Một
số kết qủa các cuộc khảo nghiệm khoa học về Tấm Khăn Liệm thành Torino
Nhân kỷ niệm 200 năm sinh ra của thánh Gioan Bosco Tấm Khăn Liệm
Thánh sẽ được trưng bầy cho tín hữu kính viếng trong các ngày từ 19 tháng 4 cho
tới ngày 24 tháng 6 năm 2015. Truyền thống công giáo vẫn tin rằng đây đã là tấm
khăn liệm xác Chúa Giêsu.
Giáo Hội Công Giáo không chính thức lên tiếng liên quan tới tính
cách đích thực của tấm khăn liệm và để cho khoa học nhiệm vụ duyệt xét các
chứng cớ thuận và nghịch, nhưng cho phép tôn kính như là hình ảnh cuộc Khổ Nạn
của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, các Giáo Hoàng từ Đức Pio XI tới thánh Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II đã bầy tỏ xác tín đó đã là tấm khăn liệm xác Chúa Giêsu.
Sau đây là kết qủa của một số các cuộc khảo nghiệm khoa học liên
quan tới các chi tiết của Tấm Khăn Liệm.
Năm 1978 ĐHY Torino Ballestrero cho phép các chuyên viên của Tổ
chức nghiên cứu Tấm Khăn Liệm phân tích khăn liệm. Ông Walter McCrone cho rằng
Khăn Liệm là một bức vẽ dùng các sắc tố mầu đỏ của thảo mộc rất thịnh hành
trong vùng Trung Đông. Nhưng các kết luận của ông không đủ sức thuyết phục. Tổ
chức chỉ định hai chuyên viên khác là John Heller và Alan Edler thực hiện các
phân tích mới. Hai người đi tới kết luận tìm ra các phân tử hồng huyết cầu trộn
lẫn với dầu thơm, và chúng phát xuất từ các chất đạm chứ không phải từ các sắc
tố khoáng chất hay thảo mộc. Ngoài ra, họ thấy quầng phản xạ chung quanh các
vết máu được tạo thành bởi huyết thanh. Các mẫu lấy từ khăn liệm không chứa các
ốc xi sắt mà ông McCrone cho là son đỏ, nhưng chứa đựng 10 khoáng chất hiện
diện trong máu (Na, Mg, Al, Si, P, S, Cl, K, Ca, Fe).
Năm 1982 sự hiện diện của máu cũng được các khoa học gia Baima
Bollone, Jorio và Masarro khẳng định là thuộc nhóm AB. Phân tích này cũng đã
được Tổ chức nghiên cứu Tấm Khăn Liệm lập lại và xác nhận. Tổ chức và ông
Bollone cho rằng các dấu máu đó phát xuất từ sự kiện Tấm Khăn Liệm tiếp cận
thẳng với thân mình của người được cuộn trong đó.
Vải của Tấm Khăn Liệm đã được các khoa học gia Virgilio Timossi,
Silvio Curto giám đốc Viện bảo tàng Ai Cập Torino, và nhiều người khác xét
nghiệm. Sau khi gỡ tấm vải đệm bên dưới, được tu sửa và ủi thẳng Khăn Liệm dài
442 cm, bên trái rộng 113 cm bên phải rộng 113,7 cm. Nó là vải gai được dệt
bằng tay. Các sợi cho thấy các dấu vết không đều của việc dệt bằng tay.
Trên bình diện khảo cổ các khăn liệm do thái thuộc thế kỷ thứ I
khác với Tấm Khăn Liệm thành Torino về loại vải cũng như kiểu dệt, kiểu xe sợi
và cách cuốn quanh thân thể người chết. Một tấm khăn liệm tìm thấy tại Akeldamà
thuộc năm 50-70 sau công nguyên rất khác với Khăn Liệm thành Torino: hai cánh
tay dọc hai bên thân thể, cổ, các cổ tay và cổ chân được cuốn băng. Vải liệm
bằng len có cấu trúc 1: 1, trong khi Tấm Khăn Liệm thành Torino có cấu trúc
xương sống cá 3: 1, và sợi ngang hình chữ S, trong khi Tấm Khăn Liệm sợi ngang
hình chữ Z. Các khăn liệm khác cùng thời xác nhận sư hiện diện của các sợi dệt
ngang đơn sơ hơn kiểu dệt của Tấm Khăn Liệm thành Torino. Điều này khiến người
ta nghi ngờ nó đã không được sản xuất trong vùng Do thái.
Hình người trên Tấm Khăn Liệm thiếu các méo mó chuyên biệt rất nở
giãn nhất là mặt của hình một thân xác tiếp cận với một tấm khăn liệm. Ngoài
ra, vì sức nặng của thân thể hình lưng đáng lý ra phải đậm hơn phía trước,
nhưng đây không phải là trường hợp của Tấm Khăn Liệm thành Torino. Cho tới nay
người ta đã không tìm thấy các mẫu vải thuộc thế kỷ thứ I giống Tấm Khăn Liệm
thành Torino dệt theo hình xương cá. Trái lại có một mẫu được giữ trong viện
bảo tàng Victoria và Albert bên Luân Đôn thuộc thế kỷ XIV. Người ta cũng đã tìm
thấy vài khăn liệm, hay phần khăn liệm, thuộc thế kỷ thứ I bằng vải gai hay
bằng len, có sợi ngang dệt kiểu 1:1 hay 2: 2 theo hình chữ S, và các tấm vải và
dây theo kiểu bó xác như kể trong Phúc Âm thánh Gioan.
Ông Shimon Gibson, nhà khảo cổ người do thái, đã tìm ra khăn liệm
Akeldamà cũng tìm thấy một tấm khăn tay che mặt. Dựa trên các khác biệt và kết
qủa thử nghiệm carbon 14 ông cho rằng Tấm Khăn Liệm thành Torino không phải là
khăn liệm thật, vì kiểu một tấm khăn dài duy nhất như thế không thuộc
kiểu thực hành chôn cất chung của thời Chúa Giêsu.
Liên quan tới việc xét nghiệm bác sĩ hợp pháp ông Baima Bollone,
chuyên viên giải phẫu bệnh lý, cho rằng hình người in trên Tấm Khăn Liệm tương
đương với một thân hình bị đóng đanh, cứng đơ bởi cái chết khắc nghiệt. Thế nằm
của cơ thể không tự nhiên, cánh tay phải thõng xuống 100 độ và cánh tay trái 90
độ so vói vai… đầu hơi ngả về phía trước và đầu gối cũng vậy, vì thế của thân
mình bị treo trên thập giá. Các bắp thịt ngực và đùi cho thấy người trên Tấm
Khăn Liệm ở trong trạng thái cứng đơ.
Theo ông Garlaschelli, chuyên viên hóa học, vị thế của thân thể
không phù hợp nơi một xác chết, và hai cánh tay chéo trên xương mu, nhưng điều
này không thể có được nơi một xác chết. Vị thế này đòi buộc các bắp thịt phải
căng thẳng, hay hai tay bị buộc, nhưng trên khăn liệm không có dấu dây cột,
trong khi hai tay giãn xả của một xác chết thường lên cao hơn, và chồng lên
nhau trên vùng dạ dầy.
Liên quan tới các dấu đinh ông Pierre Barbet khẳng định đã kiểm
thực với các thử nghiệm trên các xác chết và các chi thể bị cắt chặt.
Việc đóng đinh trên lòng bàn tay là điều không thể được, vì dưới sức nặng của
thân thể các cơ mềm của bàn tay sẽ rách, và người bị đóng đinh sẽ rơi khỏi thập
giá. Do đó đinh được đóng vào cổ tay giữa các khớp xương có thể giữ sức nặng
của thân thể. Đinh đóng vào chỗ này gây thương tích cho gân khiến cho nạn nhân rất
đau đớn, và làm co ngón cái. Thật thế, người ta không trông thấy các ngón
cái của hình người trên Tấm Khăn Liệm. Hầu như tất cả mọi chuyên viên nghiên
cứu đều theo ý kiến của ông Barbet và cho rằng vị trí các đinh ở cổ tay là một
dấu chỉ làm chứng cho tính cách đích thực của Tấm Khăn Liệm.
Về các kỹ thuật đóng đinh của thời này người ta chỉ biết tới một
thi thể bị đóng đinh tìm thấy tại Givat at Ha Mivtar, một khu phố phía đông
thành Giêrusalem. Nó cho thấy các khác biệt với hình người trên Tấm Khăn Liệm.
Dựa trên việc dựng lại các dấu vết tìm thấy thuộc thế kỷ thứ I, các tay của
người bị đóng đinh này bị cột và hai chân bị đóng đinh với hai gót bị đâm
thâu bởi đinh sắt có đường kính 1 cm và dài khoảng 11,5 cm, và thế của hai chân
là hai bên thập giá.
Trên hình người của Tấm Khăn Liệm người ta đếm được 120 vết đánh
đòn trên khắp mình, từ trên xuống dưới đàng trước cũng như đàng sau lưng. Theo
những người cho Tấm Khăn Liệm là thật, đó là các dấu đánh đòn của lính Roma.
Nhưng người ta không thấy các dấu máu hay các giọt máu như chờ đợi. Ngoài ra,
các vết đánh đặc biệt song song cân đối và đều đặn trên toàn thân mình. Đây là
điều khó có thể xảy ra trong một vụ đánh đòn tội nhân. Xem ra nó phù hợp hơn
với một bức vẽ.
Liên quan tới mạo gai. Người ta nhận thấy nhiều dấu đâm tròn có
hình dáng các vết thương, từ đó có máu chảy ra. Những người coi Tấm Khăn Liệm
là thật cho rằng đó là các vết do mạo gai gây ra, khi lính Roma đặt vòng gai
trên đầu Chúa Giêsu để cười nhạo Ngài là Vua dân Do thái.
Theo một số các nhà nghiên cứu và phê bình các dấu máu chảy không
thật, vì máu đã dính bê bết trên tóc làm thành các vết không phân biệt được.
Nhưng ông Frederick Zugibe giải thích rằng Người trên Tấm Khăn Liệm đã được rửa
sơ trước khi được cuốn vào trong khăn liệm, và như thế máu chảy trong khi còn
bị treo trên thập giá đã được lấy đi, và trên Tấm Khăn Liệm chỉ in dấu các vết
thtương ẩm ướt vì được rửa.
Ngoài ra có vài người cho Tấm Khăn Liệm là thật nói rằng họ đã tìm
thấy mốt số vật dụng in dấu trên Tấm Khăn Liệm như hai đồng tiền đặt trên hai
mắt để khép mắt cho người chết, và cho rằng chúng thuộc thế kỷ thứ I và được
đúc khoảng năm 30.
Khi quan sát hình Tấm Khăn Liệm chụp năm 1931, tu sĩ Francis Filas
dòng Tên cũng như hai giáo sư Alan và Mary Whanger khẳng định rằng đã nhận ra
dấu vết của hai vật tròn trên hai mắt của Người trên Tấm Khăn Liệm. Các vị
này cho rằng đó là các đồng tiền do quan khâm sai Ponzio Pilato đúc năm
29-30, được đặt để khép mắt cho người chết. Trên mắt phải họ nhận ra một cây
gậy cong gọi là “lituus” đặc biệt trong các đồng tiền của quan Pilato, và bốn
chữ UCAI là chữ khắc trên đồng tiền TIBERIOU KAISAROS, nghĩa là Tiberio Cesar.
Tu sĩ Filas cũng tìm thấy các thí dụ với sự khác biệt TIOU CAISAROS có các chữ
chính giữa tương đương với bốn chữ UCAI. Trên mắt trái có các chữ ARO và các
nhánh lúa. Trong trường hợp này đây là một đồng tiền được dúc để vinh danh bà
Giulia mẹ hoàng đế Tiberio. Hai ông Pier Luigi Baima Bollone và Nello Balossino
tuyên bố đã tìm ra dấu vết một đồng tiền thứ ba trên lông mày trái, cũng là
loại tiền để vinh danh hoàng thái hậu Giulia. Tuy nhiên việc tìm kiếm này dựa
trên các hình chụp năm 1931 chứ không phải trên các hình chụp sau này. Người ta
cũng phản đối cho rằng thói quen để các đồng tiền trên mắt là của dân ngoại chứ
không phải của người do thái. Theo giáo sư Levi Rahmani, giám đốc cổ vật của
chính quyền Israel, có ít trường hợp người ta tìm thấy đồng tiền nhưng trong
miệng người chết theo thói quen của người hy lạp, để người chết trả tiền công
cho Caronte là vị thần chở họ sang sông qua bờ bên kia của cuộc sống. Giáo sư
Luigi Gonella, chuyên viên vật lý đại học bách khoa Torino, và là cố vấn khoa
học của ĐHY Ballestrero, khẳng định rằng các dầu vết trên Tấm Khăn Liệm rất
nhỏ, kể cả các dấu máu chỉ lớn nửa centimét. Khi phóng lớn lên, người ta có thể
trông thấy cả những gì không có trên đó.
Hai giáo sư Alan và Mary Whanger cũng tuyên bố đã tìm thấy hình
của các hoa và nhiều vật ở cạnh hình người trên tấm khăn. Trong khi giáo sư
Avinoam Danin, chuyên viên thực vật học, tuyên bố đã trực tiếp quan sát được
vài loại hoa trên Tấm Khăn Liệm trong lần trưng bầy năm 1998. Giáo sư tuyên bố
đã nhận diện được 28 loại khác nhau, và theo các nghiên cứu thì nơi duy nhất
tất cả chúng hiện diện là vùng giữa Giêrusalem và Giêricô. Rất nhiều loại trong
số này tương ứng với các phấn hoa đã do giáo sư Max Frei nhận ra. Tuy nhiên,
nhiều chuyên viên không tin vào các nghiên cứu này, và các nghiên cứu của giáo
sư Danin đã không được công bố trên các tạp chí khoa học.
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét