25/10/2015
Chúa Nhật
30 Quanh Năm Năm B
(phần I)
Bài Ðọc I: Gr 31, 7-9
"Ta sẽ lấy lòng từ bi dẫn dắt kẻ đui mù và què quặt".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Ðây Chúa phán: Hỡi Giacóp, hãy hân hoan vui mừng! Hãy hò hét vào
đầu các Dân ngoại, hãy cất tiếng vang lên, ca hát rằng: "Lạy Chúa, xin hãy
cứu dân Chúa là những kẻ sống sót trong Israel".
Ðây, Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại
từ bờ cõi trái đất: trong bọn chúng sẽ có kẻ đui mù, què quặt, mang thai và
sinh con đi chung với nhau, hợp thành một cộng đoàn thật đông quy tụ về đây.
Chúng vừa đi vừa khóc, Ta sẽ lấy lòng từ bi và dẫn dắt chúng trở
về. Ta sẽ đưa chúng đi trên con đường thẳng, băng qua các suối nước; chúng
không phải vấp ngã trên đường đi: vì Ta đã trở nên thân phụ dân Israel, và
Ephraim là trưởng tử của Ta.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng
rỡ hân hoan (c. 3).
Xướng: 1) Khi Chúa đem những người từ Sion bị bắt trở về, chúng
tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi
thốt lên những tiếng hân hoan. - Ðáp.
2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: "Chúa đã đối xử
với họ cách đại lượng." Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng
tôi mừng rỡ hân hoan. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền
nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. - Ðáp.
4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về
trong hân hoan, vai mang những bó lúa. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Dt 5, 1-6
"Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Tất cả các vị thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt
lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội.
Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc
phải yếu đuối tư bề. Vì thế, cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân
thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai được chiếm
vinh dự đó, nhưng phải là người được Thiên Chúa kêu gọi như Aaron.
Cũng thế, Ðức Kitô không tự dành lấy quyền làm thượng tế, nhưng
là Ðấng đã nói với Người rằng: "Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra
Con". Cũng có nơi khác Ngài phán: "Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm
hàm Menkixêđê".
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà
đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 10, 46-52
"Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và
một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở
vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng:
"Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi". Và nhiều người mắng
anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: "Hỡi con vua Ðavít, xin thương
xót tôi".
Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù
và bảo anh: "Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh". Anh ta liệng áo
choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: "Anh
muốn Ta làm gì cho anh?" Người mù thưa: "Lạy Thầy, xin cho tôi được
thấy". Chúa Giêsu đáp: "Ðược, đức tin của anh đã chữa anh". Tức
thì anh ta thấy được và đi theo Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Ðức Yêsu Dựng Nên Một Dân Mới
Cũng như Chúa nhật tuần trước, hôm nay chúng ta căn cứ vào bài
Tin Mừng để tìm hiểu bài tiên tri Yêrêmia và bài thư Hipri. Chúng ta sẽ thấy mạc
khải của Ðức Yêsu thật là ánh sáng soi cho chúng ta hiểu hơn mọi lời tiên tri của
Cựu Ước. Ðồng thời ánh sáng của Người cũng chiếu trên giáo huấn của các tông đồ
khiến những bài Thánh Thư nhờ lời dạy dỗ và gương sáng của Người mà trở nên
trong sáng.
1. Ðức Yêsu Dựng Nên Một
Dân Mới
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Chúa Yêsu chữa lành một
người mù tên là Bartimê. Nhưng ở đây thánh Marcô nói đến chính việc chữa mắt rất
íc. Ðức Yêsu chỉ dùng một câu và phán một lời thôi. Ðang khi có lần khá, để chữa
lành một người câm điếc (7,31-37), Người đã làm nhiều cử chỉ, không khác những
lang y hoặc pháp sư thời bấy giờ. Người đem người có tật ra chỗ vắng, thọc ngón
tay vào tai y, nhổ nước miếng và sờ vào lưỡi y, rồi ngước mắt, rên lên, thốt ra
một lời lạ tai: Ephphata! Ngay đến lần chữa một người mù ở Betsaida (8,22-26),
Người cũng đã dắt y ra ngoài làng, đoạn nhổ nước miếng vào mắt nó, rồi đặt tay
khoa trước mặt nó và hỏi: có thấy gì không?... Hôm nay, Người không làm một cử
chỉ nào như vậy. Người chỉ nói một câu: hãy đi, lòng tin của ngươi đã cứu chữa
ngươi. Và người mù đã được khỏi tức khắc.
Như vậy có nghĩa là hôm nay tác giả Marcô không muốn chú trọng
nhiều đến chính phép lạ chữa lành người mù. Người đặt câu chuyện này trong một
bối cảnh rất ý nghĩa, khiến chúng ta phải tỉnh táo nhìn ra.
Người kể rằng hôm ấy Ðức Yêsu ra khỏi Yêricô cùng với môn đồ và
rất đông dân chúng. Người tiếp tục cuộc hành trình đi lên Yêrusalem, khởi sự từ
Chúa nhật trước. Người đã phải dừng chân nghỉ tại Yêricô và hôm nay lại lên đường
tiếp tục đi. Chưa có dấu hiệu gì cho thấy có sự thay đổi nào trong đoàn người
đang tiến bước này. Và chúng ta có thể nghĩ, như hôm trước Ðức Yêsu vẫn dẫn đầu;
còn môn đồ và quần chúng theo sau vẫn có tâm trạng khiếp sợ. Người muốn lên
Yêrusalem để thi hành sứ mạng cứu thế, nhưng những kẻ đi theo Người lại sợ biệt
phái và luật sĩ đang âm mưu gì đây. Nhất là các môn đồ, sau khi tiếp thu bài học
phải trở nên tôi tớ hầu hạ, lại càng bước đi nặng nề. Ðức Yêsu phải kéo theo một
nhân loại chậm chạp và khó khăn. Ðang khi ấy Người ý thức đã đến giờ phải kéo họ
lên và đưa họ ra khỏi tình trạng hiện thời.
Có lẽ vì đang bị thu hút vào tư tưởng cứu thế, Ðức Yêsu đã không
để ý đến một người ăn xin ở vệ đường. Người cũng chẳng nghe thấy tiếng người đó
kêu ca. Vì quả thực, khi nghe biết Người đi qua, kẻ khốn khó ấy đã thốt ra lời
của nhân loại lầm than: "Lạy Con Vua Ðavít, xin thương xót tôi".
Không phải vì hắn biết Ðức Yêsu là con Ðavít, chúng ta có thể chắc chắn như vậy.
Hắn cũng chẳng xin Ðức Yêsu Nadarét chữa hắn. Hắn giống như mọi người dân Cựu Ước
và nhân loại lầm than chỉ trông chờ có một vị Cứu tinh mà Sách Thánh bảo sẽ là
con Ðavít. Thế nên, hắn đã kêu: "Lạy Con Ðavít, xin thương xót tôi".
Và hắn không chỉ kêu một lần, nhưng nhiều lần, và càng kêu to khi bị người ta
ngăn chặn quát bảo phải im đi. Hắn thật là hình ảnh của người dân Cựu Ước và của
nhân loại không ngớt kêu xin ơn cứu độ. Tiếng cầu cứu cứ trùng trùng điệp điệp
vang lên tới trời... cho đến khi Ðức Yêsu nghe thấy. Người đứng lại và bảo gọi
kẻ mù.
May mắn cho anh ta! Hạnh phúc cho dân Cựu Ước. Thiên Chúa đã dừng
lại và cho gọi con người. Tiếng của Người, Lời của Thiên Chúa đã thay đổi hẳn
cuộc sống của kẻ lầm than. Cho đến nay, y mù lòa không thấy gì hết và chẳng biết
đường đi. Y ngồi bên vệ đường, không theo được con đường cứu độ mà Thiên Chúa
đang đi. Y chỉ biết giơ tay xin ăn, tức là nhân loại chỉ biết cầu cứu được
thương xót. Bartimê, người mù ở Yêricô, chính là kẻ đang ngồi trong bóng tối
cho dù chung quanh đều đang hưởng ánh sáng ban ngày. Ðó cũng là kẻ đang lầm
than khổ sở, bất động và bất di bất dịch. Bóng tối đang bao phủ kẻ ấy đúng là
bóng tối của tử thần.
Nhưng Thiên Chúa đã cho gọi kẻ ấy lại. Tiếng của Người có sức mạnh
làm sao! Marcô kể: hắn vất áo choàng một bên, nhảy chồm dậy và đến cùng Ðức
Yêsu . Chúng ta có cảm tưởng hắn đã khỏi mù rồi. Hắn làm như một người có sức sống
mới. Vứt áo choàng ra một bên, không phải là thái độ đập tan định mệnh bao phủ
lấy mình từ xưa đến nay sao? Ðó là thái độ đổi đời, nhờ lời Chúa mời gọi. Hắn
còn nhảy chồm dậy khác nào như Thánh vịnh nói, khi dân Chúa ra khỏi Aicập núi
non gò nổng đã nhảy mừng. Ơn cứu độ đến, tất nhiên phải như vậy, vì không thể
có niềm vui nào to lớn hơn! Phép lạ đã xảy ra rồi, nên Marcô không cần mô tả
như mọi khi nữa. Chúng ta có thể bỏ qua mấy câu trao đổi giữa Ðức Yêsu và chàng
Bartimê. Ðó chỉ là những lời tiếp theo và giải thích tiếng gọi ban đầu, để chứng
tỏ ảnh hưởng của việc Ðức Yêsu đã đứng lại và truyền gọi kẻ khốn khổ lại gần.
Tuy nhiên chúng ta phải để ý đến lời Marcô kết thúc câu chuyện: "Lập tức hắn
đã thấy được và theo Ngài lên đường".
Hắn nhập đoàn những người long trọng vào thành Yêrusalem với Ðức
Yêsu. Nói đúng hơn đoàn người này là hắn, là những kẻ như hắn đã nghe tiếng gọi
tin vào Người và được cứu độ. Và trong cuộc khải hoàn này, theo Marcô, hắn
không còn kêu xin "Lạy Con Ðavít, xin thương xót tôi" nữa; nhưng cùng
với mọi người đang phấn khởi; hắn chỉ còn tung hô: Hosanna! Chúc muôn lành cho
Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Với những lời này, chúng ta thấy quả thật đã có một
nhân loại mới mẻ. Không còn là đám đông khiếp sợ hoặc ngồi trong bóng tối tử thần
nữa, nhưng nhờ việc Ðức Yêsu đã dừng chân ở trần gian và lên tiếng kêu gọi,
loài người đã được ánh sáng và sự sống mới để nhận ra Chúa và vui mừng trong đức
tin.
Ðức Yêsu đã dựng nên một dân mới, dân có Tin Mừng cứu độ: đó là
điều mà thánh Marcô muốn thông đạt cho chúng ta qua câu chuyện chàng Bartimê được
chữa lành. Và giờ đây được ánh sáng mới của bài Tin Mừng, chúng ta hãy nhìn lại
bài Cựu Ước và nhìn sang bài Thánh Thư. Ý tưởng đúng chắc chắn sẽ dễ hiện ra một
cách rõ ràng.
2. Người Hoàn Tất Lời
Tiên Tri
Quảvậy, lời sách Yêrêmia chỉ trở nên trong sáng sau ngày Ðức
Yêsu đã cải tạo dân mới. Trước đó người ta có thể hiểu những lời tiên tri ấy về
cuộc hồi hương của người Dothái ra khỏi cảnh lưu đày. Ðúng ra, trước mắt,
Yêrêmia cũng đã nhìn thấy như thế. Ông được Thiên Chúa cho biết phải tuyên sấm
về dân đang lầm than. Họ sẽ được Thiên Chúa tập họp lại đưa ra khỏi Assyria để
trở về quê cũ. Yêrêmia bảo các nước hãy vỗ tay hoan hô đoàn người đang trở về.
Họ được Thiên Chúa đoái thương. Cả những thành phần đui mù què quặt cũng được
ơn cứu độ. Hơn nữa Thiên Chúa từ nay còn gọi là "trưởng nam" trong cả
gia đình nhân loại và Người sẽ là Cha nhân từ của họ.
Những lời này sẽ không phải là những lời tiên tri, mà chỉ là những
câu văn thi vị, nếu chỉ có biến cố hồi hương của người Dothái. Ðoàn người trở về
bấy giờ đã chẳng được đón tiếp hân hoan bao nhiêu. Và sau một thời gian ngắn họ
lại rơi vào tay quân xâm lược khác. Họ chẳng bao giờ cảm thấy thực sự là trưởng
nam giữa các dân tộc. Và việc Thiên Chúa là Cha nhân từ của họ cũng chỉ là một
niềm tin rất yếu ớt. Chứng cớ là ở thời Ðức Yêsu, Israel vẫn sống trong sự
"kinh hãi" Thiên Chúa, chứ không cảm thấy tình Chúa như hiền phụ.
Do đó những lời của Yêrêmia còn phải đi xa hơn và nhắm chỉ những
thực tại khác sâu xa hơn biến cố hồi hương của dân Dothái. Ðó là những lời tiên
tri, chỉ được thực hiện nhờ Ðức Yêsu và trên một bình diện khác. Hôm nay trên
đường đi Người đã chữa lành một người mù; và người này đã đi theo Người, nhập
đoàn với cả một đám đông đang khởi hoàn vào Yêrusalem giữa tiếng tung hô.
Lời sách Yêrêmia đã được thực hiện rõ hơn, nhưng vẫn còn là một
hình ảnh về một thực tại sâu hơn. Ðoàn người vào thành hôm nay báo trước quang
cảnh của Hội Thánh trên đường lữ thứ trần gian, để chỉ trở thành thực tại trong
vinh quang Nước Trời. Ở đó mới sẽ rõ rệt quang cảnh một cuộc hồi hương thật sự.
Muôn nước sẽ vỗ tay. Israel sẽ bao gồm tất cả những kẻ đui mù, què quặt được chữa
lành. Dân Chúa sẽ là "trưởng nam" và chính Người sẽ là Cha hiền của
muôn nước.
Nhưng ngay từ bây giờ thực tại ấy đã khởi sự. Hội Thánh hiện nay
đang là đoàn người hồi hương ra khỏi cảnh lầm lạc tội lỗi. Nơi Hội Thánh có rất
nhiều tội nhân được chữa lành như những kẻ đui mù què quặt được khỏi bệnh. Và
nhất là trong Hội Thánh không bao giờ ngớt lời kinh "Lạy Cha chúng con ở
trên trời". Và tất cả được như vậy đều nhờ ở Ðức Yêsu Kitô cứu thế. Công
ơn của Người được lời thư Hipri hôm nay mô tả như sau:
3. Người Là Thượng Tế
Ðến Muôn Ðời
Nhân loại sa ngã cần phải tạ tội. Và như vậy cần phải có Thượng
tế dâng lễ vật và hy sinh. Người vừa phải được lấy giữa loài người để biết
thông cảm mọi yếu đuối và yêu cầu của nhân loại; đàng khác Người phải được
chính Thiên Chúa lựa chọn, chứ toàn thể loài người tội lỗi biết chọn ai cho vừa
ý Thiên Chúa để làm nhịp cầu tái lập sự giao hòa.
Ðức Yêsu có một điều kiện đó. Vì chỉ một mình Người hội đủ các
nhân tố kia. Khỏi nói đến việc Người mang nặng xác thể loài người. Người đã đi
sâu vào bản tính nhân loại đến nỗi còn hạ mình, mặc hình thức tôi đòi của kẻ tội
lỗi. Chính khi bị treo trên thập giá, Người đã tỏ ra thông cảm với mọi yếu đuối
và yêu cầu của loài người hơn cả. Thì cũng chính trong hoàn cảnh ấy, bằng việc
cho Ðức Yêsu sống lại làm "trưởng tử" giữa loài người hay chết, Thiên
Chúa đã như tuyên bố: "Ngươi là Con Ta, chính Ta hôm nay đã sinh ra con...
Ngươi là tư tế đời đời theo kiểu Melkiseđek".
Phải, Ðức Yêsu đã trở thành Con đời đời của Thiên Chúa Cha trong
mầu nhiệm phục sinh. Người đã được đặt làm Thượng tế trên bàn thờ Thánh Giá, để
lôi kéo mọi người lên, tức cũng là trở về nhà Thiên Chúa, hầu được ơn tha thứ mọi
tội và đầy Thánh Thần để từ nay không ngớt kêu: Abba, lạy Cha.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 30 Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Jer 31:7-9; Heb 5:1-6; Mk 10:46-52.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa yêu thương và chữa lành
những yếu đuối của con người.
Thiên Chúa yêu thương con người và mong muốn con người được sống
hạnh phúc bên Ngài mãi mãi; nhưng nhiều người lại mù quáng chạy theo những tình
yêu ảo ảnh của thế gian. Để đưa con người về, Thiên Chúa phải dùng đau khổ. Khi
con người phải đương đầu với đau khổ, họ nhận ra họ không thể sống mà không có
Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay biểu lộ tình yêu Thiên Chúa dành cho con người
qua những trường hợp khác nhau. Trong Bài Đọc I, khi con cái Israel không chịu
nghe lời các ngôn sứ để quay trở về với Thiên Chúa, Ngài để mặc họ cho ngoại
bang giày xéo. Kết quả là con cái Israel bị mất nước và bị mang đi lưu đày.
Nhưng tình yêu Thiên Chúa không bao giờ cạn cho con cái Israel, Ngài sai các
ngôn sứ tới để khuyên bảo dân hãy giữ vững niềm trông cậy, vì Ngài sẽ giải
thoát và đưa họ về quê hương làm lại cuộc đời. Trong Bài Đọc II, tình yêu Thiên
Chúa được biểu lộ qua việc Ngài chọn và gởi các thượng tế đến để làm trung gian
giữa Thiên Chúa và con người; vị Thượng Tế cao cả nhất là chính Người Con Một của
Ngài. Các thượng tế thay Thiên Chúa lo lắng và chăm sóc phần hồn cho dân qua mọi
thời đại. Trong Phúc Âm, Đức Kitô đã chữa lành cho một người mù thành Jericho,
khi anh mạnh dạn vượt qua mọi trở ngại để xin Ngài cho anh được thấy.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về, quy tụ chúng
lại từ tận cùng cõi đất.
1.1/ Thiên Chúa thương xót sau khi sửa phạt Israel: Như một
người cha yêu thương con cái, nhưng phải sửa phạt khi chúng lầm lỗi, Thiên Chúa
cũng phải sửa phạt vì sự cứng lòng của con cái Israel. Thiên Chúa để họ bị rơi
vào tay vua Assyria và bị lưu đày vào khoảng năm 721 BC. Tuy nhiên, Ngài luôn hứa
với dân qua các tiên-tri là Ngài sẽ cứu số còn sót lại của Israel sau thời kỳ
lưu đày. Lời hứa của Thiên Chúa được hiện thực khi vua Ba-tư là Cyrus phóng
thích cho dân chúng trở về Jerusalem vào năm 538 BC, để xây dựng lại quê hương
và tái thiết Đền Thờ.
Trình thuật của ngôn sứ Jeremiah hôm nay là một ví dụ điển hình
cho lời hứa của Thiên Chúa với dân: "Vì Đức Chúa phán thế này: Reo vui lên
mừng Jacob, hãy hoan hô dân đứng đầu chư dân! Nào loan tin, ca ngợi và công bố:
"Đức Chúa đã cứu dân Người, số còn sót lại của Israel!" Này Ta sẽ đưa
chúng từ đất Bắc trở về, quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất. Trong chúng, có
kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ: tất cả cùng nhau trở về, cả một đại
hội đông đảo."
1.2/ Thiên Chúa luôn yêu thương Israel với tình yêu của người cha: Con cái
Israel có thể dùng tự do để xa lìa Thiên Chúa; nhưng Ngài luôn trung thành yêu
thương và bảo vệ họ. Để giúp con cái Israel nhận ra tình thương Thiên Chúa và
quay trở về, đau khổ là phương thuốc cần thiết cho họ. Chính tư tế Ezra sau khi
đã nhận ra kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua vua dân ngoại
Cyrus đã phải đau đớn và xấu hổ thốt lên: tất cả chúng con đều đã xúc phạn đến
Ngài, tổ tiên của chúng con cũng như tất cả những người đương thời; và đau khổ
chúng con phải chịu là xứng đáng với tội lỗi của chúng con.
Một khi con người nhận ra và quay trở về với tình yêu đích thực,
Thiên Chúa lại tiếp tục săn sóc và bảo vệ họ, như lời sấm của tiên-tri
Jeremiah: "Chúng trở về, nước mắt tuôn rơi, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng,
dẫn đưa tới dòng nước, qua con đường thẳng băng, trên đó chúng không còn vấp
ngã. Vì đối với Israel, Ta là một người Cha, còn đối với Ta, Ephraim chính là
con trưởng."
2/ Bài đọc II: Thượng tế được đặt lên để làm trung gian giữa
Thiên Chúa và con người.
2.1/ Vị thượng tế loài người: Tác giả Thư Do-thái nhấn mạnh đến
ba đặc tính của thượng tế trong Cựu Ước, để dẫn đến Vị Thượng Tế cao cả nhất của
Tân Ước.
(1) Thượng tế được chọn trong số người phàm: ''Quả vậy, thượng tế
nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện
cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng
như tế vật đền tội." Vai trò của vị thượng tế là để đại diện cho loài người
trong các mối tương quan với Thiên Chúa; chẳng hạn, vị thượng tế vào trong cung
Cực Thánh mỗi năm một lần vào ngày "Xá Tội" để dâng hy lễ toàn thiêu
đền tội cho mình và cho mọi người.
(2) Thượng tế cũng là con người yếu đuối: Thượng tế không phải
là thiên thần hay là thánh, họ cũng mang trong mình những khuyết điểm như dân
chúng. Khi dâng của lễ đền tội, họ cũng phải dâng của lễ đền tội cho mình trước
khi dâng của lễ đền tội cho dân. Vị thượng tế phải biết cảm thông với những kẻ
ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người của họ cũng đầy yếu đuối. Họ không
được kiêu hãnh vì chức vụ của mình để khinh thị hay nóng nảy với dân chúng.
(3) Thượng tế được chọn bởi chính Thiên Chúa: Tác giả Thư
Do-thái rất rõ ràng về điều này: "Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy,
nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông Aaron đã được gọi."
2.2/ Chức vụ Thượng tế của Đức Kitô: Tác giả Thư Do-thái cũng
dùng 3 đặc tính này để áp dụng vào chức vụ tư tế của Đức Kitô.
(1) Ngài được chọn và thánh hiến bởi Thiên Chúa: "Cũng vậy,
không phải Đức Kitô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã nói với Người:
Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con, như lời Đấng ấy đã nói ở một
chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Melchizedek." Để hiểu
"Thượng Tế theo phẩm trật Melchizedek," chúng ta phải trở về với
trình thuật trong Sách Sáng Thế Ký, khi tư tế Melchizedek ra đón và chúc lành
cho Abram khi ông thắng trận trở về (Gen 14:18-20), và Abram đã trao lại cho tư
tế này một phần mười các chiến lợi phẩm.
(2) Đức Kitô đồng cảm với con người vì Ngài cũng đã trải qua những
đau khổ như con người; nên Ngài có thể giúp họ vượt qua các đau khổ trong cuộc
sống. Tác giả Thư Do-thái nói rõ về Đức Kitô: "Bởi thế, Người đã phải nên
giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và
trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân.
Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có
thể cứu giúp những ai bị thử thách" (Heb 2:17-18).
(3) Đức Kitô là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: Ngài
hòa giải con người với Thiên Chúa bằng cách thanh tẩy con người khỏi mọi tội lỗi.
Sau khi hoàn tất nhiệm vụ trên trần gian, Đức Kitô đã thiết lập
thiên chức linh mục để họ tiếp tục sứ vụ của Ngài trên trần gian. Một người đã
quảng diễn vai trò trung gian của linh mục như sau: Linh mục là người cầu nguyện
và kết hợp với Thiên Chúa trong tuần, để rồi chuyển thông cho dân những gì
Thiên Chúa muốn họ làm trong những thánh lễ cuối tuần; vì dân chúng quá bận rộn
để mưu kế sinh nhai. Sự hiện diện của linh mục giúp con người nhận ra tình yêu
vô biên của Thiên Chúa dành cho con người.
3/ Phúc Âm: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!"
3.1/ Niềm tin vững mạnh của anh mù: Đức Giêsu và các môn đệ đến
thành Jericho. Khi Đức Giêsu cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra
khỏi thành Jericho, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh
ta là Bartimê, con ông Timê.
(1) Anh mù chứ không điếc: Anh đã được nghe người ta nói về Đức
Giêsu Nazareth. Anh tin vào Ngài. Anh không chút e ngại và biết nắm lấy cơ hội
để cầu xin với Ngài: "Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương
tôi!"
(2) Anh vượt qua sự ngăn cấm của con người: Nhiều người quát nạt
bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: "Lạy Con vua Đavít, xin
dủ lòng thương tôi!" Họ quát nạt anh có thể vì anh làm chia trí họ không
nghe được những lời dạy dỗ của Đức Kitô, hay khinh thường anh vì anh chỉ là người
ăn xin bên đường.
Khát vọng mãnh liệt của anh mù được đối diện với Thiên Chúa đã
giúp anh vượt qua mọi trở ngại để được gặp Ngài. Chúng ta có một khát vọng mãnh
liệt được gặp Chúa Giêsu như anh không? Chúng ta có sẵn sàng vượt mọi trở ngại
trong cuộc đời để được đối diện với Ngài?
3.2/ Cuộc đối thoại giữa Chúa và anh mù: Thấy niềm
tin vững mạnh của anh, Đức Giêsu đứng lại và nói: "Gọi anh ta lại
đây!" Người ta gọi anh mù và bảo: "Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi
anh đấy!"
(1) Phản ứng của anh mù rất rõ ràng và quyết liệt qua sự diễn tả
của Marcô: Khi được biết Chúa Giêsu cho gọi anh, "anh mù liền vất áo
choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu.'' Anh không muốn bất cứ sự gì
ngăn cản anh trong việc đến với Chúa. Khi nghe Chúa Giêsu hỏi: "Anh muốn
tôi làm gì cho anh?" Anh mù đáp không chút do dự: "Thưa Thầy, xin cho
tôi nhìn thấy được."
(2) Lòng thương xót của Chúa Giêsu: Người nói: "Anh hãy đi,
lòng tin của anh đã cứu anh!" Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo
Người trên con đường Người đi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đau khổ xảy ra khi con người lìa xa Thiên Chúa để chạy theo những
ảo ảnh của thế gian; để sống hạnh phúc, chúng ta cần phải quay trở về với Thiên
Chúa, Người Cha yêu thương chúng ta thực sự.
- Tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ qua việc Thiên Chúa chọn các
thượng tế giữa con người để họ làm trung gian hòa giải, cầu nguyện, và ban ơn
lành của Thiên Chúa cho con người.
- Vị Thượng Tế khôn ngoan, trung thành, và yêu thương chúng ta
nhất là Đức Kitô. Chúng ta hãy mạnh dạn chạy đến với Ngài để được tha tội, chữa
lành, và lãnh nhận mọi ơn cần thiết cho cuộc sống.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
25/10/15 CHÚA NHẬT TUẦN
30 TN – B
Mc 10,46-52
Mc 10,46-52
Suy niệm: Giữa muôn ngàn âm thanh hỗn
độn, đối với người mù đang ăn xin ngoài thành Giê-ri-cô, chỉ có tên Giê-su mới
thực sự là lời có ý nghĩa và sức mạnh cứu chữa cho anh.
Thế nên “vừa nghe đó là Đức Giê-su
Na-da-rét anh liền đáp lại bằng lời
kêu xin phát xuất từ lòng tin: “Lạy ông Giê-su, xin dủ lòng thương tôi.” Chính Chúa Giê-su đã xác nhận “lòng tin của đã cứu anh” nhờ đó “anh nhìn thấy được và đi theo Người.”
Mời Bạn: Cuộc sống chúng ta ngày nay cũng tràn ngập âm
thanh. Có những âm thanh ta muốn nghe, được nghe. Có những âm thanh ta bị nghe,
quấy rầy hoặc tra tấn ta. Tuy nhiên, trong những âm thanh đó, điều quan trọng
là chúng ta nhận biết âm thanh nào thực sự là “lời cứu độ,” lời yêu thương mà Thiên Chúa gửi đến cho
chúng ta.
Chia sẻ: Trong một thế giới ồn ào xao động, đầy dẫy
những thông tin như hiện nay, bạn thường xử lý cách nào để “lòng đạo’’ của mình
không bị chao đảo? Bạn có dễ dàng để mình trở thành nạn nhân của những thông
tin “thập cẩm’’ đó không?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành một khoảng lặng để chăm chú lắng
nghe Lời Chúa nhờ đó có thể nhận ra Lời Ngài ở giữa những âm thanh xô bồ của
cuộc sống.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa, xin cho con biết lắng nghe Lời Chúa vì Lời Chúa là sức sống của con, là
ánh sáng đời con.
«
Lòng tin của anh đã cứu anh » (25.10.2015 – Chúa Nhật XXX Thường Niên, năm B)
Bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô trong Thánh Lễ
Chúa Nhật XXX Thường Niên, năm B hôm nay kể lại cho chúng ta câu chuyện người
mù ăn xin được sáng mắt. Trước hết, chúng ta được mời gọi tạ ơn Chúa, vì đã ban
cho chúng ta đôi mắt sáng, và cùng cầu xin Chúa cho đôi mắt của chúng ta, nhờ
lòng tin, không chỉ nhìn mọi sự như những sự vật « tự nhiên », chẳng
hạn thế giới sáng tạo, hay chỉ nhìn mọi sự có trong cuộc sống như những sự vật
để hưởng thụ tùy thích, nhưng còn như những dấu chỉ nói cho chúng ta về những
kì công của Thiên Chúa, về sự hiện diện của Thiên Chúa, về tình yêu và lòng
thương xót của Chúa, như lời Thánh Vịnh diễn tả :
Chỉ có Người làm nên những kỳ công vĩ đại,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
(Tv 136, 4)
1.
Một
người mù đang ngồi ăn xin
Bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô tương đối ngắn,
nhưng lại có nhiều chi tiết về lí lịch và hoàn cảnh của người mù ăn xin :
§ Anh tên là Ba-ti-mê
§ Anh là con ông Ti-mê.
§ Anh ngồi bên vệ đường, gần thành Giê-ri-cô
Người mù ăn xin ở bên vệ đường, gần thành
Giê-ri-cô có một tên riêng, anh có cha có mẹ, anh thuộc về một gia đình. Như
thế, nỗi bất hạnh và khốn khổ của anh liên quan đến nhiều người, nhất là của
những người thân yêu. Và chúng ta có thể nói, nỗi bất hạnh và khốn khổ của anh
cũng là nỗi bất hạnh và khốn khổ của những người thân nữa, bởi vì cuộc sống của
chúng ta tất yếu có sự liên đới.
Nơi phép lạ chữa lành dành cho anh mù
Ba-ti-mê, chúng ta hãy nhận ra, để cho mình được đánh động và được cuốn hút bởi
sự liên đới của Thiên Chúa dành cho loài người bệnh tật và đau khổ, trong đó có
chính chúng ta và những người thân yêu của chúng ta, nơi trong Đức Giê-su Ki-tô
và nhất là nơi Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh.
* * *
Bài Tin Mừng còn nêu bật lên lòng khao khát
được sáng mắt, và chắc chắn đó cũng là lòng khao khát của bất cứ người mù nào
trong cuộc đời này. Và cùng với lòng khao khát, là lòng tin, lòng tin nơi Đức
Giê-su, là Đấng có thể làm cho anh sáng mắt, vì Người là Ánh Sáng, là Đường Đi
và là Sự Sống, như sau này anh sẽ nhận ra Chân Lý toàn vẹn về Người.
§ Khi nghe nói, Đức Giê-su đang đi tới, anh kêu
lên: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”
§ Và anh càng kêu lớn tiếng bất chấp bị người ta
quát nạt bảo im đi: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”
§ Lòng khao của anh đã làm cho Đức Giê-su chạnh
lòng: “Gọi anh ta lại đây!” và cũng làm cho nhiều người cảm thương: “Cứ yên
tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” Anh liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà
đến với Đức Giê-su. Và khi nghe Người hỏi đích thân: “Anh muốn tôi làm gì cho
anh?” Anh đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.
Anh mù Ba-ti-mê đã trở nên sáng mắt, nhờ lời
sau đây của Đức Giê-su: « Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh ».
Về phương diện thể lí, đây là một biến cố lạ lùng, gây ấn tượng. Nhưng lời của
Đức Giê-su mời gọi chúng ta vượt qua sự lạ lùng thể lí ở bên ngoài, để hiểu và
cảm nếm ơn chữa lành của Chúa ở mức độ đức tin và ơn cứu độ. Xin Chúa Thánh
Thần cũng khơi dậy nơi chúng ta lòng khao khát được chữa lành và lòng tin mạnh
mẽ nơi Ngôi Vị của Đức Giê-su và thưa với Người :
Lạy Chúa, xin dủ lòng thương
con ! Lạy Chúa, xin cho con thấy được !
2.
Ơn
gọi của đôi mắt
Sáng mắt là điều quan trọng, nhưng để sống
bình an và hạnh phúc với người khác, và nhất là với những người thân yêu và với
Chúa, anh còn phải sáng lòng nữa, để nhìn ra nhận ra ân huệ, tình bạn và tình
yêu của người khác và của Chúa, nhận ra sự hiện diện của người khác và của
Chúa. Bởi vì, chúng ta sống không chỉ bằng những vẻ đẹp bên ngoài, nhưng còn
bằng sự hiện diện của nhau, bằng vẻ đẹp của tâm hồn, bằng vẻ đẹp và những điều
cao quí đến từ Thiên Chúa nữa và của chính Chúa nữa. Sáng mắt rồi, nhưng đôi
mắt sáng của anh Ba-ti-mê có đi tìm Chân, Thiện, Mỹ là chính Chúa hay không,
hay lại đi tìm những điều gì khác chóng qua, gian dối, sự dữ, sự xấu, làm cho
mình trở nên mù quáng. Hơn nữa, con người đâu có nhìn thấy mãi, vì anh mù được
sáng mắt trở lại, một ngày kia, mắt anh sẽ khép lại mãi mãi. Và đôi mắt của
chúng ta cũng sẽ như thế. Bằng chứng là, từ tuổi trung niên trở đi, mắt chúng
ta không còn sáng như xưa !
Ngoài ra, anh mù Ba-ti-mê được Chúa chữa cho
sáng mắt, nhưng đâu phải để đứng đó mà nhìn, nhưng còn phải bước đi nữa, còn
phải lựa chọn đường đi nữa. Và anh sẽ phải lựa chọn và bước đi trên con đường
nào : con đường của Chúa dẫn đến sự sống hay những con đường khác, dẫn đến
đau khổ cho mình và cho người khác, và cuối cùng là sự chết đời đời ?
Đức Giê-su nói với anh : « Anh hãy
đi. Lòng tin của anh đã cứu anh ». Như thế, lòng tin làm cho anh thấy được
và bước đi, không phải chi thấy được mọi sự như những sự vật để thụ hưởng hay
loại bỏ, nhưng như là quà tặng, là kỉ niệm nói lên sự hiện diện của ai đó, là
ơn huệ của Thiên Chúa, là dấu chỉ nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa. Lòng tin
làm cho anh thấy được, không phải chỉ thấy được những con người ở vẻ bề ngoài
và như đối tượng để thỏa mãn nhu cầu của lòng ham muốn, nhưng như là những ngôi
vị tự do, như là hình ảnh của Thiên Chúa, là con Thiên Chúa, là anh chị em của
mình, có lòng ước ao, có ơn gọi riêng, có quá khứ và những vấn đề riêng, có
hành trình riêng cần tôn trọng. Và lòng tin làm cho anh thấy được, không phải
chỉ thấy sự thật trần trụi ở bình diện hành vi, nhưng còn nhìn ra sự thật về
ngôi vị, sự thật về một con người bất hạnh đang đau khổ. Bởi vì, đôi mắt của
chúng ta được dựng nên, có ơn gọi không phải là nhìn thấy những điều hữu hình,
nhưng là nhận ra những thực tại vô hình.
3.
Đi
theo Đức Ki-tô
Chính vì thế mà, ngay sau khi được chữa lành,
nhìn thấy được, anh Ba-ti-mê liền đi theo Đức Giê-su:
Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo
Người trên con đường Người đi.
(c. 52)
Điều này cho thấy, đức tin không chỉ làm cho
anh nhận được chữa lành đôi mắt, để thấy sự vật, nhưng còn làm cho anh
« thấy được » những điều vô hình ; vì nhờ đức tin, anh nhận ra
Đức Ki-tô là ánh sáng, là đường, là sự thật và là sự sống, là ơn cứu độ.
Và ở bình diện này, mọi người chúng ta được
mời gọi đón nhận ngay hôm nay hiệu quả chữa lành và cứu độ của đức tin :
nhờ tin vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức
Ki-tô, và nhất là nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh, chúng ta được giải thoát khỏi
sự nghi ngờ tình thương và lòng bao dung của Thiên Chúa, mặc cảm tội lỗi, gây
chết chóc và hay bị ma quỉ lợi dụng để nhận chìm chúng ta trong bóng tối của
tuyệt vọng.
* * *
Xin Chúa củng cố đức tin của chúng ta, để lòng
chúng ta cũng được chữa lành bởi Lời Chúa, khỏi những sự nghi ngờ, ray rứt, và
khỏi bệnh mù quáng, không nhận ra Chúa là ánh sáng, và là đường dẫn đến sự
sống, không nhận ra anh em, chị em của mình là hình ảnh của Thiên Chúa, là
người thân của Đức Ki-tô, là người anh chị em của mình trong Gia Đình Mới, nơi
đó chúng ta đã được ơn sinh ra, lớn lên và được ban ơn kêu gọi dâng hiến cuộc
đời để xây dựng.
Lm Giuse Nguyễn Văn
Lộc
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
25 THÁNG MƯỜI
Liên Kết Với Nhau Qua Phép Rửa
Đức Kitô đang nhắm
đến loại hiệp nhất nào? Ngài đang nói về sự hiệp nhất do Phép Rửa. Sự hiệp nhất
này được Thánh Phaolô quảng diễn trong Thư Galata: “Tất cả anh em, vì đã được
thanh tẩy trong Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô, và nên một trong Đức Kitô Giêsu
” (Gl 3,27-28)
Qua Phép Rửa, chúng
ta không chỉ được dìm vào trong nước mà trước hết đó là được dìm vào trong cái
chết cứu chuộc của Đức Kitô. Và cũng như cái chết của Đức Kitô đánh dấu sự bắt
đầu của cuộc sống mới như được vén mở nơi cuộc Phục Sinh, thì việc chúng ta
được dìm trong nước của bí tích Phép Rửa cũng đánh dấu sự bắt đầu của một cuộc
sống mới.
Sự sống mới ấy
chính là sự sống do ân sủng, cùng một sự sống như được biểu hiện nơi cuộc Phục
Sinh của Đức Kitô. Đây chính là sự sống của Đức Kitô được Chúa Cha ban tặng cho
chúng ta trong Chúa Thánh thần.
Sự sống đầy sức cứu
độ này chỉ có một mà thôi. Sự sống ấy hiện diện nơi tất cả những ai lãnh nhận
Phép Rửa. Đó là lý do tại sao bất cứ ai lãnh nhận Phép Rửa đều nên một trong
Đức Kitô. Phép Rửa vừa diễn tả vừa đạt được tiếng gọi hiệp nhất đối với mọi
Kitôhữu. Đó cũng là tiếng gọi hiệp nhất trong nhiệm thể Giáo Hội duy nhất, nhờ
Thánh Thần.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul
II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 25-10.
Chúa Nhật XXX Thường Niên;Gr 31, 7-9; Dt 5, 1-6; Mc 10, 46-52.
LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện người mù ở Giê-ri-khô. “Người nói: ‘Anh muốn tôi làm
gì cho anh?’ Anh mù đáp: ‘Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được’ Người nói:
‘Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh’ Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi
theo Người trên con đường Người đi.”(Mc 10,51-52).
Đứng trước Chúa Giêsu, anh mù Bác-ti-mê đã nhận ra Chúa Giêsu thành Na-da-rét
là Đấng Ki-tô; khi anh tuyên xưng: “Lạy ông Giêsu Con vua Đa-vít, xin dủ lòng
thương”, mặc dù có nhiều người quát nạt anh, nhưng anh vẫn tuyên xưng lớn tiến
hơn, để rồi Chúa Giêsu xác nhận lòng tin của anh đã cứu chữa anh. Anh nhìn thấy
được và đi theo Ngài trên chính con đường Ngài đi. Con đường từ Hang đá Bê-lêm
cho đến trên Núi Sọ. Trong lúc đó biết bao nhiêu người đi theo Ngài, thấy được
những việc Ngài làm mà vẫn không nhận ra Ngài là Đấng Ki-tô. Cũng như các môn
đệ, họ cũng chưa nhận ra Ngài, ngoại trừ Phêrô đã tuyên xưng; các môn đệ cũng
chưa nhận ra con đường của Ngài là con đường Thập Giá, họ đang mơ tưởng được ở
bên tả và bên hữu của Ngài, họ đang tức tối nhau. Trong đời sống Ki-tô hữu của
chúng ta cũng đang có nhiều điều mù, nếu chúng ta không chuyên cần và tiếp tục
đón nhận Lời Chúa, học hỏi lời Ngài, chúng ta sẽ không thấy rõ được.
Mạnh Phương
25 Tháng Mười
Con Chim Sáo
Trong một tập thơ mang tựa đề "Có muôn nghìn lý do để sống",
Ðức Cha Helder Camera, vị giám mục người Brazil nổi tiếng là vị tông đồ của người
nghèo đã ghi lại câu chuyện ngụ ngôn sau đây: Bên cạnh nhà tôi, có một con chim
sáo quanh năm ngày tháng sống giữa trời... Tôi vẫn có thói quen nói chuyện với
nó. Một hôm, tôi hỏi chú sáo có nơi ngủ nghỉ không. Nó ngạc nhiên trả lời:
"Có chứ!... Màn là trời, chiếu là đất. Có bao giờ thiếu đâu".
Do những đòi hỏi của trí khôn loài người, tôi mới hỏi nó:
"Thế thì những lúc mưa gió, chú trú ngụ ở đâu". Nó nhanh nhẩu trả lời:
"Bộ ông nghĩ là thỉnh thoảng tôi không cần tắm gội sao?" Tôi hỏi nó
có đói không. Con chim sáo mỉm cười đáp: "Ðiều mà tôi muốn là được hót.
Tôi sinh ra để hót mà...". Và nó cất tiếng hót như sau: "Hỡi loài người
kiêu ngạo. Hãy nói cho ta biết đi: liệu ngươi không chết sao?".
Tôi cứ nài nỉ để chú sáo nhận món quà tôi biếu: đó là một ít
bánh mì có thịt... Chú sáo lại được dịp cười cợt sự ngây ngô của tôi. Nó bảo
tôi: "Ông không biết là loài sáo chúng tôi không có ăn bánh mì và thịt như
các ông sao?".
Lần kia, tôi hỏi chú sáo có cầu nguyện không. Nó không hiểu được
câu hỏi của tôi. Nó chỉ cười trả lời: "Có mấy chú nhóc con lấy đá ném tôi.
Nhưng tôi bay đi, tôi cười và tôi hót".
Một lúc nào đó, tôi có ý nghĩ đưa con sáo vào bệnh viện để nhờ
các bác sĩ tìm ra căn bệnh của nó và chữa trị cho nó. Nhưng tôi chợt nhận ra rằng
nó chỉ là một con chim.
Qua câu chuyện ngụ ngôn trên đây, có lẽ Ðức Cha Helder Camera muốn
gợi lên cho chúng ta cái thảm trạng của con người ngày nay: chiến tranh, chết
chóc, đau khổ đều phát xuất từ chỗ con người không chấp nhận nhau. Ai cũng muốn
người khác phải suy nghĩ như mình, phải hành động như mình, phải sống như mình.
Ý thức hệ nào cũng cho là ưu việt và muốn áp đặt trên người khác ngay cả bằng bạo
lực.
Ngày nay, con người mỗi lúc một ý thức hơn về sự đa diện của các
nền văn hóa, của các khuynh hướng chính trị, của các tôn giáo... Sự trưởng
thành của nhân loại được thể hiện qua chính sự chấp nhận ấy: chấp nhận sự khác
biệt của tha nhân, chấp nhận tư tưởng của người khác. Khoan dung là thái độ mà
con người ngày nay đang cần hơn bao giờ hết.
Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét