06/02/2014
Thứ
Năm sau Chúa Nhật 4 Quanh Năm
Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo. Lễ nhớ.
* Ngày 05 tháng 02 năm 1597, hai mươi sáu
Kitô hữu đã bị đóng đinh thập giá ở Nagasaki (Nhật Bản). Trong số đó có những
nhà truyền giáo từ châu Âu đến như các tu sĩ dòng Tên và dòng Phanxicô, nhưng
còn có cả các tu sĩ Nhật Bản, như thánh Phaolô Miki (sinh khoảng năm 1564/1566)
và mười bảy giáo dân gồm: các giáo lý viên, các người thông ngôn, hai bác sĩ,
và cả các trẻ em nữa. Tất cả đều tươi cười, nhiều người còn ca hát khi chịu chết
để làm chứng cho Chúa Kitô.
Bài
Ðọc I: (Năm II): 1 V 2, 1-4. 10-12
"Cha
sắp bước vào con đường chung của thiên hạ; Salomon, con hãy can đảm và ăn ở xứng
danh nam nhi".
Trích
sách Các Vua quyển thứ nhất.
Gần
ngày băng hà, Ðavít truyền cho Salomon, con trai của ông rằng: "Cha sắp bước
vào con đường chung của thiên hạ. Con hãy can đảm, và ăn ở xứng danh nam nhi.
Con hãy tuân giữ các huấn lệnh của Chúa là Thiên Chúa con, hãy đi trong đường lối
của Người, hãy tuân giữ các lễ nghi, giới răn, thánh chỉ và giáo huấn của Người
như đã ghi chép trong Luật Môsê, ngõ hầu con đi đâu, con cũng hiểu biết mọi việc
con làm, để Chúa hoàn thành lời Người đã nói về cha rằng: "Nếu con cái
ngươi tuân giữ đường lối của chúng và hết lòng hết trí đi trước mặt Ta trong
chân lý, thì ngươi sẽ không bao giờ mất người kế vị trên ngôi báu Israel".
Vậy
vua Ðavít yên giấc với các tổ phụ và được mai táng trong thành Ðavít. Ðavít làm
vua Israel được bốn mươi năm: tại Hebron, ngài cai trị bảy năm; tại Giêrusalem,
ngài cai trị ba mươi ba năm. Còn Salomon lên ngôi Ðavít cha ngài, và triều đại
ngài rất vững bền.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: 1 Sb 29, 10. 11ab. 11d-12a. 12bcd
Ðáp: Chúa thống trị
trên tất cả mọi loài (c. 12b).
Hoặc
đọc: Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa (c. 12a).
Xướng:
1) Ðavít đã chúc tụng Chúa trước mặt toàn thể cộng đồng, người thưa: "Lạy
Chúa là Thiên Chúa Israel cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, từ đời đời tới
muôn muôn thuở". - Ðáp.
2)
Lạy Chúa, cao sang, quyền bính và vinh quang, chiến thắng, lời ca khen đều thuộc
về Chúa, vì tất cả những gì trên trời dưới đất là của Chúa. - Ðáp.
3)
Chúa ngự trên tất cả những đế vương. Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của
Chúa. - Ðáp.
4)
Chúa thống trị trên tất cả mọi loài, sức mạnh quyền bính đều ở trong tay Chúa; ở
trong tay Chúa, mọi uy phong và vững bền.- Ðáp.
Alleluia:
Ga 6, 64b và 69b
Alleluia,
alleluia! - Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống: Chúa có những lời
ban sự sống đời đời. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mc 6, 7-13
"Người
bắt đầu sai các ông đi".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi
ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các
ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường đừng mang gì,
ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân
đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: "Ðến đâu, các con vào nhà nào,
thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời
các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ". Các
ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều
bệnh nhân.
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Sứ
mệnh tông đồ
Một
tôn giáo chỉ tồn tại, nếu mỗi ngày một phát triển và có thêm người gia nhập.
Kitô giáo do Chúa Giêsu thiết lập cũng nằm trong diện đó. Dưới con mắt Chúa, mỗi
linh hồn đều có giá trị như nhau và mỗi người đều được sai đi tìm những con
chiên lạc và dẫn chúng về đồng cỏ xanh tươi. Ngài ý thức rằng Thiên Chúa đã tạo
dựng con người, không phải để bị vất vào lò lửa đời đời, nhưng là để được thu
vào kho lẫm. Do đó, mối bận tâm lớn nhất của Ngài khi đến thế gian chính là đem
Tin Mừng cứu độ cho mọi người.
Từ
trước tới giờ, Ngài vẫn làm việc đó một mình, nhưng nay vì tính cách khẩn thiết
của việc tông đồ, Ngài cần có những con người cộng tác: Mùa gặt bề bộn, mà thợ
gặt thì ít. Sứ mệnh tông đồ từ nay được trao cho họ. Sứ mệnh đó thật cao cả và
cấp bách, vì thế Chúa đòi hỏi nơi họ sự thoát ly trọn vẹn, hoàn toàn phó thác
cho Thiên Chúa quan phòng. Ra đi một cách thảnh thơi, không bồn chồn, không bối
rối, không bận tâm đến bị, đến tiền. Không những thế, họ còn phải hy sinh tất cả
cho sứ mệnh, đo lường mọi sự theo lợi ích của Nước Thiên Chúa. Họ chấp nhận
giao tiếp với thế gian nếu đó là cơ hội để phổ biến sứ điệp, họ không mưu cầu
tư lợi, nhưng dũ bỏ hết những gì không liên quan đến sứ mệnh, chỉ như thế, họ mới
có thể đạt tới trình độ siêu thoát và dễ dàng chinh phục các linh hồn về cho Nước
Chúa.
Mỗi
người chúng ta cũng được kêu gọi vào sứ mệnh tông đồ, chúng ta có ý thức sứ mệnh
cao cả ấy không? Các linh hồn được cứu rỗi hay bị luận phạt, một phần lớn tùy
thuộc vào đời sống của chúng ta. Ðiều đó có thể làm chúng ta run sợ, nhưng nếu
chúng ta nhiệt tâm mở rộng Nước Chúa nơi các tâm hồn, chúng ta sẽ được an tâm,
không ai có thể trách chúng ta đã đùa giỡn với số phận đời đời của họ, và các
linh hồn sẽ là triều thiên cho chúng ta trong ngày Chúa vinh quang ngự đến.
Chúng
ta hãy sống kết hiệp với Chúa. Tất cả hoạt động của chúng ta sẽ chẳng có giá trị
gì, nếu không bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa. Càng kết hiệp với Chúa, chúng
ta càng có khả năng chu toàn bổn phận người tông đồ giữa dân Chúa, và như vậy
chắc chắn chúng ta sẽ nhận được phần thưởng Chúa hứa cho người thợ tận tâm, nhiệt
tình cho Nước Chúa trị đến.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Năm Tuần 4 TN
Bài đọc: Heb 12:18-19, 21-24; I Kgs 2:1-4, 10-12; Mk 6:7-13.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Vâng lời những gì
Thiên Chúa dạy sẽ mang lại những kết quả lớn lao.
Để
một người có thể hy sinh chấp nhận gian khổ, anh cần có một lý tưởng để theo đuổi.
Chẳng hạn, người nhà nông sẵn sàng chấp nhận gian khổ nắng mưa, vì biết mùa gặt
sẽ đến; hay người học sinh chấp nhận hy sinh các thú vui để rèn luyện sách đèn,
vì biết sẽ có ngày ra trường thành tài.
Các
Bài Đọc hôm nay xoay quanh đích điểm cuộc đời của người Kitô hữu. Trong Bài Đọc
I, năm lẻ, tác-giả Thư Do-thái nhắc nhở các tín hữu ngày được dự hội vui với
Thiên Chúa, Đức Kitô, các thiên thần, các tổ-phụ, và các Kitô hữu khác trong
thành Jerusalem trên trời. Trong Bài đọc I, năm chẵn, vua cha David, sau khi đã
trải qua mọi sự trong cuộc đời, muốn truyền lại cho con là Solomon hai điều:
kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ những gì Ngài dạy. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sai
Nhóm Mười Hai đi rao giảng Tin Mừng. Ngài dặn các ông đừng chú trọng quá nhiều
đến của cải vật chất và lợi lộc trần gian, để có nhiều thời giờ cho việc rao giảng
Tin Mừng và chữa lành con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I (năm chẵn):
Hãy tuân giữ các huấn lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa của con.
1.1/
Phải biết kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ những gì Ngài dạy dỗ.
(1)
Kinh nghiệm của cha mẹ là kho tàng khôn ngoan vô giá: Tục ngữ Việt-nam dạy:
"Cá không ăn muối cá ươn; con cãi cha mẹ trăm đường con hư." Khi dạy
những lời này, chắc chắn cha mẹ đã dùng những kinh nghiệm huy hoàng cũng như
đau thương của mình, để truyền lại cho con cái, vì họ yêu thương con cái. Đọc
trình thuật của vua David hơn tuần qua, một người nhận ra ngay vua David đã có
quá nhiều kinh nghiệm thành công cũng như đau thương trong cuộc đời. Khi vua đi
theo đường lối của Thiên Chúa, vua gặt hái được hết thành công này đến thành
công khác. Khi vua lầm lẫn làm theo ý mình, biết bao đau thương đã xảy ra cho
cá nhân, gia đình, và quốc gia. Giờ đây khi sắp từ giã cuộc đời, vua muốn truyền
hết kinh nghiệm cho con mình là Solomon. Vua David hy vọng Solomon sẽ không lầm
lẫn đi vào bước chân tội lỗi của vua; nhưng luôn biết kính sợ và vâng lời Thiên
Chúa.
(2)
Những thái độ hiểu biết sai lầm về những lời dạy dỗ của Thiên Chúa và của cha mẹ:
Nhiều
người nông nổi cho rằng nếu làm theo những lời dạy dỗ này, họ sẽ bị hạ giá hay
tự do của họ sẽ bị giới hạn; nhưng kinh nghiệm cho thấy nếu không làm theo, họ
sẽ phải trả một giá đắt để học được kinh nghiệm của cha mẹ. Luật lệ của Thiên
Chúa ban ra vì Ngài yêu thương và muốn bảo vệ con người. Có người ví luật lệ
như hàng rào để bảo vệ con người khỏi những nguy hiểm từ bên ngoài đưa tới; nếu
con người vượt ra ngoài hàng rào luật lệ, đau khổ và chết chóc sẽ xảy đến cho
con người. Luật lệ của Thiên Chúa không giới hạn tự do của con người; nhưng bảo
vệ và chỉ đường cho con người để đừng rơi vào bẫy của ma quỉ và làm nô lệ cho
chúng.
1.2/
Tuân giữ những gì Thiên Chúa dạy sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp.
(1)
Thành công trong mọi công việc: Thiên Chúa là Người duy nhất thấy được mọi sự
tương lai; đó là lý do Ngài truyền cho con người những gì phải làm để bảo đảm
thành công và tránh khỏi mọi nguy hiểm. Nếu con người chịu vâng lời Thiên Chúa,
họ sẽ "thành công trong mọi việc họ làm và trong mọi hướng họ đi;"
nhưng nếu họ cãi lời Thiên Chúa và làm những gì họ nghĩ, tai ương và đau khổ chắc
chắn sẽ xảy ra, như đã từng xảy ra cho David và các nhân vật trong lịch sử.
Trình thuật hôm nay kết thúc bằng câu "vua Solomon ngự trên ngai vua
David, thân phụ ông, và vương quyền của ông thật là vững chắc," như một lời
bảo đảm cho Solomon nếu ông theo lời vua cha và đi trong đường lối của Thiên
Chúa.
(2)
Lời hứa của Thiên Chúa sẽ không bao giờ vô hiệu: Đọc lịch sử Cựu Ước, Thiên
Chúa đã làm nhiều giao ước với các tổ phụ và Ngài không bao giờ vi phạm. Trong
giao ước với vua David, Thiên Chúa hứa: "Nếu con cái ngươi sống cho phải đạo
là hết lòng hết dạ bước đi trung thực trước nhan Ta, thì ngươi sẽ không bao giờ
thiếu người ngự trên ngai Israel." Giao ước thường bị vi phạm từ phía
con người, qua việc họ không thi hành những gì Thiên Chúa truyền. Dù con người
vi phạm nhiều lần, tình thương Thiên Chúa vẫn thắng vượt tội lỗi con người,
Ngài tìm dịp để đưa con người ăn năn trở lại và giao ước được tiếp tục hiệu
nghiệm.
2/
Phúc Âm:
Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi với 2 lời truyền:
2.1/
Hành trang mang theo trên đường rao giảng: “Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường,
chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được
đi dép, nhưng không được mặc hai áo.”
Có
nhiều cách giải nghĩa lệnh truyền này của Chúa, nhưng trọng tâm của lệnh truyền
là các tông-đồ phải dành mọi thời gian và nỗ lực cho việc rao giảng Tin Mừng,
chứ không quá quan tâm và lệ thuộc vào đời sống vật chất. Chúa Giêsu mời gọi
các ông sống tin tưởng trong sự quan phòng của Thiên Chúa, vì “thợ làm việc xứng
đáng được thưởng công.” Ngài sẽ lo liệu đời sống vật chất của các ông qua tình
thương của những người được thấm nhuần Tin Mừng. Hơn nữa, nếu các ông không
mang hành lý nặng, các ông sẽ dễ dàng lên đường đi đến mọi nơi cần được sai tới.
Cám
dỗ về lợi lộc vật chất thường xuyên đe dọa những người rao giảng Tin Mừng. Nếu
không biết chống trả, họ sẽ chỉ làm những việc gì mang lại lợi nhuận vật chất;
chứ không rao giảng cách nhưng không như Chúa Giêsu đòi hỏi. Thay vì chú trọng
đến phần rỗi linh hồn của đàn chiên, họ lại chú trọng đến lông chiên và thịt
chiên. Khi người rao giảng bắt đầu chú trọng đến lợi nhuận vật chất, lời rao giảng
của họ sẽ không còn hiệu quả nữa.
2.2/
Thái độ của người rao giảng: “Người bảo các ông: Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì
cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời
anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ."
Cùng
một lối giải thích như trên, người tông-đồ được sai đi là cho sứ vụ rao giảng
Tin Mừng, chứ không để tìm hư danh, uy quyền, hay các lợi lộc vật chất. Nếu người
tông-đồ nhắm đến những điều sau này, anh sẽ dễ nản chí và di chuyển đến những
nơi có lợi lộc hơn. Về phía người được nghe Tin Mừng, họ phải mở lòng đón nhận
và tiếp đãi những người làm việc cho Chúa, để cả người gieo và người gặt đều được
vui mừng trong mùa gặt.
Những
việc làm chính của các tông-đồ: (1) Rao giảng Tin Mừng và kêu gọi người ta ăn
năn sám hối. (2) Trừ quỷ: Giúp con người thóat khỏi ảnh hưởng hay làm nô lệ cho
ma quỉ, để sống đời sống thánh thiện theo tinh thần Phúc Âm đòi hỏi. (3) Xức dầu
cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh tật phần hồn cũng như phần xác.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta có một lý tưởng cao cả để theo đuổi là được đoàn tụ với Thiên Chúa và
các Kitô hữu khác trên trời trong Ngày Cánh Chung. Để đạt được lý tưởng này,
chúng ta cần hy sinh để chấp nhận mọi gian khổ trong việc loan báo và sống Tin
Mừng. Chúng ta không thể bắt cá hai tay: vừa muốn được chung hưởng hạnh phúc với
Thiên Chúa đời sau, vừa muốn tất cả các hưởng thụ đời này. Người muốn bắt cá
hai tay có nguy hiểm sẽ mất tất cả.
-
Lời của Thiên Chúa là đèn soi cho chúng ta tất cả những nguy hiểm của cuộc đời.
Chúng ta đừng khinh thường để rồi bị sa vào những chước cám dỗ của ma quỉ và
làm nô lệ cho tội lỗi. Kinh nghiệm của cha mẹ và những người đi trước là những
bài học quí giá cho chúng ta học hỏi, để khỏi phải trả giá nặng nề như họ.
Lm.Anthony ĐINH
MINH TIÊN,OP.
HẠT GIỐNG NẢY MẦM
Mc
6,7-13
A.
Hạt giống...
Trước
đây Chúa Giêsu đã chọn 12 tông đồ, mục đích là "để họ ở với Ngài và để
Ngài sai họ đi rao giảng" (Mc 3,14). Vậy sau khi họ đã "ở với
Ngài" một thời gian, nay Ngài "sai họ đi rao giảng". Đây là những
người còn non yếu, cho nên trước khi họ ra đi, Chúa chỉ dẫn họ những điều cần
thiết.
Mục
đích lần sai đi này là "để họ đi rao giảng". Họ phải giảng điều gì và
giảng thế nào ?
-
Về nội dung lời giảng, thánh Marcô tóm lược trong công thức rất gọn "Các
ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối". Như thế, đây là nội
dung chính, tất cả những lời rao giảng khác đều quy về nội dung chính này. Hơn
nữa, đây cũng chính là nội dung rao giảng của Chúa Giêsu (x. Mc 1,15) và của
Gioan tiền hô (x. Mc 1,4).
-
Về cách giảng : họ không chỉ giảng bằng lời kêu gọi, mà còn bằng a/ việc làm chứng
(c 7 : Họ đi từng nhóm 2 người, đúng quy định của luật Môsê về điều kiện để sự
làm chứng có giá trị) ; b/ việc giải thoát người ta khỏi xiềng xích của thế lực
gian tà ("trừ quỷ") ; c/ việc giải thoát người ta khỏi đau khổ thể
xác ("chữa bệnh").
-
Những chỉ dẫn về tác phong người rao giảng có thể tóm lại trong hai điều :
Nghèo và tin tưởng vào Chúa quan phòng.
B....
nẩy mầm.
1.
Cách giảng hữu hiệu nhất là làm chứng, và cách làm chứng hữu hiệu nhất là một cuộc
sống nghèo, không cần gì khác ngoài ơn Chúa.
"Đã
có lần Lênin nói về Thánh Phanxicô Assisi ‘Để có thể thay đổi bộ mặt thế giới,
có lẽ chỉ cần 10 con người như vậy’ "(Trích "Mỗi ngày một tin
vui")
2.
Chúa Giêsu sai các môn đệ đi "từng hai người một" : việc truyền giáo
là việc của tập thể và phải làm trong tinh thần cộng tác với nhau.
Có
những người làm việc Chúa nhưng đã không theo tinh thần ấy : họ làm theo chủ
nghĩa anh hùng cá nhân, không thích bị người khác kiểm soát, không muốn người
khác chia xẻ thành công…
3.
Ngày kia, thánh Phanxicô Assisi nói với một thày dòng : "Nào chúng ta cùng
đi phố và giảng đạo." Hai người ra đi, hết con đường trước mặt, quẹo sang
đường khác rồi về nhà. Thày dòng thắc mắc hỏi : "Con nghe ngài nói là mình
đi phố và giảng đạo cơ mà !" Thánh Phanxicô đáp : "Chúng ta đã giảng
đạo rồi đó ! Khi chúng ta đi đường. Mọi người nhìn ta, thấy phong cách của
ta, nghĩ về đời sống của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống nơi linh hồn của
họ. Như thế chẳng phải là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao ?"
Câu
nói của thánh nhân quả là khôn ngoan. Người Kitô-hữu không có cách truyền giáo
nào hay hơn là chính đời sống chứng tá của họ. (Góp nhặt).
3.
"Nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì ra khỏi nơi đó,
hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ" (Mc 6,11)
Để
tiện việc ôn thi đại học của đứa em, tôi phải thuê nhà trọ ở gần trường và ở
chung với nó. Rồi một buổi tối, trời mưa như trút nước, ba mẹ con hành khất đến
xin chủ nhà cho ngủ trọ. Người chủ nhà từ chối và tìm cách đuổi khéo.
Nhìn
bóng ba mẹ con hành khất khuất dần trong bóng tối, tôi cảm thấy sức nặng của
Tin Mừng và những đòi hỏi quyết liệt của nó. Giả như các môn đệ của Chúa đến với
tôi không bị, không bánh, không tiền, liệu tôi có thể tiếp nhận các ngài không
? Rất có thể một lần nữa, các ngài sẽ bị xua đuổi hay khước từ.
Lạy
Chúa, xin cho con biết nhận ra Chúa nơi tất cả mọi người, nhất là những người
cùng khổ, để luôn ân cần đón tiếp mọi người. (Epphata)
Lm.Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp.Cần Thơ
06/02/14 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Th. Phaolô Miki và các bạn tử đạo
Mc 6,7-13
Th. Phaolô Miki và các bạn tử đạo
Mc 6,7-13
KẾT QUẢ CỦA SỰ VÂNG LỜI
Các ông đi rao giảng kêu gọi
người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người bị
đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
(Mc 6,12-13)
Suy niệm: Chúng
ta có thể mường tượng niềm vui lớn lao của các tông đồ sau khi đạt được những
kết quả khả quan trong chuyến truyền giáo. Chắc chắn đây là hoa trái nhờ việc
các ông vâng theo lời của Thầy mình. Tương tự như vậy, chúng ta cũng có được
những kết quả như các tông đồ ngày xưa, nếu chúng ta biết vâng theo lời Chúa
dạy. Xưa cũng như nay, làm chứng cho Tin Mừng không bao giờ chỉ bằng lời nói,
mà còn qua những hy sinh cụ thể: “không giày dép, không bao bị,
không mũ nón.” Đó
chính là những dấu chỉ thời đại hôm nay đang cần nơi các Kitô hữu. Nếu mỗi Kitô
hữu sống tinh thần siêu thoát ấy, ắt hẳn không ít người được thoát khỏi vòng
vây của quỷ ma, không người được ơn chữa lành.
Mời Bạn: Bạn
và tôi hôm nay đã quen với “đôi giày sức khỏe,” “mũ nón
bằng cấp,” “bao bị phương tiện” nên
không dễ gì từ bỏ. Vậy bạn và tôi hãy quyết tâm không lệ thuộc vào những thứ đó
khi sống chứng tá cho Chúa, để quyền năng Thiên Chúa được thực hiện qua sự
thiếu thốn va cả yếu kém của chúng ta nữa.
Chia sẻ: Có
bao giờ bạn thấy vui khi vì danh Chúa mà mình bị thua thiệt trước người khác?
Nếu chưa thì hãy tập cho có tinh thần đó.
Sống Lời Chúa: Tôi xác tín tinh thần vâng phục và khó nghèo
luôn cần thiết trong việc làm chứng cho Nước Trời trong mọi nơi và mọi lúc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trở nên yếu hèn
trước mặt người đời để con được mạnh sức. Xin cho con cũng biết sống thiếu thốn để anh chị em con được sung túc trước
mặt Chúa. Amen.
Để thực hiện sứ mạng giải thoát con người khỏi
những đau khổ về thể xác và tinh thần do trói buộc bởi ma quỷ, một mình Đức
Giêsu là đủ, vì Ngài là Thiên Chúa quyền năng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại không
dùng cách thế đó. Trái lại Chúa mời gọi chúng ta cộng tác.
Cụ thể bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chọn gọi
12 tông đồ, ban quyền trừ quỷ cho các ông và sai các ông từng hai người một đi
rao giảng tin mừng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.
Khi lãnh nhận bí tích rửa tội và thêm sức là
chúng ta đã lãnh nhận quyền năng của Chúa và được mời gọi để chia sẻ sứ mạng
loan báo tin mừng.
Sứ mạng thì to lớn nhưng phận người lại bé nhỏ.
Thế nên, Chúa Giêsu ý thức chúng ta hãy cậy trông vào Chúa.
Cậy trông vào Chúa, ta dễ sống tinh thần khó
nghèo, sẵn sàng ra đi bất cứ nơi nào Chúa muốn. Cho dù bản thân không gạo, không
tiền, không bao bị, không có đến hai áo.
Cậy trông vào Chúa, ta dễ dàng sống siêu thoát,
bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Sẵn sàng đến và sẵn sàng ra đi mà không hề
vương vấn, tiếc nuối vì “tiền” và “tình”.
Cậy trông vào Chúa, ta sẽ không kiêu căng tự mãn
nhưng biết khiêm tốn đón nhận và hợp tác làm việc với anh em trong nhiệm cao
quý là loan báo tin mừng.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có được tinh
thần khó nghèo để cảm nhận được những thiếu thốn của tha nhân và đồng cảm với
những cảnh đời bất hạnh.
Xin gìn giữ chúng con khỏi những ma lực của đồng
tiền, những quyến rũ của vật chất, để trung thành và can đảm rao giảng sứ điệp
ăn năn sám hối mà Chúa truyền dạy.
Xin cho chúng con biết khiêm tốn đón nhận và hợp
tác tích cực với anh em trong việc truyền giáo, nhằm làm lành mạnh hóa đời sống
các tâm hồn, ngõ hầu đẩy lùi sự dữ và khử trừ sự ô uế ra khỏi môi trường chúng
con đang sống.
Thứ Năm 6-2
Thánh Phaolô Miki và Các Bạn
(c. 1597)
T
|
hành phố Nagasaki, Nhật
Bản, rất quen thuộc với mọi người vì đó là nơi trái bom nguyên tử thứ hai đã
được thả xuống và giết hại hàng trăm ngàn người. Trước đó ba thế kỷ rưỡi, 26 vị
tử đạo Nhật Bản đã bị treo trên thập giá ở một ngọn đồi nhìn xuống Nagasaki,
bây giờ thường được gọi là Núi Thánh.
Thánh Phaolô Miki là con
của một sĩ quan chỉ huy thuộc quân đội Nhật. Ngài sinh ở Tounucumanda và theo
học trường dòng Tên ở Anziquiama, gia nhập dòng năm 1580, và trở nên nổi tiếng
vì tài rao giảng.
Trong thời kỳ bách hại
đạo Công Giáo dưới thời Taiko, Toyotomi Hideyoshi, vào ngày 5 tháng Hai, ngài
bị treo trên thập giá cùng với hai mươi lăm người Công Giáo khác, trong đó có
nhiều giáo dân, như: Phanxicô, một thợ mộc bị bắt trong khi theo dõi cuộc hành
quyết và sau đó bị treo trên thập giá; Gabrien, mười chín tuổi là con trai của
người gác cổng dòng Phanxicô; Leo Kinuya, hai mươi tám tuổi làm thợ mộc ở
Miyako; Diego Kisai, phụ tá của các cha Dòng Tên; Joachim Sakakibara, người làm
bếp cho các cha Phanxicô ở Osaka; Peter Sukejiro, được một linh mục dòng Tên
sai đến giúp đỡ các tù nhân thì bị bắt; Cosmas Takeya quê Owari nhưng đi truyền
giáo ở Osaka; và Ventura ở Miyako, lúc đầu được các cha dòng Tên rửa tội, sau
đó khi thân phụ từ trần, ông trở nên một nhà sư, và sau cùng được các cha
Phanxicô đưa trở lại Công Giáo
Trong khi bị treo trên
thập giá, Thầy Phaolô Miki đã nói với những người đến xem cuộc hành quyết:
"Bản án nói rằng những người này đến Nhật Bản từ Phi Luật Tân, nhưng
tôi đâu có đến từ quốc gia nào. Tôi đích thực là người Nhật. Lý do duy nhất tôi
bị giết là vì tôi rao giảng giáo lý Ðức Kitô. Quả thật tôi đã rao giảng giáo lý
Ðức Kitô. Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì lý do này mà tôi chết. Tôi tin rằng những lời
trăn trối của tôi là sự thật. Tôi biết quý vị tin tôi và một lần nữa tôi muốn
nói với quý vị: Hãy xin Ðức Kitô giúp cho quý vị có được hạnh phúc. Tôi vâng
lời Ðức Kitô. Theo gương Ðức Kitô, tôi tha cho những người đã hành quyết tôi.
Tôi không ghét họ. Tôi xin Thiên Chúa thương xót tất cả chúng ta, và tôi hy
vọng máu của tôi sẽ đổ trên dân tôi như một cơn mưa nhiều kết quả."
Khi các nhà truyền giáo
trở lại Nhật trong những năm 1860, lúc đầu họ không thấy một vết tích nào của
Kitô Giáo. Nhưng sau một thời gian, họ tìm thấy hàng ngàn người Kitô đã sống
chung quanh Nagasaki và họ sống đạo một cách lén lút.
Tất cả các vị tử đạo
Nhật Bản được phong chân phước năm 1627, và phong thánh năm 1862.
Lời Bàn
Ngày nay, một thời đại
mới đã đến với Giáo Hội Nhật. Mặc dù số người Công Giáo không nhiều, nhưng Giáo
Hội được tôn trọng và được tự do tôn giáo. Việc phát triển Kitô Giáo ở Viễn
Ðông thì chậm và khó khăn. Một đức tin như của 26 vị tử đạo thì rất cần thiết
cho ngày nay cũng như trước đây, trong năm 1597.
Lời Trích
"Vì Ðức Giêsu,
Con Thiên Chúa, đã thể hiện lòng bác ái của Người bằng cách hy sinh mạng sống
cho chúng ta, không ai có tình yêu nào cao quý hơn người đã hy sinh mạng sống
vì Ðức Kitô và anh chị em mình. Bởi đó, ngay từ thời sơ khai, một số Kitô Hữu
đã được mời gọi -- và chắc chắn sẽ được mời gọi luôn -- để làm chứng cho tình
yêu ấy cách hùng hồn trước muôn dân, nhất là những kẻ bách hại. Do đó, Giáo Hội
coi sự tử đạo như một ơn huệ đặc biệt và là bằng chứng cao cả nhất của tình yêu.
"Mặc dù chỉ một
ít người được ban cho cơ hội tử đạo, nhưng tất cả phải chuẩn bị để tuyên xưng
Ðức Kitô trước mặt mọi người, và bước theo Người trên đường thập giá giữa những
sự bách hại không bao giờ thiếu trong Giáo Hội" (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 42).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét