấy, một kết hợp không kém táo bạo như cuộc dấn thân làm linh mục. Nhưng trong khi cần tới một chuẩn bị 8 tám mới làm linh mục được, thì việc chuẩn bị hôn nhân, hiện thời, phải được coi là hết sức qua lần chiếu lệ, dăm buổi, nửa tuần! Khiến càng ngày càng ít người kết hôn mà nếu có kết hôn cũng chỉ kéo dài ít năm, khiến vấn đề ly dị tái hôn cứ ở vòng luẩn quẩn triền miên, mười chứ một thượng hội đồng cũng giải quyết không xong.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét