27/10/2015
Thứ Ba sau
Chúa Nhật 30 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 8, 18-25
"Các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên
Chúa".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi nghĩ rằng những đau khổ ở đời này không thể
sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải cho chúng ta. Vì chưng các tạo vật
ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa. Các tạo vật đã phải tùng phục cảnh
hư ảo, không phải vì chúng muốn như vậy, nhưng vì Ðấng đã bắt chúng phải tùng
phục, với hy vọng là các tạo vật sẽ được giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát,
để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa.
Vì chúng ta biết rằng cho đến bây giờ, mọi tạo vật đều rên siết
và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con. Nhưng không phải chỉ có các tạo
vật, mà cả chúng ta nữa, là những kẻ đã được hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần,
chúng ta cũng rên rỉ trong mình chúng ta khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử của
Thiên Chúa và ơn cứu độ thân xác chúng ta.
Vì chưng nhờ niềm cậy trông mà chúng ta được cứu độ. Nhưng hễ
nhìn thấy điều mình hy vọng thì không phải là hy vọng nữa. Vì ai đã thấy điều
gì rồi, đâu còn hy vọng nó nữa? Nhưng nếu chúng ta hy vọng điều chúng ta không
trông thấy, chúng ta sẽ kiên tâm trông đợi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi (c. 3a).
Xướng: 1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi
dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt
lên những tiếng hân hoan. - Ðáp.
2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ
cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ
hân hoan. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của tôi, như những dòng suối ở
miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. - Ðáp.
4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về
trong hân hoan, vai mang những bó lúa. - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 34
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ
luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 13, 18-21
"Hạt cải mọc lên và trở thành một cây to".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Nước Thiên Chúa giống như
cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người
kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời
đến nương náu trên ngành nó".
Người lại phán rằng: "Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái
gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới
khi tất cả khối đều dậy men".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Sức Mạnh Nội Tại Của Nước Chúa
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm hai
dụ ngôn về Nước Trời: hạt cải và nắm men. Cả hai dụ ngôn làm nổi bật khởi điểm khiêm
tốn nhỏ bé của Nước Chúa so với sự hoàn thành cuối cùng.
Dụ ngôn hạt cải nhấn mạnh sự phát triển theo chiều rộng: từ hạt
cải nhỏ bé trở thành cây to, đến độ chim trời có thể đến làm tổ được. Dụ ngôn nắm
men được đem trộn vào bột nhấn mạnh đến chiều sâu, tức phẩm chất của Nước Chúa:
từ một chút men có thể làm dậy cả khối bột. Cả hai dụ ngôn đều nhấn mạnh đến sức
mạnh nội tại của Nước Chúa, một sức mạnh chỉ được nhìn thấy bằng đức tin mà
thôi. Thật thế, khi kể hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu không nhằm đến diễn tiến Nước
Chúa đang xảy ra như thế nào trong lịch sử, mà chỉ nhằm nhấn mạnh đến tình trạng
hoàn tất chung cuộc vào lúc cuối lịch sử: mặc cho những thử thách, những ngăn
trở, Nước Chúa dù được bắt đầu một cách khiêm tốn nhỏ bé, nhưng chắc chắn sẽ đạt
đến mức phát triển trọn vẹn.
Hai dụ ngôn: Hạt Cải và Nắm Men trong bột, gởi đến chúng ta một
sứ điệp hy vọng, nhất là khi phải đương đầu với trở ngại, thử thách trong đời sống
đức tin. Nhìn thấy những điều tiêu cực luôn xảy ra trong Giáo Hội và trên thế
giới, chúng ta có thể tự hỏi: Những hạt cải giá trị Kitô liệu còn có thể mọc
lên và phát triển trong một thế giới ngày càng bị tục hóa và bị nhiễm tinh thần
đối nghịch với Thiên Chúa không? Một chút men Lời Chúa có đủ sức thu hút và biến
đổi con người nên tốt hơn không? Ðã hơn 2,000 năm kể từ khi Con Thiên Chúa nhập
thể làm người và thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại qua cái chết trên Thập
giá, nhưng thử hỏi nhân loại ngày nay có tốt đẹp hơn ngày xưa không?
Nếu suy nghĩ theo lý luận tự nhiên, chúng ta có thể dễ dàng rơi
vào thất vọng. Tuy nhiên, những lời của Chúa Giêsu qua hai dụ ngôn trên đây
không cho phép chúng ta bi quan ngã lòng. Chúng ta không nhìn thấy tương lai Nước
Chúa sẽ như thế nào nhưng Chúa muốn chúng ta cộng tác vào đó, bằng sự cầu nguyện
và dấn thân làm những gì có thể với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.
Xin Chúa mở rộng con mắt đức tin chúng ta, để chúng ta nhìn thấy
tác động âm thầm của tình yêu Chúa trong những biến cố hằng ngày. Xin cho chúng
ta luôn kiên trì trong thử thách và luôn hy vọng vào Chúa trong mọi sự.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Ba Tuần 30 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Rom 8:18-25; Lk 13:18-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự liên hệ giữa con người và các tạo vật của
Thiên Chúa
Nhiều tác giả của Kinh Thánh đã nhận ra sự liên hệ chặt chẽ giữa
con người và các tạo vật trong vũ trụ. Theo tác giả của Sáng Thế Ký, Thiên Chúa
dựng nên tất cả các tạo vật và trao chúng trong tay con người để điều khiển và
sinh lợi ích cho con người (Gen 1:28). Lúc đầu, khi con người chưa phạm tội,
các dã thú sống với con người mà không sợ hãi chi cả. Tiên-tri Isaiah thấy trước
triều đại của Đấng Thiên Sai, khi các dã thú ở chung với nhau, trẻ thơ chơi giỡn
với rắn hổ mang, và trẻ còn măng sữa thò tay vào hang rắn lục mà không sợ bị cắn
(Isa 11:1-8). Tác giả của Thư Phêrô II và của Khải Huyền nói về "trời mới,
đất mới" sẽ xuất hiện và triều đại của Thiên Chúa sẽ vô cùng vô tận cho những
người công chính (2 Pet 3:13, Rev 21:1).
Các Bài Đọc hôm nay muốn nói lên mối tương quan giữa con người
và các tạo vật trong vũ trụ. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô diễn tả sự tương
quan này bằng ảnh hưởng của tội lỗi con người trên các tạo vật, và bằng nỗi
trông mong của các tạo vật được cùng chung hưởng vinh quang với con người, khi
Thiên Chúa ban vinh quang cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu ví Nước Trời
như hạt cải và như nắm men. Hạt cải có thể trở thành cây lớn để mang lại bóng
mát cho chim trời. Nắm men tuy nhỏ nhưng có thể làm dậy ba thúng bột lớn để
mang lại của ăn ngon cho con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Muôn loài thọ tạo những trông mong đợi chờ ngày
Thiên Chúa mặc khải vinh quang cho con cái Người.
1.1/ Các tạo vật cùng chung đau khổ với con người: Khi con
người phạm tội, các tạo vật cùng chịu chung hậu quả, như khi Adam phạm tội, đất
đai bị nguyền rủa (Gen 3:17); khi con người phạm tội trong thời Noah, mọi sinh
vật đều chịu chung số phận với con người trong Lụt Hồng Thủy, trừ một số các
sinh vật và gia đình Noah (Gen 6:5-8).
Hậu quả của tội là không chỉ con người phải chết, nhưng các sinh
vật cũng cùng chịu chung số phận phải thoái hóa như con người. Sau trận Lụt Hồng
Thủy, Thiên Chúa đã làm lại một giao ước với Noah và với tất cả các sinh vật"
(Gen 9:12-13; cf. Psa 135). Phaolô xác tín sự liên hệ giữa các tạo vật của
Thiên Chúa trong việc chia sẻ sự cứu chuộc của Đức Kitô cho con người:
"Muôn loài thọ tạo những trông mong đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh
quang của con cái Người.''
1.2/ Các tạo vật cùng đang trông chờ để chung phần vinh quang với
con người: Vì cùng chung phần đau khổ với con người, các tạo vật cũng mong
được chung phần vinh quang với con người. Thánh Phaolô diễn tả nỗi trông mong
này như sau: "Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì
chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông
cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà
được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy,
chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại
như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong
lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thánh Thần như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi
Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa."
Người tín hữu đã được làm con Thiên Chúa, đã được nhận lãnh
Thánh Thần như ân huệ mở đầu; giờ đây họ chỉ còn mong chờ ngày được lãnh nhận
vinh quang mà Thiên Chúa đã hứa. Trong khi chờ đợi, họ phải bền chí trong đau
khổ, và không bao giờ được mất niềm hy vọng, vì "những đau khổ chúng ta chịu
bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng
ta."
2/ Phúc Âm: Thiên Chúa ban cho con người có tiềm năng làm cho Nước Chúa được mở
rộng.
2.1/ Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo
trong vườn mình: Hạt cải bên Palestine không phải là hạt sinh rau cải, nhưng có
thể trở thành cây lớn: Mấy điều chúng ta cần chú ý:
(1) Hạt cải bé nhỏ nhưng có tiềm năng thành cây lớn: Giống như một
hạt cải bé nhỏ nhưng Thiên Chúa đã cho nó một tiềm năng để trở thành cây lớn;
Nước Thiên Chúa cũng vậy, khởi sự từ một nhóm người Do-Thái bé nhỏ hay từ Nhóm
Mười Hai, nay đã chiếm khỏang 1/5 dân số thế giới và vẫn còn đang tiếp tục lan
rộng cho đến tận cùng trái đất.
(2) Hạt cải trước khi thành cây phải mục nát đi trước khi nẩy mậm
và vươn thành cây lớn; nếu không nó sẽ trơ trọi một mình. Nước Thiên Chúa cũng
thế: Để có thể lan rộng, cần có những người sẵn sàng chấp nhận đau khổ để cho
Nước Chúa được mau đến.
(3) Khi thành cây, chim trời làm tổ trên cành được: Tiềm năng được
ban cho để sinh lợi cho Thiên Chúa, chứ không ích kỷ giữ cho mình. Như cây cải
cung cấp chỗ ở cho chim trời, con người cũng phải dùng ơn thánh Thiên Chúa ban
để bảo vệ những người yếu ớt bé nhỏ, chứ không chỉ biết lo lắng cho mình. Nếu
ai cũng chỉ biết vun xới cho mình thì Nước Thiên Chúa lan tràn thế nào được?
2.2/ Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba
thúng bột: Men là bột cũ được giữ lại để dùng làm bánh sau này; công dụng
chính của men là làm dậy bột.
(1) Nắm men tuy bé nhỏ nhưng có tiềm năng làm nổi ba thúng bột:
Giống như hạt cải bé nhỏ, Thiên Chúa cũng cho men một tiềm năng để làm dậy những
khối bột lớn. Và cũng tương tự như thế về Nước Thiên Chúa.
(2) Con người phải chu tòan sứ vụ làm dậy men của mình bằng lời
giảng và cuộc sống chứng nhân để mọi người trông thấy và tin vào Thiên Chúa.
Người này làm men cho người khác và cứ như thế, Nước Thiên Chúa được mở rộng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta có mối liên hệ với các tạo vật chung quanh trong kế
hoạch của Thiên Chúa; chúng ta phải biết xử dụng đúng đắn, và không được đối xử
tàn tệ với các tạo vật Thiên Chúa dựng nên.
- Khi một người sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa, với tha
nhân, và với các tạo vật chung quanh; các súc vật cũng nghe lời người ấy. Lịch
sử các thánh là một minh chứng hùng hồn cho điều này như: thánh Phanxicô
Asissi, Antôn Padua, và thánh Martin de Porres.
- Để giúp phát triển Nước Thiên Chúa, trước tiên chúng ta phải
nhận ra những quà tặng Thiên Chúa ban và tiềm năng lớn lao có thể trở thành của
chúng; thứ đến, chúng ta cần biết phát triển tiềm năng của những quà tặng này;
sau cùng, phải biết dùng trong việc mang ích lợi cho bản thân và làm cho Nước
Chúa mỗi ngày một mở rộng.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
27/10/15 THỨ BA TUẦN 30
TN
Lc 13,18-21
Lc 13,18-21
Suy niệm: Để rao giảng về Nước Trời, Chúa
Giê-su đã phải cân nhắc “phải ví Nước ấy với cái gì đây”. Nước Trời, một thực
tại nhiều người mong đợi nhưng chưa ai nhìn thấy, đã được nói đến nhiều nhưng
thường hay bị hiểu lầm. Chúa Giê-su cân nhắc rồi Chúa đã chọn cách dùng dụ ngôn
để nói về Nước Trời.
Mời Bạn: Có người kể chuyện một gánh xiếc về miền quê
lưu diễn. Đang chuẩn bị diễn buổi khai trương thì gánh xiếc bốc cháy. Một diễn
viên đang đóng bộ cánh chàng hề chạy vội vào làng để kêu người đến giúp chữa
cháy. Dân làng được một phen cười no bụng và cho rằng gánh xiếc đã nghĩ ra một
lối quảng cáo thật hay. Đến khi họ hiểu ra anh hề có ý báo tin đám cháy thực sự
thì cả gánh xiếc đã ra đống tro tàn. Bạn thân mến, việc loan báo Tin Mừng của
chúng mình cũng trở thành trò hề nếu chúng mình không nói được thứ ngôn ngữ cho
người đương thời hiểu được sứ điệp tình yêu của Đức Ki-tô.
Sống Lời Chúa: Xin bạn đọc lại và suy gẫm giáo huấn của Giáo
Hội: - “Nên theo phương pháp sư phạm có tính khơi gợi, dùng những câu chuyện,
dụ ngôn, biểu tượng rất đặc trưng với phương pháp giảng dạy của Á Châu.”[1] - “Để chân lý Phúc Âm trở nên trong
suốt, dễ hiểu, dễ đón nhận, ta phải dùng những phương tiện phù hợp với con
người hôm nay. Đó là biết sử dụng ngôn ngữ, cách diễn tả phù hợp với văn hoá và
tâm lý người đương thời.”[2]
Cầu nguyện: Lạy
Chúa, xin hãy dùng con làm khí cụ loan báo Tin Mừng bình an cho những người anh
chị em đồng bào của con.
Lớn lên và trở thành
Làm cho Nước Thiên Chúa lớn
lên và thâm nhập vào thế giới hôm nay, đó không phải chỉ là chuyện của Thiên
Chúa. Đó là chuyện của từng Kitô hữu chúng ta.
Suy niệm:
Hai dụ ngôn trên đây tỏ ra
lạc quan và hy vọng.
Nước Thiên Chúa đã được Đức
Giêsu khai mở và loan báo.
Nước ấy cần có thời gian để
lớn lên, để tác động trên con người.
Chắc chắn kết quả cuối cùng
sẽ rất tốt đẹp.
Một người đàn ông ném vào
khu vườn của mình một hạt cải nhỏ bé.
Ông có ước mơ mong mỏi gì
không?
Vậy mà theo thời gian, hạt
cải ấy đã lớn lên và trở thành một cây.
Cây vững đến nỗi chim trời
đến làm tổ trên cành của nó được (c. 19).
Đức Giêsu muốn làm nổi bật
sự phát triển mạnh mẽ của Nước Trời.
“Lớn lên và trở thành” là
một tiến trình do Thiên Chúa dẫn dắt.
Bất chấp những khó khăn
trong hiện tại, Nước Trời vẫn cứ lớn lên,
để rồi sẽ là nơi trú ngụ cho
nhiều người ở khắp nơi tìm đến.
Một phụ nữ lấy men và vùi nó
vào một lượng bột rất lớn.
Men không nhiều, lại được
vùi sâu, nên có vẻ như không hiện hữu.
Nhưng trong thực tế, men đã
có đó rồi và đang tác động trên bột.
Với thời gian, men làm cả
khối bột dậy men.
Bấy giờ sức biến đổi của men
mới được mọi người nhận biết.
Khối bột lên men đã sẵn sàng
trở nên những ổ bánh ngon lành.
Đức Giêsu làm nổi bật sức
mạnh của Nước Thiên Chúa
trong việc biến đổi thế giới
này từ bên trong.
Chính sự tiếp xúc trực tiếp,
sự thâm nhập của men vào bột
đã tạo ra sự biến đổi kỳ
diệu ấy.
Những lời giảng của Đức
Giêsu đã vang lên từ hai mươi thế kỷ.
Nước Thiên Chúa đã được Ngài
khai mở và vun trồng mãi đến nay.
Kitô giáo vẫn là một tôn
giáo lớn, chiếm một phần ba dân số thế giới.
Nhưng có những lúc chúng ta
có cảm tưởng như nó bị chựng lại.
Khi có nhiều nhà thờ phải
bán đi vì không có người đi lễ Chúa nhật,
khi các chủng viện hay dòng
tu trở nên vắng vẻ, già nua,
khi ở nhiều nơi số linh mục
thiếu một cách trầm trọng,
khi tỷ lệ tăng của Kitô hữu
không bằng với tỷ lệ tăng của dân số thế giới.
Kitô giáo có tương lai
không? Kitô giáo có thể bị tàn lụi không?
Những câu hỏi đó làm nhiều
người bận tâm và lo lắng.
Hai dụ ngôn của Đức Giêsu
hôm nay đem lại cho ta niềm lạc quan.
Nhưng đó không phải là thứ
lạc quan vô trách nhiệm.
Làm cho Nước Thiên Chúa lớn
lên và thâm nhập vào thế giới hôm nay,
đó không phải chỉ là chuyện
của Thiên Chúa.
Đó là chuyện của từng Kitô
hữu chúng ta.
Để hạt cải thành cây, cần
một chút chăm bón.
Ai trong chúng ta cũng là
một nhúm men nhỏ được vùi trong đống bột,
đống bột của trường học hay
công ty, của một tập thể hay cộng đồng.
Làm sao để men của chúng ta
tạo ra những tác dụng tốt?
Không cần phải làm những
việc lớn lao để thay đổi bộ mặt thế giới.
Chỉ xin làm một nhúm men nhỏ
để đến với những người tôi gặp hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn
chiên của Chúa.
Xin ban
cho Hội Thánh
sự hiệp
nhất và yêu thương,
để làm
chứng cho Chúa
giữa
một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho
Hội Thánh
không
ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin
đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để
dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì
Hội Thánh trở nên men
được
vùi sâu trong khối bột loài người
để bột
được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì
Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim
trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho
Hội Thánh
trở nên
bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi
người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối
cùng xin cho chúng con
biết
xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng
vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì
khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân
loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
27 Tháng Mười
Bất Ngờ
Như một chuyện khó tin mà có thật: đó là chuyện của một chàng
thanh niên Tây Ðức một mình lái chiếc Cessna cánh quạt nhỏ, vượt qua hành lang
400 dặm trên lãnh thổ Liên Xô, rồi an toàn đáp xuống Quảng Trường Ðỏ, gần điện
Cẩm Linh... Trước khi đáp xuống vào lúc 7 giờ tối, phi cơ còn lượn 3 vòng chung
quanh mộ của chủ tịch Lênin.
Người thanh niên Tây Ðức tên là Matthias Rust này đã điềm tĩnh
bước ra khỏi phi cơ, ký sổ lưu niệm cho một số khách hiếu kỳ và khâm phục. Sau
đó, công an Liên Xô đã đến tóm cổ anh đưa đi mất.
Trong suốt một cuộc hành trình dài, anh chỉ bị phi cơ tuần thám
của Liên Xô theo dõi mà không làm cản trở. Có thể họ cho phi cơ của anh định
làm chuyện kỳ lạ khác người cho nên không bắt anh đáp xuống nửa đường. Phi cơ lại
bay rất thấp cho nên đã tránh được sự kiểm soát của các dàn Radar. Dù sao đây
cũng là một chuyện khó tin chưa từng xảy ra trên một lãnh thổ có một hệ thống
phòng thủ chặt chẽ như Liên Xô.
Sự thành công của chiếc phi cơ nhỏ này đã khiến cho nhà cầm quyền
Liên Xô e ngại và giật mình về sự phòng thủ sơ sót của mình. Sau một cuộc họp
khẩn cấp của Bộ Chính Trị, Tổng Trưởng Quốc Phòng và Bộ Trưởng Không Quân đã bị
cách chức. Trong khi đó thì chủ tịch Gorbachov lại nói một câu khôi hài như
sau: "Chúng ta phải cám ơn anh chàng Tây Ðức này vì nhờ có anh ta mà chúng
ta mới cải tổ hệ thống phòng thủ của chúng ta chặt chẽ và cẩn thận hơn".
Nhiều người đã xem lời phát biểu trên đây phản ánh tinh thần phục
thiện và cởi mở của chủ tịch Gorbachov.
Sự thành công của chàng thanh niên Matthias Rust khi đáp xuống
Quảng trường Ðỏ có thể được xem như một tai nạn trong hệ thống phòng thủ của
Liên Xô.
Tai nạn là một bất ngờ mà con người không bao giờ lường trước được...
Không ai học được chữ ngờ trong cuộc sống. Có một cái gì đó luôn ở ngoài tầm
tay, ở ngoài khả năng của con người. Bài học thông thường nhất mà ai cũng có thể
học được từ một tai nạn: đó là không ai làm chủ được chính sự sống của mình.
Người Kitô luôn được mời gọi để tìm ra ý nghĩa của các biến cố.
Biến cố nào xảy đến trong cuộc sống cũng là một lời ngỏ của Thiên Chúa đối với
con người. Ngài nhắc nhở cho con người biết rằng Chủ Tế của sự sống chính là
Ngài. Ngài kêu mời con người luôn sẵn sàng để đến với Ngài trong cuộc gặp gỡ tối
hậu. Ngài cho con người thấy những giới hạn của mình để biết hướng về Ngài với
tất cả tin tưởng phó thác.
Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét