Trang

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

08-08-2020 : THỨ BẢY - TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN - THÁNH ĐAMINH, LINH MỤC - Lễ Nhớ

 

08/08/2020

 Thứ bảy tuần 18 thường niên.

 Thánh Đaminh, linh mục.

Lễ nhớ.

 

Thánh nhân sinh quãng năm 1170, tại Ca-lê-ru-ê-ga, Tây Ban Nha. Người học thần học tại Pa-len-xi-a rồi làm kinh sĩ giáo phận Ốt-ma. Trước hết, người quy tụ một số phụ nữ về sống tại Pơ-rô-vin-lơ (Pháp), theo một tu luật, rồi sau người lập Dòng Anh Em Thuyết Giáo tại Tu-lu-dơ để đối lại lạc giáo Ca-tha.

Chính người đã chiến đấu với lạc giáo bằng lời giảng thuyết, bằng gương sáng và đã thu hoạch được kết quả khả quan. Người muốn các anh em trong Dòng phải sống khất thực, và lời giảng dạy phải xuất phát và được nuôi dưỡng bằng chiêm niệm. Người đã đặt trung tâm Dòng ở Rôma trước khi qua đời ở Bô-lô-nha ngày 6 tháng 8 năm 1221.

BÀI ĐỌC I: Kb 1, 12 – 2, 4

“Người công chính sống được nhờ trung tín”.

Trích sách Tiên tri Khabacúc.

Chớ thì ngàn xưa Chúa chẳng phải là Thiên Chúa, Chúa của tôi, là Đấng Thánh của tôi? Vậy là chúng tôi không sao chết được. Lạy Chúa, Chúa đã đặt nó lên để xét xử, làm cho nó vững mạnh để trừng phạt. Mắt Chúa tinh sạch, không thể nhìn sự dữ, không thể xem sự gian ác. Tại sao Chúa lại nhìn những kẻ gian ác, và kẻ bất lương nuốt người công chính hơn nó, sao Chúa vẫn làm thinh?

Chúa để loài người như cá biển, như sâu bọ không có vua quan. Nó lấy lưỡi câu mà bắt hết, lấy chài mà kéo mọi sự, lấy lưới mà thu lượm: bởi thế nó hớn hở vui mừng. Vì vậy, nó cúng tế cho chài, nó dâng lễ vật cho lưới, vì bởi đấy nó được phần béo tốt và món ăn ngon. Lẽ nào nó cứ thả lưới không ngừng và luôn luôn tàn nhẫn sát hại các dân?

Tôi sẽ đứng ở vọng canh của tôi, đứng yên nơi thành lũy của tôi, tôi chờ xem Chúa dạy tôi thế nào, và trả lời ra sao cho điều tôi biện bạch? Chúa đáp lại tôi rằng: “Hãy chép điều ngươi thấy, hãy khắc nó vào tấm bảng để đọc được dễ dàng. Bởi hình lạ còn xa, nó sẽ xuất hiện trong thời sau hết và sẽ chẳng hư không. Nó kết duyên với ngươi, hãy chờ đợi nó, vì nó sẽ đến không trì hoãn. Chắc chắn nó sẽ đến, không sai. Người không có lòng ngay thì ngã gục, nhưng người công chính sẽ sống nhờ trung tín”. Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 9, 8-9. 10-11. 12-13

Đáp: Lạy Chúa, Chúa không bỏ rơi kẻ kiếm tìm Chúa (c. 11b).

Xướng:

1) Chúa ngự trị tới muôn đời, Người dựng vững ngai vàng ngõ hầu cai trị. Người công minh thống trị địa cầu, Người chính trực xét xử chư dân. – Đáp.

2) Chúa là chỗ dung thân cho người bị ức, chỗ dung thân dành cho những lúc gian truân, để những ai nhìn biết uy danh, cậy trông vào Chúa, vì lạy Chúa, Chúa không bỏ rơi kẻ kiếm tìm Ngài. – Đáp.

3) Hãy đàn ca Chúa, Người ngự ở Sion; hãy loan truyền công cuộc Chúa khắp chư dân: vì Đấng đòi nợ máu, Người nhớ họ, Người không quên tiếng kêu của những kẻ cơ bần. – Đáp.

 

ALLELUIA: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia. 

 

PHÚC ÂM: Mt 17, 14-19 (Hl 14-20)

“Nếu các con có lòng tin, thì chẳng có gì các con không làm được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, có một người đến gần, quỳ gối trước mặt Chúa Giêsu mà nói rằng: “Lạy Ngài, xin thương xót con trai tôi vì nó mắc chứng kinh phong và rất trầm trọng: nó thường ngã vào lửa và lắm lúc nó ngã xuống nước. Tôi đã đem nó đến cùng môn đệ Ngài, nhưng các ông không thể chữa nó được”. Chúa Giêsu đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng tin và hư hỏng! Ta phải ở với các ngươi đến bao giờ? Ta còn phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Hãy đem nó lại đây cho Ta”. Chúa Giêsu quát mắng quỷ và quỷ liền ra khỏi đứa bé. Và nó được lành ngay trong lúc ấy. Bấy giờ các môn đệ đến hỏi riêng Chúa Giêsu rằng: “Tại sao chúng con không thể trừ quỷ ấy được?” Chúa Giêsu bảo các ông rằng: “Vì các con yếu lòng tin! Thầy bảo thật các con: Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì các con có khiến núi này rằng: ‘Hãy rời khỏi đây mà sang nơi kia’, thì nó liền đi sang, và chẳng có gì các con không làm được”. Đó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM : Ðức Tin Rất Cần Thiết

Thánh Augustinô nói: "Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người". Sở dĩ như vậy là vì Thiên Chúa dựng nên con người có tự do, và tự do bao hàm sự lựa chọn tin nhận hoặc khước từ Thiên Chúa. Ðức tin cần thiết cho con người, không những để được cứu rỗi, mà còn để biết vui tươi đón nhận những biến cố trong đời sống theo thánh ý Chúa.

Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu chữa một đứa bé bị kinh phong. Có thể nói, không có gì đặc biệt, nếu phép lạ được thực hiện do Chúa Giêsu, bởi vì Ngài là Thiên Chúa toàn năng làm được mọi sự. Nhưng điều quan trọng là phép lạ có thể xẩy ra là do đức tin của con người. Thật thế, trong bất cứ phép lạ nào, Chúa Giêsu cũng đòi hỏi con người phải tin, hoặc chính đương sự hoặc cha mẹ hay người bảo trợ. Là Ðấng Cứu Thế, Chúa Giêsu yêu thương và muốn cứu chữa con người khỏi mọi tật bệnh; nhưng mỗi khi thực hiện phép lạ để cứu chữa một người nào, Ngài cũng đòi phải có đức tin. Nếu việc cứu chữa riêng lẻ đó chỉ là hình ảnh lu mờ của việc cứu chữa tối hậu mà Chúa còn đòi hỏi đức tin, thì để được cứu rỗi trong thời cứu độ viên mãn, đức tin còn cần thiết biết chừng nào.

Kết thúc bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì chẳng có gì các con không làm được. Ðức tin làm cho chúng ta từ con người tội lỗi trở thành con cái Thiên Chúa; đức tin giúp cho những việc tầm thường trong đời sống trở thành có giá trị vĩnh cửu; đức tin cho chúng ta có cái nhìn lạc quan tin tưởng vào mọi biến cố cuộc sống; đức tin giúp con người làm được những điều mà người không có đức tin không hiểu nổi: các thánh tử đạo can đảm chấp nhận cái chết đau thương, các thánh hiển tu đã từ bỏ tất cả để hoàn toàn sống theo Chúa.

Nguyện xin Chúa củng cố đức tin của chúng ta để nhận ra bàn tay Chúa luôn dẫn dắt chúng ta và luôn sống trong bình an dưới sự chăm sóc của Ðấng Toàn Năng.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Lời Chúa Mỗi Ngày

Lễ Thánh Đaminh (Ngày 8 tháng 8)

Bài đọcIsa 52:7-10; 2 Tim 4:1-8; Mt 5:13-19.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Rao giảng Tin Mừng để đưa các linh hồn về cho Chúa.

            Cuộc đời của Thánh Đa-minh có thể tóm gọn trong chủ đề: “Rao giảng Tin Mừng để đưa các linh hồn về cho Chúa.” Thánh Đa-minh yêu mến Thiên Chúa nên muốn đem tất cả linh hồn về cho Ngài, và cách thức Ngài dùng là “rao giảng Tin Mừng.” Câu châm ngôn trong cuộc đời của thánh nhân là: “Chỉ nói với Chúa và về Chúa.” Khi ngài nói với Chúa là lúc ngài cầu nguyện; khi ngài nói về Chúa là lúc ngài rao giảng Tin Mừng cho tha nhân. Thánh Đa-minh kết hợp cả hai chiều kích của đời tu: chiêm niệm và hoạt động. Người tu sĩ Đa-minh là người chiêm niệm và sau đó đem những gì mình đã chiêm niệm chia sẻ cho tha nhân.

            Đường lối dùng Tin Mừng để đem các linh hồn về cho Thiên Chúa được đặt căn bản trên Lời Chúa trong ba bài đọc hôm nay. Trong bài đọc I, ngôn-sứ Isaiah được Thiên Chúa cho thấy trước ngày Thiên Chúa sẽ cứu độ dân của Ngài, và để cho Tin Mừng này được loan đi, ngôn sứ thấy sự cao đẹp của những người rao giảng Tin Mừng. Còn gì đẹp hơn bước chân của những người mang Tin Mừng của Thiên Chúa đến cho dân của Ngài đang đau khổ! Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên môn đệ của ngài là Timothy phải kiên trì trong việc rao giảng, vì ông sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc rao giảng Tin Mừng. Các nhà giảng thuyết phải kiên nhẫn vượt mọi gian khổ mới có thể đưa các linh hồn về cho Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, để có thể chu toàn thành công sứ vụ rao giảng, nhà giảng thuyết phải kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, lắng nghe tiếng của Ngài, và thực thi những gì Ngài dạy trước khi loan báo những lời này cho tha nhân.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố ơn cứu độ.
 
1.1/ Thiên Chúa cho dân trở về Sion từ nơi lưu đày: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Sion rằng: “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.” Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi cùng cất tiếng reo hò vang dậy; họ sẽ được thấy tận mắt Đức Chúa đang trở về Sion.” Người loan báo Tin Mừng phải loan báo 3 điểm có liên quan mật thiết với nhau, mỗi điểm nói lên một khía cạnh của ơn cứu độ:

            (1) Công bố bình an: Bình an là một trong những chữ được tiên-tri Isaiah dùng nhiều nhất; nó không phải là sự vắng mặt của chiến tranh, nhưng là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người. Con người được hòa giải với Thiên Chúa; vì thế, con người có bình an.

            (2) Loan tin tốt lành: Tin Mừng đến từ Thiên Chúa, Đấng Tốt Lành. Ngài ban phúc lành của Ngài cho con người, nhất là tha thứ tội lỗi và cho được hưởng ơn cứu độ.

            (3) Công bố ơn cứu độ: Ơn Cứu Độ đến từ Thiên Chúa. Ơn Cứu Độ không chỉ giới hạn trong việc giải phóng dân Do-thái khỏi lưu đày Babylon; nhưng bao gồm cả việc giải phóng dân khỏi tội lỗi, và đem lại cho dân sự tốt lành và bình an.

            Thiên Chúa là Vua hiển trị, chính Ngài sẽ lãnh đạo dân. Những người canh gác của Thành Thánh Jerusalem sẽ nhìn thấy Đức Chúa, và cất tiếng reo hò. Ngài sẽ cai trị dân và cho họ hưởng bình an, những điều tốt lành, và ơn cứu độ.

1.2/ Mọi người sẽ nhìn thấy Thiên Chúa cứu độ Jerusalem: Sự kiện Chúa giải phóng dân Do-thái khỏi lưu đày Babylon và cho về lại Jerusalem, là một phép lạ mà các dân trong vùng đều hay biết: không bằng sức mạnh quân sự, không bằng sức cố gắng của dân Do-thái; nhưng bằng niềm tin tưởng của Cyrus, vua Ba-tư vào Thiên Chúa. Tương tự khi Chúa Giêsu giải phóng dân khỏi tội bằng cái chết của Ngài trên Thập Giá tại Jerusalem, nước Do-thái còn đang dưới ách đô hộ của Đế-quốc Rôma.

2/ Bài đọc II: Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.           

2.1/ Những khó khăn trong việc rao truyền Lời Chúa

            (1) Lý do phải trung thành rao giảng: Phaolô đưa ra hai lý do chính để chỉ thị Timothy phải trung thành rao giảng Tin Mừng: Thứ nhất, Đức Kitô sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết; không một ai và không một hành động nào của con người thoát khỏi sự phán xét của Ngài. Thứ hai, Ngài sẽ xuất hiện và nắm vương quyền; lúc đó, Ngài sẽ trả công cho mỗi người tùy theo việc làm của họ. Vì thế, anh “hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.”

            Nhiều người chủ trương: “gió chiều nào che chiều đó.” Khi hoàn cảnh xã hội đã đổi, họ cũng phải thay đổi sao cho phù hợp; vì nếu không thay đổi sẽ bị người khác ghét và không trở thành phổ thông. Vì thế, nhiều nhà rao giảng có khuynh hướng thay đổi cách giảng dạy: họ chỉ nói những gì khán giả thích và tránh đề cập những tội mà khán giả đang mang trong mình. Tiên tri Jeremiah đã tuyên sấm nặng nề cho các ngôn sứ giả này: Họ sẽ phải chịu trách nhiệm về sự hư đi của khán giả.

            (2) Khuynh hướng thay đổi của con người: Phaolô nói trước cho môn đệ mình biết về sự thay đổi của khán giả: “Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng vì ngứa tai, họ sẽ tìm kiếm cho họ những nhà rao giảng thích hợp với sở thích của họ, và sẽ quay lưng lại với sự thật và hướng về những chuyện hoang đường.” Điều này không lạ, vì theo tâm lý con người, họ không muốn ai làm cho họ phải cắn rứt về những chuyện họ đang mang trong lòng; nhưng chỉ muốn ai khen những chuyện họ làm hoặc nói những chuyện vui cười để giải trí. Nhà rao giảng Tin Mừng chân chính không được chiều theo thị hiếu của khán giả, như Phaolô khuyên nhủ Timothy: “anh hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh.”

2.2/ Hãy cố gắng dành cho được phần thưởng không hư nát: Câu hỏi quan trọng đặt ra cho mọi người: Họ muốn làm vừa lòng ai? Thiên Chúa hay con người? Họ muốn làm vừa lòng Thiên Chúa để lãnh phần thưởng bất diệt là sự sống đời đời, hay làm vừa lòng con người để lãnh phần thưởng mau hư nát. Thánh Phaolô cho chúng ta một tấm gương để soi chung: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.”

3/ Phúc Âm: Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

3.1/ Công dụng của muối: Không có gì rẻ và căn bản hơn muối; nhưng muối làm nhiều điều hữu ích cho con người:

            + Muối tượng trưng cho trong sạch tinh tuyền: vì được kết tinh bởi ánh sáng mặt trời và nước biển. Kitô hữu là những người đã được rửa sạch bằng máu Đức Kitô và thấm nhuần mọi quà tặng của Thánh Thần, họ phải trở nên thánh thiện và tinh tuyền trước khi sinh ích cho người khác.

            + Muối dùng để ngăn ngừa đồ ăn cho khỏi hư: Vì đặc tính mặn mà của muối, nên muối được dùng để làm cho lương thực khỏi hư: thịt cá cần muối, rau cỏ cần muối như dưa, cà, kim chi, trái cây cần muối nếu muốn để lâu. Ca dao Việt-nam dùng việc muối cá để nói lên sự cần thiết của con cái phải vâng lời cha mẹ: “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.” Nếu điều này cần thiết cho con cái, những điều dạy dỗ của Đức Kitô còn cần thiết hơn cho các Kitô hữu. Nếu không có vị mặn của muối, làm sao các Kitô hữu có thể “ướp mặn lòng người.

            + Muối dùng để thêm gia vị cho thực phẩm: Muối không thể thiếu trong việc nấu ăn, thực phẩm có ngon tới đâu mà nếu không có chất mặn của muối hay nước mắm (cũng từ muối), cũng trở thành vô vị. Người Kitô hữu đã được trang bị để trở thành muối cho đời. Điều cần chú ý ở đây là Chúa Giêsu dùng động từ ở thời hiện tại “là;” có nghĩa: người Kitô hữu đã và luôn có. Bản chất của Kitô hữu có những điều tốt để giúp cho thế gian trở nên tốt.

3.2/ Công dụng của ánh sáng: Biểu tượng này còn gần gũi với con người hơn cả muối. Ánh sáng có rất nhiều công dụng.

            + Ánh sáng dùng để soi sáng: Khi trời tối, con người cần ánh sáng để khỏi vấp ngã và tìm đồ đạc. Người Kitô hữu có sự thật soi sáng để khỏi rơi vào sai lầm.

            + Ánh sáng dùng để sưởi ấm: Khi trời lạnh, con người cần ánh sáng để sưởi ấm như ánh sáng mặt trời hay lửa. Người Kitô hữu có Thánh Thần để sưởi ấm mọi cô đơn, buồn khổ.

            + Ánh sáng bảo vệ con người khỏi nguy hiểm: Tội lỗi thường xảy ra ở nơi không có ánh sáng. Người làm tội lỗi ghét ánh sáng vì họ sợ việc làm đen tối của họ bị phơi bày…

            Chúa Giêsu nói: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” Đã là ánh sáng thì không thể che giấu; nhưng phải đặt trên cao để soi sáng cho mọi người, vì “chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.” Mục đích của việc soi sáng là để những người chưa biết Thiên Chúa “thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”

3.3/ Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ: Tất cả Luật và Lời Thiên Chúa phán ra đều tốt lành và muôn đời không đổi vì phát xuất từ Thiên Chúa và có khả năng giúp con người sống tốt lành; nhưng vấn đề là ở phía con người. Một số những lý do làm con người hiểu sai Luật của Thiên Chúa:

            (1) Không hiểu nguyên tắc của Lề Luật và phiên dịch Luật theo ý mình: Ví dụ: Luật ngày Sabbath. Nguyên tắc là để con người nghỉ ngơi và thờ phượng Chúa; chứ không phải để tranh luận trong những vấn đề liên quan đến sự sống như: có nên chữa bệnh nhân trong ngày Sabbath, có nên bứt bông lúa để ăn cho khỏi đói, vì đó thuộc lãnh vực bảo vệ sự sống.

            (2) Tạo thêm nhiều Luật khác: Những nhà làm luật của Do-thái tạo thêm 615 luật từ những Luật Chúa ban cho Moses, ấy là chưa kể những luật bất thành văn (truyền khẩu) vì vô tình hay vì lợi nhuận (định nghĩa thế nào là của lễ thanh sạch). Những luật do con người làm ra có thể thay đổi hay hủy bỏ.

            Khi Chúa tranh luận những việc liên quan đến Luật, Chúa muốn con người nhận ra đâu là Luật của Thiên Chúa và đâu là luật của con người. Các kinh sư tranh luận với Chúa muốn đánh lừa mọi người để kết tội Chúa như người phá bỏ Luật của Thiên Chúa. Ngài cũng muốn cho họ nhận ra nguyên lý đứng đang sau là tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, chứ không giữ cách vụ luật.           

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Điều quan trọng nhất trong cuộc đời là lo sao cho chúng ta và mọi người được về hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa, chứ không phải lo tìm của cải đời này.

            – Chúng ta phải học hỏi và sống Tin Mừng của Thiên Chúa trước khi có thể loan báo Tin Mừng đó cho tha nhân.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

 

 

08/08/2020 – THỨ BẢY TUẦN 18 TN

Th. Đa-minh, linh mục

Mt 17,14-20

 

THẾ HỆ GIAN TÀ VÀ CỨNG LÒNG

Đức Giê-su đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?” (Mt 17,17)

Suy niệm: Đức tin không chỉ là ơn ban của Thiên Chúa để quy tụ mọi người tin trong một cộng đoàn tín hữu mà còn là cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giê-su trong mối tương quan thân thiết với Ngài. Chúa Giê-su than trách những người Do Thái là “thế hệ gian tà và cứng lòng tin” bởi vì họ chẳng bao giờ gặp được Ngài như Đấng Mê-si-a mà các tiên tri loan báo mà chỉ đến với Ngài để thoả sự tò mò và tính hiếu kỳ: Họ hào hứng tìm kiếm những dấu lạ nhưng lại không hề khát khao đi theo Đức Giê-su trong mối tương quan thân thiết của lòng tin và lòng mến đích thực. Đó cũng chính là lý do mà các môn đệ chịu bó tay không thể trừ tên quỷ ra khỏi cậu bé. Chỉ khi không cậy vào sức riêng mình nhưng kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa với một đức tin vững mạnh, trong đời sống cầu nguyện và chay tịnh, con người mới đủ sức đương đầu với ma quỉ.

Mời Bạn: Trong xã hội ngày càng tiến bộ và văn minh, con người dường như càng bị đẩy xa khỏi Thiên Chúa, trở thành ‘mồi ngon’ cho ác thần. Chúa Giê-su nhắc cho bạn rằng đức tin là khí giới vô song để chiến thắng ma quỷ. Vì thế, bạn được mời gọi vững tin vào Chúa,  đừng bao giờ cậy vào sức riêng mình.

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn hãy đọc thật chậm rãi kinh Lạy Cha, xin Chúa gia tăng sức mạnh và lòng mến cho bạn trong đời sống đức tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, trước sức mạnh của thế lực sự dữ đe dọa, xin cho con luôn biết tựa nép vào Chúa vì Ngài là sức mạnh của đời con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

 

 

SUY NIỆM : Tại anh em kém tin

Suy niệm:

Thầy Giêsu và ba môn đệ xuống từ trên núi, nơi Thầy mới hiển dung.

Bốn Thầy trò gặp ngay một đám đông.

Một người cha chạy đến, quỳ xuống trước mặt Đức Giêsu.

Ông xin Ngài thương xót đứa con trai của ông bị kinh phong nặng lắm.

Những mô tả của ông về bệnh tình của con đúng là triệu chứng kinh phong.

Cậu bé không làm chủ được mình, dễ ngã vào nước, vào lửa.

Tính mạng cậu lúc nào cũng bị đe dọa (c. 15).

Điều đáng lưu ý ở đây là chín môn đệ khác đã bó tay.

“Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài,

nhưng các ông không chữa được” (c. 16).

Chính những người đã được Thầy trao quyền để chữa bệnh và trừ quỷ

lại không thể giải quyết được trường hợp này.

Phải chăng vì không có sự hiện diện của Thầy, hay vì đám đông cứng lòng,

hay vì cơn bệnh quá nặng khiến các môn đệ không đủ tự tin và mạnh mẽ?

Dù sao Thầy Giêsu cũng phải ra tay, để làm điều cần làm.

Với thái độ hơi mất kiên nhẫn, Ngài đã trách móc đám đông (c. 17).

Ngài gọi họ là một thế hệ không tin và gian tà.

Đức Giêsu thấy mình vẫn còn phải ở lại với họ và chịu đựng họ (c. 17)

“Đem cháu lại đây cho tôi”

Đức Giêsu quát mắng quỷ, quỷ liền xuất, và cậu bé được khỏi lập tức.

Các môn đệ hẳn bối rối và xấu hổ vì không đuổi được quỷ.

Chắc họ cũng ngạc nhiên vì thấy mình thất bại trong trường hợp này,

tuy họ đã thành công trong nhiều trường hợp khác (x. Lc 10, 17).

Họ chờ lúc riêng tư giữa Thầy trò để hỏi lý do tại sao (c. 19).

Câu trả lời của Thầy Giêsu ở đây là khá rõ ràng.

“Tại anh em kém tin!” (c. 20).

Kém tin là một từ đặc biệt chỉ có trong Tin Mừng Mátthêu.

Từ này được dùng nhiều lần (6, 30; 8, 26; 14, 31; 16, 8).

Người kém tin là người có lòng tin nhỏ bé (oligopistia),

chứ không phải là hoàn toàn không tin chút nào (apistia).

Nhưng lòng tin nhỏ bé này thật sự cũng chẳng đem lại hiệu quả gì.

Nó chưa đáng được gọi là tin theo đúng nghĩa.

Một lòng tin đúng nghĩa thì dù nhỏ bé như một hạt cải

cũng có thể chuyển núi dời non (c. 20b; 1 Cr 13, 2).

Chỉ với lòng tin nhỏ như vậy, sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.

Dĩ nhiên, câu này không có nghĩa là họ làm được mọi sự.

Các môn đệ chỉ làm được những gì liên quan đến việc loan báo Nước Trời,

như chữa mọi bệnh hoạn tật nguyền và trừ quỷ (Mt 10).

Họ chỉ làm được phép lạ khi người bệnh có lòng tin,

và khi việc họ làm nằm trong ý định của Thiên Chúa.

Những thừa tác viên của Giáo Hội nhiều khi thấy mình bất lực trước sự dữ.

Chúng ta cần xin Chúa thêm cho ta đức tin để có thể chuyển được

những đồi núi nơi lòng con người hôm nay.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa,

xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,

để con làm bật rễ khỏi lòng con

những ích kỷ và khép kín.

Xin cho con đức tin can đảm

để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,

chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.

Xin cho con đức tin sáng suốt

để con thấy được thế giới

mà mắt phàm không thấy,

thấy được Đấng Vô hình,

nhưng rất gần gũi thân thương,

thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.

Xin cho con đức tin liều lĩnh,

dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,

dám tiến bước trong bóng đêm

chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,

dám lội ngược dòng với thế gian

và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.

Xin cho con đức tin vui tươi,

hạnh phúc vì biết những gì

đang chờ mình ở cuối đường,

sung sướng vì biết mình được yêu

ngay giữa những sa mù của cuộc sống.

Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp

qua những cọ xát đau thưong của phận người,

để dù bao thăng trầm dâu bể,

con cũng không để tàn lụi niềm tin

vào Thiên Chúa và vào con người.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

8 THÁNG TÁM

Tìm Kiếm Câu Trả Lời Bằng Con Mắt Đức Tin

Sự đau khổ được nhìn qua con mắt đức tin – ngay cả dù vẫn có vẻ thật ảm đạm – sẽ cho phép chúng ta nhận ra mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa. Mầu nhiệm này được tóm kết trong mạc khải Đức Kitô, nhất là trong cái chết Thập Giá và cuộc Phục Sinh của Người. Con người vẫn không ngừng đặt ra những vấn nạn về sự dữ và đau khổ trong thế giới thụ tạo, song chắc chắn con người không thể nào tìm thấy những lời giải đáp trực tiếp được. Không thể tìm thấy sự giải đáp trực tiếp nếu không có một đức tin sống động vào Đức Giê-su Kitô.

Nhưng dần dần, với sự giúp đỡ của đức tin được nuôi duỡng bằng cầu nguyện, chúng ta có thể khám phá ra ý nghĩa đích thực của những nỗi thống khổ mà mọi con người kinh nghiệm trong đời. Sự khám phá này phụ thuộc vào lời mạc khải thần linh và vào “lời của thập giá” Đức Kitô (1Cr 1,18) – thập giá chính là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24).

Công Đồng Vatican II dạy chúng ta: “Nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô, chúng ta được soi sáng về bí ẩn của sự đau khổ và sự chết, bí ẩn này sẽ đè bẹp chúng ta nếu chúng ta không biết đến Phúc Âm” (MV 22). Nếu nhờ đức tin, chúng ta khám phá ra sức mạnh và “sự khôn ngoan” này, thì đấy là chúng ta đang bước đi trên con đường cứu độ của sự quan phòng của Thiên Chúa. Ý nghĩa của lời Thánh Vịnh bấy giờ sẽ thành hiện thực hoàn toàn đối với chúng ta:

“Chúa là mục tử chăn dắt tôi …

Dù tôi đi trong thung lũng tối tăm,

tôi vẫn không lo sợ gì,

vì có Chúa ở cùng tôi” (Tv 23,1-4).

Vâng, trong sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta nhận thấy rằng Thiên Chúa luôn sóng bước cùng với con người.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

 

 

Lời Chúa Trong Gia Đình


NGÀY 08/8

Thánh Đaminh, linh mục

1, 12-2,4; Mt 17, 14-20.

LỜI SUY NIỆM: “Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm, nhiều lần ngã vào lửa, và cũng nhiều lần ngã xuống nước. Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài chữa, nhưng các ông không chữa được”

          Trong câu chuyện người cha đem con trai mình bị bệnh kinh phong đến với các môn đệ của Chúa Giêsu để xin các ông chữa lành, nhưng sự việc đã không đem lại kết quả nào; mặc dầu vậy ông vẫn không ngã lòng; ông chờ đợi sự xuất hiện của Chúa Giêsu, khi thấy Chúa, ông đã đến trình bày cụ thể về chứng bệnh con trai mình. Và Chúa đã chữa lành cho đứa con trai của ông ta.

          Lạy Chúa Giêsu, qua câu chuyện, Chúa đòi hỏi nơi mỗi người chúng con trước mọi công việc lớn nhỏ đều phải biết cầu nguyện, chính nhờ cầu nguỵện sẽ đem lại những thành quả tốt đẹp, chứ với sức mình thì không thể làm gì được; chỉ gây thêm cho mình tính kiêu ngạo và khoe khoang.

Mạnh Phương

 

 

Gương Thánh Nhân

Ngày 08-08: Thánh ĐAMINH

Linh mục (1170 – 1221)


Thánh Đaminh sinh tại Castille, Tây Ban Nha, năm 1170. Truyện về tuổi trẻ của Ngài nói tới nhiều điềm báo lạ lùng. Mẹ Ngài, bà Aza mơ thấy con mình như một con chó ngậm đuốc chạy khắp cả thế gian. E ngại vì giấc mơ này bà làm tuần cửu nhật xin cho được sinh nở vuông tròn đến ngày thứ bảy, vị chánh sở nói với bà : – Đừng sợ gì vì đứa trẻ sinh ra sẽ trở thành ánh sáng thế gian và niềm an ủi cho Giáo hội, nhờ sự thánh thiện và giáo thuyết của nó.

Khi trẻ Đaminh còn nằm trong nôi, một bầy ong mật lượn quanh rồi êm ái đậu xuống nơi nôi Ngài. Điều này báo trước rằng lời lẽ miệng Ngài sẽ êm dịu như mật ngọt. Ngày chịu phép rửa tội, vú nuôi Ngài thấy một vì sao chói sáng trên trán Ngài. Đó là dấu ơn thánh Ngài sẽ tỏa chiếu để thu hút các linh hồn.

Được cưng chiều, thánh Đaminh sớm sống đời khổ hạnh. Ngài học hãm mình cầu nguyện khi vừa thôi nôi. Người vú nuôi nhiều lần thấy Ngài âm thầm thức dậy trong đêm tối để cầu nguyện. Ngài chọn một nơi thanh vắng ở cuối vườn làm nơi tâm sự với Chúa. Đức Trinh nữ thường hiện ra với Ngài, dạy Ngài lần chuỗi. Việc đạo đức này về sau trở thành phương thế hữu hiệu để cải hóa những người theo lạc giáo.

Đến tuổi đi học, Đaminh được gởi tới thụ giáo với ông cậu là tổng linh mục ở Gumiel. Năm 14 tuổi, Ngài theo học tại đại học ở Palencia và đã tiến triển rất nhanh về hiểu biết lẫn nhân đức. Nạn đói lan tràn nước Tây Ban Nha, một người bạn đến thăm Đaminh không thấy đồ dùng lẫn những pho sách quí đâu nữa. Ngài đã bán để giúp người nghèo khó rồi. Gương sáng này đã lôi kéo được nhiều sinh viên lẫn các giáo sư bắt chước.

Sau khi hoàn tất việc học, Đaminh được đức Chadiegô, giám mục Osma truyền chức linh mục. Vị giám mục đạo đức này đang muốn canh tân lòng đạo đức trong giáo phận, đã đặt cha Đaminh làm kinh sĩ. Khi lo chuyện nhà nước qua Châu Au, đức cha Diegô dẫn cha Đaminh đi theo. Tại Languedoc, các Ngài được chứng kiến được tàn phá mà bè rối Albigeois gây ra. Họ chủ trương rằng: mọi vật chất đều xấu và do ma quỉ. Sự hoàn thiện theo họ, hệ tại sự từ bỏ phi nhân bản để sống khắc khổ. Chủ trương này dẫn tới sự lãnh cảm. Chẳng hạn đối với việc hôn nhân và chôn vùi mọi cơ cấu xã hội gia đình. Họ còn có lễ nghi, và phẩm trật riêng. Người ta bị phân thành hai loại: một bên gồm những người hoàn thiện và những nhà lãnh đạo sống rất khắc khổ; bên kia là quần chúng tìm thấy nơi giáo thuyết mới lý do bào chữa cho sự tự do luân lý không bị kiềm chế của mình.

Trên đường về, đức cha Diegô và cha Đaminh đến Roma xin từ nhiệm để dấn thân vào cuộc truyền giáo quanh vùng Dniepen. Đức giáo hoàng Innocentê III từ lâu đã mong có người ra đi rao giảng tại miền nam nước Pháp, chống lại ảnh hưởng của bè rối Albigeois, thay vì chấp nhận lời thỉnh cầu, Đức giáo hoàng sai các Ngài tới miền nam nước Pháp. Hai người đã tới phụ lực với các sứ giả đã được sai tới trước kia. Tại Montpellier, đức cha Diegô đã nhận thấy sự khác biệt giữa các nhà giảng thuyết công giáo đầy xa hoa với các nhà giảng thuyết phái Albigeois đầy khiêm tốn giản dị. Các Ngài chọn đường lối khác, lấy khó nghèo và cầu nguyện làm gương sáng thu hút mọi người. Tháng 4 năm 1207, nhiều tu sĩ Xitô đến trợ lực. Trong vòng một năm trời, có đến 40 vị dấn thân vào hoạt động. Những thành công sơ khởi bắt đầu tới, nhưng không kéo dài được lâu. Các tu sĩ Xitô nản lòng. Đức cha Diegô trở về Tây Ban Nha kiếm thêm người trợ lực và qua đời tại đây. Một vị sự thần cũng từ trần. Tệ hại hơn cả là Phêrô Castelman, vị sự thần khác, bị bọn lạc giáo ám sát.

Còn lại mình cha Đaminh. Ngài vẫn tiếp tục nhiệt tình hoạt động trong đường lối khổ hạnh và cầu nguyện. Không chấp nhận kiểu rao giảng khua trống gióng chiêng, Ngài nói : – Không thể đến với kẻ thù như vậy được. Hãy trang bị bằng kinh nguyện và chân không mà đến với tên khổng lồ Goliath.

Trong sáu năm, cha Đaminh trải qua nhiều sóng gió, ngay khi mới tới, đức cha Diegô và Ngài đã thiết lập một cộng đoàn nữ tu tại Prouille. Bây giờ Ngài chỉ còn là trợ lực duy nhất, một ngày kia trong khi nhiệt tình cầu nguyện, thánh nhân than thở tại sao số người lạc giáo quá nhiều mà trở lại thì quá ít. Đức Trinh nữ đã hiện ra và dạy Ngài hãy rao giảng phép lần hạt Mân Côi. Vâng lời Mẹ, thánh nhân dồn nỗ lực vào việc truyền bá sự sùng kính kỳ diệu này, thay vì tranh luận như trước, Ngài dạy dân chúng hiểu phương pháp và tinh thần khi lần chuỗi. Ngài dẫn giải cho họ các mầu nhiệm thánh. Kết quả thật lạ lùng. Sau một thời gian ngắn, thánh Đaminh đã được an ủi khi thấy hơn một trăm ngàn người tội lỗi và những kẻ lạc giáo được đưa trở về với Giáo hội.

Hoàn thành sứ mệnh, thánh Đaminh có ý định thành lập một dòng tu làm vườn ươm các tông đồ. Ngài trình bày dự tính với Đức giáo hoàng Innocentê III. Nhưng đức giáo hoàng ngần ngại. Đêm sau Ngài mơ thấy đại giáo đường Lateranô bị rung chuyển và thánh Đaminh đưa vai chống đỡ bức tường cho khỏi sụp đổ. Biết ý Chúa Ngài cho gọi thánh nhân đến và chấp thuận cho lập dòng mới. Đây là dòng giảng thuyết.

Khi còn ở Roma, một đêm kia, trong lúc cầu nguyện, thánh Đaminh thấy Chúa Giêsu giận dữ muốn phóng ba ngọn đuốc xuống thiêu hủy thế gian: – Loài người lao mình vào nết xấu kiêu căng nhục dục và biển lận, nên Ta muốn hủy diệt chúng bằng 3 ngọn lửa này.

Nhưng đức trinh nữ cản lại: – Con ơi, hãy thương xót thế gian. Này đây có hai người sẽ làm sống dậy các nhân đức.

Đaminh biết mình là một, nhưng người kia là ai thì chưa rõ. Hôm sau khi đến nhà thờ Ngài gặp một tu sĩ, mặc đồ người ăn xin ngồi ngay cửa. Đó là thánh Phanxicô. Hai người chưa gặp nhau, nhưng đã ôm choàng lấy nhau và gọi tên nhau. Các Ngài hợp nhất với nhau trong công cuộc của Chúa.

Thánh Đaminh đề cao việc học, Ngài gởi các tu sĩ đến các đại học, Ngài truyền : – Chớ gì các tu sĩ chuyên cần học tập ngày đêm. Lúc ở nhà cũng như khi đi ngoài đường, họ phải không ngừng đọc sách và suy gẫm.

Thánh Đaminh rảo qua khắp nẻo trên đường giảng dạy, một thanh niên ngây ngất hỏi Ngài đã học cách nào, Ngài nói : – Hỡi con trong sách đức ái đó, sách này hơn mọi sách dạy bảo tất cả.

Một năm trước khi qua đời, các cha dòng Đaminh đã được sai tới Oxford, Hungaria, Đan Mạch và Hy lạp. Thánh Đaminh qua đời tại Bologna ngày 6 tháng 8 năm 1221.

(daminhvn.net)

 

 

08 Tháng Tám

Vị Thánh Của Kinh Mân Côi


Ðaminh, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay, mở mắt chào đời năm 1170 bên Tây Ban Nha trong một gia đình quý tộc, nhưng ngay từ nhỏ, Ðaminh đã tập quen sống hãm mình. Ngoài ra, Ðaminh có tính khẳng khái, thích làm việc có hệ thống và chú ý đến việc trau dồi kiến thức.

Khi làm linh mục, rồi kinh sĩ, Ðaminh nổi bật về lòng ngay thẳng, hăng hái và tinh thần hy sinh. Ngài cảm thấy như được Chúa gọi đi để loan báo Tin Mừng cho các bộ lạc bên nước Nga, nhưng Ðức Innocentê thứ 3 lại cử ngài đến hoạt động tại Toulouse bên Pháp, nơi những làn sóng lạc giáo đang làm lung niềm tin của nhiều người.

Ðaminh xác tín rằng: Lời giảng dạy phải đi đôi với cuộc sống. Vì thế, ngài đã lập một hội dòng, quy tụ các tu sĩ sống khó nghèo theo tinh thần Phúc Âm để có thể rao giảng, không chỉ bằng lời nói mà bằng cả cuộc sống của mình. Chính Ðaminh đã là người đầu tiên làm gương về nếp sống ấy bằng cách đi chân không, ngủ dưới đất, ăn chay và sống bằng của bố thí.

Vào năm 1216, Ðức Hônôriô thứ 3 đã phên chuẩn dòng do cha Ðaminh sámg lập mang tên “Dòng anh em giảng thuyết” thưo quy luật của thánh Augustinô, tức là dòng Ðaminh ngày nay. Thiên Chúa chỉ dành cho cha Ðaminh 5 năm vắn vỏi để chu toàn sứ mệnh của người gieo giống. Suốt thời gian này ngài đã rảo qua các nước Pháp, Italia và Tây Ban Nha để rao giảng và đã đưa nhiều người ly giáo trở về với Giáo Hội.

Trong suốt cuộc sống, Ðaminh đã nêu cao gương hy sinh và cầu nguyện. Ngoài ra, ngài còn truyền bá lòng sùng kính Ðức Maria và kinh Mân Côi, vì thế, ngài đã thành lập một dòng nữ để giúp chị em sống theo tinh thần này.

Cha Ðaminh qua đời tại Bologna bên italia ngày 06/8/1221 và chỉ 13 năm sau, vào năm 1234, Ðức Gregoriô thứ 9 tôn phong ngài lên bậc hiển thánh.

Có một câu chuyện thuật lại giấc mơ của thánh Ðaminh: Ngài thấy thế gian sắp bị án công thẳng của Thiên Chúa luận phạt, nhưng được cứu thoát nhờ lời cầu bàu của Ðức Maria. Ðức Mẹ chỉ cho Chúa Giêsu hai hình ảnh: một hình ảnh là chính Ðaminh và hình ảnh kia là một người ăn mày quần áo rách tả tơi.

Ngày hôm sau, trong lúc cầu nguyện trong nhà thờ, Ðaminh thấy người ăn mày trong mộng xuất hiện, tiến đến gần, ôm chầm Ðaminh và nói: “Anh là người đồng hành với tôi. Nếu chúng ta cùng sánh vai tiến bước, thì không quyền lực nào có thể thắng chúng ta”. Nhìn kỹ, Ðaminh nhận ra người ăn mày đó chính là Phanxicô thành Assisi.

Cuộc gặp gỡ này của hai vị sáng lập dòng vẫn được các tu sĩ Ðaminh và Phanxicô mừng mỗi năm. Vào ngày lễ kính hai thánh nhân, họ cùng nhau dâng Thánh Lễ và sau đó ngồi vào bàn để chia sẻ với nhau những tấm bánh và những lý tưởng đã làm cho Giáo Hội trở nên phong phú trong việc sống theo tinh thần Phúc Âm trải qua 7 thế kỷ nay.

Lý tưởng mà dòng Ðaminh cũng như của các dòng khác không phải chỉ để chúng ta kính phục, nhưng cũng là để chúng ta noi gương. Các tu sĩ là những người tự nguyện sống trọn những lời khuyên của Phúc Âm qua ba lời khấn: khó nghèo, thanh tinh, vâng lời. Ðó cũng là ba nhân đức mà mỗi người Kitô cũng phải thực hành tùy sức, tùy hoàn cảnh và địa vị của mình.

(Lẽ Sống)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét