Trang

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018

Suy niệm đàng Thánh Giá ĐTC Phanxicô cử hành: chặng VIII-XIV


Suy nim đàng Thánh Giá ĐTC Phanxicô c hành: chng VIII-XIV

Lúc 9 giờ 15 phút tối thứ sáu tuần thánh, 30-3-2018, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo ở Roma. Nghi thức này được hàng chục đài truyền hình trên thế giới truyền đi trên hệ thống Mondovisione. 20 ngàn tín hữu đã đến tham dự nghi thức này.
Trong bối cảnh vào tháng 10 năm nay có Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ, ĐTC đã ủy thác cho một nhóm học sinh thuộc trường trung học Pilo Albertelli ở Roma soạn các bài suy niệm Đàng Thánh Giá, dưới sự điều hợp của giáo sư Andrea Monda, tốt nghiệp luật khoa và khoa học tôn giáo, văn sĩ kiêm nhà bình luận, và đang dạy môn tôn giáo tại trường trung học vừa nói
  Sau đây chúng tôi xin gửi đến quí vị 7 bài suy niệm còn lại, từ chặng thứ 8 đến chặng thứ 14 là chặng cuối cùng.
 ** Chặng thứ VIII: Chúa Giêsu gặp các phụ nữ thành Giêrusalem
 Trích Phúc Âm theo thánh Luca (Lc 23,27-31)
 ”Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: ”Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: ”Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm! ” Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi! , và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi! Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?
 Suy niệm
 Lạy Chúa Giêsu, con trông thấy Chúa và con lắng nghe Chúa, trong khi Chúa nói với các phụ nữ gặp trên đường đi tới cái chết. Trong tất cả mọi ngày đã đi qua Chúa đã gặp gỡ biết bao nhiêu người, Chúa đã đi gặp gỡ và nói chuyện với tất cả mọi người. Giờ đây Chúa nói với các phụ nữ thành Giêrusalem trông thấy Chúa và khóc thương Chúa. Cả con nữa cũng là một trong các phụ nữ đó. Nhưng lậy Chúa Giêsu, trong việc cảnh cáo Chúa dùng các lời đánh động con, chúng là các lời cụ thể và trực tiếp; thoạt tiên xem ra chúng cứng cỏi và nghiêm khắc vì thẳng thắn. Thật thế, ngày nay chúng con quen với một thế giới nói quanh co lòng vòng, giả hình lạnh lùng, che đậy và lọc lựa điều chúng con thực sự muốn nói; càng ngày người ta càng tránh các lời cảnh cáo, người ta thích để người khác cho số phận của họ, mà không lo lắng cho thiện ích của họ.
 Trong khi Chúa, lậy Chúa Giêsu, Chúa nói với các phụ nữ như một người cha, cả khi có quở trách họ, các lời của Chúa là lời của chân lý và chúng tới ngay lập tức với mục đích sửa dậy, chứ không phải phán xử. Đó là một ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của chúng con, Chúa luôn luôn nói với sự khiêm tốn và nó tới thẳng con tim.
 Trong cuộc gặp gỡ này, cuộc gặp gỡ cuối cùng trước khi bị đóng đanh, một lần nữa nổi bật tình yêu vô bờ của Chúa đối với những người rốt hết và bị gạt bỏ ngoài lề xã hội; thật vậy, các phụ nữ thời ấy đã bị coi là không xứng đáng được ngỏ lơi, trong khi Chúa, trong sự hiền dịu Chúa thật là cách mạng.
 Cầu nguyện
 Lạy Chúa, xin hãy làm cho con cùng với các phụ nữ và con người của thế giới này có thể luôn luôn ngày càng trở nên bác ái hơn với những người cần được trợ giúp như chính Chúa đã làm. Xin ban cho chúng con sức mạnh đi ngược dòng, và bước vào việc tiếp xúc đích thật với tha nhân, bằng cách bác các cây cầu và tránh khép kín mình trong ích kỷ dẫn đưa chúng con tới sự cô đơn của tội lỗi.
 ** Chặng thứ IX: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba
 Trích sách Ngôn Sứ Isaia (Is 53,5-6)
 ”Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu,lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta.”
  Suy niệm
 Lạy Chúa Giêsu, con trông thấy Chúa khi Chúa ngã xuống đất lần thứ ba. Chúa đã ngã hai lần rồi, và hai lần Chúa đã đứng dậy. Không còn giới hạn cho sự mệt nhọc và đau đớn nữa, giờ thì xem ra Chúa bị thua cuộc một cách vĩnh viễn trong lần ngã thứ ba này. Biết bao lần trong cuộc sống mọi ngày, cũng xảy ra là chúng con ngã xuống. Chúng con ngã nhiều lần tới độ không còn tính được nữa, nhưng chúng con luôn luôn hy vọng rằng mỗi lần ngã là lần cuối cùng, bởi vì phải có can đảm hy vọng để đương đầu với khổ đau. Khi một người ngã biết bao lần, thì cuối cùng sức lực suy sụp và các niềm hy vọng cũng tan biến vĩnh viễn.
 Con tưởng tưởng mình ở bên cạnh Chúa, lậy Chúa Giêsu, trên lộ trình dẫn đưa Chúa tới cái chết. Thật khó mà nghĩ rằng chính Chúa là Con Thiên Chúa. Có ai đó đã thử giúp đỡ Chúa, nhưng giờ đây Chúa đã kiệt lực, Chúa đứng lại, tê liệt, và xem ra Chúa không còn tiến tới được nữa. Nhưng bất thình lình con thấy Chúa đứng dậy, đứng thẳng hai chân và lưng, như có thể, với thập giá trên vai, và lại bước đi. Vâng, Chúa đang đi tới cái chết, nhưng muốn làm điều đó cho tới cùng. Có lẽ đó là tình yêu. Điều mà con hiểu đó là chúng con ngã bao nhiêu lần không quan trọng, sẽ luôn luôn có lần cuối cùng, có lẽ là lần tệ hại nhất, là thử thách kinh khủng nhất, trong đó chúng con được mời gọi tìm ra sức lực để đi cho tới cùng lộ trình. Đối với Chúa Giêsu cuối cùng là việc đóng đinh, là sự vô lý của cái chết, nhưng nó vén mở một ý nghĩa sâu thẳm nhất, một mục đích cao cả nhất, mục đích cứu rỗi tất cả chúng con.
 Cầu nguyện
 Lạy Chúa, xin Chúa ban cho con lòng can đảm mỗi ngày để tiến tới trên con đường của chúng con. Xin hãy làm cho chúng con tiếp nhận cho tới cùng niềm hy vọng và tình yêu, mà Chúa đã ban cho chúng con. Tất cả chúng con có thể đương đầu với các thách đố của cuộc đời với sức mạnh và niềm tin, mà Chúa đã sống trong những lúc cuối cùng trên đường tiến tới cái chết trên thập giá.
  ** Chặng thứ X: Chúa Giêsu bị lột áo
 Trích Phúc Âm thánh Gioan (Ga 19,23)
 ”Đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới.”
 Suy niệm
 Lạy Chúa Giêsu, con thấy Chúa như con chưa từng thấy bao giờ. Lạy Chúa Giêsu, người ta đã lột quần áo Chúa và họ bắt thăm chúng. Dưới mắt của những người này Chúa đã mất đi mảnh duy nhất của phẩm giá còn lại, vật duy nhất Chúa có trên con đường khổ đau. Vào thời khởi đầu Thiên Chúa, Cha của Chúa, đã khâu quần áo cho con người để mặc cho họ phẩm giá; giờ đây loài người đã giật chúng khỏi Chúa. Lạy Chúa Giêsu, con thấy Chúa và thấy một người di cư trẻ, thân mình bị tàn phá khi đến một vùng đất thường quá tàn ác, sẵn sàng lấy đi chiếc áo, gia tài duy nhất của anh và bán nó đi, để anh như thế với thập giá của mình, như thập giá của Chúa, với làn da bị tra tấn như làn da của Chúa, với đôi con mắt mở lớn vì đau đớn, như đôi con mắt Chúa.
 Nhưng có cái gì đó mà loài người thường quên liên quan tới phẩm giá: nó nằm dưới làn da của Chúa, nó là phần của Chúa và nó sẽ luôn luôn ở với Chúa, và còn hơn thế nữa trong lúc này đây, trong sự trần truồng này.
 Chính với sự trần trụi ấy mà chúng con chào đời, nó là sự trần truồng mà lòng đất tiếp nhận chúng con vào chiều tà của cuộc sống. Từ một bà mẹ sang một bà mẹ khác. Và giờ đây trên ngọn đồi nãy cũng có mẹ của Chúa, lại trông thấy Chúa trần truồng.
 Con thấy Chúa và hiểu sự cao cả và ánh quang phẩm giá của Chúa, phẩm giá của mỗi một người, mà không ai sẽ có thể xoá mờ được bao giờ.
 Cầu nguyện
 Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con có thể nhận ra phẩm giá riêng của bản tính mình, cả khi chúng con trần truồng và cô đơn trước mặt những người khác. Xin cho chúng con có thể luôn luôn trông thấy phẩm giá của tha nhân và trân trọng nó, giữ gìn nó. Chúng con xin Chúa ban cho chúng con lòng can đảm cần thiết để hiểu chính mình sâu xa hơn quần áo chúng con mặc, và chấp nhận sự trần truồng thuộc về chúng con và nhắc cho chúng con biết sự nghèo nàn của chúng con, mà Chúa đã say mê tới độ trao ban sự sống cho chúng con.
 ** Chặng thứ XI: Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá
 Trích Phúc Âm thánh Luca (Lc 23,33-34)
 “Khi đến nơi gọi là ”Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: ”Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm.”
 Suy niệm
 Lạy Chúa Giêsu, con thấy Chúa bị lột tất cả. Họ đã muốn trừng phạt Chúa, là Đấng vô tội, bằng cách đóng đinh Chúa vào gỗ thập giá. Vào địa vị họ con sẽ làm gì, con có can đảm thừa nhận sự thật của Chúa, sự thật của con không? Chúa đã có sức mạnh chịu đựng gánh nặng của một thập giá, của việc không được tin, bị kết án vì các lời nói gây khó chịu của Chúa. Ngày nay chúng con không thể tiêu hoá một lời chỉ trích, như thể mỗi lời được nói lên nhằm gây thương tích cho chúng con.
 Chúa đã không dừng lại cả trước cái chết, Chúa đã tin tưởng sâu xa nơi sứ mệnh của Chúa, và Chúa đã tín thác cho Thiên Chúa Cha. Ngày nay trong thế giới liên mạng chúng con bị điều kiện hoá bởi tất cả những gì luân chuyển trên mạng tới độ đôi khi con cũng nghi ngờ cả những lời nói của mình nữa. Nhưng các lời của Chúa thì khác, chúng mạnh mẽ trong sự yếu đuối của Chúa. Chúa đã tha thứ cho chúng con, Chúa đã không thù hận, Chúa đã dậy đưa má kia cho người ta tát, và Chúa đã đi xa hơn cho tới chỗ hiến tế hoàn toàn con người mình.
 Con nhìn quanh và trông thấy các đôi mắt dán chặt trên màn điện thoại, bận rộn trên mạng xã hội, dán chặt trên mọi lỗi lầm của người khác mà không có khả thể tha thứ. Những con người làm mồi cho giận dữ la hét thù hận nhau vì các lý do không đâu.
 Con nhìn vào các thương tích của Chúa, và con ý thức được rằng giờ đây con không có được sức mạnh của Chúa. Nhưng con ngồi đây dưới chân Chúa, và con cũng lột trần con khỏi mọi do dự, đứng lên để có thể ở gần Chúa hơn, cả khi chỉ có vài centi mét.
 Cầu nguyện
 Lạy Chúa, xin cho con đứng trước sự thiện có thể sẵn sàng thừa nhận nó, xin cho con đứng trước một bất công có thể có can đảm nắm lấy đời mình trong tay, và hành động một cách khác; xin cho con có thể giải thoát mình khỏi mọi sợ hãi như những chiếc đinh làm cho con bị tê liệt và giữ con xa cách cuộc sống mà Chúa đã hy vọng và chuẩn bị cho chúng con.
 ** Chặng thứ XII: Chúa Giêsu chết trên Thập giá
 Trích Phúc Âm theo thánh Luca (Lc 23, 44-47)
 Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời tối đi. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giêsu kêu lớn tiếng: ”Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” Nói xong, Người tắt thở. Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa: ”Người này quả thật là công chính!”
 Suy niệm
 Lạy Chúa Giêsu, con thấy Chúa, và lần này con không ước muốn thấy Chúa. Chúa đang chết. Khi Chúa nói trước đám đông, lúc ấy nhìn Chúa thật là đẹp, nhưng giờ đây tất cả đã chấm dứt. Và con không muốn thấy sự kết thúc; rất nhiều lần con đã ngoảnh mặt đi, con hầu như đã quen chạy trốn đau khổ và cái chết, con đã bị mê đi.
 Tiếng kêu của Chúa trên thập giá thật mạnh mẽ đau thương: chúng con đã không sẵn sàng với sự đau khổ này, hiện nay chúng con vẫn không và chúng con sẽ không bao giờ sẵn sàng. Theo bản năng, chúng con chạy trốn vì hoảng hốt, trước sự chết và đau khổ, chúng con chối bỏ chúng, chúng con thích ngoảnh nhìn chỗ khác hay nhắm mắt lại. Ngược lại, Chúa đã ở lại đó, trên thập giá, chờ đợi chúng con với đôi tay giang rộng để mở mắt chúng con.
 Lạy Chúa Giêsu, đây là một mầu nhiệm vĩ đại: Chúa yêu chúng con khi đang chết, đang bị bỏ rơi, đang trao phó linh hồn, đang hoàn thành ý Chúa Cha, đang từ bỏ chính mình. Chúa ở lại trên thập giá và thế là đủ. Chúa không cố gắng giải thích mầu nhiệm sự chết, sự chấm dứt của tất cả mọi thứ, Chúa làm hơn thế nữa: Chúa nếm trải cái chết với tất cả thân xác và tinh thần. Mầu nhiệm cao cả này tiếp tục tra vấn chúng con và không để chúng con cảm thấy bình an; nó thách thức chúng con, mời gọi chúng con mở đôi mắt, mời gọi chúng con biết nhìn thấy tình yêu của Chúa ngay cả trong cái chết, và đúng hơn là bắt đầu từ chính cái chết. Và chính đó là nơi Chúa đã yêu chúng con: trong thân phận thật sự của chúng con, không thể xóa bỏ và tránh né. Chính ở đó chúng con đón nhận, dù theo cách chưa hoàn hảo, sự hiện diện sống động và thật sự của Chúa. Chúng con sẽ luôn khao khát điều này: sự gần gũi của Chúa, Thiên Chúa ở cùng chúng con.
 Cầu nguyện
 Lạy Chúa, con xin Chúa mở mắt cho con để con nhìn thấy Chúa ngay cả trong đau khổ, trong sự chết, trong sự kết thúc mà không phải là kết thúc thật sự. Xin Chúa khuấy động sự dửng dưng của con bằng thập giá của Chúa, đánh động sự ù lì của con. Xin luôn tra vấn con bằng mầu nhiệm đảo lộn của Chúa, mầu nhiệm chiến thắng sự chết và trao ban sự sống.
 ** Chặng thứ XIII: Chúa Giêsu được tháo xuống khỏi thập giá
 Trích Phúc Âm theo thánh Gioan (Ga 19,38-40)
 Sau đó, ông Giuse, người Arimathê, xin ông Philatô cho phép hạ thi hài Đức Giêsu xuống. Ông Giuse này là một môn đệ theo Đức Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Dothái. Ông Philatô chấp thuận. Vậy, ông Giuse đến hạ thi hài Người xuống. Ông Nicôđêmô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giêsu ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Đức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà cuốn, theo tục lệ chôn cất của người Do thái.
Suy niệm
 Lạy Chúa Giêsu, con thấy Chúa, vẫn ở đó, trên thập giá. Một con người bằng xương bằng thịt, với những dòn mỏng và lo sợ. Chúa đã đau đớn biết bao! Đây là một khung cảnh không thể chịu đựng được, có lẽ chính vì nó quá đầy tính người: đây là lời nòng cốt, mật mã của cuộc hành trình của Chúa, rải rác những đau khổ và mệt nhọc. Chính thân phận loài người này mà chúng con thường quên nhận ra nơi Chúa và tìm kiếm nơi chính chúng con và nơi người khác, những người quá bận bịu bởi một cuộc sống vội vã, mù lòa và điếc trước những khó khăn và đau khổ của người khác.
 Lạy Chúa Giêsu, con thấy Chúa: giờ đây không còn ở đó, trên thập giá; Chúa đã trở về nới Chúa đã đến, nằm nghỉ trong lòng đất, trong lòng mẹ của mình. Giờ đây đau khổ đã qua, đã biến mất. Đây là giờ của lòng thương xót. Trong thân thể không còn sự sống của Chúa vang vọng sức mạnh mà Chúa đã đương đầu với đau khổ; ý nghĩa mà Chúa đã có thể mang lại cho đau khổ phản chiếu trong đôi mắt của người đang còn ở lại đó và ở cạnh Chúa và luôn sẽ còn ở cạnh Chúa trong tình yêu, trao dâng và nhận lãnh. Một sự sống mới của trời cao được mở ra cho Chúa, cho chúng con, dưới dấu hiệu của điều kháng cự lại sự chết và không bị nó bẻ gãy: đó là tình yêu thương. Chúa ở đây, với chúng con, trong mỗi phút giây, mỗi bước đi, mỗi điều không chắc chắn, mỗi bóng tối. Trong khi bóng tối của huyệt mộ lan rộng trên thân thể Chúa nằm trong cánh tay mẹ Ngài, con nhìn thấy Chúa và con sợ nhưng không thất vọng, con tin tưởng rằng ánh sáng, ánh sáng của Chúa, sẽ lại chiếu sáng.
 Cầu nguyện
 Lạy Chúa, xin Chúa làm cho hy vọng luôn sống động trong chúng con, đức tin vào tình yêu không điều kiện của Chúa. Xin làm cho chúng con có thể duy trì cái nhìn sống động và rực sáng hướng tới ơn cứu độ vĩnh cửu, và chúng con có thể tìm được sự hồi sức và an bình trong hành trình của chúng con.
 ** Chặng thứ XIV: Chúa Giêsu được mai táng trong mồ
 Trích Phúc Âm theo thánh Gioan (Ga 19,41-42)
 Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Dothái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giêsu ở đó.
 Suy niệm
 Lạy Chúa Giêsu, con không còn thấy Chúa nữa. Bây giờ là bóng tối. Bóng tối từ các ngọn đồi phủ xuống và các ngọn đèn của ngày sabát nhấp nháy ở Giêrusalem, bên ngoài các ngôi nhà và các căn phòng. Bóng tối và các ngọn đèn này gõ các cánh cửa thiên đàng đang đóng và bất khả xâm phạm: tất cả sự đơn vắng này dành cho ai? Trong một đêm như thế ai có thể ngủ? Trong thành vang lên tiếng khóc của các trẻ em, tiếng ca của các bà mẹ, tiếng bước chân đi tuần của quân lính: ngày hôm nay đang tàn dần, và chỉ có Chúa ngủ. Chúa ngủ sao? Và trên chiếc giường nào? Tấm chăn nào che dấu Chúa với thế giới?
 Từ xa xa ông Giuse Arimatea đã đi theo Chúa và giờ đây ông đang nhẹ nhàng đi cùng với Chúa trong giấc ngủ, kéo Chúa ra khỏi cái nhìn của những kẻ bất xứng và gian ác. Một tấm khăn quấn lấy cơn lạnh giá của sự chết, lau khô máu và mồ hôi và nước mắt. Từ thập giá Chúa ngã xuống, nhưng cách nhẹ nhàng. Ông Giuse vác Chúa trên vai, nhưng Chúa thật nhẹ: Chúa không mang gánh nặng của sự chết, của hận thù oán ghét. Chúa ngủ như khi Chúa được quấn trong rơm ấm và một Giuse khác ôm Chúa trên tay. Như khi đó không có chỗ cho Chúa, giờ đây Chúa không có nơi gối đầu: nhưng trên đồi Canvê, trên sự cứng đầu của thế giới, ở đó mọc lên ngôi vườn nơi chưa từng có người nào được chôn.
 Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đi đâu rồi? Chúa đã đi xuống nơi đâu nếu không phải là tận nơi sâu thẳm? Ở đâu, nếu không phải là nơi vẫn còn hoang sơ, trong căn phòng chật hẹp nhất? Chúa đã bị mắc lại trong chính cạm bẫy của chúng con, bị cầm tù trong chính sự buồn phiền của chúng con: Chúa đã bước đi như chúng con trên trái đất này và giờ đây Chúa tạo cho mình một chỗ dưới lòng đất này như chúng con.
 Con muốn chạy đi thật xa, nhưng Chúa ở trong chính con; con không phải ra đi để tìm kiếm Chúa, bởi vì Chúa gõ cánh cửa của con.
 Cầu nguyện
 Lạy Chúa, con cầu xin Chúa, Đấng đã không tỏ mình ra trong vinh quang, nhưng trong sự thinh lặng của một đêm tối. Chúa không nhìn qua vẻ bên ngoài nhưng thấy điều dấu kín và Chúa đi xuống hố sâu, từ sâu thẳm xin nghe tiếng của chúng con: xin làm cho chúng con, những người mỏi mệt, có thể nghỉ ngơi trong Chúa, nhận ra Chúa trong bản tính của chúng con, nhìn thấy trong tình yêu của gương mặt đang ngủ của Chúa vẻ đẹp bị đánh mất của chúng con.
(Linh Tiến Khải và Hồng Thủy chuyển ý)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét