Ngày 1 tháng
11
Lễ Các Thánh
Nam Nữ
Lễ Trọng
(phần II)
Phụng vụ Lời Chúa:
Chúa Nhật XXXI Thường Niên - năm B
CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN B
TRỌNG KÍNH CÁC THÁNH NAM NỮ
(Kh 7,2-4. 9-14, 1Ga 3,1-3, Mt 5,1-12a)
TÔN KÍNH VÀ NOI GƯƠNG CÁC
THÁNH
LÀ NHỮNG NGƯỜI ĐÃ HẾT LÒNG SỐNG THEO THÁNH Ý CHÚA
LÀ NHỮNG NGƯỜI ĐÃ HẾT LÒNG SỐNG THEO THÁNH Ý CHÚA
“Anh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”
(Mt 5,12a).
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”
(Mt 5,12a).
Trong năm phụng vụ, Hội Thánh kính nhớ
các vị Thánh đã được tuyên phong để chúng ta tôn vinh và noi gương các ngài.
Hôm nay, Hội Thánh dành kính nhớ tất cả các Thánh Nam Nữ, dù chưa được Hội
Thánh tôn phong, nhưng đang được hưởng vinh quang với Thiên Chúa trong Nước Trời.
Các vị là các Kitô hữu đã chết trong ơn nghĩa của Thiên Chúa, kể cả những ai đã
sống tốt dựa theo luật tự nhiên và lương tâm ngay thẳng, cũng như những ai đã
theo đuổi chân-thiện-mỹ của Thiên Chúa mà chưa có cơ hội trực tiếp nhận biết
Người. Các vị có thể là những người bình thường như chúng ta, là thân bằng quyến
thuộc, bạn hữu hay đồng nghiệp với chúng ta, nhưng họ đã sống lành thánh theo ý
Thiên Chúa khi còn ở tại thế. Việc kính nhớ các Thánh Nam Nữ hôm nay giúp chúng
ta ý thức rằng với ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể nên thánh trong
đời thường, nếu chúng ta sống theo các huấn lệnh Chúa truyền và giáo huấn Hội
Thánh dạy.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Kh 7,2-4.9-14)
Bài đọc I trích sách Khải Huyền mô tả
thị kiến về cảnh khải hoàn của các Thánh Nam Nữ trong Nước Trời. Những người được
Thiên Chúa tuyển chọn vào hàng ngũ các Thánh sẽ được “đóng ấn trên trán”. Việc
đóng ấn này ám chỉ việc viết Danh Thiên Chúa trên trán của các tín hữu, như được
mô tả tại một số nơi khác trong sách Khải Huyền (x. Kh 3,12;
14,1; 22,4). Biểu tượng ấn đóng trên trán được rút ra từ Ed 9:
thiên sứ đóng dấu trên trán của những người đã không thờ lạy ngẫu tượng, ấn này
giúp họ thoát khỏi cái chết. Dầu vậy, ấn trong Sách Khải Huyền không tượng
trưng cho sự bảo vệ họ “khỏi” gian truân và chết chóc, nhưng bảo vệ họ “trong và
qua” gian truân và chết chóc, tức gìn giữ họ trong mọi đau khổ để họ kiên vững
bền đỗ đến cùng. Nhờ đó, những người được đóng ấn ở trong thị kiến này được gọi
“là tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta” vì họ luôn trung thành với Thiên Chúa trong
mọi cảnh huống của cuộc sống.
Bài đọc hôm nay còn thuật rằng có “một
trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn, thuộc mọi chi tộc con cái Israel”.
Đây không phải là con số giới hạn, nhưng là tượng trưng. Theo nghĩa hẹp, đây là
số người công chính còn sót lại trong mỗi chi tộc Israel, nhưng theo nghĩa rộng,
con số này nói lên toàn thể và hoàn hảo. Cụ thể hơn, con số 144.000 người được
đóng ấn là tổng 12.000 thuộc mỗi chi tộc con cái Israel, nhân với 12 chi tộc.
Toàn thể mọi người thuộc mọi chi tộc ở đây là của Israel mới, tức là Hội Thánh,
không phân biệt nguồn gốc Do Thái hay Hy Lạp (x.Kh 2,9; 3,9).
Kế đến sách Khải Huyền trình bày một
thị kiến khác để mô tả sự cứu độ cánh chung dành cho những người công chính. Đó
là “Một đoàn người đông đảo không ai nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi
nước và mọi ngôn ngữ”. Dù không được nhấn mạnh đến các chi tiết, nhưng sách muốn
ám chỉ rằng nhóm này gồm tất cả các tín hữu trung thành đến cùng trong cuộc sống
đời này, làm thành một nhiệm thể phổ quát, đó chính là Hội Thánh Kitô giáo. Họ
“mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế”. “Áo trắng” tượng trưng cho sự thanh
sạch vì đã được tinh luyện “sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao”, và “họ đã
giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 2,14);
còn “nhành lá thiên tuế tượng trưng cho sự chiến thắng”. Lúc này, đoàn người
đông đảo đến sấp mặt xuống phủ phục thờ lạy Thiên Chúa. Họ hát bài ca chiến thắng
và tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên
đã cứu độ chúng ta” (Kh 2,10). Đoàn người này chính là các
Thánh Nam Nữ mà chúng ta lễ hôm nay. Họ là những những người “tìm kiếm thánh
nhan Thiên Chúa” (Tv đáp ca) nên họ đã hết lòng thực thi Thánh ý
Người và trung thành mãi đến cùng nên họ được ân thưởng xứng đáng trong Nước Trời.
2. Bài đọc II (1Ga 3,1-3)
Thư 1Ga nói chung đã
cố ý làm nổi bật sự tương phản về lối sống giữa “con cái Thiên Chúa” và “con
cái Satan”, đồng thời đề cập đến phần thưởng hoặc hình phạt thích đáng dành cho
họ. Theo ý hướng đó, đoạn trích trong bài đọc II hôm nay làm cho thấy rằng các
Kitô hữu đã có kinh nghiệm về sự tốt lành của Thiên Chúa trong khi trở nên con
cái của Người. Với các Kitô hữu, tình yêu của Thiên Chúa đã làm cho họ trở
thành “con cái của Thiên Chúa”. Điều này dẫn đến ba hệ quả mà truyền thống
Gioan đã triển khai:
- Các Kitô hữu không thuộc về thế
gian, vì thế gian là những kẻ không đón nhận Đức Giêsu (Ga 5,18-19;
17,14-16).
- Các Kitô hữu được hướng tới đời sống
thánh thiện (được hiến thánh) giống Chúa Kitô (Ga 17,17-19).
- Các Kitô hữu tin tưởng vào nguồn ơn
cứu độ lớn lao hơn trong tương lai (Ga17,24).
Thư 1Ga nhấn mạnh rằng
là Kitô hữu, chúng ta được “biết” Thiên Chúa, tức là được kết hợp mật thiết với
Thiên Chúa; còn thế gian không “biết” Thiên Chúa (x. 1Ga3,1). Theo
truyền thống Gioan, chúng ta “biết” được Thiên Chúa qua trung gian Đức Giêsu. Đức
Giêsu biết “Danh Cha” và Người đã cho chúng ta biết Danh Cha (Ga17,6.26).
Vì được “biết” Thiên Chúa nên “chúng ta sẽ giống Người, vì Người thế nào, chúng
ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3,2). Tư tưởng này dựa theo một quan
niệm phổ biến trong các tôn giáo Hylạp là “biết cái gì như thế nào thì sẽ được
giống như thế”; từ đó rút ra hệ luận: chúng ta biết Thiên Chúa thì sẽ được giống
Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta sẽ được chia sẻ vinh quang của Người (Ga 17,24).
Đó là phần thưởng xứng đáng mà các Thánh Nam Nữ đã được ban thưởng khi các vị kết
thúc hành trình cuộc đời và sứ vụ của một người sống tư cách “con cái Thiên
Chúa” ở trần gian để bước vào cõi sống muôn đời trong Nước Trời.
3. Bài Tin Mừng (Mt 5,1-12a)
Một trong những chủ đích của Tin Mừng
Mátthêu là trình bày các giáo huấn của Đức Giêsu cách rõ ràng thành năm bài giảng
lớn, ngầm đối chiếu với Ngũ Thư, vì tác giả có chủ đích làm nổi bật chân dung Đức
Giêsu như là một Môsê mới. Bài giảng đầu tiên và dài nhất thường được gọi là
“Bài Giảng Trên Núi” ở Mt 5‒7. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe
được trích từ bài giảng này. Bài Tin Mừng thuật rằng khi đám đông lũ lượt kéo đến
với Đức Giêsu, Người lên núi để giảng dạy. Nếu Môsê cũ đã lên núi để đón nhận mạc
khải của Thiên Chúa qua Mười Điều Răn ở núi Sinai, được xem là kim chỉ nam cho
toàn bộ đời sống của Israel, thì Đức Giêsu lên núi để mạc khải Thánh ý của
Thiên Chúa qua việc công bố Hiến chương Nước Trời, như là quy luật cho đời sống
Kitô hữu và được xem như là chìa khóa để các Kitô hữu vào Nước Trời.
Hiến chương này được diễn tả trong các
mối phúc. Đó thực sự là những lời hứa vào thời tương lai ở đời sau, trong một
“tình trạng” viên mãn, liên quan đến mọi mặt trong cuộc sống của người được
chúc phúc. Thông thường, người đời thường chúc nhau thành đạt và hạnh phúc:
không gặp cảnh nghèo khó, không sầu khổ, không gặp cảnh thương tâm, không bị
bách hại, có phúc, lộc, thọ, khang, ninh…Không ai chúc nhau những tình trạng hoặc
hoàn cảnh được đề cập trong tám mối phúc này. Thế nhưng, ở đây các đối tượng gặp
tình trạng hoặc hoàn cảnh như thế lại được Đức Giêsu chúc phúc. Vì vậy, những lời
chúc phúc này là hoa trái cứu độ do chính Đức Giêsu mang lại.
Thật vậy, theo Mátthêu, Tin Mừng được
loan báo cho người nghèo và bị áp bức, cho kẻ đau khổ và khiêm nhường,… Đây là
những người bị xem là “bất hạnh” và “vô phúc” trước mặt người đời, nên họ đang
rất khao khát Thiên Chúa chúc phúc cho họ. Những người lâm vào tình cảnh như thế
chỉ biết cậy dựa vào Thiên Chúa, vì thế họ được “chúc phúc”. Tuy nhiên, họ được
“chúc phúc” không phải trong hoàn cảnh hiện tại (nghèo khổ, khóc lóc, sầu khổ,…),
nhưng vì qua hoàn cảnh hiện tại đó, họ sẽ được “hạnh phúc” trong tương lai (được
Nước Trời; được ủi an, được thỏa lòng,…). Nước Trời bao trùm lên những lời chúc
phúc này. Vì thế, “Nước Trời” được đặt ở đầu (mối phúc thứ nhất) và cuối (mối
phúc thứ tám) của tám mối phúc này. Quả thật, Nước Trời với niềm hạnh phúc vô
biên và tuyệt hảo của Nước Trời là phần thưởng cao quý nhất dành cho những ai
có tâm hồn nghèo khó, hiền lành, khao khát sự công chính, xây dựng hòa bình, có
tâm hồn trong sạch, và bị bách hại về sự công chính… Nói cách khác, Nước Trời
dành cho những ai khao khát sống theo thánh ý Thiên Chúa và hoàn toàn tùy thuộc
vào Người.
Theo Mátthêu, Nước Trời đã bắt đầu
ngay ở thời hiện tại. Do đó, những ai được chúc phúc có thể bắt đầu được cảm nếm
trước phần nào, ngay trong cuộc sống trần gian này, các niềm hạnh phúc lớn lao
mai sau: đó là niềm vui của người được làm “con cái Thiên Chúa”. Khi Nước Trời
hiển trị trong ngày Chúa Quang lâm, họ sẽ được hưởng hạnh phúc tròn đầy như đã
được hứa ban.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Họ là những người đã đến, sau khi
trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu
Con Chiên.” Các
thánh cũng là những con người rất giống chúng ta: được sinh ra
và lớn lên trong những gia đình nhân loại, thuộc mọi thành phần giai cấp trong
xã hội: giàu sang phú quý hay nghèo đói túng cực cũng có, trí thức uyên thâm
hay dốt nát quê mùa cũng nhiều, khỏe mạnh giỏi giang hay yếu đuối bệnh tật cũng
lắm. Các vị có thể là những người sống một đời đạo hạnh nhưng vì mang thân phận
mỏng dòn của con người cát bụi nên có thể vẫn mang nơi mình nhiều thói hư tật xấu,
đầy yếu đuối dục vọng, lắm tham sân si, cũng hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc dục, …Tuy
nhiên, các Thánh lại là những con người khác chúng ta: biết sống
hoán cải, vượt lên trên con người yếu đuối của mình để mà sống vâng theo lời
Chúa dạy, đi đúng đường lối của Người để được cứu độ, được nên thánh. Tôi có
dám để lời của thánh Augustinô thách thức: “ông kia bà nọ nên thánh được,
sao tôi lại không?”
2. “Chúng ta được gọi là con cái
Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con cái Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận
biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người”.
Chúng ta diễm phúc được “biết” Thiên Chúa, nhờ được đón nhận đức tin từ cộng
đoàn giáo xứ và từ gia đình của chúng ta. Gia đình đóng vai trò rất quan trọng
trong việc gieo trồng, nuôi dưỡng và giáo dục đức tin của mỗi người. Thượng Hội
Đồng Giám Mục về Gia Đình tổ chức ở Rôma từ ngày 4 đến 25 tháng 10 năm 2015 vừa
qua đã nhận định trong phúc trình chung kết rằng gia đình là Hội Thánh tại gia,
là tế bào cơ bản của xã hội mà Hội Thánh góp phần làm tăng trưởng, là bến cảng
chắc chắn cho những tâm tình sâu xa nhất, là điểm duy nhất liên kết, trong một
thời đại bị phân hóa. Chúng ta có ý thức rằng gia đình thế nào thì xã hội và Hội
Thánh thế ấy, để mỗi thành viên nỗ lực góp phần mình làm cho gia đình mình
thành trường học đào tạo những con người biết cách xây dựng xã hội và Hội Thánh
tốt đẹp?
3. “Phúc thay… Anh em hãy vui mừng
hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” Có nhiều phương thế
để nên thánh, và có nhiều cách thức để vào trong Nước Trời, nhưng Đức Giêsu đã
chỉ cho chúng ta con đường có “tám làn đường” tức là “tám mối phúc” để chúng ta
theo chân Người mà đi vào Nước Trời.Các Thánh Nam Nữ là những người đã
đi trên những làn đường khác nhau trong cùng con đường “tám mối phúc” với Đức
Giêsu. Các vị là những người yêu mến tinh thần nghèo khó, sống hiền lành, trải
qua sầu khổ, khao khát sự công chính, xót thương người, có tâm hồn trong sạch,
biết xây dựng hòa bình, và sống quên mình vì Chúa và vì anh chị em, thậm chí hy
sinh mạng sống mình vì sự công chính… Các Thánh Nam Nữ đã đi trên con đường này
và đạt tới đích Nước Trời để có cuộc sống đời đời hạnh phúc bên Chúa. Chúng ta
đang chọn đi trên con đường nào, sao không chọn đi trên con đường chắc chắn dẫn
chúng ta tới đích Nước Trời, mà Đức Giêsu đã chỉ cho và các Thánh đã đi qua?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Các thánh là những
người đã chiến thắng và đang được hưởng vinh quang nước Trời sau khi đã kết
thúc hành trình trần thế theo con đường của Đức Giêsu và các mối phúc. Mừng
kính các Thánh Nam Nữ hôm nay, cộng đoàn chúng ta cùng hiệp với các ngài dâng lời
tạ ơn Chúa và sốt sắng cầu xin:
1. “Họ đã giặt sạch và tẩy trắng
áo mình trong máu Con Chiên.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội
Thánh luôn gắn bó mật thiết với Đức Kitô qua việc thực thi lời Chúa và sống các
Bí tích, để được chung hưởng hạnh phúc Nước Trời cùng các thánh.
2. “Sở dĩ thế gian không nhận biết
chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những
người không tin hay chưa tin biết Chúa cảm nhận được sự hiện diện và lòng
thương xót của Người qua chính đời sống chứng tá của các Kitô hữu.
3. “Hãy vui mừng hớn hở, vì phần
thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho
các Kitô hữu ở khắp nơi trên thế giới đang phải đối diện với ngược đãi và bách
hại được ơn can đảm và sức mạnh để luôn kiên trì đi theo Chúa.
4. Tám mối phúc là con đường chắc
chắn đưa con người vào Nước Trời. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong
cộng đoàn chúng ta luôn hăng hái trong các hoạt động tôn giáo cũng như xã hội
theo tinh thần Tin Mừng, để xứng đáng là công dân Nước Trời.
Chủ tế: Lạy Chúa là Đấng chí thánh, Chúa muốn
tất cả chúng con nên hoàn thiện như Chúa mỗi ngày theo gương các Thánh Nam Nữ.
Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban Thánh Thần giúp chúng con luôn vững bước
trên đường nên thánh theo các mối phúc thật. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô,
Chúa chúng con. Amen.
Lectio Divina: Lễ Các
Thánh – Mátthêu 5:1-12a
Chúa Nhật, 1 Tháng 11, 2015
Tám Mối Phúc Thật
Mt 5:1-12
1. Bài Đọc
a) Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa, ý nghĩa của cuộc đời chúng con là đi tìm kiếm Lời
Chúa, là Lời đến với chúng con trong con người của Đức Kitô. Xin
Chúa hãy ban cho con có khả năng đón nhận những gì mới mẻ trong Tin Mừng của
Tám Mối Phúc Thật, để cho con có thể thay đổi đời sống mình. Con sẽ không
biết gì về Chúa nếu không nhờ vào ánh sáng những Lời được phán ra bởi Đức
Giêsu, Con Một Chúa, Đấng đã đến cho chúng con biết về những sự kỳ diệu của
Chúa. Khi con yếu đuối, nếu con đến với Người, Lời của Chúa, thì con
sẽ trở nên mạnh mẽ. Khi con hành xử cách dại khờ, sự khôn ngoan của
Tin Mừng Chúa sẽ khôi phục con để thưởng thức Thiên Chúa và tình yêu lân tuất của
Người. Người hướng dẫn con đến lối đi của đời sống. Khi một vài
biến dạng xuất hiện trong con, con suy niệm Lời Chúa thì hình ảnh về tư cách của
con trở nên xinh đẹp. Khi sự cô đơn dễ khiến cho con trở nên khô
khan, thì hôn ước tâm linh của con với Người làm cho đời sống con thăng hoa kết
quả. Khi con khám phá ra nỗi buồn hay sự đau khổ trong con, thì ý
nghĩ về Chúa, là phương cách tốt đẹp duy nhất của con dẫn đến niềm hân
hoan. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu có nói rằng gom lại tất cả những ước
ao được nên thánh là sự tìm kiếm Thiên Chúa mãnh liệt và việc lắng nghe tha
nhân: “Nếu em không là gì cả, thì hãy nhớ rằng Chúa Giêsu là tất
cả. Vì vậy, em phải đánh mất điều bé nhỏ không là gì của mình vào
trong sự vô hạn của Người và không nghĩ đến một điều gì khác ngoại trừ điều duy
nhất đáng yêu hơn hết này…” (trích Những Lá Thư, 87, gửi
cho Marie Guérin).
b) Bài Phúc Âm
1 Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên
núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. 2 Bấy
giờ Người mở miệng dạy họ rằng:
3 "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời
là của họ.
4 Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ
nghiệp.
5 Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an.
6 Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được
no thoả.
7 Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót
thương.
8 Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn
xem Thiên Chúa.
9 Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con
Thiên Chúa.
10 Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời
là của họ.
11 "Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại
các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. 12 Các
con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời;
quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước các con cũng bị người ta bách hại
như thế".
c) Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Điều quan trọng để có thể lắng nghe trong sự im lặng chìm lắng
là để cho Lời của Chúa Kitô có thể nói với chúng ta và do đó Ngôi Lời nhập thể
làm người có thể ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Người. Chỉ có
sự im lặng trong lòng thì Lời Chúa mới có thể bén rễ và, trong ngày lễ Các
Thánh trọng thể này, trở thành xác thịt trong chúng ta.
2. Ánh sáng tỏa trên Lời Chúa (Suy Gẫm)
a) Bối cảnh:
Lời của Chúa Giêsu về Tám Mối Phúc Thật mà thánh Mátthêu rút ra
từ các nguồn tài liệu của mình, đã được cô đọng trong những câu ngắn và tách rời,
Thánh Sử đã đặt chúng trong một bối cảnh rộng lớn hơn, mà các học giả Kinh
Thánh gọi là “bài giảng trên núi” (các chương
5-7). Bài giảng này được coi như những quy luật hoặc bản Hiến Chương
(Magna Carta) mà Chúa Giêsu đã ban cho cộng đoàn như một chuẩn mực và lời
ràng buộc định nghĩa cho một Kitô hữu.
Nhiều chủ đề được chứa đựng trong bài giảng dài này không nên
coi là một bộ sưu tập các lời hô hào, mà là một chỉ dấu rõ ràng và triệt để về
thái độ mới của các môn đệ đối với Thiên Chúa, với chính bản thân và các anh chị
em. Một số thành ngữ được xử dụng bởi Chúa Giêsu dường như có vẻ được
cường điệu, nhưng chúng được dùng để nhấn mạnh đến thực tại và do đó chúng thực
tiễn trong bối cảnh mặc dù không mang một ý nghĩa văn học như thế: ví
dụ các câu 29-30: “Nếu mắt phải của các con làm cớ cho các con sa
ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân
bị ném vào hỏa ngục. Và nếu tay phải của các con làm cớ cho các con
sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn
thân phải sa hỏa ngục”. Cách nói này cho thấy hiệu quả mong muốn
có được trong người đọc, là những người phải hiểu một cách chính xác Lời của Chúa
Giêsu mà không làm sai lệch ý nghĩa của chúng.
Vì lý do phụng vụ, sự chú tâm của chúng ta sẽ là phần đầu của “bài
giảng trên núi”, đó là phần nói về việc công bố Tám Mối Phúc Thật (Mt
5:1-12).
b) Một vài chi tiết:
Thánh Mátthêu mời gọi người đọc lắng nghe Chúa Giêsu công bố Tám
Mối Phúc Thật với một sự cô đọng phong phú các chi tiết. Đầu tiên,
tác giả cho biết nơi Chúa Giêsu công bố bài giảng của Người: “Chúa
Giêsu đi lên núi” (5:1). Đó là lý do tại sao các nhà chú giải
gọi đây là “bài giảng trên núi”, dù rằng thánh sử Luca đặt bài giảng
này trên chỗ đất bằng (Lc 6:20-26). Vị trí địa lý của “ngọn
núi” có thể là một ám chỉ nhắc đến câu chuyện trong Cựu Ước khá giống
như câu chuyện của chúng ta: đó là, khi ông Môisen công bố Mười Điều
Răn trên núi Sinai. Có thể là thánh Mátthêu muốn giới thiệu Đức
Giêsu như một Môisen mới, Đấng công bố lề luật mới.
Một chi tiết khác làm chúng ta chú ý là tư thế của Chúa Giêsu
khi Người công bố bài giảng của mình: “khi Người ngồi xuống”. Tư
thế này hàm ý một chi tiết là Người có thẩm quyền theo ý nghĩa pháp
lý. Các môn đệ và “đám đông dân chúng” tụ tập chung quanh Người: chi
tiết này cho thấy những gì Chúa Giêsu đã phải nói là để cho tất cả mọi người đều
nghe. Chúng ta lưu ý rằng Lời của Chúa Giêsu không đưa ra những chuyện
không thể, cũng không được để dành riêng cho một nhóm người đặc biệt nào, cũng
không có nghĩa là những lời ấy được dùng để thiết lập một quy tắc đạo đức dành
riêng cho những môn đệ thân thiết của mình. Lời đòi hỏi của Chúa
Giêsu thì rành rẽ, ràng buộc và triệt để dứt khoát.
Có người đã khắc sâu bài giảng của Chúa Giêsu như
sau: “Đối với tôi, đây là văn bản quan trọng nhất trong lịch sử
nhân loại. Nó được gửi đến cho tất cả mọi người, các tín hữu và cả
những người không tin, và sau hai mươi thế kỷ nó vẫn là ánh sáng duy nhất còn tỏa
sáng trong bóng tối của bạo lực, nỗi sợ hãi và cô đơn trong đó Phương Tây tự
tìm thấy vì niềm kiêu hãnh và sự ích kỷ của mình” (Gilbert Cesbron).
Từ ngữ “có phúc” (chữ Hy Lạp là makarioi)
trong bối cảnh của chúng ta không nói “cách nhẹ nhàng” mà là kêu to lên sự hạnh
phúc được tìm thấy trong suốt bộ Kinh Thánh. Ví dụ, trong Cựu Ước,
những người được gọi là “có phúc” là những người sống theo giềng
mối của sách Khôn Ngoan (Hc 25:7-10). Người cầu nguyện Thánh Vịnh định
nghĩa “có phúc” là những ai “kính sợ”, hay nói
chính xác hơn những ai yêu mến Chúa, thể hiện tình yêu này trong việc tuân giữ
những giáo huấn được chứa đựng trong Lời Chúa (Tv 1:1; 128:1).
Sự độc đáo của Tin Mừng Mátthêu nằm ở chỗ thêm vào câu thứ hai
xác định rõ mỗi mối phúc thật: ví dụ, câu khẳng định chính “phúc
thay cho ai có tâm hồn nghèo khó” được làm sáng tỏ bởi câu bổ
sung “vì Nước Trời là của họ”. Một khác biệt đối với Cựu
Ước là lời của Chúa Giêsu công bố mối phúc thật cứu rỗi ở đây, bây giờ và không
có bất kỳ giới hạn nào. Đối với Chúa Giêsu, tất cả mọi người đều có
thể đạt được hạnh phúc với điều kiện là họ tiếp tục hiệp nhất với Chúa.
c) Ba mối phúc thật đầu tiên:
i) Câu công bố đầu tiên liên quan đến người nghèo: “phúc
biết bao cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Người
đọc có thể bị kích động: làm thế nào mà người nghèo khó lại có thể hạnh
phúc được? Trong Kinh Thánh, người nghèo khó là những kẻ không có gì
trong tay và hơn hết cả là từ bỏ giả định việc chính bản thân họ xây dựng hiện
tại và tương lai của họ, và vì thế để còn có thì giờ và tập trung vào công việc
nhà Chúa và Lời của Ngài. Người nghèo khó, theo nghĩa Kinh Thánh,
luôn không phải là một ai đó sống khép kín với chính mình, đau khổ, tiêu cực,
mà là một người luôn mở lòng ra mới Thiên Chúa và với tha nhân. Thiên Chúa
là tất cả kho tàng của người ấy. Chúng ta có thể nói đến thánh
Têrêsa thành Avila: Hạnh phúc là những ai có được kinh nghiệm rằng “chỉ
có một mình Thiên Chúa là quá đủ!”, có nghĩa là họ rất giàu có trong Thiên
Chúa.
Một tác giả lớn về tâm linh hiện đại đã mô tả sự nghèo khó như
sau: “Khi người ta không hoàn toàn dốc sạch trái tim mình, thì
Thiên Chúa không thể đổ đầy nó với chính Ngài. Khi bạn dọn trống
trái tim mình, thì Chúa sẽ đổ đầy nó. Nghèo khó là sự trống rỗng,
không chỉ ở những gì liên quan đến tương lai mà cũng còn đến quá khứ. Không
phải là một hối tiếc cũng chẳng là một hoài niệm, không phải là một ưu tư cũng
chẳng là một ước mơ! Thiên Chúa không thuộc về quá khứ, Thiên Chúa
không thuộc về tương lai: Người ở trong hiện tại! Hãy để
quá khứ của bạn lại với Thiên Chúa, hãy lìa bỏ quá khứ của bạn lại cho Thiên
Chúa. Sự nghèo khó của bạn là sống với hiện tại, sự Hiện Tại của
Thiên Chúa thì vĩnh cửu” (Divo Barsotti).
Đây là mối phúc thật thứ nhất, không chỉ vì nó là mối phúc thật
đầu tiên trong nhiều mối phúc thật, mà bởi vì nó dường như tóm gọn tất cả những
mối phúc thật khác trong sự đa dạng của chúng.
ii) “Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi
an.” Người ta có thể than khóc vì quá đau đớn hay thống khổ. Điều
này nhấn mạnh một sự thật rằng chúng ta đang đối phó với một tình huống nghiêm
trọng mặc dù các động cơ hay lý do không được nhắc đến. Nếu chúng ta
muốn xác định ngày hôm nay “những ai đau buồn” chúng ta có thể nghĩ đến tất cả
các Kitô hữu đã gìn giữ các đòi hỏi của Nước Trời và chịu đau khổ bởi vì nhiều
khía cạnh tiêu cực trong Giáo Hội; thay vì tập trung vào sự thánh thiên, Giáo Hội
lại cho thấy những chia rẽ và bất toàn. Họ cũng có thể là những kẻ
chịu đau khổ bởi vì tội lỗi và mâu thuẫn của họ và những kẻ, trong một cách nào
đó, đã trì hoãn việc cải đổi của họ. Đối với những người này, chỉ có
Thiên Chúa mới có thể mang đến tin tức về “Đấng an ủi”.
iii) “Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất
Nước làm cơ nghiệp”. Mối phúc thật thứ ba nói về sự hiền
lành. Đây là đức tính không còn được phổ biến hiện
nay. Thay vào đó, đối với nhiều người, nó có một ý nghĩa tiêu cực và
bị xem như là một yếu kém hoặc một tính bình tĩnh biết cách kiềm chế cảm xúc của
mình. Chữ “hiền lành” trong Kinh Thánh có nghĩa là gì? Sự hiền
lành được nhớ đến như những người vui hưởng sự an lạc (Tv 37:10), vui vẻ, được
Thiên Chúa chúc phúc và yêu thương. Họ cũng tương phản với những kẻ
làm ác, vô thần và tội lỗi. Vì vậy, Cựu Ước cho chúng ta sự phong
phú về ý nghĩa mà không đưa ra một định nghĩa duy nhất nào.
Trong Tân Ước, chúng ta gặp chữ này lần đầu tiên là trong sách
Tin Mừng theo Mátthêu 11:29: “Hãy học cùng Ta vì Ta có lòng hiền
hậu và khiêm nhu”. Lần thứ hai là ở trong câu Mt 21:5, khi thánh
Mátthêu mô tả lại việc Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem và trích dẫn sách
tiên tri Giacaria 2:9: “Hãy bảo thiếu nữ Xion: Kìa Đức
Vua của ngươi đang đến với người hiền hậu”. Thật ra, Tin Mừng
Mátthêu có thể được coi như là Tin Mừng của sự hiền lành.
Thánh Phaolô cũng nói rằng sự hiền lành là một căn tính tốt của
người Kitô hữu. Trong thư gửi các tín hữu Côrintô 2Cr 10:1 ông khuyên các
tín hữu “tôi xin dựa vào lòng nhân từ và khoan dung của Đức Kitô mà
khuyên nhủ anh em”. Trong thư gửi các tín hữu Galát 5:22, sự hiền
hòa được coi là một trong những hoa quả của Chúa Thánh Thần trong trái tim của
các tín hữu và bao gồm việc hiền lành, tiết độ, chậm bất bình, tử tế và kiên nhẫn
đối với những người khác. Một lần nữa trong thư gửi tín hữu Êphêsô
4:32 và Côlôssê 3:12, thái độ hiền hòa là một phần của người Kitô hữu và là dấu
hiệu của con người mới trong Đức Kitô.
Cuối cùng, một lời chứng hùng hồn trích từ thư của thánh Phêrô
1Pr 3:3-4: “Ước chi vẻ duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã
bên ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội
tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thùy mị, hiền
hòa: đó chính là điều quý giá trước mặt Thiên Chúa”.
Chúa Giêsu dùng chữ “hiền hòa” như thế nào? Một định
nghĩa làm sáng tỏ thực sự là định nghĩa về người hiền lành được đưa ra bởi Đức
Hồng Y Carlo Maria Martini“người hiền lành, theo ý nghĩa của các mối phúc thật,
là người mà mặc dù sự nhiệt thành của các cảm xúc của mình, vẫn giữ được sự
bình tĩnh và nhu mì, không chiếm hữu, nội tâm thảnh thơi, luôn rất tôn trọng mầu
niệm của sự tự do, bắt chước Thiên Chúa trong khía cạnh này, Đấng làm tất cả mọi
việc liên quan đến người khác và khuyên người ta vâng lời mà không bao giờ dùng
bạo lực. Tính hiền lành thì trái ngược lại với tất cả các hình thức
kiêu căng vể luân lý hay vật chất, nó sẽ chiến thắng bằng hòa bình thay vì chiến
tranh, bằng đối thoại thay vì áp đặt”.
Đối với lời giải thích khôn ngoan này, chúng ta thêm vào lời của
một nhà chú giải nổi tiếng khác: “Sự hiền lành được nói đến trong
các mối phúc thật thì không có gì khác hơn là khía cạnh của sự khiêm nhu mà tự
nó thể hiện trong sự niềm nở hòa nhã cách thực tế trong việc người ấy cư xử với
tha nhân. Sự hiền lành như thể tìm thấy được trong hình ảnh và tấm
gương hoàn hảo trong con người của Đức Giêsu, hiền lành và khiêm nhường trong
lòng. Quả thật, sự hiền lành như thế đối với chúng ta dường như giống
như một hình thức từ thiện, kiên nhẫn và chu đáo tế nhị đối với người khác” (Jacques
Dupont).
3. Suy niệm để Lời Chúa soi sáng chúng ta
a) Tôi có thể chấp nhận những dấu hiệu về sự nghèo
khó nhỏ bé trong đời sống của tôi không? Ví dụ, khi sức khỏe yếu kém
và hơi se mình? Tôi có tạo ra những đòi hỏi quá đáng không?
b) Tôi có thể chấp nhận an phận về sự nghèo nàn và mỏng
dòn của tôi không?
c) Tôi có cầu nguyện như một người nghèo khó, như một
người cầu xin ân sủng của Thiên Chúa với lòng khiêm nhường, cầu xin lòng thương
xót và tha thứ của Người không?
d) Được linh ứng từ sứ điệp của Chúa Giêsu về sự hiền
lành, tôi có từ bỏ bạo lực, sự trả thù và ý tưởng báo thù không?
e) Tôi có khuyến khích, trong gia đình và nơi làm việc,
một tinh thần nhân ái, dịu dàng và hòa hoãn không?
f) Tôi có trả thù với ác ý, bóng gió hoặc ám chỉ
gây hấn với ác ý không?
g) Tôi có chăm sóc đến người yếu đuối nhất, những kẻ
không thể tự vệ không? Tôi có kiên nhẫn với người già cả
không? Tôi có đón tiếp khách lạ bơ vơ, những kẻ thường bị bóc lột
nơi làm việc không?
4. Cầu nguyện
a) Thánh Vịnh 23:
Bài Thánh Vịnh dường như xoay quanh đề tài “Chúa là mục tử của
tôi”. Các thánh là hình ảnh đoàn chiên trên đường đi: họ
được chăn dắt bởi lòng nhân từ và trung kiên của Thiên Chúa, cho đến khi cuối
cùng họ đến được nhà Chúa Cha (L. Alonso Schökel, Thánh Vịnh Tín Thác, sách
Dehoniana, Bologna 2006, 54)
CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.
b) Lời nguyện kết
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chỉ cho chúng con con đường của các mối
phúc thật để cho chúng con có thể đến với nó rằng hạnh phúc đó là sự viên mãn của
đời sống và vì thế thánh thiện. Tất cả chúng con đều được kêu gọi
nên thánh, nhưng kho báu duy nhất của các thánh là Thiên Chúa. Lạy
Chúa, Lời của Chúa, lời kêu gọi nên thánh đến tất cả những ai trong phép rửa đã
được chọn bởi tình yêu của Chúa Cha, để nên giống Đức Giêsu
Kitô. Chúng con cảm tạ Chúa, vì các thánh Chúa đã đặt trên đường đi
của chúng con và những người thể hiện tình yêu của Chúa. Chúng con xin
lòng tha thứ của Chúa nếu chúng con đã làm hoen ố khuôn mặt Chúa trong chúng
con và đã từ chối lời kêu gọi trở nên thánh của chúng con.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét