Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

21-06-2015 : (phần II) CHÚA NHẬT XII MÙA THƯỜNG NIÊN năm B

21/06/2015
Chúa Nhật 12 Quanh Năm Năm B
(phần II)


SCĐ CHÚA NHỰT XII THƯỜNG NIÊN - Năm B
CHỦ ĐỀ :
CHÚA TỂ CỦA THIÊN NHIÊN
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I (G 38,1.8-11) : Giavê cho ông Gióp biết Ngài là chúa tể của thiên nhiên.
- Đáp ca (Tv 106) : Ca tụng uy quyền Thiên Chúa trên biển cả.
- Tin Mừng (Mc 4,35-41) : Đức Giêsu dẹp yên bão tố.
I. DẪN VÀO THÁNH  LỄ
Anh chị em thân mến
Đồng bào chúng ta vẫn tin ở Ông Trời, coi Ông Trời là Đấng làm chủ gió mưa, thời tiết, mùa màng và nắm vận mạng của con người. Phần chúng ta, nhờ đức tin, chúng ta được biết Ông Trời ấy chỉ là một ý thức mơ hồ về Thiên Chúa. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã cho chúng ta được biết Ngài và chúng ta hãy cố gắng yêu mến thờ phượng Ngài cho xứng đáng, nhất là trong Thánh lễ này.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Thiên Chúa là chủ tể thiên nhiên. Đối với Ngài, chúng ta thường cầu xin ơn này ơn nọ, nhưng ít khi để ý tới việc thờ phượng Ngài.
- Thiên Chúa là Đấng quan phòng chăm sóc mọi loài. Nhưng ít khi chúng ta trông cậy phó thác vào Ngài.
- Ngày xưa, Đức Giêsu đã trách các môn đệ thiếu đức tin. Huống chi chúng ta, đức tin chúng ta cũng rất yếu kém.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (G 38,1.8-11)
Gióp là một người công chính nhưng phải gặp rất nhiều tai họa. Thân nhân ông trách móc Chúa và không tin vào Chúa nữa. Phần ông, ông không dám trách mà chỉ than thở và cầu xin Chúa cho ông một lời giải đáp về lý do những khổ sở ông đang chịu.
Trong trích đoạn này, Thiên Chúa đưa ra một lời giải đáp gián tiếp : Ngài là chủ tể của thiên nhiên. Chính Ngài điều hành sức mạnh của nước : Ngài tạo dựng ra nó, ấn định cho nó được chảy tới đâu, ngăn không cho nó tràn bờ…
Lời giải đáp hàm chứa trong Lời Chúa là : mọi sự lành hay sự dữ đều được Chúa cho phép mới xảy tới, con người phải biết phó thác vào sự sắp xếp của Ngài.
2. Đáp ca (Tv 106)
Tv này là một bài ca tụng uy quyền Thiên Chúa trên biển cả.
3. Tin Mừng (Mc 4,35-41)
Biển hồ Galilê thường có bão, nhất là vào buổi chiều. Chiều hôm ấy Đức Giêsu bảo các môn đệ dùng thuyền đi từ bờ bên này sang bờ bên kia. Xem ra Ngài cố ý để cho họ gặp bão.
Khi bão đến, Đức Giêsu lại bình thản dựa vào chiếc gối sau lái mà ngủ. Đây lại là một việc làm cố ý để thử xem các môn đệ phản ứng thế nào trong cơn bão.
Phản ứng của họ là "kinh hãi", lại còn trách Chúa "Chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm sao !"
Đức Giêsu đứng lên, và chỉ cần phán một lời, bão liên ngưng. Một bằng chứng rõ ràng Ngài là chủ tể của thiên nhiên.
Sau đó, Đức Giêsu vừa trách các môn đệ vừa kêu gọi họ hãy tin vào uy quyền của Ngài.
4. Bài đọc II (2 Cr 5,14-17)
Chúng ta có thể tóm tắt ý tưởng của Phaolô trong trích đoạn này là : Đức Giêsu Kitô là tất cả.
Sau đây là các chi tiết trong lập luận của thánh Phaolô :
- Vì Đức Kitô đã chết thay cho chúng ta, nên đáp lại chúng ta phải sống cho Ngài chứ đừng sống cho mình nữa.
- Chúng ta cũng chẳng cần biết ai khác ngoài một mình Đức Kitô.
- Đức Kitô đã ban cho chúng ta một cuộc sống mới, vậy từ nay chúng ta phải bỏ hết những gì thuộc cuộc sống cũ để sống một cuộc sống hoàn toàn mới trong Đức Kitô.
IV. GỢI Ý GIẢNG
* 1. Chúa tể thiên nhiên
Bài đọc thứ I của Thánh Lễ hôm nay trích từ sách Gióp, trong đó có một hình ảnh hơi lạ : Chúa đã đóng cửa và gài chốt để ngăn không cho nước chảy tràn lan khắp mặt đất. Đó là một lối diễn tả, dựa theo vũ trụ quan của thời kỳ quyền sách này được biên soạn, tức thế kỷ thứ V trước Công nguyên, nghĩa là cách đây đến 2.500 năm. Thời đó người ta nghĩ rằng trái đất như một cái đĩa nổi bồng bềnh trên mặt đại dương. Chung quanh trái đất và bên dưới trái đất toàn là nước. Phía trên trái đất là vòm trời như một cái chụp tròn úp xuống, và cũng chứa đầy nước. Tất cả lượng nước trên vòm trời và dưới biển ấy được chặn lại bằng những cánh cửa. Khi cửa trời mở ra thì nước mưa rơi xuống ; khi cửa biển mở ra thì nước thuỷ triều dân lên ; còn khi cả cửa trời và cửa biển đều đóng kín lại trong một thời gian lâu dài thì đó là hạn hán. Và người giữ quyền đóng hay mở các cửa đó chính là Thiên Chúa. Đây quả là một lối nhìn vũ trụ rất là đơn sơ và có phần ngây ngô nữa. Tuy nhiên chúng ta có thể thông cảm với tác giả, vì ông sống cách chúng ta đến 2.500 năm, làm sao ông có thể diễn tả chính xác như các nhà khoa học thế kỷ 21 này được. Chúng ta chỉ cần ghi nhận tư tưởng của ông, đó là : chính Thiên Chúa là Đấng làm chủ thiên nhiên, và điều khiển thiên nhiên vận hành để giúp có thể sinh sống.
Có một điều hay, là tư tưởng ấy được chính các nhà khoa học ngày nay xác nhận. Mặc dù không trực tiếp nói đến Chúa như là Chúa tể thiên nhiên, nhưng các nhà khoa học đã cho thấy thiên nhiên đã vận hành theo một trật tự xít xao, nhờ đó mà loài người mới có thể sinh sống được. Thí dụ như trật tự vận hành của trái đất, mặt trời và mặt trăng. Cả 3 đều di chuyển không ngừng, mỗi cái theo quỹ đạo riêng của nó. Nhưng khoảng cách của chúng thì hình như đã được tính toán và điều khiển thật xít xao : chỉ cần mặt trời và trái đất gần nhau hơn một chút nữa thì trái đất sẽ nóng khủng khiếp, do đó loài người sẽ chết cháy ; ngược lại chỉ cần trái đất và mặt trời xa nhau thêm một khoảng nữa thì mặt đất, sẽ giá lạnh, loài người sẽ chết cóng. Còn khoảng cách giữa mặt trăng với trái đất cũng thế : xích gần hơn chút nữa thì thuỷ triều sẽ dâng phủ ngập mặt đất, loài người chết chìm ; còn dang xa hơn một chút thì không còn thuỷ triều, mọi loài trên mặt đất sẽ chết khô.
Ngay cả một hiện tượng thiên nhiên mà người ta thường coi là tai hoạ, đó là giông bão, nhưng khoa học cũng xem là có lợi. Khi nào có giông bão ? Thưa là khi một vùng quá nóng, không khí bốc lên cao tạo thành một khoảng trống. Không khí ở các vùng khác liền ùa về để lấp đầy khoảng trống đó. Dĩ nhiên, khi mà không khí di chuyển như thế với một tốc độ nhanh thì sẽ tạo ra những luồng gió mạnh, có thể làm gãy cây cối, sập nhà, và có người chết. Nhưng nếu nhìn hiện tượng ấy một cách bao quát thì sẽ thấy giông bão là có lợi, và cần thiết nữa, vì nhờ đó mà không khí trên mặt đất được điều hoà.
Rõ ràng thiên nhiên đã được điều khiển theo một trật tự diệu kỳ bởi một Đấng đầy quyền năng. Đấng quyền năng ấy là ai ? Nhiều người chưa được biết, nhưng từ xưa tác giả sách Gióp đã biết và gọi đó là Thiên Chúa. Hôm nay Tin mừng lại nói cho chúng ta biết thêm một lần nữa. Chúng ta hãy nói đến cơn giông bão trên biển hồ Gênêzarét. Vị trí của Biển hồ này hơi đặc biệt : nó giống như một cái lòng chão dưới thấp, chung quanh được bao bọc bởi những rặng núi. Như đã nói ở trên giông bão là do không khí di chuyển đổi vùng với một tốc độ nhanh mạnh. Vậy thì cái Biển Hồ này, do địa thế đặc biệt của nó nên nó rất thường gặp giông bão. Bởi vì khi những luồng gió mạnh thổi qua, gió bị núi ngăn chặn nên không lướt ngay đến vùng khác được., nhưng chạy vòng vòng giữa các rặng núi tạo thành những cơn lốc xoáy, và thế là có bão trên mặt biển. Tuy nhiên những cơn bão này cũng chóng tan. Hôm ấy, Đức Giêsu và các tông đồ đang di chuyển bằng thuyền trên mặt Biển Hồ thì gặp giông bão. Đức Giêsu vì đã nắm rõ bản chất của những cơn bão loại đó nên an tâm cứ nằm ngủ. Còn các tông đồ thì hoảng sợ cuống cuồng. Các ông còn trách móc Chúa "Thưa Thầy, chúng con chết đến nơi rồi mà Thầy không quan tâm sao ?" Đức Giêsu bình tĩnh đứng dậy ra lệnh cho gió và biển, lập tức bão yên, biển lặng. Sau đó Chúa trách lại các tông đồ "Sao các con sợ hãi thế ? Các con không có đức tin ư ?" Qua sự kiện này, Đức Giêsu muốn chứng tỏ rằng Ngài chính là chúa tể của thiên nhiên, và mời gọi chúng ta hãy tin vào Ngài.
Thế nào là tin vào Chúa là chúa tể thiên nhiên ?
- Trước hết là đừng kiêu căng : có một số người có chút ít kiến thức về khoa học, hay có được một vài công trình khoa học ứng dụng trên thiên nhiên, rồi tưởng mình đã là giỏi lắm, đã hoàn toàn điều khiển được thiên nhiên, và từ đó tự coi mình là chúa tể, phủ nhận cả Thiên Chúa. Thực ra khoa học không tạo ra thiên nhiên, khoa học cũng không sửa đổi được những quy luật điều khiển thiên nhiên. Tất cả những gì mà khoa học có thể làm được chỉ là nghiên cứu thiên nhiên có sẵn, tìm hiểu những quy luật có sẵn trong thiên nhiên, rồi ứng dụng để mưu lợi ích cho loài người. Thí dụ như khoa học làm ra được một chiếc tàu chạy trên mặt biển, thì cũng nhờ dựa vào những quy luật thiên nhiên có sẵn, như luật về sức đẩy Archimède khiến cho thân tàu có thể nổi trên mặt nước, luật về sức đẩy của gió được ứng dụng để thổi những cánh buồm v.v. Có gì là ghê gớm lắm đâu ? có gì mà đã lên mặt coi mình giỏi hơn cả Thiên Chúa ? Có gì mà kiêu căng ?
- Thứ hai là đừng mê tín dị đoan : nếu như người kiêu căng là người quá tự phụ vì những hiểu biết khoa học của mình đến nỗi phủ nhận vai trò của Chúa, thì người mê tín dị đoan là người vì không có những kiến thức cơ bản của khoa học và của giáo lý nên không đủ tin vào Chúa mà lại tin những điều nhảm nhí. Ngày xưa vì ngu dốt nên người ta nhìn đâu đâu cũng cho là có thần : như thần sấm sét, thần gió, thần lửa, thuỷ thần, hà bá... Còn ngày nay cũng có người coi các thứ bệnh tật như là do tà ma, do quỷ ám, do bị thư, bị bùa, bị ngãi... Thực ra bệnh tật là gì ? Theo giáo lý, đó là thân phận tự nhiên của loài người kể từ sau tội nguyên tổ. Còn theo khoa học, bệnh là do cô thể suy yếu mà ra. Có bệnh thì phải chữa trị bằng vệ sinh, bằng y dược, chứ không phải chỉ cầu xin, khấn vái hay uống bùa uống ngãi mà hết được, vừa không hết bệnh, lại vừa phạm tội thiếu lòng tin vào Chúa.
- Điều thứ ba để tỏ lòng tin vào Chúa là Chúa tể thiên nhiên là an tâm vui sống dưới ánh mắt Chúa Quan phòng : Chúa đã tạo dựng muôn loài, Chúa còn tiếp tục chăm sóc cho muôn loài, trong đó đương nhiên và hơn hết là loài người chúng ta. Đức Giêsu đã phán "không một sợi tóc nào trên đầu chúng con rụng xuống mà không do ý của Chúa". Vì thế cho dù sự đời có lúc suy, cuộc đời có lúc thăng lúc trầm, nhưng nếu ta biết mọi sự đều năm trong tay Chúa quan phòng thì chúng ta hãy an tâm phó thác đời mình cho Chúa, không có gì phải sợ hãi quá "Sao các con sợ hãi thế ? Các con không có đức tin ư ?"
* 2. Quyền năng Thiên Chúa và phát minh khoa học.
Trong vài thế kỷ gần đây, loài người đã có nhiều phát minh khoa học rất to lớn :
. Cuối thế kỷ 19, Lilienthal làm ra chiếc máy bay có 2 cánh rộng để lượn theo chiều gió. Sau đó Ader đã cải tiến cho chiếc máy bay chạy bằng động cơ.
. Cũng trong thế kỷ 19 đó, Thomas Edison đã phát minh ra bóng đèn điện. Phát minh đó đã khiến cho người ta mừng rỡ và nhiều người đã coi ông như là Thần Ánh Sáng.
. Đến thế kỷ 20, người ta đã bước lên cung trăng và còn đang tiếp tục đi đến các hành tinh khác.
. Cách đây vài năm, người ta đã biết phương pháp "nhân bản" sinh vật (cloning), nghĩa là lấy một tế bào của một sinh vật rồi làm cho thụ tinh để sinh ra một hoặc nhiều sinh vật giống y sinh vật gốc.
. Và hiện nay người ta đang giải mã bộ gien của người và các sinh vật. Kết quả này sẽ giúp trị được rất nhiều chứng bệnh nan y.
Những thành công to lớn ấy của khoa học đã khiến cho một số người nghĩ rằng loài người có thể làm được mọi sự, không cần đến Thiên Chúa nữa... Có kẻ còn cho rằng chẳng có Thiên Chúa nữa. Có đúng như vậy không ?
- Xét kỹ những phát minh khoa học chúng ta sẽ nhận ra rằng loài người thực ra chẳng làm gì hơn là khám phá ra những quy luật có sẵn trong thiên nhiên và áp dụng những quy luật ấy để phục vụ cho đời sống. Chẳng hạn như những phát minh mà chúng ta vừa nói ở trên :
. Chiếc máy bay : đây không phải là sáng kiến mới mẻ gì, mà chỉ là bắt chước khả năng của loài chim thôi.
. Còn về dòng điện : cũng không phải là do con người sáng tạo ra. Điện đã có sẵn trong thiên nhiên từ khi mới có vũ trụ. Đến cuối thế kỷ 18, Benjamin Franklin mới khám phá ra nó có trong sấm sét. Về sau người ta mới đưa điện vào sử dụng trong nhiều việc.
. Và việc người ta tạo ta những bào thai trong ống nghiệm cũng không phải là vượt quyền Chúa sáng tạo nên một con người. Người ta vẫn phải dùng đến những tế bào nam nữ có sẵn và cho kết hợp trong ống nghiệm thay vì kết hợp trong bụng mẹ thế thôi.
Tóm lại, Khoa học chỉ là bắt chước thiên nhiên, làm lại những gì mà thiên nhiên đã từng làm từ ngàn triệu năm trước. Do đó, nếu ai biết nhìn xa cho tới Đấng đã sáng tạo nên thiên nhiên thì người đó càng đi sâu vào khoa học chừng nào thì càng ngưỡng mộ Thiên Chúa bấy nhiêu. Chỉ có những kẻ thiển cận mới tưởng những khám phá ấy là do chính mình sáng tạo và phủ nhận quyền năng của Thiên Chúa. Chúng ta thấy có 2 thái độ nơi những nhà khoa học : một là thái độ khiêm tốn của một nhà thiên văn kia, ông nói "Tôi đã nhìn ra Thiên Chúa qua ống kính viễn vọng của tôi" ; và một nhà du hành vũ trụ khác thì ngạo mạn tuyên bố "Tôi đã bay lên tận trời, nhìn khắp nơi mà chẳng thấy có Thiên Chúa đâu cả". Hai thái độ khác nhau ấy xuất phát từ hai lối nhìn khác nhau : một nhìn xa và một nhìn gần ; xuất phát từ hai tâm trạng khác nhau : một là khiêm tốn, hai là kiêu căng.
- Bài Tin mừng hôm nay giúp chúng ta xác định rõ ai là chủ thực sự của thiên nhiên : chỉ có Chúa mới là chủ thiên nhiên đích thực và đúng nghĩa. Con người chẳng làm gì hơn là khám phá những bí mật của thiên nhiên. Nếu có nói con người là chủ thiên nhiên thì chỉ là theo nghĩa con người được Thiên Chúa ban quyền quản lý thiên nhiên và ban cho những khả năng để khám phá những bí mật trong thiên nhiên ấy. Con người biết suy nghĩ chín chắn và khiêm nhường không thể nào phủ nhận vai trò của Thiên Chúa được. Con người chỉ khám phá những gì có sẵn thôi. Chừng nào con người không cần dùng tới những gì có sẵn ấy, chỉ nói một lời mà có được mọi sự (như Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay chỉ phán một lời thì gió liền yên, biển liền lặng) thì khi đó con người mới có quyền tuyên bố mình là chủ thực sự của thiên nhiên.
Chúng ta phải nhìn nhận rằng khoa học kỹ thuật ngày nay đang tiến những bước thật xa thật nhanh đến nỗi có thể khiến chúng ta say sưa khâm phục. Sự say sưa khâm phục ấy có thể giúp con người suy nghĩ xa hơn, tìm đến chính Đấng là tác giả của những việc kỳ diệu ấy trong thiên nhiên. Nhưng cũng sự say sưa khâm phục ấy có thể làm choáng mắt con người khiến con người chỉ thấy tài năng của mình mà ngạo mạn phủ nhận vai trò của Thiên Chúa.
- Cầu mong cho việc học hỏi tìm tòi không làm chúng ta xa Chúa nhưng khiến chúng ta càng tới gần Chúa hơn. Cầu mong cho việc học hỏi tìm tòi của chúng ta không biến chúng ta thành những kẻ kiêu căng, nhưng giúp các bạn càng khiêm nhường hơn, như lời của một danh nhân nọ "Càng học thì thấy mình càng dốt".
Trong một cuộc hải trình vượt Đại Tây Dương, khách du lịch đang thư thái ngắm cảnh hoàng hôn trên boong tàu.
Nơi tít mù xa, mặt trời đỏ cam đang chiếu những ánh vàng cuối cùng của một ngày còn sót lại.
Bỗng mây đen ùn ùn kéo tới, tối sầm cả một vùng trời. Sấm chớp đổ xuống liên hồi, giông tố cuồn cuộn nổi lên, càng lúc càng thét gào dữ dội.
Mọi người trên boong chen lấn nhau chạy về phòng mình. Duy chỉ có một bé trai cứ tiếp tục chạy giỡn trên boong giữa trận cuồng phong.
Được hỏi tại sao em không sợ hãi trước cơn giông tố ?
Em thản nhiên đáp lại :
- Vì cha em là người cầm lái con tàu !
*
Giống như khách du lịch trong câu chuyện trên, các môn đệ cũng gặp một trận cuồng phong khi vượt biển. Các ngài kinh hoàng vì thấy mình sắp bị nuốt chững. Bó tay bất lực trước phong ba bão táp, các ngài đã vội đánh thức Đức Giêsu và xin Người ra tay cứu giúp : "Thưa Thầy, chúng con chết mất, Thầy không quan tâm sao" (Mc. 4,38). Người liền đe gió và phán với biển như một người bị quỉ ám : "Hãy im đi". Tức thì sóng yên biển lặng.
Ai cũng thích sóng yên biển lặng, xuôi chèo mát mái. Nhưng cuộc đời nào mà chẳng có những cơn giông ? Đại dương nào mà không có những bão tố ?
Tuy nhiên, chính giông tố mới giúp chúng ta nhận ra chính mình : mình còn yếu đuối và bất lực, còn nhát đảm và kém tin.
Cũng chính giông tố sẽ đưa ta đến với Chúa, để ta hoàn toàn phó thác cho sự quan phòng của Người. Cũng chính giông tố sẽ giúp ta biểu lộ đức tin. Có thể nói, đức tin sẽ lớn lên ít nhiều sau mỗi lần giông tố.
Thánh Phaolô viết : "Thiên Chúa không ban cho ta một thần khí nhát sợ nhưng mạnh mẽ, bác ái và tự chủ" (2Tm.1,7),
Mỗi người chúng ta không khác chi chiếc thuyền nan chông chênh giữa cơn lốc cuộc đời, khó khăn nối tiếp khó khăn. Giống như cậu bé đã tin tưởng ở cha mình cầm lái con tàu, mỗi người chúng ta cũng hãy vững tin ở Thiên Chúa tình yêu. Người sẽ hướng dẫn cuộc đời của mỗi chúng ta. Có Chúa trong đời, những cô đơn như bị xóa nhòa, những khó khăn dường như nhỏ lại, những yếu đuối như được mạnh sức. Chúng ta không cầu xin cho cuộc đời mình như biển lặng, nhưng xin cho cõi lòng chúng ta được tĩnh lặng ngay giữa lúc biển động.
Thánh Phanxicô Salêsiô dạy : "Phải ở lại trong con thuyền mà Thiên Chúa đã đặt chúng ta vào, để hành trình từ cõi đời này về chốn đời sau. Chúng ta phải sẵn sàng ở lại trong sự bình an thanh thản".
*
Lạy Chúa, thuyền đời chúng con chẳng bao giờ được êm ả, nó chỉ êm ả khi tới bến thiên đàng. Xin cho lòng chúng con luôn bình an ngay cả khi Chúa còn đang ngủ, miễn là có Chúa trong thuyền, vì Chúa chính là thuyền trưởng của đời chúng con. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

* 4. Vượt tầm kiểm soát
Chiều hôm ấy, Đức Giêsu và các môn đệ đi thuyền vượt biển. Một cơn bão nổi lên. Ban đầu, các môn đệ còn chèo chống và giữ được con thuyền vẫn còn đứng vững trước phong ba bão táp. Đó là tình trạng còn trong tầm kiểm soát. Khi mọi sự còn trong tầm kiểm soát nghĩa là chúng còn nằm trong khả năng xoay sở của ta. Khi đó ta rất dễ nghĩ rằng mình có đức tin. Lèo lái con thuyền đời mình cũng thế. Khi ta còn kiểm soát được những sự việc xảy ra cho đời mình thì ta cảm thấy hạnh phúc. Ta xác định những mục tiêu, ta hoạch định chương trình, ta làm chủ tình thế. Những khi đó, ta không thực sự cảm thấy cần đến Chúa.
Nhưng giông tố ngày càng lớn. Các môn đệ dù đã làm hết sức mình nhưng vẫn không giữ được con thuyền, nó sắp chìm. Các ông chợt nhận ra rằng tình thế đã vượt tầm kiểm soát của họ. Trong đời chúng ta cũng có những lúc tương tự như thế. Đó là khi ta gặp một hoàn cảnh quá khó khăn, hay khi ta bệnh nặng, ta sắp chết. Những khi đó ta thấy mình như không còn sức lực, ta hoang mang, sợ hãi. Chính những khi đó ta mới biết đức tin của mình còn quá yếu kém, thậm chí không có đức tin thực sự. Ta nghĩ rằng không có Chúa hoặc Chúa đã bỏ ta. Trong bài Tin Mừng này, các môn đệ cũng cảm thấy như thế. Họ chạy đến tìm Đức Giêsu nhưng họ thấy Ngài đang ngủ. Họ còn trách Ngài nữa.
Giữa phong ba bão táp, Đức Giêsu vẫn ngủ. Đó là dấu chỉ một đức tin vững mạnh vào Thiên Chúa. Ngược hẳn với đức tin yếu kém của các môn đệ. Khi họ kêu cầu Ngài, Ngài thức dậy, và chỉ một lời thôi, Ngài dẹp yên bão táp.
Con thuyền trong bão táp, đó là hình ảnh cuộc đời chúng ta. Nên nhớ là trong thuyền có Đức Giêsu. Mặc dù Ngài ngủ nhưng Ngài không ở xa và không bỏ chúng ta một mình. Ngài ngủ để thử đức tin của chúng ta đó thôi, để chúng ta biết được đức tin của mình đã vững mạnh hay vẫn còn yếu kém. Chỉ cần chúng ta nhớ đến Ngài, kêu xin Ngài thì Ngài sẵn sàng thức dậy và dẹp yên bão táp đang đe dọa chúng ta.
5. Chuyện minh họa
a/ Câu chuyện của cây vả
Một cây vả kia đã đứng vững suốt mùa đông trước bao cơn gió mạnh. Nhưng đến đầu mùa hè, khi gặp một cơn gió trung bình thôi, nó đã ngã sập xuống. Nhiều người lấy làm lạ.
Thực ra cũng chẳng có gì lạ lắm : Trong mùa đông, cũng như hầu hết các cây khác, cây vả này bị rụng trụi lá. Gió đông có thổi đến thì cũng lọt qua các cành trơ trụi khẳng khiu của nó và bay đi. Bởi thế bao nhiều cơn gió mùa đông cũng không làm cho nó nhúc nhích. Nhưng đông tàn, xuân tới, cây vả bắt đầu đâm chồi nẩy lộc. Đến mùa hè thì cành lá đã xum xuê. Khi gió thổi đến, lá cây cản lại làm sức tấn công của gió càng mạnh hơn. Chính vì thế mà cây vả không còn đứng vững được nữa.
Câu chuyện này giúp ta hiểu thế nào là "giông tố mùa đông" và "giông tố mùa hè". "Giông tố mùa hè" gây hại nhiều hơn "giông tố mùa đông". "Mùa hè" nói đây là lúc cuộc đời ta đang đầy đủ, thoải mái, sung sướng.
b/ Loại máy bay đầu tiên
Ngày kia, tôi đang ngồi trong phòng, một con ruồi vo ve bay vào. Nó bay dập dờn và vù xuống ăn những thức ăn thừa....Nó làm bất cứ điều gì nó thích và bất cứ  khi nào nó muốn.
Một con ruồi chỉ là một sinh vật. Nó hơn hẳn chiếc máy bay.... Nó cất cánh mà không cần chạy như máy bay. Nó đáp xuống ngay tức khắc. Nó không bao giờ rơi và không bao giờ đâm vào bất cứ vật gì hoặc gặp một tai nạn nào. Phi hành đoàn của nó không phải học cách lái hoặc kiểm tra. Nó không có những động cơ trục trặc hay hết nhiên liệu. Và hơn thế nữa  : nó có thể sản xuất ra những chiếc máy bay tương tự  mà chỉ cần một chút sức lực.
Thật khó  có thể kiếm được một thiết bị điện tử hoặc động cơ nào sánh với tất cả những gì một con ruồi có thể làm.
Nó chỉ là một trong nhiều sinh vật của Chúa.....và cho ta thấy rằng có ai đó đã tạo ra nó.
c/ Điều huyền bí.
   Một thanh niên đi du lịch tới một thành phố lớn. Đến một nhà thờ, cậu ngả mũ cung kính cúi chào. Thấy điều này, một hành khách vẻ trí thức bên cạnh cậu nhận định :
- Ồ, tôi biết bạn có đạo. Bạn học gì ở đó ?
- Tôi học những điều huyền nhiệm của tôn giáo.
- Huyền nhiệm ? Bạn không biết rằng chúng ta chẳng bao giờ tin những gì chúng ta không hiểu ? Ít ra đó là nguyên tắc của tôi.
- Vậy anh hãy nói cho tôi biết tại sao ngón tay anh cử động khi anh ngoáy nó ?"
- Nó cử động vì sự sống trong tôi làm nó cử động.
- Nhưng tại sao nó cử động ?
- Vì tôi muốn thế.
- Tại sao tai của anh không cụp lại khi anh muốn ?
   Lúc đó cuộc đối thoại chấm dứt.
6. Tin vào quyền năng Thiên Chúa
 Một sinh viên y khoa người Tây Ban Nha đi viếng trung tâm hành hương kính Đức Mẹ tại Lộ Đức. Ở đại học Madrid, người sinh viên này đã từng nghe các giáo sư vô tín ngưỡng nói về Lộ Đức như xuất xứ của những thứ mê tín dị đoan vẫn còn được loan truyền đi nhiều nơi. Ba tháng ở Lộ Đức, anh muốn theo dõi việc làm của văn phòng xác minh các phép lạ xảy ra tại trung tâm này.
 Vậy thời gian ba tháng ở Lộ Đức, người sinh viên này đã được chứng kiến ba phép lạ. Cả ba trường hợp đều có các bác sĩ vô thần theo dõi để xác minh tính đích thực của phép lạ.
 Hãy nghe người sinh viên này chia sẻ điều mắt thấy tai nghe về một trong ba phép lạ đó.
 Tại Lộ Đức
 "Hôm đó tôi đang ở tiền đường vương cung thánh đường Lộ Đức cùng với các chị của tôi hiện có đó chỉ mấy phút trước khi Kiệu Mình Thánh Chúa đi qua. Khi ấy một người đàn bà tuổi trung tuần đang đẩy chiếc xe lăn qua trước mắt chúng tôi. Một người chị tôi lưu ý chứng tôi khi nói "Kìa hãy coi cậu con trai đáng thương trên chiếc xe lăn !" Đó là một chàng trai chừng 20 tuổi bị bệnh bại liệt làm biến dạng. Mẹ của chàng khi ấy lần chuỗi to tiếng, lúc lúc lại thở dài thưa với Đức Mẹ "Lạy Đức Nữ Đồng Trinh, xin giúp đỡ chúng con !" Quả là một cảnh tượng cảm động gợi nhớ lại bệnh nhân xưa đã thưa với Đức Giêsu : "Lạy Chúa, xin cho con được sạch khỏi bệnh phong." Người đàn bà đẩy xe lăn không muốn chậm trễ nhưng đã tới ngay chỗ những người đang chờ Đức Giám Mục rước Mình Thánh đi ngang qua.
 Đã đến lúc Đức Giám Mục sắp ban phép lành Mình Thánh cho chàng thanh niên bại liệt. Khi ấy chàng thanh niên nhìn thẳng mặt nhật đựng Mình Thánh Chúa. Đó xem ra là cách anh biểu lộ niềm tin của anh. Thế rồi khi Đức Giám Mục ban phép lành với dấu thánh giá bao quát, cậu thanh niên bại liệt liền chỗi dậy, ra khỏi xe lăn, hoàn toàn khỏi bại liệt ! Dân chúng liền hô to trong niềm vui : "Đó là một phép lạ ! Đó là một phép lạ !"
 Nhờ có giấy phép đặc biệt, tôi được chứng kiến những xác minh tiếp theo để thấy quả thật, Chúa đã chữa lành người thanh niên. Tôi không thể nào diễn tả hết được những điều tôi cảm nhận và tâm trạng tôi lúc đó. Tôi đến từ trường Y Khoa Đại Học Madrid, nơi có nhiều giáo sư vô tín (và nhiều vị nổi tiếng). Nhiều sinh viên bạn học tôi luôn nhạo báng các phép lạ. Và giờ đây, tôi được thấy tận mắt một phép lạ. Đây là một phép lạ do Đức Giêsu Thánh Thể thực hiện, cũng Đức Giêsu xưa đã từng chữa lành bao người bại liệt và bệnh nhân khác. Tôi nghiệm được một niềm vui lớn lao. Tôi có ấn tượng tôi được ở ngay bên cạnh Chúa. Khi ấy tôi cảm nhận sức mạnh vô song của Chúa và cảm thấy thế giới bao quanh tôi bỗng trở nên cực kỳ nhỏ bé. Tôi đã trở về Madrid, Tây Ban Nha. Những chồng sách, những bài học, những cuộc thí nghiệm tôi đã từng thực hiện với bao là hứng khởi nay không còn là sức nặng lôi kéo tôi nữa. Các bạn tôi hỏi tôi : "Điều gì đã xảy ra cho cậu trong niên học này vậy ? Điều gì khiến cậu sững sờ ?" Quả thật tôi bị sững sờ do kỷ niệm khiến tôi bị khuynh đảo mỗi ngày. Duy hình ảnh Mình Thánh Chúa được giơ lên để ban phép lành khiến cậu thanh niên bại liệt kia nhảy vọt ra khỏi chiếc xe lăn, hình ảnh ấy in sâu vào ký ức và vào trái tim tôi. Ba tháng sau đó tôi nhập Tập Viện Dòng Tên. Đó là ngày 15 tháng 1, 1927."
 Tại Nhật Bản
 Chàng sinh viên ấy tên là Pedro Arrupe. Suốt đời chàng sẽ không bao giờ quên được phép lạ Chúa làm trước mắt anh. Được củng cố mạnh mẽ do phép lạ như dấu chỉ về quyền năng vô cùng của Thiên Chúa, anh sẽ không bao giờ lùi bước trên đường dấn thân phục vụ Người :
 + Bị trục xuất khỏi quê hương Tây Ban Nha ngày 13 tháng 02, 1932 cùng với tất cả các tu sĩ Dòng Tên.
 + Nhận thừa tác vụ Linh Mục ngày 30 tháng 7, 1936 tại Hà Lan.
 + Được phái đi truyền giáo tại Nhật Bản ngày 15 tháng 10, 1938
 + Phục vụ nạn nhân bom nguyên tử giáng trên Hiroshima ngày 6 tháng 8, 1945.
 + Được bầu làm Tổng Quyền thứ 29 Dòng Tên ngày 22 tháng 5, 1965 sau nhiều năm làm giám đốc Tập Sinh và làm giám tỉnh Dòng Tên ở Nhật.
 Quả thật phép lạ xưa cũng như nay chỉ có ý nghĩa khi là dấu chỉ về Nước của Thiên Chúa như lời Đức Giêsu tuyên bố với người Pharisêu : "Nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông" (Mt 12,28). Ai nhận ra dấu lạ Chúa làm cũng được thúc đẩy dấn thân hết mình để phục vụ Nước Thiên Chúa.
Câu chuyện phép lạ chàng thanh niên bại liệt được chữa lành tại Lộ Đức khiến chàng sinh viên Pedro Arrupe được hoán cải như thế nào trên con đường phục vụ Nước Chúa. Cuộc hoán cải ấy không thấm vào đâu so với cuộc hoán cải của Simon Phêrô và các bạn một khi nhận biết quyền năng của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Phục Sinh. Họ đã hy sinh cả mạng sống mình để phục vụ Nước Thiên Chúa. Họ đã thực sự trở nên giềng cột của Hội Thánh Chúa nhờ tin vào quyền năng của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. (Lm Augustine sj, Vietcatholic 2001)
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Trong niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa là chủ tể thiên nhiên, chúng ta hãy dâng lên Ngài những lời cầu xin của chúng ta :
1. Hội Thánh có sứ mạng rao giảng cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là chủ tể của thiên nhiên. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho nhân loại đón nhận lời rao giảng của Hội Thánh.
2. Khoa học kỹ thuật ngày nay rất tiến bộ, phát minh ra nhiều điều kỳ diệu. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những phát minh đó không làm cho loài người kiêu căng chối bỏ Chúa, trái lại giúp loài người càng nhận biết và khâm phục Chúa hơn.
3. Mặc dù y học đã tiến bộ rất nhiều, nhưng cũng đành phải bó tay trước cái chết, nghĩa là không thể làm cho con người thành bất tử được. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những người mang những chứng bệnh ngặt nghèo và nhất là những người hấp hối, để họ biết bình an phó thác mạng sống của mình trong tay Chúa.
4. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta thực sự là một cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn phượng tự, nghĩa là luôn tin tưởng vào Chúa và thờ phượng Chúa như chủ tể mọi loài.
CT : Lạy Đức Giêsu, ngày xưa Chúa đã trách các môn đệ rằng "Sao các con sợ hãy thế ? Các con không có đức tin ư ?". Ngày nay cũng vì thiếu đức tin mà chúng con phải sợ hãi nhiều điều. Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con, để trong mọi hoàn cảnh chúng con biết hoàn toàn cậy dựa vào Chúa và phó thác trong tay Chúa. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
VI. TRONG THÁNH LỄ
- Trước kinh Lạy Cha : Chúng ta có một người Cha "ở trên trời", nghĩa là một người Cha uy quyền, làm chủ mọi loài mọi vật. Chúng ta hãy tin tưởng cầu nguyện với Ngài.
- Chúc bình an : Chúng ta hãy chúc cho nhau được bình an, bình an vì biết mình đang sống trong vòng tay yêu thương của Chúa.
VII. GIẢI TÁN
Cuộc sống ví như một cuộc đi thuyền giữa biển cả cuộc đời nhiều phong ba bão táp. Nhưng có Chúa trên thuyền thì mọi sự đều bình an. Chúng ta hãy trở lại cuộc sống với tâm tình trông cậy phó thác tất cả trong tay Chúa. Chúc anh chị em luôn bình an.
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI


Con thuyền của các môn đệ trong bài Tin Mừng sáng hôm nay chính là hình ảnh cuộc đời chúng ta. Thực vậy, cuộc đời chúng ta với bao nhiêu phong ba bão táp, đó là những thất bại của bản thân, những khó khăn của cuộc sống, của xã hội, những khổ đau của những người xunh quanh, làm cho chúng ta nhiều lúc chán nản tuyệt vọng.
Tại sao lại có những sóng gió trong cuộc đời? Phải chăng Thiên Chúa đã bỏ rơi chúng ta? Có người cho rằng chính Thiên Chúa thử thách để rèn luyện và củng cố niềm tin nơi chúng ta. Có người lại cho rằng do trình độ hạn chế của con người trước sức mạnh của thiên nhiên. Nhưng có lẽ nguyên nhân trực tiếp nhất vẫn là do cách đối xử của con người đối với con người trong cuộc sống.
Thực vậy, chính thái độ vô trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ đã dẫn đến tình trạng tuổi trẻ lang thang, bụi đời. Chính sự ích kỷ tàn nhẫn của một số người đã tước đoạt đi những phương tiện sống và phẩm giá của những người khác.
Nghịch cảnh và sóng gió như vẫn tồn tại song song với số phận và lịch sử con người. Các môn đệ cũng như chúng ta phải đương đầu, phải đối phó với cuồng phong. Thế nhưng chúng ta sẽ tìm thấy niềm an ủi nơi Thiên Chúa bởi vì dưới bàn tay quyền năng và yêu thương của Ngài, sóng gió cũng phải khuất phục và sự bình an sẽ trở lại với chúng ta.
Sự dữ tuy tràn lan, nhưng ơn sủng của Ngài vẫn dư đầy, bởi vì Ngài luôn yêu thương chúng ta, Ngài không hề bỏ rơi con người. Bằng chứng là Đức Kitô đã đến, Ngài tìm mọi phương cách, thậm chí cả đến cái chết của mình để cho chúng ta thêm xác tín vào tình thương của Ngài. Một vị Thiên Chúa nhân lành như vậy, nhất định sẽ không bao giờ muốn cho con người phải đau khổ, nhất định Ngài sẽ cứu chúng ta.
Làm sao chúng ta có thể thất vọng và chán nản khi Ngài vẫn ở bên chúng ta và vẫn yêu thương chúng ta. Mặc dù ngày nay Thiên Chúa không còn trực tiếp làm phép lạ để truyền cho sóng gió phải yên lặng, nhưng Ngài dùng bàn tay của những người nhiệt tâm làm vơi giảm những nghịch cảnh, những bất công trong cuộc sống. Và cũng không ít những con người đang đấu tranh cho công bằng xã hội. Nhiều khi họ cũng đã phải trả giá cho những đấu tranh ấy bằng chính mạng sống của mình.
Còn chúng ta thì sao? Niềm tin vào một Thiên Chúa toàn năng và yêu thương lẽ nào lại để cho chúng ta phải buông xuôi và tuyệt vọng bởi vì Đức Kitô chính là niềm hy vọng, chính là sức sống trong cuộc đời chúng ta.

Lectio Divina: Chúa Nhật XII Thường Niên (B)
Chúa Nhật, 21 Tháng 6, 2015
Chúa Giêsu dẹp yên sóng bão
Chúa Giêsu ngủ trong thuyền chúng tôi 
Mc 4:35-41


1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin Chúa hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc 

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Có những ngày khi mà đời sống giống như một con thuyền nhỏ bé bị dập vùi trong những đợt sóng của bão biển.  Tất cả mọi thứ chung quanh ta trông âm u, một cơn bão sắp ập tới.  Thiên Chúa thì ẩn mặt, Đức Giêsu thì đi vắng, không một ai cận kề để có thể giúp đỡ, khuyến khích chúng ta.  Người ta dường như muốn buông xuôi!
Chúng ta hãy lắng nghe câu chuyện sóng bão bị dẹp yên.  Khi đọc, chúng ta hãy mường tượng như mình đang ở trên thuyền cùng với Chúa Giêsu và các môn đệ. Chúng ta hãy gắng cùng sống với các ông về những gì đang xảy ra và hãy chú ý đến thái độ của Chúa Giêsu và phản ứng của các môn đệ.

a)  Phân đoạn văn bản để giúp chúng ta đọc bài đọc:
Mc 4:35-36:  Chúa Giêsu quyết định đi sang phía bên kia bờ hồ
Mc 4:37-38:  Một trận bão bất ngờ nổi lên gây nguy hiểm cho mạng sống của tất cả mọi người trên thuyền
Mc 4:39-40:  Chúa Giêsu dẹp yên sóng bão và quở trách việc kém lòng tin
Mc 4:41:  Nỗi sợ hãi và thiếu hiểu biết về phần của các môn đệ
  
c)  Phúc Âm:
35 Ngày ấy, khi chiều đến, Đức Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  “Chúng ta sang bên kia biển hồ!”  36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. 37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.  38 Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ.  Các môn đệ đánh thức Người dậy mà nói:  “Thầy ơi, chúng con chết đến nơi rồi, mà Thầy chẳng lo gì sao?”  39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển:  “Im đi!  Lặng đi!”  Gió biển liền tắt, và biển lặng như tờ.  40 Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế?  Làm sao mà các con vẫn chưa có lòng tin?”  41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau:  “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”  

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm và cầu nguyện.

a)  Điểm nào trong đoạn Tin Mừng đã làm bạn hài lòng nhất?  Tại sao?
b)  Chúa Giêsu và các môn đệ đã ở trong tình cảnh nào, và phản ứng của các ông ra sao?  
c)  Biển bão tố vào thời Chúa Giêsu là những điều gì?  Biển bão tố trong thời thánh Máccô đang viết sách Tin Mừng của mình là những điều gì?  Ngày nay, vùng biển bão tố của bạn là những điều gì?
d)  Bạn hãy đọc sách Isaia 43:2 và Thánh Vịnh 107(106):25-30, và hãy so sánh những văn bản này với đoạn Tin Mừng về gió bão bị dẹp tan.  Bạn có thể kết luận được điều gì?
e)  Tất cả những điều này có ý nghĩa gì trong cuộc sống của chúng ta ngày nay?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề.


a)  Bối cảnh để làm sáng tỏ văn bản:

Một bức tranh đẹp được treo trên một bức tường với ánh sáng đầy đủ có vẻ như trông xinh đẹp hơn nhờ vào màu sắc của bức tường đã làm nổi bật vẻ đẹp.  Điều này cũng đúng cho bức tranh bão tố bị dẹp yên.  Bức tường bối cảnh làm tăng vẻ đẹp của nó.  Máccô vừa thuật lại hai dụ ngôn đưa ra mầu nhiệm Vương Quốc Nước Trời hiện hữu trong những việc của đời sống (Mc 4:1-34).  Giờ đây, ông bắt đầu nói về mầu nhiệm Nước Trời hiện diện trong quyền năng được thực hiện bởi Đức Giêsu cho các môn đệ của mình, cho dân chúng, và trên hết, cho những người bị loại trừ và chịu thiệt thòi.  Chúng ta hãy nhìn vào trình tự:  Máccô bắt đầu giới thiệu một Chúa Giêsu, Đấng khắc phục được biển cả, tượng trưng cho sự hỗn loạn.  Trong Chúa Giêsu có quyền năng của Đấng tạo hóa! (Mc 4:35-41).  Ngay sau đó, ông cho thấy một Chúa Giêsu, Đấng chiến thắng và xua trừ ma quỷ.  Trong Người có một sức mạnh giải thoát! (Mc 5:1-20).  Sau cùng, ông mô tả nhiều về phong cách mà Chúa Giêsu đã chiến thắng sự ô uế và cái chết.  Trong Người có quyền năng cùa sự sống! (Mc 5:21-43).  Trong Chúa Giêsu có một sức mạnh tạo dựng để giải thoát, thanh tẩy và truyền sự sống cho những ai tiếp cận với Người!
Máccô đang viết cho các cộng đoàn bị bách hại của những thập niên 70, những kẻ đang cảm thấy như họ đang ở trên một con thuyền nhỏ bị cuốn mất hút vào biển cả của cuộc sống, có rất ít hy vọng là có thể đến được bến bờ bình an như mong muốn.  Chúa Giêsu dường như đang ngủ trong thuyền của các ông, bởi vì các ông không cảm thấy được sức mạnh của Thiên Chúa để cứu họ khỏi cuộc bách hại. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng đó, thánh Máccô đem lại những đoạn Tin Mừng khác nhau để nhấn mạnh đến quyền năng mà Chúa Giêsu đang hiện diện trong các cộng đoàn.  Đó là Chúa Giêsu chiến thắng!  Họ không cần phải lo sợ gì.  Đây là mục đích của câu chuyện sóng bão bị dẹp yên.

b)  Lời chú giải về văn bản:

Mc 4:35-36:  Điểm khởi hành:  “Chúng ta sang bên kia biển hồ”.
Đó là một ngày mệt mỏi với nhiều công việc.  Có nhiều người đến độ mà Chúa Giêsu, để tránh khỏi bị đám đông đè bẹp, đã phải xuống một cái thuyền để giảng dạy cho họ qua phương pháp dụ ngôn (Mc 4:1).  Có những ngày khi mà cũng không có cả thì giờ để ăn uống (Mc 3:20).  Sau khi kể dụ ngôn cho dân chúng xong, Chúa Giêsu bảo các môn đệ:  “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ!”  Và tại đó, các ông đưa Người vào trong thuyền.  Chúa Giêsu đã quá mệt mỏi đến độ mà dựa vào gối và ngủ thiếp đi.  Đây là hình ảnh đầu tiên mà Máccô trình bày cho chúng ta. Một khung cảnh tuyệt đẹp và khá nhân bản.

Mc 4:37-38:  Tình huống tuyệt vọng:  “Thầy ơi, chúng con chết đến nơi rồi, mà Thầy chẳng lo gì sao?”
Biển hồ Galilê gần ngọn núi cao.  Thỉnh thoảng qua giữa các khe đá, gió thổi mạnh vào biển hồ và gây ra những cơn bão bất chợt.  Con thuyền đã bị ngập nước!  Các môn đệ là những ngư phủ lão luyện.  Nếu các ông nghĩ rằng họ sắp sửa bị chết chìm, thì điều này có nghĩa là tình hình thật sự là nguy hiểm!  Chúa Giêsu đã không hay biết gì và vẫn còn thiếp ngủ.  Việc ngủ thiếp này không chỉ là dấu hiệu của sự mệt mỏi tột cùng, mà đó cũng là một sự biểu lộ niềm tin lặng lẽ của Người vào Thiên Chúa.  Sự tương phản giữa thái độ của Chúa Giêsu và của hai môn đệ thì thật quá lớn lao!  

Mc 4:39-40:  Phản ứng của Chúa Giêsu:  “Làm sao mà các con vẫn chưa có lòng tin?”
Chúa Giêsu thức giấc không phải vì những con sóng mà bởi vì tiếng kêu nài khẩn khoản của các môn đệ:  “Thầy ơi, chúng con chết đến nơi rồi, mà Thầy chẳng lo gì sao?”  Chúa Giêsu đứng dậy.  Đầu tiên, Người hướng về biển và truyền lệnh:  “Im đi!  Lặng đi!”  Và biển lắng xuống.  Đoạn Người quay sang các môn đệ và nói với họ:  “Tại sao các con lại sợ?  Làm sao mà các con vẫn chưa có lòng tin?”  Ấn tượng mà người ta có được là biển cả đã không cần phải dẹp yên vì không có gì nguy hiểm.  Nó giống như người ta đến thăm một căn nhà và có một con chó nhỏ đứng bên cạnh chủ nhà và sủa mừng khách.  Không cần phải sợ hãi bởi vì chủ nhà đang ở đó để kiểm soát tình hình.
Đoạn Kinh Thánh về biển được dẹp yên gợi nhớ lại cuộc xuất hành, khi mà đám đông, không có bất kỳ một sự sợ hãi nào, đã vượt qua biển cả (Xh 14:22).  Nó gợi nhớ lại lời của Tiên tri Isaia đã nói với đám đông:  “Ngươi có băng qua nước, Ta sẽ ở cùng ngươi!” (Is 43:2).  Chúa Giêsu hồi tưởng lại đoạn Kin Thánh và kiện toàn nó trong lời tiên tri được nói đến trong Thánh Vịnh rằng:  “Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng CHÚA, Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân.  Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng.  Họ vui sướng, vì trời yên bể lặng, và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ!” (Tv 107:28-30).  

Mc 4:41:  Việc thiếu hiểu biết của các môn đệ:  “Người này là ai?”
Chúa Giêsu dẹp yên biển cả và bảo các ông:  “Làm sao mà các con vẫn chưa có lòng tin?”  Các môn đệ không biết phải trả lời ra sao và nói với nhau:  “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”  Đối với các ông, Chúa Giêsu dường như là một người xa lạ.  Cho dù đã có một thời gian dài sống bên nhau, các ông không thực sự biết Người là ai.  Người này là ai?  Với câu hỏi này chiếm hữu tâm trí họ, cộng đoàn tiếp tục đọc.  Và cho đến ngày nay, cùng câu hỏi này thúc giục chúng ta tiếp tục đọc Tin Mừng.  Đây là điều mong muốn để biết về Đức Giêsu nhiều hơn nữa trong đời sống chúng ta.

c)  Phần phụ chú:  Chúa Giêsu là ai?
Những tên và danh hiệu được dành cho Chúa Giêsu:

Thánh sử Máccô bắt đầu sách Tin Mừng của mình với dòng chữ:  “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1:1).  Tại cuối sách, vào thời điểm cái chết của Chúa Giêsu, viên đại đội trưởng dân ngoại kêu lên:  “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!” (Mc 15:39).  Như vậy, tại trang đầu và cũng như đoạn cuối của sách Tin Mừng, Chúa Giêsu được gọi là Con Thiên Chúa.  Ở giữa trang đầu và trang cuối, có rất nhiều tên khác được chỉ về Chúa Giêsu, hơn hai mươi tên!  Dưới đây là danh sách những tên và danh hiệu được dành cho Chúa Giêsu trong sách Tin Mừng của Máccô ở giữa danh xưng Con Thiên Chúa ngay lúc khởi đầu (Mc 1:1) và tại lúc kết thúc (Mc 15:39):
·      Đấng Thiên Sai, Đức Kitô (có nghĩa là, Đấng được xức dầu) (Mc 1:1; 8:29; 14:61; 15:32)
·      Chúa (Mc 1:3; 5:19; 11:3)
·      Con Yêu Dấu (Mc 1:11; 9:7)
·      Đấng Thánh của Thiên Chúa (Mc 1:24)
·      Giêsu Nagiarét (Mc 1:24; 10:47; 14:67; 16:6)
·      Con Người (Mc 2:10,28; 8:31,38; 9:9,12,31; 10:33,45; 13:26; 14:21,41, 62)
·      Chàng Rể (Mc 2:19)
·      Con Thiên Chúa (Mc 3:11)
·      Con Đấng Tối Cao (Mc 5:7)
·      Bác thợ mộc (Mc 6:3)
·      Con bà Maria (Mc 6:3)
·      Đấng Tiên Tri (Mc 6:4,15; 8:28)
·      Thầy (thường xuyên)
·      Thầy Nhân Lành (Mc 10:17)
·      Con vua Đavít (Mc 10:47,48; 12:35-37)
·      Thầy (Rabbuni - Giáo sĩ Do Thái) (Mc 10:51)
·      Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa (Mc 11:9)
·      Thầy (Rabbi) (Mc 11:21)
·      Chúa Con (Mc 13:32)
·      Người Mục Tử (Mc 14:27)
·      Con của Đấng Đáng Chúc Tụng (Mc 14:61)
·      Vua dân Do Thái (Mc 15:2,9,18,26)
·      Vua Israel (Mk 15:32)            

Đức Giêsu thì cao trọng hơn bất kỳ danh hiệu hay tên gọi của Người:

Mỗi tên gọi, danh hiệu hoặc danh xưng là một nỗ lực để nói lên Chúa Giêsu có nghĩa là gì đối với một số người.  Nhưng một tên gọi, dù cho là hoa mỹ thế nào, sẽ không bao giờ tỏ lộ hết được những bí ẩn về một con người và lại càng cho biết ít hơn về con người của Chúa Giêsu.  Ngoài ra, một số những tên này, ngay cả những tên quan trọng và truyền thống nhất cũng bị gạn hỏi và nghi ngờ bởi chính Chúa Giêsu.  Vì vậy, khi chúng ta đọc Tin Mừng, Máccô buộc chúng ta xem xét lại các ý tưởng của chúng ta và tự hỏi bản thân mình mỗi khi đọc:  “Trong lần phân tích vừa qua, Chúa Giêsu là ai đối với tôi, là ai đối với chúng ta?”

i)  Một số người hy vọng rằng Đấng Cứu Thế sẽ là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1:24), đó là một vị Thượng Tế, thần ô uế đã ám chỉ điều này, nhưng Chúa Giêsu ra lệnh cho nó phải im lặng! (Mc 1:24-25).
ii)  Những người khác hy vọng rằng Đấng Cứu Thế sẽ là Con vua Đavít.  Nhưng chính Chúa Giêsu đặt vấn đề với danh hiệu này:  “Làm sao mà các Kinh Sư lại có thể cho rằng Đức Kitô là con vua Đavít được?  Chính vua Đavít gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng” (Mc 12:35-37).
iii)  Còn những kẻ khác kỳ vọng một vị Vua Cứu Thế.  Nhưng khi quan Philatô hỏi Chúa Giêsu có phải là vua không, thì Chúa Giêsu đã không khẳng định mà cũng chẳng phủ nhận, nhưng lại trả lời:  “Đó là lời ngài nói” (Mc 15:2).  Và khi Người nói về các vị vua và kẻ cai trị, Người quả quyết với các môn đệ:  “Giữa các con thì không được làm như vậy” (Mc 10:42-43).
iv)  Tương tự như thế với danh hiệu Đấng Kitô.  Ông Phêrô tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế.  Nhưng khi Chúa Giêsu đưa ra những hệ quả và bắt đầu nói về cây thập giá, thì ông Phêrô đã không chấp nhận điều đó (Mc 8:31-33).  Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, nhưng không phải là loại Đấng Cứu Thế mà Phêrô tưởng tượng.
v)  Những người bị quỷ ám đã gọi Chúa Giêsu là “Con Thiên Chúa” (Mc 3:11) và “Con Đấng Tối Cao” (Mc 5:7).  Nhưng Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho ma quỷ phải im lặng và xuất ra khỏi những người bị ám (Mc 3:12; 5:8).  Trước thượng hội đồng, các kẻ thù đã cáo buộc Chúa Giêsu và hỏi:  “Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?”  Người trả lời:  “Phải chính thế!  Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc 14:62).  Khi Người xác nhận tên gọi, Chúa Giêsu không nói rằng mình là Con Thiên Chúamà nói rằng mình là Con Người.  Hai điều này có giống nhau không?  Một điều chắc chắn là:  Chúa Giêsu không phải là Con Thiên Chúa theo cách mà thần ô uế (Mc 3:11; 5:7) và các kẻ thù của Ngài mường tượng (Mc 14:61).  Thế thì, làm thế nào mà Người là Con Thiên Chúa được?  Câu hỏi đặt ra vẫn chưa có câu trả lời trong tâm trí của người ta, của các môn đệ và các độc giả!
Như thế, Chúa Giêsu là ai?  Chúng ta càng đọc Phúc Âm của Máccô, thì tất cả các danh hiệu và các tiêu chuẩn càng bị sụp đổ.  Đức Giêsu thì không phải là bất kỳ những tên gọi này, cũng chẳng phù hợp trong bất kỳ sắp đặt nào, bất kỳ một danh hiệu nào.  Chúa thì cao trọng hơn tất cả những điều ấy.  Càng đọc, chúng ta càng từ bỏ ý tưởng đóng khung Chúa Giêsu vào trong khái niệm định kiến và chấp nhận Người như Người tự giới thiệu.  Tình yêu thì quyến rũ, lý trí thì không!  Tốt hơn hết là ta hãy cúi đầu và tôn thờ và không sợ hãi khi biển cả nổi lên một cơn bão!  

6.  Cầu nguyện với Thánh Vịnh 107 (106):21-43                                      
Nếu trùng dương dậy sóng, thì Thiên Chúa sẽ che chở chúng ta!
Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình thương của Chúa,
Và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần.
Ước chi họ dâng lễ tế tạ ơn Chúa,
Cất tiếng hò reo, tường thuật việc Chúa làm!

Họ vượt biển ngược xuôi nghề thương mại,
Giữa trùng dương lèo lái con tàu,
Mắt đã tường việc CHÚA làm nên
Và kỳ công Người thực hiện giữa dòng nước lũ.
Chúa truyền lệnh khiến bùng lên bão táp,
Lóp sóng xô cuồn cuộn dập dồn.
Họ nhô lên tận trời, nhào xuống vực sâu,
Lúc nguy hiểm, hồn xiêu phách lạc,
Bị quay cuồng, lảo đảo như say,
Khéo cùng khôn đã chìm đâu mất.

Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng CHÚA,
Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân.
Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng,
Sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng,
Họ vui sướng, vì trời yên bể lặng
Và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ.

Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình thương của Chúa,
Và vì nhửng kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần.
Ước chi cho tán dương Người nơi nhóm họp toàn dân
Và ca tụng giữa hội đồng bô lão.

Chúa khiến sông ngòi cạn đi thành sa mạc,
Đổi suối nguồn ra hoang địa khô khan,
Đất mầu mỡ hóa đồng chua nước mặn,
Vì dân cư độc ác gian tà.
Người lại biến sa mạc thành hồ ao
Và hoang địa khô khan nên nguồn suối.
Kẻ nghéo đói, Người cho đến ở,
Họ lập nên thành thị để định cư.

Gieo lúa ngoài ruộng, trồng nho trong vườn,
Họ thu hoạch hoa màu lợi tức.
Chúa chúc lành, họ sinh sôi nảy nở,
Bầy gia súc, Người không để giảm đi.
Nhưng rồi họ phải tiêu hao lụn bại,
Điêu đứng vì tai họa khổ đau.
Chúa đổ nhuốc nhơ xuống hàng quyền thế,
Bắt phiêu bạt giữa chốn hoang vu,
Không đường ra lối vào.

Nhưng Chúa lại cất nhắc
Kẻ nghèo hèn thoát cảnh lầm than,
Ban cho cả giống dòng
Như chiên cừu sinh năm đẻ bảy.
Người chính trực thấy thế mà mừng rỡ,
Bọn gian tà chẳng dám hé môi.
Ai kẻ hiền nhân, hãy để tâm suy nghĩ,
Thì sẽ am tường lòng CHÚA thương yêu.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét