Trang

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Cuộc đối thoại đại kết và các tương quan với Do thái giáo.

Cuộc đối thoại đại kết và các tương quan với Do thái giáo.

Phỏng vấn ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô

Năm mươi năm đã trôi qua kể từ khi Công Đồng Chung Vaticăng II công bố sắc lệnh về đại kết và đối thoại với các tôn giáo khác. Đây cũng là lúc cần duyệt xét qua tình hình đối thoại đại kết và liên tôn.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận xét của Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về hiệp nhất các tín hữu kitô. Bài phỏng vấn đã được đăng trên báo Quan Sát Viên Roma của Tòa Thánh số ra ngày 19 tháng 7 vừa qua.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, 50 năm đã trôi qua, có điều gì mới mẻ trong cuộc đối thoại đại kết giữa Giáo Hội công giáo và Giáo Hội chính thống không?

Đáp: Thế giới chính thống rất là khác nhau trong nội bộ, bởi vì có nhiều Giáo Hội chính thống. Hiện nay tình hình khó khăn hơn bên Ucraina, bởi vì Tòa Thượng Phụ chính thống Matscơva trách Giáo hội công giáo là đã không phân biệt rõ ràng giữa đức tin và chính trị. Trái lại, các tương quan với Tòa thượng Phụ chính thống Costantinopoli rất tốt. Chúng tôi có một lịch sử tình bạn dài, được diễn tả ra trong các chuyến viếng thăm nhau nhân dịp lễ các Thánh Bổn Mạng Phêrô Phaolô tại Roma và Anrê tại Costantinopoli. Đây là một truyền thống chắc chắn tạo thuận tiện lớn hơn cho sự hiệp thông trong tương lai gần. Vì có sự gần gũi với các anh em chính thống thuộc Tòa Thượng Phụ Costantinopoli, có thể sống một sự hiệp thông tinh thần với các anh em này. Nhưng rất tiếc vì có các đối chọi nên không thể thực hiện được điều này, đồng thời với các Giáo Hội chính thống khác thì hiện nay không thể giả thiết việc cầu nguyện chung. Vì thế tôi thấy cần phải tiếp nhận thách đố lớn tìm kiếm sự hiệp nhất giữa các tín hữu công giáo và các tín hữu chính thống.

Hỏi: Các cứ chỉ và các lời nói giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Bartolomaios I không thể được giải thích như là một dấu chỉ mới hay sao thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha Phanxicô với Đức Thượng Phụ Bartolomaios tại Giêrusalem đã không chỉ là một lúc kỷ niệm biến cố Đức Phaolộ VI gặp gỡ Đức Athenagoras, mà cũng là một bước tiến quan trọng đối với tương lai của phong trào đại kết, cần thiết để đào sâu mối dây nối kết và sự hiệp nhất. Tôi cay đắng ghi nhận rằng ngày nay nhiều người nói đến hai Giáo Hội, nhưng chỉ có một Giáo Hội duy nhất. Nó chính là Giáo Hội bên Đông và bên Tây. Chính vì thế tuyệt đối cần tìm lại sự hiệp nhất và sự hiệp thông trọn vẹn cả trong bí tích Thánh Thể nữa. Đó đã là ước mong lớn của Đức Phaolô VI và của Đức Athenagoras, mà cho tới nay chúng ta chưa thực hiện được, bởi vì chưa giải quyết được tất cả mọi vấn đề thần học. Còn có một công việc lớn phải làm, đặc biệt trong Ủy ban quốc tế hỗn hợp cho việc đối thoại thần học. Chúng tôi đang đương đầu với đề tài chính là tương quan giữa tính cách thượng hội đồng giám mục và quyền tối thượng của Phêrô. Chúng tôi không muốn làm một cuộc giàn xếp giữa hai thực tại, nhưng một tổng hợp giữa sức mạnh lớn của sự chính thống, tính cách thượng hội đồng giám mục và sức mạnh của công giáo là quyền tối thượng. Cũng có các vấn đề khác nữa. Nhưng trước hết cần tuyệt đối minh giải quyền tối thượng.

Hỏi: Nó sẽ là một chướng ngại còn lâu phải không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vâng, Đức Phaolô VI đã nói rằng quyền tối thượng của Giám Mục Roma là chướng ngại lớn nhất đối với phong trào đại kết. Ủy ban hỗn hợp thần học quốc tế nhóm họp tại Ravenna năm 2007 đã công bố một tài liệu chung kết được cả hai bên công giáo và chính thống ký nhận, trong đó được minh nhiên một cách rõ ràng rằng Giáo Hội cần một vị đứng đầu trên bình diện địa phương, vùng miền và hoàn vũ. Đây đã là một bước tiến lớn, bởi vì cả các anh em chính thống cũng đã thừa nhận rằng Giáo hội cần có một vị đứng đầu trên bình diện hoàn vũ. Và nó chỉ có ý nghĩa như dấu chỉ và dụng cụ của sự hiệp nhất, nếu Giáo Hội có một chiều kích hoàn vũ. Chúng ta phải tìm lại một việc thực thi quyền tối thượng của Giám Mục Roma, có thể chung cho cả các Giáo Hội khác. Các Giáo Hoàng đến sau Công Đồng Chung Vaticăng II đã hoạt động và hoạt động rất nhiều cho phong trào đại kết. Có dữ kiện là các vị lãnh đạo các Giáo Hội khác muốn đến Roma. Điều này cho chúng ta cảm tưởng là Giáo Hoàng diễn tả và đã sống quyền tối thượng đại kết, gồm tình bạn và tình huynh đệ. Tôi cũng nghĩ tới các ngày cầu nguyện cho hiệp nhất giữa các tín hữu kitô, các ngày suy tư và đối thoại đã diễn ra tại Assisi. Ai mà có thể mời được tất cả mọi Giáo Hội kitô và các tôn giáo khác tham dự một cuộc họp quốc tế để cầu nguyện cho hòa bình? Đây đã là một thực hành tốt quyền tối thượng đại kết của Giám Mục Roma rồi.

Hỏi: Có dấn thân chung troong việc tìm ngăn chặn hiện tượng tục hóa trong thế giới tây phương, tại Âu châu không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Liên quan tới vấn đề này Giáo Hội công giáo đã bắt đầu chương trình tái truyền giảng Tin Mừng. Nó cũng phải có một chiều kích đại kết, bởi vì sự tục hóa là một thách đố mà chúng ta đương đầu chung với nhau. Trong quê hương Thụy sĩ của tôi chẳng hạn, có 37% là tín hữu công giáo và 29% là tín hữu tin lành. Có rất nhiều hôn nhân hỗn hợp. Thực tại này cần được coi như một khởi đầu của sự thoả thuận đại kết, bởi vì việc sống chung giữa các tín hữu công giáo và tin lành mà không tham dự vào chính Giáo Hội và bí tích Thánh Thể trở thành một vấn đề lớn.

Hỏi: Cuộc đối thoại với các Giáo Hội và các cộng đoàn kitô khác có thể tạo thuận tiện cho hòa bình và hòa giải không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trước hết chúng ta phải can đảm hơn trong việc tố cáo các bách hại chống lại các tín hữu kitô, bởi vì ngày nay xảy ra nhiều bách hại hơn kà trong các thế kỷ đầu sau Chúa Kitô. Người ta tính rằng 80% các người bị bách hại là kitô hữu. Tôi tin rằng chúng ta im lặng qúa. Tất cả mọi cộng đoàn, tất cả mọi Giáo Hội đều có các tín hữu tử vì đạo. Máu không chia rẽ nhưng hiệp nhất. Trong Giáo Hội xa xưa người ta nói rằng các vị tư đạo là hạt giống làm nảy sinh ra các kitô hữu mới. Ngày nay chúng ta có thể nói rằng các vị tử đạo là hạt giống của phong trào đại kết và sự hiệp nhất trong tương lai. Tiếp nối Đức Gioan Phaolô II Đức Thánh Cha Phanxicô nói về ”đại kết của khổ đau”. Đây là nền tảng tinh thần sâu xa nhất của dấn thân đại kết. Điều này có giá trị, nhất là tại nước nguồn gốc của Kitô giáo, bên vùng Trung Đông, nơi các kitô hữu trốn chạy vì bị bắt buộc phải ra đi, bởi vì nếu họ ở lại thì sẽ bị giết. Thật là buồn, khi chỉ thấy các cơ cấu còn lại, trống rỗng không người! Và nếu điều này ra ra, chúng ta đã mất rất nhiều. Tôi cũng trông thấy các dấu chỉ tích cực: trong vài vùng như bên Siria sự bách hại hiệp nhất các kitô hữu với nhau.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, tại sao cuộc đối thoại với anh em Do thái lại được giao cho Hội Đồng Tòa Thánh thăng tiến hiệp nhất giữa các tín hữu kitô?

Đáp: Tại trung ương Tòa Thánh thật ra có hai Hội Đồng đặc trách về đối thoại: Hội đồng của chúng tôi và Hội Đồng đối thoại liên tôn. Hội đồng này đặc trách các tương quan với các tôn giáo khác. Tôi thấy tư tưởng giao phó cuộc đối thoại với Do thái giáo cho Hội Đồng của chúng tôi là điều tốt. Do thái giáo không phải là một tôn giáo đơn thuần như các tôn giáo khác, mà là mẹ của Kitô giáo, hay như thần học gia công giáo Erich Przywara nói, sự chia rẽ đầu tiên mà chúng ta có trong lịch sử của Kitô giáo là chia rẽ giữa Hội đường Do thái và Giáo Hội. Như thế, đối với tôi sự liên lụy của chúng tôi xem ra là điều tự nhiên. Con đường chúng ta phải đi để đạt đến sự hòa giải giữa Do thái giáo và Kitô giáo còn dài lắm. Cuộc đối thoại mà chúng tôi đang làm rất quan trọng, bởi vì nó đưa ra ánh sáng điều chúng tôi có chung với nhau, và điều khiến cho chúng tôi khác nhau. Thế rồi, cần phải thừa nhận rằng thế giới do thái có nội bộ rất khác nhau, và chúng tôi không thể có một cuộc gặp gỡ song phương với tất cả mọi nhóm và tất cả mọi cơ cấu được. Do đó anh em Do thái đã thành lập một ủy ban gọi là ”Ủy ban quốc tế do thái cố vấn liên tôn”, quy tụ các kiểu diễn tả khác nhau của Do thái giáo trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng đã thiết lập một cuộc đối thoại rộng mở với các rabbi của tòa Rabbi Giêrusalem.

Hỏi: Nếu quyền tối thượng của Giám Muc Roma là chướng ngại đối vói cuộc đối thoại đại kết giữa các Giáo Hội Kitô, thì trong cuộc đối thoại với anh em Do thái đâu là vấn đề quan trọng nhất? 

Đáp: Vấn đề lớn nhất là làm thế nào để hòa giải xác tín về giá trị của giao ước vĩnh cửu của Thiên Chúa với dân Israel và xác tín sự mới mẻ của giao ước mới mà Chúa Giêsu đã đem tới. Chúng tôi phải làm việc nhiều trên bình diện thần học về vấn đề này, và tôi hài lòng vì cũng có nhiều người do thái muốn suy tư về đề tài ấy.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, trong tương lai gần Hội Đồng có các chương trình nào khác không?

Đáp: Năm nay kỷ niệm 50 năm công bố tài liệu về đại kết ”Unitatis redintegratio” và vào tháng 11 tới chúng tôi sẽ tổ chức đại hội khoáng đại. Trong dịp này chúng tôi sẽ suy tư về các thách đố của phong trào đại kết, trong lúc này rất khác với qúa khứ. Chúng tôi sẽ duyệt xét lại lịch sử của mình. Từ ban đầu Hội Đồng của chúng tôi đã có hai văn phòng tây và đông. Chúng tôi biết rằng dọc dài các thế kỷ đã có các chia rẽ trong Giáo Hội, nhưng có hai chia rẽ chính: chia rẽ giữa Giáo Hội Tây phương và Giáo Hội Đông phương hồi thế kỷ XI, và chia rẽ trong Kitô giáo tây phương hồi thế kỷ XVI. Các vần đề rất khác nhau tùy theo vùng miền. Cuộc đối thoại với các Giáo Hội đông phương và chính thống đông phương liên quan nhất là tới các vấn đề giáo hội học như quyền tối thượng của Giám Mục Roma. Còn trong cuộc đối thoại với các cộng đoàn nảy sinh từ phong trào cải cách tin lành, các vấn đề rất khác nhau. Hiện nay trong thế giới của anh em tin lành chúng tôi không trông thấy khuynh hướng nào đẫn tới một sự hiệp nhất lớn hơn giữa họ với nhau. Thật thế, có sự phân tán lớn. Càng ngày cáng có thêm các cộng đoàn mới, và đây là một vấn đề. Điều này cũng bao gồm sự kiện không còn có một mục đích chung của phong trào đai kết nữa. Thật là quan trọng phải hiểu biết chúng ta muốn đi tới đâu. Ngày nay còn có một thách đố khác nữa đó là các phong trào tin lành và pentecostal gia tăng mạnh mẽ. Giáo Hội Pentecostal là Giáo Hội có đông tín hữu nhất sau Giáo Hôi Công Giáo. Chúng ta phải nói tới một sự pentecostal hóa Kitô giáo hay một loại Kitô giáo thứ bốn: Công giáo, Chính thống, Tin lành và Pentecostal. Đây là một thách đố quan trọng đối với tương lai. Tôi xác tín rằng trong nghĩa này Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có thể mở ra vài cách cửa còn đang đóng.

(SD 19-7-2014)

Linh Tiến Khải
www.vi.radiovaticana.va



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét