Trang

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

05-08-2020 ; THỨ TƯ - TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

05/08/2020

 Thứ tư tuần 18 thường niên

 

BÀI ĐỌC I: Gr 31, 1-7

“Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Khi ấy, Chúa phán rằng: “Ta sẽ là Thiên Chúa của mọi chi tộc Israel, và chúng sẽ là dân Ta”.

Chúa phán thế này: “Dân thoát khỏi tay gươm, đã được nghĩa trong rừng vắng: Israel sẽ đi vào nơi an nghỉ của mình. Từ xa Chúa đã hiện ra với ta mà phán rằng: “Ta yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, bởi đó Ta đã xót thương dắt ngươi đến. Rồi Ta lại kiến thiết ngươi, hỡi trinh nữ Israel, ngươi sẽ được tái thiết. Ngươi lại mang những trống cơm, sẽ bước đi với hội hát vui mừng. Ngươi lại trồng nho trên các núi đồi Samaria; kẻ vun trồng cứ vun trồng và sẽ không hái trái nho khi chưa đến mùa. Vì sẽ đến ngày những người canh gác trên núi Ephraim sẽ kêu lên: “Hãy chỗi dậy, chúng ta đi lên Sion, đến cùng Chúa là Thiên Chúa chúng ta”.

Vì Chúa phán thế này: “Hỡi Giacóp, hãy nhảy mừng, hãy hét to vào đầu dân ngoại; hãy nói cho người ta nghe; hãy ca hát và nói lên rằng: ‘Lạy Chúa, xin cứu dân Chúa; những kẻ còn sót lại trong Israel'”. Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Gr 31, 10. 11-12ab. 13

Đáp: Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình (c. 10d).

Xướng:

1) Hỡi các dân tộc, hãy nghe lời Chúa, hãy công bố lời Chúa trên các đảo xa xăm; hãy nói rằng: Đấng đã phân tán Israel, sẽ quy tụ nó lại, và sẽ gìn giữ nó như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình. – Đáp.

2) Vì Chúa đã giải phóng Giacóp, giờ đây với cánh tay mạnh mẽ hơn, Người cứu thoát nó. Chúng sẽ đến và ca hát trên núi Sion, chúng sẽ đổ xô về phía hạnh phúc của Người. – Đáp.

3) Bấy giờ người trinh nữ sẽ hân hoan nhảy mừng, các thanh niên và các cụ già cũng làm y như thế. Ta sẽ biến đổi tang chế của chúng ra niềm hân hoan; sẽ an ủi chúng và cho chúng hết đau khổ. – Đáp.

 

ALLELUIA: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia. 

 

PHÚC ÂM: Mt 15, 21-28

“Này bà, bà có lòng mạnh tin”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”.

Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”.

Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”.

Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành. Đó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM : Sống Niềm Tin

Mahatma Gandhi, người có công giành độc lập cho Ấn Ðộ bằng con đường bất bạo động, đã có lần tuyên bố: "Tôi yêu mến Chúa Kitô, nhưng tôi không phục những người Kitô hữu". Câu nói của con người đã từng lấy giáo lý của Chúa Kitô làm nền tảng cho chủ trương bất bạo động đáng làm cho chúng ta suy nghĩ.

Giáo lý của Chúa Kitô thì cao đẹp, nhưng nhiều Kitô hữu làm cho bao nhiêu người xa lánh Giáo Hội, chỉ vì cuộc sống của họ đi ngược lại với những gì họ tuyên xưng. Người ta thường nói: "Bà con xa không bằng láng giềng gần". Ðôi khi chúng ta cảm thấy gần gũi với những người láng giềng hơn là với những người thân thuộc. Trong liên hệ với Chúa Giêsu cũng thế, có biết bao người chưa từng được nghe nói đến Chúa Giêsu, có biết bao người không mang danh hiệu Kitô, nhưng lại gần gũi với Chúa Kitô và sống tinh thần Kitô hơn chính những người Kitô hữu.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cao lòng tin của người đàn bà xứ Canaan, tức là một người ngoại giáo. Một trong những điều hẳn sẽ làm chúng ta ngỡ ngàng, đó là trên Thiên đàng, chúng ta sẽ gặp gỡ những người chúng ta chưa từng quen biết, ngay cả những người chưa một lần mang danh hiệu Kitô hay đặt chân đến nhà thờ.

Thời Chúa Giêsu, có biết bao người ngoại giáo có lòng tin sâu sắc hơn cả những người Do thái. Trước hết, tiên tri Isaia đã từng khiển trách lòng giả dối của người Do thái: "Dân này thờ Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng họ thì xa Ta". Thời Chúa Giêsu, có biết bao người bị loại ra khỏi xã hội, bị đặt bên lề Ðền thờ, và có lẽ cũng không hề thuộc toàn bộ lề luật của Môsê, nhưng lại có lòng sám hối và tin tưởng sâu xa hơn. Nói với những người chỉ giữ đạo một cách hình thức, Chúa Giêsu đã cảnh cáo: "Không phải những ai nói: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời; nhưng là những kẻ thực thi ý Chúa".

Người đàn bà Canaan có lẽ không hề biết đến lề luật Môsê, nhưng đã sống niềm tin của mình một cách mãnh liệt. Lòng tin đó được thể hiện qua việc phó thác hoàn toàn vào quyền năng của Chúa Giêsu. Trong tình thế hầu như tuyệt vọng, bà đã chạy đến với Chúa Giêsu; sự van nài của bà cho thấy sự kiên nhẫn và lòng tin sắt đá của bà. Sự khác biệt cơ bản giữa một người có niềm tin và một người không có niềm tin, không hệ tại ở danh hiệu Kitô hay những thực hành đạo đức, mà chính là lòng tin. Tin vào sự hiện diện quyền năng của Thiên Chúa trong cuộc sống, tin vào tình yêu vô biên của Ngài, tin vào ý nghĩa của cuộc sống, tin vào tình người, đó là sắc thái chủ yếu của người có niềm tin: chính trong niềm tin đó, con người gặp gỡ Chúa Giêsu.

Trong một hoàn cảnh mà cái nhìn của con người có thể cho là tuyệt vọng, người Kitô hữu hơn bao giờ hết được mời gọi để nêu cao niềm tin của mình. Ðây là thời điểm để họ chứng tỏ bản sắc đích thực của mình. Trong cuộc sống chỉ có nghi kỵ và hận thù, họ được mời gọi để đốt lên ngọn đuốc của yêu thương. Trong một xã hội bị gậm nhấm bởi chán nản tuyệt vọng, họ được mời gọi để mang lại niềm hy vọng. Chỉ khi nào giữ đúng vai trò đó, người Kitô hữu mới thực sự xứng đáng với danh hiệu của mình.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

 

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Tư Tuần 18 TN2

Bài đọcJer 31:1-7; Mt 15:21-28

 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lòng thương xót của Thiên Chúa

Để hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta có thể học hỏi trong cách đối xử của con người. Khi một người bị xúc phạm, có kiên nhẫn lắm họ cũng chỉ tha thứ tối đa là ba lần. Khi một người đã có thành kiến với một người, một nhóm, hay một dân tộc, anh sẽ không muốn nhìn mặt hay có bất cứ gì chung với đối phương. Nếu Thiên Chúa đối xử với con người như thế, hỏi còn được mấy người sống trên thế gian này? Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho con người tất cả chỉ với điều kiện là họ ăn năn trở lại. Ngài ban ơn cho cả người tin lẫn người không tin nơi Ngài.

Các Bài đọc hôm nay muốn nêu bật lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah tuyên sấm: mặc dù con cái Israel đã nhiều lần xúc phạm đến Thiên Chúa, Ngài vẫn chờ đợi và sẵn sàng tha thứ mọi tội nếu họ biết ăn năn quay về. Ngài sẵn sàng nối lại nghĩa cũ tình xưa và phục hồi tất cả những gì họ có như thuở ban đầu. Trong Phúc Âm, một người đàn bà dân ngoại xứ Phoenicia đến năn nỉ Chúa Giêsu chữa lành cho đứa con gái bị quỉ ám. Sau khi thử thách niềm tin của bà cách trầm trọng và nhận ra lòng tin yêu của Bà, Chúa ban cho Bà như lòng sở nguyện.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Lòng thương xót của Chúa tồn tại muôn đời.

1.1/ Lý do con cái Israel bị lưu đày.

Thiên Chúa sửa phạt con cái Israel vì họ đã không chịu nghe lời Ngài: Đền-thờ Jerusalem bị tàn phá, của cải trong Đền-thờ bị lấy đi, và cả vua lẫn dân phải lưu đày bên Babylon. Trong trình thuật hôm nay tiên tri Jeremiah loan báo: Chúa sửa phạt rồi Chúa lại xót thương. Sau một thời gian thanh luyện ở Babylon, Chúa sẽ mang những người còn xót lại trở về Jerusalem và Đền thờ sẽ được tái thiết trở lại.

Điều kiện thiết yếu là số còn sót lại phải nhận ra tội lỗi của họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa và ăn năn trở lại. Ngôn sứ Jeremiah so sánh cuộc hồi hương như biến cố Xuất Hành lần thứ hai, họ sẽ được Thiên Chúa dẫn số còn sót “lên đường về chốn nghỉ ngơi.”

1.2/ Tình yêu của Thiên Chúa vẫn dành cho dân tộc Israel.

Không giống như thói thường của con người, họ không thể chịu nổi sự bất trung, nhất là lại tái phạm nhiều lần; lòng thương xót của Chúa không bị hủy họai bởi tội lỗi và sự bất trung nhiều lần của Israel. Lý do của sự kiên nhẫn này đã được tiên tri Êzekiel đã loan báo: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn xám hối và được sống.”

Tiên tri Jeremiah hôm nay cũng nhắc lại lòng thương xót này: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương. Ta sẽ lại xây ngươi lên, và ngươi sẽ được xây lại, hỡi trinh nữ Israel.”

Con cái Israel sẽ nhận ra tình yêu độ lượng của Thiên Chúa qua những gì Ngài phục hồi cho họ: Họ sẽ lại được vào Đất Hứa tràn trề sữa và mật như xưa, họ sẽ thống nhất lãnh thổ chứ đất nước không còn bị chia đôi, họ sẽ xây dựng lại Đền Thờ và lại có những ngày hội vui thủa trước khi tiến lên Đền Thờ tại Jerusalem. Họ sẽ hãnh diện với các dân tộc chung quanh vì “Đức Chúa đã cứu dân Người, số còn sót lại của Israel!”

2/ Phúc Âm: Đức tin vững mạnh của người đàn bà xứ Canaan.

Trong ba năm rao giảng, Chúa Giêsu hầu như không ra ngoài lãnh thổ của Israel. Các Phúc Âm chỉ thuật lại một lần biến cố Chúa qua Tyre và Sidon, hai thành phố thương mại phồn thịnh của vùng Cận Đông ngày xưa, Lebanon ngày nay.

2.1/ Người đàn bà xót thương con gái mình.

Bà thương con khi thấy con bị đau đớn khổ sở! Lòng thương con là động lực thúc đẩy Bà vượt qua mọi trở ngại để đến với Chúa. Bà kêu lên Chúa: “Lạy Ngài là con vua David, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!”

2.2/ Người đàn bà vững lòng tin vào Chúa: Rất nhiều trở ngại bà phải vượt qua, nhưng bà tin chắc chỉ có Chúa mới có thể chữa con bà.

Chúa và các tông đồ là người Do-thái, bà là người xứ Canaan, Dân Ngoại. Theo sử gia Josephus, người Canaans là kẻ thù của người Do Thái. Đó là lý do tại sao Chúa trả lời cho các môn đệ: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi.” Lòng thương xót con giúp bà gạt bỏ tự ái đến gặp Chúa và khiêm nhường xin Ngài thương bà và chữa lành cho con gái của bà. Đáp lại lời cầu xin của bà, Chúa vẫn thinh lặng và các môn đệ của Ngài gần như xua đuổi bà; dẫu vậy bà vẫn không bỏ cuộc. Bà đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!”

Chúa thử đức tin bà trầm trọng khi Ngài nói: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Thử tưởng tượng phản ứng của chúng ta thế nào khi nghe người khác gọi con chúng ta là chó! Chúng ta có can đảm để đứng lại nài van xin ơn? Nhưng bà vẫn không bỏ cuộc và đáp lại: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”

2.3/ Chúa xót thương và ban cho bà được như sở nguyện.

Đức tin cần được thử thách như lửa thử vàng. Sau khi đã thử thách đức tin của bà, Chúa đã nhìn thấu suốt tâm hồn bà. Ngài đã nhìn thấy một tình thương vô bờ của người mẹ dành cho đứa con bệnh tật, nhất là một đức tin không lay chuyển trước mọi thử thách, nên Chúa nói với bà: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi bệnh.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, và lòng thương xót làm cho chúng ta giống Ngài hơn bất cứ đặc tính nào. Chúng ta hãy có lòng thương xót tha nhân.

– Thiên Chúa là Đấng Nhân Từ, Ngài xót thương những kẻ biết thương xót; và không chút thương xót kẻ không biết xót thương. Chúng ta có thể van xin lòng thương xót của Chúa trong khi từ chối không xót thương anh chị em mình?

– Lòng thương xót không có biên giới và thời gian, không chỉ giới hạn trong vòng thân quen cũng chẳng giới hạn bao nhiêu lần; bao nhiêu lần trở lại bấy nhiêu lần thương xót.

– Sống trong một xã hội càng ngày càng mất đi lòng thương xót (ly dị, cha mẹ từ con, con từ cha mẹ, anh chị em không thèm nhìn nhau…), chúng ta nghĩ sao về lòng thương xót Chúa trong trình thuật hôm nay?

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

 

 

05/08/2020 – THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 18 TN

Cung hiến thánh đường Đức Ma-ri-a

Mt 15,21-28

 

NHƯ VÀNG ĐƯỢC THỬ LỬA

“Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” (Mt 15,27)

 

Suy niệm: Thật kỳ lạ, trong các sách Tin Mừng, chúng ta thấy nhiều khi Chúa Giê-su rất dễ dàng làm phép lạ cứu giúp người khác: chỉ cần một lời cầu xin hoặc ngay cả khi người ta chưa kịp xin, Ngài đã chữa lành cho họ. Thế nhưng trường hợp người phụ nữ xứ Ca-na-an này thì thật là sốc. Bà van xin Chúa thảm thiết: “Con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm.” Thái độ của Chúa lại quá phũ phàng: Đã không chữa lành thì chớ, lại còn buông lời xúc phạm nặng nề khi ví von bà như một lũ chó con. Ấy thế mà bà vẫn không nản lòng; bà xác nhận Chúa nói đúng, và dựa vào đó, bà bênh vực cho “quyền lợi của lũ chó con”: Chúng cũng được hưởng “những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Trước câu trả lời đầy khiêm nhường và khôn khéo ấy, Chúa Giê-su đã đáp ứng lời cầu xin của bà. Thì ra thái độ tưởng chừng như hắt hủi lại càng cho thấy lời khen của Chúa dành cho bà là xứng đáng: “Lòng tin của bà mạnh thật.”

Mời Bạn: Quả thật, thử thách càng lớn lao càng rèn giũa và chứng tỏ đức tin của chúng ta thật sự mạnh mẽ. Như vàng phải được thử lửa để có thể đạt đến sự tinh ròng, đức tin của chúng ta cũng phải được thử thách như thế. Vậy, trong cuộc sống, nếu lỡ bị ai đó nói với bạn một lời xúc phạm, cho dù là hữu ý hay vô tình, bạn hãy sống những giá trị đức tin một cách mạnh mẽ như mẫu gương người phụ nữ Ca-na-an hôm nay.

Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày để Lời Chúa trở thành nguồn bổ dưỡng cho đời sống đức tin của tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

 

 

SUY NIỆM : Lòng tin của bà lớn thật

Suy niệm :

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại chuyện Đức Giêsu chữa bệnh từ xa,

tại Tia và Xiđon, vùng đất của dân ngoại.

Nhưng chuyện chữa bệnh không quan trọng lắm.

Chuyện quan trọng là lòng tin của người phụ nữ Canaan.

Hẳn bà biết ít nhiều về Do Thái giáo, khi gọi Đức Giêsu là Con Vua Đavít.

Con Vua Đavít là tước hiệu người Do Thái dùng để chỉ Đấng Mêsia.

Bà tin Đức Giêsu có thể chữa lành con gái của bà.

Người phụ nữ trực tiếp gặp Đức Giêsu và ngỏ lời nài xin:

“Xin thương xót tôi… con gái tôi bị quỷ hành hạ dữ lắm.”

Người mẹ đau vì con của mình đau.

Bà kêu xin Đức Giêsu thương mình, bằng cách chữa lành cho cô con gái.

Nhưng bà chỉ gặp sự thinh lặng như thể Người không nghe thấy.

Dầu vậy bà vẫn không ngừng đi sau và kêu to.

Tiếng kêu dai dẳng của bà đuổi theo các môn đệ khiến họ bực bội.

Khi không chịu nổi được nữa, họ mới chạy đến với Thầy Giêsu.

“Xin Thầy cho bà ấy đi đi, vì bà ấy cứ kêu sau lưng chúng ta mãi.”

Có vẻ các môn đệ muốn Thầy gặp bà và cho điều bà cần.

Cho đến nay vẫn chưa có cuộc đối thoại giữa bà và Đức Giêsu.

Người phụ nữ vẫn là người độc thoại.

Nhưng Đức Giêsu vẫn chưa muốn nói chuyện với bà.

Người chỉ nói với các môn đệ và xác định sứ vụ của mình:

“Thầy chỉ được sai đến với những chiên lạc nhà Israel thôi.”

Đây là lời từ chối đầu tiên, rõ ràng và dứt khoát.

Nó như đặt một dấu chấm hết cho mọi hy vọng của người mẹ.

Đức Giêsu như muốn nói: Đừng kêu la vô ích.

Chị không phải là chiên của nhà Israel.

Dân ngoại lúc này không phải là sứ vụ của tôi,

vì Cha tôi chưa sai tôi đến.

Lòng tin của người phụ nữ bị thử thách đến tột độ.

Chắc bà bị cám dỗ bỏ đi vì sự thinh lặng lạnh lùng,

và sự từ chối cương quyết của Đức Giêsu.

Nhưng trái tim của một người mẹ không cho phép bà làm thế.

Bà trở nên táo bạo hơn và dám vượt lên trước để gặp Đức Giêsu.

Trong thái độ cung kính bái lạy, bà tiếp tục nài xin:

“Lạy Ngài, xin giúp tôi” (c. 25);

khác với lúc nãy: “Lạy Ngài, xin thương xót tôi” (c. 22).

Cả hai lời nài xin đều nhắm đến người con, dù có vẻ bà chỉ xin cho bà.

Xin giúp tôi bằng cách giúp con tôi khỏi móng vuốt quỷ dữ.

Hạnh phúc của người mẹ gắn liền với hạnh phúc của con,

vì tình yêu nối kết cả hai nên một.

Tuy vậy lời nài xin này của trái tim người mẹ

dường như vẫn chưa đụng được vào trái tim Thầy Giêsu.

Người đưa ra lời từ chối thứ hai

quyết liệt hơn và có thể gây tổn thương nghiêm trọng:

“Không nên lấy bánh dành cho con mà ném cho chó.”

Con ở đây là dân Israel, là người trong nhà, có quyền hành.

Dân ngoại đôi khi được ví với chó nuôi trong nhà.

Hai bên không ở trên cùng một mặt phẳng.

Câu nói này của Đức Giêsu phản ánh cái nhìn của người Do Thái.

Họ tự hào về tính ưu việt của mình

trong tư cách là Dân riêng của Chúa.

Nói chung họ cho rằng chỉ họ mới xứng đáng hưởng ơn cứu độ.

Người phụ nữ không phản đối cái nhìn của Đức Giêsu

Bà không cảm thấy mình bị xúc phạm và giận dữ bỏ đi.

Trái lại, bà đón nhận cái nhìn ấy và tìm thấy một kẽ hở cho ơn Chúa:

“Thưa Ngài đúng thế.

Nhưng chó con cũng được ăn các mảnh vụn rơi xuống từ bàn của chủ.”

Bà chấp nhận mình chỉ là chó con nuôi trong nhà,

không phải là ông chủ đang ngồi tại bàn ăn.

Bà tin rằng dù mình không đủ tư cách

để ngồi dự bàn tiệc cánh chung như những người Do Thái,

bà vẫn có thể được hưởng chút vụn bánh từ bàn ăn rớt xuống.

Bà vẫn giữ niềm hy vọng ngay khi bị từ chối thẳng thừng.

Chính lời từ chối của Đức Giêsu lại mở ra niềm hy vọng.

Đức Giêsu bị ấn tượng bởi lòng tin của bà.

Người kêu lên: “Này bà, lòng tin của bà lớn thật.”

Đức Giêsu từng ngỡ ngàng trước lòng tin của viên bách quản (Mt 8,10-11).

Giờ đây Người đối diện với lòng tin của một người mẹ thương con.

Chính tình thương thêm sức mạnh cho lòng tin,

khiến lòng tin trở nên kiên trì, bất chấp thinh lặng và từ chối.

Lòng tin không mất hy vọng ngay khi có vẻ chẳng còn gì để hy vọng.

Lòng tin mạnh mẽ và khiêm hạ của người mẹ đã chinh phục Đức Giêsu,

và cuối cùng đã chạm được vào trái tim của Người.

Đức Giêsu đã để mình bị cuốn đi, ngỡ ngàng và ngây ngất…

Bây giờ Người mới thực sự nói chuyện với bà: “Này bà…”

Người sẽ làm điều trước đây Người không định làm.

Người sẽ đáp lại lòng tin của bà, lòng ao ước của bà

chỉ bằng một lời nói từ xa cho một cô bé chưa hề gặp mặt:

“Hãy xảy ra cho bà như bà muốn”.

Cô bé đã được chữa lành kể từ lúc đó.

Mẹ cô đã được thương xót và trợ giúp.

Đức Giêsu không cứng nhắc và bó hẹp trong sứ vụ Cha giao.

Người vẫn nghe tiếng kêu của con người và chấp nhận những ngoại lệ.

Ngoại lệ cũng nằm trong Ý Cha.

Ý Cha vẫn mở ra mới mẻ từng ngày đòi ta phải tìm kiếm liên tục.

Ngoại lệ hôm nay sẽ mở đường cho sứ vụ ngày mai:

“Các con hãy đi, hãy làm cho mọi dân tộc thành môn đệ,”

để “nhiều người từ Đông sang Tây sẽ đến và dự tiệc trong Nước Trời.”

Xã hội hôm nay không thiếu những bà mẹ khổ vì con mình bị ám.

Ám vì đủ thứ nghiện ngập do cuộc sống đem lại.

Các bà mẹ thấy mình bất lực, chỉ biết hy vọng vào Chúa.

Nhiều khi có cảm tưởng Chúa không nghe và lạnh lùng trước nỗi đau.

Hãy có lòng tin lớn của người phụ nữ Dân ngoại,

tiếp tục tin, tiếp tục yêu, tiếp tục hy vọng

và biết mình có thể chạm được vào trái tim của Thiên Chúa.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa,

xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,

để con làm bật rễ khỏi lòng con

những ích kỷ và khép kín.

Xin cho con đức tin can đảm

để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,

chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.

Xin cho con đức tin sáng suốt

để con thấy được thế giới

mà mắt phàm không thấy,

thấy được Đấng Vô hình,

nhưng rất gần gũi thân thương,

thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.

Xin cho con đức tin liều lĩnh,

dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,

dám tiến bước trong bóng đêm

chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,

dám lội ngược dòng với thế gian

và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.

Xin cho con đức tin vui tươi,

hạnh phúc vì biết những gì

đang chờ mình ở cuối đường,

sung sướng vì biết mình được yêu

ngay giữa những sa mù của cuộc sống.

Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp

qua những cọ xát đau thuong của phận người,

để dù bao thăng trầm dâu bể,

con cũng không để tàn lụi niềm tin

vào Thiên Chúa và vào con người.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

5 THÁNG TÁM

Những Đường Lối Khôn Dò Của Thiên Chúa

Bây giờ chúng ta có thể nhận ra bằng cách nào mọi sự – ngay cả sự dữ và đau khổ hiện diện trong thế giới thụ tạo – hoàn toàn được kiểm soát bởi sự khôn ngoan kỳ diệu mà Thánh Phaolô đã phải thốt lên: “Ôi, sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Ngài, ai dò cho thấu!” (Rm 11,33).

Thật vậy, chính trong bối cảnh của ơn cứu độ chúng ta, “sự dữ không thể lướt thắng được sự khôn ngoan” (Kn 7,30). Đó là một sự khôn ngoan đầy tình yêu, bởi vì “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban chính Con Một Ngài …” (Ga 3,16).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

 

 

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 05/8

Cung Hiến Thánh Đường Đức Maria

Gr 31, 1-7; Mt 15, 21-28.


LỜI SUY NIỆM: “Ra khỏi đó, Đức Giêsu lại về miền Tia và Xiđon, thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: Lạy Ngài là Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm”

          Trong câu chuyện người đàn bà ngoại giáo đến bái lạy Chúa Giêsu để xin Người chữa lành cho con gái của bà bị quỷ ám, cho chúng ta thấy những tình huống đức tin bị thử thách. Trước hết Chúa Giêsu đã không đáp lại lời nào, thứ đến là sự xua đuổi của các môn đệ của Chúa. Với sự năn nỉ của bà thì được nghe chính Chúa nói với bà một cách phủ phàng: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lủ chó con.” Nhưng rồi với thân phận và tình thương đối với người con gái của bà và bà đã cúi xuống thưa lên cùng Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lủ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”

          Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã khen người đàn bà ngoại giáo ấy: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật, bà muốn sao thì được vậy.” Xin cho chúng con trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống luôn có được lòng tin cho mạnh, lòng trông cậy cho vững bền và lòng yêu mến được sốt sắng để mọi lời cầu xin của chúng con được Chúa chúc phúc.

Mạnh Phương

 

 

Gương Thánh Nhân

Ngày 05-08

LỄ CUNG HIẾN ĐỀN THỜ ĐỨC BÀ MARIA


Đền thờ đầu tiên được cung hiến để kính đức Trinh Nữ ở Roma, ngày nay gọi là đền thờ Đức Bà cả. Truyện kể lại rằng, có hai vợ chồng không con nuôi nấng nuốn dâng gia tài của mình cho Đức Mẹ. Trong đêm 4 hay 5 tháng 8, Đức Trinh nữ đã hiện ra với họ, cùng một lúc với Đức Giáo hoàng Libêriô, bày tỏ ý muốn được thấy mọc lên trên núi Esquilin, một thánh đường dâng kính Ngài.

Hôm sau Đức giáo hoàng cùng với hàng giáo sĩ ở Roma đi lên núi Esquilin. Lúc ấy trời nóng nực nhưng tuyết vẫn còn phủ đầy một góc núi. Theo ý Đức Trinh Nữ, Đức Giáo hoàng phác họa một thánh đường, xây cất bằng tiền của cặp vợ chồng không con dâng cúng, lấy tên là đền thờ Đức Bà xuống tuyết để ghi nhớ phép lạ trên.

Truyện kể lại như vậy, nhưng tính chất chân thực của câu chuyện vẫn còn bị nghi ngờ, thực sự ở Roma đã có một đền thờ Đức Bà cổ, còn cổ kính hơn cả đền thờ Đức giáo hoàng Libêriô (352 – 366) cha xây cất nữa. Và đền thờ này được Đức Sixtô Israel (436 – 440) tái thiết. Ngài đặt tên là đền thờ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, chắc chắn là để ghi nhớ cộng đồng Ephêsô (431) biến cố dẫn tới tín điều Đức Bà Maria Mẹ Thiên Chúa.

Ngoài danh xưng là đền thờ Đức Bà xuống tuyết và đền thờ Đức Bà Maria Mẹ Thiên Chúa, ngôi đền này còn mang tên đền thờ Đức Bà Máng cỏ, và đây lưu giữ máng cỏ Chúa Giêsu sinh ra. Máng cỏ được đặt trong một cái hộp bằng bạc. Vào ngày lễ Giáng sinh, máng cỏ được đưa ra cho mọi người kính viếng.

Ngày nay người ta thường gọi là đền thờ Đức Bà cả. Danh hiệu nầy nhắc nhớ thứ bậc của đền thờ này trong các các thánh đường dâng kính Đức Maria tại kinh thành muôn thuở. Đối với Giám mục Roma, đây là nhà thờ chính tòa thứ hai.

Vậy hôm nay chúng ta kính nhớ việc dâng hiến đền thờ chính, nếu không phải là đền thờ cổ nhất được xây cất dở dang kính Đức Trinh Nữ. Chúng ta nghĩ ngay đến vô số đền thờ mà lòng tôn kính của các tín hữu đã được dựng lên để kính nhớ Mẹ Thiên Chúa.

Nhiều đền thờ trong số những đền thờ này đều ghi nhớ một giai thoại đạo đức như một ảnh lạ, vài ơn phúc đặc biệt mà tình yêu của Đức Trinh nữ đã thực hiện. Các tín hữu đến đây cầu nguyện để bày tỏ niềm cậy trông chân thành.

(daminhvn.net)

 

 

05 Tháng Tám

Tha Nhân Không Là Hỏa Ngục

Có một chàng thanh niên khao khát trở thành một thánh nhân. Chàng xin vào một dòng tu. Không mấy chốc, chàng khám phá ra tính tình nóng nảy của mình. Nhưng thay vì tìm căn nguyên nơi mình, chàng quy trách cho những người xung quanh. Tha nhân đã trở thành hỏa ngục đối với chàng.

Sau cùng, không còn chịu nổi đời sống tập thể nữa, chàng nghĩ có thể tìm thấy sự yên tĩnh trong sa mạc. Thế là chàng đã lên đường tìm đến một nơi hoang vu vắng vẻ để cắm lều sống đời ẩn sĩ. Mà thật thế, chàng đã tìm lại được sự thanh thản trong tâm hồn…

Tuy nhiên, sự bình an trong cô quạnh ấy không kéo dài được. Ma quỷ đã kéo đến và chúng đã gây xáo trộn trong căn lều xinh xắn của chàng. Không còn giữ được bình tĩnh, chàng đã nổi tam bành và đạp đổ tất cả…

Sau cơn giận dữ, trở lại trạng thái bình thường, chàng mới hồi tâm suy nghĩ: Tôi đã bỏ lại tu viện các anh em của tôi, nhưng tôi lại mang chính tôi vào sa mạc. Không phải anh em tôi là căn nguyên của đau khổ của tôi, nhưng tính tình của tôi mới là đầu mối của mọi đổ vỡ…

Chúng ta được sinh ra trong một gia đình, chúng ta được mời gọi để sống trong xã hội. Tha nhân không phải là một trở ngại, nhưng chính là một trợ giúp để chúng ta phát triển nhân cách và thành toàn. 

Tất cả mọi căn nguyên chính của thất bại và thành công đều nằm trong ta. Cuộc chiến cam go nhất và liên lỉ nhất của chúng ta, chính là chiến đấu chống lại bản thân chúng ta. Xã hội có thể thay đổi, cuộc sống có thể tốt đẹp hơn nếu chúng ta biết cải thiện con người của chúng ta trước.

(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét