Thứ Sáu Tuần II Mùa Vọng
Bài Ðọc
I: Is 48, 17-19
"Chớ
gì ngươi lưu ý đến giới răn của Ta".
Trích sách
Tiên tri Isaia.
Thiên Chúa
là Ðấng Thánh của Israel ,
Ðấng Cứu Chuộc ngươi phán: Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ðấng phán dạy
ngươi những điều hữu ích, Ðấng dẫn dắt ngươi trong con đường phải đi. Nếu ngươi
lưu ý đến các giới răn của Ta, thì hạnh phúc của ngươi sẽ như dòng sông, và sự
công chính của ngươi sẽ như sóng biển. Dòng dõi ngươi sẽ như cát và con cháu
ngươi sẽ đông đúc, và danh ngươi sẽ không bị xoá, bị diệt trước nhan thánh Ta.
Ðó là lời
Chúa.
Ðáp Ca:
Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
Ðáp: Lạy Chúa, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống (x. Ga
8, 12).
Xướng: 1)
Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội
nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật
Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. - Ðáp.
2) Họ như
cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn
úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. - Ðáp.
3) Kẻ gian
ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường
người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia,
alleluia! - Này đây Ðức Vua là Thiên Chúa địa cầu sẽ đến. Chính Người sẽ cất
ách tù đày của chúng ta. - Alleluia.
Phúc Âm:
Mt 11, 16-19
"Họ
không nghe lời Gioan và lời Con Người".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy,
Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Ta sẽ so sánh thế hệ này với ai? Họ
giống như bọn trẻ ngồi nơi phố chợ, gọi lũ trẻ khác mà rằng: "Chúng tôi thổi
sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc
lên!"
"Vì
Gioan đến, không ăn không uống, thì họ nói: "Ông ta phải quỷ ám!" Con
Người đến, ăn uống giống như thường, thì họ nói: "Ðó là người mê ăn mê uống,
là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi". Nhưng sự khôn ngoan được biện
minh bằng các công việc của mình".
Ðó là lời
Chúa.
Suy Niệm:
Ðức Giêsu
so sánh những người Do Thái với bọn trẻ ngoài chợ, bởi họ không hiểu biết gì. Họ
chỉ chú trọng đến bản thân, nên họ không mở tâm hồn đón nhận lời rao giảng của
Gioan, không đón nhận Ðức Giêsu Ðấng Cứu Thế.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa
Giêsu, thái độ của người Do Thái trong đoạn Tin Mừng này chính là thái độ của mỗi
người chúng con. Chúng con thường hay bướng bỉnh, kiêu căng, không muốn đón nhận
Chúa cũng như mọi người chung quanh chúng con. Xin Thánh Thần Chúa giúp chúng
con cởi bỏ con người cũ, để luôn sẵn sàng mở ra với mọi người, dễ dàng tiếp nhận
chân lý Chúa mạc khải cho chúng con. Amen.
Pharisiêu Cứng Lòng
Một vị
quan văn nổi tiếng vào thời nhà Tống ở Trung Quốc có câu chuyện Giáp Ất tranh
luận như sau:
Giáp hỏi Ất:
- Nếu lấy
đồng đúc thành chuông, đẽo gỗ làm cái dùi, lấy dùi đánh vào chuông, nó lêu
boong boong. Vậy tiếng kêu là do gỗ hay do đồng.
Ất đáp:
- Lấy dùi
gõ vào tường vách không kêu, gõ vào chuông lại kêu. Vậy tiếng kêu ở đồng.
Giáp lại hỏi:
- Lấy dùi
gõ vào tiền trinh bằng đồng không kêu, thế thì có chắc tiếng kêu là do ở đồng
mà ra không?
Ất lại
đáp:
- Ðồng tiền
đặc, cái chuông rỗng. Vậy tiếng kêu là do các đồ vật rỗng mà ra.
Giáp hỏi
tiếp:
- Lấy gỗ,
lấy đất sét làm thành chuông đánh cũng chẳng nghe tiếng kêu boong boong, thế
thì chắc gì tiếng là do các vật rỗng mà ra.
Cuộc tranh
luận giữa Giáp và Ất sẽ kéo dài mãi thì chẳng thể nào có một giải đáp đúng
nghĩa nếu họ chỉ giải đáp một cách phiến diện và chủ quan, chỉ giải quyết vấn đề
theo từng góc cạnh riêng lẻ. Tâm trạng chủ quan và cái nhìn phiến diện của họ
phần nào cũng giống như cái nhìn của người Do Thái được Chúa Giêsu nói đến
trong bài Tin Mừng mà thánh Matthêu ghi lại.
Thật vậy,
sống trong một thế giới đầy màu sắc và ánh sáng thì chẳng ai lại không lo sợ và
đề phòng về chứng tật mù lòa. Nhìn người mù không ai mà lại không cảm thấy xót
thương, động lòng trắc ẩn, vì mắc phải bệnh mù con người gần như mất một phân nửa
cuộc đời, và không những họ mất hết niềm vui do cái nhìn đem lại mà trước một sự
việc họ cũng chẳng hiểu được tường tận nếu chỉ đón nhận bằng đôi tai, chưa nói
đến những điều đòi phải được đón nhận bằng đôi mắt.
Tuy nhiên,
dù cho thiệt thòi như vậy bệnh mù lòa vẫn chưa nguy hiểm bằng căn bệnh của những
người Do Thái được Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là óc phê
phán chủ quan và họ cứ tưởng mình sáng hóa ra lại chẳng thấy gì. Vì nếu người
mù biết mình tối thì họ sẽ cố gắng tìm hiểu sự việc trước mắt khi không nhìn được
sự khác. Còn người chủ quan và phiến diện thì muôn đời sẽ tăm tối trước chân
lý, vì khi chỉ nhìn được một khía cạnh của chân lý mà họ cứ tưởng là đã đạt được
chân lý để rồi cứ thế mà cố chấp trước những vẻ đạp của chân lý. Họ chẳng khác
gì năm người mù đi xem voi, người thì cho con voi là cái cột đình to tướng, kẻ
lại nói con voi là chiếc quạt khổng lồ, người khác lại cho con voi là quả núi đồ
sộ.
Khi thánh
Gioan Tẩy Giả đến rao giảng ơn cứu độ, người không ăn uống thì được gán cho
nhãn hiệu là bị quỉ ám. Ðức Kitô đến, Người ăn uống như bình thường thì bị kết
án là người mê ăn uống, là bạn của quân thu thuế và tội lỗi. Họ chỉ hiểu ơn cứu
độ theo quan điểm riêng của mình, chỉ nhìn Ðấng Messia theo cái nhìn phiến diện
nên người Do Thái đã khép chặt cửa lòng trước lời mời gọi của ơn cứu rỗi. Với
cái nhìn phiến diện đã nảy sinh những phe phái chủ quan chẳng khác gì bọn trẻ
nít ngồi nơi phố chợ: "Chúng tôi thổi sáo sao các bạn không nhảy múa.
Chúng tôi than vãn sao các bạn không than khóc?" Chính vì thế mà ơn cứu độ
đến và qua đi mà người Do Thái chẳng nhận ra: "Ngài đã đến trong nhà Ngài
nhưng người nhà đã không nhận ra Ngài, không đón tiếp Ngài".
Trong Giáo
Hội ngày nay cũng không thiếu những trường hợp mắc phải căn bệnh của người Do
Thái. Ðức Kitô được trình bày trọn vẹn trong Kinh Thánh, qua Phụng Vụ và qua
Giáo Hội, thế mà người ta lại giới hạn Ðức Kitô trong cái nhìn của họ. Họ cũng
giới thiệu Ðức Kitô cho người khác nhưng đây chỉ là một Ðức Kitô bị bóp méo cho
hợp với chủ trương của họ, có lợi cho họ. Và nếu có một ai giới thiệu Ðức Kitô
khác với chủ trương và đi ngược lại với quyền lợi thì họ sẵn sàng kết án hoặc
bôi nhọ làm sao để đừng mất đi quyền lợi của mình.
Lạy Chúa,
khi nhìn lại bản thân chắc chắn không ít lần con đã hành động như người Do
Thái, nhìn Chúa bằng một cái nhìn phiến diện. Chỉ đón nhận Thiên Chúa hợp với sở
thích, quyền lợi, giới thiệu cho người khác hoặc Thiên Chúa bị uốn nắn theo những
điều con nghĩ tưởng, và nếu có điều nào khác quyền lợi của con, con sẽ sẵn sàng
kết án dù cho đó là chân lý, là sự thật.
Trong
Mùa Vọng này, xin Chúa cho con được biết vượt qua các thành kiến hẹp hòi mà
vươn lên khỏi những ràng buộc của quyền lợi để rộng mở tâm hồn đón tiếp Chúa,
vì Chúa đang đến trong từng giây phút qua các biến cố cuộc đời cũng như qua người
anh em bên cạnh con.
09/12/2011 THỨ SÁU TUẦN 2 MV
Th. Gioan Điđacô
Mt 11,16-19
*****
ĐỪNG ÁP ĐẶT Ý CHÚA
“Tôi phải ví thế hệ này với ai. Họ giống như lũ trẻ gọi lũ trẻ
khác, và nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi
hát bài đưa đám mà các anh không đấm ngực khóc than.’ ” (Mt 11,16-17)
Suy niệm: Thần thoại Hy lạp có kể câu chuyện một
tên tướng cướp biệt danh là Procrustes. Hắn ta tính tình cổ quái, cướp của ai rồi,
trước khi giết, hắn bắt người ấy nằm trên một cái giường; nếu người đó ngắn
hơn, thì hắn kéo giãn ra cho vừa; còn nếu dài hơn, hắn chặt bỏ khúc dư. Không
chỉ trong thần thoại Hy Lạp mà nơi những người đương thời với Chúa Giêsu cũng
có cung cách tương tự khi Ngài sánh ví họ với đám trẻ nô đùa ngoài chợ: có những
đứa bỗng dưng “nổi chướng” bắt các bạn phải khóc phải cười theo ý thích không
giống ai của chúng.
Mời Bạn: Quả thật kiểu áp đặt thô bạo này vẫn có
thể tồn tại ở mọi nơi và với mọi người. Lắm khi chúng ta thích lấy ý riêng mình
làm khuôn mẫu bắt mọi người phải theo, và thậm chí còn áp đặt cả Thiên Chúa
cũng phải nằm lên “cái giường của Procrustes” đó: đó là khi chúng ta bắt Thiên
Chúa phải chiều theo lối giữ đạo “thời vụ” của mình, khi chúng ta lý luận, gia
giảm, châm chước, “lách” luật Chúa cho phù hợp với nhu cầu của mình (chẳng hạn
“lách” luật “giữ ngày Chúa Nhật”). Coi chừng bạn đang “tùng xẻo” cả Thiên Chúa
đấy! Để có thể gạt bỏ mọi định kiến, và mọi áp đặt ý Chúa, trước tiên bạn hãy hồi
tâm tìm lại sự bình an và sẵn sàng lắng nghe tiếng Chúa; và rồi mời bạn suy niệm
Lời Chúa nói, chiêm ngắm cách Chúa làm. Lúc đó bạn sẽ thấy được ý Chúa.
Sống Lời Chúa: Trung thành với việc suy niệm Lời
Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ ý
riêng để vâng theo ý Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Gioan Điđacô; Is 48, 17-19; Tin Mừng theo Thánh Mt 11,
16-19.
LỜI SUY NIỆM “Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ
bảo: “Ông ta bị quỷ ám” Con Người đến, cũng ăn, cũng uống như ai, thì thiên hạ
lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” Nhưng
đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.” (Mt 11,18-19).
Khi con người đã không
chấp nhận một ai đó thì họ có những lập luận để chê bai và từ chối. Sự hiện diện
của Gioan Tẩy Giả cũng như của Chúa Giêsu, nhóm người Biệt Phái và Pharisêu tự
cho mình là tốt lành, là thánh thiện, là công chính; Họ đã đưa ra những lời phê
phán để từ chối cũng như không cần quan tâm đến sự hiện diện của các Ngài.
Nhưng phán quyết cuối cùng không căn cứ vào những lời chỉ trích ôn ào và có ác
ý xuyên tạc sự thật và chân lý. Người Biệt Phái và nhóm người Pharisêu đã phê
bình và kết án Chúa Giêsu, vì Ngài quá hòa minh với những con người tầm thường
và bênh vực những người nghèo, bệnh tật và tội lỗi.; mà xã hội thời bấy giờ lên
án. Nhưng nơi Chúa Giêsu, người ta đã tìm thấy một sức sống mới, một sự thánh
thiện mới, để hướng dẫn con người trở nên mới, nhờ đó họ được đến gần Thiên
Chúa, để nhận mọi phúc lành, và hưởng sự bình an.
Mạnh Phương
++++++++++++++++
09 Tháng Mười Hai
Thế Nào Là Cầu Nguyện?
Một chàng thanh niên nọ khao khát sống đời tận
hiến và cầu nguyện, đến nỗi anh đã xa lánh tất cả mọi người và mọi sự, để đến
gõ cửa một đan viện nọ... Anh được vị tu viện trưởng chấp nhận tức khắc.
Trong những ngày đầu, anh quan sát cách sống của
các tu sĩ: Sau những giờ cầu nguyện lâu dài, tất cả mọi người đều bắt tay vào
công việc: người thì cày cuốc, người thì gặt hái, người thì miệt mài trong công
tác dịch thuật. Thấy thế, chàng thanh niên đâm ra thất vọng. Anh đến trình bày
ý nghĩ của mình với đan viện phụ như sau: "Thưa cha bề trên, con cứ tưởng ở
đây chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất đó là cầu nguyện. Ðằng này, con lại
thấy các thầy phải vất vả lo cho những nhu cầu vật chất quá nhiều". Vị tu
viện trưởng mỉm cười gật đầu và nói với anh: "Có lẽ con có lý... Nếu con cảm
thấy việc làm tay chân không cần thiết, thì con cứ vào phòng đóng cửa lại và tiếp
tục cầu nguyện".
Nghe thế, chàng thanh niên hớn hở trở về phòng
đóng cửa lại và cầu nguyện. Chỉ sau vài giờ cầu nguyện, anh cảm thấy mệt mỏi, bụng
anh cũng cảm thấy cồn cào vì đã đến giờ ăn trưa. Nhưng chờ mãi mà vẫn không thấy
ai đến gọi anh vào nhà cơm, người thanh niên mới đến hỏi vị đan viện phụ:
"Thưa bề trên, hình như hôm nay các thầy không dùng bữa?". Cha bề
trên mỉm cười đáp: "Các thầy đã ăn cả rồi". "Thế sao không ai đến
gọi con đi ăn cả?", người thanh niên hỏi. Cha bề trên mới trả lời:
"Sáng nay con đã chẳng đến nói với cha là chúng ta chỉ có một sinh hoạt
duy nhất là cầu nguyện đó sao? Cha nghĩ rằng các thầy khác lao động nhiều cho
nên cần phải có ăn uống, ngủ nghỉ. Còn con, con muốn sống như các thiên thần,
nghĩa là không làm việc, không ăn uống mà chỉ biết suốt ngày cầu nguyện, cho
nên cha đã dặn các thầy là đừng đến gọi con dùng bữa".
Nghe thế, người thanh niên chợt hiểu được thế
nào là sống tận hiến, thế nào là cầu nguyện. Con người không chỉ cầu nguyện bằng
nhữg giây phút ưu biệt dành cho Chúa, mà còn bằng cả những sinh hoạt từng ngày
như làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí... Cầu nguyện chính là tìm thấy Thánh
ý Chúa và Nước Ngài trong cuộc sống mỗi ngày.
Mùa Vọng là mùa thức tỉnh.
Chúng ta cảm thấy được thôi thúc để dành nhiều
thì giờ cho việc cầu nguyện hơn. Thánh Kinh nói: Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ
trong sáu ngày, ngày thứ 7, Ngài nghỉ ngơi: đó cũng là hình ảnh của đời người.
Cuộc sống là một chuỗi làm việc xen lẫn với nghỉ ngơi. Có một thì giờ cho tất cả
mọi sự, có một thì giờ để ngủ nghỉ... Có những giây phút ưu biệt trong ngày
dành cho việc cầu nguyện, có những thời gian ưu biệt trong năm dành cho việc cầu
nguyện. Thời gian ưu biệt ấy không có mục đích nào khác hơn là để giúp cho con
người được tỉnh thức hơn, được sẵn sàng hơn, được tươi mát hơn để gặp gỡ Chúa
trong từng phút giây của cuộc sống, trong mọi sinh hoạt hằng ngày.
Cuộc sống cần có tổ chức, cần có những ngăn kéo,
nhưng những ngăn kéo ấy phải được thông thương với nhau. Ngăn kéo của sự cầu
nguyện phải được liên kết với ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày. Ngăn kéo
của những sinh hoạt hằng ngày phải được nối liền với ngăn kéo của sự cầu nguyện.
Tổ chức cuộc sống như thế tức là biến tất cả cuộc
sống thành một lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện triền miên ấy có những phách mạnh
dành cho những giây phút thân mật chuyện vãn với Chúa, nhưng những phách mạnh ấy
chỉ được làm nổi bật nhờ những âm thầm gặp gỡ Ngài trong từng sinh hoạt, trong
từng biến cố của cuộc sống.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần II MV
Bài đọc: Isa 48:17-19; Mt 11:16-19.
1/ Bài đọc I:
17 ĐỨC CHÚA, Đấng cứu chuộc
ngươi, Đức Thánh của Ít-ra-en, phán thế này: Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của
ngươi, Đấng dạy ngươi những điều bổ ích,
Đấng hướng dẫn ngươi trên đường ngươi đi.
Đấng hướng dẫn ngươi trên đường ngươi đi.
18 Giả như ngươi lưu ý đến
mệnh lệnh của Ta, thì sự bình an của ngươi sẽ chan chứa như dòng sông, sự công
chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển.
19 Dòng dõi ngươi sẽ đông
như cát, con cái ngươi sinh ra sẽ hằng hà sa số;
tên tuổi ngươi sẽ chẳng bao giờ bị huỷ diệt, chẳng bao giờ bị xoá bỏ khỏi mắt Ta.
tên tuổi ngươi sẽ chẳng bao giờ bị huỷ diệt, chẳng bao giờ bị xoá bỏ khỏi mắt Ta.
2/ Phúc Âm:
16 "Tôi phải ví thế hệ
này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác,
17 và nói: "Tụi tôi thổi
sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa;
tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than."
tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than."
18 Thật vậy, ông Gio-an đến,
không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: "Ông ta bị quỷ ám."
19 Con Người đến, cũng ăn
cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: "Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với
quân thu thuế và phường tội lỗi." Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng
hành động."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Đừng bắt người khác phải
làm mọi sự theo ý mình.
Thiên
Chúa dựng nên mỗi người khác nhau: về nhân vị, về sở thích, về cách thức suy
nghĩ. Những khác biệt này làm cho mỗi người có ơn gọi, cách sống, và cách làm
việc khác nhau. Lý do Thiên Chúa dựng nên con người khác nhau là vì Ngài muốn mọi
người bổ xung cho nhau, đòan kết với nhau, để cùng nhau sinh sống.
Vấn
đề tranh chấp xảy ra là khi có những con người độc tài, họ bắt những người khác
phải theo sự suy nghĩ, cách sống, và cách làm việc của họ. Thiên Chúa, Đấng có
thể bắt buộc, nhưng Ngài vẫn để tự do cho con người hành động; nhưng ngược lại,
con người nhiều khi bắt ngay cả Thiên Chúa phải làm theo ý muốn của mình.
Các
Bài Đọc hôm nay xoay quanh vấn đề này. Trong Bài Đọc I, Tiên Tri Isaiah khuyên
con người phải nghe theo sự dạy dỗ của Thiên Chúa để được hưởng muôn ơn phúc lộc
Ngài ban cho. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nêu lên lối phê bình không có nền tảng
của con người: “Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: "Ông ta
bị quỷ ám." Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo:
"Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.””
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hạnh phúc thay những ai đi trong đường lối của Thiên Chúa!
1.1/
Phải vâng nghe những lời dạy dỗ của Thiên Chúa: Tiên Tri Isaiah nói thay Chúa:
“Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi, Đức Thánh của Israel, phán thế này: Ta là Đức
Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Đấng dạy ngươi những điều bổ ích, Đấng hướng dẫn
ngươi trên đường ngươi đi.” Nghe lời Thiên Chúa là dấu hiệu của con người khôn
ngoan; vì có ai trong trần gian này khôn ngoan hơn Thiên Chúa: Ngài biết những
gì có lợi và những gì gây thiệt hại cho con người.
1.2/
Ân huệ dành cho những ai làm theo ý Chúa: Có rất nhiều ích lợi cho những ai đi
sống theo đường lối của Thiên Chúa; Tiên Tri liệt kê 3 điều chính:
(1)
Tâm hồn được bình an: Người làm theo ý Chúa có bình an trong tâm hồn vì biết
mình đã làm đúng, và biết chắc sẽ có kết quả tốt như lời bảo đảm của TT Isaiah:
“Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta, thì sự bình an của ngươi sẽ chan chứa
như giòng sông, sự công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển.”
(2)
Con đàn, cháu đống: “Giòng dõi ngươi sẽ đông như cát, con cái ngươi sinh ra sẽ
hằng hà sa số.” Người xưa quan niệm: con cái là hồng ân Thiên Chúa ban, nhưng
tâm trạng của con người thời nay khác hẳn với những gì Chúa dạy: họ sợ con đàn
cháu đống. Tâm trạng này cần được xét lại vì Thiên Chúa chẳng nói hay làm điều
gì sai.
(3)
Được Thiên Chúa nhớ tới muôn đời: “Tên tuổi ngươi sẽ chẳng bao giờ bị huỷ diệt,
chẳng bao giờ bị xoá bỏ khỏi mắt Ta.” Người không nghe lời Thiên Chúa là tự
mình khai trừ tên tuổi mình ra khỏi số những người con của Thiên Chúa. Ngài
luôn để ý đến những ai kêu cầu và bước đi trong đường lối của Ngài.
2/ Phúc Âm: Những bất tòan của đường lối con người.
Thiên
Chúa trình bày sự thật và để con người có tự do chọn lựa sống theo đường lối
Ngài; ai theo, sẽ được hưởng muôn vàn ân huệ. Khác với tư tưởng và đường lối của
Thiên Chúa, nhiều người chẳng có sự thật hay ân huệ; nhưng lại bắt người khác
làm theo ý muốn và cách thức của mình. Chúa Giêsu lên án 2 tật xấu của con người
đương thời:
2.1/
Muốn mọi sự theo ý mình: Chúa Giêsu nói: “Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống
như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: "Tụi tôi thổi sáo cho các
anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm
ngực khóc than."”
(1)
Muốn mọi sự phải theo ý mình: Người ích kỷ không quan tâm đến ý của người khác
nghĩ gì; đối với họ, chỉ có ý của họ là nhất. Họ quên đi họ phải theo ý của
Thiên Chúa; và tùy trường hợp, họ phải theo ý của người có trách nhiệm.
(2)
Muốn mọi người phải theo ý mình: Làm việc gì cũng phải có nơi chốn, hợp thời
gian; chứ không phải khi mình muốn là mọi người phải làm theo ý mình. Chúa tạo
dựng con người có đầy đủ trí khôn và ý muốn, chứ không phải là người máy hay những
con múa rối để mình muốn điều khiển cách nào thì điều khiển. Trong ví dụ hôm
nay, Chúa Giêsu muốn vạch ra những cái phi lý của người đương thời: Ngòai chợ
chứ có phải đám đình đâu mà nhảy múa! Ngòai chợ tòan người sống chứ có người chết
đâu mà đấm ngực than khóc!
2.2/
Thói luôn phê bình người khác: Người đương thời phê bình cả lối sống khắc khổ của
Gioan Tẩy Giả và lối sống phóng khóang của Chúa Giêsu. Sự phê bình của họ được
Chúa Giêsu tóm tắt như sau: “Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì
thiên hạ bảo: "Ông ta bị quỷ ám." Con Người đến, cũng ăn cũng uống
như ai, thì thiên hạ lại bảo: "Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế
và phường tội lỗi." Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hậu quả của
nó."” Con người thích phê bình vì nhiều lý do:
(1)
Muốn chứng tỏ mình hay hơn: Nhiều người thích phê bình để chứng tỏ mình biết
nhiều, và không muốn chấp nhận cái hay của người khác. Họ quên đi một điều là
trong thế gian luôn có người hay hơn và họ cần phải học hỏi.
(2)
Vì ghen tị và không muốn ai hơn mình: Nhiều người phê bình vì sợ bị mất ảnh hưởng
nơi dân chúng. Điều này rất đúng với các Kinh-sư và Biệt-phái. Họ không muốn chấp
nhận những dạy dỗ của Chúa Giêsu không phải vì họ không biết đó là sự thật,
nhưng vì họ sợ mất ảnh hưởng và quyền lợi trên dân chúng. Họ muốn triệt hạ Chúa
Giêsu vì họ sợ dân chúng sẽ chạy theo Ngài.
(3)
Không muốn chấp nhận sự thật để khỏi phải thi hành điều sự thật đòi hỏi: Đây là
điều thường xảy ra cho những người vô thần. Họ không tin không phải vì họ không
nhận ra Thiên Chúa, nhưng vì sợ nếu tin, họ phải giữ những điều Chúa dạy.
2.3/
Đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hậu quả của nó: Để biết ý nào là ý khôn
ngoan, cần phải xem vào hậu quả thì mới biết được. Nếu hậu quả tốt thì là ý
khôn ngoan, hậu quả xấu là ý điên rồ. Mọi người tuôn đến với Gioan Tẩy Giả vì
biết ông là người thánh thiện và ông chuẩn bị tâm hồn con người để đón nhận
Thiên Chúa. Mọi người tuôn đến với Chúa Giêsu vì biết Ngài có quyền năng chữa bệnh,
khôn ngoan, và yêu thương họ thực sự; chứ không như các Biệt-phái và Kinh-sư.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải học hỏi để tìm ra tiêu chuẩn và đường lối của Thiên Chúa; sau đó,
chúng ta phải có can đảm để sống theo tiêu chuẩn và đường lối của Ngài.
-
Hậu quả của việc sống theo đường lối Thiên Chúa là chúng ta sẽ có bình an thực
sự trong tâm hồn, đạt được kết quả tốt và vững bền, nhất là luôn được Thiên
Chúa ghé mắt trông coi.
-
Chúng ta cần suy xét cẩn thận về tiêu chuẩn và đường lối của con người. Chúng
ta cần nhận ra tất cả những nguyên nhân đen tối ẩn núp đàng sau.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét