Trang

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Suy niệm đàng Thánh Giá ĐTC Phanxicô cử hành 30-3-2018: chặng I-VII


Suy nim đàng Thánh Giá ĐTC Phanxicô c hành 30-3-2018: chng I-VII

Tiếp nối truyền thống của các vị tiền nhiệm, lúc quá 9 giờ tối thứ sáu Tuần Thánh 30-3-2018, ĐTC Phanxicô chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại Hý trường Colosseo ở Roma, nơi đã có nhiều tín hữu Kitô chịu khổ hình vì đức tin.
 Tham dự buổi Buổi đi đàng thánh giá này có hàng chục ngàn tín hữu hiện diện không kể hàng trăm triệu khán thính giả trên thế giới tham dự qua truyền hình.
 Các bài suy niệm đàng thánh giá năm nay được ĐTC ủy thác cho một nhóm học sinh thuộc trường trung học Pilo Albertelli soạn dưới sự điều hợp của giáo sư Andrea Monda, tốt nghiệp luật khoa và khoa học tôn giáo, văn sĩ kiêm nhà bình luận. Ông đang dạy môn tôn giáo tại trường trung học vừa nói. Các bạn trẻ đã theo thứ tự truyền thống của 14 chặng đàng thánh giá.
 ĐTC giao cho các bạn trẻ việc soạn các bài suy niệm Đàng Thánh Giá này, trong bối cảnh vào tháng 10 năm nay có Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ.
 Năm 2013, các bạn trẻ Liban cũng đã thi hành công tác này dưới sự hướng dẫn của ĐHY Béchara Rai, Giáo Chủ Công Giáo Maronit ở Liban.
 Sau đây là những suy niệm cho 7 chặng đầu tiên trong chặng đàng Thánh Giá.
 ** Chặng thứ I: Chúa Giêsu bị kết án tử hình
 Trích Phúc Âm theo thánh Luca (Lc 23,22-25)
 Lần thứ ba, ông Philatô nói với họ: ”Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra. Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội.
 Suy niệm
 Lạy Chúa Giêsu, con thấy Chúa đứng trước Quan Tổng Trấn, 3 lần ông toan tính đi ngược với ý dân và sau cùng ông quyết định không chọn lựa, đứng trước đám đông mà ông hỏi họ 3 lần và cả 3 lần họ đều quyết định chống lại Chúa. Đám đông, nghĩa là tất cả mọi người, nghĩa là không người nào. Khi nấp sau đám đông, người ta đánh mất căn tính của mình, họ là tiếng nói của hàng ngàn tiếng nói khác. Trước khi chối bỏ Chúa, họ chối bỏ bản thân họ, giải tỏa trách nhiệm của họ trong làn sóng thay đổi của đám đông. Nhưng họ vẫn có trách nhiệm. Bị những người gây rối đánh lạc hướng, bị lạc đường vì Sự Ác truyền đi qua tiếng nói kín đáo và ồn ào, chính con người lên án Chúa.
 Ngày nay chúng con kinh hoàng trước bất công lớn lao như thế, và chúng con muốn xa tránh nó. Nhưng làm như thế, chúng con quên đi tất cả những lần chúng con là những người đầu tiên đã chọn tha cho Barabba thay vì tha Chúa. Khi tai chúng con bị điếc đối với tiếng kêu của Sự Thiện, khi chúng con muốn không nhìn bất công trước chúng con.
 Tại quảng trường đầy người ấy, chỉ cần một con tim nghi ngờ, một tiếng nói gióng lên chống lại hàng ngàn tiếng nói của Sự Ác. Mỗi lần cuộc sống đặt chúng ta trước một chọn lựa, chúng ta hãy nhớ lại quảng trường và sai lầm ấy. Chúng ta hãy để cho con tim chúng ta nghi ngờ và đòi chúng lên tiếng.
 Cầu nguyện
 Lạy Chúa, con xin Chúa canh chừng những chọn lựa của chúng con, xin soi sáng chúng bằng Ánh sáng của Chúa, xin vun trồng trong chúng con khả năng tự hỏi: chỉ có Sự Ác không bao giờ nghi ngờ. Những cây ăn rễ sâu trong thửa đất, được Sự Ác tưới gối, thì tàn lụi. nhưng Chúa đã đặt rễ của chúng con ở Trên Trời và những cành lá của nó trên mặt đất để nhìn nhận và theo Chúa.
 ** Chặng thứ II: Chúa Giêsu vác thánh giá
 Trích Phúc Âm theo thánh Marco (Mc 8,34-35)
 Ông Philatô quyết định chấp thuận điều họ yêu cầu. Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Đức Giêsu thì ông trao nộp theo ý họ muốn.
 Suy niệm
 Lạy Chúa Giêsu, con thấy Chúa đội mão gai, trong khi đón nhận thập giá. Chúa đón nhận thập giá, như Chúa vẫn luôn đón nhận tất cả mọi sự và mọi người. Họ chất lên vai Chúa cây gỗ nặng, xù xì, nhưng Chúa không nổi loạn, không vứt bỏ dụng cụ hành hình bất công và ô nhục. Chúa vác lấy và bắt đầu bước đi, thập giá trên vai. Bao nhiêu lần con đã nổi loạn và giận dữ chống lại những trách vụ mà con nhận lãnh, trách vụ mà con coi là nặng nề hoặc bất công. Chúa không làm như vậy. Hồi đó Chúa chỉ lớn hơn con vài tuổi, ngày nay người ta nói Chúa vẫn còn trẻ, nhưng ngoan ngoãn, Chúa coi trọng những gì mà cuộc sống dành cho Chúa, mỗi cơ hội xảy ra, như thể Chúa muốn đi đến cùng sự việc và khám phá rằng vẫn luôn có một cái gì sâu xa hơn những vẻ bề ngoài, một ý nghĩa thầm kín và gây ngạc nhiên. Nhờ Chúa, con hiểu rằng đây là thập giá cứu độ và giải thoát, thập giá nâng đỡ trong sự vấp ngã, ách nhẹ nhàng, gánh nặng không đè nén.
 Từ cớ vấp phạm do cái chết của Con Thiên Chúa, chết như người tội lỗi, chết như kẻ bất lương, nảy sinh ơn tái khám phá phục sinh trong đau khổ, khám phá vinh quang của Chúa trong đau đớn, ơn cứu độ của Chúa trong lo âu. Chính thập giá ấy, biểu tượng sự hạ nhục và đau khổ đối với con người, giờ đây nhờ hy sinh của Chúa, trở thành một lời hứa: từ mỗi cái chết sẽ nảy sinh sự sống và trong mỗi tối tăm ánh sáng sẽ chiếu tọa. Và chúng ta có thể hô lên: ”Kính chào thập giá, là nguồn hy vọng duy nhất!”
 Cầu nguyện
 Lạy Chúa, dưới ánh sáng Thập Giá, biểu tượng niềm tin của chúng con, xin làm cho chúng con có thể đón nhận những đau khổ của chúng con, và được tình thương của Chúa soi sáng, chúng con có thể ôm lấy những thập giá của chúng con, được cái chết và sự sống lại của Chúa làm cho vinh hiển. Xin ban cho chúng con ơn nhìn những sự việc của chúng con và khám khá trong đó tình thương của Chúa đối với chúng con.
** Chặng thứ III: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ I
 Trích sách Ngôn Sứ Isaia (Is 53,4)
 Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề.
 Suy niệm
 Lạy Chúa Giêsu, con thấy Chúa đau khổ bước đi trên con đường dẫn đến đồi Canvê, vác tội lỗi chúng con. Và con thấy Chúa ngã xuống, đôi tay và đầu gối quị xuống đất, đau đớn. Chúa đã xuống với bao nhiêu khiêm hạ dường nào! Bao nhiêu tủi nhục Chúa cảm thấy lúc ấy! Nhân tính thực sự là người của Chúa được thấy rõ qua giai đoạn ấy trong cuộc đời của Chúa. Thập giá Chúa mang thật là nặng nề; lẽ ra Chúa cần được giúp đỡ, nhưng khi ngã xuống đất không ai cứu giúp Chúa, trái lại, người ta còn chế riễu Chúa, nhạo cười trước hình ảnh một Thiên Chúa ngã xuống. Có lẽ họ thất vọng, có lẽ họ đã có một ý tưởng sai lầm về Chúa. Nhiều khi chúng con nghĩ rằng có đức tin vào Chúa có nghĩa là sẽ không bao giờ sa ngã trong cuọc sống. Cùng với Chúa, con cũng ngã, và cùng với con, cả những ý tưởng của con, những ý nghĩ của con về Chúa: chúng mong manh dường nào! Lạy Chúa Giêsu, con thấy Chúa nghiến răng, và hoàn toàn phó thác cho tình thương của Chúa Cha, Chúa trỗi dây và tiếp tục hành trình. Lạy Chúa Giêsu, với những bước đầu tiên ấy tiến về thập giá, lảo đảo, con nhớ đến một hài nhi đi những bước đầu tiên tiến về sựs ống và mất thăng bằng, ngã xuống và khó, nhưng rồi em tiếp tục. Em phó thác trong tay của cha mẹ và không dừng lại; em sợ hãi nhưng vẫn tiến bước, vì niềm tín thác vượt lên trên sợ hãi.
 Với niềm can đảm của Chúa, Chúa dạy chúng con rằng những thất bại và sa ngã không bao giờ được chặn đứng hành trình của chúng con và chúng con luôn có một chọn lựa, một là đầu hàng hai là trỗi dậy cùng với Chúa.
 Cầu nguyện
 Lạy Chúa, con cầu xin Chúa thực tỉnh nơi những người trẻ chúng con lòng can đảm trỗi dậy sau mỗi lần ngã xuống, như Chúa đã làm trên con đường Canvê. Con xin Chúa làm cho chúng con luôn quí chuộng hồng ân sự sống cao cả nhất và quí giá, và những thất bại, sa ngã không bao giờ là một ý do vứt đi cuộc đời, với ý thức rằng nếu chúng con tín thác nơi Chúa, chúng con có thể trỗi dậy và luôn tìm được sức mạnh để tiến bước.
** Chặng thứ IV: Chúa Giêsu gặp Mẹ Ngài
 Trích Phúc Âm theo thánh Luca (Lc 2, 34-35)
 Ông Simêôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: ”Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”
 Suy niệm
 Lạy Chúa Giêsu, con thấy Chúa khi Chúa gặp Mẹ Chúa. Mẹ Maria ở đó, tiến bước qua con đường đông người, có nhiều người ở cạnh Mẹ. Điều duy nhất phân biệt Mẹ với những người khác là sự kiện Mẹ ở đó để đồng hành với con của Mẹ. Một tình trạng diễn ra hằng ngày: các bà mẹ dẫn con đến trường học, hoặc đi gặp bác sĩ, hay mang con theo đến nơi làm việc. Nhưng Mẹ Maria khác biệt với các bà mẹ khác: Mẹ đang đồng hành với Con đến nơi chịu chết. Nhìn thấy con mình chết thực là số phận đau thương nhất mà người ta có thể cầu chúc cho một người, một điều trái tự nhiên nhất; điều ấy càng thảm khốc hơn, nếu người con ấy, vô tội, đang chết do tay công lý. Cảnh tượng trái tự nhiên và bất công đang diễn ra trước mắt con! Mẹ con đã giáo dục con về ý nghĩa công lý và tín thác trong cuộc sống nhưng điều mà hôm nay mắt con nhìn thấy không có đặc tính nào như thế, nó vô nghĩa, và đầy đau thương. Lạy Mẹ Maria, con thấy Mẹ trong khi Mẹ nhìn người con tội nghiệp của Mẹ: Người con ấy mang vết tích những roi đòn ở lưng và bị bó buộc phải vác thập giá nặng nề, có lẽ sắp ngã xuống dưới sức nặng của thập giá vì kiệt lực. Nhưng Mẹ biết rằng sớm muộn gì điều đó cũng xảy ra, Mẹ đã được báo trước, nhưng giờ đây điều ấy đang diễn ra hoàn toàn khác; và vẫn luôn như thế, chúng ta luôn thiếu chuẩn bị trước cuộc sống, trước sự tàn bạo của nó. Lạy Mẹ Maria, giờ đây mẹ buồn sầu, như bất kỳ phụ nữ nào ở vị trí của Mẹ, nhưng Mẹ không tuyệt vọng. Đôi mắt của Mẹ không tắt lịm, không nhìn trong khoảng trống, không bước đi đầu cúi xuống. Mẹ rạng ngời cả trong buồn sầu, vì Mẹ có hy vọng, Mẹ biết rằng hành trình của Con Mẹ không phải là cuộc du hành một chiều và Mẹ biết, Mẹ cảm thấy điều đó, giống như chỉ có các bà mẹ mới cảm thấy được, đó là Mẹ sẽ sớm gặp lại Con của Mẹ.
 Cầu nguyện
 Lạy Chúa, con cầu xin Chúa, xin giúp chúng con luôn nhớ đến gương của Mẹ, Mẹ đã chấp nhận cái chết của Con như mầu nhiệm cứu độ cao cả. Xin giúp chúng con hành động, mắt hướng nhìn về thiện ích của tha nhân, và chết trong niềm hy vọng phục sinh và với ý thức mình không bao giờ lẻ loi, và không bị Thiên Chúa và Mẹ Maria bỏ rơi, người Mẹ nhân lành luôn quan tâm đến con cái của Mẹ.
 ** Chặng thứ  V:  Ông Simon vác Thánh Giá đỡ Chúa Giêsu
Trích Phúc Âm theo thánh Luca (Lc 23, 26): Khi điệu Ðức Giêsu đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Simôn, gốc Kyrênê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Ðức Giêsu.
Suy niệm
Lạy Chúa Giêsu, con thấy Chúa bị nghiền nát dưới sức nặng của cây Thánh Giá. Con thấy Chúa không thể làm điều đó một mình; chính lúc phải cố gắng nhiều nhất, Chúa chỉ có một mình, không có những người đã tự xưng là bạn của Chúa: Giuđa phản bội Chúa, Phêrô chối Chúa, những người khác thì bỏ rơi Chúa. Nhưng rồi có một cuộc gặp gỡ bất ngờ, một người đàn ông, một người bình thường, có lẽ Chúa đã từng nghe nói về người này, nhưng ông không theo Chúa, trái lại ngay lúc này ông ở đây, bên cạnh Chúa, vai kề vai, chia sẻ gánh nặng của Chúa. Ông là Simôn, một người nước ngoài đến từ rất xa, từ Kyrênê. Hôm nay đối với Simôn, một sự kiện bất ngờ hóa ra lại là một cuộc gặp gỡ.
Trong cuộc sống của chúng con, chúng con vẫn không ngừng tiếp xúc với những cuộc gặp gỡ và xung đột, đặc biệt chúng con những người trẻ tiếp tục bước vào những cuộc gặp gỡ thực tế mới, với những con người mới. Và trong cuộc gặp gỡ không mong muốn, các tai nạn, trong sự bất an có những cơ hội để yêu thương, để nhận ra điều tốt nơi người thân cận còn bị ẩn giấu, ngay cả khi chúng con thấy có sự khác biệt.
Lạy Chúa Giêsu, đôi khi chúng con cảm thấy như Ngài, dưới một sức nặng đang nghiền nát chúng con, cũng bị bỏ rơi từ những người mà chúng con tin rằng là bạn của chúng con. Nhưng chúng con không được quên rằng có một Simôn Kyrênê, luôn sẵn sàng vác đỡ thập giá cho chúng con. Chúng con không được quên rằng chúng con không cô đơn, và với ý thức này, chúng con có sức mạnh để vác đỡ thập giá cho những người ở gần bên chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, bây giờ con thấy Chúa dường như cảm thấy nhẹ nhàng, Chúa có thể hít thở một lát, bây giờ Chúa không còn cô độc nữa. Và con thấy Simôn: có lẽ đã trải nghiệm cái ách của mình thật nhẹ nhàng, có lẽ ông nhận ra sự kiện bất ngờ này có ý nghĩa gì trong cuộc đời ông.
 Cầu nguyện
 Lạy Chúa, con cầu xin cho mỗi người chúng con có thể tìm thấy sự can đảm như người thành Kyrênê, người đã vác Thánh giá và bước theo Chúa. Xin cho mỗi người trong chúng con khiêm tốn và mạnh mẽ để vác thập giá cho những ai chúng con gặp gỡ. Xin hãy làm cho chúng con khi cảm thấy cô đơn có thể nhận ra một Simôn thành Kyrênê trên hành trình của chúng con, người dừng lại và vác gánh nặng cho chúng con. Xin cho  chúng con biết tìm kiếm điều tốt nhất nơi mỗi người, biết mở ra cho các cuộc gặp gỡ ngay cả trong những khác biệt. Xin cho mỗi người chúng con có thể khám phá ra Chúa đang ở bên cạnh chúng con.
 ** Chặng thứ 6:  Bà Vêronica lau mặt Chúa Giêsu
Trích sách Ngôn Sứ  Isaia (Is 53, 2-3): “Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới”.
Suy niệm
Ngài không có dáng vẽ hay vẻ đẹp để thu hút cái nhìn của chúng con, Ngài không lộng lẫy chiếu sáng để có thể làm chúng con hài lòng. Ngài bị người đời khinh dể và khước từ; Ngài là một người biết rõ những đau khổ mà mình phải chịu, như một người bị che mặt trước người khác; bị khinh thường và và không được yêu mến.
Lạy Chúa Giêsu, con thấy Chúa thật đáng thương, gần như không thể nhận ra, bị đối xử như người rốt hết. Chúa bước đi khó khăn với khuôn mặt đầy máu và bị biến dạng tiến đến cái chết, nhưng luôn hiền hành và khiêm nhường, hướng về trời cao. Một người phụ nữ làm cho đám đông nhận ra khuôn mặt của Chúa, khuôn mặt mà có lẽ đã nói chuyện với linh hồn bà nhiều lần và bà yêu khuôn mặt này. Bà thấy Chúa đau khổ và muốn giúp Chúa. Họ không cho bà vượt qua, họ rất đông với vũ khí trong tay. Nhưng tất cả điều này đối với bà không quan trọng, bà quyết tâm tới gần Chúa và có thể chạm vào Chúa dù chỉ một giây, để lau mặt Chúa với khăn che mặt của mình. Sức mạnh của bà là sự dịu dàng. Trong một khoảng khắc ánh mắt của Chúa và bà gặp nhau, khuôn mặt của người này trong khuôn  mặt của người kia.
Người phụ nữ đó, Veronica, người mà chúng con không biết gì, chúng con không biết tiểu sử của bà, bà đã đạt được thiên đàng với một cử chỉ bác ái đơn giản. Bà tới gần Chúa, nhìn thấy khuôn mặt bị tra tấn của Chúa và yêu Chúa nhiều hơn trước. Veronica không dừng lại ở bề ngoài, ngày nay, trong xã hội của chúng ta hình ảnh rất quan trọng, nhưng bà yêu một cách vô điều kiện một khuôn mặt xấu xí, không được chăm sóc, không được trang điểm và không hoàn hảo. Khuôn mặt đó, khuôn mặt của Chúa, chính trong sự không hoàn hảo cho thấy sự hoàn hảo của tình yêu của Chúa đối với chúng con.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu xin cho con sức mạnh để con có thể gần gũi với tất cả mọi người, trẻ hoặc già, nghèo hoặc giàu có, những người thân yêu hoặc những người con không biết; xin cho con sức mạnh để nhìn thấy nơi những khuôn mặt này khuôn mặt của Chúa. Xin giúp con không chần chứ trong việc giúp đỡ người thân cận, nơi người đó Chúa đang ngự trị,  như Veronica đã đến với Chúa trên đường tới Calvario.
 ** Chặng thứ 7:  Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai
Trích sách Ngôn sứ  Isaia (Is 53, 8. 10): Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt. Ðức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ.
Suy niệm
Lạy Chúa Giêsu, con thấy Chúa ngã xuống đất trước mắt con. Chúa Ngã xuống đất chỉ cho con thấy Chúa là một con người, một người thực sự. Và con thấy Chúa lại đứng lên, dứt khoát hơn. Chúa không đứng dậy với niềm tự hào; không có niềm kiêu hẵnh trong đôi mắt của Chúa, nhưng trong đó có tình yêu. Và trong hành trình của Chúa, Chúa lại chỗi dậy sau khi bị ngã, Chúa loan báo sự Phục Sinh Chúa, Chúa chỉ cho thấy rằng Chúa luôn sẵn sàng mang lên vai đẫm máu của Chúa, gánh nặng tội lỗi của con người.
Ngã xuống đất, một lần nữa Chúa đã gửi cho chúng con một sứ điệp rõ ràng về sự khiêm tốn, Chúa ngã xuống đất, từ bụi đất chúng con được sinh ra là "con người". Chúng con là bụi đất, chúng con chẳng là gì. Nhưng Chúa muốn trở nên như chúng con, và bây giờ Chúa tỏ ra gần chúng con, cùng với chính những nỗi mệt nhọc của chúng con, những yếu đuối của chúng con, cùng với chính mồ hôi trán của chúng con. Bây giờ Chúa cũng vậy, trong ngày thứ sáu này, như nó đã xảy ra với chúng con, Chúa bị yếu sức vì đau đớn. Nhưng Chúa có sức mạnh để đi tiếp, Chúa không sợ những khó khăn mà Chúa có thể gặp, và Chúa biết rằng ở cuối cùng của sự mệt mõi có Thiên Đàng; Chúa đứng lên để tiếp tục con đường của mình, để mở cửa vương quốc của Chúa cho chúng con. Một vị vua xa lạ, một vị vua trong bụi đất.
Con cảm thấy chóng mặt: Những khó nhọc, vấp ngã của chúng con không xứng đáng với những mệt mõi của Chúa. Các đau khổ, mệt mõi của Chúa là sự hy sinh, sự hy sinh lớn nhất mà đôi mắt của con và tất cả lịch sử sẽ không thể thấy.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, con cầu xin Chúa hãy làm cho chúng con luôn sẵn sàng đứng dậy sau khi vấp ngã, để chúng ta có thể học được điều gì đó từ thất bại của chúng con. Xin hãy nhớ đến chúng con khi đến lượt chúng con phạm sai lầm và vấp ngã, nếu chúng con ở với Chúa và nắm lấy tay Chúa, chúng con có thể học cách để đứng dậy. Xin hãy làm cho chúng con những người trẻ có thể mang đến cho tất cả mọi người thông điệp của Chúa về sự khiêm nhường và để nhờ đó các thế hệ tương lai có thể mở mắt ra hướng về Chúa, hiểu tình yêu  Chúa. Xin dạy chúng con biết giúp đỡ những người đau khổ và vấp ngã bên cạnh chúng con: để có thể lau mồ hôi cho họ và để gần gũi và giúp họ đứng lên.
(Trần Đức Anh OP và Ngọc Yến SPC chuyển ý)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét