Trang

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Tùng phục thẩm quyền cai trị: Bài giảng thứ tư Mùa Chay Năm 2018 của Cha Cantalamessa, kỳ cuối


Tùng phục thẩm quyền cai trị: Bài giảng thứ tư Mùa Chay Năm 2018 của Cha Cantalamessa, kỳ cuối
Vũ Văn An
23/Mar/2018


4. Vâng lời như một "bổn phận": Noi Gương Chúa Kitô

Trong phần thứ nhất của Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta một Chúa Giêsu Kitô như ơn phúc để được nhận lãnh bằng đức tin, trong khi ở phần thứ hai - phần khuyên bảo - ngài trình bày chúng ta một Chúa Kitô như mẫu gương để bắt chước trong cuộc sống của chúng ta. Hai khía cạnh của ơn cứu rỗi này cũng hiện diện trong mỗi nhân đức cá thể hay hoa trái của Chúa Thánh Thần. Trong mọi nhân đức Kitô giáo, đều có một yếu tố mầu nhiệm và một yếu tố khổ hạnh, phần đầu dành cho ơn thánh và phần hai dành cho tự do của con người. Bây giờ là lúc để xem xét phần thứ hai này, tức việc chúng ta tích cực noi gương vâng lời của Chúa Kitô, vâng lời như một bổn phận.
Ngay khi cố gắng tìm trong Tân Ước xem bổn phận vâng lời bao hàm những gì, chúng ta ngạc nhiên khám phá thấy rằng vâng lời hầu như luôn luôn được coi là vâng lời đối với Thiên Chúa. Tất nhiên cũng có đề cập đến mọi hình thức vâng lời khác - đối với cha mẹ, chủ nhân, cấp trên, với các nhà cầm quyền dân sự "với mọi định chế của con người" (1Pr 2:13) -nhưng chúng được ghi nhận ít thường xuyên hơn và ít trang trọng hơn. Danh từ "vâng lời" (hupakoè) luôn được sử dụng chỉ để chỉ sự vâng lời Thiên Chúa, hay, dù gì, cũng là các trường hợp có liên kết với Thiên Chúa, ngoại trừ một đoạn văn từ Thư gửi Philemon (câu 21), nơi nó đề cập đến sự vâng lời Thánh Tông Đồ. Thánh Phaolô nói tới sự vâng lời đức tin (Rm 1: 5, 16:26), vâng lời giáo huấn (Rm 6:17), vâng theo Tin Mừng (Rm 10:16, 2 Tx 8: 8), vâng lời chân lý (Gl 5: 7), và vâng lời Chúa Kitô (2Cr 10: 5). Chúng ta cũng thấy ngôn ngữ giống hệt như thế tại các chỗ khác trong Tân Ước (xem Cv 6: 7, 1Pr 1: 2, 22).

Nhưng, ngày nay, có thể và có ý nghĩa hay không khi nói về sự vâng lời Thiên Chúa sau khi ý muốn mới mẻ và sống động của Thiên Chúa, được mặc khải trong Chúa Kitô, đã được phát biểu và thiết lập trọn vẹn trong rất nhiều luật lệ và phẩm trật? Có được phép nghĩ rằng sau tất cả những điều này, vẫn còn "những ý muốn mới" của Thiên Chúa mà chúng ta cần phải tiếp nhận và chu toàn không? Có, phần lớn chắc chắn có! Nếu ý muốn sống động của Thiên Chúa bị đóng khung và bị đối tượng hóa hòan toàn và dứt khoát trong một loạt luật lệ, qui phạm và thể chế theo một "trật tự" nhất định và dứt khoát thì kết cục, Giáo Hội sẽ trở thành một Giáo hội hóa đá.

Việc khám phá lại tầm quan trọng của việc vâng lời Thiên Chúa là một hệ quả tự nhiên của việc khám phá lại chiều kích thần khí - cùng với chiều kích phẩm trật - của Giáo Hội và tính ưu việt của Lời Chúa trong đó. Nói cách khác, việc vâng lời Thiên Chúa chỉ có thể quan niệm được khi chúng ta khẳng định, như Vatican II đã khẳng định, rằng "Giáo Hội, mà Thần Khí hướng dẫn theo mọi đường chân lý và Người hợp nhất hóa trong hiệp thông, trong các công việc thừa tác, Người trang bị và điều khiển bằng các ơn phẩm trật và đặc sủng và trang điểm bằng hoa trái của Người. Nhờ sức mạnh của Tin Mừng, Người làm cho Giáo Hội giữ được nét tươi trẻ. Người liên tục làm mới lại Giáo Hội và dẫn Giáo Hội đến sự kết hiệp hoàn hảo với Phu Quân của mình"(Lumen Gentium 4).

Chỉ khi nào chúng ta tin vào một “quyền chúa tể” đang hiện diện và chuyên biệt của Đấng Phục Sinh trên Giáo Hội, chỉ khi nào chúng ta xác tín sâu sắc rằng cả ngày nay nữa, như Thánh Vịnh vốn nói, “Đấng Quyền Năng, Thiên Chúa Chúa chúng ta, lên tiếng và không giữ im lặng" (xem Tv 50: 1-2), chỉ khi đó chúng ta mới có thể hiểu được sự cần thiết và tầm quan trọng của việc vâng lời Thiên Chúa . Nó kêu gọi một sự chăm chú lắng nghe Thiên Chúa, Đấng đang nói trong Giáo hội qua Thánh Linh của Người, Đấng soi sáng các lời của Chúa Giêsu và của toàn bộ Thánh Kinh, ban thẩm quyền cho chúng và làm chúng trở thành các máng chuyển thánh ý sống động và hiện diện của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Nhưng thể chế và mầu nhiệm đã không được đặt để chống lại nhau trong Giáo hội, nhưng, thay vào đó, được hiệp nhất thế nào, thì giờ đây, chúng ta cũng phải chứng tỏ rằng sự vâng lời thiêng liêng đối với Thiên Chúa không cản trở việc vâng lời thẩm quyền hữu hình và thể chế như vậy. Ngược lại, nó làm mới sự vâng lời này, củng cố nó, mang nó đến sự sống tới mức sự vâng lời đối với những con người nhân bản trở thành tiêu chuẩn để phán xét xem liệu một người nào đó có vâng lời hay không và liệu sự vâng lời của họ đối với Thiên Chúa có chân thực hay không. Có một sự so sánh giữa vâng lời và bác ái. Điều răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa, nhưng xét nghiệm nền tảng của nó lại là yêu thương người lân cận của chúng ta. Thánh Gioan viết: "Ai không yêu anh em mình, người mà họ nhìn thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng mà họ không nhìn thấy" (1Ga4:20). Cũng phải nói y như thế về sự vâng lời: nếu quí vị không vâng lời người bề trên mà quí vị thấy, làm sao quí vị có thể nói rằng quí vị vâng lời Thiên Chúa, Đấng mà quí vị không nhìn thấy?

Sự vâng lời Thiên Chúa thường xảy ra cách này. Thiên Chúa đột nhiên lóe sáng một điều gì đó trong tâm trí qúi vị hay trái tim quí vị về thánh ý Người đối với qúi vị: đó là một "linh hứng" thường xuất phát từ một lời của Thiên Chúa mà quí vị đã nghe hay đọc trong lúc cầu nguyện. Quí vị cảm thấy mình "bị thách thức" bởi lời và linh hứng này. Quí vị cảm thấy Thiên Chúa đang "yêu cầu" quí vị một điều gì đó mới mẻ, và quí vị thưa "vâng". Nếu nó liên quan đến một quyết định mang lại các hậu quả thực tế, thì quí vị không thể hành động chỉ dựa trên cơ sở cảm hứng của quí vị mà thôi. Quí vị cần phải đặt ơn gọi của mình trong tay các bề trên hoặc những người có thẩm quyền thiêng liêng đối với quí vị cách nào đó, vì tin rằng nếu nó phát xuất từ Thiên Chúa, Người sẽ làm cho nó được biết đến bởi các vị đại diện của Người.

Nhưng quí vị sẽ làm gì khi một xung đột xuất hiện giữa hai loại vâng lời, và bề trên nhân bản yêu cầu quí vị làm một điều gì đó khác và trái với những gì quí vị tin Thiên Chúa đã truyền lệnh cho qúi vị? Chúng ta chỉ cần tự hỏi xem Chúa Giêsu đã làm gì trong trường hợp như vậy. Người chấp nhận vâng lời người ngoài và tự suy phục người ta; nhưng khi làm như vậy, Người đã không từ bỏ sự vâng lời Chúa Cha, mà thay vào đó, Người chu toàn sự vâng lời này. Đấy mới thực là điều Chúa Cha muốn. Không biết và không muốn điều này, có lúc vì ý tốt, có lúc không, những người như Caipha, Philatô, và đám đông, đã trở thành khí cụ chu toàn thánh ý Thiên Chúa, chứ không phải ý muốn của riêng họ.

Tuy nhiên, quy tắc này không tuyệt đối. Tôi không nói ở đây về nghĩa vụ tích cực phải bất tuân khi thẩm quyền chính trị - như trong một số chế độ độc tài - yêu cầu một điều gì đó rõ ràng vô luân và tội ác. Trung thành với lĩnh vực tôn giáo, thánh ý của Thiên Chúa và sự tự do của Người có thể đòi hỏi một người nào đó, như Phêrô trước lệnh của Thượng Hội Đồng Do Thái, phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời con người (xem Cv 4: 19-20). Nhưng bất cứ ai bắt đầu đi theo con đường này thì phải chấp nhận, giống như các vị tiên tri chân chính khác, việc chết cho chính mình (và thường là chết thể xác) trước khi lời của Người qua đi. Trong Giáo Hội Công Giáo, lời tiên tri chân chính luôn luôn đi kèm với việc vâng lời Đức Giáo Hoàng. Cha Primo Mazzolari và Lorenzo Milani là một số điển hình gần đây về điều này.

Chỉ vâng lời khi những gì bề trên nói phù hợp một cách chính xác với những ý nghĩ và những lựa chọn của chúng ta không phải là vâng lời Thiên Chúa mà là vâng lời chính mình; nó không thực hiện thánh ý Thiên Chúa mà là thực hiện ý riêng của chúng ta. Trong trường hợp có sự khác biệt về ý kiến, nếu, thay vì tự thẩm vấn chúng ta, chúng ta lập tức thẩm vấn sự biện phân và thẩm quyền của bề trên, thì chúng ta không còn là những người vâng lời nữa mà là những người phản đối.

5. Vâng lời luôn cởi mở với mọi người

Vâng lời Thiên Chúa là sự vâng lời mà chúng ta luôn luôn có thể thực hành. Vâng lời những mệnh lệnh gắt gao của các thẩm quyền hữu hình chỉ xảy ra đôi khi, có lẽ ba hay bốn lần trong đời. Mặt khác, có nhiều cơ hội để vâng lời Thiên Chúa, và càng vâng lời, thì các lệnh truyền của Thiên Chúa càng tăng lên, vì Người biết rằng đây là món quà tốt nhất mà Người có thể tặng, đó là điều Người đã tặng Con của Người. Khi Người thấy một người quyết tâm vâng lời, thì Thiên Chúa sẽ nắm lấy cuộc đời đó, giống như một người nắm lấy bánh lái một con tầu hoặc chiếc cương của một cỗ xe ngựa. Sau đó, Thiên Chúa sẽ trở thành "Chúa" thực sự chứ không chỉ trong lý thuyết; Người trở thành người "thống trị", người "cai trị", ấn định ra, có thể nói như thế, các cử chỉ và lời ăn tiếng nói cho người đó từng khoảnh khắc một, cách thức dùng thì giờ, mọi thứ.

Con đã thưa rằng vâng lời Thiên Chúa là một điều mà người ta luôn có thể làm. Con cần thưa thêm rằng đó cũng là sự vâng lời mà tất cả chúng ta có thể làm, bất kể chúng ta là bề dưới hay bề trên. Người ta thường nói rằng ta cần phải biết vâng lời ra sao để có thể chỉ huy. Đây không phải chỉ là một nguyên tắc thường thức, mà nó còn có luận chứng thần học nữa. Nó có nghĩa: nguồn gốc thực sự của thẩm quyền thiêng liêng nằm ở trong chính sự vâng lời hơn là ở trong chức tước hoặc chức vụ ta nắm giữ. Quan niệm thẩm quyền như sự vâng lời có nghĩa: không chỉ hài lòng với thẩm quyền mà còn khao khát tính thẩm quyền phát xuất từ việc có Thiên Chúa đứng đàng sau qúi vị và ủng hộ quyết định của qúi vị. Điều này có nghĩa: di chuyển gần hơn tới loại thẩm quyền phát sinh từ các hành động của Chúa Kitô và làm cho người ta tự hỏi: "Điều gì đây? Một giáo huấn mới có thẩm quyền!"(xem Mc 1:27).

Đây là một loại thẩm quyền khác, có quyền lực thực sự và hữu hiệu, chứ không phải thứ thẩm quyền danh nghĩa; nó là một sức mạnh nội tại, chứ không phải là một sức mạnh ngoại tại. Khi một lệnh truyền được ban ra từ cha mẹ hoặc cấp trên, những người cố gắng sống theo thánh ý Thiên Chúa, luôn cầu nguyện trước nhất và không có lợi ích bản thân nào để bảo vệ mà chỉ xem xét lợi ích của anh em hoặc con cái mình, thì chính thẩm quyền của Thiên Chúa sẽ hành động như một chỗ tựa cho lệnh truyền hoặc quyết định đó. Nếu một thách thức nảy sinh, thì Thiên Chúa sẽ nói với người đại diện của Người những gì Người từng nói với Giêrêmia một ngày nọ: "Nầy, hôm nay Ta làm cho ngươi thành một thành kiên cố, một trụ cột bằng sắt, và các bức tường bằng đồng. . . . Chúng sẽ chiến đấu chống lại ngươi; nhưng chúng sẽ không thắng nổi ngươi, vì Ta ở với ngươi, Chúa phán vậy "(Grm 1: 18-19). Thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã đưa ra lời khuyên khôn ngoan này cho Thánh Polycarp, một trong các môn đệ và đồng nghiệp của ngài trong hàng giám mục: "Đừng để điều gì được thực hiện mà không có sự đồng ý của con, và con cũng đừng làm bất cứ điều gì nếu không có sự chấp thuận của Thiên Chúa".

Con đường vâng lời Thiên Chúa này, tự nó, không có gì là huyền nhiệm hay phi thường về nó và nó mở ra cho mọi người đã chịu phép Rửa. Nó hệ ở việc "trình các vấn đề lên Thiên Chúa" (xem Xh 18:19). Tôi có thể tự quyết định đi du lịch hay không, chấp nhận công việc, đi thăm ai đó, mua hàng, và một khi tôi đã quyết định, tôi có thể xin Thiên Chúa ban cho tôi một kết quả tốt. Nhưng nếu tôi yêu việc vâng lời Thiên Chúa, thì tôi sẽ làm sự việc một cách khác. Trước hết, qua những phương tiện đơn giản có sẵn cho mọi chúng ta, tức cầu nguyện, tôi xin Thiên Chúa xem có phải ý Người muốn cho tôi đi chuyến đi đó, hoặc nhận công việc đó, hoặc thực hiện cuộc viếng thăm đó hoặc mua món hàng đó hay không. Tôi sẽ kết thúc bằng việc quyết định làm điều đó hay không, nhưng, trong bất kỳ trường hợp nào, đều sẽ là một hành vi vâng lời Thiên Chúa chứ không phải là sáng kiến tự ý của riêng tôi.

Thông thường, tôi sẽ không nghe thấy một tiếng nói nào trong lời cầu nguyện ngắn ngủi của tôi, và tôi sẽ không có câu trả lời minh nhiên nào về việc sẽ làm điều gì đó – ít nhất, liên quan đến sự vâng lời, không cần phải có câu trả lời cho hành động của tôi. Khi làm thế, tôi thực sự đã trình câu hỏi lên Thiên Chúa, tôi đã cởi bỏ ý chí của mình, tôi đã từ bỏ việc tự tôi quyết định, và tôi đã dành cho Thiên Chúa cơ hội để can thiệp vào cuộc sống của tôi như Người muốn. Bất cứ điều gì tôi quyết định làm bây giờ, dựa vào các tiêu chuẩn của sự biện phân thông thường, đều sẽ là vâng lời Thiên Chúa. Đây là cách nhường dây cương đời ta cho Thiên Chúa! Đây là cách thánh ý Thiên Chúa sẽ ăn sâu hơn vào cấu trúc hiện sinh của ta, làm phong phú nó và làm cho nó trở thành một “của lễ hy tế sống động, thánh thiện và được Thiên Chúa chấp nhận "(Rm 12: 1).

Lần này, chúng ta cũng hãy kết luận với các lời lẽ của một bài thánh vịnh vốn cho phép chúng ta biến giáo huấn của Thánh Tông Đồ thành lời cầu nguyện. Vào một ngày tràn ngập niềm vui và nhìn nhận các ơn phúc của Thiên Chúa "Tôi kiên nhẫn chờ đợi Chúa; Người cúi xuống phía tôi ... Người kéo tôi lên khỏi hố sâu u sầu" (Tv 40: 1-2), thánh vịnh gia, trong một trạng thái đầy ơn thánh thực sự, đã tự hỏi phải đáp trả ra sao lòng tốt bao la như thế của Chúa: ông có nên dâng của lễ và hy lễ toàn thiêu hay không? Ông nhanh chóng hiểu ra rằng đây không phải là điều Thiên Chúa muốn từ ông; sẽ là điều quá sơ sài khi miêu tả tâm tư Thiên Chúa. Rồi bỗng lóe lên một thông sáng và mặc khải: Điều Thiên Chúa muốn nơi ông là một quyết định rộng lượng và trọng thể nhất quyết chu toàn tất cả những gì Thiên Chúa muốn nơi ông, từ bây giờ trở đi, vâng lời Người trong mọi sự. Vì vậy, sau đó, ông kêu lên:

Này con xin đến!
Trong sách có lời chép về con,
Con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con
 (Tv 40: 8-9)

Khi bước vào thế giới, Chúa Giêsu đã biến những lời trên thành của chính Người, và Người thưa, "Lạy Thiên Chúa, Này Con đến để làm theo ý Chúa" (Dt 10: 7). Bây giờ đến lượt chúng ta. Trọn đời ta có thể sống hàng ngày dưới lá cờ có hàng chữ này: "Lạy Thiên Chúa, này, Con đến để làm theo ý Chúa!" Vào mỗi buổi sáng, lúc bắt đầu một ngày mới, rồi đến một cuộc hẹn hoặc một cuộc họp, khi bắt đầu một nhiệm vụ mới, chúng ta có thể nói, "Lạy Thiên Chúa, này, con đến để làm theo ý Chúa!"

Chúng ta không biết ngày hôm đó, cuộc họp đó, nhiệm vụ đó sẽ có những gì đối với chúng ta. Chúng ta chỉ biết chắc một điều: chúng ta muốn làm theo ý Thiên Chúa trong tất cả những việc đó. Chúng ta không biết tương lai của chúng ta sẽ ra sao, nhưng tốt một điều là bước tới nó với những lời sau đây trên môi miệng chúng ta: "Lạy Thiên Chúa, này, con đến để làm theo ý Chúa".



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét