Trang

Chủ Nhật, 11 tháng 2, 2018

12-02-2018 : THỨ HAI TUẦN VI THƯỜNG NIÊN

12/02/2018
Thứ Hai tuần 6 thường niên


Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 1, 1-11
"Lòng tin của anh em được thử thách, rèn luyện đức kiên nhẫn, để anh em nên hoàn hảo và trọn vẹn".
Khởi đầu bức thơ của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Giacôbê, đầy tớ của Thiên Chúa và của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, kính chào mười hai chi tộc sống phân tán khắp nơi. Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng khi gặp mọi thử thách, anh em biết rằng lòng tin được thử thách rèn luyện đức kiên nhẫn. Còn kiên nhẫn phải đưa đến hành động hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo và trọn vẹn, không khiếm khuyết điều gì.
Nếu ai trong anh em thấy mình khiếm khuyết sự khôn ngoan, thì hãy xin cùng Thiên Chúa là Ðấng rộng lượng ban ơn cho mọi người mà không quở trách, và Người sẽ ban cho. Nhưng hãy lấy lòng tin tưởng mà xin, đừng hoài nghi, vì ai hoài nghi, thì giống như sóng biển bị gió cuốn đi và giao động. Con người hai lòng, do dự trong mọi đường lối, con người ấy đừng mong lãnh nhận gì nơi Chúa.
Người anh em khó hèn, hãy hiên ngang vì được suy tôn; còn người giàu mà trở nên khó hèn, thì cũng vậy, vì chưng ai nấy cũng sẽ qua đi như hoa cỏ. Mặt trời mọc lên nóng bức, làm cho cỏ héo hoa tàn, và vẻ đẹp của nó cũng tiêu tan; người giàu có cũng vậy, bôn ba đến mấy, cũng sẽ suy tàn.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 67. 68. 71. 72. 75. 76.
Ðáp: Nguyện Chúa xót thương cho con được sống (c. 77a).
Xướng: 1) Trước khi bị khổ, con đã lạc lầm, nhưng giờ đây, lời sấm của Ngài con xin tuân. - Ðáp.
2) Chúa là Ðấng tốt lành và nhân hậu, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.
3) Con bị khổ nhục, đó là điều tốt, để cho con học biết thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.
4) Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn. - Ðáp.
5) Lạy Chúa, con biết sắc dụ Ngài công minh, và Ngài có lý mà bắt con phải khổ. - Ðáp.
6) Xin Chúa tỏ lòng thương hầu ủy lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa. - Ðáp.
  
Alleluia: Ga 15, 15b
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 8, 11-13
"Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người. Người thở dài mà nói: "Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào". Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm: Dấu lạ của tình thương
Thánh Marcô đặt cuộc tranh luận giữa Chúa và những người Biệt phái, sau một loạt phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện khi bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài. Phép lạ mới nhất là việc hóa bánh và cá ra nhiều cho đám đông theo Ngài. Những người Biệt phái đã bắt đầu nghe nói đến hoặc chính mắt họ chứng kiến các phép lạ của Chúa Giêsu, nhưng họ không tin.
Ở đây, chúng ta thấy rõ tương quan giữa phép lạ và lòng tin của con người. Chúa Giêsu không làm phép lạ như một trò ảo thuật; Ngài làm phép lạ trước hết là để biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa, loan báo những dấu chỉ của Nước Trời và kêu gọi lòng tin nơi con người, do đó phép lạ là một lời mời gọi hơn là một cưỡng bách.
Khi những người Biệt phái đòi hỏi một dấu lạ, thái độ đó gợi lại sự thử thách mà người Do thái trong thời kỳ lang thang trong sa mạc cũng đã đòi hỏi nơi Thiên Chúa; thái độ đó cũng tương tự thái độ của Satan khi đến cám dỗ Chúa Giêsu. Thật thế, Satan đã bảo Chúa Giêsu hãy gieo mình xuống từ thượng đỉnh Ðền thờ như một cử chỉ vừa ngoạn mục vừa cả thể. Nhưng Chúa Giêsu đã mượn lời của chính Thiên Chúa nói với dân Do thái trong Cựu Ước để khước từ cám dỗ của Satan: "Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Chúa của ngươi". Trước sự cứng lòng tin của những người Biệt phái, Chúa Giêsu đã khước từ mọi phép lạ, hay đúng hơn, Ngài không làm phép lạ nào để nói với họ hơn là cái chết của Ngài trên Thập giá, bởi vì chỉ cái chết ấy mới có thể lôi kéo mọi người về với Thiên Chúa.
Giáo Hội tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô; qua cuộc sống của mình, Giáo Hội cũng đang lặp lại những phép lạ của Chúa Giêsu như một lời mời gọi. Thế nhưng, đâu là dấu chỉ đáng tin cậy nhất mà Giáo Hội có thể chứng tỏ cho con người thời nay? Với những phát minh mỗi ngày một tân tiến, con người thời nay dường như vẫn đang tự hào thực hiện được nhiều phép lạ trong mọi địa hạt. Do đó, đối với con người ngày nay, không một dấu lạ nào đáng tin hơn nơi Giáo Hội cho bằng chính cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá mà Giáo Hội có thể lặp lại nơi chính mình. Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội khước từ vẻ hào nhoáng bên ngoài, để mặc lấy thái độ vâng lời và phục vụ của Chúa Kitô; Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội là thể hiện của một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu của Ðấng sẵn sàng hy sinh và chết cho người mình yêu.
Dấu lạ cả thể mà có lẽ con người thời nay đang chờ đợi nơi Giáo Hội chính là dấu lạ của tình thương. Nói như Staline, thế giới này chỉ cần mười người như thánh Phanxicô Assisi, thì cũng đủ để thay đổi bộ mặt. Người ta mãi mãi vẫn nhớ khuôn mặt từ tốn, nhân hậu của một Gioan XXIII; hoặc chỉ như một ánh sao băng, người ta khó mà quên được nụ cười hiện thân của lòng nhân từ nơi Ðức Gioan Phaolô I; lòng hy sinh quảng đại của Mẹ Têrêsa Calcutta cũng là một dấu lạ cả thể mà con người thời đại đang tìm thấy nơi Giáo Hội.
Trong sự đóng góp khiêm tốn của mình trong cuộc sống hiện tại, xin Chúa cho mỗi Kitô hữu chúng ta luôn ý thức rằng mình đang là một dấu hỏi, một lời mời gọi đối với những người chưa nhận biết Chúa Kitô.
Veritas Asia


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Hai Tuần VI TN
Bài đọc Jam 1:1-11; Mk 8:11-13.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần khiêm nhường biết mình trong mối liên hệ với Thiên Chúa.
Thiên Chúa không mắc nợ gì với con người; trái lại, con người mắc nợ mọi sự với Thiên Chúa. Khi con người tin tưởng nơi Thiên Chúa, con người không thêm điều gì cho Ngài; nhưng niềm tin nơi Thiên Chúa sẽ giúp con người đạt tới cuộc sống đời đời. Cũng thế, khi con người làm việc thờ phượng như tham dự Thánh Lễ, đọc kinh, dâng lễ vật, con người chẳng thêm gì cho Thiên Chúa; nhưng con người sẽ nhận được những lợi ích từ các việc làm này.
Các Bài Đọc hôm nay cho thấy những quan niệm sai của con người trong mối liên hệ với Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, khi Cain dâng lễ vật cho Thiên Chúa và không được Ngài đoái nhìn tới; ông tức giận với Thiên Chúa và ghen tị với em mình là Abel, vì Ngài đoái nhìn lễ vật của em ông. Hậu quả là ông đã giết đứa em ruột của mình. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, tác giả Thư Giacôbê quả quyết đức tin của con người cần bị thử thách trăm bề để đức tin càng ngày càng vững mạnh, toàn hảo, và không gì có thể lay chuyển được. Trong Phúc Âm, các kinh-sư thách thức Chúa Giêsu hãy làm phép lạ để họ có thể tin Ngài là Thiên Chúa; Chúa Giêsu thở dài vì thái độ thách thức của họ. Ngài từ chối không làm bất cứ phép lạ nào cho họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều.
2.1/ Đức tin cần được thử thách: Giống như người lực sĩ trong tiến trình tập luyện cần được thử thách, hay một học sinh trong tiến trình học tập cần phải qua những kỳ thi cử, đức tin của con người cũng cần phải trải qua những thử thách. Mục đích của việc thử luyện đức tin không phải để con người ngã gục trước thử thách nhưng là:
(1) Để tạo lòng kiên nhẫn: Tác giả khuyến khích các tín hữu Do-thái khắp nơi: "Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn." Đức kiên nhẫn là nhân đức đầu tiên phải tập luyện và là mẹ các nhân đức, vì khi một khi đã có nhân đức này, con người sẽ luyện tập các nhân đức khác một cách dễ dàng hơn.
(2) Để kiện toàn lòng tin: Đức tin là quà tặng Thiên Chúa ban cho con người; nhưng để kiện toàn, con người phải kiên nhẫn luyện tập, sao cho tới chỗ toàn bích như tác-giả ao ước cho các tín hữu: "Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì." Mục đích của việc luyện tập là để có một đức tin hoàn hảo: vững bền, toàn hảo, không thiếu một điều gì. Khi một người đã có đức tin như thế, họ có thể vượt qua mọi thử thách của cuộc đời.
2.2/ Để kiện toàn đức tin, con người cần đến ơn thánh của Thiên Chúa: Khi phải đương đầu với thử thách đau khổ, con người thường có khuynh hướng trốn tránh hay xin Chúa làm phép lạ cất đi. Để tránh rơi vào những thái độ này, tác-giả khuyên: "Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho. Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không do dự." Sự khôn ngoan giúp con người nhìn ra thử thách là điều cần thiết để luyện tập đức tin. Tuy nhiên, khi cầu xin cho có khôn ngoan, con người cần phải có lòng tin vững mạnh. Tác giả khuyên: "Nhưng người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống." Khi đã được Chúa ban khôn ngoan để nhận ra phải vượt qua thử thách, người ấy cứ mạnh dạn tiến tới; đừng đổi ý lại cầu xin Chúa cất thử thách đi cho.
Một trong những thử thách của đức tin là những thăng trầm trong cuộc sống con người. Tác giả khuyên các tín hữu hãy tự hào trong Chúa, cả khi được nâng lên cũng như khi bị hạ xuống. Đừng ai tự hào về của cải mình có vì: "họ sẽ qua đi như hoa cỏ. Quả thế, mặt trời mọc lên toả ra sức nóng làm cho cỏ khô, khiến hoa rụng xuống, vẻ đẹp tiêu tan. Người giàu có cũng sẽ héo tàn như vậy trong các việc họ làm."
3/ Phúc Âm: Niềm tin dựa trên phép lạ.
3.1/ Niềm tin dựa trên các phép lạ: Mỗi quốc gia trên địa cầu đều có những sắc thái riêng của mỗi dân tộc; Thánh Phaolô nói rất đúng về người Do-thái: “Người Do-thái tìm kiếm dấu lạ; trong khi người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan.” Truyền thống Do-thái đã thêu dệt sẵn kiểu mẫu một Đấng Thiên Sai: Ngài là Đấng uy quyền, có khả năng làm những dấu lạ lùng trong trời đất. Ngài là Chúa của người Do-thái, nên Ngài sẽ giúp họ đánh đuổi ngoại bang, và cai trị toàn thế giới. Với kiểu mẫu có sẵn của Đấng Thiên Sai, những người Pharisees kéo đến với Chúa Giêsu, để thách thức Người làm một dấu lạ từ trời.
3.2/ Niềm tin dựa trên sự hiểu biết chắc chắn về Thiên Chúa: Tại sao Chúa Giêsu không chịu làm phép lạ? Thứ nhất, Ngài đã làm không biết bao nhiêu phép lạ rồi. Những người Pharisees này hoặc đã từng chứng kiến, hoặc đã nghe biết về những phép lạ Ngài đã làm. Thứ đến, phép lạ chỉ giúp khai mở niềm tin. Khi Chúa Giêsu chữa lành các bệnh nhân, Ngài nhắc nhở cho họ những gì tiên-tri Isaiah nói về Đấng Thiên Sai, giờ đây được hiện thực nơi Ngài; mục đích là để giúp họ tin vào Ngài. Hơn nữa, niềm tin chỉ dựa trên dấu lạ sẽ không vững chắc. Họ cần một sự hiểu biết chắc chắn về Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài; chứ không phải theo một Thiên Chúa và các kế hoạch do họ dựng nên. Nếu niềm tin chỉ dựa trên phép lạ, niềm tin sẽ lung lay và biến mất khi không nhìn thấy phép lạ nữa. Sau cùng, Chúa Giêsu không muốn con người điều khiển Thiên Chúa: khi con người cần gì, Thiên Chúa có bổn phận làm phép lạ ban cho họ điều đó; mà không cần biết điều họ xin có tốt hay không!
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần khiêm nhường biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa. Tất cả những việc thờ phượng chúng ta làm là cho lợi ích của cá nhân chúng ta, chứ không thêm gì cho Thiên Chúa.
- Đức tin Thiên Chúa ban cho chúng ta có tiềm năng vươn cao vô hạn; nhưng cũng có thể bị đánh mất. Chúng ta cần lợi dụng mọi cơ hội xảy ra trong cuộc đời để luyện tập đức tin sao cho đến độ toàn hảo, vững bền, để có thể vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời.
- Khi cầu xin điều gì không được, chúng ta hãy xét xem điều đó có đúng ý Thiên Chúa không. Đừng bao giờ có thái độ giận dữ trả thù bằng cách bỏ đạo hay làm hại những người được Thiên Chúa phù hộ.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


12/02/2018
Thứ Hai tuần 6 TN
Mc 8,11-13

Lòng tin trước đã

Những người Pha-ri-sêu đòi một dấu lạ để thử Chúa Giê-su. Người thở dài và nói: “Sao thế hệ nầy lại xin dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết. Thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” (Mc 8,11-12)

Suy niệm: Chúa Giê-su đã làm biết bao nhiêu phép lạ như hoá nước thành rượu, trừ quỷ, chữa bệnh, hoá bánh ra nhiều, cho kẻ chết sống lại, dân chúng ai cũng biết, những người biệt phái cũng chứng kiến, ấy thế mà họ vẫn không tin và còn yêu cầu Chúa cho họ xem điềm lạ trên trời! Mà xem để thử Chúa chứ nào họ có ý muốn tin vào Ngài đâu! Chúa Giê-su đã từ chối một yêu cầu như thế bởi Ngài có làm phép lạ là để cứu độ mà điều kiện trước tiên là phải có lòng tin, hay ít nhất có thành tâm, có thiện chí là cánh cửa mở sẵn sàng để đón nhận lòng tin. Thế nên, đã không muốn tin thì dù Đức Ki-tô có từ kẻ chết sống lại, người ta cũng tìm mọi cách bưng bít; ngược lại nếu đã có lòng thành thì chỉ cần một lời nói của Chúa cũng đủ khơi dậy niềm tin.

Mời Bạn: Đến với Đức Ki-tô và dẫn người khác đến với Ngài không phải bằng những tranh luận vô bổ hay bằng những sự lạ nhằm thoả mãn tính hiếu kỳ. Trái lại hãy đến với Ngài bằng một tấm lòng thành sẵn sàng đón nhận ơn đức tin và ơn hoán cải. Lúc đó bạn sẽ nhận ra được những dấu lạ Chúa vẫn thực hiện trong đời của bạn.

Sống Lời Chúa: Trong tuần này, bạn sắp xếp thời gian chầu Thánh Thể để chiêm ngắm dấu lạ Chúa vẫn thực hiện nơi bí tích Tình Yêu này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, do tình thương của Chúa chứ không phải công lao của con, Chúa đã ban cho con ơn đức tin. Con xin cảm tạ Chúa và xin Chúa củng cố niềm tin nơi con, để con loan truyền tình yêu Chúa đến với anh chị em con.
(5 phút Lời Chúa)


Tìm mt du l t tri (12.2.2018 – Th hai Tun 6 Thường niên)
Như người Pharisêu, chúng ta chng h mãn nguyn. Chúng ta vn mun th Thiên Chúa, bi l chúng ta không tin Ngài.



Suy nim:
Ai cũng dễ bị hấp dẫn bởi cái lạ thường, cái khác thường.
Còn cái bình thường, như thường, thì ít hấp dẫn, lắm khi tẻ nhạt.
Chỉ cần nghe đâu đó có hiện tượng khác thường là người ta đổ xô đến,
lắm khi chẳng cần suy nghĩ để biết có thực không, có đáng tin không.
Đức Giêsu đã làm nhiều phép lạ trong mấy năm sứ vụ.
Những phép lạ đó không nhằm ra oai biểu diễn quyền uy,
cũng không nhằm lôi kéo sự tôn vinh của dân chúng.
Ngài đã từ chối nhảy xuống từ nóc đền thờ:
một cám dỗ làm điều ngoạn mục để thu hút quần chúng.
Ngài cũng từ chối xuống khỏi thập giá:
một hành vi đủ làm bẽ mặt những kẻ giết Ngài.
“Cứ xuống khỏi thập giá để chúng ta thấy và tin” (Mc 15, 32).
Đức Giêsu không mua niềm tin của đám đông bằng sự phản bội Cha.
Ngài đã ở lại trên thập giá như một người có vẻ thua cuộc…
Kitô giáo không đặt nền trên những chuyện dị thường, ma quái.
Đức Giêsu đã làm phép lạ chữa bệnh và trừ quỷ
vì Ngài chạnh lòng thương trước nỗi khổ đau của con người,
vì Ngài muốn đáp lại lòng tin quá lớn của bệnh nhân,
và vì Ngài muốn cho thấy Nước Thiên Chúa đã đến rồi.
Phép lạ lớn nhất của Đức Giêsu là Tình Yêu.
Các ông Pharisêu không phủ nhận chuyện Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ.
Sau này các thượng tế cũng nhìn nhận:
“Hắn đã cứu được người khác…” (Mc 15, 31).
Nhưng họ thấy điều đó vẫn không đủ hoành tráng và gây ấn tượng.
Họ đòi một dấu lạ từ trời, một dấu lạ lớn hơn để họ tin vào Ngài.
Đức Giêsu đã mạnh mẽ từ chối đòi hỏi ấy.
Làm sao chúng ta nhìn ra được những điều bình thường, nho nhỏ
mà Chúa vẫn làm cho chúng ta mỗi ngày?
Nhiều khi chúng ta vẫn đòi những điều lạ lùng hơn, lớn lao hơn.
Như người Pharisêu, chúng ta chẳng hề mãn nguyện.
Chúng ta vẫn muốn thử Thiên Chúa, bởi lẽ chúng ta không tin Ngài.
Xin cho tôi thấy được sự kỳ diệu của Tình Yêu
nơi những điều tưởng như là tự nhiên của cuộc sống.
Cầu nguyn:

Lạy Cha là Đấng Tạo Hóa nhân từ,
xin cho chúng con thấy sự hiện diện của Cha
trong vũ trụ vô cùng lớn,
trong những hạt tử vô cùng nhỏ,
và trong bộ óc vô cùng phức tạp của con người.
Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một thế giới đầy mầu sắc.
Mầu xanh cỏ non, mầu hồng trái chín,
mầu vàng mặt trời xế chiều.
Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một thế giới đầy âm thanh.
Tiếng suối róc rách, tiếng chim hót véo von,
tiếng gió rì rào qua kẽ lá.
Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một thế giới đầy hương thơm.
Hương của đồng lúa mới, của hoa bưởi, hoa cau,
hương thơm của nắng xuân dìu dịu.
Chúng con ca ngợi đôi tay khéo léo của Cha
khi tạo nên sự trong ngần ngời sáng của viên ngọc,
sự lộng lẫy phong phú của muôn loài hoa lan,
sự rực rỡ hài hòa nơi đôi cánh của loài bướm,
và nhất là sự đẹp đẽ cao cả nơi con người.
Dưới lòng đất, trên núi cao,
giữa biển sâu, trong rừng vắng,
chỗ nào chúng con cũng thấy bóng dáng Cha.
Xin cho chúng con
biết chung sống với thiên nhiên này
như một người bạn, một quà tặng Cha ban,
biết giữ gìn ngôi nhà trái đất
để nó khỏi hư hỏng, cạn kiệt,
và biết chia sẻ cho nhau bao tài nguyên còn tiềm ẩn.
Ước gì đến ngày cả trái đất, cả vũ trụ này
và muôn loài Cha đã dựng nên
được cùng với cả nhân loại chúng con
vui hưởng tự do và vinh quang trong Nước Cha. Amen.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
12 THÁNG HAI
Hồn Lành Trong Xác Mạnh
Tập luyện thể dục thể thao, đó là chúng ta trân trọng thân xác của mình. Chúng ta đạt được tình trạng khỏe mạnh thể lý hết sức có thể, với hoa quả của nó là niềm khoan khoái lớn lao. Trong nhãn giới đức tin, chúng ta biết rằng nhờ phép Rửa, trọn vẹn con người – cả hồn lẫn xác – đã trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần: “Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần ngự trong anh em sao… và vì thế anh em không còn thuộc về chính mình nữa? Anh em đã được trả giá để chuộc lại. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (ICr 6, 19 – 20).
Thể thao gắn liền với việc phấn đấu để thắng một cuộc thi đấu hay đạt được một mục tiêu nào đó. Nhưng với đức tin, chúng ta biết rằng “triều thiên không thể hư nát” của cuộc sống vĩnh cửu thì giá trị hơn nhiều so với bất cứ giải thưởng nào trên trần gian. Triều thiên đó là ân huệ của Thiên Chúa, song đó cũng là kết quả của việc chuyên cần đào luyện nhân đức hằng ngày. Và, theo Thánh Phao-lô, đây là một cuộc thi đấu thực sự quan trọng. Ngài nói: “Anh em hãy tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất” (1Cr 12, 31). Thánh Phao-lô muốn nhắc nhở chúng ta hãy hướng lòng trí về những ân huệ góp phần tăng triển Nước Thiên Chúa. Nếu chúng ta kiên trì trong cuộc chạy đua này, những ân huệ ấy sẽ đem lại một giải thưởng sinh ích lợi vĩnh cửu cho chúng ta.


Hạnh Các Thánh
2 Tháng Hai

    Thánh Phêrô Baptist và Các Bạn
    (c. 1597)

    Nagasaki nổi tiếng đối với chúng ta vì một trái bom nguyên tử đã thả xuống đây năm 1945. Thành phố ấy cũng nổi tiếng đối với dòng Phanxicô vì một số tu sĩ và anh chị em dòng ba đã được tử đạo ở đây năm 1597.

    Cha Phêrô Baptist Blasquez sinh năm 1542 trong một gia đình quyền quý ở Tây Ban Nha; ngài gia nhập dòng Phanxicô ở quê nhà. Ngài làm việc vài năm ở quần đảo Phi Luật Tân, và năm 1592 ngài được cử làm đại diện cho Vua Philip II của Tây Ban Nha để thương thảo hòa bình với Hideyoshi, đang nắm quyền ở Nhật Bản.

    Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Cha Phêrô Baptist và một vài tu sĩ ở lại Nhật để truyền bá tin mừng. Sự thành công của họ trong công cuộc truyền giáo, qua việc thành lập các tu viện, nhà thờ cũng như bệnh viện khiến Hideyoshi lo sợ. Vào tháng Mười Hai 1596, ông ra lệnh bắt giam Cha Phêrô Baptist, hai vị linh mục Phanxicô khác, hai thầy, một giáo sĩ, 17 người Nhật thuộc dòng Ba Phanxicô và ba vị linh mục dòng Tên.

    Tất cả bị kết án tử hình vào đầu tháng Giêng ở Miyako, họ bị đưa về Nagasaki trong chuyến hành trình bằng đường thủy lâu đến bốn tuần lễ. Vào ngày 5 tháng Hai 1597, tất cả bị treo trên thập giá và bị đâm thâu qua bằng giáo. Tất cả được phong thánh năm 1862.

    Lời Bàn

    Sự "hy sinh" mà Thánh Phêrô Baptist đề cập đến đã sinh kết quả (xem Lời Trích bên dưới). Trong thập niên 1860, các nhà truyền giáo lại đến Nagasaki và họ tìm thấy một côäng đoàn Kitô Giáo tuy nhỏ nhưng thật vững mạnh, được khai sinh vào lúc các vị chịu tử đạo. Những người Công Giáo này, thường xuyên đến với nhau, đọc Sách Thánh và lần chuỗi mai khôi để giữ vững đức tin. Các nhà truyền giáo luôn tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ hoàn tất công trình của họ. Một công việc tốt lành - trong sứ vụ truyền giáo hoặc bất cứ nơi đâu - thì không bao giờ uổng phí.

    Lời Trích

    Ba ngày trước khi bị tử hình, Thánh Phêrô Baptist viết cho các bạn ở ngoài nước Nhật:"Vì tình yêu Thiên Chúa, ước mong sao nhân đức của các bạn sẽ phó thác chúng tôi cho Thiên Chúa, để Ngài chấp nhận hy lễ cuộc đời chúng tôi. Qua những gì tôi nghe được ở đây, tôi nghĩ chúng tôi sẽ bị treo trên thập giá vào thứ Sáu này, vì chính vào ngày thứ Sáu mà họ cắt tai mỗi người ở Miyako, là một biến cố chúng tôi chấp nhận như món quà của Thiên Chúa. Do đó, vì tình yêu Thiên Chúa, chúng tôi xin các bạn hãy tha thiết cầu nguyện cho chúng tôi."
    
    Trích từ NguoiTinHuu.com


12 Tháng Hai

    Những Kho Tàng Quý Giá

    Giá trị của những đồ cổ thường gia tăng với thời gian.

    Dạo tháng 5 năm 1990, một chiếc xe Rolls Royce do Anh Quốc chế tạo năm 1907 đã được bán đấu giá là 2,860,000 đô la tại bang Florida bên Hoa Kỳ. Ðây là giá bán một chiếc xe cổ cao nhất từ trước tới nay. Chiếc xe này đã từng được gia đình cự phú Rochefeller sử dụng.

    Nhưng đáng kể hơn cả vẫn là giá bán một bức tranh của danh họa người Hòa Lan là Vincent Van Gogh. Bức tranh họa lại chân dung của một người bạn thân cuqả danh họa là bác sĩ Gachet, được thực hiện năm 1890, tức là cách đây đúng hơn 100 năm. Trong một cuộc đấu giá tại phòng triển lãm ở New York bên Hoa Kỳ, bức tranh đã được bán đấu giá là 82,500,000 đô la. Ðây là giá bán cao nhất từ trước tới nay đối với một tác phẩm nghệ thuật.

    Cũng dạo đó, tại Tây Ðức, người ta đã đem bán đấu giá cả những tác phẩm của nhà độc tài Hitler. Một bức tranh sơn nước của ông đã được bán với giá là 6,134 đô la. Ngay cả một ấn bản của tác phẩm Mein Kampf, trong đó Hitler đã vạch ra chương trình hành động gian ác của ông và các cộng sự viên của ông cũng được đem bán đấu giá. Người mua có lẽ không nghĩ đến giá trị nghệ thuật cho bằng muốn giữ làm kỷ niệm di tích có liên quan đến tội ác và một trong những thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử nhân loại.

    Tất cả những người môn hạ đích thực của Ðức Kitô cũng là những nhà nghệ sĩ mà các tác phẩm đều vượt thời gian. Tác phẩm mà các ngài để lại chính là cả cuộc sống được họa lại theo khuôn mẫu của Ðức Kitô. Những tác phẩm ấy không bao giờ được đem bán đấu giá, bởi vì chúng vô giá. Không có tiền bạc nào có thể mua được công đức và các hy sinh của các Thánh. Người ta chỉ có thể chiêm ngắm bằng đôi mắt của đức tin. Có những cuộc sống xả thân quên mìnhmà mọi người đều biết đến, có những cuộc sống âm thầm trong gian lao thử thách mà chie mình Thiên Chúa mới chân nhận giá trị. Hiển hách hay âm thầm, cuộc đời của những vị thánh là những tác phẩm mà giá trị vẫn muôn tồn tại qua muôn thế hệ.

    Mỗi một người Kitô chúng ta, trong cố gắng mô phỏng Ðức Kitô, cũng là những nghệ sĩ cách này hay cách khác đều để lại những tác phẩm cho hậu thế. Chúng ta không để lại tài sản, chúng ta không để lại những tác phẩm nghệ thuật, mà chính là cả cuộc sống của chúng ta. Trong âm thầm theo Chúa, phục vụ tha nhân, chịu đựng vì đức tin, làm chứng tá cho Tin Mừng: chúng ta luôn được mời gọi để lại cho hậu thế kho tàng vô giá nhất: đó là Niềm Tin. Âm thầm hay rực sáng, Niềm Tin đó phải là kho tàng quý giá nhất mà mọi người chúng ta đều được mời gọi để sống, để bồi đắp, để vun trồng và truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Lẽ Sống




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét