Trang

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

04-08-2020 : THỨ BA - TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN - THÁNH GIOAN MARIA VIANÊ, LINH MỤC - Lễ Nhớ


04/08/2020
 Thứ ba tuần 18 thường niên năm A.
 Thánh Gioan Maria Vianê, linh mục.
 Bổn mạng các Linh mục.
 Lễ nhớ

Thánh nhân sinh năm 1786 tại Lyon. Sau biết bao khó khăn gian khổ, người làm linh mục và được giao phó nhiệm vụ làm cha sở họ Ars thuộc giáo phận Benle. Người quả là vị mục tử gương mẫu: hoàn toàn lo việc loan báo lời Thiên Chúa, giải tội, cầu nguyện và hãm mình. Có nhiều lúc, khuôn mặt người rạng rỡ khác thường, nhờ tình yêu bắt nguồn từ bí tích Thánh Thể mà người đem hết lòng sốt sắng để vừa cử hành, vừa thờ phượng. Người qua đời năm 1859.

Thánh Gioan Maria Vianney, LM
BÀI ĐỌC I: Ed 3, 16-21
“Ta đã đặt ngươi làm trinh sát nhà Israel”.
Trích sách Tiên tri Êdêkiel. 
Trong những ngày ấy, có lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người trinh sát nhà Israel; ngươi hãy nghe lời Ta phán từ miệng Ta và ngươi sẽ khuyến cáo họ thay cho Ta. Nếu khi Ta phán cùng kẻ gian ác rằng: Mi sẽ phải chết, mà ngươi lại không khuyến cáo nó và nói cho nó biết để lôi kéo nó ra khỏi con đàng gian ác của nó và để nó được sống, thì kẻ gian ác đó sẽ phải chết trong tội lỗi của nó, lúc đó Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu cho nó. Còn nếu ngươi khuyến cáo kẻ gian ác mà nó không từ bỏ tội lỗi và con đàng gian ác của nó, thì nó sẽ phải chết trong tội lỗi của nó; còn ngươi, ngươi cứu thoát được mạng sống ngươi.
“Nhưng nếu người công chính từ bỏ sự công chính của nó và làm điều gian ác, Ta sẽ đặt chướng ngại vật trước mặt nó, nó sẽ phải chết, vì ngươi đã không khuyến cáo nó; nó sẽ phải chết trong tội lỗi của nó và người ta không còn nhớ đến những việc công chính nó đã thực hiện trước kia; nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu cho nó. Còn nếu ngươi khuyến cáo người công chính đừng phạm tội và nó đã không phạm tội, nên nó được sống, vì ngươi đã khuyến cáo nó và ngươi cứu thoát được mạng sống ngươi”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 116, 1. 2
Đáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Toàn thể chư dân, hãy khen ngợi Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người. – Đáp.
2) Vì tình thương Chúa dành cho chúng tôi thực là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời. – Đáp.

ALLELUIA: x. Lc 2, 25c
Alleluia, alleluia! – Chúa đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 9, 35 – 10, 1
“Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền.
Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.
Và Người liền triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Đó là lời Chúa.
———————————–
Lễ Thường Niên 
BÀI ĐỌC I: Gr 30, 1-2. 12-15. 18-22
“Vì tội lỗi ngươi quá nặng, nên Ta đã làm cho ngươi những sự ấy. Nhưng Ta sẽ đem Giacóp về nhà xếp”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Có lời Chúa phán cùng Giêrêmia rằng: “Chúa là Thiên Chúa Israel phán thế này: Ngươi hãy chép vào sách mọi lời Ta đã phán với ngươi”.
Vì Thiên Chúa phán rằng: “Nơi giập gãy của ngươi đã bất trị, thương tích ngươi làm độc quá đỗi. Không ai đoái thương băng bó cho ngươi: không có thuốc hay chữa ngươi bình phục. Mọi kẻ yêu ngươi đã bỏ quên ngươi, không tìm kiếm ngươi nữa, vì Ta đã đánh ngươi bị thương như kẻ thù sửa phạt ngươi nặng nề, vì sự gian ác của ngươi quá nhiều, tội lỗi của ngươi quá nặng, nên Ta đã làm cho ngươi những sự ấy”.
Chúa phán thế này: “Đây Ta đem những kẻ trong nhà xếp Giacóp bị bắt trở về gia cư họ, Ta sẽ xót thương. Thành sẽ được xây lại trên nơi cao của nó, đền thờ sẽ được trùng tu theo trật tự của nó. Thế là sẽ vang lên lời ca tụng và tiếng reo mừng. Ta sẽ làm cho nó thêm nhiều, và nó sẽ không bị hạ nhục. Con cái nó sẽ được như xưa; trước mặt Ta, cộng đồng nó sẽ đứng vững. Ta sẽ hỏi thăm mọi người áp bức nó. Thủ lãnh nó sẽ bởi nó mà ra; vua chúa nó sẽ từ trong nó mà lên. Ta sẽ cho nó triều yết và nó sẽ đến gần Ta, vì thật ra có ai dám liều mạng đến gần Ta? -Chúa phán như thế-. Bấy giờ các ngươi sẽ là dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 101, 16-18. 19-21. 29 và 22-23
Đáp: Chúa tái lập Sion, và xuất hiện trong vinh quang xán lạn (c. 17).
Xướng:
1) Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài, khi Chúa sẽ tái lập Sion, Chúa xuất hiện trong vinh quang xán lạn. Chúa sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van. – Đáp.
2) Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử. – Đáp.
3) Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ được an cư, và miêu duệ chúng sẽ tồn tại trước thiên nhan, để người ta truyền bá danh Chúa tại Sion, và lời khen ngợi Chúa ở Giêrusalem, khi chư dân cùng nhau quy tụ, và các vua nhóm họp để phụng thờ Chúa. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin dạy bảo con lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 14, 22-36
“Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.
Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: “Ma kìa” và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ”. Phêrô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Chúa phán: “Hãy đến”. Phêrô xuống khỏi thuyền bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con”. Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?” Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!”
Khi đã sang qua biển hồ, các ngài lên bộ và ghé vào Ghênêsarét. Nhận ra Ngài, dân địa phương liền loan tin đi khắp cả vùng xung quanh, và người ta đem đến cho Ngài hết mọi kẻ ốm đau. Họ nài xin Ngài cho họ rờ đến tua áo choàng của Ngài thôi, và ai đã rờ đến thì đều được chữa lành. Đó là lời Chúa.


Suy Niệm : XÁC THỊT VÀ THẦN KHÍ
My-ri-am đối đầu với Mô-sê. Về phương diện con người thì My-ri-am chiếm ưu thế ở 3 điểm. Về xã hội: Tập tục không cho phép người Do thái kết hôn với ngoại kiều, thế mà Mô-sê đã cưới một người xứ Cút. Về gia đình: My-ri-am là chị cả trong gia đình và Mô-sê phải vâng lời bà. Về cá nhân: My-ri-am là ân nhân cứu mạng Mô-sê và chăm sóc ông từ bé. Thế nhưng Chúa lại cho rằng My-ri-am đã đối đầu với Chúa vì dám xúc phạm đến Mô-sê là tôi tớ của Chúa. Hơn nữa, bà ghen tị vì Mô-sê được Chúa gặp trực tiếp. Đó chính là cuộc đối đầu giữa xác thịt và Thần Khí. My-ri-am đã để cho tính ghen tức xác thịt bùng nổ nên nói xấu Mô-sê. Mô-sê là người của Thần Khí vì ông tràn đầy ơn Chúa và ông cư xử theo Thần Khí, hiền lành khiêm nhường không đối đáp lại My-ri-am (năm lẻ).
Tin Mừng cũng tường thuật lại cuộc đối đầu giữa nhóm Pha-ri-sêu và Chúa Giê-su. Pha-ri-sêu cũng vận dụng tập tục tiền nhân để chống lại Chúa Giê-su. Họ cũng tự cho mình có quyền giảng dậy và cắt nghĩa lề luật để dậy dỗ Chúa và các môn đệ. Cuối cùng họ cũng bộc lộ tính xác thịt, chống lại Chúa vì ghen tức với Chúa. Chúa Giê-su cho biết ai sống theo xác thịt sẽ đi vào chỗ chết: “Cây nào mà Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời không trồng, thì sẽ bị nhổ đi. Cứ để mặc họ. Họ là những người mù dắt người mù. Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố”. Bà My-ri-am lập tức bị phong cùi, tức là đi vào đất kẻ chết.
Sống theo xác thịt sẽ chết theo xác thịt. Như Chúa nói với Giê-rê-mi-a: “Không ai biện hộ cho vụ kiện của ngươi…Mọi nhân tình của ngươi đều quên ngươi hết, chúng không kiếm tìm ngươi nữa…Ngươi kêu la vì thương tích của ngươi làm gì? Nỗi thống khổ của ngươi thật hết đường cứu chữa. Ấy chỉ vì sự gian ác của ngươi quá nhiều, và tội lỗi của ngươi quá nặng”. Nhưng khi dân ăn năn sám hối, từ bỏ con đường xác thịt để sống theo Thần Khí, Chúa lại cho phục hồi. Sống theo Thần Khí họ được tự do vì làm chủ lấy mình: “Thủ lãnh của nó sẽ từ nó xuất thân, và người thống trị nó sẽ từ giữa nó mà ra”. Họ thuộc về Chúa: “Các ngươi sẽ là dân Ta chọn, và Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi”. Biết thờ phượng, ngợi khen Chúa: “Từ các nơi ấy, sẽ vọng ra lời cảm tạ và tiếng reo mừng” (năm chẵn).
Sống theo xác thịt thì mù quáng. Sống theo Thần Khí thì sáng suốt. Sống theo xác thịt thì lăn xuống hố. Sống theo Thần khí thì thanh thoát vươn lên. Sống theo xác thịt là đi vào cõi chết. Sống theo Thần Khí đi vào đời sống. Sống theo xác thịt bị nô lệ. Sống theo Thần Khí tự do vì tự mình làm chủ lấy mình.
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 18 TN2, Năm Chẵn
Bài đọcJer 30:1-2, 11-15, 18-22; Mt 15:1-2, 10-14
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tay sạch hay lòng thanh?
Ăn uống sao cho có vệ sinh để bảo vệ sức khỏe là điều mọi người mong muốn. Ở Mỹ có cơ quan gọi tắt là USDA (United States Department of Agriculture) có nhiệm vụ kiểm tra mọi hàng hóa được dân chúng tiêu thụ. Nếu hàng hóa nào không đủ tiêu chuẩn, họ sẽ hủy đi không cho bán vì có nguy hiểm đến sức khỏe. Người Do Thái nói chung và nhất là người Do Thái thuộc phe bảo thủ, họ rất cẩn thận giữ luật Kashrut hay Kosher. Luật này cho biết những thực phẩm nào có thể được ăn và thứ nào không đựơc ăn. Hơn nữa, luật còn chỉ dẫn cặn kẽ cách sửa sọan và cách ăn cho những thực phẩm được phép dùng. Thông thường, những luật này được giám sát bởi một thầy thông luật (Rabbi).
Các bài đọc hôm nay nhấn mạnh đến nguy hiểm của tội lỗi bên trong hơn là sự thanh sạch bên ngoài. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah khuyên con cái Israel hãy nhận ra tội lỗi của họ đã xúc phạm đến Đức Chúa và ăn nay quay về với Ngài. Phúc Âm thuật lại có mấy người Pharisees và mấy thầy thông luật từ Jêrusalem đến gặp Đức Giêsu và chất vấn: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Chúa trả lời: “Hãy nghe và hiểu cho rõ: Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế; nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ta đánh ngươi để nghiêm khắc sửa trị, chỉ vì sự gian ác của ngươi quá nhiều.
1.1/ Thiên Chúa thấu suốt mọi tội của Israel.
Tại sao Thiên Chúa sửa phạt Israel? Ngay trong những chương đầu tiên, tiên tri Jeremiah đã vạch trần những tội lỗi của Jerusalem và Judah:
Tội nặng nhất là tội bỏ quên Thiên Chúa, không nhắc nhở đến Ngài nữa và chạy theo các thần ngoại bang của những nhà lãnh đạo. Hàng tư tế chẳng thèm hỏi: “Đức Chúa ở đâu? Các thầy thông Luật chẳng biết đến Ta, các mục tử thì chống lại Ta, còn các tiên tri lại nhờ Baal mà tuyên sấm, chúng đi theo những thần vô tích sự” (Jer 2:8). Nếu bậc lãnh đạo lơ là không thèm nhắc đến Chúa, chẳng lạ gì khi dân chúng tuyên bố: “Chúng tôi muốn tự do chứ không muốn đến với Ngài nữa!” (Jer 2:31).
Tội thứ hai là đổ máu người vô tội. Vì muốn cho họ trở về để hưởng ơn tha thứ nên Thiên Chúa đã không ngừng sai các tiên tri của Ngài đến vạch trần những tội lỗi để họ có cơ hội ăn năn và quay trở lại. Họ đã không nghe lại còn nhục mạ các tiên tri và thậm chí đến độ còn giết luôn các tiên tri của Chúa. Jeremiah đã tố cáo họ: “Gươm của các ngươi đã làm thịt các ngôn sứ”(Jer 2:30). Ngòai ra họ còn lợi dụng quyền hành áp bức dân chúng để lấy nhà cửa và ruộng nương của họ: “Ngay trên tà áo ngươi, cũng thấy máu người nghèo vô tội, dù ngươi chẳng bắt gặp họ khoét vách đục tường” (Jer 2:31).
1.2/ Dân chúng chỉ quan tâm đến những hình thức thờ phượng bên ngoài.
Một trong những lý do chính tại sao họ không chịu ăn năn trở lại là họ không nhận ra họ có tội khi họ hãnh diện tuyên bố: “Tôi hoàn toàn vô tội; bằng chứng là Người không trút cơn giận trên tôi” (Jer 2:33). Hay họ nghĩ rằng tội to lớn đến đâu cũng được tha khi họ dâng những bò bê béo tốt lên Thiên Chúa tại Đền thánh Jerusalem theo Luật đã chỉ thị!
Tiên tri Jeremiah đã sửa dạy họ về những quan niệm sai lầm này: “Các ngươi ỷ vào những lời dối trá vô giá trị. Trộm cắp, giết người, ngoại tình, thề gian, đốt hương tế thần Baal và đi theo các thần lạ các ngươi không biết, rồi lại vào nhà này, nơi danh Ta được kêu khấn, đến trước mặt Ta mà nói: “Chúng ta được an toàn!” Sau đó cứ tiếp tục làm những điều ghê tởm ấy. Thế nghĩa là gì? Phải chăng các ngươi coi nhà này, coi nơi danh Ta được kêu khấn là hang trộm cướp sao? Ta, Ta thấy rõ hết” (Jer 7:9-11).
Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn rộng lượng với con cái Israel nếu họ biết ăn năn quay về. Ngài sẽ cho họ hồi hương và tái thiết Đền Thờ cũng như xứ sở. Ngài sẽ trừng phạt cả những kẻ thù của họ. Ngài sẽ nối lại tình xưa nghĩa cũ với họ, và họ sẽ được phục hồi.
2/ Phúc Âm: Luật sĩ và Pharisees chú trọng đến thanh sạch thể lý, cái vào trong miệng; Chúa chú trọng đến thanh sạch luân lý, cái từ miệng ra.
2.1/ Người Do Thái chú trọng nhiều đến tay sạch: Họ trách Chúa: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Điều chúng ta cần chú ý: Lý do họ vịn vào để trách Chúa là “truyền thống của tiền nhân.” Truyền thống này phát xuất từ con người, chứ không phải đến từ Thiên Chúa như các giới răn của Ngài.
Câu cắt nghĩa của Chúa cho các môn đệ trong Phúc Âm Marcô rõ ràng hơn: “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng (trái tim), nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài! Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch” (Mk 7:18-19).
2.2/ Chúa Giêsu chú trọng đến lòng thanh: Câu hỏi quan trọng mà Chúa Giêsu muốn nêu lên ở đây: Cái gì làm cho con người ra ô uế? Và Ngài trả lời rõ ràng: “Hãy nghe và hiểu cho rõ: Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.”
Phúc Âm Marcô còn liệt kê tất cả những ô uế từ trong con người phát ra: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mk 7:21-23).
Các môn đệ hoang mang vì các ông cũng là người Do-thái và đã quen biết sự quan trọng của các luật Kosher, đến gần Chúa Giêsu nói với Ngài: “Thầy có biết những người Pharisees đã vấp phạm khi nghe Thầy nói lời ấy.” Chúa Giêsu đáp: “Cây nào mà Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời, đã không trồng, thì sẽ bị nhổ đi. Cứ để mặc họ! Họ là những người mù dắt người mù. Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố.”
Câu hỏi được nêu ra ở đây là Chúa có khuyến khích việc ăn bẩn không? Chắc chắn Chúa không khuyến khích việc đó, nhưng Ngài muốn mở mắt cho họ để nhìn thấy việc gì quan trọng hơn cần phải giữ: Sạch trong tâm hồn quan trọng hơn tay sạch. Luật Kosher do con người làm ra chỉ có thể giữ cho thực phẩm sạch chứ không thể giữ cho tâm hồn sạch. Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn, quí trọng tâm hồn sạch hơn là thực phẩm sạch.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta đừng quá chú trọng đến sự hào nhoáng bên ngòai, nhưng hãy chú trọng đến sự thanh sạch trong tâm hồn. Khi Chúa phán xét, chắc chắn Ngài sẽ không phán xét những cái bề ngoài, nhưng sẽ phán xét những tội lỗi bên trong.
– Chúng ta thử tưởng tượng hậu quả của những nhà lãnh đạo gây ra khi họ chỉ chú trọng đến cái vỏ bên ngoài mà không chú trọng đến cái tốt bên trong? Lời Chúa tiên đoán: “Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố.” Chúng ta đừng để những nhà lãnh đạo như thế dẫn dắt cuộc đời chúng ta. 
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


04/08/2020 – THỨ BA TUẦN 18 TN
Th. Gio-an Ma-ri-a Vi-a-nê, linh mục
Mt 15,1-2.10-14


THỜ CHÚA VỚI CẢ TẤM LÒNG
Chúa Giê-su gọi đám đông lại mà bảo: “Cái từ miệng xuất ra mới làm cho con người ra ô uế.” (Mt 15,11)

Suy niệm: Một số người buôn bán, khi bán được một món hàng, họ cầm tờ giấy bạc vừa nhận được và phe phẩy trên các món hàng của họ để giữ lại cái “hên.” Nếu gặp phải một khách hàng “nặng vía,” họ đốt một tờ giấy huơ qua huơ lại để “xả xui.” Cái mà họ gọi là “hên, xui” đó, họ cho là có thể điều khiển được bằng những hành vi mang tính nghi thức như thế. Qua tập tục rửa tay trước khi ăn, người Do thái cũng cho rằng việc đó có thể ngăn chặn những ô uế đi vào nội tâm con người. Đó chính là điều mà Chúa Giê-su đả phá. Ngài cho biết sự ô uế bắt nguồn từ lòng người; đó là những tư tưởng sai lạc, những ý hướng xấu xa. Chỉ với nghi thức bên ngoài như rửa tay thì không thể làm sạch những ô uế từ bên trong. Một cách gián tiếp, Ngài nhắc lại điều Ngài đã nói: phải tôn thờ Thiên Chúa với một tấm lòng thanh, được tẩy rửa bởi Thánh Thần.
Mời Bạn: Người ki-tô hữu đã được tái sinh trong nước và Thánh Thần (Ga 3,5) để “tôn thờ Chúa trong tinh thần và chân lý” (Ga 4,24) nhưng vẫn phải luôn cảnh giác chống lại cơn cám dỗ giữ đạo theo hình thức. Các nghi thức phụng vụ sẽ thoái hoá thành một thứ bùa chú ma thuật nếu như không được cử hành trong tinh thần đức tin đích thực.
Chia sẻ: Dành một buổi hội thảo để học hỏi giáo huấn Giáo hội về phụng vụ.
Sống Lời Chúa: Dành ít phút thinh lặng trước khi tham dự cử hành phụng vụ để khơi dậy ý thức đức tin; và ít phút sau cử hành để hướng về việc thực thi mầu nhiệm vừa cử hành vào cuộc sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con một tấm lòng thanh để thờ phượng Chúa trong tinh thần và chân lý.
(5 Phút Lời Chúa)


Suy Niệm : Hãy nghe và hiểu
Suy niệm:
Do Thái giáo coi trọng những nghi thức thanh tẩy bằng nước.
Aharon và các tư tế con của ông, trước khi tiến đến bàn thờ để dâng lễ,
phải rửa tay chân bằng nước đựng trong một cái vạc đồng.
“Họ sẽ tẩy rửa tay chân để khỏi phải chết. Đó là điều luật vĩnh viễn
cho Aharon và dòng dõi ông qua muôn thế hệ” (Xh 30, 20-21).
Khi khám phá ra những di tích ở Qumran, phía tây bắc Biển Chết,
người ta thấy có nhiều hồ tắm (mikvah) được đào dưới lớp đất sét giữ nước.
Cộng đoàn những người sống ở đây coi việc tắm rửa hằng ngày tại hồ
như một nghi thức thanh tẩy không thể thiếu trong cuộc sống của họ.
Bài Tin Mừng hôm nay bàn đến chuyện thanh tẩy trước khi ăn.
Nhóm Pharisêu trách Đức Giêsu vì môn đệ Ngài không rửa tay khi dùng bữa.
Thật ra trong Kinh Thánh Cựu Ước chẳng có luật nào dạy như vậy.
Người Pharisêu đã dựa trên một truyền thống truyền khẩu có từ thời ông Môsê.
Họ coi truyền thống tiền nhân này cũng ràng buộc chẳng khác nào Kinh Thánh.
Đức Giêsu nặng lời vì họ đặt truyền thống của mình lên trên Lời Chúa (cc. 3-9).
Khi để ý chi li những điều bên ngoài để giữ cho mình khỏi bị ô uế,
họ xao lãng việc để ý đến cái ô uế bên trong con người.
Khi nói với đám đông, Đức Giêsu nhắc họ hãy nghe và hiểu cho rõ (c. 10).
“Không phải cái vào trong miệng làm ô uế con người,
Nhưng cái ra từ miệng, cái đó mới làm con người ô uế” (c. 11).
Cái ra từ miệng lại là cái trào ra tự nhiên từ trái tim, từ cái tâm.
“Lòng có đầy thì miệng mới nói ra” (Mt 12, 34).
“Cái ra từ miệng là cái đến từ tim, chính cái ấy làm con người ô uế ” (c. 18).
Đức Giêsu mời chúng ta để ý hơn đến sự ô uế trong lời nói,
từ đó khám phá ra cái tâm ô uế của mình.
Thanh tẩy lời nói và cái tâm thì quan trọng hơn và khó hơn rửa tay.
Trong thánh lễ, vị linh mục rửa tay trước khi đọc Kinh Nguyện Thánh Thể.
Ngày nay, khi cử hành lễ Vượt Qua, người Do Thái có nghi thức rửa tay (rachaz).
Lúc rửa tay, họ cầu nguyện: “Lạy Chúa, chúc tụng Chúa là Vua vũ trụ,
là Đấng đã thánh hóa chúng con bằng các điều răn
và đã ra lệnh cho chúng con tuân giữ luật rửa tay.”
Tôn giáo nào cũng cần có những nghi lễ, luật lệ, truyền thống, phụng tự.
Làm thế nào để tất cả những điều ấy không chỉ ngừng lại ở bên ngoài
nhưng là những phương thế giúp con người thay đổi nội tâm cách sâu xa?
Thế giới hôm nay bị trái tim và miệng lưỡi con người làm nó ô uế.
Kitô hữu được sai vào thế giới để giúp nó trở lại sự trong sạch nguyên thủy.
Có cách nào thanh tẩy được thế giới tôi đang sống không?

Cầu nguyện:
Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ tâm hồn con thanh khiết.
Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục,
xin gìn giữ mắt con.
Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc,
xin dạy con biết trân trọng thân xác.
Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục,
xin thanh lọc trí tưởng tượng của con.
Xin nâng con lên cao
vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt,
để biết tự hiến trong yêu thương.
Xin đừng để con phung phí sức lực
vào những chuyện tình cảm chóng qua,
nhưng giúp con tự rèn luyện mình
để gánh vác cuộc sống Chúa mời gọi.
Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ thân xác con thanh khiết.
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4 THÁNG TÁM
Chúng Ta Không Đau Khổ Một Mình
Đối với câu hỏi bằng cách nào hòa giải sự dữ và đau khổ trên trần đời với chân lý về sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta không thể đưa ra một câu trả lời đầy đủ mà không qui chiếu đến Đức Kitô. Một đàng, qua cuộc sống khó nghèo và khiêm nhường của Người – và nhất là qua cuộc Khổ Nạn và cái chết của Người – Đức Kitô xác nhận rằng Thiên Chúa có mặt với mọi người trong đau khổ của họ.
Hơn th ế nữa, Đức Kitô đã đảm nhận nơi chính Người tất cả những đau khổ của cuộc hiện sinh con người trên trái đất này. Đồng thời, Đức Giê-su Kitô mạc khải rằng đau khổ ấy có một giá trị và năng lực cứu độ. Trong đau khổ ấy có sự chuẩn bị của “một gia tài không thể hư hại, tàn phai” mà Thánh Phêrô đề cập đến trong Thư thứ nhất của ngài: “một gia tài được giữ trên trời cho anh em” (1Pr 1,4).
Như vậy, chân lý về sự quan phòng đạt được ý nghĩa cánh chung cuối cùng của nó xuyên qua “sức mạnh và sự khôn ngoan” của Thập Giá Đức Kitô. Câu trả lời đầy đủ cho vấn đề sự dữ và đau khổ được cung ứng bởi mạc khải của Thiên Chúa qua sự tiền định nơi Đức Kitô. Vì sự tiền định này cho ta thấy rằng ơn gọi của con người là đạt đến sự sống vĩnh cửu – tức tham dự vào trong chính sự sống của Thiên Chúa. Và đây là câu trả lời chính xác mà Đức Kitô đã đem lại cho chúng ta. Người đã xác nhận câu trả lời này qua Thập Giá và cuộc Phục Sinh của Người.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 04/8
Thánh Gioan Maria Vianney, linh mục
Gr 30, 1-2.12-15.18-22; Mt 15, 1-2. 10-14.
LỜI SUY NIỆM: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?”
          Đối với người Pharisêu họ luôn luôn lấy những hình thức bên ngoài để rồi đánh giá và lên án người khác. Qua thái độ họ lên án các môn đệ của Chúa Giêsu “không rửa tay trước khi dùng bữa” Chúa Giêsu đã cho họ biết: “Không phải cái vào miệng làm cho con con người ra ô uế; nhưng cái từ trong miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.”
          Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói rõ cho chúng con biết, những gì từ trong tâm hồn miệng lưỡi của chúng con xất ra mới làm cho chúng con ra ô uế: “Những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp,  giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kêu ngạo, ngông cuồng.” (Mc 7,21-22). Xin cho chúng con luôn xét mình, để biết giữ lòng mình nên trong sạch, để sống đep lòng Chúa và đẹp lòng nhau.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 04-08: Thánh GIOAN MARIA VIANEY
Linh Mục (1786 – 1859)

Gioan Maria Vianney sinh ngày 8 tháng 5 năm năm 1786 tại Dardilly. Cha mẹ Ngài là những nông dân trung kiên với đức tin. Suốt thời cách mạng Pháp, họ thường bí mật tiếp rước các linh mục đến trú ngụ. Vì vậy Gioan là một trẻ em có mặt trong các buổi lễ cử hành lén lút tại lẫm lúa và được chứng kiến rất nhiều mẫu gương anh hùng với đức tin.
Năm lên 11, Gioan được cha Greboz cho xưng tội lần đầu. Tháng 5 năm 1798 Gioan được mẹ dẫn sang nhà bà dì ở Ecully để dọn mình rước lễ vỡ lòng. Mùa xuân năm 1799 Gioan cùng với 15 em khác được rước lễ vỡ lòng trong một thánh lễ được cử hành giữa đống rơm. Ngài rước lễ rất sốt sắng và đã giữ cho đến chết tràng chuỗi Mân côi kỷ niệm ngày hạnh phúc này.
Năm 1800 thanh bình trở lại với các tín hữu, khi Napoléon nhận biết rằng không có tôn giáo thì không có một tổ chức nào có thể tồn tại vững bền được. Từ nhỏ Gioan đã muốn làm linh mục. Khi bày tỏ ý định tốt đẹp này, Ngài đã 17 tuổi và mới chỉ qua bậc tiểu học. Mẹ Ngài tán thành chí nguyện, nhưng cha Ngài với óc thực tế đã băn khoăn rất nhiều và không chấp nhận. Mãi tới năm 1805, Gioan đến sống với cha Belley, họ Ecully. Theo học với các bạn tuổi còn nhỏ, mà trí khôn Ngài lại quá trì trệ. Đã vậy vào năm 1890, Ngài lại còn phải nhập ngũ. Năm sau Ngài may mắn được trở về nhà.
Năm 1810, Gioan gia nhập tiểu chủng viện Verrières. Hai năm trôi qua, Ngài là một chủng sinh học hành rất kém. Dầu vậy Ngài cũng nhận vào đại chủng viện. Tại đây chuyển ngữ là tiếng Latinh, mà Gioan lại quá dở về môn này, khiến ban giám đốc khuyên thầy hồi tục. Không thất vọng một lần nữa cha Balley đảm nhận việc dạy dỗ người chủng sinh gương mẫu nhưng chậm trí này. Sau khi hoàn tất chương trình học, ngày 13 tháng 8 năm 1815, Gioan Maria Vianney thụ phong linh mục tại nguyện đường đại chủng viện Grênoble. Ngài được gọi lên chức linh mục chính vì đời sống đạo đức.
Sau khi thụ phong, cha Gioan Maria Vianney được cử làm phó xứ Ecully. Tháng 12 năm 1817, cha Balley qua đời, cha Vianney được cử về làm chánh sở họ Ars. Khi bổ nhiệm, cha tổng đại diện nhắn nhủ : – “Đây là một họ đạo nhỏ bé nghèo nàn, thiếu vắng tình yêu Chúa. Cha hãy mang tình yêu đến cho họ”.
Ngày 9 tháng 2 năm 1818 cha đến xứ lần đầu với hành lý khiêm tốn chất trên một chiếc xe tay, gồm một chiếc giường cũ, một rương sách và ít đồ vặt vãnh khác. Tới gần làng, Ngài dừng chân hỏi đường. Bọn trẻ chăn chiên không hiểu tiếng nói khác với thổ ngữ chúng vẫn dùng nhưng cũng đoán biết và chỉ lối cho cha. Khi biết được điạ sở, cha Gioan quì gối cầu nguyện cho những người sẽ là đoàn chiên của mình. Tới nơi Ngài vào thẳng nhà thờ và chìm trong kinh nguyện.
Nhà xứ Ars thật nghèo nàn với vài đồ vật thật sơ sài. Chính cha sở trẻ họ đạo lại coi đời sống cầu nguyện hãm mình là phương thế để thành công. Trong khi mọi người còn triền miên giấc điệp, Ngài đã xách đèn từ nhà xứ sang nhà thờ để cầu nguyện. Trước nhà tạm, nhiều lần với nước mắt ướt cả sàn nhà, Ngài tha thiết cầu nguyện : – Lạy Chúa, con xin lãnh chịu tất cả, nhưng xin Chúa cải hóa họ đạo của con… Con bằng lòng chịu mọi đau khổ như Chúa muốn, miễn sao họ biết hồi tâm hối cải.
Chìm đắm trong kinh nguyện, cha Gioan không quan tâm tới nhu cầu thể xác, mà Ngài coi như cái thây ma. Ngủ đã ít, Ngài lại thường nằm trên sàn nhà. Đồ đạc người ta dâng cúng, Ngài đem cho người nghèo… Vui cười Ngài nói: – Tôi không hề mất áo choàng bao giờ. Chuyện ăn uống Ngài cũng chẳng quan tâm đến, tự mình nấu ăn, Ngài chỉ nấu một nồi khoai rồi treo lên tường.
Khi đói Ngài ăn một hai củ và củ thứ ba là “để cho vui miệng”. Nồi khoai thường để lâu cho đến nỗi những củ cuối cùng thường bị mốc meo. Ngài hãm mình như vậy cho tới năm 1827, khi các chị dòng Chúa quan phòng nấu ăn cho Ngài.
Hơn nữa thánh nhân còn tự ý hãm mình. Mỗi đêm Ngài đều đánh tội trước khi ngủ. Trên tường phòng Ngài còn loang lổ nhiều vết máu.
Với một đời sống cầu nguyện hy sinh như vậy, thánh nhân nỗ lực canh tân họ đạo. Về xứ được ít lâu, Ngài sớm nhận ra được ba tệ đoan trong họ đạo là sự lãnh đạm với việc đạo đức, thói quen làm việc xác ngày Chúa nhật và tật ham khiêu vũ.
Để chấn hưng lại tình trạng suy dồi kia, dĩ nhiên thánh nhân gia tăng lời cầu nguyện và việc hãm mình. Trong hoạt động Ngài đi thăm viếng các gia đình. Sửa lại tình trạng thiếu hiểu biết về đạo, Ngài lo dạy giáo lý cho trẻ em. Suốt 27 năm, cha thánh Gioan ngày nào cũng trung thành với viêc dạy giáo lý. Đối với người lớn cha dọn bài giảng rất kỹ lưỡng. Ngồi trong phòng thánh cạnh nhà tạm, cha viết bài giảng, Đêm thứ bảy cha học và tập giảng – cho hôm sau lời giảng của cha rất đơn sơ, nhưng xoáy vào lòng người nghe.
Chẳng hạn Ngài nói: – Không có gì vững bền cả. Đời sống sẽ qua đi… danh giá cũng sụp đổ, của cải rồi sẽ tiêu tan, sức khỏe cũng bị tấn công, chúng ta ra đi như làn gió.
– Càng cầu nguyện người ta càng ham thích, như một con cá trồi lên mặt nước rồi chìm mình trở lại và luôn bơi đi mãi. Linh hồn đắm chìm trong lời cầu nguyện sẽ mất hút trong sự êm dịu của cuộc đàm thoại với Chúa.
Các câu chuyện nhỏ cha kể nhiều khi có giá trị như một bài giảng. Chẳng hạn cha nói về một em nhỏ bị đau bịnh :- Con đau đớn lắm không ?
Cậu bé trả lời “Hôm qua con không đau đớn gì và ngày mai con cũng hết khổ”.
Cha hỏi lại : – Vậy con muốn được lành bệnh không ?
– Trước khi bệnh con hung dữ, khỏi bệnh con dám như vậy lắm. Để như thế nầy là tốt hơn cả.
Chống lại tật làm việc xác, cha nói: – Ngày chủ nhật là của Chúa. Mà anh em ăn trộm cũng chẳng lợi ích gì cho anh em. Tôi biết có hai phương thế chắc chắn để nên nghèo khó là làm việc ngày Chúa nhật và lấy của kẻ khác.
Để chống lại tật ham khiêu vũ, đã có lần cha đến giữa đám để giải tán. Lần khác cha bỏ tiền trả cho nhạc công để anh rút lui. Tích cực hơn, cha lập hội Mân Côi để tập họp các thiếu nữ vào việc thực hành đạo đức này.
Hơn nữa, trong họ có bảy quán rượu cha hết sức khuyên nhủ và cả chúc dữ nữa để họ đổi nghề. Cuối cùng cả 7 quán đều đóng cửa.
Thấy trọng trách của một chủ chiên quá nặng nề. Đã bốn lần cha Gioan tìm cách trốn khỏi họ đạo. Nhưng rồi cha đã bị phát giác, tiếng chuông reo vang và người ta đổ xô ra đường để giữ cha lại. Nỗ lực của cha không dễ dàng được tiếp nhận. Người ta tìm nhiều cách để vu khống cho cha nhiều tội tày trời. Thành công của cha khiến cho nhiều người nghi ngờ và ghen tị, đến nỗi tòa giám mục phải mở cuộc điều tra. Sau nữa chính quỉ dữ cũng phải công khai phá cha dưới nhiều hình thức như xê dịch đồ đạc, la lối om sòm, hiện hình kỳ quái… đến độ đốt cháy cả giường nằm.
Nhớ lại tất cả những gì đã trải qua, cha nói:
– Khi đến Ars, nếu biết được tất cả những gì tôi phải chịu chắc tôi chết liền.
Nhưng ơn thánh Chúa đã nâng đỡ Ngài. Mỗi ngày trong thánh lễ, Ngài được thấy chính Chúa Giêsu. Dần dần họ Ars đã được biến đổi, hương thơm thánh thiện còn bay lan rộng ra khỏi ngôi làng bé nhỏ và hẻo lánh này. Khách thập phương từ khắp nơi đổ xô đến, để được chiêm ngưỡng một cha sở thánh thiện, để được nghe lời Ngài, để xưng tội. Cha Gioan đã làm vui lòng mọi người.
Suốt hai mươi năm trời, cha như chôn mình trong tòa giải tội, từ sau lễ tới 11 giờ trưa, rồi từ 1 giờ chiều tới 8 giờ tối. Sau này khi được qua đời, cha được chôn cất tại nhà nguyện thánh Gioan tẩy giả, cạnh tòa giải tội mà người ta gọi là phép lạ lớn nhất ở Ars.
Tận tụy với các linh hồn, cha Gioan cũng được ơn thấu tỏ lòng người. Ngày kia có một du khách tới Ars để đi săn. Nhìn ông với con chó bên cạnh, Ngài nói : “Con chó của ông thật đẹp, nhưng linh hồn chẳng đẹp tí nào”. Cúi mặt người du khách vào toà xưng tội.
Một người đàn bà khác nghe cha nói: “Ông ấy đã được rỗi. Giữa thành cầu và giòng nước, ông đã kịp ăn năn tội…”. Thế là cha đã biết nỗi lo âu sầu của bà, vì cái chết mới đây của chồng bà. Ngài đã mang lại cho bà niềm an ủi khi cho biết rằng: nhờ những bó hoa và vài lần cầu nguyện với vợ mỗi tháng Đức Mẹ, mà người chồng xấu số kia đã được cứu rỗi.
Đời sống của cha Gioan là một mẫu gương tận tụy vì Chúa và vì các linh hồn, Ngài thường nói: “Hạnh phúc cho một vị linh mục được hao mòn vì Chúa và các linh hồn”.
Quả thực, cha Gioan đã hao mòn vì phụng sự. Ngày 2 tháng 8 năm 1859 cha chịu các phép bí tích sau hết. Ngày 4 tháng 8 năm 1859 cha trút hơi thở cuối cùng với sự mãn nguyện.
– Phải chết lành khi người ta sống trên thánh giá.
Ngày tháng 5 năm 1925, cha Gioan được tôn phong hiển thánh và năm 1925 được đặt làm bổn mạng các cha sở trên toàn thế giới.
(daminhvn.net)


04 Tháng Tám
Sức mạnh Của Thiên Chúa
Ðược biết đến và được yêu mến như cha sở họ Ars, cha Gioan Maria Vianney, vị thánh được giáo hội mừng kính hôm nay, là một trong những người làm chứng về lời thánh Phaolô đã nói: “Thiên Chúa đã chọn những người không ra gì, để làm rối loạn những người mạnh mẽ”.
Năm 1815, thầy Gioan được truyền chức linh mục.
Sau ba năm tập sự dưới sự hướng dẫn của cha Balley, cha Gioan được chỉ định đến xứ Ars. Trên đường đi nhận họ đạo, khi đi đến khúc đường chật hẹp, cỏ mọc ngụp đầu người, giữa lúc không còn biết hướng đi, cha Gioan đã dừng lại hỏi cậu bé mười tuổi tên Anton đang chăn cừu gần đấy. Cậu bé lịch sự chỉ lối cho cha.
Ngày nay tại nơi đây, dân làng Ars đã dựng một tượng đài để kỷ niệm cuộc gặp gỡ này, gồm có tượng đồng diễn tả thánh Gioan Vianney đang đứng trò chuyện với cậu Anton, một tay ngài đặt lên vai cậu, một tay chỉ lên trời. Dưới chân tượng, người ta ghi câu cám ơn của thánh nhân: “Cám ơn con đã chỉ cho cha đường đi tới Ars. Rồi đây, cha sẽ chỉ cho con đường về Thiên Ðàng”.
Thực ra, cha Gioan đã không những giữ lời mình đã hứa chỉ đường cho một mình em Anton về quê Trời mà thôi, nhưng cho cả giáo xứ Ars và trăm ngàn người khác từ khắp nơi kéo đến hành hương, để được xưng tội và được hướng dẫn trở về đường ngay nẻo chính.
Ý thức bổn phận của linh mục là dấn thân phục vụ cho đàn chiên, cha Gioan đã hoạch định cho mình một chương trình sống, một chương trình chúng ta có thể gói gém vào ba hoạt động chính sau đây: Nếp sống khắc khổ hy sinh, tôn sùng Phép Thánh Thể và thi hành việc mục vụ qua lời giảng dạy cũng như trong tòa Giải Tội.
Ðể thi hành việc mục vụ, cha Gioan đã cho tha nhân thời giờ của mình: Mỗi ngày cha chỉ dùng 2 hay 3 giờ để nghỉ ngơi lấy sức. Giờ còn lại cha dùng để cầu nguyện và giải tội.
Quỳ lâu trong nhà thờ vào lúc canh khuya, cha Gioan duyệt lại trước Thánh Thể hoàn cảnh của tất cả 230 tín hữu trong họ đạo Ars, từng người một, từng nhu cầu của mỗi người.
Ngoài ra, mỗi ngày vào mùa đông lạnh lẽo, cha Gioan giải tội trung bình khoảng 11 hay 12 tiếng đồng hồ. Vào mùa hè, có khi ngài sử dụng đến 16 giờ để giao hòa các hối nhân lại với Thiên Chúa.
Cha Gioan thường gọi những giờ giải tội lâu dài này là “Giờ của Thiên Chúa”. Trong suốt 41 năm mục vụ, cha Gioan có dịp nghe những tội lỗi của con người, những vấn đề, những khó khăn của trần gian. Ðể xoa dịu, mỗi sáng bước lên bàn thờ dâng Thánh Lễ, cha mang theo hết mọi ý nguyện, mọi hoài bão cũng như mọi yếu đuối, mọi lỗi lầm của toàn dân, để xin Thiên Chúa thanh luyện, cải hóa. Qua đó, tòa giải tội trở nên như một giếng nước trong lành, nơi giáo dân đến múc lấy Tình Thương Yêu của Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét