Trang

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020

09-08-2020 : (phần II) CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN năm A

 

09/08/2020

 Chúa Nhật 19 Thường Niên năm A

(phần II)

 

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 19 Thường niên năm A

(1 V 19,9a.11-13a; Rm 9,1-5; Mt 14,22-33)

TIN CÓ CHÚA Ở CÙNG

Đức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Cuộc sống con người, trong đó có các môn đệ Chúa Giêsu, không luôn dễ dàng, bằng phẳng và bình yên. Những khó khăn, sóng gió, thử thách, những mệt mỏi, chán nản, thất vọng là một phần tất yếu của hành trình người môn đệ theo Thầy. Nhưng các bài đọc lời Chúa hôm nay như muốn nhắn nhủ rằng dù ở trong hoàn cảnh nào, Thiên Chúa không bỏ rơi những ai tin cậy vào Người.

1. Bài đọc 1:

Vì lòng trung thành với Đức Chúa và việc phụng thờ Ngài, ngôn sứ Êlia một mình đương đầu với mấy trăm ngôn sứ của Baal và đã chiến thắng vẻ vang (x. 1 V 18,20-40). Nhưng cuộc chiến thắng của ngôn sứ Êlia đã dẫn đến việc ông bị truy đuổi và phải chạy trốn (x. 1 V 19,1-3a). Trong cuộc chạy trốn đầy cô đơn và mệt mỏi, có lúc ngôn sứ Êlia muốn buông xuôi, nhưng lại được Đức Chúa dưỡng nuôi và thêm sức mạnh để ông có sức đi đến núi của Đức Chúa để gặp Ngài (x. 1 V 19,3b-8). Đoạn sách các Vua hôm nay tường thuật lại cuộc gặp gỡ đó, một cuộc gặp gỡ lạ kỳ.

Trước hết, đối với dân Israel, Thiên Chúa là Đấng uy nghi, cao cả nên những lần Ngài xuất hiện thường đi kèm với tiếng sấm chớp, mây mù, gió bão, núi đồi rung chuyển làm cho dân chúng sợ hãi (x. Xh 19, 16-19). Tuy vậy, Thiên Chúa tỏ hiện cho ngôn sứ Êlia không ở trong gió bão, không ở trong cơn động đất, cũng không ở trong ngọn lửa, mà theo sau ngọn gió hiu hiu. Thiên Chúa quyền năng, uy nghi, đáng sợ lại tỏ mình ra cách thân thương, dịu dàng. Chắc hẳn Thiên Chúa biết vị ngôn sứ vừa trải qua một cuộc chạy trốn đầy hiểm nguy và mệt mỏi nên cần được ủi an, vỗ về, nâng đỡ để có sức hoàn tất sứ mạng ngôn sứ của mình. Quả thật, sau cuộc gặp gỡ này, ngôn sứ Êlia được Thiên Chúa ủy thác thi hành sứ vụ sau cùng trước khi chuyển giao sứ mạng ngôn sứ lại cho môn đệ (x. 1 V 19, 15-21).

Sau nữa, ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt (x. St 32, 31; Xh 33, 11), dân Chúa không thể nhìn thấy dung nhan Người mà vẫn còn sống (x. Xh 33, 20-23; Tl 6, 22-33). Giữa Thiên Chúa của Cựu Ước và con người vẫn có một khoảng cách rất lớn; và ngôn sứ Êlia cũng không phải là ngoại lệ khi ông phải lấy áo choàng che mặt khi Thiên Chúa đi qua. Hiểu được sự cách biệt giữa Thiên Chúa và con người theo quan điểm Cựu Ước để nhận ra tình yêu và sự quan phòng tuyệt vời của một Thiên Chúa làm người trong Tân Ước, một Thiên Chúa cắm lều giữa lòng nhân loại (x. Ga 1, 14), một Thiên Chúa ở giữa các môn đệ trong cơn gió bão để an ủi và thêm sức mạnh cho các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (x. Mt 14,27).

2. Bài đọc 2:

Thánh Phaolô phải đau đớn nhìn nhận một sự thật là dù dân Israel đã được Thiên Chúa tuyển chọn ngay từ đầu để chuẩn bị cho công trình cứu độ, nhưng phần nhiều trong số họ lại khước từ Tin Mừng, không tin Đức Kitô là Đấng Cứu Độ.

Trước hết, vì là con cháu của các tổ phụ, dân Israel đã được Thiên Chúa nhận làm con, được phúc thấy vẻ uy phong và quyền năng của Ngài; họ còn được Thiên Chúa ký giao ước và ban cho lề luật; đồng thời, họ còn có một nền phụng tự bài bản cùng với các lời hứa của Thiên Chúa. Và điều quan trọng hơn cả là Đức Kitô, xét theo huyết thống cũng cùng một giống nòi với họ, nhưng họ lại không tin Người là Con Thiên Chúa và không đón nhận Tin Mừng cứu độ mà Đức Kitô mang đến. Như thế, những đặc ân mà Thiên Chúa dành riêng cho dân được tuyển chọn là Israel không thể bảo đảm cho họ được ơn cứu độ nếu họ thiếu đi điều căn bản là đức tin vào Chúa Giêsu.

Sau nữa, thánh Phaolô thừa nhận nỗi khổ tâm và sự day dứt tột cùng khi những người đồng bào mình lại chối từ Đức Kitô. Với tấm lòng mục tử, thánh nhân ước sao ngài có thể trả một cái giá thật đắt, thậm chí bị nguyền rủa lìa xa Chúa Kitô, thì ngài cũng cam lòng chấp nhận miễn sao những người đồng bào tin nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Tuy vậy, thánh Phaolô phải chấp nhận sự thật phũ phàng về sự cứng lòng tin của những đồng bào mình, để rồi nhìn ra một niềm hy vọng mới dành cho dân ngoại. Sự cứng lòng không đón nhận Đức Kitô của dân Israel là cơ hội để dân ngoại được mời gọi đón nhận Tin Mừng (x. Rm 9,25-33).

3. Bài Tin Mừng:

Ngay sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu liền hối thúc các môn đệ lên thuyền qua bờ bên kia trong khi Người giải tán đám đông và lên núi cầu nguyện một mình. Những vất vả, khó khăn của các môn đệ khi vượt biển là cơ hội để các ông thêm một lần nữa nhận ra uy quyền của Đức Giêsu.

Thật vậy, khi đã đi xa khỏi bờ, thuyền các ông “bị sóng đánh vì ngược gió”. Là những ngư phủ lành nghề, việc gặp sóng gió khi chèo thuyền vượt biển là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, theo ngôn ngữ biểu tượng trong Kinh Thánh, biển như một sức mạnh của sự dữ nên việc các môn đệ “bị sóng đánh ngược vì gió” trong đêm tối không đơn giản chỉ là chuyện chèo thuyền vượt biển trong gió bão. Đúng hơn, hình ảnh sóng gió là biểu tượng của việc các ông đang phải vật lộn với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống làm môn đệ Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn, vất vả, thử thách mà các môn đệ đang phải trải qua. Người nhìn thấy sự mong manh, yếu đuối của các ông khi đứng trước sức mạnh của sự dữ. Người nhìn thấy sự cô đơn, trống vắng trong tâm hồn các ông khi phải một mình chống chọi với sức mạnh của sự dữ mà không có sự hiện diện của Thầy. Người không bỏ mặc nhưng đến với các ông vào canh tư đêm tối khi các ông đã quá mệt mỏi, rã rời, kiệt sức, lúc các ông thật sự cần Người nhất. Người đến với các môn đệ để các ông có thêm động lực mà phấn đấu, mà cố gắng trong cuộc vật lộn với sức mạnh của bóng tối.

Tuy vậy, khi Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến cùng các môn đệ, thì các ông lại không nhận ra Người; các ông không dám tin đó là Chúa Giêsu. Phải chăng khi quá mệt mỏi và cô đơn, mắt các ông như bị mờ đi? Hay vì các ông vẫn chưa thật sự nhận ra và tin cách chắc chắn vào uy quyền của Chúa Giêsu, ngay cả khi các ông vừa chứng kiến Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh và cá để nuôi đám đông dân chúng? Hay các ông vẫn sợ sức mạnh của biển dữ, sóng gầm, hơn là tin vào uy quyền của Chúa Giêsu? Lời trách móc và cũng là lời cảnh tỉnh của Chúa Giêsu: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” giúp thánh Phêrô và các môn đệ nhìn rõ mình hơn, thấy đức tin của mình còn mong manh, để các ông không dựa vào sức riêng của mình, nhưng biết dựa vào Chúa Giêsu, biết kêu cầu danh Người để được Người đỡ nâng: “Thưa Ngài, xin cứu con với!”.

Sau cùng, khi Thầy trò đã lên thuyền thì gió lặng ngay. Nơi đâu có Chúa Giêsu thì sức mạnh của bóng tối, của sự dữ không thể đe dọa các môn đệ. Khi các môn đệ có Chúa Giêsu ở cùng, ở bên, ở giữa, thì quyền lực của biển cả, của đêm đen không thể làm hại các ông. Nơi đâu có Chúa Giêsu, ở đó có sự an toàn, bình yên. Những ai đặt niềm tin vững vàng vào Chúa Giêsu thì luôn được an bình; bình an không vì vắng bóng những bất trắc, khổ đau, thử thách nhưng an bình vì luôn có Chúa Giêsu ở cùng.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG:

1/ Vì lòng trung thành với Thiên Chúa mà ngôn sứ Êlia đã can đảm đối đầu với các ngôn sứ của thần Baal để rồi sau đó phải trốn chạy để bảo toàn mạng sống. Trong khi ngôn sứ mệt mỏi, kiệt sức thì Thiên Chúa ban cho ông thức ăn để ông có sức đi tới núi của Đức Chúa để gặp Ngài. Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa “trong cơn gió hiu hiu” đầy nhẹ nhàng và an ủi đã giúp ngôn sứ lấy lại tinh thần để tiếp tục sứ vụ Thiên Chúa trao. Mọi cuộc gặp gỡ thật sự với Thiên Chúa luôn là nguồn sức mạnh và là sự an ủi cho những ai tin tưởng và cậy trông nơi Người. Đó là kinh nghiệm của ngôn sứ Êlia và cũng nên là kinh nghiệm của mỗi Kitô hữu trong cuộc sống hôm nay.

2/ Thánh Phaolô phải đau lòng mà nhìn nhận một thực tế rằng dù dân Israel đã được Thiên Chúa tuyển chọn ngay từ đầu để chuẩn bị cho công trình cứu độ; họ đã được Thiên Chúa ban cho nhiều đặc ân như lời hứa, giao ước, lề luật, một nền phụng tự và chính Đức Giêsu phát xuất từ giữa họ nhưng phần nhiều trong số họ lại khước từ Tin Mừng, không tin Đức Kitô là Đấng Cứu Độ. Nhận được nhiều đặc ân và sự ưu ái từ Thiên Chúa không đương nhiên miễn cho người ta một thái độ đức tin vào Đức Kitô là Đấng Cứu Độ.

3/ Khi các môn đệ đang phải vất vả chèo chống vì sóng gió giữa biển thì Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các ông nhưng các ông không tin đó là Người. Chúa Giêsu truyền cho ông Phêrô đi trên mặt biển mà đến với Người nhưng ông đã chìm vì không đủ đức tin. Dù mới được chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều, nhưng các môn đệ vẫn chưa vững tin vào quyền năng của Chúa Giêsu. Chỉ khi Chúa Giêsu bước lên thuyền và sóng yên biển lặng, các môn đệ mới hoàn toàn xác tín và bái lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Cũng như các môn đệ, mỗi Kitô hữu ngày nay cũng cần lắm một đức tin trưởng thành vào Chúa Giêsu giữa cuộc sống đầy bấp bênh và thách đố này.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG:

Chủ tếAnh chị em thân mến! Thiên Chúa là Đấng quyền năng cao cả, Người luôn hiện diện giữa những thăng trầm cuộc sống của con người và sẵn sàng đưa tay nâng đỡ, ngay cả khi chúng ta không nhận biết Người. Với trọn niềm tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lời cầu xin.

1. Chúa Giêsu luôn dành thời gian để gặp gỡ Chúa Cha qua việc cầu nguyện. Chúng ta cùng cầu xin cho Đức Giáo hoàng Phanxicô, các Giám mục và Linh mục, kín múc được thật nhiều sức mạnh và ơn khôn ngoan qua việc cầu nguyện, để luôn can đảm chèo chống con thuyền Hội Thánh giữa muôn ngàn sóng gió.

2. Nhiều người đã tin nhận Chúa Giêsu: “Quả thật, Thầy là Con Thiên Chúa.” Chúng ta cùng cầu xin cho những ai đang bị bách hại hoặc khủng hoảng đức tin, được Chúa Thánh Thần soi sáng và nâng đỡ, luôn vững lòng trông cậy vào tình thương và quyền năng của Chúa, để mau chóng vượt qua sóng gió và vui sống bình an.

3. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!” Chúng ta cùng cầu xin cho đồng bào tại những vùng dịch cùng tất cả những ai đang lo lắng vì ảnh hưởng của dịch bệnh, luôn bình tĩnh đối diện với hoàn cảnh, được nhiều người cảm thông trợ giúp, để thêm xác tín vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.

4. Ông Phêrô thưa với Chúa: “xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Thầy.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn nhiệt thành dấn thân trong các hoạt động tông đồ và bác ái, dám chấp nhận mọi khó khăn nguy hiểm để đến gần Chúa cũng như đưa người khác đến với Chúa.

Chủ tếLạy Chúa, chỉ có Chúa là nguồn ủi an và chốn tựa nương đích thực cho chúng con giữa bão tố thế gian. Xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện cùng giúp chúng con biết vững lòng tin tưởng và phó thác cuộc đời cho Chúa, để luôn an vui tiến bước trên hành trình đức tin. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

https://tgpsaigon.net/bai-viet/phung-vu-loi-chua-chua-nhat-19-thuong-nien-nam-a-48088

 

 

Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 19 TN Năm A

CHỦ ĐỀ :

SỐNG TRƯỚC SỰ HIỆN DIỆN
UY QUYỀN CỦA THIÊN CHÚA


“Chính Thầy đây. Đừng sợ” (Mt 14,27)

 

Sợi chỉ đỏ :

– Bài đọc I : Thiên Chúa hiện ra cách uy nghiêm cho ngôn sứ Êlia trên núi Horeb.

– Tin Mừng : Các môn đệ đang sợ hãi vì gặp bão. Đức Giêsu hiện ra ban cho các ông bình an.

 

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Cuộc sống của chúng ta rất tất bật, bon chen, cực nhọc… Chúng ta cảm thấy mình như bị cuốn hút vào một dòng chảy liên tục, không ngơi nghỉ… Vì thế, có một khoảng thời gian bình lặng như Thánh lễ mỗi ngày Chúa nhựt như thế này thì thật là bổ ích : chúng ta vừa có dịp bình tâm lại, vừa được nghe Lời giáo huấn của Chúa, lại vừa được múc lấy nghị lực từ nơi Chúa, như lời Ngài đã nói “Hỡi những ai lao nhọc, hãy đến với Ta, các ngươi sẽ tìm được sự ngơi nghỉ”.

Chúng ta đã đến với Chúa. Xin Chúa cho chúng ta được nghỉ ngơi và bồi dưỡng.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Chúa luôn hiện diện bên cạnh chúng ta, nhưng rất ít khi chúng ta nhớ tới Ngài.

– Chúa sẵn sàng giúp đỡ ta, nhưng ít khi chúng ta xin Ngài giúp.

– Nhiều lần chúng ta làm những điều xấu ngay trước mặt Chúa khiến Chúa phải buồn.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (1 V 19,9.11-13)

Thời vua Acáp đang trị vì vương quốc Israel, hoàng hậu Giêsaben một mặt đem việc thờ phượng các thần Baal vào nước, mặt khác tích cực bách hại các ngôn sứ của Yavê. Ngôn sứ Eâlia vì dám đương đầu với Bà cho nên bị bà truy nã ráo riết. Ông phải chạy trốn lên núi Horép. Ở đó Thiên Chúa đã hiện ra với Ông và thêm sức cho ông.

Đoạn trích này mô tả Thiên Chúa như là Đấng vô hình nhưng rất gần gũi và hùng mạnh : Eâlia không nhìn thấy Ngài, nhưng ông biết Ngài đang hiện diện bên cạnh ông qua một làn gió hiu hiu.

2. Đáp ca (Tv 84)

Thiên Chúa hiện diện gần gũi con người qua Lời giáo huấn, qua ơn cứu độ, qua lòng từ bi… của Ngài.

3. Tin Mừng (Mt 14,22-33)

Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều (Tin Mừng Chúa nhựt tuần trước), Đức Giêsu giục các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia Biển Hồ. Còn Ngài thì ở lại giải tán dân chúng, rồi lên núi cầu nguyện một mình.

Đến chiều, thuyền các môn đệ gặp bão lớn, các ông vô cùng sợ hãi.

Chính lúc đó Đức Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các ông. Ban đầu các ông tưởng là ma nên càng sợ hơn nữa. Nhưng khi đã nhận biết đó là Thầy mình thì các ông bình an trở lại và tuyên xưng “Thật Thầy là Con Thiên Chúa”.

4. Bài đọc II (Rm 9,1-5) (Chủ đề phụ)

Phaolô là một nhà truyền giáo nhiệt thành. Tuy nhiên ông cảm thấy hầu như bất lực trong việc làm cho những đồng bào do thái của ông tin vào Đức Giêsu Kitô : “Tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn”.

Vì yêu thương đồng bào và tha thiết với sự cứu rỗi của đồng bào, ông dám hy sinh tất cả : “Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Đức Kitô vì phần ích của anh em tôi”.

Nhưng dù sao ông vẫn hy vọng rằng cuối cùng dân do thái sẽ tin, bởi vì dù sao họ cũng “được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang giao ước, lề luật, việc phượng tự và lời hứa”.

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. Tin lúc an bình và khi gặp sóng gió

Hai hình ảnh về một lòng tin đã được thánh Mátthêu nối kết với nhau, như một đối trọng, nói lên sự hiện diện của “Thiên Chúa ở cùng” luôn là điều cần thiết cho các môn đệ năm xưa, cũng như cho mỗi người chúng ta hôm nay. Lòng tin của chúng ta vào Thiên Chúa như một mặt hồ phản chiếu. Có những lúc phẳng lặng trong suốt soi rõ những vẻ đẹp thiên nhiên. Nhưng nhiều khi chỉ một làn gió nhẹ làm gợn sóng, mặt hồ liền xao động, bao nhiêu vẻ đẹp đều tan biến.

Nhìn lại những thăng trầm cuộc đời, mỗi khi chúng ta được sống trong bầu khí an vui, được hài lòng với mọi sở nguyện, chúng ta dễ dàng xác tín và cảm nhận mạnh mẽ sự quan phòng của Chúa. Thế nhưng khi gặp phải những khó khăn thử thách, những điều bất ưng, những nghịch cảnh – như các môn đệ xưa giữa cơn sóng gió – chúng ta cũng dễ dàng hoang mang lo sợ và không nhận ra Ngài. Bởi lẽ chúng ta đã quá lo lắng về cuộc sống và chỉ biết tự lo liệu lấy một mình. Nhưng “Phúc thay ai bước đi không phải nhờ cái nhìn, mà nhờ sự phó thác của niềm tin” (Sh Roger). Quả thật, lòng tin của chúng ta đã nhiều lúc yếu ớt, mong manh – một khi chúng ta không biết tín thác vào Đức Kitô để có sự bình an, không cùng chia xẻ con đường thập giá, như một phương tiện để hưởng nhờ vinh quang với Ngài.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đón nhận thử thách như những cơ hội để trưởng thành lòng tin. Và xin cho chúng con luôn suy gẫm lời dạy của Thánh Bênađô : “Khi bạn được tràn đầy ơn phúc thì chớ có nói ‘Không gì làm tôi nao núng’. Như thế bạn sẽ không phải rên siết : Chúa vừa dấu tôn nhan, lòng tôi đã bàng hoàng” (Mai Chi, báo CgvDt, số đặc biệt Giáng sinh ’95, trang 228-229)

2. Sợ và Tin

Tâm trạng và cảm xúc của Phêrô trong bài Tin Mừng này cho ta thấy liên hệ giữa Sợ và Tin :

– Ban đầu khi thuyền gặp bão và không có Đức Giêsu trong thuyền thì Phêrô và tất cả các môn đệ khác đều sợ.

– Đến khi nhận ra cái bóng kia đang đi trên mặt nước là Đức Giêsu thì Phêrô tin, dám xin Thầy cho mình cũng bước trên mặt nước được như Thầy.

– Nhưng khi thấy sóng to gió lớn, đức tin của ông suy giảm, ông liền sợ và bắt đầu chìm.

– Lúc đó ông nhớ tới Chúa, giục lòng tin lại và kêu xin “Lạy Thầy, xin cứu con”. Đức Giêsu đưa tay nắm lấy ông. Ông không còn sợ nữa.

– Cuối cùng khi Thầy trò đã ở trên thuyền, Phêrô và các môn đệ không sợ nữa, họ tuyên xưng đức tin “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa”.

Bài học ở đây là : Chúng ta sợ khi chúng ta không tin hay khi đức tin yếu kém ; nhưng khi tin thì không còn sợ nữa.

3. Những người đi trên mặt nước

Đức tin không bảo đảm cho người tin khỏi gặp sóng gió, nhưng thêm sức cho người ấy có thể bước đi trên mặt nước giữa sóng gió tơi bời.

Hiểu như thế thì không phải chỉ một mình Phêrô, mà còn rất nhiều người có thể đi trên mặt nước :

– A là một sinh viên sống xa gia đình và ở nhà trọ. Sáng Chúa nhật, trời lạnh, chăn ấm. A không muốn ngồi dậy đi lễ. Vả lại anh cũng ngại bị những bè bạn ngoại đạo thấy anh đi lễ và chê cười anh còn mê tín dị đoan. Sau vài phút dằng co, A cương quyết tung chăn ngồi lên chuẩn bị đi lễ. Nghĩa là A bắt đầu bước đi trên mặt nước, bất chấp sóng gió của cơn mê ngủ và sự dị nghị của bạn bè.

– B là một cô gái độc thân, sau một lần nhẹ dạ đã phải mang thai. Nếu gia đình hay được, nếu hàng xóm biết được thì… ôi thôi, cô không dám nghĩ tiếp. Cô định đi phá thai. Nhưng rồi Cô can đảm giữ lại bào thai ấy. B cũng đang bước đi trên mặt nước bất chấp bao sóng gió phũ phàng của dư luận.

– C là một cảnh sát. Một tên bán ma túy hứa cho anh một số tiền lớn, chỉ cần anh làm ngơ cho việc làm của hắn ; nếu không hắn sẽ sai đồng bọn đến tính sổ với anh. Nhưng anh cương quyết chối từ. C cũng đang đi trên mặt nước, đi ngược với sức quyến rũ của đồng tiền và sóng gió của đe dọa.

Chúng ta còn có thể nghĩ ra thêm rất nhiều thí dụ khác, trong đó có thí dụ hợp với hoàn cảnh của chính mình. Quả thật, nếu có đức tin sống động, ai cũng có thể bước đi trên mặt nước giữa bao sóng gió của cuộc đời.

4. Chúa hiện diện trong làn gió hiu hiu

Cách viết của tác giả bài đọc I (1V 19,9a.11-13a) hàm chứa một bài học sâu sắc về sự hiện diện của Chúa : Khi ngôn sứ Eâlia đứng trong một hốc núi Horép, ông thấy một luồng gió mạnh xé núi xé non, nhưng Chúa không ở trong đó ; ông lại thấy một cơn bão rất mạnh làm cho đất bị động, nhưng Chúa không ở trong bão ; ông còn thấy lửa, nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Cuối cùng ông thấy một làn gió hiu hiu, ông được soi sáng cho biết có Chúa ở trong đó, ông liền cung kính lấy khăn che mặt lại để bước ra khỏi hang diện kiến Thiên Chúa.

Bài học là : Thiên Chúa không thích hiện diện trong những thứ ồn ào, uy phong, vĩ đại. Ngài thường hiện diện cách êm ả, âm thầm và nhẹ nhàng trong cái rất bình thường của đời thường.

Chúng ta không nhận ra được sự hiện diện của Chúa bởi vì chúng ta cứ mãi tìm Ngài trong những sự phi thường.

5. Chuyện minh họa

a/ Nếu tin, hãy buông tay ra

Một người vô thần rất mê leo núi. Ngày kia trượt chân té ngã lăn từ đỉnh núi xuống. Nhưng may thay ông bám được một cành cây nằm chơ vơ giữa đỉnh cao và vực thẳm. Giữa lúc chỉ còn biết chờ chết, một ý nghĩ chợt đến với ông : Tại sao không gọi Chúa đến cứu giúp. Thế la lấy hết sức lực, người vô thần la lớn : “Lạy Chúa”. Tuy nhiên bốn bề chỉ có thinh lặng và ông chỉ nghe được tiếng dội của lời kêu van. Một lần nữa, người vô thần lại kêu xin tha thiết hơn : “Lạy Chúa, nếu quả thật Chúa hiện hữu thì xin hãy cứu con. Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho những người khác cũng tin Chúa.” Sau một hồi thinh lặng, bỗng người vô thần nghe một tiếng vang dậy cả vực thẳm và núi cao : “Gặp hoạn nạn thì ai cũng cầu xin như thế.” “Không, lạy Chúa, nghìn lần không. Con không giống như những người khác. Chúa không thấy sao, con đã bắt đầu tin từ khi nghe tiếng Chúa phán. Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con sẽ cao rao danh Chúa cho đến tận cùng trái đất.” Tiếng ấy trả lời : “Được lắm, Ta sẽ cứu ngươi. Vậy nếu ngươi tin thì hãy buông tay ra.” Người vô thần thất vọng thốt lên : “Buông tay ra ư, bộ Chúa tưởng tôi điên sao !” (Trích “Món quà giáng sinh”)

b/ Đức tin lớn lao

   Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hi vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà hỏi :

– Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao ?

– Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao.

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Thiên Chúa là Cha hay thương xót. Người luôn trợ giúp chúng ta dang lúc chúng ta cần. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.

1- Con thuyền Hội Thánh thường gặp nhiều phong ba bão táp / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho con thuyền Hội Thánh / luôn được an toàn giữa biển trần gian.

2- Hiện nay / có biết bao kẻ chịu thiệt thòi do nạn kỳ thị chủng tộc / màu da / ngôn ngữ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người / biết tôn trọng quyền lợi / và phẩm giá của những anh chị em ấy.

3- Đời sống khó khăn / lại gặp nhiều thất bại hay đau khổ / khiến một số kitô hữu chán nản thất vọng / mất niềm tin vào Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những t1in hữu đang gặp thử thách luôn hiểu rằng / chỉ có Chúa mới giúp họ đạt được thành công và hạnh phúc.

4- Đức Giêsu đã nói / “Anh em đừng xao xuyến / nhưng hãy tin vào Thầy” / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết luôn tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Chúa / giữa muôn vàn thử thách gian nan trong cuộc sống thường ngày.

CT : Lạy Chúa, cuộc sống chúng con thường ngày có quá nhiều buồn phiền và đau khổ, khiến lắm khi chúng con ngã lòng trông cậy. Vậy xin Chúa thương ban ơn trợ giúp, để dù gặp nghịch cảnh đến đâu đi nữa, chúng con vẫn luôn gắn bó và tin yêu Chúa. Chúng con cầu xin…

VI. TRONG THÁNH LỄ

– Trước kinh Lạy Cha : Thiên Chúa là Cha luôn hiện diện bên cạnh ta, lúc nào Ngài cũng thấy ta và nghe tiếng ta. Vậy chúng ta hãy cùng nhau dâng lên Ngài lời kinh Lạy Cha.

– Sau kinh Lạy Cha : “… xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được luôn bình an, thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp…”

VII. GIẢI TÁN

Thực là sung sướng khi được biết Chúa yêu thương luôn hiện diện bên cạnh chúng ta. Chúng ta hãy sống với Ngài, làm việc với Ngài và kết hợp tâm tình cùng Ngài trong mọi việc, mọi lúc và mọi nơi.

https://gpcantho.com/soi-chi-do-chua-nhat-19-tn-nam-a/

 

 

Lectio Divina: Chúa Nhật XIX Thường Niên (A)

Chủ Nhật 9 Tháng Tám, 2020

Lectio Divina | Lectio Divina Năm A

Đức Giêsu đi trên mặt nuớc

Mt 14:22-33


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, cuộc sống con đang trải qua cơn bão táp, những ngọn gió vị kỷ đẩy con tới nơi con không muốn đến, nhưng con không thể cưỡng chống lại được sức mạnh của chúng.  Con thì yếu đuối và bị tước mất mọi sức lực.  Chúa là nguồn năng lượng ban cho con sự sống.  Chúa là nguồn an ủi của con, là sức mạnh và là lời khẩn nguyện của con.  Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, xin mặc khải cho con ý nghĩa của Kinh Thánh, xin ban cho con lần nữa sự bình an, sự thanh thản và hoan lạc của cuộc sống.

 2.  Bài Đọc 

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Chúa Giêsu và các môn đệ đang ở bên bờ hồ, màn đêm buông xuống, sau khi Chúa làm cho bánh hóa ra nhiều.  Một phần của đoạn Tin Mừng cũng được tìm thấy trong sách Tin Mừng của Máccô (6:45-52) và sách của Gioan (6:16-21).  Cảnh ông Phêrô đi trên nước (các câu 28-32) chỉ được tìm thấy trong sách Mátthêu.  Một số nhà bình luận cho rằng đó là một vấn đề về việc Chúa Giêsu hiện ra sau khi Phục Sinh (Lc 24:37).  Đó là sự báo trước cho những khó khăn của Giáo Hội và nhu cầu cho một đức tin lớn hơn về Chúa Giêsu Phục Sinh.

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng:

Mt 14:22-23:  liên quan đến việc bánh hóa ra nhiều

Mt 14:24-27:  Chúa Giêsu đi trên mặt biển

Mt 14:28-32:  cảnh ông Phêrô

MT 14:33:  lời tuyên xưng đức tin

c)  Phúc Âm:  

 

22 Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục các môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng.  23 Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình.  Đến chiều tối, Người vẫn ở đó một mình, 24 còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.  25 Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông.  26 Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng:  “Ma kìa” và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng.  27 Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng:  “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ.”  28 Phêrô thưa lại rằng:  “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy.”  29 Chúa phán:  “Hãy đến.”  Phêrô xuống khỏi thuyền bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu.  30 Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng:  “Lạy Thầy, xin cứu tôi.”  31 Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói:  “Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?”  32 Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng.  33 Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng:  “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!”

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Ước ao giữ im lặng và lắng nghe tiếng Chúa.

Một vài câu hỏi gợi ý:

Trong những khoảnh khắc đen tối và bão tố nội tâm, tôi phản ứng như thế nào?  Sự hiện diện và sự thiếu vắng của Chúa đã được tổng hợp trong tôi như thế nào?  Việc cầu nguyện cá nhân và tâm tình với Chúa hiện diện ở nơi nào trong tôi?

Chúng ta cầu xin gì với Chúa trong đêm đen?  Một phép lạ, để Người cứu chúng ta?  Một đức tin mạnh mẽ hơn?  Trong trường hợp tương tự như ông Phêrô, tôi sẽ có thái độ như thế nào?

4.  Suy Niệm

Lời dẫn giải tóm tắt

22 Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục các môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. 

Việc bánh được hóa ra nhiều (14:13-21) có thể đã khiến trong lòng các môn đệ sự mong đợi chiến thắng vinh hiển của Nước Thiên Chúa.  Vì thế, Chúa Giêsu giục các môn đệ rời khỏi nơi ấy ngay.  Người “bắt buộc”, thường là một động từ có ý nghĩa mạnh mẽ.  Dân chúng ca ngợi Chúa Giêsu như một vị Tiên Tri (Ga 6:14-15) và ước muốn khiến Người trở thành một người lãnh đạo chính trị.  Các môn đệ dễ bị lôi cuốn vào việc này (Mc 6:52; Mt 16:5-12), họ có nguy cơ để cho mình bị lôi cuốn bởi sự nhiệt thành của dân chúng.  Các môn đệ phải từ bỏ tình trạng này.

23 Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình.  Đến chiều tối, Người vẫn ở đó một mình.

Chúa Giêsu nhận thấy Người đứng trước một tình huống trong đó đám đông người Galilê trở nên nhiệt tình vì phép lạ và có nguy cơ không hiểu Sứ Vụ của Người.  Vào thời điểm rất quan trọng này, Chúa Giêsu thu mình trong lời cầu nguyện một mình, trong vườn Cây Dầu (Mt 26:36-46).

24 còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.

Trong câu Tin Mừng này, khi con thuyền được nhắc đến, không có Đức Giêsu, trong sự nguy nan, có thể  được xem như gần với câu 32 sự nguy nan chấm dứt khi Chúa Giêsu và Phêrô bước chân vào trong thuyền.  

25 Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông.

Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ của mình trong một cách phi thường.  Người vượt qua những hạn chế của loài người, Người có thẩm quyền tác tạo.  Người hành động như chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm được (Gióp 9:8; 38:16).

26 Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng:  “Ma kìa” và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. 

Các môn đệ đang chống chỏi với thuyền ngược gió, các ông đã sống qua một ngày rất đáng ghi nhớ và giờ đây là một đêm thức trắng.  Vào ban đêm (khoảng từ ba đến sáu giờ sáng), ngay giữa biển, các ông đã hoảng sợ khi thấy có người đang tiến tới về phía mình.  Các ông đã không nghĩ đó có thể là Đức Giêsu.  Nhãn quan của các ông quá ư là con người, và các ông tin vào ma quỷ (Lc 24:37).  Tuy nhiên Chúa Phục Sinh đã khống chế được những chao đảo hiện diện bởi những đợt sóng của biển cả.

27 Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng:  “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ!”

Sự hiện diện của Đức Giêsu xua tan tất cả những nỗi sợ hãi (9:2-22).  Bằng lời nói “Thầy đây”, Chúa nói lên danh tính của Người (Es 3:14) và thể hiện quyền năng của Thiên Chúa (Mc 14:62; Lc 24:39; Ga 8:58; 18:5-6).  Sợ hãi được khắc phục bởi đức tin.

28 Phêrô thưa lại rằng:  “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy.”

Ông Phêrô có vẻ như muốn có thêm một lời xác nhận nữa về sự hiện diện của Chúa Giêsu.  Ông cầu xin một phép lạ. 

29 Chúa phán:  “Hãy đến.”  Phêrô xuống khỏi thuyền bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, ông Phêrô đã sẵn sàng để chấp nhận rủi ro, bước ra khỏi thuyền và thử đi trên mặt nước trong lúc đang bị các con sóng và gió to đánh chập chờn (câu 24).  Ông chấp nhận sự rủi ro vì tin tưởng vào Lời Chúa: “Hãy đến”.

30 Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng:  “Lạy Thầy, xin cứu tôi.” 

Lòng kiên trì cũng thật cần thiết trong sự chọn lựa đức tin.  Các cơn gió ngược thì rất nhiều, và có nguy cơ làm nhận chìm ông.  Lời cầu nguyện nài van đã cứu ông. 

31 Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói:  “Người hèn tin, tai sao mà nghi ngờ?”

Phêrô đã không bị bỏ rơi trong sự yếu đuối của ông.  Trong cơn bão táp của đời sống người Kitô hữu, chúng ta không đơn độc.  Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta ngay cả những khi dường như Người vắng mặt và không ra tay.

32 Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng.

Ngay khi Chúa Giêsu lên thuyền thì các quyền lực của sự dữ tan biến.  Các quyền lực của địa ngục sẽ không khống chế được điều ấy.

33 Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng:  “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!”

Giờ đây là lúc tuyên xưng đức tin đã được chuẩn bị trong các thời gian trước với việc bánh hóa ra nhiều, được thanh tẩy với kinh nghiệm phát xuất từ Bánh Hằng Sống (Ga 6:1-14).  Bấy giờ Phêrô cũng có thể xác nhận anh em ông trong đức tin, sau cuộc thử thách.  

5.  Dành cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn trong bài Tin Mừng

Đức Giêsu, con người của cầu nguyện

Chúa Giêsu cầu nguyện trong sự cô tịch và vào ban đêm (Mt 14:23; Mc 1:35; Lc 5:16), trong bữa ăn (Mt 14:19; 15:36; 26:26-27).  Vào các dịp có việc quan trọng:  chịu Phép Rửa (Lc 3:21), trước khi tuyển chọn Nhóm Mười Hai (Lc 6:12) trước khi giảng dạy cách cầu nguyện (Lc 11:1; Mt 6:5), trước khi tuyên xưng mình là Đấng Kitô của Thiên Chúa (Lc 9:18); trong lúc Biến Hình (Lc 9:28-29), trong vườn Cây Dầu (Mt 26:36-44), trên Thập Giá (Mt 27:46; Lc 23:46).  Người cầu nguyện cho những kẻ hành quyết Người (Lc 23:34); cho Phêrô (Lc 22:32), cho các môn đệ và cho những kẻ sẽ theo Người (Ga 17:9-24).  Người cũng cầu nguyện cho chính mình (Mt 26:39; Ga 17:1-5; Dt 5:7).  Người dạy cách cầu nguyện (Mt 6:5).  Người bày tỏ mối quan hệ trường cửu với Chúa Cha (Mt 11:25-27), biết chắc rằng Chúa Cha sẽ không bao giờ bỏ Người trơ trọi một mình (Ga 8:29), và luôn luôn nghe lời Chúa Cha (Ga 11:22-42; Mt 26:53).  Người đã hứa (Ga 14:16) sẽ tiếp tục cầu bầu trên thiên đàng (Rm 8:34; Dt 7:25; 1Ga 2:1).

6.  Cầu Nguyện:  Thánh Vịnh 33

Tôi sẽ không ngừng chúc tụng CHÚA,
câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.


Linh hồn tôi hãnh diện vì CHÚA
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.

Hãy cùng tôi ngợi khen ĐỨC CHÚA,
ta đồng thanh tán tụng danh Người.

Tôi đã tìm kiếm CHÚA, và Người đáp lại,
giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.

Ai nhìn lên CHÚA sẽ vui tươi hớn hở,
không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi.

Kẻ nghèo này kêu lên và CHÚA đã nhậm lời,
cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn.

Sứ thần của CHÚA đóng trại chung quanh
để giải thoát những ai kính sợ Người.

Hãy nghiệm xem CHÚA tốt lành biết mấy:
hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!

Kính sợ CHÚA đi, đoàn dân thánh hỡi,
vì ai kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi.

7.  Chiêm Niệm

Lạy Chúa Giêsu, đôi khi chúng con có đầy sự nhiệt tình và quên rằng Chúa là nguồn mạch sự hân hoan của chúng con:  trong những giờ khắc đau buồn chúng con đã không tìm kiếm Chúa hoặc chúng con chỉ muốn sự can dự kỳ diệu của Chúa.  Giờ đây chúng con biết rằng Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng con, và chúng con không nên sợ hãi.  Sự cầu nguyện cũng là sức mạnh của chúng con.  Xin Chúa hãy gia tăng đức tin cho chúng con, chúng con đã sẵn sàng xông pha mạo hiểm mạng sống chúng con cho Nước Chúa.

https://dongcatminh.org/event/lectio-divina-chua-nhat-xix-thuong-nien-a/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét