Trang

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

26-08-2019 : THỨ HAI - TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN


26/08/2019
 Thứ hai tuần 21 thường niên

BÀI ĐỌC I: 1 Tx 1, 1-5. 8b-10
“Anh em đã từ bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa, để trông đợi Con của Người, Đấng mà Người cho sống lại”.
Khởi đầu thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Phaolô, Silvanô và Timôthêu kính gửi giáo đoàn Thêxalôni-ca trong Thiên Chúa Cha và trong Chúa Giêsu Kitô. Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an.
Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa cho mọi người anh em; trong khi tôi cầu nguyện, tôi hằng nhớ đến anh em không ngừng, tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta.
Hỡi anh em là những kẻ được Thiên Chúa yêu mến, tôi từng biết anh em được Chúa tuyển chọn, bởi vì Tin Mừng của chúng tôi ở nơi anh em, không phải chỉ với lời nói mà thôi, mà là với quyền năng, với Thánh Thần, và với lòng xác tín, như khi chúng tôi còn ở giữa anh em, anh em biết chúng tôi sống thế nào vì anh em.
Trong mọi nơi, lòng tin của anh em vào Thiên Chúa đã quá rõ rồi, đến nỗi chúng tôi không còn nói thêm làm gì nữa. Vì người ta thuật lại việc chúng tôi đã đến với anh em thế nào, và anh em đã bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa làm sao để phụng thờ Thiên Chúa hằng sống và chân thật, để trông đợi Con của Người từ trời mà đến, (Đấng mà Người đã làm cho từ cõi chết sống lại) là Đức Giêsu, Đấng đã giải thoát chúng ta khỏi cơn thịnh nộ sắp đến. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 149, 1-2. 3-4. 5-6a và 9b
Đáp: Chúa yêu thương dân Người (c. 4a).
Xướng:
1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Đấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. – Đáp.
2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. – Đáp.
3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Đó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. – Đáp.

ALLELUIA: 2 Cr 5, 19
Alleluia, alleluia! – Thiên Chúa ở trong Đức Kitô đã giải hoà thế gian với Người, và đã đặt lời giải hoà trên môi miệng chúng tôi. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 23, 13-22
“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi đóng cửa nước trời không cho người ta vào: vì các ngươi không vào, mà kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào.
“Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi đọc kinh cho dài để nuốt tài sản của các bà goá, bởi thế, các ngươi sẽ chịu phán xét nặng hơn.
“Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi rảo khắp biển khơi và lục địa, để tìm cho được một người tòng giáo, nhưng khi đã cho người đó tòng giáo, các ngươi làm cho nó trở thành con cái hoả ngục gấp hai lần các ngươi.
“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù! Vì các ngươi nói rằng: Ai lấy đền thờ mà thề, thì không có giá trị gì, nhưng ai lấy vàng trong đền thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi kẻ ngu ngốc và đui mù, chớ thì vàng hay là đền thờ thánh hoá vàng, cái nào trọng hơn? Các ngươi còn bảo rằng: Ai lấy bàn thờ mà thề, thì không giá trị gì, nhưng ai lấy của lễ để trên bàn thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi những kẻ đui mù, chớ thì của lễ hay là bàn thờ thánh hoá của lễ, cái nào trọng hơn?

“Vậy ai lấy bàn thờ mà thề, thì lấy cả bàn thờ và mọi sự để trên bàn thờ mà thề. Kẻ nào lấy đền thờ mà thề, thì lấy cả đền thờ và Đấng ngự trong đền thờ mà thề. Và kẻ nào lấy trời mà thề, thì lấy ngai toà Thiên Chúa và Đấng ngự trên ngai toà ấy mà thề”. Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Lắng Nghe Tiếng Nói Của Lương Tri (Mt 23,13-22)
Những lời "khốn cho các ngươi" được lập lại nhiều lần tương ứng với những điều chướng tai gai mắt cũng là những tội của các kinh sư và biệt phái. Họ đã cố tình làm những điều phi lý, khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào, nuốt hết tài sản của các bà góa, rảo khắp các biển cả đất liền rủ cho được một người theo đạo, nhưng khi họ theo rồi thì lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục hơn. Chúa Giêsu đã gọi các kinh sư và biệt phái là những người sống mù quáng. Ðiều đáng nói ở đây là các kinh sư và biệt phái cố tình chia lìa trong lỗi lầm của mình, họ thích danh vọng và chạy theo những bả vinh hoa, vì vậy họ cố gắng tìm mọi cách để đạt đến nó bằng bất cứ cách nào. Có thể nói đây là những người chủ trương lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện. Cứu cánh của họ đã không công minh, chính trực và phương tiện lại còn đê hèn hơn, nên họ đã lợi dụng những dân đen, là những người thấp cổ bé họng, không có khả năng tự bảo vệ mình.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của lương tri, là lời của Chúa muốn dạy chúng ta cách cụ thể trong từng trường hợp của đời sống ta.
Lạy Chúa,
Xin Chúa ban cho mỗi chúng con luôn biết xa tránh những điều xấu xa và tìm đến nguồn mạch ân sủng là Lời Chúa, nhờ đó lương tâm của chúng con mãi trong sáng để rọi lên hình ảnh sống động của Chúa và thánh ý Ngài trong mỗi giây phút của cuộc sống chúng con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 21 TN1
Bài đọcI Thes 1:1-5, 8b-10; Mt 23:13-22

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Một niềm tin, hai lối sống.
Thủ tướng Ghandi có lần nhận xét: “Nếu tất cả các Kitô hữu sống đúng những gì Chúa dạy, có lẽ cả thế giới đã tin vào Ngài.” Thật vậy, các Kitô hữu là những người cùng chung một niềm tin nơi Thiên Chúa, nhưng không phải ai cũng thực hành những gì Ngài dạy.
Các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy những ví dụ cụ thể về hai lối sống của những người cùng một niềm tin vào Thiên Chúa. Trong bài đọc I, thánh Phaolô khen ngợi các tín hữu Thessalonica, vì họ không chỉ tin Đức Giêsu Kitô, nhưng còn sống niềm tin này cách sống động, đến nỗi gương sáng của họ không chỉ chiếu dọi trong các cùng Macedonia và Achaia, mà còn lan rộng tới những nơi mà Phaolô rao giảng. Ngược lại, trong Phúc Âm, Chúa Giêsu quá chán ghét và phê bình nặng nề lối sống giả hình của các Kinh-sư và Biệt-phái. Họ tìm đủ mọi cách để biện minh cho thói giả hình để không phải thực thi Lề Luật của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lối sống chân thật của các tín hữu Thessalonica
1.1/ Phaolô chứng nhận cuộc sống chân thật của các tín hữu Thessalonica: Có lẽ trong tất cả cộng đoàn mà thánh Phaolô đã thiết lập, không một cộng đoàn nào có đời sống gương mẫu như cộng đoàn Thessalonica. Trong lời mở đầu Thư, Phaolô chỉ đề cập đến gương sáng của họ cách tổng quát như sau: “Chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô.”
Đức tin của các tín hữu Thessalonica không phải chỉ biểu tỏ bằng lời nói, nhưng bằng các việc làm. Đức ái của họ biểu lộ ra bằng cách gánh chịu các nỗi khó nhọc của nhau. Đức cậy của họ biểu tỏ bằng cách kiên nhẫn chịu đựng trong khi chờ đợi Ngày Đức Kitô quang lâm vinh hiển.
Loan báo Tin Mừng và sống những giá trị của Tin Mừng không phải chỉ thuần túy lời nói, nhưng còn liên quan đến ba điều quan trọng là:
(1) Quyền năng (dunamis): Danh từ này chỉ dành cho Thiên Chúa. Quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện trong cả việc rao giảng lẫn việc sống những gì Tin Mừng đòi hỏi.
(2) Thánh Thần: Để có đức tin, Thánh Thần phải hoạt động trong cả người rao giảng lẫn người nghe.
(3) Sự xác tín sâu xa (plerophoría polle): Có lẽ thánh Phaolô muốn ám chỉ niềm tin tuyệt đối của các tín hữu vào những gì Tin Mừng chứa đựng: Đức Kitô, những lời giảng dạy của Ngài, sự tha tội, sự sống lại… Từ này được dùng nhiều trong Tân Ước (Col 2:2; Heb 6:11; 10:22, Rom 15:29).
1.2/ Tiếng lành đồn xa: Đức tin là sự xác tín bên trong tâm hồn không ai thấy được, nhưng những biểu lộ của đức tin là những hành động bên ngoài, và ai cũng có thể nhìn thấy. Sở dĩ thánh Phaolô biết được đức tin của các tín hữu Thessalonica, là vì những lời khen ngợi từ những người ngài có dịp giao tiếp với: “Quả thế, từ nơi anh em, Lời Chúa đã vang ra, không những ở Macedonia và Achaia, mà đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa, khiến chúng tôi không cần phải nói gì thêm nữa.”
2/ Phúc Âm: Lối sống giả hình của các Kinh-sư và Biệt-phái.
Giả hình (hupokrites) trong tiếng Hy-lạp có nghĩa “người trả lời.” Vì thế, theo truyền thống Hy-lạp, chữ này có liên quan đặc biệt đến những người trả lời trong cuộc đối thoại của các vở kịch trên sân khấu, các diễn viên. Họ là những người đóng kịch, trong lòng đang vui mà phải giả bộ khóc hay đang buồn mà phải cố cười để mua vui cho thiên hạ. Nói tóm, người giả hình là người sống không thật với lòng mình.
Đứng trước thử thách và đau khổ, những người theo lối sống giả hình sẽ tìm cách không phải chịu gian khổ bằng cách nêu lên mọi lý do để biện minh cho hành động nhát đảm sợ sệt của mình. Họ sẽ cố gắng che đậy sự ích kỷ trong lòng bằng những hành động giả ân nghĩa bên ngoài.
Chúa Giêsu gọi các Kinh-sư và Biệt-phái là những hạng người này: “Khốn cho các ngươi, hỡi các Kinh-sư và Biệt-phái giả hình! Các ngươi khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào. Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng không để họ vào. Khốn cho các ngươi, hỡi các Kinh-sư và Biệt-phái giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.”
Kinh-sư và Biệt-phái khóa cửa Nước Trời bằng lối sống giả hình. Làm sao họ có thể vào Nước Trời bằng giữ chi li bao lề luật không cần thiết mà bỏ quên biết bao điều quan trọng của Luật như công bằng, nhân từ và trung tín? Và nếu dân chúng cũng tin họ và làm như thế thì cũng chẳng được vào Nước Trời.
Chúa cũng lên án họ về việc không chịu làm gương sáng cho những người mới theo đạo: “Khốn cho các người, hỡi các Kinh-sư và Biệt-phái giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người.” Thay vì làm gương sáng, họ làm gương mù và dạy cho những người mới trở lại đạo giả hình của mình. Những người mới vào đạo thường hăng hái và nhiệt thành hơn những người đã theo đạo lâu năm; nếu không nhiệt thành về điều tốt, họ sẽ nhiệt thành về những gì xấu đã được chỉ dạy.
Các Kinh-sư và Biệt-phái là những người làm luật và thông luật. Họ biết cách phiên dịch luật sao cho trắng hóa đen, đúng hóa sai, bằng cách thêm bớt hay tìm chỗ sơ hở của lề luật. Một ví dụ Chúa Giêsu đưa ra hôm nay về việc chỉ Đền Thờ mà thề. Luật dạy khi đã chỉ Đền Thờ, nơi Thiên Chúa hiện diện, thì phải giữ lời thề đó bằng bất cứ giá nào. Nhưng các Kinh-sư và Biệt-phái tìm cách làm cho lời thề đó không phải giữ bằng cách lý luận loanh quanh. Họ bảo: “Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc.”
Chúa vạch trần những lý luận khôi hài của họ: “Đồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn? Các ngươi còn nói: “Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc.” Đồ mù quáng! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn? Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề.”
Và Chúa kết luận: “Ai chỉ Đền Thờ mà thề, là chỉ Đền Thờ và Đấng ngự ở đó mà thề. Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Cùng một niềm tin có thể dẫn tới hai lối sống hoàn toàn trái ngược nhau: một lối sống dựa trên tin yêu và một lối sống giả hình hoàn toàn bên ngoài.
– Con người có thể bị đánh lừa bằng lối sống giả hình bên ngoài, nhưng Thiên Chúa không bao giờ bị đánh lừa vì Ngài thấu suốt mọi sự trong tâm hồn.
– Chúng ta cần biết sống đơn sơ và thành thật trước mặt Thiên Chúa và con người. 
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


26/08/2019 – THỨ HAI TUẦN 21 TN
Mt 23,13.15-22

ĐỪNG GIẢ HÌNH
“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình!” (Mt 23,13)
Suy niệm: Các kinh sư và người Pha-ri-sêu được coi như những bậc “vị vọng” trong dân, bởi họ sống nhiệm nhặt và giữ luật một cách thật tỉ mỉ theo sát mặt chữ. Với những thực hành tôn giáo chi li như thế họ đinh ninh rằng Nước Trời đã thuộc về họ! Thực ra, Chúa Giê-su cũng đã từng nói dù “một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được” (Mt 5,18). Thế nhưng Chúa quở trách họ nặng lời là giả hình bởi vì: – họ nói mà không làm; – họ làm nhiều việc hình thức bên ngoài nhưng lại bỏ qua điều cốt yếu là “công bình, lòng nhân và thành tín” (Mt 23,23); – và lý do sâu xa hơn cả là: họ thiếu một tấm lòng với Chúa: “Dân này thờ Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta” (Mt 15,8).
Mời Bạn: Đành rằng tổ chức xã hội nào cũng rất cần luật lệ. Nhưng Nước Trời không chỉ đơn thuần là một tổ chức xã hội. Phần thưởng Nước Trời không dành cho những người giữ luật theo hình thức, song là dành cho những người sống luật với tất cả tấm lòng. Đời sống Ki-tô hữu luôn gắn liền với các bí tích và những việc đạo đức: ăn chay, cầu nguyện, bố thí, hành hương,… Sẽ là giả hình, là giữ đạo vì thành tích nếu chúng ta làm các hành vi tôn giáo chỉ để tỏ ra mình… đạo đức.
Chia sẻ : cảm nghiệm của bạn khi bạn làm một việc đạo đức với tâm tình chân thật phát xuất tự đáy lòng.
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái cách kín đáo tế nhị.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, hạnh phúc của chúng con là được biết Chúa là Cha và mọi người là anh em. Xin cho chúng con trung thành sống niềm tin ấy trong mỗi giây phút của đời chúng con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)


Đạo đức giả (26.8.2019 – Thứ hai Tuần 21 Thường niên)

Suy nim:
Trong Bài Giảng trên núi, Đức Giêsu đã nói đến Các Mối Phúc.
Ngài chúc mừng những ai thuộc về Nước Trời bằng các lời Phúc cho.
Còn trong chương 23 của Tin Mừng Mátthêu,
Đức Giêsu lại 7 lần dùng lối nói Khốn cho,
khi nói với giới lãnh đạo Do Thái giáo là các kinh sư và nhóm Pharisêu.
Đức Giêsu không phải là người đầu tiên dùng lối nói khó chịu này.
Các ngôn sứ thời xưa như Amốt hay Isaia (Am 6, 1; Is 5, 8-24)
cũng đã lắm khi dùng lối nói này để tố cáo những người quyền thế.
Mục đích của các ngôn sứ là vạch trần những sai phạm của họ,
và cảnh báo cho mọi người biết mà tránh xa.
Đức Giêsu đã nói như một vị ngôn sứ.
Khi nói khốn cho, Ngài không có ý nguyền rủa hay kết án ai,
cho bằng nói lên sự đau xót, thậm chí giận dữ đến độ trách phạt.
“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! khốn cho ngươi, hỡi Bétsaiđa!”
Đức Giêsu đã nói như thế với các thành phố từ chối Ngài (Mt 11, 21).
“Khốn cho kẻ nào nộp Con Người, thà nó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26, 24).
Đây không phải là một lời chúc dữ cho Giuđa,
hay kết án anh phải đời đời hư mất.
Đúng hơn đây diễn tả một tiếc nuối xót xa về tội của người môn đệ.
Vào thời thánh Mátthêu viết sách Tin Mừng, từ sau năm 70,
có một sự xung đột nghiêm trọng giữa các Kitô hữu gốc Do Thái
với những nhà lãnh đạo Do Thái giáo lúc bấy giờ.
Bài Tin Mừng hôm nay phản ánh sự căng thẳng đó.
Các vị kinh sư và những người pharisêu đầy quyền lực
không muốn đồng bào của mình tin vào một ông Giêsu bị đóng đinh.
Ai tin sẽ bị trục xuất khỏi hội đường (x. Ga 9, 22).
Như thế họ đã khóa cửa Nước Trời để chẳng ai vào được, kể cả họ (c. 13).
Các vị kinh sư và nhóm Pharisêu hăng say trong việc truyền giáo.
Họ muốn làm cho dân ngoại trở thành Dân Chúa.
Tiếc thay, sau khi đã vào đạo rồi, những người tân tòng này
có thể trở nên cứng nhắc vì nệ luật, và rơi vào thói giả hình.
Họ “trở thành con cái của hỏa ngục gấp đôi các ông” (c. 15).
Đức Giêsu cũng tố cáo sự phân biệt quá chi li về giá trị những lời thề.
Đối với Ngài, thề nhân danh Đền thờ hay vàng trong Đền thờ,
nhân danh bàn thờ hay lễ vật trên bàn thờ (cc. 16-20),
thì cũng chẳng khác gì thề nhân danh chính Thiên Chúa (cc. 21-22).
Tất cả lời thề đều phải được giữ như nhau, đều ràng buộc như nhau.
Những lời tố giác của Đức Giêsu đối với giới lãnh đạo Do Thái giáo
vẫn đặt câu hỏi cho chúng ta thời nay.
Làm sao để tôn giáo mở đường cho con người gặp gỡ Thiên Chúa,
chứ không khép lại hay gây cản trở?
Làm sao để người tân tòng thực sự trở thành con cái Nước Trời?
Làm sao để chúng ta khỏi sa vào những chi li thái quá của luật lệ?
Những lời của Đức Giêsu mời gọi chúng ta nhìn lại mình và thay đổi.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.
Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.
Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
26 THÁNG TÁM
Một Công Trình Của Thánh Thần
Chính Chúa Thánh Thần chúc lành và bảo vệ công trình của Thượng Hội Đồng. Cũng như hồi đầu thập niên 60, chúng ta dạt dào tạ ơn Chúa Thánh Thần vì tặng phẩm Công Đồng, thì ở đây chúng ta cũng có thể tạ ơn Chúa Thánh Thần vì tiếng gọi mời Giáo Hội bước tới xuyên qua biến cố Thượng Hội Đồng này.
Chúng ta tạ ơn Chúa Thánh Thần vì sự qui tụ này của các chủ tịch các hội đồng giám mục trên khắp thế giới, các hồng y tổng trưởng các thánh bộ trong giáo triều Rôma, các bề trên tổng quyền của các dòng tu khác nhau, các thành viên của các cơ chế sống đời thánh hiến cũng như giáo dân – tất cả cùng gặp gỡ nhau dưới sự hướng dẫn khôn ngoan của vị Tổng Thư Ký và các cộng sự viên của ngài.
Chúng ta cũng hết lòng tạ ơn Chúa Thánh Thần vì các cuộc họp của Thượng Hội Đồng ở mọi cấp đều tỏ ra rất kiến hiệu, cho thấy rằng việc triệu tập Thượng Hội Đồng là một phương thế tốt để Giáo Hội tự khảo sát công việc của mình. Như vậy, toàn thể Giáo Hội được hiệp nhất “một lòng một trí” trong Chúa Kitô (Cv 4,32). Một lần nữa, Giáo Hội được mời gọi áp dụng giáo huấn của Công Đồng vào đời sống mình và dấn thân trên con đường hoàn thành chính mình trong tình yêu. Vâng, đây là sứ mạng được Đức Kitô ủy thác cho Giáo Hội khi Ngài nói với Phêrô và các Tông Đồ rằng “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 26/8
St 1, 2-5.8-1; Mt 23, 13-22.

LỜI SUY NIỆM: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các ngươi khóa cửa Nước Trời, không cho thiên hạ vào! Các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng không để họ vào!”
          Đối với Chúa Giêsu, Người không bao giờ phân biệt đối xử với bất cứ một người nào. Nhưng Ngài ghét bỏ và lên án những ai giả hình. Đặc biệt đối với những người lãnh đạo trong dân hay lãnh đạo về tôn giáo. Đặc biệt trong đoạn Tin Mừng này: “Pharisêu ưa thích ý tưởng của họ về tôn giáo hơn là ý tưởng của Chúa. Họ đã quên chân lý căn bản: nếu một người muốn làm thầy người khác thì trước tiên người đó phải lắng nghe Chúa. Hiểm họa nghiêm trong nhất mà bất cứ thầy dạy nào cũng có thể gặp là họ có thể lập lại những thành kiến riêng của mình thay thế chân lý của Thiên Chúa. Khi làm như thế, họ đã làm hàng ào ngăn cản người ta vào nước thiên đàng chứ không phải là người hướng dẫn, vì họ đã lầm lạc nên họ khiến kẻ khác lầm lạc.” (William Barclay)
          Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa ban cho chúng con những thầy dạy thuộc về Chúa, lắng nghe lời Chúa và truyền dạy Lời Chúa, để chúng con không phải bị lầm lạc.
Mạnh Phương


26 Tháng Tám
Gia Ðình Là Nền Tảng Của Vũ Trụ
Án Tử, người nước Tề, nổi tiếng là một người thanh liêm và thủy chung. Xuất thân từ một gia đình nghèo, Án Tử được vợ hy sinh buôn tảo bán tần để nuôi ăn học. Ðỗ đạt làm quan, Án Tử không bao giờ quên ơn ấy của vợ. Cuộc sống đầy cạm bẫy, ông vẫn một mực trung thành với vợ.
Một hôm vua Cảnh Công đến thăm ở lại dùng bữa với Án Tử. Một người đàn bà đã già xuất hiện trong bữa tiệc. Khi Án Tử vừa giới thiệu người đàn bà đó là vợ mình, nhà vua ngạc nhiên đến sửng sốt. Ông đề nghị với Án Tử: “Ôi vợ khanh trông vừa già lại vừa xấu. Quả nhân có một đứa con gái vừa trẻ vừa đẹp, quả nhân muốn cho về hầu, khanh nghĩ sao?”.
Án Tử liền trả lời một cách dứt khoát, không chút do dự: “Nội tử của tôi nay thật già và xấu. Nhưng chúng tôi đã lấy nhau và ăn ở với nhau bao lâu nay, kể từ khi nàng còn trẻ đẹp. Xưa nay, đàn bà lấy chồng lúc còn trẻ cốt để nhờ cậy lúc già, lấy chồng lúc đẹp để nhờ cậy khi xấu. Nội tử tôi thường nhờ cậy tôi cũng như tôi đã từng nhận sự giúp đỡ của nội tử tôi. Nay, bệ hạ muốn ban ơn mưa móc là tùy ở bệ hạ, nhưng xin đừng để tôi phải mang tiếng là ăn ở bội bạc với nội tử của tôi”.
Nói xong Án Tử lạy hai lạy, xin từ chối không lấy con gái của nhà vua.
Gia đình là nền tảng của xã hội. Con người chỉ có thể sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Trong cái nhìn Kitô, thì gia đình là một Giáo Hội nhỏ trong đó đức tin được thông ban và trưởng thành.
Nền tảng để gia đình được đứng vững đó là Tình Yêu. Nhưng Tình Yêu không là một cái có sẵn, mà là một giá trị luôn đòi hỏi sự xây dựng và vun xới của con người… Một gia đình hạnh phúc hay không, tất cả đều tùy thuộc ở sự phấn đấu xây dựng từng ngày của con người.
Hai cử chỉ dường như được gắn liền với nhau trong chuyến viếng thăm quê hương dạo tháng 5/1987 của Ðức Gioan Phaolii II, đó là: viếng mộ song thân và cử hành Thánh Lễ đặc biệt cho các đôi vợ chồng.
Cây tốt thường sinh trái tốt: con người của Ðức Gioan Phaolô II là hoa trái Tình Yêu của cha mẹ ngài. Viếng mộ của song thân, Ðức Thánh Cha không những nói lên niềm tri ân của ngài đối với bậc sinh thành, nhưng ngài còn muốn đề cao giá trị của đời sống hôn nhân.
Giữa đời thời đại mà đời sống hôn nhân và gia đình bị lay động đến tận gốc rễ, Ðức Thánh Cha muốn gióng lên một tiếng kêu vô cùng thảm thiết: hãy trung thành với nhau.
Trong Thánh Lễ cầu nguyện cho gia đình, qua đó các đôi vợ chồng hiện diện được mời gọi lập lại lời thề hứa trong hôn phối, Ðức Thánh Cha đã lập lại ý nghĩa và giá trị của Bí Tích Hôn Phối. Ngài nói như sau: “Khi quỳ gối trước bàn thờ trong ngày cưới, các đôi vợ chồng đã thề hứa với nhau cho đến cùng. Họ thề hứa với nhau như thế trước mặt Thiên Chúa. Lời cam kết này phản ánh chính lời hứa của Chúa Giêsu rằng Ngài yêu họ và yêu cho đến cùng”.
“Tôi hứa sẽ giữ trung thủy với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời tôi”.
Khi tuyên hứa với nhau như thế, hai người đã lập lại chính cam kết của Chúa Giêsu, Ðấng đã yêu thương và yêu thương cho đến cùng.
Yêu cho đến cùng nghĩa là chấp nhận cái chết từng ngày. Tình yêu hôn nhân là một hạt giống: có được chôn vùi, có mục nát đi mới sinh hoa kết trái. Luật của đời sống hôn nhân chính là luật của hy sinh, của chiến đấu, của chính sự chết. Nhưng cũng chính khi con người biết chối bỏ chính mình bằng hy sinh, con người sẽ gặp lại chính mình trong người khác… Ðó là lẽ sống mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta.
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét