Trang

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Suy tư bài Văn Tế Các Đẳng của LM Gioakim Đặng Đức Tuấn

Suy tư bài Văn Tế Các Đẳng của LM Gioakim Đặng Đức Tuấn
Nguyễn Văn Nghệ10/30/2015



THÁNG MƯỜI MỘT CÙNG SUY TƯ BÀI VĂN TẾ CÁC ĐẲNG

Con người ta sau khi từ giã cõi trần, thân xác trả về lòng đất, hồn thiêng về với Chúa, nếu chết trong ơn nghĩa của Người. Nhưng thử hỏi mấy ai đặng “ cầm mình vẹn sạch trước mặt Chúa”? Bợn nhơ dầu nhỏ hơn hạt bụi cũng không được đưa vào Thiên Đường mà phải thanh luyện nơi chốn luyện hình cho đến khi tinh ròng . Lúc ấy không còn thì giờ lập công . Với tín điều các Thánh thông công, Thiên Chúa ban cho chúng ta- những người còn đang sống trên trần gian- được giúp đỡ các linh hồn ấy bằng lời cầu nguyện, bằng những hy sinh. Kinh Nguyện Thánh Thể trong mỗi Thánh lễ đều có lời cầu cho các tín hữu đã ly trần trong ơn nghĩa Chúa và đặc biệt tháng 11 trong năm, Giáo Hội dành riêng để cầu cho các tín hữu đã qua đời. Với tâm tình cầu cho các tín hữu đã qua đời, nhiều thế hệ đã sáng tác các bài văn tế. Trong tác phẩm “ Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công Giáo ái quốc Việt Nam” do Linh mục Hòa Tâm Võ Ngọc Nhã và Giáo sư Lam Giang Nguyễn Quang Trứ hợp trứ từ trang 339 – 342 có bài “Văn tế các đẳng”. Và theo tác giả là “bài văn tế do linh mục Đặng Đức Tuấn biên soạn cách đây hơn trăm năm”. Nội dung bài văn tế các đẳng ngoài việc thương xót những người đã chểnh mảng việc phần hồn và phải vào chốn luyện hình, tác giả còn có ước vọng khuyến cáo cảnh tỉnh những người đang còn sống nơi chốn dương gian.

Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn sinh năm Bính Dần (1806) và mất năm Giáp Tuất (1874), cho nên bài Văn tế các đẳng được sáng tác cách nay khoảng 150 năm . Trong bài Văn tế các đẳng dùng nhiều điển tích và dùng nhiều thổ ngữ vùng Bình Định. Bài Văn tế có tất cả 32 liên.

Nhân chi sơ tính bổn thiện.

Các đẳng cũng là con cái Thiên Chúa:

“Tay Chúa dựng hình,

Tính thiêng gởi xác.

Di luân tài mạng chịu thiên tư,

Lí dục thị phi đầy địa bộ”

Con người ta ai cùng đều “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, nhưng rồi “Thế gian vật dục hôn minh/ Tánh đạo lìa bỏ ,tư tình đắm sa” (Thế gian vật dục hôn minh: ở cõi trần thế, con người hay bị vật dục cám dỗ làm cho tối tăm cái trí sáng suốt mà trời đã phú cho mình).Những người không làm chủ được cái tâm của mình thường bỏ mất lương tri , lạc xa thiên lí :

“ Cũng bởi phui pha riêng nết, biển châu trần nhiều kẻ phải linh đinh,

Vì còn lặn lội cõi phàm, điều phải trái dễ ai không vương vít.

Dầu thấu lẽ tử sinh dạ đán, kiếp làm người là một giấc mơ màng,

Bởi đeo lòng tài sắc công danh, cơn xử thế mắc lắm điều bội bạc.”

Chúng sinh mải mê trong cuộc sống mưu sinh

Tác giả diễn tả cảnh sinh hoạt của Thập loại chúng sinh theo suy nghĩ của mình là các hạng người: Võ, văn, sĩ, nông, công, thương , y, tiều, ngư, mục. Thập loại chúng sinh cứ mãi mê dành trọn thời giờ vào việc mưu sinh, coi thế gian tạm bợ này là quê hương vĩnh cửu, họ không dành chút thời giờ để lo cho tâm hồn, để tạo cho họ con đường về thiên đường:

“Võ xôn xao trên đàng cung mã, lừng lẫy đền Lân ,trướng hổ, giặc tam cừu luống chịu chốn trường xu.

Văn ngâm nga dưới cuộc cầm thơ, xinh xoang cửa tướng sân triều, kinh Thập giới lại để mình thua thiệt.

Sĩ lóng nhóng dưới màn Đổng Tử, cặm cụi kinh Lân sử Mã, chữ kí quy không tỏ nghĩa mầu.

Nông tắc hò trên ruông Hữu Sằn, xung xăng cuốc nguyệt cày mây, đất phước địa biếng gieo giống tốt.

Công xăm xúi trổ rồng chạm phượng, lơ lửng quên rìu Tạo Hóa, mực tu thân còn lắm lúc quanh co.

Thương khắc khe bán quỉ mua hùm, lao xao tan chợ La Phù, của vô giá lại để mình thua sút.

Y lo lắng đầu thang án mạch, thóc thách cứu dân độ thế, bịnh lòng mê chứng tỏ thiệt hư.

Tiều lân la trên động dưới đèo, thẩn thơ bóng đá cội tùng, đàng rừng rậm ngỡ là nơi quê vức.

Ngư ngoi ngót sông Tần biển Sở, ao ước lòng tôm dạ cá, quên Bê lem gió sóc lạnh lùng.

Mục nghêu ngao cõi Thuấn trời Nghiêu, ngẩn ngơ dấu ngựa chân trâu, lửng máng cỏ đêm trường giá rét.”

Trai gái thì mãi vui chơi, chẳng còn nhớ Chúa , nhớ Cha đọc kinh cầu nguyện gì cả:

“ Trai nghề này nghiệp nọ ngơ ngao,

Gái nẻo nớ đàng tê tí tót.

Giòn giã tiếng cười, tiếng hát, vườn Giết xưa không nhớ giọt mồ hôi.

Trau tria nét mặc nét ăn, núi Ca nọ quên hình Thánh giá.

Cuộc sinh nhai nhiều lúc trở trăn,

Bề tâm tánh lại thêm điều mê muội.

Rượu nghĩa lộc say người đạo lí, xình xoàng nghiêng bầu hồng hữu, chén dấm chua nào nhớ khúc nôi

Trà tuyết mai hiệp khách đông tây, phui pha cạn chén châu tùng, thuở giờ ngọ biếng lời khao khát.

Trai trằn trọc người thanh kiểng tốt, vườn Kim Cốc mãng hẹn hò mai trước, hổ nhìn khoanh gai nhọn thấu đầu.

Gái vuốt ve sắc nước hương trời, kiểng Võ Lăng còn gắm ghé bướm ong, thẹn liếc ngọn roi tua đánh cật.”

Tuổi còn trẻ, đời còn dài vội gì tu tỉnh

Lắm người tỏ ra hời hợt, do dự biếng nhác đối với việc tu hành đạo đức, họ lần khân, trễ nãi, hẹn rày hẹn mai, rốt cuộc cái chết đến bất ngờ, họ đành thua thiệt, mất của quí giá là con đường trở về thiên quốc:

“ Sự gấp rút nay ba mai bốn, ngơ ngáo quên lời giảng, lời khuyên.

Lửa mến lòng tin nóng một lạnh mười, khấp khởi dựa câu kinh câu sách.

Nghe nói việc lập công đền tội, tính thờ ơ còn lỉnh lảng chưa thông.

Nghe đến điều ép xác hãm mình, lòng áy náy những sụt sùi chẳng quyết.

Cuộc vui chơi mong chớp cánh giương vi

Đàng đạo đức những dùn chơn ngại bước”

Cậy vào tuổi đang xuân ,sức đang khỏe nên hẹn rày hẹn mai rồi sẽ tu tỉnh:

“ Mới phàn nàn toan cải cách niềm xưa,

Lại lẩn khuất mà nghe theo lỗi trước.

Cũng đã biết đời sau can hệ, phỏng lúc vội vàng xảy đến, biết mượn ai giúp đỡ việc hồn,

Song lạ chi thế sự lao xao, gặp khi trắc trở không dè, vương đến lụy tại nề phần xác.

Trước chẳng phải sau cùng chẳng phải, những dần dà mà bóng xế hoa rơi,

Nay chưa xong mai vẫn chưa xong, còn thủng thỉnh để trăng tàn sao lạc!

Luống nghĩ tối qua sáng lại, lải rải rày mai sẽ tính, cõi người ta còn rộng rãi trăm năm,

Nào hay tháng hết năm cùng, phui pha trận gió vô tình, rung then máy bỗng tan tành một lát!”

Anh em hãy sẳn sàng (Mt 24, 44)

Chính Chúa Giê su nhắc nhở : “ anh em hãy sẳn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì con người sẽ đến”:

“ Cung đài xa mã, khói tả mây bay.

Tài sắc công danh, biển khô đá vỡ.

Một phen từ biệt cõi trần,

Muôn kiếp khôn trông trở lại!”

Thiên Chúa là vị thẩm phán chí công, tùy theo công trạng của mỗi người khi còn sống mà Ngài xét xử:

“Tòa thẩm phán, mảy lông thu chẳng lọt, thánh thần còn khép nép, người phàm trần khôn trông lẽ siêu thăng

Cân thăng bằng tra tội phước rất nghiêm, trời đất thảy kinh hoàng, ơn Cứu Thế mới khỏi phần vĩnh phạt!

Phải chi có lẽ thế cho, dầu bạc vàng ngàn cân không nỡ tiếc

Song bởi phép công đoán định, cậy đinh thương năm dấu để nhờ ơn”

Đã vào chốn luyện hình thì hết thế lập công, chỉ còn ngóng trông ơn Cứu độ của Thiên Chúa qua thánh lễ Mi sa và lời cầu bàu của Mẹ Maria cứu giúp “ Mẹ , Mẹ ơi! Hãy đoái thương, lòng từ bi hãy chiếu soi hết mọi linh hồn”:

“ Giọt nước mắt nhơn tình lau chẳng ráo, cám thương vì hết thế lập công,

Lễ Mi sa xin Chúa đoái công cao, thứ phần phạt về nơi tiêu sái.

Lạy Đức Mẹ muôn phần thương xót, cứu ra khỏi lửa nồng nàng,

Nước Thiên Đàng ngàn dặm cao xa, xin dắt tới cõi trời an lạc!”

Tháng 11 là tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời , chúng ta cùng hiệp lời cầu : “ Xin Chúa cũng nhớ đến những người đã chết trong bình an của Đức Ki tô, và tất cả mọi người quá cố mà chỉ một mình Chúa biết lòng tin của họ” (Kinh Nguyện Thánh thể IV).

Nguyễn Văn Nghệ

Giáo xứ Cây Vông- Giáo phận Nha Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét