27/08/2019
Thứ ba tuần 21 thường niên
Thánh nữ Mônica.
Lễ nhớ.
Bổn mạng Giới Hiền Mẫu
* Thánh nữ
MONICA sinh năm 331 tại Ta-gát, châu Phi trong một gia đình theo Kitô giáo. Lúc
còn thanh xuân, thánh nữ đã kết hôn với anh Pa-tri-xi-ô và sinh được những người
con, trong đó có thánh Âu-tinh. Khi Âu-tinh mất đức tin, thánh nữ đã dâng những
dòng lệ tựa những lời cầu nguyện âm thầm lên Thiên Chúa. Khi thấy Âu-tinh trở lại,
thánh nữ đã tràn ngập vui mừng. Người không còn gì để chờ đợi ở trần gian này nữa,
Thiên Chúa đã gọi người về ở Ốt-ti-a, năm 387, khi người đang sửa soạn trở về
châu Phi, quê hương của người. Thánh nữ là tấm gương sáng chói cho những người
làm mẹ: nuôi dưỡng lòng tin bằng lời cầu nguyện và chiếu tỏa ra bên ngoài bằng
các nhân đức.
Lễ Thánh Nữ Mônica, Lễ Nhớ
|
BÀI
ĐỌC I: Hc 26, 1-4. 16-21 (Hl 1-4. 13-16)
"Như mặt trời mọc lên thế nào,
thì người vợ hiền lành cũng sẽ là vật trang trí cho gia đình như vậy".
Trích sách
Huấn Ca.
Phúc cho
người chồng có được một người vợ hiền, vì sẽ được sống gấp đôi. Người vợ mạnh
khoẻ là niềm hân hoan của người chồng và sẽ sống trong yên hàn: Một người vợ hiền
là gia sản quý giá, nàng sẽ được ghi vào số những kẻ kính sợ Thiên Chúa, sẽ
mang lại cho người chồng những công đức, luôn luôn tỏ lòng tốt đối với người
giàu có và kẻ khó nghèo, lúc nào nét mặt cũng hân hoan.
Người vợ đức
hạnh sẽ làm cho người chồng được sung sướng và được khoái trá tận xương tuỷ. Một
phụ nữ đức hạnh là của Chúa ban cho. Một phụ nữ cẩn ngôn và có giáo dục là một
bảo vật vô giá. Ơn lại thêm ơn, khi có một người vợ thánh thiện và danh thơm tiếng
tốt. Vì một tâm hồn trong sạch thật là vô giá. Như mặt trời mọc lên chiếu sáng
sự cao cả của Thiên Chúa thế nào, thì người vợ hiền cũng sẽ là vật trang trí
cho tư thất mình như vậy. Đó là lời Chúa.
ĐÁP
CA: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
Đáp: Phúc
cho người đặt niềm hy vọng nơi Chúa (Tv 39,5a).
Xướng: 1)
Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội
nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật
Chúa, và suy ngắm luật Chúa đềm ngày. - Đáp.
2) Họ như
cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn
úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. - Đáp.
3) Kẻ gian
ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi. Vì Chúa canh giữ đường
người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Đáp.
ALLELUIA:
Ga 8, 12b
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: Ta là ánh sáng thế gian; ai theo Ta, sẽ có ánh sáng ban
sự sống. - Alleluia.
PHÚC
ÂM: Lc 7, 11-17
"Hỡi thanh niên, Ta truyền
cho con hãy chỗi dậy ".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy,
Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi
với Người. Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn
người con trai duy nhất của một bà goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác
với mẹ nó.
Trông thấy
bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: "Đừng khóc nữa". Đoạn tiến
lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người
phán: "Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy". Người chết
liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó.
Mọi người đều
sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Một tiên tri cao cả xuất hiện giữa
chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người". Và việc này đã loan truyền
danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Thánh nữ Monica
(tgpsaigon.net)
Thánh nữ Monica sinh năm 332 trong một gia đình đạo hạnh
làng Sucara bên Phi Châu. Với bầu khí đạo đức, Monica sớm trở thành một cô bé
ngoan ngoãn và sốt sắng: mỗi bữa ăn cô thường dành một phần cho người nghèo và
những lúc nhàn rỗi thường tìm nơi vắng vẻ để cầu nguyện.
Năm 22 tuổi, Monica vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius
thuộc dòng dõi qúy phái, nhưng tính tình ngang tàng, độc ác và tuổi lại gấp
đôi. Dù rất khổ tâm nhưng Monica vẫn vui vẻ vâng lời cha mẹ với hy vọng sẽ cứu
được một linh hồn. Quả vậy, nhờ lời cầu nguyện và đức kiên nhẫn, Monica đã cải
hóa được người chồng và mấy năm sau sinh được ba người con mà Augustinô là con
đầu lòng. Dù sống trong một gia đình ngoại đạo, nhưng Monica đã chu toàn sứ mệnh
làm mẹ, luôn giáo dục con cái biết yêu mến Chúa, yêu người. Bà luôn yêu thương
con cái, nhất là đối với Augustinô. Nhưng càng lớn, Augustinô càng biểu lộ các
tính hư tật xấu. Ỷ vào trí thông minh, Augustinô đâm lười biếng. Bị sửa phạt,
Augustinô bèn lừa dối, lường gạt cha mẹ, thầy dạy, rồi từ đó ham mê lạc thú, ăn
chơi, kiêu căng và ham hố danh vọng. Nhất là từ khi chàng được gửi đi học ở tỉnh
thì những làn sóng tội lỗi lại tràn ngập tâm hồn. Rồi chàng lại theo bè rối
Manikê chống lại đức tin. Còn gì đau khổ hơn cho Monica khi thấy người con yêu
quý của mình ngày càng bước sâu vào con đường tội lỗi. Nhưng tin vào tình yêu
và sức mạnh của Thiên Chúa, bà lại càng kiên tâm cầu nguyện và làm các việc
lành.
Lời cầu nguyện và nước mắt của Monica đã được Chúa chấp nhận.
Sau những thất bại, Augustinô đã tìm đường trở lại cùng Thiên Chúa. Monica vui
mừng dâng lời tạ ơn. Thánh nữ cùng tĩnh tâm với Augustinô ở Cassicicum và có mặt
trong lễ rửa tội của con. Ðêm Phục Sinh năm 387, Augustinô đã được lãnh bí tích
Rửa Tội do thánh Giám Mục Ambrosiô. Lòng tràn ngập vui sướng, hai mẹ con cùng
trở về Phi Châu. Tại Ostia, thánh nữ chia sẻ với con mình sự hoan lạc trong tâm
hồn mà thánh Augustinô ghi lại trong cuốn IX “bộ tự thuật”. Thánh Monica đã nói
như sau:
- Con ơi, phần mẹ, mẹ không còn thấy vui sướng vì bất
cứ điều gì ở đời này nữa. Mẹ không hiểu sẽ phải làm gì và tại sao lại còn sống ở
đây. Niềm hy vọng của mẹ trên thế gian này đã được hoàn thành. Chỉ có một điều
mẹ ao ước là được thấy con trở thành người công giỏo trước khi mẹ lìa đời.
Thiên Chúa cho mẹ được toại nguyện và hơn nữa đã cho mẹ thấy con chán ghét hạnh
phúc trần gian và hiến thân phụng sự Ngài. Mẹ còn làm gì nữa đây?
Chẳng bao lâu sau đó, thánh nữ mang bệnh và chết bình an
trong Chúa năm 387, tại Ostia, khi đó thánh nữ đã 56 tuổi.
Xác thánh nữ được mai táng ở
Otti. Năm 1430, Ðức Thánh Cha Martinô truyền đem về nhà thờ Thánh Augustinô ở
Rôma.
* * * * *
1. Lòng thương xót
Để giúp đọc hiểu và cầu nguyện với bài Tin Mừng
của Thánh Lễ hôm nay, trong một lớp giáo lý, Ma Soeur hỏi các em thiếu nhi: “Tại
sao Chúa cho người con trai sống lại?” Các em trả lời: “Vì khi còn sống, người
con đã sống đạo đức, ngoan ngoãn và học giỏi”!
Có lẽ, khi được hỏi, những người lớn như chúng
ta cũng sẽ đưa ra một câu trả lời tương tự, dựa trên sự xứng đáng của con người
trong tương quan ân sủng với Chúa: con người phải sống xứng đáng, phải giữ luật,
thì Chúa mới ban an ơn; hay nói cách khác và một cách rộng hơn, ơn cứu độ là có
điều kiện. Điều này đúng, nhưng không đúng hoàn toàn, hay ít nhất, không phải
lúc nào cũng đúng, bởi vì ơn Chúa luôn vượt xa những nỗ lực của con người.
Thật vậy, bài Tin Mừng trình bày chúng ta một
Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Giê-su, với một khuôn mặt khác hẳn:
Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói:
“Bà đừng khóc nữa”.
Chúa chạnh lòng thương trước nỗi đau của người
mẹ mất người con trai duy nhất, trước mọi nỗi đau của loài người chúng ta; và
Ngài chạnh lòng thương một cách nhưng không, nghĩa là không cần biết người mẹ
hay người con đã từng là gì, đã làm gì, và có xứng đáng hay không. Chưa hết,
tình thương của Chúa con đi xa hơn. Chúng ta nghe lại lời của Tin Mừng:
Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói:
“Bà đừng khóc nữa”. Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài và làm cho người con
trai sống lại.
Như thế, vì thương người mẹ đang đau nỗi khổ mất
con, hay đúng hơn, Chúa chạnh lòng vì tình yêu của người mẹ dành cho người con,
nên Chúa cứu người con. Chứ không phải vì người con khi còn sống đã sống đạo đức,
ngoan ngoãn và học giỏi.
2. Sự sống hôm nay
Đọc lại các Tin Mừng, chúng ta sẽ nghiệm ra được
rằng, rất nhiều lần điều tương tự đã xẩy ra. Và đó cũng là trường hợp của hai mẹ
con thánh nữ Mô-ni-ca và thánh Augustinô, và của vô vàn trường hợp trong đời sống
của chúng ta: vì thương người mẹ, là thánh nữ Mô-ni-ca mà chúng ta mừng kính
hôm nay, mà Chúa đã cứu người con, là thánh Âu-tinh, mà chúng ta mừng kính ngày
mai. Như thế, Chúa cũng mến thương những người chúng ta thương mến trong Chúa.
Chính vì thế mà chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho nhau, cho những người còn
sống cũng như những người đã qua đời.
Người con trai là người con duy nhất của người
mẹ góa bụa. Đức Giêsu cũng là người con trai duy nhất của Mẹ Maria ; và về
phương diện xã hội, Mẹ Maria của Ngài cũng « góa bụa » ; vì thế, Ngài thấu suốt
nỗi đau của người mẹ góa bụa mất người con duy nhất.
Sau khi cho sống lại, Đức Giêsu trao người con
cho người mẹ. Như thế, người con bây giờ là quà tặng thuần túy của Đức Giê-su
dành cho người mẹ. Và trong tương quan gia đình, cộng đoàn hay nhóm, chúng ta
cũng được mời gọi nhận ra người này là quà tặng Chúa ban cho người kia. Bởi vì,
đó chính là kinh nghiệm thiêng liêng nền tảng làm nên bầu khi yêu thương, tha
thứ, bao dung và hiệp nhất giữa chúng ta.
3. Sự sống mai sau
Tuy nhiên, quà tặng này vẫn là quà tặng có giới
hạn, vì đến một ngày nào đó, người con cũng phải chết một lần nữa, hay người mẹ
phải lìa xa người con. Vì đó là thân phận chóng qua của loài người chúng ta.
Đức Giê-su, Người Con Duy Nhất, cũng cảm thương
thân phận phải chết của loài người chúng ta. Vì thế, trong cuộc Thương Khó, Người
không chỉ « đụng vào quan tài » của người con đã chết, và của mỗi người chúng
ta, nhưng còn để cho mình chịu đóng đinh và chịu chết trên Thập Giá, để cho thấy
Người mạnh hơn sự chết và cả sự dữ nữa, để trao ban với tình yêu đến cùng sự sống
đời đời cho loài người phải chết của chúng ta,
- để cho hai mẹ con, mà bài Tin Mừng của ngày lễ
hôm nay kể lại, tìm lại được nhau và ở bên nhau mãi mãi trong sự sống muôn đời
của Đức Ki-tô và Thiên Chúa Cha ;
- và để cho tất cả những ai thương mến nhau,
trong đó có hai mẹ con là thánh nữ Mô-ni-ca và thánh Âu-tinh, và có mọi người
chúng ta đang thương yêu nhau, bây giờ ở bên nhau, và sau này cũng được ở bên
nhau mãi mãi, vì tình thương và lòng thương xót nhưng không và vô biên của
Thiên Chúa.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Thứ ba tuần 21 thường niên
Bài
Ðọc I: (Năm I) 1 Tx 2, 1-8
"Chúng tôi rất vui lòng trao phó anh em, không những Tin Mừng của
Thiên Chúa, mà còn cả mạng sống chúng tôi nữa".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, chính anh em cũng biết rằng sự chúng tôi đến với anh em
không phải là luống công; nhưng dù khi trước chúng tôi phải khốn khổ, sỉ nhục tại
thành Philipphê, như anh em đã biết, chúng tôi vẫn cậy trông vào Thiên Chúa
chúng ta mà chuyên lo rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em. Vì chưng
chúng tôi không khuyên dạy những điều sai lầm, những điều ô uế, những điều gian
dối, nhưng như chúng tôi đã được Thiên Chúa thử thách để anh em được tin theo
Tin Mừng thế nào, thì chúng tôi giảng dạy mà không muốn làm đẹp lòng người đời,
nhưng muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa, Ðấng thử thách tấm lòng chúng tôi như vậy.
Bởi vì chúng tôi không bao giờ nói lời dua nịnh, như anh em biết, và
cũng không tìm dịp trục lợi, như Thiên Chúa chứng giám: chúng tôi không cầu
vinh nơi loài người, dầu với anh em hay với ai khác, dù chúng tôi có thể làm
phiền hà anh em, với danh nghĩa là Tông đồ của Ðức Kitô, nhưng chúng tôi đã trở
thành như những kẻ bé mọn giữa anh em. Như người vú nuôi nâng niu con cái mình
thế nào, thì chúng tôi yêu thương anh em đến nỗi chúng tôi rất vui lòng trao
phó cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà còn cả mạng sống chúng
tôi nữa: vì anh em đã nên thiết nghĩa với chúng tôi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 138, 1-3. 4-6
Ðáp: Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con (c. 1a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con. Ngài biết con, lúc con
ngồi khi con đứng; Ngài hiểu thấu tư tưởng con tự đàng xa, khi con bước đi hay
nằm nghỉ, Ngài thấy hết, Ngài để ý tới mọi đường lối của con. - Ðáp.
2) Khi lời nói chưa lên tới đầu lưỡi, thì kìa, lạy Chúa, Ngài đã biết cả
rồi; sau lưng hay trước mặt, Chúa bao bọc thân con, và trên mình con, Chúa đặt
tay. Ðối với con sự thông minh này quá ư huyền diệu, quá cao xa, con thực không
thể hiểu ra. - Ðáp.
Alleluia:
Ep 1, 17-18
Alleluia, alleluia! - Xin Chúa Cha của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta,
cho mắt tâm hồn chúng ta được sáng suốt, để chúng ta biết thế nào là trông cậy
vào ơn Người kêu gọi chúng ta. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 23, 23-26
"Phải làm những điều này, và không bỏ các điều kia".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho các ngươi, hỡi những luật
sĩ và biệt phái giả hình: các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, hồi hương và
thì là, còn những điều quan trọng hơn trong lề luật, là đức công bình, lòng
nhân từ và lòng tin thì các ngươi lại bỏ qua; đáng lẽ phải làm những điều này
và không bỏ các điều kia.
"Hỡi những kẻ dẫn đường đui mù, các ngươi gạn lọc một con muỗi ra,
nhưng lại nuốt trửng cả con lạc đà. Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt
phái giả hình, vì các ngươi rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong, các ngươi
đầy gian tham và nhơ bẩn. Hỡi những người biệt phái đui mù, hãy rửa bên trong
chén đĩa trước đã, để bên ngoài cũng được sạch".
Ðó là lời Chúa.
Suy
Niệm: Kết Án Thái Ðộ Vụ Hình Thức
Tin Mừng hôm nay ghi lại hai lời kết án của Chúa đối với thái độ vụ hình
thức. Trước hết là việc giữ luật bên ngoài thật tỉ mỉ, mà không có lòng đạo đức
thật, không thi hành công bằng và tình yêu thương.
Trong Do thái giáo, luật đóng thuế thập phân trên những sản phẩm con người
làm ra là một hành động tôn giáo để nhìn nhận quyền tối cao của Thiên Chúa.
Theo luật Môsê được ghi trong sách Thứ Luật, thì chỉ buộc trả thuế thập phân
trên những sản phẩm chính là gạo, rượu, dầu, con vật đầu lòng. Thế nhưng, có lẽ
vì quá sốt sắng, những Luật sĩ và Biệt phái muốn áp dụng thuế thập phân cho những
sản phẩm nhỏ, không cần thiết như: bạc hà, thì là, rau húng.
Chúa Giêsu không kết án các Luật sĩ và Biệt phái vì sự tuân giữ luật
Môsê một cách tỉ mỉ; nhưng Ngài kết án vì thái độ không trung thực: họ tuân giữ
những điều hết sức nhỏ để tỏ ra mình sốt sắng đạo đức, nhưng họ lại lỗi phạm những
điều lớn về đức công bằng và tình yêu thương, họ làm như thế chẳng khác nào lọc
lừa con muỗi ra ngoài, nhưng lại nuốt con lạc đà nguy hiểm hơn.
Thái độ vụ hình thức thứ hai của các Luật sĩ và Biệt phái còn được thể
hiện trong sự tuân giữ những nghi thức bên ngoài, mà không chăm lo tinh tuyền
bên trong: họ lo rửa chén đĩa bên ngoài, mà bên trong tâm hồn thì đầy cướp bóc,
tham lam. Việc tuân giữ nghi thức thanh tẩy bên ngoài, việc đến nhà thờ đọc
kinh ngoài môi miệng mà thôi chưa đủ, cần phải để cho ơn Chúa biến đổi tận bên
trong tâm hồn ngõ hầu trở nên con người mới. Sự hoán cải nội tâm quan trọng hơn
và phải đi trước những thực hành đạo đức bên ngoài để tránh thái độ giả hình, vụ
hình thức đáng bị Chúa khiển trách.
Nguyện xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi những tham lam, ích kỷ,
hẹp hòi. Xin cho chúng ta sống ngay chính bên trong cũng như bên ngoài, sống điều
chúng ta nói trên môi miệng để làm chứng cho Chúa giữa mọi người.
Veritas
Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 21 TN1
Bài đọc: I Thes 2:1-8; Mt
23:23-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trong ngoài như một; lời
nói phải đi đôi với hành động.
Nhiều người chú trọng đến hình thức bên ngoài, vì họ nghĩ người khác chỉ
có thể đánh giá họ trên những cái bên ngoài đó; nhưng họ biết đâu, họ không qua
mặt được những người khôn ngoan có kinh nghiệm, và nhất là Thiên Chúa, Đấng thấu
suốt mọi bí ẩn trong tâm hồn.
Các Bài Đọc hôm nay mời gọi con người vượt qua hình thức bên ngoài để đi
sâu vào đời sống nội tâm bên trong. Trong Bài Đọc I, vì đã quá quen với cách
đánh giá trị hời hợt bên ngoài, các người Do-thái đã dùng thủ đọan để tố cáo
Phaolô có cuộc sống hai mặt: lạm dụng việc rao giảng Tin Mừng để mưu cầu lợi
ích cho bản thân. Vì thế, ngài phải viết thư khuyên các tín hữu Thessalonica
hãy cẩn thận trong việc phán đóan: cuộc sống của Ngài khi ở với họ là bằng chứng
hùng hồn cho những gì Ngài rao giảng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu vạch trần cuộc
sống giả hình của các người Biệt-phái. Họ quá chú trọng đến chi tiết mà quên đi
mục đích và nguyên tắc của Lề Luật là sự thật, lòng nhân hậu, và sự trung tín.
Họ quá chú trọng đến hình thức bên ngoài mà quên đi sự cần thiết của việc thanh
tẩy và thánh thiện trong tâm hồn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Những thái độ cần có và phải tránh khi rao giảng Tin Mừng.
1.1/
Những thái độ cần có khi rao giảng Tin Mừng: Người rao giảng Tin Mừng là những
ngôn sứ của Thiên Chúa được Ngài sai đi để nói thay Ngài; chứ không phải tự ý họ
chọn để làm ngôn sứ. Vì thế, ngôn sứ cần phải chu toàn sứ vụ:
(1) Cho vinh danh Thiên Chúa: Thánh Phaolô tuyên bố rõ ràng: "Vì
tin tưởng vào Thiên Chúa chúng ta mà chúng tôi đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng của
Thiên Chúa cho anh em, qua những cuộc chiến đấu gay go."
(2) Cho phần rỗi linh hồn tha nhân: Yêu Chúa là thương tha nhân, linh hồn
của tha nhân là điều quí trọng nhất. Thánh Phaolô tâm sự: "Chúng tôi đã
quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của
Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người
thân yêu của chúng tôi."
(3) Rao giảng sự thật: Sứ vụ của ngôn sứ là rao giảng chân lý đã lãnh nhận
từ Thiên Chúa, như thánh Phaolô tuyên bố: "Lời giảng của chúng tôi không
do sự sai lầm, không có dụng ý xấu, không nhằm lừa dối ai, nhưng vì Thiên Chúa
đã thử luyện chúng tôi và giao phó Tin Mừng cho chúng tôi, thì chúng tôi cứ vậy
mà rao giảng."
1.2/
Những thái độ phải tránh khi rao giảng Tin Mừng: Bên cạnh những điều phải làm,
ngôn sứ cần phải tránh những thái độ sau đây:
(1) Làm vừa lòng người phàm: Đây là khuynh hướng rao giảng để tìm vui
cho thiên hạ, để làm cho người khác cười, mà không đem đến sự cải hóa tâm hồn
bên trong. Khuynh hướng này rất dễ đưa tới việc thuật lại những chuyện tiếu lâm
hay những áng văn chương, thay vì chú trọng đào sâu Lời Chúa. Dĩ nhiên, ai cũng
biết tâm lý quần chúng là thích cười, không thích phải suy nghĩ, và càng không
thích những gì làm lương tâm họ phải cắn rứt; nhưng không phải vì thế mà ngôn sứ
phải chiều theo thị hiếu của khán giả. Họ chỉ có 10 phút để nghe giảng mỗi Chủ
Nhật hoặc tối đa là một tiếng mỗi khi giảng phòng, để nhà ngôn sứ nói cho họ
nghe về Lời Chúa; chẳng lẽ nhà ngôn sứ không biết sự khẩn thiết của những khỏang
thời gian này! Nếu khán giả thích kịch nghệ, họ có dư thời gian để ở nhà xem
các chương trình cười hay đến các hí trường để xem kịch nghệ; thánh đường không
phải là chỗ cho những giải trí thoải mái này. Ngôn sứ không phải là kịch sĩ hay
nhà hài hước, nhưng là thợ đưa tâm hồn con người về cho Thiên Chúa. Nếu khán giả
phải hư đi vì không được nghe lời sự thật của Thiên Chúa, nhà ngôn sứ phải chịu
trách nhiệm về sự hư đi của khán giả (Eze 3:18)!
(2) Sợ làm mất lòng khán giả: Ngôn sứ nào sợ đụng chạm, sợ mất lòng khán
giả sẽ không dám rao giảng sự thật của Lời Chúa. Ví dụ: không dám rao giảng về
tai hại của xì ke, ma túy khi biết nhiều khán giả bên dưới đang hành nghề
"trồng cỏ!" Không dám rao giảng về sự trung thành trong ơn gọi gia
đình, khi biết nhiều khán giả bên dưới đang trong tình trạng ly thân, ly dị,
hay ngoại tình.
(3) Tìm lợi nhuận cá nhân: Thánh Phaolô rất thành thật khi nói:
"Chúng tôi không bao giờ dùng lời xu nịnh: như anh em biết; không bao giờ
chúng tôi đã viện cớ để che đậy lòng tham, có Thiên Chúa chứng giám." Ngôn
sứ nào có khuynh hướng này sẽ rao giảng để đề cao cá nhân mình, thay vì làm
vinh danh Thiên Chúa; sẽ rao giảng để được thăng quan tiến chức; hay lợi dụng
việc rao giảng để quyên tiền hay để bán những sản phẩm của mình.
(4) Để được người đời khen ngợi: Thánh Phaolô thú nhận: "không bao
giờ chúng tôi đã tìm cách để được một người phàm nào tôn vinh, dù là anh em hay
người khác." Ngôn sứ nào có khuynh hướng này sẽ chỉ rao giảng khi có đông
người, và khinh chê rao giảng trước đám đông ít ỏi; chú trọng đến việc rao giảng
cho thành phần trí thức, và khinh chê những thành phần ít học.
2/
Phúc Âm:
Hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.
2.1/
Hãy chú trọng đến công lý, lòng nhân và thành tín: Chúa Giêsu nhắc nhở khán giả phải
nắm lấy nguyên lý và mục đích của Lề Luật, khi Ngài vạch ra cái nhìn thiển cận
của các kinh-sư và Biệt-phái: "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và Biệt-phái
giả hình! Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những
điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều
này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ." Ví dụ, mục đích của
Lề Luật là để bảo vệ con người, chứ không phải để con người làm nô lệ cho Lề Luật.
Vì thế, không được nhân danh Lề Luật để làm thiệt hại mạng sống con người, hay
cấm không cho chữa bệnh trong ngày Sabbath.
2.2/
Phải tránh những mù quáng của các người Biệt-phái: Nhiệm vụ của người lãnh đạo là phải
biết tất cả những gì nguy hiểm có thể xảy ra trên đường và biết cách đối phó.
Người lãnh đạo không thể:
(1) Quá chú trọng đến chi tiết nhỏ nhặt mà quên những điều trọng yếu:
Chúa Giêsu mắng các kinh sư và Biệt-phái: "Quân dẫn đường mù quáng! Các
người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà." Chúa có ý muốn nói, họ quá
để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt, mà quên đi bao điều to lớn và quan trọng hơn.
(2) Quá chú trọng đến những cử chỉ bề ngoài, mà không chú trọng đến việc
thanh tẩy trong tâm hồn: "Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và Biệt-phái
giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những
chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. Hỡi những Biệt-phái mù quáng kia, hãy rửa bên
trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch." Chúa có ý
muốn nói khi rửa chén đĩa, chỗ quan trọng cần phải sạch là phần bên trong, chỗ
tiếp xúc với đồ ăn, cần phải sạch. Cũng vậy, tâm hồn và trí tuệ con người là những
nơi cần phải sạch hơn cả, chứ không phải chỉ sạch sẽ thân xác bề ngoài mà thôi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta hãy biết sống thành thực với Thiên Chúa, với tha nhân, và với
chính mình. Chúng ta không thể giấu bất cứ điều gì với Thiên Chúa, Đấng sẽ phán
xét chúng ta.
- Khi rao giảng Tin Mừng, chúng ta hãy rao giảng những gì Thiên Chúa dạy
một cách chân thật và vô vị lợi; nếu không, chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm với
Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
27/08/2019
THỨ BA TUẦN 21 TN
Th. Mô-ni-ca
Mt 23,23-26
Th. Mô-ni-ca
Mt 23,23-26
TẬP SỐNG TRUNG THỰC
“Hãy rửa bên trong cho sạch… để bên ngoài cũng được sạch.” (Mt 23,26)
Suy niệm: Thói giả hình gồm vài cách
xử sự sai lầm sau đây: a/ chỉ chăm chút đến những điều phụ thuộc như nộp thuế
thập phân về rau trong vườn – là điều luật không buộc, mà bỏ qua những điều
quan trọng trong lề luật như công bình, lòng nhân, và thành tín; b/ chỉ chăm lo
làm đẹp cái bên ngoài như rửa sạch chén đĩa, còn bên trong tâm hồn đầy dơ bẩn;
c/ dẫn đường cho người nhưng lại dẫn sai hướng, đưa họ đến chỗ sai lầm. Trong
Tin Mừng, Chúa Giê-su đã nhiều lần lên án thái độ đạo đức giả này của người
Pha-ri-sêu và Luật sĩ. Các cách hành xử này vừa bóp méo sự thật vừa phản giáo dục,
gây ra những hậu quả xấu cho người được giáo dục, và rốt cuộc đánh mất niềm tin
trong cuộc sống. Đức Giê-su cho thấy đó là thứ bệnh cần phải chữa trị. Phương
thuốc chữa trị là biết phân biệt điều gì chính, điều gì phụ, rửa sạch bên ngoài
cũng như thanh tẩy bên trong tâm hồn.
Mời Bạn: Chúa biết ta từ bên trong
nên ta không thể lừa dối Ngài được. Hãy tập sống và hành xử trung thực, trong
sáng, như người con hiếu thảo của Cha nhân lành. Bạn cũng đừng tránh né bỏ qua
các điều cốt lõi là điều răn mến Chúa yêu người để chỉ quan tâm các điều lặt vặt
của đời sống đạo.
Sống Lời Chúa: Tôi ghi nhớ câu Lời Chúa
khuôn vàng thước ngọc sau đây: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người
ta làm cho mình, thì chính anh em hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy con sống trung thực, trong
sáng, tinh tuyền, tránh căn bệnh đạo đức giả trong xã hội. Xin cho con biết sống
chân thực vì Chúa là Đấng “thông minh và chân thực vô cùng.” Amen.
(5 phút
Lời Chúa)
Bên trong, bên ngoài
Rửa tay
trước khi ăn, rửa bát đĩa trước khi dùng, là điều dễ hơn nhiều. Trở vào lòng
mình, ta dễ bắt gặp bao tham lam, gian dối, thèm muốn vô độ. Những điều ấy ta
không muốn nhìn nhận có nơi mình.
Suy niệm:
Đức Giêsu đã từng nói về tám Mối Phúc trong Bài Giảng trên núi.
Trong chương này, Ngài sẽ nói với các kinh sư và nhóm Pharisêu bảy lần:
“Khốn cho các ngươi!”
Đây không phải là lời chúc dữ cho bằng là lời trách than, buồn tiếc,
vì những sự giả hình, che đậy nơi một số nhà lãnh đạo Do thái giáo.
Nhưng giả hình không phải chỉ là bệnh của một số kinh sư ngày xưa.
Nó là bệnh của những Kitô hữu trong Hội Thánh của Mátthêu sau năm 70.
Và nó cũng là bệnh của những Kitô hữu thuộc thế kỷ hai mươi mốt.
“Khốn cho các ngươi!” là một lời cảnh báo đối với chính bản thân tôi.
Bệnh được nhắc đến trong lời Khốn cho thứ tư (c. 23)
là bệnh quá tập trung vào điều phụ thuộc mà bỏ quên điều cốt yếu.
Có một số người Pharisêu bày tỏ sự đạo đức của mình
qua việc nộp thuế thập phân về những thứ rau lặt vặt họ trồng trong vườn.
Ba thứ rau thơm: bạc hà, thì là, rau húng, đúng ra không phải tính thuế,
vì chỉ phải nộp thuế về hoa lợi của vụ mùa, của vườn cây ăn trái thôi.
Nhưng có người đã nộp thuế về mọi thứ rau cỏ trong vườn (Lc 11, 42).
Thuế thập phân chỉ đòi nộp một phần mười sản phẩm nông nghiệp làm được,
để giúp việc thờ phượng Chúa trong Đền thờ và các người làm việc tại đó.
Đức Giêsu không cản chuyện nộp thuế về những điều lặt vặt (c. 23).
Ngài chỉ tiếc là những chuyện nặng ký hơn trong Lề Luật
như công lý, lòng nhân và thành tín, lại bị bỏ quên (c. 23).
Ba điều này đều được các ngôn sứ nhắc nhở (Is 1, 17; Hs 6, 6; Hb 2, 4).
Ngôn sứ Mikha đã viết một câu nổi tiếng (Mk 6, 8):
“Đức Chúa đòi anh em điều gì nếu không phải là sống theo công lý,
mến chuộng lòng nhân và khiêm hạ đi với Thiên Chúa của anh em.”
Có thể thái độ đạo đức giả bắt nguồn từ thói háo danh và sợ khó.
Nộp thuế dễ được người ta thấy hơn
và cũng khỏi phải hoán cải nơi bề sâu của lòng mình.
Tập trung vào những cái lặt vặt để khỏi phải áy náy về chuyện hệ trọng.
Làm tốt một chuyện nhỏ, nhưng lại làm hỏng một chuyện rất lớn.
Bệnh được nhắc đến trong lời Khốn cho thứ năm (c. 25)
là bệnh quá coi trọng cái bên ngoài mà coi thường cái bên trong.
Một số người Pharisêu loay hoay với chuyện lau sạch bên ngoài chén đĩa.
Họ sợ mình trở nên ô uế nếu sử dụng đồ chưa được rửa kỹ.
Tiếc thay, họ không để ý đủ đến sự nhơ uế bên trong tâm hồn.
Mà đó mới là thứ nhơ uế thật sự đáng quan tâm.
Có nguy cơ là sự sạch sẽ bên ngoài nhằm che đậy sự nhơ uế bên trong,
và đánh lừa cái nhìn của người khác, khiến họ lầm tưởng.
Thật ra trở về với lòng mình để nhận ra những ô nhơ, thật là điều khó.
Rửa tay trước khi ăn, rửa bát đĩa trước khi dùng, là điều dễ hơn nhiều.
Trở vào lòng mình, ta dễ bắt gặp bao tham lam, gian dối, thèm muốn vô độ.
Những điều ấy ta không muốn nhìn nhận có nơi mình.
Đức Giêsu mời chúng ta tìm kiếm sự tinh tuyền bên trong trước đã,
rồi mới để ý đến cái sạch sẽ bên ngoài sau (c. 26).
Xin Chúa cho chúng ta đừng bị đui mù, nhưng được sáng mắt (cc. 24. 26),
để biết phân biệt cái chính, cái phụ, cái trong, cái ngoài.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.
Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.
Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Tám
27 THÁNG TÁM
Ánh Sáng Soi Dẫn Sự Sống Của Giáo Hội Hôm Nay
Bản Báo Cáo Chung Kết (tài liệu đúc kết kỳ Thượng Hội Đồng bất thường
này) diễn tả hùng hồn mối quan tâm của tập thể các giám mục và nỗ lực chung của
toàn thể Giáo Hội nhằm muốn trân trọng hơn đối với Công Đồng Vatican II. Ở đây
chúng ta nhìn các vấn đề của Giáo Hội hậu Công Đồng với một cái nhìn mới, với một
tinh thần nhận định khách quan và với nhãn giới ưu tư mục vụ. Chúng ta khảo sát
kỹ lưỡng tình hình của mình sau hai mươi năm, với tất cả những thay đổi và những
cải thiện quan trọng đã xảy ra trong đời sống Giáo Hội. Trong cuộc khảo sát
này, chúng ta nhìn thấy cả những khó khăn và những thành công.
Bản
Báo Cáo Chung Kết này – được xem xét kỹ – đã trao cho chúng ta những đề nghị
thích hợp để thay đổi và đã soi sáng cho những vấn đề khẩn cấp trong đời sống của
Giáo Hội hiện nay. Có những nhấn mạnh đặc biệt về tiếng gọi nên thánh phổ quát.
Chúng ta thấy rằng sự nên thánh này phải phát nguồn từ chính đời sống và ơn gọi
của Giáo Hội. Trước hết, nó phải được cắm rễ trong sự đáp trả của Giáo Hội đối
với Lời Chúa và đối với tiếng gọi phổ quát Phúc Aâm hóa bằng việc chia sẻ Tin Mừng.
Hết thảy mọi Kitôhữu đều được mời gọi tiến tới trong tiếng gọi nên thánh khẩn
thiết này, được hướng dẫn bởi quyền giáo huấn của các giám mục và công việc
không ngừng của các nhà thần học của Giáo Hội.
Thứ
hai, phụng vụ phải dẫn chúng ta vào trong một kinh nghiệm đích thực về sự
thiêng thánh và thái độ tôn kính sự hiện diện của Thiên Chúa. Thực tại Giáo Hội
trong phụng vụ phải được diễn tả như một sự hiệp thông với Đức Kitô và Thân Thể
mầu nhiệm của Ngài.
Thứ
ba, chúng ta nhận thấy nhu cầu phải đẩy mạnh những lãnh vực được Công Đồng đề cập
đến. Chúng ta nhận thấy cần phải đối thoại và phát triển mối hiệp nhất giữa các
Giáo Hội Đông phương và Tây phương. Chúng ta cần phải lưu tâm đến những đóng
góp quan trọng của các hội đồng giám mục. Chúng ta phải tiếp tục làm cho Giáo Hội
liên đới với những nhu cầu và những vấn đề của con người hiện đại. Chúng ta phải
tăng cường sự hiểu biết và cảm thông đối với các tôn giáo ngoài Kitô giáo và đối
với các anh chị em vô thần. Chúng ta phải luôn luôn thăng tiến quyền lợi của
người nghèo và những người bị áp bức, và bảo vệ nhân phẩm của mọi con người bằng
cách tuân thủ các giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Công Đồng Vatican II là di sản
của chúng ta, di sản của Giáo Hội.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John
Paul II
Gương Thánh nhân
Ngày 27/08 - Thánh MONICA
(331 - 387)
Thánh Monica, mẹ của Thánh Augustinô, có lẽ sinh tại Thagaste miền
Numidia, là nơi Ngài lập gia đình và sống phần lớn cuộc đời mình. Thuộc dòng
dõi Berber nên tên Ngài là Berber. Những gì chúng ta biết được về thánh nữ đều
nhờ các bút tích của con Ngài, nhất là cuốn IX bộ "tự thuật"
(confessions)
Monica là một người tốt, nhưng được một vú nuôi già của gia đình dạy dỗ
những các khắt khe. Chẳng hạn, bà không cho phép cô uống nước ngoài những bữa
ăn. Có lẽ vì vậy Ngài có thói quen dùng những thứ không được phép. Thói xấu lớn
dần cho đến khi cha mẹ Ngài sai đi ép rượu, người đầy tớ giúp việc chế nhạo
Ngài như một tay nghiền. Thánh nữ mắc cỡ và bỏ hẳn thói xấu ấy.
Còn nhỏ tuổi, Monica đã được gả cho Pareiciô, một người có tính hẹp hòi,
nhưng không phải là xấu nết khó thương. Tuy nhiên thánh nữ đã đối xử tốt đẹp với
cả chồng lẫn mẹ chồng khiến sau một thời gian nàng đã hoàn toàn chinh phục được
bà. Khác với các phụ nữ láng giềng, không hề có dấu nào chứng tỏ rằng: thánh nữ
đã bị chồng ngược đãi. Lý do khiến ông không mạnh tay với thánh nữ vì Ngài đã
giữ không mạnh miệng với chồng.
Mối giây liên kết thánh nữ với người con thông thái là cả một phép mầu của
lòng nhẫn nại và tình thương không biết mệt mỏi. Có lẽ thánh nữ đã không hoàn
toàn hiểu nổi đời sống khó khăn và những thay đổi trong trí khôn con mình mà chỉ
biết đau buồn vì chàng đã đi theo thuyết Manichêô. Về phần Augustinô khi ấy chỉ
thấy mẹ mình gây phiền toái mà thôi. Khi bà quyết theo con tới Roma (vì Patricô
đã qua đời) Augustinô đã trốn bà và đi một mình. Dẫu vậy, bà vẫn đuổi theo và gặp
lại chàng ở Milanô. Tại đây bà gặp thánh Abrosiô. Hai người rất mực kính trọng
lẫn nhau.
Cuối cùng vào năm 386, thánh nữ vui mừng thấy con hối cải. Đó là phần
thưởng đền bù không biết bao nhiêu là nước mắt và kinh nguyện của Ngài. Thánh nữ
cùng tĩnh tâm với Augustinô ở Cassicicum và có mặt trong lễ rửa tội của con do
thánh Ambrosiô cử hành.
Năm 387, thánh nữ lên đường về Phi châu với con và các bạn hữu của Ngài.
Tại Ostia, thánh nữ chia sẻ với con mình sự hoan lạc trong tâm hồn mà thánh
Augustinô ghi lại trong cuốn IX "bộ tự thuật".
Sau đó thánh Monica nói: - Con ơi, phần mẹ, mẹ không còn thấy vui sướng
vì bất cứ điều gì ở đời này nữa. Mẹ không hiểu sẽ phải làm gì và tại sao lại
còn sống ở đây. Niềm hy vọng của mẹ trên thế gian này đã được hoàn thành. Chỉ
có một điều mẹ ao ước là được thấy con trở thành người công giáo trước khi mẹ
lìa đời. Thiên Chúa cho mẹ được toại nguyện và hơn nữa đã cho mẹ thấy con chán
ghét hạnh phúc trần gian và hiến thân phụng sự Ngài. Mẹ còn làm gì nữa đây ?
Chẳng bao lâu sau đó, thánh nữ mang bệnh và từ trần tại Ostia vào tuổi
56 .
Trước kia thánh nữ thường ao ước được chôn cất bên chồng. Bây giờ, thánh
nữ được hỏi xem có buồn khi phải gởi xác ở xa quê hương không ? Ngài trả lời : -
Không có gì cách xa Thiên Chúa cả. Đừng sợ rằng: Ngài sẽ không biết mẹ ở đâu để
phục sinh mẹ dậy .
Và những lời cuối cùng nói cho con mình:
- Hãy chôn cất mẹ ở đâu cũng được. Đừng lo lắng chi về điều đó cả. Mẹ chỉ
xin con hãy nhớ đến mẹ tại bàn thờ Chúa khi nào con có thể.
Chắc chắn Augustinô không bao giờ quên Ngài và cả được ai đọc về Ngài
trong bộ "tự thuật". Ngài được mai táng tại Ostia. Dường như năm 1430
xác Ngài được cải táng về Roma chôn tại thánh đường thánh Augustinô.
(daminhvn.net)
27 Tháng Tám
Ăn Cắp Lửa Trời
Thần thoại Hy Lạp có kể lại câu chuyện của thần Prométhée ăn cắp lửu trời
để sáng tạo con người.
Theo óc tưởng tượng của người Hy Lạp, Thiên Triều do thần Zeus cai trị gồm
có hai loại thần: các đại thần và tiểu thần. Tiểu thần là các vị thần đã bị
nhóm các vị thần trung thành với Ngọc Hoàng Zeus đánh đổ... Trong số các tiểu
thần thất sủng ấy, Prométhée là vị thần duy nhất vẫn còn được Ngọc Hoàng Zeus
tín nhiệm nên ban cho quyền tạo dựng con người và súc vật trên mặt đất.
Ngày nọ, Prométhée và em của mình đã thí nghiệm khảt năng sáng tạo của họ.
Họ dùng mọi yếu tố trên trần gian để nhào nặn nên con người... Thế nhưng, giống
người mà họ tạo nên vẫn chết cứng bởi vì còn thiếu lửa. Nhưng lửa thì chỉ có
các vị đại thần trên thiên triều mới nắm giữ. Thế là Prométhée đã lén đến lò
rèn của thần Hephetus để đánh cắp lửa thiêng. Lửa ăn cắp từ thiên triều đx lan
tràn khắp mặt đất làm cho con người được sưởi ấm và hân hoan.
Ngọc Hoàng Zeus đã hay biết mọi chuyện. Ông nổi giận lôi đình và cho sấm
sét đến lay chuyển cả mặt đất... Vì tội ăn cắp lửa trời, nên Prométhée đã bị
Zeus cho trói vào một ngọn núi cao, mỗi ngày diều hâu đến mổ vào gan của ông.
Huyền thoại Prométhée trên đây như muốn nói lên sự khao khát vô tận và
khả năng khoa học gần như không giới hạn của con người... Khả năng đó là một thể
hiện của chính hình ảnh Thiên Chúa khắc ghi vào con người... Khả năng sáng tạo
đó cũng nói lên phẩm giá siêu việt của con người... Khả năng sáng tạo đó, Thiên
Chúa phú bẩm cho con người là để phục vụ phẩm giá con người hay để hủy hoại nó?
Ðó là câu hỏi đang được đặt ra cho con người của thời đại chúng ta.
Có nhiều người chủ trương rằng do tiến hóa, con người bởi loài khỉ mà
ra. Ðứng trên phương diện khoa học thì giả thuyết đó không phải là một điều tưởng
tượng... Tuy nhiên, một thách đố có thể đặt ra cho con người là: liệu có thể có
một tiến trình ngược lại theo đó con người có trở thành khỉ không?
Cách đây không lâu, ông Chiarelli, một giáo sư nhân chủng học tại đại học
Firenze bên Italia đã đề nghị cho khỉ cái được thụ tinh nhân tạo với tinh trùng
của người nam. Giống sinh vật do sự lai giống này sinh ra sẽ là một con vật nửa
người nửa khỉ. Mục đích được tạo dựng của giống sinh vật này là để dùng vào các
công tác tạp dịch hoặc để lấy các cơ phận của nó ghép vào các bệnh nhân.
Vấn đề được đặt ra là: giống sinh vật nửa người nửa khỉ này nếu dùng được
ngôn ngữ của con người, nó sẽ xưng hô thế nào với người cho tinh trùng từ đó nó
được thụ thai? Dù muốn dù không, không ai có thể chối bỏ được phụ tính của người
đàn ông cho tinh trùng. Nói một cách nôm na, giống sinh vật nửa người nửa khỉ
này là con của ông, nó có quyền gọi ông là cha... Vậy thì, có người cha nào muốn
dùng con mình vào những cuộc thử nghiệm không? Có người cha nào muốn biết con của
mình thành một con thú hay không?
Ðặt câu hỏi như thế không phải là xa vời, bởi vì dưới ánh mặt trời này,
khi con người chối bỏ lẫn nhau, khi con người không còn biết nhìn nhận phẩm giá
siêu việt của người khác, thì chuyện gì xem ra cũng có thể xảy đến... Hitler đã
giết hại 6 triệu người Do Thái, Polpot đã tiêu diệt gần 2 triệu đồng bào ruột
thịt của mình. Cả hai đều xây dựng trên một lý thuyết: con người chỉ là một con
vật!
Câu chuyện khoa học trên đây có quá xa vời với chúng ta không? Dù trong
nghiên cứu khoa học, trong các hoạt động chính trị hay trong các giao tế hằng
ngày: vấn đề vẫn giống nhau. Mỗi khi con người chối bỏ phẩm giá của người khác
là lúc con người cũng muốn biến người đó thành một loài khỉ và dĩ nhiên theo một
thứ luận lý rất chặt chẽ, con người cũng tự nhận mình là khỉ.
Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét