Ðức Thánh Cha tiếc thương
Giám Mục Tin Lành Tony Palmer
Ðức Thánh Cha tiếc thương Giám Mục
Tin Lành Tony Palmer.
Roma (VietCatholic News 21-07-2014)
- Sau nhiều giờ giải phẩu sau một tai nạn giao thông tại Anh khi đang di chuyển
trên một chiếc mô tô, Giám Mục Tony Palmer của Liên Hiệp Các Giáo Phái Phúc Âm
đã qua đời hôm Chúa Nhật 20 tháng 7 năm 2014.
Ðức Thánh Cha Phanxicô đã bày
tỏ sự tiếc thương của ngài trước cái chết của người bạn thân đã từng quen biết
nhiều năm với ngài.
Ðầu năm 2014, hàng trăm các tín hữu
Tin Lành thuộc phái Ngũ Tuần đang trong tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất Kitô
Giáo tại Hoa Kỳ đã theo dõi một đoạn video do Giám Mục Tony Palmer ghi bằng
iphone trong cuộc gặp gỡ với Ðức Thánh Cha Phanxicô hôm 14 tháng Giêng năm
2014. Trong đoạn video này, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã gởi đến Ðại Hội của họ
những tâm tình mong muốn sự hiệp nhất Kitô Giáo của ngài.
Qua người vợ Ý thuộc Phong Trào
Canh Tân Ðặc Sủng Công Giáo, Tony Palmer đã trở thành gạch nối với Giáo Hội
Công Giáo và đã từng làm việc với nhiều giới chức Công Giáo tại Rôma. Ðặc biệt
nhất là trong giai đoạn hoạt động tại Á Căn Ðình, ông đã quen biết với Ðức Tổng
Giám Mục Bergolio từ năm 2006 và nhận Ðức Tổng Giám Mục làm linh hướng.
Theo lời ông trình bày trước Ðại
Hội, thì giữa tháng Mười Hai năm 2013, ông nhận được cú điện thoại từ Ðức
Phanxicô ngỏ ý muốn gặp ông. Trong cuộc tiếp kiến ngày 14 tháng Giêng năm 2014
tại Vatican, ông cho Ðức Phanxicô hay mình sắp sửa tham dự Ðại Hội này, nếu Ðức
Phanxicô có mấy lời nhắn với Ðại Hội thì hay biết mấy.
Giám Mục Tony Palmer nói:
"Tôi hỏi: Ðức Thánh Cha có
muốn tôi viết xuống không? Ngài nói: sao anh không thu một đoạn video? Tôi thực
sự đã nghĩ đến chuyện này, tôi luôn có iPhone trong túi. Tôi đã nghĩ đến việc
xin ngài điều này... nhưng tôi không muốn lạm dụng tình bạn của chúng
tôi."
Trong đoạn video Ðức Thánh Cha nói
bằng tiếng Anh nhưng pha với tiếng Ý:
"Xin lỗi anh chị em vì đôi khi
tôi nói bằng tiếng Ý. Nhưng tôi nói chẳng bằng tiếng Anh hay tiếng Ý, nhưng
bằng tiếng nói con tim. Ðó là thứ ngôn ngữ đơn giản và chân thật hơn, và thứ
ngôn ngữ này có từ vựng và văn phạm của nó. Một văn phạm đơn giản với hai luật:
Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân vì họ là anh chị em của
chúng ta. Với hai luật ấy, chúng ta có thể tiến về phiá trước.
Tôi đang ở đây với người anh em
mình, với Giám Mục anh em Tony Plamer. Chúng tôi đã là bạn cố tri trong nhiều
năm. Ngài bảo với tôi về Ðại Hội của anh chị em, về cuộc gặp gỡ của anh chị em.
Và tôi thật hân hạnh được chào đón anh chị em với cả niềm vui và nỗi khát khao.
Vui vì thấy anh chị em cùng tụ họp
để tôn thờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa duy nhất và cầu nguyện cùng Chúa Cha để đón
nhận Thánh Thần. Ðiều này thật vui vì chúng ta có thể thấy Chúa đang hoạt động
khắp cùng bờ cõi trái đất. Khát khao vì điều xảy ra là trong chỗ chòm xóm với
nhau có những gia đình yêu mến nhau nhưng cũng có những gia đình không ưa nhau.
Những gia đình tụ họp cùng nhau và những gia đình phân rẽ. Chúng ta thuộc loại,
chop phép tôi được nói, là phân rẽ. Phân rẽ vì tội lỗi đã chia cách chúng ta,
tội lỗi của tất cả chúng ta. Những hiểu nhầm xuyên suốt trong lịch sử. Ðó là
hành trình dài của tội lỗi mà tất cả chúng ta đều dự phần. Trách ai bây giờ?
Tôi khát khao rằng sự phân rẽ này
đến hồi kết thúc để chúng ta được hiệp nhất. Tôi khao khát sự chấp nhận lẫn
nhau này.
Thánh Kinh đã đề cập đến gia đình
của anh em Giuse khi nạn đói xảy ra họ trẩy sang Ai cập để mua cái gì đó để ăn.
Họ có tiền nhưng họ không ăn tiền được. Nhưng ở đó họ gặp được cái còn quý hơn
thực phẩm: đó là người anh em của mình. Tất cả chúng ta đều có tiền là văn hóa,
là lịch sử của chúng ta. Chúng ta giầu có về văn hóa, tôn giáo và chúng ta có
những truyền thống dị biệt. Nhưng chúng ta phải gặp gỡ người khác như những anh
chị em của mình. Chúng ta phải khóc cùng nhau như Giuse đã từng khóc. Những
giọt nước mắt này hiệp nhất chúng ta. Những giọt lệ của yêu thương.
Tôi nói chuyện với quý vị như những
anh chị em với nhau bằng những từ ngữ đơn giản. Với niềm vui và nỗi khát khao.
Chúng ta hãy để nỗi khát khao được gặp gỡ và ôm lấy nhau tăng trưởng trong
chúng ta vì điều này thúc đẩy chúng ta tìm kiếm nhau và chấp nhận nhau. Và cùng
tôn thờ Chúa Giêsu Kitô là Chủ Tể của lịch sử, là Chúa và là Chúa duy nhất của
Giáo Hội, chúng ta hãy cầu nguyện với Ngài cho sự hiệp nhất.
Tôi chân thành cám ơn anh chị em đã
lắng nghe tôi. Tôi chân thành cám ơn anh chị em đã cho tôi nói ngôn ngữ của con
tim. Và tôi cũng xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi vì tôi cần những lời cầu
nguyện của anh chị em.
Và chúng ta hãy cầu xin Chúa cho
chúng ta được hiệp nhất. Chúng ta là anh chị em với nhau.
Chúng ta hãy tiến về phía trước,
chúng ta là anh chị em với nhau và trong tinh thần chúng ta hãy ôm lấy nhau.
Xin Chúa hoàn thành công việc Ngài đã bắt đầu. Cơ may này là một phép lạ, phép
lạ của tình hiệp nhất đã bắt đầu. Một nhà văn Ý nổi tiếng là Manzoni, đã viết
về điều này trong những tiểu thuyết của ông. Ông là một người đơn giản và ông
đã viết: 'Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một phép lạ Chúa đã bắt đầu mà lại không
kết thúc nó một cách chính xác.' Chúa sẽ hoàn thành phép lạ của sự hiệp nhất
này."
Thông điệp video của Ðức Giáo Hoàng
làm sững sờ những người hiện diện. Ðức Thánh Cha sau đó đã yêu cầu các tham dự
viên cầu nguyện theo ước nguyện của Chúa Kitô "Ut unum sint - Ðể Chúng Nên
Một." Cộng đồng Ngũ Tuần đáp lại bằng những lời cầu nguyện và gửi đến Ðức
Thánh Cha một video của họ được thực hiện trong dịp này.
Ðặng Tự Do
RadioVeritasAsia
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét