30/10/2015
Thứ Sáu
sau Chúa Nhật 30 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 9, 1-5
"Tôi đã ước ao được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của
tôi".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi xin nói thật trong Ðức Kitô, tôi không nói
dối: lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần, là tôi buồn phiền quá đỗi,
lòng tôi hằng đau đớn luôn. Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Ðức Kitô vì phần
ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác. Họ đều là người
Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luầt, việc
phượng tự và lời hứa; các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Ðức Kitô
sinh ra phần xác, Người là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời.
Amen.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20
Ðáp: Hỡi Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa! (c. 12a).
Xướng: 1) Hỡi Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa! Hãy ngợi khen
Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các then cửa ngươi; Người
chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. - Ðáp.
2) Người giữ cho mọi bờ cõi ngươi được bình an, Người dưỡng nuôi
ngươi bằng tinh hoa của lúa mì. Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời
Người lanh chai chạy rảo. - Ðáp.
3) Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và
huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người
đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 36a và 29b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin nghiêng lòng con theo lời
Chúa răn bảo, và xin rộng tay ban luật pháp của Chúa cho con. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 14, 1-6
"Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò
rơi xuống giếng mà không kéo nó lên sao?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào dùng bữa trong nhà một
thủ lãnh biệt phái, thì những người hiện diện ở đó dòm xét Người. Bấy giờ có một
người mắc bệnh thuỷ thũng ở trước mặt Người. Chúa Giêsu lên tiếng hỏi các Luật
sĩ và biệt phái rằng: "Trong ngày Sabbat, có được phép chữa bệnh
không?" Các ông ấy làm thinh. Bấy giờ Người kéo kẻ ấy lại, và chữa lành, rồi
cho về. Ðoạn Người bảo các ông rằng: "Trong ngày Sabbat, ai trong các ông
có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?"
Nhưng các ông không thể trả lời câu hỏi ấy.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Linh Hồn Của Lề Luật
Gilgal Zamir, người thanh niên 25 tuổi đã sát hại Thủ tướng Do
thái, ông Y. Rabin, khi bị tòa án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những
không để lộ bất cứ cử chỉ hối hận nào, mà còn tuyên bố: "Tất cả những gì
tôi làm là làm cho Chúa, làm cho lề luật, làm cho dân tộc Israel". Thái độ
của Gilgal Zamir đã khiến cho quan tòa đưa ra nhận định: Gilgal Zamir có những
khuynh hướng vị kỷ, nhìn thế giới chỉ dưới hai mầu trắng đen mà thôi; anh ta là
sản phẩm của một nền giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo
đức cần mang lại cho người trẻ hiện nay.
Gilgal Zamir có thể là hiện thân của những Biệt phái thời Chúa
Giêsu, nghĩa là luôn miệng nhân danh Chúa và lề luật. Cũng như những người Biệt
phái, anh tin tưởng nơi Chúa, anh trung thành với lề luật, anh yêu tổ quốc.
Nhưng anh thiếu một điều hệ trọng nhất để có thể sống như một con người, đó là
một trái tim, một trái tim để biết yêu thương, để biết rung động trước nỗi khổ
đau của người khác. Khi con người không có một trái tim, thì họ sẽ mù quáng: mù
quáng vì không những không còn nhạy cảm trước nỗi khổ đau của người khác, mà nhất
là không còn biết hối hận vì đã xúc phạm đến người khác.
Nhân danh lề luật, những người Biệt phái thời Chúa Giêsu không ngừng
dòm ngó rình mò để bắt bẻ Ngài, nhất là những gì có liên quan đến việc tuân giữ
ngày Hưu lễ như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay. Nhưng đối với Chúa Giêsu,
linh hồn của lề luật chính là tình yêu thương. Tất cả vụ án của Chúa Giêsu đều
bắt nguồn và xoay quanh những cuộc đối đầu về lề luật. Ðối đầu với những người
Biệt phái cho đến cùng bằng cái chết trên Thập giá, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ
cho con người thấy rằng chỉ có một lề luật duy nhất để tuân giữ, đó là luật yêu
thương, và chỉ có một giá trị cao cả nhất để sống và chết cho, đó là tình yêu.
Giáo dục con người sống cho ra người có nghĩa là giáo dục cho
con người biết sống yêu thương. Thông minh đĩnh đạc, mà không có trái tim đê� yêu
thương, thì đó là một tai họa cho bản thân cũng như cho xã hội. Có tất cả mà
không có một trái tim để yêu thương, thì đó là nỗi bất hạnh lớn nhất đối với
con người. Cách mạng mà không xây dựng trên tình yêu thương, thì đó chỉ là phá
hoại. Ðạo đức mà không có yêu thương, thì chỉ là một trò lừa bịp.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã mạc khải cho chúng ta chân lý về con
người. Mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu, xin cho chúng ta luôn ý thức
rằng chúng ta chỉ đạt được định mệnh của mình bằng cuộc sống yêu thương mà
thôi. Là môn đệ của Ðấng đã chết trên Thập giá để nêu gương yêu thương cho
chúng ta, xin cho chúng ta ý thức rằng cốt lõi của đạo là giới răn yêu thương
mà Ngài đã để lại cho chúng ta.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Thứ Sáu, Tuần
30 TN, Năm lẻ.
Bài đọc: Rom 9:1-5;
Lk 14:1-6.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy biết
dùng trí khôn để nhận ra ai là người yêu mình thật sự.
Không có nỗi đau khổ nào lớn hơn nỗi đau khổ bị từ chối tình
yêu, và cũng không có sự dại dột nào lớn hơn sự dại dột của kẻ từ chối tình yêu
thực sự để chạy theo tình yêu giả trá và lừa lọc. Cha mẹ sẽ đau khổ chừng nào
khi họ sẵn lòng chấp nhận mọi gian khổ để lo cho con có tiền ăn học; nhưng phát
giác con mình dùng tiền đó để tiêu xài phung phí với chúng bạn! Người vợ sẽ đau
khổ chừng nào khi người chồng dùng tất cả những gì bà đã dành dụm cho gia đình
để đốt hết vào những canh bạc đỏ đen!
Các Bài Đọc hôm nay muốn con người hãy biết dùng trí khôn sáng
suốt để nhận ra ai là người yêu mình thật sự. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô sẵn
sàng chấp nhận mọi gian khổ, ngay cả việc chấp nhận bị xa lìa Đức Kitô; để người
Do-thái nhận ra tình yêu thực sự mà Đức Kitô dành cho họ. Phaolô không thể hiểu
tại sao người Do-thái khước từ tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ qua việc
Ngài ban cho họ Đức Kitô để cứu chuộc họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sẵn sàng hy
sinh và chấp nhận chống đối để chữa lành một người bị bệnh phù thũng trong ngày
Sabbath, và sửa sai quan niệm của họ về ngày Sabbath; nhưng họ không nhận ra ý
hướng và tình yêu của Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tâm tình của Phaolô dành cho dân tộc Do-thái
1.1/ Ước mong của Phaolô là cho toàn dân nhận ra và tin vào Đức
Kitô: Trong ba chương kế tiếp, Phaolô phải vật lộn với chủ đề tại sao
nhiều người Do-thái không tin vào Đức Kitô mặc dù họ có đủ mọi bằng chứng và đặc
quyền để tin vào Ngài.
Ý hướng của Phaolô rất thành thật như ngài tâm sự: "Có Đức
Kitô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối và lương tâm tôi, được
Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi rằng: lòng tôi rất đỗi ưu phiền và
đau khổ mãi không ngơi. Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết
thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng."
Yêu ai là mong muốn mọi điều tốt lành cho người ấy. Phaolô yêu
dân tộc mình nên ông muốn cho mọi con cái Israel được nhận biết Đức Kitô để được
cứu độ, cho dẫu ông phải trả giá là bị "nguyền rủa và xa lìa Đức
Kitô," Đấng ông kính mến trên hết mọi sự. Phaolô, mặc dù được dành riêng để
rao giảng cho Dân Ngoại; nhưng ông luôn tìm mọi dịp để tranh luận và rao giảng
cho người Do-thái, Thư Rôma là một trường hợp điển hình. Lòng thành của Phaolô
còn đáng khen ngợi hơn nữa vì nhiều người Do-thái luôn tìm dịp bắt bớ ông và
tìm cách đạp đổ những gì ông đã xây dựng cho các cộng đoàn Dân Ngoại.
1.2/ Người Do-thái có đầy đủ những đặc quyền để tin vào Đức Kitô: Phaolô
nhìn lại lịch sử và không khỏi ngạc nhiên về những đặc quyền Thiên Chúa ban cho
dân tộc Do-thái:
- Họ là người Israel, dân tộc được Thiên Chúa chọn làm Dân Riêng
của Ngài;
- Họ đã được Thiên Chúa nhận làm con;
- Họ đã được Người cho thấy vinh quang;
- Thiên Chúa đã ban tặng cho họ các giao ước: với Noah, với
Abraham, với Moses... ;
- Họ đã được Thiên Chúa ban Lề Luật, phụng tự, và các lời hứa;
- Họ là con cháu các tổ phụ;
- Và sau hết, chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một
nòi giống với họ. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến
muôn thuở muôn đời. Amen.
Phaolô rất ngạc nhiên, vì một dân tộc được Thiên Chúa ban mọi đặc
quyền, nhất là đã được các ngôn sứ chuẩn bị một thời gian rất lâu để đón Đấng
Thiên Sai ra đời; thế mà khi Đức Kitô xuất hiện, nhiều người Do-thái từ chối
không tin vào Ngài. Ba chương kế tiếp Phaolô cố gắng tìm hiểu lý do của sự từ
chối này.
2/ Phúc Âm: Có được phép chữa bệnh ngày Sabbath hay không?
2.1/ Xung đột giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu: Thánh Luca
tường thuật 2 thái độ khác nhau:
(1) thái độ của ông Thủ Lãnh nhóm Pharisees: Ông mời Chúa Giêsu
dùng bữa và xếp đặt sẵn một người bị bệnh phù thủng, để gài bẫy xem Ngài có chữa
bệnh trong ngày Sabbath.
(2) thái độ của Chúa Giêsu: Mặc dù biết rõ ác ý của họ, nhưng
Chúa Giêsu vẫn nhận lời mời dự tiệc, vì Chúa muốn cho họ có cơ hội nhìn thấy sự
thật để thay đổi lối sống giả hình.
2.2/ Chúa Giêsu trình bày sự thật và chữa lành người bệnh: Không chút
do dự, Chúa Giêsu chủ động tiến trình hòa giải bằng việc đặt câu hỏi với các
Kinh-sư và những người Biệt-phái: "Có được phép chữa bệnh ngày Sabbath hay
không?" Nhưng họ làm thinh không trả lời. Làm thinh có thể vì:
(1) không biết trả lời;
(2) giả vờ như chuyện ấy không liên quan gì tới mình. Các
Kinh-sư và Biệt-phái có lẽ đang ở trong tình trạng này.
Không một chút sợ hãi, Chúa Giêsu đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi,
và cho về. Rồi Người chất vấn họ: "Ai trong các ông có đứa con trai hoặc
có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày Sabbath?"
Giếng lộ thiên rất thường xuyên gặp trên đất Palestine và là nguyên nhân các
tai nạn cho con người cũng như súc vật (x/c Exo 21:33). Khi tai nạn té xuống giếng
xảy ra, không ai thắc mắc có được kéo người hay súc vật dưới đó nên không; vì
đó là việc phải làm. Việc Chúa chữa bệnh trong ngày Sabbath cũng vậy, đó là việc
cứu người cần làm. Tại sao họ lại đặt thành vấn đề?
2.3/ Lối sống hai mặt của các Kinh-sư và những người Biệt-phái: Chúa mời gọi
họ đối thọai để tìm ra sự thật phải theo nhưng họ làm thinh. Chúa chất vấn họ về
lối sống hai tiêu chuẩn: một tiêu chuẩn cho những người thân cận hay cho tài sản
của họ, và một tiêu chuẩn cho những người dân vô tội; nhưng họ không thể đáp lại
những lời chất vấn của Chúa. Thánh Luca không tường thuật phản ứng sau cùng của
những người Pharisêu này; nhưng hầu hết sau những lần chất vấn của Chúa, họ trở
nên tức giận hơn và tìm cách để bắt bớ Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải biết dùng trí khôn để suy xét, cân nhắc, và nhận
ra ai là người yêu thương chúng ta thật sự và ai là người chỉ lợi dụng chúng
ta. Một khi đã nhận ra tình yêu đích thật, chúng ta hãy có can đảm để đáp lại
tình yêu bằng cách tuân theo sự thật và đáp trả tình yêu cách xứng đáng.
- Nếu cứ mù quáng chạy theo những tình yêu ảo ảnh và sai trái, sớm
muộn gì chúng ta cũng sẽ phải trả giá đắt cho sự mù quáng này.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
30/10/15 THỨ SÁU TUẦN
30 TN
Lc 14,1-6
Lc 14,1-6
Suy niệm: Đối
với người Do thái, luật ngày sa-bát có một vị thế tối quan trọng, bởi sa-bát là
ngày thánh dành cho Đức Chúa (x. Xh 20). Ngoài chiều kích tôn giáo, luật ngày
sa-bát còn có mục đích nhân đạo, nghĩa là trong ngày này, dân Chúa sẽ được nghỉ
ngơi sau sáu ngày làm việc vất vả. Tuy nhiên, qua dòng thời gian, ý nghĩa tốt
đẹp ban đầu của ngày sa-bát đã mai một đi bởi thái độ nệ luật của giới lãnh đạo
Do thái. Vốn khởi đi từ một luật vị nhân sinh, thì giờ đây luật ngày sa-bát trở
thành một sự cưỡng ép, một cơ hội để luận tội. Trong bối cảnh đó, với câu hỏi “có được chữa bệnh ngày sa-bát
hay không?” Chúa Giê-su đưa nhóm Pha-ri-sêu trở về với ý nghĩa nguồn cội của
luật ngày sa-bát: tôn vinh Thiên Chúa bằng cách thực thi đức ái. Chính tình yêu
là khởi điểm và cùng đích của mọi lề luật kể cả luật giữ ngày sa-bát.
Mời Bạn: Khi chữa lành cho người mắc bệnh phù thũng
trong ngày sa-bát, Chúa Giê-su chỉ cho thấy sống đức ái là cách thức tôn vinh
Thiên Chúa trọn hảo nhất. Đây chính là phương thế hữu hiệu nhất làm cho Danh
Chúa được tỏa sáng trước mặt mọi người.
Chia sẻ: Chia
sẻ về khó khăn khiến bạn ngại dấn thân phục vụ tha nhân.
Sống Lời Chúa: Tôi
thánh hóa ngày Chúa nhật bằng cách dâng lễ cách sốt sắng, thăm viếng người đau
ốm, cao tuổi, hoặc giúp đỡ một người nghèo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, thế giới hôm nay lạnh lẽo hơn vì thiếu vắng tình người.
Xin giúp con thắp lên ngọn lửa yêu thương qua việc đón nhận, săn sóc những
người hoạn nạn, thiếu thốn chung quanh con. Nhờ đó, tình thương của Chúa được
lan tỏa cho mọi người.
Chữa khỏi và cho về
Luật lệ đạo đời nhằm phục vụ cho hạnh phúc thực sự
của con người. Trong cuộc sống hôm nay, có nhiều việc cần làm ngay...
Suy niệm:
Sau khi dự nghi thức ở hội
đường vào ngày sabát,
người ta thường mời khách về
nhà dùng bữa trưa.
Bữa ăn này đã được chuẩn bị
từ ngày hôm trước.
Hôm nay Đức Giêsu lại được
một người Pharisêu mời dùng bữa.
Đây là lần thứ ba Ngài được
mời ăn như thế (x. Lc 7, 36; 11, 37).
Và đây cũng là lần thứ ba có
sự căng thẳng
vì Ngài chữa bệnh trong ngày
sabát (x. Lc 6, 6; 13, 10).
Những người Pharisêu trong
bữa ăn hôm nay chăm chú nhìn Ngài (c. 1).
Chúng ta không rõ người mắc
bệnh phù thũng có là khách không.
Hay phải chăng anh ấy là
người không mời mà đến?
Nếu là khách thì tại sao Đức
Giêsu lại cho anh về sau khi chữa khỏi?
Dù sao thì anh ấy cũng đang
đứng trước mặt Đức Giêsu (c. 2).
Ngài thấy những dấu hiệu của
bệnh phù thũng nơi thân xác anh.
Trên người anh có chỗ sưng
lên vì nước bị ứ lại.
Chính Đức Giêsu là người chủ
động đặt vấn đề với người Pharisêu.
“Có được phép chữa bệnh
trong ngày sabát không ?” (c. 3).
Hiển nhiên đối với họ, chỉ
được phép chữa những bệnh nhân hấp hối.
Anh bị phù thũng không nằm
trong diện này.
Vậy mà họ đã giữ thái độ
thinh lặng trước câu hỏi đó (c. 4).
Đức Giêsu đã chữa bệnh cho
anh chỉ bằng một cử chỉ đỡ lấy.
Không có lời nói nào kèm
theo.
Có lẽ anh đã đi về nhà, lòng
vui sướng vì được khỏi bệnh.
Đức Giêsu đã muốn biện minh
cho hành vi chữa bệnh trong ngày sabát
bằng một câu hỏi về cách ứng
xử trong một trường hợp cụ thể (c. 5).
“Giả như các ông có đứa con
trai hoặc con bò sa xuống giếng,
các ông lại không kéo nó lên
ngay lập tức, dù là ngày sabát sao?”
Họ đã không thể đưa ra câu
trả lời,
vì dĩ nhiên là phải kéo nó
lên ngay, trước khi nó chết dưới giếng.
Đối với Đức Giêsu, chữa bệnh
đơn giản là kéo một người lên ngay.
Dù Ngài không phủ nhận tầm
quan trọng của việc giữ ngày sabát,
nhưng ngày sabát lại không
cấm làm điều phải làm, đó là chữa bệnh.
Rõ ràng Đức Giêsu quan tâm
đến nhu cầu của con người.
Nếu để đến hôm sau mới chữa
cho anh phù thũng thì cũng được.
Nếu để bà còng lưng mười tám
năm chịu thêm một ngày cũng không sao.
Nhưng Ngài muốn giải phóng
con người ngay lập tức, khi có thể được.
Ngài muốn làm vơi nỗi đau
kéo dài đã lâu của con người.
Chính vì bà còng lưng đã
mười tám năm đau khổ
nên không cần kéo dài thêm,
dù chỉ một ngày nữa.
Luật lệ đạo đời nhằm phục vụ
cho hạnh phúc thực sự của con người.
Trong cuộc sống hôm nay, có
nhiều việc cần làm ngay.
Có bao mảnh đời sắp bị đổ
vỡ, có những nguy cơ đe dọa nhân phẩm,
có những người trẻ đứng trên
bờ vực, có những thai nhi bị chối từ.
Làm sao chúng ta không dửng
dưng với những em nhỏ ở kề miệng giếng,
và không quay lưng với những
người đã sa xuống vực sâu?
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên
30 THÁNG MƯỜI
Tình Yêu Vượt Qua Mọi Rào Chắn
Giáo Hội bước đi trên con đường tình yêu và chân lý. Trong tình
yêu, Giáo Hội nhận ra mọi người đều là con cái Thiên Chúa, là anh chị em bình đẳng
trong phẩm giá, bất kể địa vị xã hội, chủng tộc, tôn giáo của họ là gì. Trong
chân lý, Giáo Hội vượt qua tình trạng nô lệ cho sự sai lầm, đạt được sự tự do mới
mẻ trong tâm trí. Thật vậy, không thể có rào cản nào phong tỏa tình yêu Thiên
Chúa.
Tiên vàn chúng ta, trong tư cách là những người Kitô hữu, phải
không ngừng tín nhiệm vào sức mạnh của thập giá – để chiến thắng tội lỗi và
giao hoà thế gian với Thiên Chúa. Như tôi đã nhấn mạnh trong Sứ Điệp Ngày Thế
Giới Hoà Bình 1986: “Các Kitô hữu, được soi sáng bởi đức tin, nhận biết rằng sở
dĩ thế giới này trở thành một đấu trường xâu xé, căng thẳng, thù địch, bế tắc
và bất bình đẳng (thay vì là một nơi của tình huynh đệ chân thành), thì đó
chính là vì tội lỗi, nghĩa là vì sự rối loạn luân lý của con người. Kitôhữu
cũng biết rằng ân sủng của Đức Kitô không ngừng được ban tặng cho thế giới, và
ân sủng ấy có thể biến đổi tình trạng này của nhân loại, bởi vì “Ở đâu tội lỗi
đầy tràn, ở đó ân sủng chứa chan” (Rm 5, 26).
Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta nên một, như Ngài và Chúa Cha là một.
Trong hiệp thông với Giáo Hội, chúng ta kết hiệp với Đức Giêsu và tìm được sức
mạnh và nguồn cảm hứng để vượt qua mọi rào cản và chia rẽ, và xây dựng những mối
hiệp nhất mới mẻ và chặt chẽ hơn: Mối hiệp nhất trong các gia đình và giáo xứ,
mối hiệp nhất trong các giáo hội địa phương, và giữa các giáo hội thuộc những
nghi lễ khác nhau; mối hiệp nhất trong hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu và với
Giám Mục Rôma.
Thế giới đang chờ đợi những chứng từ sống động về đức tin và
tình yêu của chúng ta. Như Công Đồng Vatican II nói: “Tất cả các tín hữu hãy nhớ
rằng, họ càng cố gắng sống theo Tin Mừng, họ sẽ càng thăng tiến và sống triệt để
hơn sự hiệp nhất giữa các Kitôhữu” (Sắc lệnh về Đại kết, 7). Tất cả chúng ta cố
gắng để nên một trong sự hiệp nhất với Đức Kitô Giêsu và với Giáo Hội Ngài.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong
Gia Đình
NGÀY 30-10
Rm 9, 1-5; Lc 14, 1-6.
LỜI SUY NIỆM: Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pharisêu: “Có
được phép chữa bệnh ngày sabát hay không?”
Ngày Sabát là một ngày lễ, một ngày được nghỉ ngơi, ngày mà
Thiên Chúa nghỉ ngơi sau khi hoàn thành công việc tạo dựng của Ngài. Sabát là
ngày lễ được chính Thiên Chúa chúc lành và chúc phúc: “Thiên Chúa ban phúc lành
cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi
công việc sáng tạo của Người” (St 2,3). Đứng trước sự dò xét của những người
Pharisêu và những người thông luật dò xét Người có chữa người bị bệnh phong
trong ngày Sabát hay không, nên Chúa Giêsu đã đặt câu hỏi này với họ: “Có được
phép chữa bệnh ngày Sabát hay không?” Nhưng họ đã im lặng. Với tình yêu thương
và sự thánh thiên của ngày Sabát. Chúa Giêsu đã đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và
cho về.
Lạy Chúa Giêsu, ngày hôm nay chúng con còn được Đức Thánh Cha
Phanxicô dạy cho biết: “Ngày Lễ là món quà quý báu Thiên Chúa ban cho gia đình
nhân loại.’ Xin ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con, biết quý trọng
tất cả các ngày lễ trong năm, đặc biệt ngày Chúa Nhật hằng tuần, để tạo niềm
vui và hạnh phúc cho nhau.
Mạnh Phương
30 Tháng Mười
Viên Ðá
Quý
Edith Stein, đó là tên của một người đàn bà mà chúng ta thường
nghe nhắc đến nhiều lần nhân chuyến viếng thăm lần thứ hai của Ðức Thánh Cha
Gioan Phaolô II tại Tây Ðức năm 1987.
Stein theo tiếng Ðức có nghĩa là đá. Ðây không phải là một viên
đá tầm thường, nhưng là một viên ngọc quý đã được tôi luyện giữa lò lửa của hận
thù, chiến tranh. Viên ngọc quý Stein đã được gọt đẽo và nung nấu trước tiên
trong sự dửng dưng vô tôn giáo của những trào lưu tục hóa sau đệ nhất thế chiến.
Lên 14 tuổi, Edith Stein đã mất hòa toàn niềm tin vào Thiên Chúa
của tổ phụ Arbaham. Nhưng cho dù con người có chối bỏ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn
tiếp tục theo đuổi con người. Cuộc săn đuổi kỳ diệu ấy đã đưa con người đến ngõ
cụt của cuộc sống. Nhưng chính khi đứng trước bức tường tưởng chừng như khôg thể
vượt qua được, Thiên Chúa đã đưa cánh tay của Ngài ra để nâng con người lên. Ðó
là điều đã xảy ra cho Edith Stein khi cô chứng kiến gương kiên nhẫn của một người
thiếu phụ Công Giáo. Chiến tranh đã cướp đi người chồng thân yêu, người đàn bà ấy
vẫn lấy Ðức Tin vào Chúa Kitô để vượt thắng mọi đau khổ, thử thách... Edith
Stein thú nhận: Thập giá của Ðức Kitô đã đem lại sức mạnh kiên hùng cho người
phụ nữ và do đó, cũng phá vỡ bức tường cứng lòng tin của cô.
Trong ánh sáng của thập giá Ðức Kitô, Edith Stein đã tìm lại được
niềm tin vào chính Thiên Chúa của người Do Thái... Nhưng ánh sáng đó đã gắn liền
với cả cuộc đời còn lại của cô như một định mệnh: Giữa những đổ vỡ và tàn ác của
chiến tranh, Edith đã tìm lại được định hướng cho cuộc đời. Thánh giá đã được gắn
liền với tên cô từ đó: Têrêxa Benedicta Della Croce, Têrêxa được thập giá chúc
lành.
Thập giá của Ðức Kitô mà cô đã vác lấy qua cái chết đau đớn
trong lò hơi ngạt tại trại tập trung Auschwitz đã biến cô trở thành một viên ngọc
quý có giá trị cứu rỗi cho cả một dân tộc mà cô hằng yêu mến.
Ở đâu và bất cứ lúc nào cũng có thập giá. Ðã mang tiếng khóc vào
đời, con người tiến bước trong cuộc sống với tất cả gánh nặng của thập giá... Tại
sao Thiên Chúa đã để cho con người phải đau khổ? Mãi mãi dường như con người sẽ
không bao giờ tìm được câu giải đáp cho vấn đề đau khổ. Chúa Giêsu không bao giờ
đặt vấn đề và cũng không bao giờ đem lại một giải đáp cho vấn đề.
Trong thinh lặng, Ngài đã vác lấy thập giá và khi sống lại, Ngài
cho chúng ta thấy rằng thập giá là con đường dẫn đến sự sống. "Hãy vác lấy
thập giá và theo Ta", đó là lệnh truyền của Ngài. Mang lấy thập giá với
tinh thần chấp nhận và mến yêu, chúng ta sẽ thấy ánh sáng bừng lên trong cuộc sống.
Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ thấy Tình Yêu mạnh hơn sự chết. Mang lấy thập
giá, chúng ta sẽ chiến thắng được hận thù và thất vọng.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét