Ngày 22 tháng 7
Lễ Thánh nữ Maria
Mađalêna
Lễ Nhớ
Bài
Ðọc I: Dc 3, 1-4a
"Tôi
đã gặp người tôi yêu".
Trích
sách Diễm Ca.
Suốt
đêm trên giường ngủ, tôi đã tìm kiếm người tôi yêu: Tôi đã tìm kiếm chàng,
nhưng tôi không gặp được chàng. Tôi chỗi dậy, và đi quanh thành phố, đi qua các
phố xá và công trường, tôi tìm kiếm người tôi yêu. Tôi đã tìm kiếm chàng, nhưng
tôi không gặp được chàng. Các người lính canh gác thành phố gặp tôi và tôi hỏi
họ: "Các anh có thấy người tôi yêu không?" Tôi vừa đi qua khỏi họ, thì
gặp ngay người tôi yêu.
Ðó
là lời Chúa.
Hoặc: 2 Cr 5, 14-17
"Từ
nay chúng ta không biết Ðức Kitô theo xác thịt nữa".
Trích
thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh
em thân mến, lòng mến của Ðức Kitô thúc bách chúng ta; chúng ta xác tín điều
này là một người đã chết vì mọi người, vậy mọi người đều đã chết. Và Ðức Kitô
đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, thì không còn sống cho chính
mình nữa, mà là sống cho Ðấng đã chết và sống lại vì họ. Vì thế, từ nay chúng
ta không còn biết ai theo xác thịt nữa. Mặc dù nếu chúng ta đã biết Ðức Kitô
theo xác thịt, thì giờ đây chúng ta không còn biết như thế nữa. Vậy nếu ai đã
trở nên một tạo vật mới trong Ðức Kitô, thì những gì cũ đã qua rồi, vì đây mọi
sự đều được trở nên mới.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 62, 2. 3-4. 5-6. 8-9
Ðáp: Lạy Chúa là
Thiên Chúa con, linh hồn con khao khát Chúa (c. 2b).
Xướng:
1) Ôi lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài. Linh
hồn con khát khao, thể xác con mong đợi Chúa như đất héo khô, khát mong mà
không gặp nước! - Ðáp.
2)
Con cũng mong được chiêm ngưỡng thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy quyền năng
và vinh quang của Chúa. Vì ân tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống; miệng
con sẽ xướng ca ngợi khen Ngài. - Ðáp.
3)
Con sẽ chúc tụng Ngài như thế trọn đời con, con sẽ giơ tay kêu cầu danh Chúa. Hồn
con được no thoả dường như mỹ vị cao lương, và miệng con ca ngợi Chúa với cặp
môi hoan hỉ. - Ðáp.
4)
Vì Chúa đã ra tay trợ phù con, để con được hoan hỉ núp trong bóng cánh của
Ngài. Linh hồn con bám thân vào Chúa, và tay hữu Chúa nâng đỡ người con. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia,
alleluia! - Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi biết bà đã thấy gì trên đường?
-Tôi đã thấy mộ của Ðức Kitô hằng sống và vinh quang của Ðấng sống lại. -
Alleluia.
Phúc
Âm: Ga 20, 1. 11-18
"Bà
kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?"
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Ngày
đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối, và bà thấy tảng
đá đã được lăn ra khỏi mồ.
(Bà
liền chạy về tìm Simon Phêrô và người môn đệ khác được Chúa Giêsu yêu mến, bà
nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi
không biết người ta để Thầy ở đâu".)
Bà
Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc, nhìn vào trong mồ, bà thấy hai
thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía
đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: "Tại sao bà khóc?"
Bà trả lời: "Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi, và tôi không biết người ta
đã để Người ở đâu?" Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã
đứng đó. Nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu.
Chúa
Giêsu hỏi: "Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?" Tưởng là người giữ vườn,
Maria thưa: "Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết
ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người". Chúa Giêsu gọi:
"Maria". Quay mặt lại, bà thưa Người: "Rabboni", nghĩa là
"Lạy Thầy". Chúa Giêsu bảo bà: "Ðừng động đến Ta, vì Ta chưa về
cùng Cha Ta. Nhưng hãy báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: "Ta về
cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các
con".
Maria
Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: "Tôi đã trông thấy Chúa, và Chúa
đã phán với tôi những điều ấy".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Nồng Nhiệt Ði Tìm Chúa
Maria
Mađalêna là mẫu gương cho chúng ta, mẫu gương với tình yêu nồng nhiệt đi tìm
Chúa, một tình yêu luôn thao thức muốn được sống gần bên Chúa. Và vì thế mà
sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, Maria vội vàng lên đường đi tìm Chúa. Ðây là
quan tâm đầu tiên, quan tâm có ưu tiên trong cuộc sống của Maria, và khi chưa
tìm được đối tượng là Chúa Giêsu trong ngôi mộ đã an táng Chúa, Maria đứng
ngoài và khóc.
Chúa
Giêsu phục sinh đã không để cho Maria gặp thử thách lâu. Chúa đến với Maria và
gọi đích danh bà, rồi biến đổi cuộc đời từ bên trong để sai bà đi làm người chứng
đầu tiên cho Ðấng phục sinh nơi các môn đệ Chúa. Trong biến cố được ghi lại
trong đoạn Phúc Âm chúng ta vừa đọc lại trên đây, chúng ta thấy rằng để gặp được
Chúa Giêsu, những cố gắng riêng của con người không mà thôi thì chưa đủ. Chính
Chúa Giêsu phục sinh là người đi bước đầu, Chúa hiện ra và gọi: Maria. Chúa đáp
lại thiện ý và cố gắng của Maria. Chúa luôn làm như vậy với tất cả những ai
thành tâm tìm Chúa.
Chúng
ta hãy noi gương Maria luôn đi tìm Chúa. Tìm Chúa trong lời cầu nguyện ngõ hầu
cuối cùng chính Chúa mạc khải chính mình ra cho kẻ tìm Ngài, ngõ hầu chúng ta
có thể nhận ra Ngài và loan báo cho anh chị em chung quanh: tôi đã gặp Chúa,
tôi đã nhìn thấy Chúa.
Lạy
Chúa,
Xin
cho con được gặp Chúa. Xin đừng để con phải rời xa Chúa là Thiên Chúa mãi mãi.
Veritas Asia
Thứ Ba sau Chúa Nhật
16 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm II) Mk 7, 14-15. 18-20
"Chúa
ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển".
Trích
sách Tiên tri Mikha.
Lạy
Chúa, với cây trượng của Chúa, xin chăn dắt dân Chúa, chăn dắt những con chiên
thuộc quyền sở hữu của Chúa sống lẻ loi trong rừng, ở giữa núi Carmêlô. Tất cả
được chăn dắt ở Basan và Galaad như ngày xưa. Như ngày ra khỏi Ai-cập, tôi cho
nó thấy những việc lạ lùng. Có Chúa nào giống như Chúa là Ðấng dẹp tan mọi bất
công, và tha thứ mọi tội lỗi của kẻ sống sót thuộc về Chúa? Chúa không khư khư
giữ mãi cơn thịnh nộ của mình, vì Chúa ưa thích từ bi. Chúa còn thương xót
chúng tôi, còn dày đạp những bất công của chúng tôi dưới chân Chúa, và ném mọi
tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển. Chúa ban cho Giacóp biết sự trung thành của
Chúa, cho Abraham biết lòng từ bi mà Chúa đã thề hứa với tổ phụ chúng tôi từ
ngàn xưa.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 84, 2-4. 5-6. 7-8
Ðáp: Lạy Chúa, xin
cho chúng con được nhìn thấy tình thương của Chúa (c. 8a).
Xướng:
1) Lạy Chúa, Chúa đã phù trợ đất nước của Ngài, đã tài tình thay đổi số phận
nhà Giacóp. Chúa đã tha thứ lỗi lầm của dân Ngài, và che đậy mọi điều tội ác của
họ. Chúa đã cầm hãm tất cả sự bất bình, và tự nguôi đi lòng phẫn nộ. - Ðáp.
2)
Lạy Chúa là Ðấng cứu độ, xin thương hồi phục chúng con, và từ bỏ lòng xung giận
chúng con. Phải chăng Chúa giận chúng con muôn đời ngàn kiếp, hay là kéo dài
lòng căm hận tới muôn đời? - Ðáp.
3)
Há không phải chính Ngài cho chúng con hồi sinh, để dân tộc Ngài được hoan hỉ ở
nơi Ngài? Lạy Chúa, xin cho chúng con nhìn thấy tình thương của Chúa, và ban
cho chúng con được ơn Ngài cứu độ. - Ðáp.
Alleluia:
Ga 14, 5
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai
đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 12, 46-50
"Người
giơ tay trên các môn đệ mà nói: Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng
ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: "Kìa, mẹ Ngài và anh
em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia". Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng:
"Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà
nói: "Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời,
thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Thực
Hành Lời Chúa
Mỗi
tác giả Tin Mừng đều có một lối giải thích về thái độ của Chúa Giêsu đối với
gia đình của Ngài, và sự khẳng định về tình liên đới của Ngài đối với gia đình
thiêng liêng gồm những ai thực thi ý Chúa. Ðối với thánh Marcô, thái độ của
Chúa Giêsu được tỏ ra sau khi Chúa chọn Nhóm Mười Hai. Trong Nhóm Mười Hai đã
có một cuộc tranh cãi sôi nổi về chuyện ai sẽ được ngồi bên tả hay bên hữu Chúa
Giêsu; những người có họ hàng với Ngài dĩ nhiên nuôi nhiều hy vọng hơn. Chính
trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu khẳng định trong Nước Ngài, quan hệ máu mủ ruột
thịt không quan trọng bằng niềm tin; gần gũi với Ngài không đương nhiên là bà
con ruột thịt, mà chính là những ai thực thi ý Chúa.
Trong
Tin Mừng Luca, thì thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình ruột thịt của Ngài
được ghi lại như một kết luận của toàn bộ những lời giảng dạy của Ngài về Nước
Chúa, cũng như những điều kiện để thuộc về Nước Chúa. Như vậy, đối với Luca, chỉ
có việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa mới thực sự làm cho con người được đi
vào quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu.
Ðoạn
Tin Mừng hôm nay là phần kết luận của trình thuật về cuộc chiến đấu giữa thần
khí Chúa và thần khí ma quỉ. Ma quỉ vốn làm cho con người ra câm điếc đối với Lời
Chúa; do đó, như người câm được Chúa Giêsu chữa lành, con người cũng cần phải
được tháo cởi khỏi xiềng xích của ma quỉ mới có thể lắng nghe được Lời Chúa và
thần khí của Ngài. Ðức Maria chính là mẫu mực của con người không hề bị giam
hãm trong xiềng xích của ma quỉ. Mẹ luôn luôn lắng nghe và đáp trả Lời Chúa.
Chính vì lắng nghe Lời Chúa mà Mẹ đã cưu mang Con Chúa; nơi Mẹ, quan hệ máu mủ
ruột thịt với Chúa Giêsu được xây dựng trên chính thái độ lắng nghe Lời Chúa; Mẹ
chỉ là Mẹ Chúa Giêsu, bởi vị Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa.
Chúa
Giêsu đã đề cao thái độ của Mẹ Maria, để từ đó nói lên mối giây liên kết đích
thực trong gia đình Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Hầu hết các tôn giáo đều dựa
trên gia đình như là cộng đoàn nền tảng nhất. Truyền thống khôn ngoan và luật
Do Thái luôn đề cao tầm quan trọng của gia đình. Chúa Giêsu xem ra đã làm một
cuộc cách mạng táo bạo khi xây dựng tôn giáo của Ngài, không dựa trên mạng lưới
những quan hệ gia đình, mà trên nền tảng của sự tự do. Trong gia đình Giáo Hội,
con người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt,
mà do chính niềm tin.
Dĩ
nhiên, gia đình tự nhiên vốn là nơi con người đón nhận và nuôi dưỡng đời sống đức
tin; gia đình là trường học đầu tiên về cung cách làm người cũng như sự trưởng
thành trong đức tin. Chúa Giêsu không bao giờ chối bỏ vai trò ấy của gia đình.
Cộng đoàn xã hội, nhất là xã hội gia đình là môi trường cần thiết giúp con người
đón nhận và phát huy đức tin.
Khi
đề cao thái độ lắng nghe và thực thi Lời Chúa của Ðức Maria, Chúa Giêsu muốn
chúng ta thấy rằng đức tin là sự gặp gỡ cá biệt giữa con người với Thiên Chúa,
đó là cuộc gặp gỡ của mỗi người mà không ai có thể thay thế được. Càng sống Lời
Chúa, càng đi sâu vào sự thân tình với Chúa, con người càng nhận ra tương quan
của mình với tha nhân. Hai giới răn mến Chúa và yêu người gắn liền mật thiết với
nhau là thế đó: người yêu mến Chúa một cách nồng nàn không thể không yêu thương
người anh em của mình, trái lại, lòng bác ái đối với tha nhân cũng không thể
không làm cho con người thêm gần gũi với Chúa hơn.
Ước
gì chúng ta biết chạy đến với Ðức Maria như mẫu gương của lắng nghe và thực
hành Lời Chúa; chạy đến với Người như người Mẹ thân thương của mỗi người, chúng
ta cũng hãy đón nhận tha nhân như người anh em trong cùng một gia đình của
Chúa.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 16 TN2,
Thánh Maria Magdala
Bài đọc: Mic 7:14-15,
18-20; Mt 12:46-50 (Jn 20:1-2, 11-18)
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm sao để được
Thiên Chúa yêu thương và trở thành người nhà của Ngài?
Khi
chứng kiến sự khôn ngoan cũng như uy quyền của Chúa Giêsu, một người cảm phục
đã thốt lên: “Phúc thay dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!” Chúa Giêsu
trả lời: “Hạnh phúc hơn cho những ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa” (Lk 11:27-28).
Các
bài đọc hôm nay muốn nhấn mạnh đến điều kiện để được Thiên Chúa yêu thương,
chăm sóc, và coi như người nhà là phải nghe lời và làm theo thánh ý Thiên Chúa.
Trong bài đọc I, ngôn sứ Micah cung cấp nguồn hy vọng cho con cái Israel, nếu họ
muốn được Thiên Chúa xót thương và giải thoát khỏi cảnh lưu đày. Họ phải nhận
ra tình yêu trung thành của Thiên Chúa và ăn năn quay về với Ngài. Trong Phúc
Âm, khi được báo cáo mẹ và anh em của Chúa Giêsu đang chờ Ngài ở ngoài, Chúa
Giêsu cung cấp nguồn hy vọng cho khán giả: Mẹ và anh em Ta là tất cả những ai
nghe và giữ lời Ta.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Thần minh nào sánh được như Ngài, Đấng chịu đựng lỗi lầm.
1.1/
Chính Thiên Chúa sẽ chăn dắt dân Ngài: Đây là những câu cuối cùng của Sách tiên tri
Micah. Giống như phần đông các Sách Ngôn Sứ, Micah tuy thấy trước việc mất nước
và những ngày lưu đày sẽ không tránh khỏi, nhưng ông cũng cho dân chúng một niềm
hy vọng vào tương lai, nếu họ biết ăn năn hối cải.
Ông
kêu gọi dân chúng nhìn lại quá khứ để biết những gì Thiên Chúa đã làm cho họ.
Biến cố Xuất Hành ra khỏi Ai-cập là biến cố biểu lộ tình thương của Thiên Chúa
dành cho họ. Trong biến cố này, Thiên Chúa đã làm những điềm thiêng, dấu lạ để
đưa dân Israel ra khỏi nô lệ bên Ai Cập và đem vào miền đất Canaan phì nhiêu,
chảy sữa và mật. Ngài cũng đồng hành với họ suốt 40 năm trường trong sa mạc. Biến
cố này đã làm cho các dân chung quanh Israel phải khiếp sợ kinh hoàng.
Nếu
họ ăn năn quay về, chính Thiên Chúa sẽ là mục tử chăn dắt dân chúng là đàn
chiên, là cơ nghiệp của Ngài. Ngôn sứ đề cập đến hai vùng nổi danh mà người
Do-thái quen thuộc: Bashan là ngọn núi cao nằm ở biên giới giữa Syria và
Do-thái. Đây là một vùng đất màu mỡ vì sự kết tụ của đất và nhất là nước trào
tràn khắp nơi. Nơi đây, nước từ trên núi tuyết của Bashan chảy xuống kết hợp với
những sông của Syria trước khi tràn vào Biển Hồ Galilee. Bashan nổi tiếng về gỗ
cây sồi, lý tưởng cho việc trồng lúa mì và chăn nuôi. Xuôi xuống miền Nam dọc
theo sông Jordan là Gilead, vùng Transjordan. Vùng này cũng nổi tiếng về cây sồi,
thông, và rất thích hợp cho việc chăn nuôi. Ngày nay, du khách đi dọc theo vùng
này có thể thấy những cánh đồng chuối nối tiếp nhau.
1.2/
Thiên Chúa trung thành yêu thương cho dù con người phản bội.
(1)
Thiên Chúa phải sửa phạt để con người biết nhận ra tội lỗi và quay trở về với
Ngài,
chứ không phải để tiêu diệt. Một khi con người đã nhận ra và quay trở lại,
Thiên Chúa sẽ nguôi cơn giận và cứu họ, cho dù chỉ còn một số nhỏ còn sót lại.
(2)
Ngài là Thiên Chúa của thương xót: Như một người cha, Thiên Chúa không vui mừng gì khi
thấy con mình quằn quại trong đau khổ. Ngài cũng hiểu hoàn cảnh của con người:
khi họ còn mang thân xác yếu đuối, tội lỗi là điều khó tránh khỏi. Điều cần thiết
là phải biết nhận ra tội lỗi và thống hối ăn năn. Khi con người đã biết ăn năn
quay về, Thiên Chúa sẽ tha thứ tất cả tội lỗi và phục hồi quyền làm con cho con
người. Ngôn sứ diễn tả tình thương tha thứ của Thiên Chúa cho dân chúng: “Người
sẽ lại thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi
lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển.”
(3)
Lời Thiên Chúa hứa với các tổ phụ Ngài sẽ thi hành: “Ngài sẽ bày tỏ
lòng thành tín cho Jacob, và tình thương cho Abraham, như đã thề với tổ phụ
chúng con từ thuở trước.”
2/
Phúc Âm:
"Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?"
2.1/
Thi hành thánh ý Thiên Chúa là cách thức để gia nhập gia đình Thiên Chúa.
Khi
Chúa Giêsu đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài,
tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và
anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy." Người bảo
kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" Rồi Người giơ tay chỉ
các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Bất cứ ai thi hành ý
muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ
tôi."
Khi
nói những lời này, Chúa Giêsu không có ý khinh thường Mẹ Ngài hay mối liên hệ
gia đình; nhưng Ngài muốn nhấn mạnh 2 điểm:
(1)
Mọi người đều có thể trở thành phần tử của gia đình Thiên Chúa, nếu họ nhận ra và
thực thi thánh ý của Thiên Chúa.
(2)
Cách trở thành phần tử trong gia đình Thiên Chúa khác với cách của người đời.
Theo cách của người đời, một người trở thành phần tử trong gia đình, hoặc bằng
cách sinh ra trong gia đình, hoặc do gia trưởng trong gia đình nhận làm con
nuôi (Jn 1:13). Theo cách của Thiên Chúa, một người trở thành con Thiên Chúa bằng
cách làm theo thánh ý Thiên Chúa; hay một cách rõ nét hơn: bằng cách tin vào Đức
Kitô là Con Thiên Chúa (Jn 1:12).
2.2/
Đức Mẹ là người thi hành thánh ý Thiên Chúa cách trọn vẹn: Giống như Chúa
Giêsu, cả cuộc đời của Đức Mẹ là làm theo thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta có thể
trưng dẫn ba nét chính:
(1)
Trong biến cố Truyền Tin: Khi sứ thần Gabriel hiện đến báo tin về Kế Họach Cứu Độ của
Thiên Chúa. Mặc dù Mẹ đã khấn giữ mình đồng trinh; nhưng sau khi đã nhận ra
thánh ý của Thiên Chúa, Mẹ đã khiêm nhường thưa với sứ thần lời Xin Vâng:
"Này tôi là tôi tớ Chúa, xin làm cho tôi như lời sứ thần
truyền" (Lk 1:38).
(2)
Tại tiệc cưới Cana: Khi
nhận ra sự lúng túng của đôi tân hôn vì hết rượu, Mẹ đến kêu cầu với Chúa:
"Họ hết rượu rồi!" Mặc dù Chúa nói với Mẹ: "Thưa bà, chuyện đó
can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến;" Mẹ vẫn căn dặn gia nhân:
"Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo" (Jn 2:4-5).
(3)
Khi tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền Thờ: Sau ba ngày vất vả tìm thấy Chúa Giêsu đang ngồi giữa
các thầy giáo và đàm thoại với họ, mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao
con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực
lòng tìm con!" Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết
là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?"
Nhưng
ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở
về Nazareth và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ
tất cả những điều ấy trong lòng (Lk 2:48-51).
2/
Phúc Âm:
Cuộc hội ngộ giữa Chúa Giêsu và Bà Mary Magdala
2.1/
Mary Magdala tiếp tục tìm xác Chúa: Trình thuật này tiếp tục trình thuật Bà chạy về báo
tin cho các môn đệ, và Phêrô cùng Gioan đã chạy ra mộ và chạy về. Bà vẫn quanh
quẩn bên mộ Chúa vì thương mến, và có lẽ vì tội nghiệp Chúa đã phải chịu cái chết
đau khổ như thế, mà giờ đây vẫn chưa hết đau khổ, vì con người vẫn chưa tha cho
xác chết của Ngài.
(1)
Mary thấy sứ thần Thiên Chúa, nhưng không nhận ra họ: Bà đứng ở ngoài, gần
bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai
thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu, một vị ở phía
đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc?" Bà
thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở
đâu!"
(2)
Mary nghe tiếng Chúa và nhìn thấy Chúa, nhưng không nhận ra Chúa: Đức Giêsu nói với
bà: "Này Bà! sao bà khóc? Bà tìm ai?" Bà tưởng Chúa là người làm vườn,
và nghĩ có thể ông đã lấy xác Chúa, liền nói với ông: “Thưa ông, nếu ông đã đem
Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.”
2.2/
Mary Magdala nhận ra Chúa Giêsu.
(1)
Nhận ra Thiên Chúa không bằng những gì nghe và thấy bên ngoài, vì Bà đã nghe và
thấy Chúa như trình bày ở trên; nhưng bằng sự rung động từ trong trí óc và con
tim. Thánh sử Gioan mô tả phút giây hội ngộ giữa Chúa Giêsu và Mary Magdala thật
ngắn ngủi, nhưng vô cùng tuyệt vời. Đức Giêsu gọi bà: "Mary!" Bà quay
lại và nói bằng tiếng Do-thái: "Rabbouni!" Chỉ có hai con tim đang yêu
mới hiểu được ý nghĩa tuyệt vời của hai tiếng gọi này. Sự kiện Chúa gọi tên Bà
gợi lại cho bà nhiều điều: Chúa đang sống, Ngài nhận ra Bà, Ngài hiểu sự đau khổ
của Bà, và Ngài yêu thương Bà. Nhận ra tiếng gọi thân thương của người mình yêu
mến trong khi đang tuyệt vọng đi tìm, còn gì xúc động và vui mừng hơn, Bà quay
lại để nhìn Chúa. Khi nhận ra Chúa, bà chạy đến, gieo mình xuống ôm chân Ngài,
và sung sướng kêu lên “Thầy của con.”
(2)
Yêu Chúa không phải giữ chặt Chúa, nhưng làm theo những gì Ngài muốn: Hành động của Mary
Magdala như thầm nói với Chúa: “Con sẽ không để Thầy xa con nữa.” Nhưng Đức
Giêsu bảo bà: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha.
Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng
là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh
em.""
Khác
với tình yêu con người, khi con người yêu ai, họ muốn giữ người họ yêu làm của
riêng cho mình; tình yêu Thiên Chúa đòi con người tiếp tục cho Chúa đi, chứ
không giữ Chúa lại làm của riêng cho mình. Con người tìm thấy niềm vui khi nhìn
thấy mọi người yêu Chúa. Chúa Giêsu muốn bảo Mary: Nếu con thương Thầy, hãy làm
cho nhiều người nhận biết Thầy! Thầy còn nhiều anh, chị, em mà con phải mang
tin mừng đến cho họ.
(3)
Bà Mary Magdala đi báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa!" và bà kể lại những điều
Người đã nói với bà. Một khi đã tìm thấy và cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa,
con người trở thành kẻ hát rong, ca ngợi tình yêu Thiên Chúa cho mọi người được
biết. Cuộc đời không còn gì lôi cuốn được người có tình yêu Thiên Chúa; họ sẽ
không đánh đổi tình yêu này cho bất cứ điều gì. Chỉ có tình yêu này mới có sức
mạnh đủ để họ làm chứng cho Chúa giữa bao nghịch cảnh: bắt bớ, roi đòn, tù đày,
gươm giáo, và ngay cả cái chết.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Thiên Chúa luôn trung thành yêu thương dù con người bất trung phản bội. Nếu
chúng ta biết ăn năn quay về, Ngài sẵn sàng giơ hai tay để đón nhận chúng ta
như những người con.
-
Chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa vì tin tưởng và làm theo thánh ý Ngài, chứ
không phải vì liên hệ máu mủ hay vì bất kỳ lý do nào khác.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 16 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 12,46-50
A. Hạt giống...
Thái độ và lời nói của Chúa Giêsu trong chuyện
này nhằm đề cao những người lắng nghe và làm theo Lời Chúa. Chúa quý chuộng họ
còn hơn những kẻ có liên hệ huyết nhục với Ngài nữa.
B.... nẩy mầm.
1. Chúa Giêsu cũng là người như chúng ta, nên
Ngài cũng có một gia đình tự nhiên, Ngài yêu mến cha mẹ anh chị em bà con.
Nhưng Ngài còn có một gia đình thiêng liêng gồm những môn đệ và những kẻ nghe
lời Ngài giảng dạy. Điều đặc biệt là Ngài quý chuộng gia đình thiêng liêng này
hơn gia đình tự nhiên kia.
Tôi thuộc về gia đình thiêng liêng của Chúa. Tôi
được Chúa yêu thương hơn cả những người ruột thịt của Ngài. Thật là hạnh phúc.
Cám ơn Chúa.
2. Nhưng để xứng đáng với tình yêu thương ấy, tôi
phải lắng nghe Lời Chúa và làm theo ý Chúa.
Hơn ai hết, Đức Mẹ là gương mẫu lắng nghe và thi
hành ý Chúa, cho nên Đức Mẹ vừa thuộc gia đình tự nhiên vừa thuộc gia đình
thiêng liêng của Chúa.
Xin Đức Mẹ dạy con noi gương Đức Mẹ.
3. Lắng nghe Lời Chúa và làm theo ý Chúa phải đi
đôi với nhau, bời vì nghe không phải để bỏ qua mà để thi hành. Mỗi tuần, mỗi
ngày tôi đều có nghe Lời Chúa. Nhưng xét kỹ xem tôi có “lắng nghe” không, và có
cố gắng thi hành ít là một phần nào đó không.
4. Kitô giáo vốn là Đạo của Lời. Thiên Chúa nói
với con người, đó là mặc khải nền tảng của Thánh Kinh. Thiên Chúa nói với con
người bằng muôn nghìn cách thế, nhưng thinh lặng là cách thế quan trọng nhất.
Chính trong thinh lặng của cõi lòng mà Thiên Chúa nói với con người ; chính trong
thinh lặng của thiên nhiên và các biến cố mà Thiên Chúa nói với con người. Do
đó, chỉ trong thinh lặng, con người mới nghe được lời của Ngài (Chờ đợi Chúa)
Những dòng trên khuyến khích tôi xét lại sự thinh
lặng nội tâm của tôi. Mỗi ngày tôi thực sự thinh lặng bao nhiêu phút ? Nhiều
khi tôi im lặng chứ không phải thực sự thinh lặng nội tâm.
Lạy Chúa, giữa muôn ồn ào náo động của cuộc sống,
xin cho con giữa được sự thinh lặng trong tâm hồn, để luôn lắng nghe được tiếng
Chúa, và nhất là nhận ra tiếng Chúa trong mọi quan hệ của con.
5. “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, đấng ngự
trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12,50)
Người thanh niên đến gặp Chúa Giêsu trên con
đường Ngài cùng môn đệ dấn bước. Ngài đã nhìn anh và đem lòng mến yêu.
Con chợt rung động dưới ánh nhìn của Chúa. Ánh
nhìn chẳng dừng lại với những thành kiến hẹp hòi, chẳng dừng lại nơi những cao
ngạo phô trương, nhưng cứ vút xa mãi, vượt quá lớp sương mù để chiếu vào tận
cõi thâm sâu, để nhìn thấy hình ảnh Cha đang ẩn mình trong mỗi tâm hồn. Ánh
nhìn không bị bó hẹp trong khuôn khổ một gia đình nhỏ bé tự nhiên, nhưng vượt
quá những khác biệt, những bức tường ngăn cách, những liên hệ máu mủ ruột thịt,
để sống tuân phục như định nghĩa của tình yêu, để thiết lập những dây leo tình
thương liên kết mọi tâm hồn nhân loại trong gia đình rộng lớn của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin dạy con biết sống như người anh em
của Chúa, bằng sự hiện diện đầy dẫy yêu thương tích cực trong lòng Giáo Hội và
giữa mọi người anh em. (Hosanna)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ
22/07/14 THỨ BA TUẦN 16
TN
Th. Ma-ri-a Ma-đa-lê-na
Ga 20,1-2.11-18
Th. Ma-ri-a Ma-đa-lê-na
Ga 20,1-2.11-18
Suy niệm: Cả
bốn sách Phúc Âm đều thống nhất một điều là cô Ma-ri-a Mác-đa-lê-na là người
đầu tiên gặp Chúa Ki-tô phục sinh (x. Mt 28,9-10; Mc 16,9-11; Lc 24,10). Cô có
một quá khứ ảm đạm nhưng đã được biến đổi hoàn toàn từ khi cô gặp Đức Ki-tô:
sau khi được Ngài giải thoát khỏi bảy tên quỷ, cô gia nhập đoàn những môn đệ đi
theo Ngài trên mọi nẻo đường truyền giáo (Lc 8,1-4); cô có mặt bên cạnh Chúa
Giê-su dưới chân thập giá cùng với Đức Ma-ri-a và người môn đệ được Chúa yêu
mến (Ga 19,25-26). Cô được mệnh danh là “tông đồ của các tông đồ” (th. Âu-tinh)
vì cô được Đức Ki-tô phục sinh giao sứ mạng báo tin cho các tông đồ: “Tôi đã thấy Chúa.”
Mời Bạn: Trong
sự khiêm tốn, chúng ta đều cùng cảm nghiệm với cô Ma-đa-lê-na rằng mình là tội
nhân. Đức Ki-tô phục sinh, Đấng duy nhất có thể xoá tội để cứu độ và đem lại
niềm vui cho chúng ta, Ngài đang sống, đang hiện diện đây trong bí tích Thánh
Thể, nơi những người vẫn sống cuộc sống thường ngày quanh chúng ta. Nhưng liệu
chúng ta có gặp và thấy Ngài như Ma-ri-a Ma-đa-lê-na không?
Sống Lời Chúa: Xin
ơn nhận ra Chúa Giê-su hiện diện nơi những người sống quanh tôi, đặc biệt trong
gia đình tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con tạ ơn Chúa đã hạ mình, để chúng con có
thể gặp gỡ Chúa nơi những anh chị em chúng con. Gặp và thấy Chúa đó là niềm vui
lớn nhất trong cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con sống và lan tỏa niềm vui
đó mỗi ngày bằng một nụ cười hay một cử chỉ yêu thương mỗi khi chúng con gặp gỡ
người nào đó.
Họ để Người ở đâu?
Đời chúng ta nhiều khi như ngôi mộ, mất mát và trống
vắng... Nhưng nếu ngôi mộ không trống thì làm sao có Tin Mừng phục sinh?
Suy niệm:
Mối tương quan thân thiết
giữa Đức Giêsu và Maria Mađalêna
đã được một vài tác giả khai
thác và dựng thành truyện.
Từ tiếng nức nở của Maria
Mađalêna bày tỏ tình yêu với Thầy Giêsu
trong vở nhạc kịch nổi
tiếng Jesus Christ Superstar của thập niên 70,
đến chuyện Đức Giêsu bị đóng
đinh mà còn mơ lấy Maria làm vợ, đẻ con,
trong truyện Cơn Cám
Dỗ Cuối Cùng của Nikos Kazantzakis.
Gần đây nhất là cuốn Mật
mã Da Vinci đã hấp dẫn cả triệu người,
dù câu chuyện giữa Đức Giêsu
và Maria Mađalêna hoàn toàn hư cấu.
Theo các sách Tin Mừng,
Maria Mađalêna không hề là gái gọi.
Chị không phải là cô Maria
ngồi dưới chân Chúa mà nghe (Lc 10, 39),
hay là cô Maria xức chân
Chúa ở Bêtania bằng dầu thơm hảo hạng (Ga 12, 3).
Chị cũng không phải là người
phụ nữ tội lỗi ở nhà ông Pharisêu (Lc 7, 36).
Maria Mađalêna là người quê
ở vùng Mácđala, gần bên hồ Galilê.
Chị đã được Đức Giêsu trừ
bảy quỷ,
và đã đi theo Thầy từ Galilê
cùng các bà khác (Lc 8, 1-3; 23, 49. 55).
Chị đã theo Thầy đến tận Núi
Sọ và đứng bên Thầy bị đóng đinh (Ga 19, 25).
Chị là người đầu tiên ra
viếng mộ buổi sáng ngày thứ nhất (c. 1).
Không thấy xác Thầy, chị hốt
hoảng chạy về báo cho hai môn đệ khác (c. 2).
Sau đó chị lại đến mộ lần
nữa để tìm xác Thầy (c. 11).
Nếu không mến Thầy, chị
chẳng thể can đảm theo đến cùng như vậy.
Ngôi mộ tự nó là nơi buồn,
buồn hơn vì xác Thầy cũng không còn đó.
Những giọt nước mắt của chị
làm ai cũng phải mủi lòng.
Thiên thần và Đấng phục sinh
đều hỏi một câu giống nhau: Sao chị khóc?
Maria khóc vì thấy mình mất
đi một điều quý báu.
Bận tâm duy nhất ám ảnh chị
là tìm lại được xác Thầy.
“Chúng tôi không biết họ để
Người ở đâu?”
Ba lần chị đã nói lời tương
tự như thế (cc. 2.13.15).
Đấng Phục sinh đến với chị
với dáng dấp của một ông làm vườn.
Ngài chạm đến nỗi đau của
chị: Sao chị khóc?
Ngài chạm đến khát vọng của
chị: Chị tìm ai?
Ngài gọi tên của chị bằng
tiếng gọi quen thuộc: Maria.
Với giọng nói ấy, chị nhận
ngay ra Thầy và reo lên: Rabbouni.
Đức Giêsu đã lau khô những
giọt lệ của chị và cho tim chị vui trở lại.
Chị chỉ mong tìm được xác Thầy,
thì lại gặp được chính Thầy đang sống.
Maria Mađalêna là người phụ
nữ được thấy Chúa đầu tiên (c. 18),
và được Chúa sai đi loan Tin
Mừng phục sinh cho chính các tông đồ (c. 17).
Đời chúng ta nhiều khi như
ngôi mộ, mất mát và trống vắng.
Chúng ta đau đớn vì mất
Chúa, mất những gì mình yêu quý xưa nay.
Nhưng nếu ngôi mộ không
trống thì làm sao có Tin Mừng phục sinh?
Chỉ mong chúng ta tìm kiếm
Chúa với rất nhiều tình yêu như chị Maria,
vì biết mình sẽ gặp được
điều quý hơn cái mình đã mất.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết và sống lại,
xin dạy chúng con biết chiến
đấu
trong cuộc chiến mỗi ngày
để được sống dồi dào hơn.
Chúa đã khiêm tốn và kiên trì
nhận lấy những thất bại
trong cuộc đời
cũng như mọi đau khổ của
thập giá,
xin biến mọi đau khổ cũng như
mọi thử thách
chúng con phải gánh chịu mỗi
ngày,
thành cơ hội giúp chúng con
thăng tiến
và trở nên giống Chúa hơn.
Xin dạy chúng con biết rằng
chúng con không thể nên hoàn
thiện
nếu như không biết từ bỏ
chính mình
và những ước muốn ích kỷ.
Ước chi từ nay,
không gì có thể làm cho
chúng con
khổ đau và khóc lóc
chỉ vì quên đi niềm vui ngày
Chúa phục sinh.
Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha,
là hy vọng hạnh phúc bất
diệt,
là ngọn lửa tình yêu nồng
nàn;
xin lấy niềm vui của Người
mà làm cho chúng con nên
mạnh mẽ
và trở thành mối dây yêu
thương,
bình an và hiệp nhất giữa
chúng con. Amen.
(Chân phước Têrêxa Calcutta)
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy niệm
Dựa trên những gì Tin mừng
nói đến, chúng ta có thể gạch vài đầu dòng về thánh nữ Maria Magđalênna mà Giáo
hội kính nhớ hôm nay:
- Theo Tin mừng thánh Luca
thì thánh Maria Magđalêna sống cùng thời với Chúa Giêsu. Bà đã từng bị bệnh và
bị quỷ ám, nhưng được Chúa Giêsu chữa lành và giải thoát khỏi 7 quỷ. Bà đã nhập
đoàn với các bà đạo đức đi theo Chúa Giêsu để giúp đỡ Ngài trên hành trình
truyền giáo (Lc 8,2-3).
- Bà đã theo Chúa
Giêsu đến giây phút cuối cùng, nên đã chứng kiến cuộc thương khó và cái chết
của Chúa Giêsu trên thập giá. (Mc 15,40).
- Bà cũng đã cẩn trọng để ý
xem ông Giuse người Arimathia hạ xác, tẩm liệm và an táng Chúa Giêsu trong mộ
đá như thế nào (Mc 15,46-47).
- Đặc biệt bài Tin mừng hôm
nay cho biết bà rất yêu Chúa Giêsu.
Chính tình yêu thúc đẩy nên
bà đã ra thăm mộ Chúa từ sáng sớm của ngày thứ nhất trong tuần.
Vì lòng mến yêu Chúa, bà đã
hốt hoảng và khóc nức nở khi thấy ngôi mộ trống và không nhìn thấy xác Chúa
đâu.
Và cũng vì yêu Chúa, bà đã
tìm đủ mọi cách để tìm lại Người như: trình bày nỗi lòng với hai Thiên Thần:
"Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi”; cũng như hỏi xem hai Thiên Thần
có biết Chúa Giêsu đâu không?
Dù lệ rơi có làm cho đôi mắt
bà trở nên lờ mờ không nhận ra Chúa. Nhưng với con tim nhạy bén, bà vẫn đủ sáng
suốt để nhận ra tiếng Chúa gọi: “Maria!”. Trong niềm vui sướng và với
lòng yêu mến chân thành, bà muốn giữ Chúa ở lại mãi bên mình. Nhưng Chúa Phục
sinh bảo bà: "Đừng giữ Thầy lại...", mà hãy ra đi để gặp gỡ và
chia sẻ về những điều mà mình đã thấy và kể lại những điều Người đã nói!
Mong rằng mỗi chúng ta cũng có được tình yêu Chúa một cách nồng nàn như
thánh nữ Maria Magđalêna.
Ước rằng mỗi chúng ta cũng luôn sẵn sàng bước theo Chúa đến cùng trong
bất cứ cảnh huống nào trong cuộc sống theo gương thánh nữ Maria Magđalêna.
Xin cho chúng ta cũng biết thao thức được ở bên Chúa, Đấng mà ta
yêu mến, nhất là biết đem niềm vui phục sinh đến cho những ai đang sống trong
cảnh đau buồn, thất vọng, vì đó là cách thức ta thể hiện tình yêu đối với Chúa
cụ thể nhất.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
22
THÁNG BẢY
Chính
Thiên Chúa Chọn Chúng Ta Trước
Sự
tiền định đi trước cả sự tạo thành vũ trụ. Bằng việc áp dụng những loại suy của
ngôn ngữ con người vào sự sống thần linh, chúng ta có thể nói rằng trước hết
Thiên Chúa muốn thông truyền chính Ngài – trong thần tính của Ngài – cho con
người, bởi vì con người được mời gọi trở thành hình ảnh của Ngài và giống như
Ngài trong thế giới thụ tạo. Tiên vàn, trong người Con Vĩnh Cửu của Ngài, Thiên
Chúa chọn con người để con người tham dự vào chức phận làm con ấy nhờ ân sủng.
Rồi, Thiên Chúa muốn thu họp tất cả thế giới thụ tạo về với chính Ngài trong Đức
Kitô.
Như
vậy, mầu nhiệm tiền định hoàn toàn hòa hợp với toàn bộ kế hoạch quan phòng của
Thiên Chúa. Mạc khải về kế hoạch vĩ đại này vén mở trước mắt chúng ta viễn tượng
về Vương Quốc của Thiên Chúa. Nó dẫn chúng ta đến chính trung tâm của Vương Quốc
này – ở đó chúng ta khám phá ra mục đích tối hậu của công cuộc tạo dựng. Chúng
ta hiểu Thiên Chúa muốn gì.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY
22-7
Thánh
nữ Maria Magdalêna
Dc
3, 1-4a; Ga 20, 1-2.11-18.
LỜI
SUY NIỆM: “Bà Maria Mácđa-la
đi báo cho các môn đệ: Tôi đã thấy Chúa; và bà kể lại những điều Người đã nói với
bà.”
Qua
câu chuyện và hình ảnh của bà Maria Mácđala. Giáo Hội muốn cho mỗi người trong
chúng ta phải biết rằng: Trong mọi đau buồn của con người luôn có sự hiện diện
của Chúa. Chúa đến để an ủi; điều quan trọng là chúng ta cần phải luôn nghe Lời
Chúa, để dù trong hoàn cảnh nào đi nữa; chúng ta cũng nhận ra có Chúa.
Lạy
Chúa Giêsu. Xin cho mọi người trong gia đình chúng con học nơi Bà Maria
Mácđala, về sự yêu mến Chúa, quen tiếng gọi của Chúa, mỗi khi Chúa gọi đến
tên mình.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
22-07: Thánh MARIA MADALENA
Các
Giáo phụ đã tranh luận và các nhà chú giải vẫn còn tìm hiểu xem Giáo hội có
kính nhớ ba thánh nữ dưới cùng một danh xưng Maria Madalena hay không.
Người
thứ nhất là một người nữ tội lỗi. Khi Chúa Giêsu vào nhà ông biệt phái Simon, một
tội nhân vô danh đã được ơn tha tội, nhờ tình yêu bà bày tỏ trong việc xức dầu
thơm vào chân Chúa rồi lấy tóc mà lau (Lc VII, 36-39).
Đàng
khác, cũng chính việc thánh sử Luca (Lc VIII, 43-48) đã nói đến Maria Madalêna
được Chúa Giêsu trừ quỉ cho. Thánh nữ là một trong số phụ nữ đã theo Chúa trong
các cuộc hành trình của Người. Hiện diện trên đồi Calvê, Ngài cũng thuộc vào số
các bà đem dầu thơm đến mồ xức xác Chúa. Ngài là người đầu tiên báo tin cho các
môn đệ biết ngôi mộ trống. Trở lại mộ ngay sau đó, Ngài đã thấy và nói truyện với
các thiên thần. Sau cùng, Ngài đã nhận ra Đâng Phục sinh mà thoạt đầu Ngài tưởng
là một bác làm vườn (Ga 20, 1-18).
Maria
Bêtania, là chị em của Matta và Lazarô đã ngồi dưới chân Chúa Giêsu mà nghe lời
Người, trong khi Matta bận rộn chuẩn bị bữa ăn. Thế mà Ngài là người đã chọn phần
tốt nhất, phần chiêm niệm (Lc 10,38-42). Khi Chúa Giêsu đến cứu sống Lazarô,
thánh nữ vẫn giữ một phần tương tự. Ngài ngồi tại nhà cho tới khi Matta kêu
Ngài tới gặp "thầy". Ít ngày sau, Ngài đã xức dầu Chúa Giêsu (Mt
26,6-13).
Mặc
dầu các sách Tin Mừng không bảo đảm đồng nhất ba khuôn mặt này thành một người
và ý kiến các giáo phụ còn trái nghịch, nhưng Giáo hội Tây phương từ thế kỷ thứ
VI đã đồng hóa thành một người. Sự đồng hóa này được diễn tả trong phụng vụ.
Với
sự đồng hóa ấy, lòng đạo đức thường diễn tả thánh Maria Madalena như một phụ nữ
có mái tóc dài, được Chúa Giêsu tha thứ nao nức đón nghe Lời Người. Bà đã được
chứng kiến Laxarô sống lại. Tiên cảm được về thảm kịch khổ nạn, bà đã đổ dầu
thơm quí giá lên chân Chúa Giêsu như một cuộc xức dầu cao cả. Hiện diện dưới
chân thánh giá, bà sẽ được Chúa Giêsu thân ái gọi tên "Maria" buổi
sáng phục sinh.
Sau
đó, người ta không nghe nói gì về Maria Madalena nữa. Theo truyền thuyết, Ngài đã
từ trần và được mai táng ở Ephêsô. Năm 889, hoàng đế Lêô VI đã chuyển thi hài
thánh nữ về một tu viện ở Constantinople.
(daminhvn.net)
22
Tháng Bảy
Người Bị Mạo Nhận
Ngoại
trừ Mẹ Của Chúa Giêsu, trong các Phúc Âm ít có phụ nữ nào được viết đến nhiều và
với đầy sự tôn kính bằng thánh nữ Maria Madalena mà Giáo Hội mừng lễ hôm nay.
Tuy
nhiên, người ta có thể gọi Maria Madalena là thánh nữ của sự vu oan vì tuy các
Phúc Âm nói đến ba phụ nữ cùng mang tên Maria, nhưng truyền thống trong Giáo hội
Tây phương đồng hóa cả ba thành một người phụ nữ duy nhất. Bởi lẽ đó, Maria
Madalena cũng được cho là người phụ nữ tội lỗi không được nêu tên trong đoạn 7
của Phúc Âm thánh Luca, người đã bất chợt đem bình dầu thơm xức chân Chúa Giêsu
rồi lấy tóc lau và sau đó được Chúa Giêsu tha thứ mọi tội lỗi, vì bà đã yêu mến
nhiều.
Ngày
nay, người ta phân biệt ba thánh nữ mang cùng một tên Maria, mà từ lâu lịch phụng
vụ của Giáo Hội Hy Lạp đã kính riêng rẽ. Ðó là Maria làng Batania, chị bà
Martha và ông Lazarô. Rồi người phụ nữ đã được tha nhiều vì yêu mến nhiều và
sau cùng là bà Maria Madalena, hoặc Maria làng Madala, người được Chúa chữa khỏi
"7 quỷ dữ". Cách nói "7 quỷ dữ" này không thể hiểu là Maria
Madalena đã sống một cuộc đời vô luân, nhưng chỉ có nghĩa là bà bị quỷ ám nặng
nề.
Ðoạn
8 của Phúc Âm thánh Luca thuật lại hoạt động của thánh nữ Maria Madalena và một
ít phụ nữ khác như sau: "Sau đó, Chúa rảo qua các thành, các làng mà rao
giảng... Có nhóm Mười Hai đi với Ngài và ít phụ nữ đã được chữa lành khỏi quỷ dữ
cùng bệnh hoạn: Maria gọi là người Madala, đã được đuổi khỏi 7 quỷ dữ và
Gioanna... cùng nhiều bà khác: Họ đã lấy của cải mình mà trợ giúp Ngài".
Và
con đường nối gót theo thầy Giêsu đã dẫn Maria Madalena từ Galilêa đến Giuđêa,
cho tới chân thập giá và chính Marian Madalena cũng là người trước tiên tìm đến
mộ Thầy, vào sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, để được thấy Chúa Giêsu
Phục Sinh và được trao cho nhiệm vụ đi báo cho các tông đồ: "Hãy đi gặp
anh em Ta và nói với họ: Ta lên cùng Cha ta và cũng là Cha anh em, Thiên Chúa của
ta và Thiên Chúa của anh em".
Theo
truyền thống Hy Lạp, sau này Maria Madalena đến sống tại Êphêsô cho đến khi qua
đời.
Trải
qua nhiều thế kỷ, thánh nữ Maria Madalena bị mạo nhận là người đàn bà tội lỗi.
Nhưng thiết nghĩ: Thánh nữ chỉ mỉm cười và xác quyết rằng: "Sự mạo nhận
này cũng không có gì là quá đáng, vì chúng ta tất cả là những người tội lỗi, cần
thống hối ăn năn và cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nhưng quan trọng hơn là
chúng ta hãy chấp nhận sứ mệnh rao truyền Tin Mừng Phục Sinh qua cuộc sống chứng
tá của chúng ta".
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét