25/08/2019
Chúa Nhật 21 Thường
Niên năm C.
(phần II)
Phụng Vụ Lời
Chúa: Chúa Nhật 21 Thường niên năm C
Is 66,18-21; Hr
12,5-7.11-13; Lc 13,22-30
AI ĐƯỢC VÀO DỰ TIỆC NƯỚC THIÊN CHÚA?
“Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước
Thiên Chúa” (Lc 13,29).
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1
Đoạn sách ngôn sứ
Isaia đệ tam diễn tả một thế giới đại đồng, trong đó mọi người thuộc mọi dân tộc
và ngôn ngữ sẽ được tập hợp lại. Họ sẽ nhận biết vinh quang Chúa và chúc tụng
danh thánh Ngài.
Trước hết, ngôn sứ Isaia
loan báo việc Thiên Chúa “sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ
sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta” (Is 66,18). Lời sấm của ngôn sứ
mở ra viễn ảnh về một thế giới đại đồng, trong đó mọi người đều được Thiên Chúa
mời gọi và qui tụ về để được chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài. Không hề có bất
kỳ sự loại trừ hay giới hạn nào, cũng như không có bất cứ điều kiện nào, vì mọi
dân tộc và ngôn ngữ đều được tập họp lại. Thiên Chúa không loại trừ bất kỳ ai
muốn đến chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài.
Sau nữa, Thiên Chúa sẽ “sai
những kẻ sống sót của họ đến với các dân tộc” (Is 66,19a). “Những kẻ sống
sót của họ” là những người trở về với Đức Chúa của Israel; chính họ sẽ được
Thiên Chúa sai “đến với các dân tộc” như là những nhà “truyền giáo”. Họ không
những được mời gọi qui tụ về để chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa, mà còn được
sai đi để rao truyền và kêu mời thêm nhiều người từ “các dân tộc”, là những người “chưa
hề được nghe nói đến Ta và chưa hề thấy vinh quang của Ta”. Chính những nhà
“truyền giáo” này “sẽ loan báo vinh quang của Ta giữa các dân tộc”(Is
66,19b).
Cuối cùng, trong số những
người trở về với Đức Chúa của Israel, Thiên Chúa “sẽ chọn lấy một
số làm tư tế, làm thầy Lêvi” (Is 66,21). Trước đây, dân Israel được chọn
làm “dân thánh”, là “vương quốc tư tế” (Xh 19,6) để chuyên lo việc phụng thờ
Thiên Chúa. Và trong dân thánh của Thiên Chúa, Ngài đã dành riêng các tư tế và
thầy Lêvi thuộc chi tộc Lêvi để thờ phượng và tiến dâng hy tế lên Thiên Chúa.
Sau này, việc thờ phượng và tế lễ Thiên Chúa được mở rộng ra cho cả những người
từ “các dân tộc”, tức là những người sẽ tin vào Đức Chúa của Israel.
Như thế, lời sấm của
ngôn sứ Isaia đệ tạm mở ra một thế giới đại đồng trong đó tất cả mọi người đều
được mời gọi đến để nhận biết, tôn thờ và tế lễ Thiên Chúa.
2. Bài đọc 2
Đoạn trích từ thư gởi
tín hữu Hípri cho thấy cách thức mà Thiên Chúa giáo dục chúng ta như những người
con của Ngài.
Trước hết, tác giả thư
Hípri lấy tư tưởng của sách Châm Ngôn mà trình bày lý do và cách thức Thiên
Chúa sửa dạy: “Thiên Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy và có nhận
ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt” (Hr 12,6; x. Cn 3,11-12). Thật
vậy, lý do Thiên Chúa sửa dạy là vì tình thương và cách thức Ngài sửa dạy là
“cho roi cho vọt”. Chỉ khi việc sửa dạy phát xuất từ “tình thương”, thì việc
“cho roi cho vọt” mới có thể đem lại hiệu quả, vì bất cứ hình thức “roi vọt”
nào không phát xuất từ “tình thương” sẽ chỉ là bạo lực và độc ác mà thôi.
Sau nữa, tác giả thư
Hípri mời gọi các tín hữu hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy, vì Ngài sửa dạy
như người cha đối với con cái (12,7). Thiên Chúa là Cha tốt lành nên Ngài mới sửa
dạy để con cái Ngài nên người. Phận làm con, hãy kiên trì chấp nhận những lời sửa
dạy chẳng có gì là “vui thú” mà chỉ là “buồn phiền” để có thể gặt hái được hoa
trái là “bình an và công chính” (12,11).
Như thế, nếu Thiên
Chúa có “cho roi cho vọt” cũng chỉ vì Ngài yêu thương con người như người cha
lo cho con cái và muốn con cái được bình an và công chính.
3. Bài Tin Mừng
Sấm ngôn của ngôn sứ
Isaia mời gọi tất cả mọi dân tộc và ngôn ngữ đến chiêm ngưỡng tôn nhan Thiên
Chúa và phụng thờ Ngài. Dù bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi
người, nhưng không phải là không có những điều kiện. Bài Tin Mừng hôm nay nêu
lên một số điều kiện như thế.
Trước hết, bữa tiệc Nước
Thiên Chúa đòi hỏi người ta phải “chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (Lc
13,24a). Nước Thiên Chúa là một cánh “cửa hẹp” mà người ta phải “chiến đấu” mới
có thể vào. Vì hẹp và phải chiến đấu mới vào được nên dù nhiều người tìm cách
vào nhưng chỉ một số ít được “cứu độ” mà thôi (13,24b). “Chiến đấu” để qua “cửa
hẹp” đòi buộc người ta phải sống tinh thần sám hối (13,1-15) trong thời gian giới
hạn mà Thiên Chúa đang kiên nhẫn đợi chờ (13,6-9). Vậy nên đừng chờ cho đến lúc
“chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại” thì mới đứng ngoài mà gọi thì đã quá trễ
(13,25).
Sau nữa, Nước Thiên
Chúa không dựa trên các mối tương quan thân quen hay máu mủ. Nước Trời mở ra
cho tất cả mọi người từ đông tây nam bắc (13,29), nên việc “đã từng ăn uống trước
mặt ngài” (13,26) hay có liên hệ huyết thống với dòng dõi Ápraham (13,28; x.
3,8) không đủ để được đón nhận vào. Điều kiện tiên quyết là phải tin nhận Đức
Giêsu và tránh làm điều bất chính để được vị thẩm phán nhận biết (13,25-27).
Cuối cùng, Nước Thiên
Chúa mở ra cho tất cả mọi người cách công bằng và đòi buộc tất cả mọi người,
không phân biệt ai, đều phải “chiến đấu” mà vào, nên không có chuyện ưu tiên
cho người đi trước thì đến trước hoặc đứng trước thì được xếp hàng đầu. Lời của
Chúa Giêsu “có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng
đầu sẽ xuống hàng chót” (Lc 13,20) cảnh báo về những thay đổi lớn lao
trong Nước Trời, nơi có những người nghĩ mình đứng đầu nhưng sẽ phải xuống hàng
chót và ngược lại. Vị thẩm phán công minh sẽ ân thưởng xứng đáng với công trạng
của từng người (x. Lc 6,36-38).
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Ngôn sứ Isaia đệ
tam loan báo về một thế giới đại đồng trong đó tất cả mọi người từ mọi dân tộc
và ngôn ngữ đều được mời gọi tin vào Thiên Chúa, trở nên những nhà “truyền
giáo” cho các dân tộc chưa biết Chúa và được tham gia vào việc tế lễ để thờ phượng
Ngài. Lời ngôn sứ Isaia đã nên ứng nghiệm nơi Hội Thánh, là tập hợp những người
tin vào Thiên Chúa, được mời gọi chia sẻ sứ mạng truyền giáo cho những người
chưa biết Chúa và tham gia vào chức vụ tư tế để thờ phượng Ngài. Là một thành
phần của Hội Thánh, tôi có ý thức bổn phận và trách nhiệm của mình?
2/ Đoạn trích từ thư gởi
tín hữu Hípri cho thấy lý do và cách thức mà Thiên Chúa giáo dục chúng ta. Nếu
Thiên Chúa có “cho roi cho vọt” mà sửa dạy chúng ta cũng chỉ vì Ngài yêu thương
chúng ta như người cha thương yêu và lo cho con cái vì muốn con cái gặt hái được
hoa trái là bình an và công chính. Tôi có tin Thiên Chúa yêu thương tôi như người
cha yêu thương con cái? Tôi có sẵn sàng để cho Thiên Chúa sửa dạy, mà gặt hái
được hóa trái là bình an và công chính?
3/ Nước Thiên Chúa là
một bữa tiệc mở ra cho tất cả mọi người, nhưng để được vào dự tiệc, người ta phải
“chiến đấu” mà qua cửa hẹp, chứ không thể dựa vào mối tương quan thân thiết hay
máu mủ, cũng không thể trông chờ được ưu tiên vì bất cứ lý do nào. Tôi có đang
“chiến đấu” để đi con đường hẹp mà vào Nước Trời? Tôi có đang muốn được ưu tiên
vì lý do này hay lý do khác?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị
em thân mến! Qua Đức Kitô, Thiên Chúa muốn tất cả mọi người và mọi dân tộc trên
mặt đất được cứu độ và chung hưởng hạnh phúc Nước Trời. Cộng đoàn chúng ta hãy
đồng thanh cảm tạ Chúa và tha thiết dâng lời cầu nguyện.
1. “Chúng sẽ rao giảng
cho các dân biết vinh quang của Ta.” Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn
trong Hội Thánh luôn nỗ lực và có nhiều sáng kiến trong công cuộc truyền giáo,
để mọi dân tộc trên thế giới được lắng nghe và đón nhận Tin Mừng cứu độ.
2. “Người ta sẽ từ
đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa.” Chúng ta cùng
cầu xin cho mọi Kitô hữu luôn ý thức và siêng năng đến lãnh nhận các bí tích, đặc
biệt là bí tích Thánh Thể, như là bảo chứng cho hạnh phúc đời đời.
3. “Hãy chiến đấu để
qua được cửa hẹp mà vào.” Chúng ta cùng cầu xin cho những người trẻ hôm nay biết
cảnh giác trước lối sống hưởng thụ dễ dãi, luôn trung thành sống theo Lời Chúa
dạy, và can đảm chấp nhận hy sinh thua thiệt vì Nước Trời.
4. “Anh em hãy kiên
trì để cho Thiên Chúa sửa dạy.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng
đoàn chúng ta luôn vững lòng trước mọi thử thách trong đời sống đức tin, để
ngày càng khám phá ra những vẻ đẹp kỳ diệu của lòng Chúa thương xót.
Chủ tế: Lạy
Chúa là Cha rất nhân từ, xin lắng nghe lời chúng con khẩn nguyện và ban ơn trợ
giúp, để chúng con thêm hăng say trong những nỗ lực loan báo tin mừng cứu độ của
Chúa cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
SCĐ CHÚA NHẬT XXI TN C
Chủ đề :
Chúa ban ơn cứu độ cho mọi người
“Hãy cố gắng
qua cửa hẹp để vào Nước Trời” (Lc 13,24)
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc I :
“Người ta sẽ đưa tất cả những anh em các của thuộc mọi dân tộc về”
– Đáp ca : “Muôn
nước hỡi nào ca ngợi Chúa, ngàn dân ơi hãy chúc tụng Người”
– Tin Mừng :
“Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Dân do thái là dân
riêng của Chúa. Còn chúng ta chỉ là dân ngoại. Vậy mà chúng ta đã được Chúa
thương, cho chúng ta biết Ngài và quy tụ chúng ta lại trong Giáo Hội của Ngài.
Chúng ta hãy cám ơn
tình thương của Chúa, và hãy cầu nguyện để ngày càng có thêm nhiều người được
biết Chúa và đến với Ngài.
II. Gợi ý sám hối
– Rất ít khi chúng ta
biết cám ơn Chúa vì ơn được biết Ngài.
– Cũng rất ít khi
chúng ta quan tâm làm cho nhiều người khác cũng được biết Chúa như chúng ta.
– Chúng ta ngại đi qua
“cửa hẹp”, nghĩa là ngại khó khăn, ngại cố gắng.
III. Lời Chúa
1.
Bài đọc I (Is
66,18-21)
Đây là đoạn kết của
sách Isaia, qua đó Thiên Chúa tỏ cho biết giai đoạn cuối của chương trình cứu độ
của Ngài là tất cả mọi dân tộc (chứ không riêng gì dân do thái) sẽ tin vào
Ngài, đến với Ngài và hưởng hạnh phúc muôn đời với Ngài.
2.
Đáp ca (Tv 116)
Thánh vịnh này nhấn mạnh
lại ý tưởng của bài đọc I : kêu mời mọi nước mọi dân hãy ca ngợi và chúc tụng
Chúa.
3.
Tin Mừng (Lc
13,22-30)
Hai câu trong đoạn Tin
Mừng này đáng chú ý nhất :
c.23 : Câu hỏi mà
một người kia đặt ra cho Chúa Giêsu phản ánh quan tâm của người Do Thái đương
thời về số lượng những kẻ được cứu.
Khi đặt vấn đề dựa
theo số lượng, người ta sẽ có thái độ không thích hợp : nếu mọi người đều
được cứu thì thái độ sẽ là ỷ lại ; còn nếu có một số nhỏ được cứu thì thái
độ sẽ là chán nản, cố gắng làm chi cho uổng công.
c.24 : Chúa Giêsu
không trả lời thẳng câu hỏi. Người ta hỏi về số lượng. Ngài trả lời về cách thức
làm sao cho mình được ở trong số lượng những kẻ được cứu ấy, đó là phải cố gắng,
diễn tả bằng hình ảnh “đi qua cửa hẹp”.
– “Đi qua“ :
Động từ “qua” diễn ta sự thay đổi cách sống. Có rất nhiều người đứng trước cái
của hẹp ấy, nhưng chỉ những ai biết “đi qua” (thay đổi cách sống) thì mới vào
nhà được.
– “Cửa hẹp” diễn ta sự
cố gắng. Muốn vào Nước Trời thì phải cố gắng nhiều (và khó khăn như lạc đà chui
qua lỗ kim : xem Mt 19,24, Mc 10,25, Lc 18,25).
Như thế, số lượng những
kẻ vào Nước Trời (nhiều hay ít), và lý lịch của những người ấy (do thái hay dân
ngoại) đều không quan trọng. Vấn đề quan trọng là phải cố gắng đi qua cửa hẹp
mà vào.
4.
Bài đọc II (Dt
12,5-7.11-13) (Chủ đề phụ)
Đoạn thư do thái này
bàn đến những gian truân khốn khó.
Như chúng ta đã biết,
các kitô hữu gốc do thái phải chịu nhiều khốn khó từ phía đế quốc rôma lẫn phía
Do thái giáo.
Tác giả cho họ biết rằng
những gian nan khốn khó đó là những việc Chúa cho phép xảy ra để thử thách và sửa
dạy họ. Mà Chúa thương ai thì mới thử thách và sửa dạy người ấy. Vì thế, họ đừng
ngả lòng, trái lại hãy vui mừng vì biết mình được Chúa thương, và kiên trì chịu
đựng.
IV. Gợi ý giảng
* 1. “Phải chăng số
người được cứu thoát thì ít ?”
Hôm đó có người hỏi
Chúa Giêsu : “Phải chăng số người được cứu thoát thì ít ?” Người hỏi
câu này là một người do thái. Khi hỏi thế, người do thái này mong nhận được câu
trả lời là “đúng thế”. Sở dĩ người này mong như vậy là vì dân do thái nghĩ rằng
ơn cứu rỗi được dành riêng cho dân tộc họ mà thôi.
Một câu hỏi sai phát
xuất từ một quan niệm sai. Cho nên Chúa Giêsu không trả lời. Những điều Ngài
nói sau đó cho ta thấy Ngài muốn đặt lại câu hỏi cho đúng : “Ai sẽ được cứu
rỗi ?” và “Muốn được cứu rỗi thì phải làm gì ?”
“Ai sẽ được cứu rỗi ?”
Thưa : tất cả mọi người : “Thiên hạ sẽ từ Đông Tây Nam Bắc sẽ đến dự
tiệc trong Nước Thiên Chúa”. Vì thế, đừng ai nghĩ rằng bởi vì mình thuộc thành
phần ưu tiên nên chắc chắn sẽ được cứu rỗi, bởi vì rất có thể khi đó họ phải ngỡ
ngàng nghe Chúa nói “Ta không biết các ngươi từ đâu tới. Hãy cút đi cho khỏi mắt
Ta”.
“Muốn được cứu rỗi thì
phải làm gì ?” Thưa “hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mười vào”. “Qua cửa hẹp”
nghĩa là phải sám hối, phải uốn nắn đời sống theo những giáo huấn của Tin Mừng,
“ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình và vác thập giá hằng ngày mà theo Ta”
* 2. Ai sẽ được cứu
rỗi ?
Thời Chúa Giêsu nhiều
người Do thái tưởng rằng ơn cứu rỗi chỉ dành riêng cho dân tộc họ mà thôi. Vì
thế khi họ hỏi Chúa Giêsu “Thưa Thầy, phải chăng chỉ có một số ít người sẽ được
cứu rỗi ?” thì họ thầm mong Chúa Giêsu sẽ trả lời “Phải” để xác nhận quan
điểm của họ.
Nhưng Chúa Giêsu đâu
có muốn xác nhận một quan điểm hẹp hòi như vậy, và Chúa Giêsu cũng không muốn
trả lời thẳng câu hỏi của họ. Nếu Chúa đáp “Phải” chỉ có một ít người sẽ được cứu
rỗi” thì sẽ sinh hậu quả là những người Do thái thành ra kiêu căng tự mãn vì nắm
chắc phần rỗi : vì tự mãn như thế họ không cần cố gắng gì thêm nữa. Và những
người khác không phải là Do thái thì sẽ nản lòng, tự nhủ “Ơn cứu rỗi không thuộc
về mình, thôi thì cố gắng làm chi cũng vô ích”. Ngược lại nếu Chúa Giêsu đáp
“Ơn cứu rỗi được ban cho số đông” thì cũng làm cho mọi người ỷ lại, không cố gắng,
bởi vì cố gắng làm chi vì mình chắc chắn sẽ được rồi mà.
Chính vì những lý do
nêu trên mà Chúa Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi dựa trên số lượng, Chúa nhắm
đến phẩm chất : Ơn cứu rỗi không phải là đặc quyền của một số người nào, của
một dân tộc nào, của một phe nhóm nào cả, mà thuộc về bất cứ ai biết sống theo
Lời Chúa dạy. Vì thế mà sẽ có những cảnh trớ trêu :
– Những kẻ trước hết sẽ
có thể nên sau hết ; ngược lại những kẻ sau hết có thể thành trước hết.
Dân tộc Do thái dù được biết Chúa sớm hơn hết nhưng nếu không sống theo Lời
Chúa thì có thể đi sau các dân khác tuy biết Chúa muộn hơn nhưng đã biết sống
theo Lời Chúa.
– Chúa còn
nói :”Nhiều người từ đông sang tây nam bắc sẽ được mời vào nước Chúa đang
khi con cái trong nhà bị đuổi ra”, nghĩa là có thể các dân tộc khác sẽ vào chiếm
chỗ dân Do thái vì các dân tộc ấy đã biết sống theo Lời Chúa.
Trên đây là ý nghĩa trực
tiếp của đoạn Tin mừng, áp dụng cho dân Do thái và các dân khác thời Chúa
Giêsu. Còn ý nghĩa hiện thực áp dụng cho thời đại chúng ta ngày nay là :
không phải hễ có rửa tội, có đạo, có dự lễ, rước lễ, xưng tội, đọc kinh, nghe
giảng vv thì đương nhiên sẽ được cứu rỗi đâu. Nhưng ơn cứu rỗi được ban cho bất
cứ kẻ nào sống theo Lời Chúa, cho dù người đó có đạo hay là không có đạo. Thực
vậy, có đạo mà không sống theo Lời Chúa thì không bằng người tuy không có đạo,
không biết Chúa nhưng cuộc sống của họ lại theo đúng những điều Chúa dạy. Giáo
thuyết này đưa đến 2 quan niệm mới trong nền thần học ngày nay : (1) thứ
nhất là quan niệm về những người Kitô hữu vô danh : đó là những người tuy
không có đạo, nhưng vì cuộc sống của họ phù hợp với tinh thần Tin mừng nên vẫn
được cái là Kitô hữu mặc dù họ không có danh hiệu Kitô hữu. (2) Còn quan niệm
thứ hai là về những người “Kitô hữu ngoại đao”, nghĩa là những người tuy có đạo
nhưng lại không sống theo tinh thần Tin mừng nên bị coi là ngoại đạo mặc dù họ
có danh hiệu Kitô hữu.
Nếu danh hiệu không
làm nên thực chất của người Kitô hữu, thì là cái gì ? Thưa là cuộc sống được
thể hiện qua những phản ứng của mình trước mọi tình huống trong đời.
Một nữ tu già ngồi sau
một chiếc xe đạp, rồi có một chiếc xe hơi trên đó có một số cán bộ chạy lướt
qua. Chiếc he hơi lái hơi ẩu nên chạm chiếc xe đạp làm cho bà sơ già té ngửa xuống,
dập đầu xuống đường. Những cán bộ trên xe hơi vội vả xuống đỡ bà dậy. Mặc dầu
đau lắm nhưng bà cố gắng nói “Không sao đâu các con, xin Chúa chúc lành cho các
con”. Câu nói đột ngột đó làm cho các ông cán bộ kia vừa tức cười vừa nghĩ ngợi :
tức cười vì các ông ấy đâu có tin Chúa mà cần tới phúc lành của Chúa, nhưng các
ông phải nghĩ ngợi vì phản ứng đầy bác ái và đầy đức tin của bà sơ : chỉ
có kẻ nào quá quen với tha thứ và lúc nào cũng luôn nhớ tới Chúa mới có thể thốt
ra một câu như vậy”. Và sau đó những ông cán bộ ấy hay tới lui chăm sóc và thăm
viếng vị nữ tu ấy, lòng rất mến phục.
Đó là những phản ứng,
phản ứng thì lẹ làng, bất ngờ nhưng rất trung thực. Trước một tình huống xảy
ra, trong lòng mình thế nào thì mình sẽ phản ứng đúng như vậy. Người nào chỉ có
đạo trên danh nghĩa nhưng không quen sống theo Lời Chúa thì không thể nào có được
phản ứng mang tính chất Kitô giáo đích thực. Như thế, thước đo của lòng đạo
chúng ta chính là những phản ứng của chúng ta.
Thí dụ như khi bị trộm
mất đồ, không ít người có đạo đã đi coi thầy bói để đoán xem ai đã lấy đồ của
mình. Đây rõ ràng là phản ứng của người không đạo.
Còn ông Gióp khi dồn dập
nhà cửa bị cháy rụi, các vật bị cướp đi, con cháu bị chết hết, bản thân mang chứng
phong cùi gớm ghiếc đã biết nói “Xưa Chúa đã ban, nay Chúa lấy lại, xin ngợi
khen Chúa”. Ông còn khuyên người khác “Mình biết lãnh nhận những ơn lành của
Chúa thì sao không biết chịu đựng những thử thách của Chúa,. Đó mới là phản ứng
của người có lòng đạo thực.
Thế nhưng không thiếu
người cho rằng : sống giữa một xã hội đầy tráo trở mà phản ứng theo tinh
thần Tin mừng thì là khờ dại quá. Xin hỏi lại : Thế thì đạo không có ăn nhập
gì với cuộc đời sao ? Con người chúng ta phải chia ra làm hai sao : một
con người hiền lành lúc ở nhà thờ đọc kinh dự lễ và một con người tráo trở gian
manh khi cư xử với người đời sao ! Không được, con người chúng ta phải là
một ở nhà thờ cũng vậy mà ở giữa chợ đời cũng vậy. Đạo chúng ta là đạo nhập thể
vào đời chứ không phải chỉ là đạo ở nhà thờ.
Qua bài Tin mừng hôm
nay, Chúa Giêsu muốn nói rằng không phải hể mang danh nghĩa là người Do thái
ngày xưa, hay người Công giáo ngày nay là đương nhiên được ơn cứu rỗi ;
không phải hể có rửa tội, hễ có thường xuyên đọc kinh rước lễ là đương nhiên được
ơn cứu rỗi. Nhưng ơn cứu rỗi là dành cho bất cứ ai biết sống theo Lời Chúa và
có những phản ứng hợp với tinh thần Tin mừng trong mọi tình huống cuộc đời.
Xin Chúa giúp chúng ta
không chỉ là những người Kitô hữu trên danh nghĩa nhưng thấm nhuần tinh thần
Kitô hữu trong cả cuộc sống, trong mọi cách suy nghĩ, lời nói, việc làm của
mình.
* 3. Cửa nào Chúa
đã đi qua ?
Một buổi sáng náo nhiệt,
người đàn bà sang trọng đi chiếc xe hơi bóng láng, lóng lánh như kim cương tới
cửa thiên đàng. Nghe tiếng còi điện lừng vang, thánh Phêrô vội vã mở cửa dẫn
vào. Khi vị thánh giữ cửa thiên đàng chỉ cho bác tài xế của bà một toà nhà đồ sộ,
thì bà sung sướng nghĩ thầm : “Bác tài mà còn được ở một toà nhà
nguy nga tốt đẹp như thế ! Còn tôi chắc phải được một dinh thự sang trọng
lộng lẫy đến chừng nào !” Và bà ta xoa tay vui sướng.
Ngờ đâu khi bác tài đi
rồi, thánh Phêrô lại chỉ vào một túp lều lụp xụp ở góc vườn và nói :
– Đó là nhà của bà.
Người nhà giàu hốt hoảng,
choáng váng đầu óc :
– Nhà của tôi đó thật
sao ? Không, tôi không thể nào sống trong một căn lều tồi tàn xấu xí như
thế được ?
Thánh Phêrô vân vê
chòm râu bạc, trả lời giữa hai cái nháy mắt :
– Thưa bà, với vật liệu
bà đã gởi lên cho tôi xưa nay, tôi chỉ làm được có ngần ấy thôi !
*
“Có những kẻ đứng
chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót” (Lc 13,30). Đó là bất ngờ đau đớn cho “những
kẻ đứng đầu”. Họ là những người được Chúa ban cho giàu có nhưng lại sống
trong ích kỷ, chỉ biết thu vén cho mình những của cải đời này, mà không biết
chia sẻ trao ban như luật yêu thương Chúa dạy. Chính tài sản đã làm họ vướng
víu nên không thể qua “cửa hẹp” mà vào được Nước Trời.
“Những kẻ đứng đầu” có
thể là những ai được Chúa ban cho địa vị, chức quyền, khôn ngoan, nhưng lại sống
trong huênh hoang tự đắc. Thay vì dùng ơn lành Chúa ban để nâng đỡ anh em, phục
vụ cộng đoàn, họ lại nuôi dưỡng tham vọng cá nhân. Chính cái tôi cồng kềnh đã
làm họ vướng víu nên không thể qua “cửa hẹp” mà vào được Nước
Trời.
“Hãy chiến đấu để
qua được cửa hẹp mà vào” (Lc
13,24). Nếu Chúa đã bảo hãy“chiến đấu” tức là phải nỗ lực cố gắng
thật nhiều, phải vất vả gian nan thật lâu, thì mới vượt qua được “cửa hẹp”. Nếu
Chúa đã nhắc đến “cửa hẹp” thì phải hiểu là chỉ có những người
bé nhỏ mới lách qua được, chỉ có những trẻ thơ mới vào được dễ dàng. Chúa
phán : “Ai không tiếp nhận Nước Trời như một trẻ nhỏ thì không được
vào” (Lc 18,17).
“Cửa hẹp dẫn đến sự
sống” (Mt 7,14), cửa hẹp đưa vào
bàn tiệc Nước Trời, nhưng không phải lúc nào cửa cũng mở : Sẽ đến giờ “chủ
nhà đứng dậy và khoá cửa lại” (Lc 13,25) thì không cách gì, không lý lẽ
chi để cửa mở ra lại. Đó chính là lúc vô cùng bất hạnh cho những kẻ đến trễ :
những kẻ mải mê tìm của cải danh vọng, thú vui phù du mà quên đi hạnh phúc vĩnh
hằng ; những kẻ cậy dựa vào đạo dòng, vào các việc lành đã làm, vào tài đức
đã đắc thủ mà quên đi Đấng mà họ phải kiếm tìm, để sống thân mật, để dâng hiến
và để yêu mến Người với tất cả trái tim.
Ước gì chúng ta đừng đến
lầm cửa, đó là cửa rộng thênh thang ; cửa tiền tài, sắc dục, hư
danh ; cửa dẫn vào cái chết muôn đời. Cũng đừng đến mà cửa đã đóng kín để
không phải nghe Chúa nói : “Ta không biết các anh từ đâu đến” (Lc 13,27)
(TP)
* 4. Thử thách giúp
nên người
Ở một số bộ lạc da đỏ,
có tục lệ sau đây : khi một trẻ trai đến tuổi thành niên, người cha của nó
sẽ dẫn nó vào rừng, giao cho nó một cây giáo, sau đó người cha rút lui để lại
nó một mình trong rừng suốt đêm hôm ấy. Trong đêm đó, nó sẽ phải một mình ở
trong rừng, đối diện với nhiều nỗi sợ hãi : sợ cô đơn, sợ bóng tối, sợ thú
dữ… Nếu nó hèn nhát đòi theo cha về nhà thì nó vẫn bị coi là trẻ con. Nhưng nếu
nó chịu đựng được tất cả và sáng hôm sau rời khỏi khu rừng trở về với gia đình
thì nó được chính thức công nhận là người một trưởng thành.
Nếu nói theo bài Tin Mừng
hôm nay thì cái đêm khó khăn trong rừng ấy là cái “cửa hẹp” ; còn nếu nói
theo bài đọc II thì đó là “thử thách”. Có qua thử thách hay cửa hẹp đó thì
chàng thiếu niên mới trở thành người.
Tại sao gian nan cực
khổ giúp ta nên người ?
– Vì nó thanh luyện
tâm hồn
– Vì nó rèn luyện đức
tính
– Và vì nó sinh nhiều
hoa trái tốt
Chẳng những giúp ra
nên người, gian nan cực khổ còn giúp ta nên người kitô hữu tốt :
– Sở dĩ Chúa cho phép
gian nan cực khổ xảy đến với ta là vì Chúa biết nó có thể làm ích cho chúng ta.
Nói ngược lại, nếu nó chỉ có hại thì Chúa đã không cho nó xảy đến với ta.
– Nó khiến ta tìm đến
Chúa
– Nó giúp ta cảm nghiệm
được quyền phép Chúa
– Nó giúp ta cảm nhận
được tình thương của Chúa
– Và nó khiến ta biết
thương xót những người gặp hoàn cảnh gian nan cực khổ như ta.
5.
Chuyện minh họa
a/ Cửa hẹp
Một cặp vợ chồng trẻ nọ
chia sẻ cho nhau nghe ước muốn có được một ngôi nhà khang trang. Một nhà tỉ phú
tình cờ theo dõi câu chuyện. Với tất cả nghiêm chỉnh. ông đề nghị với họ :
nếu cô vợ chịu ngủ với ông một đêm, ông sẽ tặng họ một triệu mỹ kim. Hai vợ chồng
đồng ý. Nhưng khi người vợ lên đường đến với nhà tỉ phú thì người chồng cũng bắt
đầu hối hận. Nhưng đã quá muộn. Sau một đêm để có một triệu mỹ kim, hai vợ chồng
đã tan vỡ (…) Con đường dễ dãi là con đường dẫn tới hư mất. Sự thành đạt thường
không đến cách ngẫu nhiên, mà là kết quả của những cố gắng và kiên nhẫn lâu dài
b/ Tiếng Chúa
Thiên Chúa nói thì thầm
trong cơn vui sướng của chúng ta ; Ngài nói đủ nghe trong lương tâm của
chúng ta ; nhưng Ngài hô lớn trong những cơn đau của chúng ta (C.S.
Lewis).
c/ Vào thiên đàng
Một Rabbi do thái kia
có đứa con theo Kitô giáo. Khi ông chết, Chúa Cha cho ông vào thiên đàng. Nhưng
ông nói :
– Lạy Chúa, con chẳng
đáng vào thiên đàng đâu, vì đứa con của con đã bỏ đạo Giavê để theo đạo Kitô.
– Có sao đâu ! Đức
Chúa Cha an ủi, Ta thông cảm, Ta thông cảm. Ngày xưa Con của Ta cũng thế !
V. Lời nguyện cho mọi
người
Chủ tế : Anh chị
em thân mến, Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu rỗi hết thảy mọi người. Chúng ta
cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin :
1.
Hội thánh luôn mời
gọi con cái mình hiên ngang sống đức tin Chúa đã thương ban / Chúng ta hiệp
lời cầu xin cho các tín hữu / biết thể hiện niềm tin của mình qua những việc
làm cụ thể trong đời sống thường ngày.
2.
Ở bất cứ thời đại
nào cũng đều có người thành tâm thiện chí đi tìm kiếm Chúa / Chúng ta hiệp
lời cầu xin Chúa soi sáng / hướng dẫn / và nâng đỡ những ai đang trên
con đường tìm gặp gỡ Người.
3.
Hãy phấn đấu đi
qua cửa hẹp mà vào / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu hiểu rằng /
chỉ khi đi vào con đường hẹp của Tin mừng / con đường đòi hỏi nhiều hy
sinh gian khổ / họ mới có thể đi tới sự sống đời đời.
4.
Chúa Giêsu
nói : / Chỉ những ai thi hành thánh ý Chúa Cha / mới xứng đáng
vào Nước Trời / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng
ta / biết hết lòng tuân giữ lề luật của Chúa, nhất là luật bác ái yêu
thương.
Chủ tế : Lạy
Chúa, chỉ nguyên danh xưng Kitô hữu chưa đủ bảo đảm cho chúng con vào Nước Trời,
vì chúng con còn phải sống trọn vẹn niềm tin đã lãnh nhận nữa. Vậy xin Chúa củng
cố đức tin còn yếu kém của chúng con. Chúng con cầu xin
VI. Trong Thánh Lễ
– Trước kinh Lạy
Cha : Chút nữa khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta hãy đặc biệt cầu xin cho “Nước
Cha trị đến” để ngày càng có thêm nhiều người nhận biết Chúa và đến với Chúa.
VII. Giải tán
Chúng ta sắp trở lại với
cuộc sống hằng ngày với biết bao cực nhọc và đau khổ. Nhưng Lời Chúa hôm nay đã
cho chúng ta biết đó chính là những thử thách mà vì yêu thương chúng ta nên
Chúa mới gởi đến cho chúng ta. Đó chính là cái cửa hẹp mà chúng ta cần phải qua
đó mới vào được Nước Trời. Vậy chúng ta hãy vui lòng đón nhận tất cả những cực
nhọc và đau khổ ấy với lòng yếu mến.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio Divina:
Chúa Nhật XXI Thường Niên (C)
Sunday 25 August, 2019
Cánh cửa hẹp và ơn gọi
các dân ngoại
Lc 13:22–30
1. Bài Đọc
a) Lời
nguyện mở đầu
Lạy Cha, chúng con đến
trước nhan thánh Người, bởi vì chúng con không biết làm thế nào để thưa chuyện
cùng Cha, xin Cha hãy giúp chúng con dùng những lời mà Đức Giêsu, Con Cha,
đã thay mặt chúng con mà công bố. Xin Cha hãy giúp cho chúng con biết lắng
nghe thông điệp nghịch lý trong bài Tin Mừng này: “Các ngươi hãy cố gắng
vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào
được”. Đây là lời mà Cha đã lặp lại cho những ai lắng nghe Tin Mừng của
Con Cha. Xin Cha hãy giúp chúng con hiểu thấu. Để chúng con có thể
đọc và suy gẫm những lời ấy, để chúng con có thể cảm thấy như có ngọn lửa đốt
cháy trong lòng chúng con. Chúng con khẩn cầu Cha, xin hãy ban Thần Khí
Cha cho chúng con. Và lạy Đức Maria, Mẹ của chiêm niệm, xưa Mẹ đã giữ những
Lời và các sự kiện của Chúa Giêsu trong lòng Mẹ trong một thời gian dài, xin
hãy ban cho chúng con biết suy gẫm Lời Chúa, biết lắng nghe và để các lời ấy thấm
nhập vào trong lòng của chúng con.
b) Phúc
Âm:
22 Khi ấy,
Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về
Giêrusalem. 23 Có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy,
phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Nhưng Người phán cùng họ rằng: 24 “Các
ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp; vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm
vào mà không vào được. 25 Khi chủ nhà đã vào và đóng
cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: ‘Thưa Ngài,
xin mở cửa cho chúng tôi.’ Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không
biết các ngươi từ đâu tới.’ 26 Bấy giờ các ngươi mới nói rằng:
‘Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường
chúng tôi.’ 27 Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng:
‘Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới. Hỡi những kẻ làm điều gian ác,
hãy lui ra khỏi mặt ta!’ 28 Khi ấy các ngươi sẽ thấy
Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các
ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. 29Và
người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên
Chúa. 30 Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước
hết và những người trước hết sẽ nên sau hết.”
c) Giây phút
thinh lặng cầu nguyện:
Để lắng nghe một cách
nhiệt thành tiếng nói của Thiên Chúa, chúng ta cần sự thinh lặng và nội tâm an
tĩnh. Chúng ta cần tạo ra trong tim của chúng ta “một góc nội tâm yên
tĩnh, nơi chúng ta có thể liên lạc được với Thiên Chúa” (thánh E. Stein) và có
thể thiết lập được mối cảm thông sâu xa giữa chúng ta và Lời Chúa. Nếu
chúng ta không đứng trước mặt Thiên Chúa trong thinh lặng, trong thinh lặng và
ngắm nhìn dung nhan Người, chúng ta sẽ nắn nót lên những ngôn từ nhưng chúng ta
sẽ không nói được gì cả.
2. Suy Gẫm
a) Chìa khóa
dẫn đến bài Tin Mừng:
Bài Tin Mừng của Chúa
Nhật tuần này được tìm thấy trong phần thứ hai của Phúc Âm theo thánh Luca nơi
thành Giêrusalem, đối tượng của cuộc hành trình hiện hữu và thần học của Chúa
Giêsu, được đề cập đến nhiều lần trong đó ba đoạn sau đây là một phần của
chương trình phụng vụ sau lễ Phục Sinh: Lc 9:51 (Chúa Nhật XIII Thường
Niên, năm “C”), Lc 13:22-30 (Chúa Nhật XXI Thường Niên, năm “C”), và Lc 17:11
(Chúa Nhật XXVIII Thường Niên, năm “C”). Việc công bố một cuộc hành
trình, được đặt tại phần đầu của sách Phúc Âm, giúp người đọc ghi nhớ rằng họ
cũng đang trên một cuộc hành trình hướng về Giêrusalem cùng với Chúa
Giêsu. Cuộc hành trình hướng về thành thánh là chủ đề chạy suốt toàn bộ
phần thứ hai của sách Phúc Âm (Lc 9:51 – 19:46) và hầu hết những gì được nói đến
được trình bày bằng các động từ của sự chuyển dịch giới thiệu với người đọc về
Chúa Giêsu và các môn đệ Người như những người hành hương hay những người có cuộc
sống rày đây mai đó. Cuộc hành trình của Đức Giêsu hướng về thành thánh
không chỉ nói theo nghĩa của một cuộc hành trình thuộc về địa dư, mà còn tương ứng
với một cuộc hành trình thần học và tâm linh. Cuộc hành trình loại này
cũng liên quan đến các môn đệ và độc giả của Tin Mừng: đi trên “cuộc hành
trình” của Chúa Giêsu làm cho chúng ta giống như những người du mục có nhiệm vụ
là đi rao giảng Tin Mừng.
Trên cuộc hành trình
này, Đức Giêsu phải đối diện với các cuộc xung đột với thế giới người Do-Thái,
và trong đoạn Phúc Âm Luca 13:10-30 bao gồm ba phân đoạn: 13:10-17 (việc
chữa lành người phụ nữ tàn tật), 18-21 (dụ ngôn hạt cải và nắm men trong bột)
và trong các câu 22-30 (bài giảng về cửa hẹp). Đoạn cuối là đoạn Tin Mừng
phụng vụ Lời Chúa cho chúng ta trong Chúa Nhật này. Nó bắt đầu với cuộc
hành trình như là một bối cảnh cho Lời của Chúa Giêsu khi Người “đi rảo qua các
đô thị và làng mạc … vừa giảng dạy” (câu 22). Đó là đặc tính của thánh sử
Luca khi viết về sứ vụ của Chúa Giêsu như là một cuộc hành trình.
Giờ đây, ở một giai đoạn
trên cuộc hành trình hướng về Giêrusalem này, có người đã đặt một câu hỏi với
Chúa Giêsu: bao nhiêu người sẽ được cứu rỗi? Câu trả lời của Đức Giêsu
không hề đề cập đến con số bao nhiêu người sẽ được cứu rỗi nhưng chứa đựng một
sự thúc đẩy và một lời cảnh cáo, “cố gắng”, chỉ về một thái độ giả định:
“vào bằng cửa hẹp”. Hình ảnh này nhắc nhớ lại trong tâm trí của các môn đệ
và cộng đoàn của Luca về nhu cầu cần phải giải quyết mối bận tâm của họ với sự
ràng buộc nặng nề mà cuộc hành trình đức tin đòi hỏi. Ngay sau đó, Chúa
Giêsu đưa ra lời giảng dạy đích thực và thích hợp với dụ ngôn liên đới tới hình
ảnh cánh cửa hẹp, dụ ngôn về người chủ nhà khi đã vào nhà rồi đóng cửa lại, sẽ
không cho phép bất cứ một ai bước vào (câu 25). Chi tiết này gợi đến
trong tâm trí về đoạn kết của dụ ngôn mười người trinh nữ trong Phúc Âm Mátthêu
25:10-12. Những ví dụ này cho chúng ta biết rằng thì giờ sắp gần hết khi
chúng ta phải dấn thân để nhận được ơn cứu rỗi trước khi cánh cửa đóng lại vĩnh
viễn và không thay đổi.
Sự chia sẻ làm việc
ngay cả trong thời gian mới bắt đầu hình thành đời sống cộng đoàn, giống như tại
bữa tiệc ly của Chúa (“chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài”) và sự công bố Lời
Chúa (“Ngài đã giảng dạy tại các quảng trường của chúng tôi”), nếu không được hỗ
trợ bằng một sự cam kết suốt đời thì không sao tránh khỏi nguy cơ bị kết án chỉ
trích. Phúc Âm Luca muốn trình bày Chúa Giêsu như một người đang tham dự
bàn tiệc với những người đã mời Người, nhưng không phải tất cả những ai ngồi
cùng bàn với Chúa sẽ tự động có quyền được ơn cứu độ mà Người đã công bố qua
hình ảnh của một bữa tiệc. Cũng thế, nghe lời Người giảng dạy không có
nghĩa là bảo đảm tự động sẽ được cứu rỗi. Thực ra, theo thánh Luca, lắng
nghe Lời Chúa Giêsu là một điều kiện thiết yếu để trở nên môn đệ Người, nhưng
như thế thì chưa đủ. Các môn đệ cần phải thực hiện việc cam kết đi theo
Thầy, tuân giữ các lời giảng dạy của Người và mang lại hoa trái qua sự kiên trì
(Lc 8:15).
Những ai không thể vào
qua cửa hẹp trước khi nó được đóng lại được gọi là “những kẻ làm điều tội lỗi”:
họ là những ai đã không quyết tâm thực thi kế hoạch của Thiên Chúa. Tương
lai của họ được trình bày một cách bóng bảy với sự miêu tả không được cứu rỗi của
họ: “Lúc ấy sẽ chỉ có khóc lóc và nghiến răng” (câu 28).
Một điều thú vị là việc
nhắc đến các bậc tổ phụ trong kinh thánh (Abraham, Isaac, Giacóp) và tất cả các
ngôn sứ: các vị này sẽ bước vào và sẽ là một phần của nước Thiên Chúa. Nếu
đối với các người cùng thời với Chúa Giêsu điều khẳng định này có thể xem như
khẳng định rằng ơn cứu rỗi là đặc quyền của người Do-Thái; đối với cộng đoàn
Kitô hữu của Luca, đó cũng là một lời cảnh báo không nên nghĩ rằng việc cứu rỗi
là một chuyện đương nhiên. Vương quốc mà Chúa Giêsu công bố trở thành nơi
các môn đệ gặp gỡ và đến “từ đông chí tây, từ bắc chí nam” (câu 29). Lời
giảng dạy của Chúa Giêsu nói về một ơn cứu rỗi năng động có liên quan đến toàn
thể nhân loại và một cách đặc biệt về những người nghèo khó và bệnh tật (Lc
14:15-24). Hơn các thánh sử khác, thánh sử Luca nhạy cảm với việc công bố
một ơn cứu độ cho toàn thế giới và nói về Chúa Giêsu như là một sự bày tỏ về lời
giao ước ơn cứu độ không chỉ riêng cho dân Do-Thái, mà cho tất cả mọi người.
Lời khẳng định cuối cùng đến như là một dấu hiệu về điều kiện của ơn cứu độ đã
thay đổi: “có những người sau hết sẽ trở nên trước hết và những người trước
hết sẽ nên sau hết” (câu 30). Lời khẳng định này cho thấy Thiên Chúa đã
không hài lòng như thế nào và Người làm xáo trộn các cơ chế của luận lý loài
người: không có ai chắc mẩm về một vị thế đã đạt được, nhưng tất cả mọi
người được mời gọi để lắng nghe liên tục vào làn sóng của Tin Mừng.
b) Một vài
câu hỏi gợi ý:
i) Cánh cửa hẹp của ơn cứu rỗi nhắc nhớ chúng ta về sự
cần thiết cho tất cả mọi người tin vào để nhận lãnh ân sủng này. Hình ảnh
không nói rằng Thiên Chúa muốn tạo khó khăn để có được ơn cứu rỗi, nhưng nó nhấn
mạnh vào việc đồng trách nhiệm của mọi người, nam cũng như nữ, nỗ lực cụ thể
tham gia vào cam kết này để có được ơn cứu rỗi. Theo thánh Cyprian, bước
qua cửa hẹp có nghĩa là một sự biến đổi: “Có ai lại không muốn được
biến đổi được trở nên giống hình ảnh Chúa Kitô càng sớm càng tốt
không?” Hình ảnh của cánh cửa hẹp là biểu tượng của việc biến đổi mà
người tín hữu đã cam kết qua một tiến trình chậm và nỗ lực bản thân để tôi luyện
chính mình và được hun đúc bởi Tin Mừng. Nói đúng hơn, những ai không muốn
cam kết chính mình cho bất cứ liên hệ đối ứng nào với Thiên Chúa, với tha nhân
và với thế gian thì có nguy cơ bị diệt vong. Thông thường, chúng ta có
khuynh hướng đi qua các cửa khác, trông dường như dễ dàng hơn và hữu dụng hơn,
giống như những người ích kỷ, tránh né tình bạn với Thiên Chúa và liên hệ với
tha nhân. Bạn đã cam kết để xây dựng những mối liên hệ chưa hay bạn có ý
định trở thành kẻ ích kỷ? Bạn có tin rằng ơn cứu rỗi được ban
cho bạn qua chiều kích quan hệ hiệp thông với Thiên Chúa và những người khác
không?
ii) Ơn cứu rỗi thì dành cho tất cả. Mọi người đều
có thể đạt được ơn ấy, nhưng đó là một món quà từ Chúa Giêsu đòi hỏi một câu trả
lời xác thực và từ riêng mỗi cá nhân chúng ta. Trong lời giảng dạy của
Chúa Giêsu, chúng ta không thấy việc xử dụng bất kỳ một lời lẽ đe dọa nào để làm
cho người ta nhận thức về ơn cứu rỗi, mà chỉ có một lời mời gọi để được nhận thức
một cách đầy đủ về một cơ hội hạn hữu và không thể thay đổi của món quà của
lòng thương xót và cuộc sống trước Thiên Chúa và được đối diện với Người.
Cuộc sống của bạn đang hướng tới điều gì và hướng tới ai? Bạn sẽ xử dụng
sự tự so của bạn như thế nào? Bạn có sẽ tiếp nhận lời mời gọi của Thiên
Chúa để đồng chịu trách nhiệm cho sự cứu rỗi của bạn không, hay là bạn đã quy
hàng để bị đào thải và diệt vong?
iii) Nếu chúng ta xem xét câu hỏi của một người đã hỏi
Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?”
Không ai có thể nghĩ mình là người được đặc quyền. Ơn cứu độ thuộc về tất
cả và tất cả được mời gọi để nhận lãnh. Cánh cửa của ơn cứu rỗi có thể sẽ
bị đóng lại đối với những người mong đợi bước vào với hành ký cồng kềnh của những
mâu thuẫn cá nhân. Bạn có cảm thấy ước muốn bước vào và là một phần của
“đám đông vô hạn từ đông chí tây sẽ ngồi tại bàn của nước Thiên Chúa”
không? Và nếu bạn cảm thấy mình là phần tử rốt hết (nhỏ bé, chất phác, tội
lỗi, bị áp bức ….) nếu bạn sống với tình yêu và niềm hy vọng, hãy đừng tuyệt vọng.
Đức Giêsu nói rằng kẻ rốt hết sẽ trở nên trước hết.
3. Cầu
Nguyện
a)
Thánh Vịnh 117:1-2
Muôn nước hỡi, nào ca
ngợi CHÚA!
Ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người!
Ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người!
Vì tình Chúa thương ta
thật là mãnh liệt,
lòng thành tín của Người bền vững muôn đời.
lòng thành tín của Người bền vững muôn đời.
Ngợi khen Chúa!
b) Lời nguyện
kết:
Lạy Chúa, xin ban cho
chúng con cảm nghiệm được cuộc sống của Lời Chúa mà chúng con đã nghe; đã vỡ;
chúng con nài xin Chúa, những gút thắt của sự lưỡng lự của chúng con, những ngụy
biện, những “nếu như” và “giá mà” của chúng con đã ngăn trở chúng con không nhập
vào ơn cứu rỗi thông qua cánh cửa hẹp. Giả dụ rằng chúng con có thể tiếp
nhận mà không sợ hãi, không quá nhiều nghi ngờ, Lời Chúa mời gọi chúng con tự
cam kết chính mình và làm việc sốt sắng với cuộc sống đức tin của chúng
con. Lạy Chúa, nguyện xin qua Lời Chúa chúng con đã nghe Chúa Nhật này,
ngày của Chúa, nguyện xin chúng con không bị ràng buộc bởi sự bảo đảm sai lầm về
ơn cứu rỗi của chúng con và nguyện xin Lời Chúa mang lại cho chúng con niềm
vui, sức mạnh, thanh tẩy, và cứu rỗi chúng con. Và lạy Đức Maria, gương mẫu
cho những ai lắng nghe và gương mẫu của sự im lặng, xin Mẹ giúp chúng con được
sinh động và chân thật, để hiểu rằng, theo như Lời Chúa, bất cứ điều gì khó
khăn sẽ trở nên dễ dàng, bất cứ điều gì mờ mịt sẽ trở nên sáng sủa.
4. Chiêm Niệm
Chiêm niệm là cao điểm
của bài đọc Kinh Thánh sau khi đã suy gẫm và cầu nguyện. Chiêm niệm để nhập
vào, qua việc lắng nghe Lời Chúa, trong một mối quan hệ đức tin và tình yêu với
Thiên Chúa, Đấng là sự sống và là sự thật và là Đấng đã mặc khải qua Đức Kitô
cho chúng ta biết dung nhan Người. Lời Chúa lộ mở ra khuôn mặt ẩn náu
trong mỗi trang của Kinh Thánh. Nó đủ để nhìn trong sự ngưỡng mộ, được mở
ra dưới ánh sáng, hãy để nó thấm nhập vào chúng ta. Đó là kinh nghiệm xuất
thần trước vẻ đẹp và sự tốt lành. Hãy nối dài đời sống hằng ngày của bạn
với môi trường này về kinh nghiệm thông tri với Thiên Chúa bằng việc lắng nghe
Lời Người, và giữ gìn hương vị của vẻ đẹp trong cuộc đối thoại với những người
khác trong bất cứ công việc nào bạn làm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét