Trang

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

26-08-2020 : THỨ TƯ - TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN

 

26/08/2020

 Thứ Tư tuần 21 thường niên

 

BÀI ĐỌC I: 2 Tx 3, 6-10. 16-18

“Nếu ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, chúng tôi truyền cho anh em hãy lánh xa khỏi bất cứ người anh em nào sống lười biếng, không theo truyền thống đã nhận lãnh nơi chúng tôi. Vì chưng, chính anh em biết phải noi gương chúng tôi thể nào, bởi chúng tôi đã không lười biếng lúc ở giữa anh em, cũng không ăn bám của ai, nhưng chúng tôi làm lụng khó nhọc vất vả đêm ngày, để không trở nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải chúng tôi không có quyền, nhưng là để nêu gương cho anh em, để anh em bắt chước chúng tôi. Bởi vì khi chúng tôi còn ở với anh em, chúng tôi đã truyền dạy anh em rằng: “Nếu ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn”.

Nguyện xin Chúa bình an ban cho anh em được bình an luôn mãi trong mọi nơi. Xin Chúa ở cùng tất cả anh em. Chính tay Phaolô này viết lời chào anh em: đó là dấu riêng trong các thư tôi gửi: Tôi viết như vậy đó. Nguyện chúc ân sủng của Chúa chúng ta, là Đức Giêsu Kitô, ở cùng tất cả anh em! Amen. Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 127, 1-2. 4-5

Đáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa (c. 1a).

Xướng:

1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người. Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. – Đáp.

2) Nguyện xin Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống của bạn, và để bạn nhìn thấy lũ cháu đàn con. – Đáp.

 

ALLELUIA: Pl 2, 15-16

Alleluia, alleluia! – Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. – Alleluia. 

 

PHÚC ÂM: Mt 23, 27-32

“Các ngươi là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: vì các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong đầy xương kẻ chết và mọi thứ dơ nhớp. Các ngươi cũng thế, bên ngoài, các ngươi có vẻ là người công chính, nhưng bên trong, các ngươi đầy sự giả hình và gian ác. Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, các ngươi xây đắp phần mộ các tiên tri, trang hoàng mồ mả những người công chính, và các ngươi nói rằng: ‘Nếu chúng tôi sống thời cha ông chúng tôi, ắt chúng tôi không thông đồng với các ngài trong việc đổ máu các tiên tri’. Vì thế, các ngươi tự chứng thực các ngươi là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri. Vậy các ngươi cứ đong cho đầy đấu của cha ông các ngươi”. Đó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM : Kết án tội giả hình

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại hai lời kết án nữa của Chúa Giêsu chống lại các Luật sĩ và Biệt phái.

Với lời kết án thứ sáu, Chúa Giêsu ví các Luật sĩ và Biệt phái như những mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Tại Palestina, người dân có thói quen quét vôi trắng các mồ mả, nhất là vào dịp lễ Vượt Qua, để người ta có thể nhận ra và tránh xa khỏi bị nhơ uế ngăn trở cho việc phụng tự. Vẻ đẹp bên ngoài của các mồ mả che dấu thực tại ghê tởm bên trong. Cũng vậy, các Luật sĩ và Biệt phái bên ngoài xem ra là những người công chính, nhưng bên trong thì đầy sự giả hình và tội ác; việc họ giữ luật cách nghiêm nhặt chỉ là tấm màn che đậy một đời sống tương phản với những điểm cốt yếu của Lề Luật Thiên Chúa, đó là sự công bình, lòng bác ái và trung tín.

Trong lời kết án thứ bẩy, Chúa Giêsu tố cáo sự giả hình của các Luật sĩ và Biệt phái: họ xây mồ cho các tiên tri và sửa sang phần mộ những kẻ mà cha ông họ đã sát hại; họ than trách tội ác của cha ông họ trong quá khứ và tự phụ rằng nếu sống vào thời tổ tiên, họ sẽ không hành động như thế; nhưng họ quên rằng họ là con cháu của những kẻ đã sát hại các tiên tri, và giờ đây họ đang đi vào con đường đó bằng việc mưu hại Ngài.

Chúa Giêsu cũng chờ đợi nơi mỗi người chúng ta những thành quả tốt đẹp của việc cải hóa tâm hồn, nếu không, chúng ta cũng sẽ phải lãnh nhận số phận như các Luật sĩ và Biệt phái: cây khô sẽ bị chặt đi và bị ném vào lửa đời đời. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự giả hình, khỏi tính ích kỷ và tự mãn. Xin cho chúng ta khiêm tốn nhận mình tội lỗi và thành tâm trở về với Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

 

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư Tuần 22 TN2

Bài đọc1 Cor 3:1-9; Lk 4:38-44.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lối sống theo Thánh Thần và lối sống theo xác thịt.

Kinh Thánh không chỉ dạy những gì cao siêu khó hiểu nhưng còn liên quan đến những sinh họat bình thường hằng ngày, không chỉ dạy những gì thuộc lãnh vực tinh thần mà còn cả những gì thuộc lãnh vực thể xác. Nói tóm, không có một vấn nạn nào liên quan tới con người mà không được đề cập đến. Bài đọc I nói về những tật xấu; trong khi Phúc Âm đề cao những tính tốt của con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Lối sống theo Thánh Thần và lối sống theo xác thịt.

Thánh Phaolô trong thư gởi Corintô phân biệt rõ ràng hai lối sống: lối sống theo Thánh Thần và lối sống theo xác thịt. Lối sống thứ nhất đẹp lòng Thiên Chúa, lối sống thứ hai cần phải sửa đổi để con người có thể ngày càng kiện toàn hơn. Bài đọc hôm nay đề cập nhiều đến lối sống theo xác thịt, ít nhất là 2 điểm chính:

(1) Ghen tương cãi cọ: Khi thấy người khác hơn mình hay khi người ta có được những cái mình không có, con người thường nói xấu để hạ bệ nhau hay tranh cãi để tố cáo nhau. Khi làm những điều này là con người đang để cho tính xác thịt chi phối làm chia rẽ gia đình và cộng đoàn. Bao lâu còn sống theo tính xác thịt, con người không thể tiếp thu những bài học để sống theo Thánh Thần. Thánh Phaolô chỉ cho thấy những điều này đang xảy ra giữa các tín hữu của ngài: “Thưa anh em, về phần tôi, tôi đã không thể nói với anh em như với những con người sống theo Thánh Thần, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt, như với những trẻ nhỏ trong Đức Kitô. Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi. Nhưng bây giờ anh em cũng vẫn còn không chịu nổi, vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt. Bao lâu giữa anh em có sự ghen tương và cãi cọ, thì anh em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao?”

(2) Vây cánh kéo bè: Một khi không đạt được những ham muốn xác thịt trên bằng cố gắng cá nhân, con người có khuynh hướng chọn những người cùng ham muốn những điều đó về phe của mình, rồi cùng tìm cách làm sao để có thể đạt được những ham muốn thấp hèn đó. Một trong những thủ đọan là dồn phiếu bầu cho một người và người này sau khi đắc cử phải tìm cách để thỏa mãn những đòi hỏi của họ. Thánh Phaolô khiển trách: “Khi người này nói: “Tôi, tôi thuộc về ông Phaolô,” và người khác: “Tôi, tôi thuộc về ông Apollo,” thì anh em chẳng là người phàm tục sao?” Nếu một cộng đòan bị tính xác thịt chi phối như thế, làm sao có thể tồn tại và làm những gì Thánh Thần muốn?

Thánh Phaolô chỉ cho họ một lối sống cao hơn theo Thánh Thần: Điều quan trọng nhất phải làm trong cuộc đời là làm sao cho mọi người có được niềm tin vào Thiên Chúa, và làm cho đức tin này ngày càng phát triển mạnh; chứ không phải sống để vơ vét cho mình những danh vọng, uy quyền, và các mối lợi vật chất. Mỗi người lãnh đạo hay rao giảng chỉ là khí cụ của Chúa dùng trong một thời gian hay một hòan cảnh nhất định để góp phần trong công cuộc rao giảng Tin Mừng. Người cần thiết nhất làm cho đức tin lớn mạnh là chính Thiên Chúa. Thay vì tập họp thành bè đảng để chọn người lãnh đạo làm theo ý riêng mình, họ phải để Thánh Thần hướng dẫn để lựa chọn những người có khả năng để hướng dẫn cộng đoàn, rồi chính họ cũng phải tích cực cộng tác với người lãnh đạo, trong sứ vụ rao truyền và củng cố đức tin cho Dân Chúa.

2/ Phúc Âm: Mọi người đều góp phần trong việc chữa lành những tật bệnh trong cuộc sống.

(1) Gương sáng của Chúa Giêsu: Ngài vất vả từ sáng đến tối để chữa lành cả phần hồn lẫn phần xác của mọi người. Vừa hoàn tất việc giảng dạy để mở mang kiến thức cần thiết cho cuộc sống phần hồn trong hội đường, Ngài về nhà Simon với mục đích để kiếm gì ăn và nghỉ ngơi phần xác; nhưng của ăn không thấy mà trước mắt bà nhạc của Simon và bao nhiêu người bệnh đang chờ để quấy rầy Ngài. Thay vì nổi nóng trước những điều trái ý, Ngài chữa bệnh cho Bà nhạc và tất cả mọi người. Và khi đám đông tìm Ngài và muốn giữ Ngài lại kẻo Ngài bỏ họ mà đi, Ngài nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.”

(2) Gương sáng của Bà nhạc mẫu của Simon: Chỉ với hai câu tường thuật ngắn ngủi đã dạy cho chúng ta bài học phải làm khi đã thọ ơn: “Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất. Tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.” Bà không nấu ăn cho Chúa, cho con và các môn đệ được là vì Bà đang bị sốt. Nhưng sau khi đã được Chúa chữa lành, Bà đã không nại lý do mới lành bệnh cần được nghỉ ngơi cho lại sức; nhưng lập tức chỗi dậy để phục vụ Chúa và các môn đệ. Bà là gương sáng cho mọi người noi theo vì tất cả mọi người đều có bổn phận phải đóng góp thì cuộc sống gia đình và cộng đoàn mới bình an ổn định được. Cuộc sống sẽ xáo trộn và thiệt thòi nếu Chúa Giêsu vừa lo giảng dạy, vừa chữa lành, vừa nấu ăn, vừa phục vụ!

(3) Gương sáng của mọi người: Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Dân chúng xin Ngài chữa bệnh cho Bà nhạc Simon, và lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Tuy không chữa bệnh được nhưng đám đông có công tìm thầy và mang những người bệnh tới cho Chúa để được chữa lành. Trong cuộc sống hằng ngày, con người cần có thái độ đoàn kết này để giúp nhau vượt qua những trở ngại. Đừng ích kỷ quay đi trước những đau khổ của tha nhân, vì “nay người mai ta.” Nếu mình quay đi trước những khổ đau của đồng loại, ai là người sẽ giúp mình trong những lúc mình phải đương đầu với đau khổ?

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta không những cần biết chế ngự các tật xấu mà còn phải phát huy những tính tốt trong đời sống hằng ngày.

– Nếu đã thọ ơn Chúa và thánh Phaolô trong việc nhận ra những giá trị tinh thần và được chữa lành, đừng ích kỷ quay đi, nhưng phải tiếp tục làm ơn cho người mình đã thọ ơn hay cho người khác.

– Đức tin phải là điều quan trọng nhất của chúng ta khi còn sống ở đời này. Đừng hy sinh đức tin cho những lợi lộc thấp hèn như danh vọng, uy quyền, những lợi lộc vật chất để kéo bè làm chết ngạt sự phát triển đức tin của mình cũng như của tha nhân. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

 

 

26/08/2020 – THỨ TƯ TUẦN 21 TN

Mt 23,27-32


CHÚA NHÌN THẤY BÊN TRONG

“Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.” (Mt 23,27)

 

Suy niệm: Người ta vẫn thường nhắc nhở: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhưng chúng ta vẫn bị quyến rũ mạnh mẽ bởi cái dáng vẻ bên ngoài. Chính vì thế trước những chiêu quảng cáo tinh vi, các khách hàng là “thượng đế” dễ dàng mềm lòng tưởng rằng chất lượng sản phẩm tất nhiên đi đôi với mẫu mã đẹp hoặc tin như đinh đóng cột rằng khi dùng những sản phẩm này hoặc dịch vụ nọ mình sẽ đẹp hơn, thông minh hơn, “đẳng cấp” hơn… Tình trạng “mập mờ đánh lận con đen” ấy càng dễ xảy ra trong đời sống tâm linh: Có biết bao người “ngoài miệng thì niệm nam mô, trong lòng thì chứa một bồ dao găm” và  Thánh Vịnh cũng điểm mặt: “Miệng thì chúc phúc cầu an, mà lòng nguyền rủa chứa chan những lời” (Tv 62,5b). Chúa khiển trách họ nặng nề và gọi họ là những “nấm mồ tô vôi” bên ngoài đẹp đẽ mà trong thì đủ mọi thứ ô uế.

Mời Bạn: Liệu Chúa Giê-su có đang nhìn bạn và nói: “ngươi cũng giống như một nấm mồ tô vôi” không? Bạn hãy xét lại những công việc đạo đức, từ thiện của bạn có đang thiếu sức sống vì chỉ mang tính hình thức mà không có tấm lòng không?

Chia sẻ: Các hoạt động trong giáo xứ bạn có chú ý đến chiều sâu cầu nguyện, lòng bác ái hay chỉ có hình thức hoành tráng bên ngoài?

Sống Lời Chúa: Thường xuyên xét mình để đừng ảo tưởng về mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con nhìn thấy bản thân con như Chúa thấy con, và giúp con sống trung thực với chính mình, với Chúa và với tha nhân. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

 

 

SUY NIỆM : Có vẻ công chính

Suy niệm :

Ở xứ Paléttin, các ngôi mộ thường được quét vôi màu trắng,

để người Do-thái dễ nhận ra và tránh xa.

Đặc biệt trước lễ Vượt qua, mộ được quét vôi lại,

vì có đông đảo khách hành hương tuốn về quê dự lễ.

Ai bất cẩn đụng vào mộ là bị trở nên ô uế trong bảy ngày (Ds 19, 16).

Đối với người Do-thái, ngôi mộ là điều nên tránh,

vì bên trong đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô nhơ (c. 27),

tuy bên ngoài có vẻ sạch sẽ tốt đẹp.

Đức Giêsu đã dám ví các kinh sư và người Pharisêu với ngôi mộ,

vì bên ngoài họ có vẻ công chính trước mặt người ta,

nhưng bên trong thì đầy đạo đức giả và gian ác (c. 28).

Có sự tương phản giữa cái có vẻ bên ngoài và cái thực tế bên trong.

Bên ngoài không diễn tả bên trong, nhưng làm hiểu sai cái bên trong.

Tất cả nỗ lực của chúng ta là làm cho bên ngoài và bên trong nên một,

để ai thấy bên ngoài của ta đều biết được điều sâu kín bên trong.

Đức Giêsu còn đề cập đến một sự giả hình khác (cc. 29-32),

đó là việc các người Pharisêu xây mồ, tô mả cho các ngôn sứ thời xưa.

Họ khẳng định mình không can dự và tội giết các ngôn sứ của cha ông họ.

Tiếc thay, họ lại can dự vào tội giết các ngôn sứ do Đức Giêsu sai đến,

qua đó họ cho thấy mình đúng là người thuộc dòng dõi của cha ông,

Khi đọc toàn bộ chương 23 của Tin Mừng Mátthêu

về những lời phê phán của Đức Giêsu đối với giới lãnh đạo tôn giáo,

chúng ta có thể bị sốc, vì chúng quá nặng nề.

Liệu Đức Giêsu hiền lành có nói nguyên văn những lời như thế không?

Điều cần biết là không phải người Pharisêu nào cũng giả hình.

Có nhiều người thực sự thánh thiện đạo đức,

và Đức Giêsu đã có tương quan tốt với một số người trong nhóm.

nhưng trong nhiều dịp khác nhau, và Mátthêu gom lại thành một chương.

Cuối cùng không nên quên là hầu chắc giọng điệu gay gắt của chương này,

Vào thời Mátthêu viết Tin Mừng này, có những kitô hữu bị bách hại,

bị đánh đòn, bị giết và đóng đinh bởi người Do-thái (Mt 23, 34).

Bởi đó những lời của Đức Giêsu nhắm vào người Pharisêu ngày xưa,

lại trở thành lời nhắc nhở chúng ta hôm nay,

những người sống trong Hội Thánh và những người lãnh đạo.

Thói giả hình về đạo đức thời nào và ở đâu cũng có.

Nó tạo ra một bầu khí dối trá trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.

Hội Thánh vẫn muốn cho đọc bài Tin Mừng gây sốc này

vì các kitô hữu vẫn bị cám dỗ giữ đạo bên ngoài mà không sống đạo.

Thật ra chúng ta chỉ có thể rao giảng Tin Mừng cho con người hôm nay

khi những khoảng cách giữa lời nói và hành động được xóa bỏ,

khi người ta thấy sự thống nhất trong lối sống của chúng ta,

khi mọi mặt nạ được cởi ra, và sự thật được tỏ hiện.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

ánh sáng và bóng tối thì dễ phân biệt,

còn bóng mờ thì khó nhận ra hơn.

Con đã mạnh dạn khước từ bóng tối

nhưng khi nhìn thật sâu vào lòng mình,

con vẫn thấy có nhiều bóng mờ tác động.

Con an tâm ở lại trong bóng mờ,

vì thấy đó chưa phải là một tội.

Nhưng con cũng áy náy

vì biết rằng bóng mờ là nơi

ánh sáng Chúa chưa thấm nhập trọn vẹn.

Con không muốn bóng mờ thành ánh sáng,

vì con vẫn muốn giữ lại

một điều gì đó rất quý đối với con.

Xin giải phóng con khỏi những tình cảm lệch lạc

để con được tự do yêu mến và phụng sự Chúa hơn.

Xin chinh phục những bóng mờ trong lòng con

để con được thuộc trọn về Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

 

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

26 THÁNG TÁM

Một Công Trình Của Thánh Thần

Chính Chúa Thánh Thần chúc lành và bảo vệ công trình của Thượng Hội Đồng. Cũng như hồi đầu thập niên 60, chúng ta dạt dào tạ ơn Chúa Thánh Thần vì tặng phẩm Công Đồng, thì ở đây chúng ta cũng có thể tạ ơn Chúa Thánh Thần vì tiếng gọi mời Giáo Hội bước tới xuyên qua biến cố Thượng Hội Đồng này.

Chúng ta tạ ơn Chúa Thánh Thần vì sự qui tụ này của các chủ tịch các hội đồng giám mục trên khắp thế giới, các hồng y tổng trưởng các thánh bộ trong giáo triều Rôma, các bề trên tổng quyền của các dòng tu khác nhau, các thành viên của các cơ chế sống đời thánh hiến cũng như giáo dân – tất cả cùng gặp gỡ nhau dưới sự hướng dẫn khôn ngoan của vị Tổng Thư Ký và các cộng sự viên của ngài.

Chúng ta cũng hết lòng tạ ơn Chúa Thánh Thần vì các cuộc họp của Thượng Hội Đồng ở mọi cấp đều tỏ ra rất kiến hiệu, cho thấy rằng việc triệu tập Thượng Hội Đồng là một phương thế tốt để Giáo Hội tự khảo sát công việc của mình. Như vậy, toàn thể Giáo Hội được hiệp nhất “một lòng một trí” trong Chúa Kitô (Cv 4,32). Một lần nữa, Giáo Hội được mời gọi áp dụng giáo huấn của Công Đồng vào đời sống mình và dấn thân trên con đường hoàn thành chính mình trong tình yêu. Vâng, đây là sứ mạng được Đức Kitô ủy thác cho Giáo Hội khi Ngài nói với Phêrô và các Tông Đồ rằng “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

 

 

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 26/8

2Tx 3, 6-10.16-18; Mt 23, 27-32.


LỜI SUY NIỆM: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.”

          Đối với người Kitô hữu, phải thường xuyên chuẩn bị cho ngày giờ Chúa đến. Trước hết và trên hết là luôn hướng về Chúa và đón nhận ân sủng của Ngài ban;  không được chủ quan cho rằng mình còn nhiều năm tháng để sống; luôn phải biết cầu nguyện, xin ơn chiến thắng trước những cám dỗ và luôn phải chu toàn bổn phận và trách nhiệm trong vui tươi bất cứ công việc nào và bất cứ hoàn cảnh nào.

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa đang trao cho mỗi người trong chúng con mỗi người một công việc, một nơi chốn. Xin cho chúng con được gặp Chúa đến, đang khi chúng con chu toàn bổn phận Chúa giao phó.

Mạnh Phương

 

 

26 Tháng Tám

Gia Ðình Là Nền Tảng Của Vũ Trụ

Án Tử, người nước Tề, nổi tiếng là một người thanh liêm và thủy chung. Xuất thân từ một gia đình nghèo, Án Tử được vợ hy sinh buôn tảo bán tần để nuôi ăn học. Ðỗ đạt làm quan, Án Tử không bao giờ quên ơn ấy của vợ. Cuộc sống đầy cạm bẫy, ông vẫn một mực trung thành với vợ.

Một hôm vua Cảnh Công đến thăm ở lại dùng bữa với Án Tử. Một người đàn bà đã già xuất hiện trong bữa tiệc. Khi Án Tử vừa giới thiệu người đàn bà đó là vợ mình, nhà vua ngạc nhiên đến sửng sốt. Ông đề nghị với Án Tử: “Ôi vợ khanh trông vừa già lại vừa xấu. Quả nhân có một đứa con gái vừa trẻ vừa đẹp, quả nhân muốn cho về hầu, khanh nghĩ sao?”.

Án Tử liền trả lời một cách dứt khoát, không chút do dự: “Nội tử của tôi nay thật già và xấu. Nhưng chúng tôi đã lấy nhau và ăn ở với nhau bao lâu nay, kể từ khi nàng còn trẻ đẹp. Xưa nay, đàn bà lấy chồng lúc còn trẻ cốt để nhờ cậy lúc già, lấy chồng lúc đẹp để nhờ cậy khi xấu. Nội tử tôi thường nhờ cậy tôi cũng như tôi đã từng nhận sự giúp đỡ của nội tử tôi. Nay, bệ hạ muốn ban ơn mưa móc là tùy ở bệ hạ, nhưng xin đừng để tôi phải mang tiếng là ăn ở bội bạc với nội tử của tôi”.

Nói xong Án Tử lạy hai lạy, xin từ chối không lấy con gái của nhà vua.

Gia đình là nền tảng của xã hội. Con người chỉ có thể sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Trong cái nhìn Kitô, thì gia đình là một Giáo Hội nhỏ trong đó đức tin được thông ban và trưởng thành.

Nền tảng để gia đình được đứng vững đó là Tình Yêu. Nhưng Tình Yêu không là một cái có sẵn, mà là một giá trị luôn đòi hỏi sự xây dựng và vun xới của con người… Một gia đình hạnh phúc hay không, tất cả đều tùy thuộc ở sự phấn đấu xây dựng từng ngày của con người.

Hai cử chỉ dường như được gắn liền với nhau trong chuyến viếng thăm quê hương dạo tháng 5/1987 của Ðức Gioan Phaolii II, đó là: viếng mộ song thân và cử hành Thánh Lễ đặc biệt cho các đôi vợ chồng.

Cây tốt thường sinh trái tốt: con người của Ðức Gioan Phaolô II là hoa trái Tình Yêu của cha mẹ ngài. Viếng mộ của song thân, Ðức Thánh Cha không những nói lên niềm tri ân của ngài đối với bậc sinh thành, nhưng ngài còn muốn đề cao giá trị của đời sống hôn nhân.

Giữa đời thời đại mà đời sống hôn nhân và gia đình bị lay động đến tận gốc rễ, Ðức Thánh Cha muốn gióng lên một tiếng kêu vô cùng thảm thiết: hãy trung thành với nhau.

Trong Thánh Lễ cầu nguyện cho gia đình, qua đó các đôi vợ chồng hiện diện được mời gọi lập lại lời thề hứa trong hôn phối, Ðức Thánh Cha đã lập lại ý nghĩa và giá trị của Bí Tích Hôn Phối. Ngài nói như sau: “Khi quỳ gối trước bàn thờ trong ngày cưới, các đôi vợ chồng đã thề hứa với nhau cho đến cùng. Họ thề hứa với nhau như thế trước mặt Thiên Chúa. Lời cam kết này phản ánh chính lời hứa của Chúa Giêsu rằng Ngài yêu họ và yêu cho đến cùng”.

“Tôi hứa sẽ giữ trung thủy với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời tôi”.

Khi tuyên hứa với nhau như thế, hai người đã lập lại chính cam kết của Chúa Giêsu, Ðấng đã yêu thương và yêu thương cho đến cùng.

Yêu cho đến cùng nghĩa là chấp nhận cái chết từng ngày. Tình yêu hôn nhân là một hạt giống: có được chôn vùi, có mục nát đi mới sinh hoa kết trái. Luật của đời sống hôn nhân chính là luật của hy sinh, của chiến đấu, của chính sự chết. Nhưng cũng chính khi con người biết chối bỏ chính mình bằng hy sinh, con người sẽ gặp lại chính mình trong người khác… Ðó là lẽ sống mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta.

(Lẽ Sống)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét