Trang

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2020

07-08-2020 : THỨ SÁU - TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

07/08/2020

 Thứ sáu tuần 18 thường niên

 

BÀI ĐỌC I: Nk 1, 15; 2, 2; 3, 1-3. 6-7 (Hr 2, 1.3; 3, 1-3. 6-7)

“Khốn cho thành khát máu”.

Trích sách Tiên tri Nakhum.

Kìa xem, trên núi có người đưa tin mừng chạy đến. Hỡi Giuđa, hãy mừng các ngày lễ trọng của ngươi, hãy thi hành lời ngươi khấn nguyện. Vì Bêlial từ nay sẽ không còn đi qua đất ngươi: nó đã bị hoàn toàn tận diệt.

Vì Chúa sẽ trồng lại cây nho Giacóp, cũng như cây nho Israel, bởi quân phá phách đã tàn phá chúng và đã bẻ cành chúng.

Khốn cho thành khát máu, tràn đầy gian dối, hung bạo, người ta không ngừng cướp phá ngươi. Hãy nghe tiếng roi quất, tiếng bánh xe lăn, ngựa hí, xe phóng nhanh, quân kỵ binh xông đến, gươm lấp lánh, giáo sáng ngời, nhiều người bị giết, tàn phá nặng nề, xác chết vô vàn, ngã quỵ trên nhau.

Ta sẽ vứt đồ ô uế trên mình ngươi, làm nhục ngươi, bêu xấu ngươi. Lúc bấy giờ, hễ ai thấy ngươi cũng ngoảnh mặt mà nói: “Ninivê thật tiêu điều! Ai thương được ngươi? Tìm đâu ra người an ủi ngươi”. Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Đnl 32, 35cd-36ab. 39. 41

Đáp: Ta sẽ giết chết và sẽ làm cho sống lại (c. 39c).

Xướng:

1) Ngày huỷ diệt đã gần rồi, và kỳ hẹn lại chóng đến. Chúa sẽ phán xét dân Người, và xót thương kẻ làm tôi Chúa. – Đáp.

2) Các ngươi hãy xem có một mình Ta, và ngoài Ta, không có Chúa nào khác: Ta sẽ giết chết và sẽ làm cho sống lại; Ta sẽ đánh đập và sẽ chữa lành. – Đáp.

3) Nếu Ta mài sáng gươm Ta như chớp, và nắm giữ phán quyết trong tay Ta, Ta sẽ trả oán những kẻ thù nghịch, sẽ trả thù những kẻ ghen ghét Ta. – Đáp.

 

ALLELUIA: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! – Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia. 

 

PHÚC ÂM: Mt 16, 24-28

“Người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?

“Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm. Thật, Thầy bảo các con: trong những kẻ đang đứng đây, có người sẽ không nếm sự chết trước khi xem thấy Con Người đến trong Nước Người”. Đó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM : Giá Trị Của Khổ Ðau

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về những điều kiện để được làm môn đệ Ngài: từ bỏ mình, vác Thập giá, và đi theo Chúa Giêsu. Cả ba kiểu nói đều đồng nghĩa với nhau, và đều nói lên cái cốt yếu của đời sống Kitô hữu, đó là đón nhận đau khổ như chính Chúa Giêsu đã đón nhận cuộc khổ nạn và cái chết dành cho Ngài.

Chúa Giêsu đã đưa ra những điều kiện trên đây liền sau khi Ngài loan báo về cuộc tử nạn của Ngài: Ngài sẽ bị đau khổ và bị treo trên Thập giá. Thập giá vốn là cái giá mà Chúa Giêsu phải trả vì cuộc sống và giáo lý của Ngài. Như vậy tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài đều phải trải qua con đường Thập giá ấy. Thật ra, đau khổ vốn là phần số chung của mọi người: đã mang tiếng khóc vào đời là mang lấy cả thân phận khổ đau, có khác chăng là thái độ của con người trước đau khổ mà thôi.

Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một thái độ mẫu mực. Ngài không bao giờ lý giải về nguồn gốc của khổ đau, nhưng Ngài đón lấy khổ đau và biến nó thành cội nguồn của yêu thương. Thập giá vốn là tận cùng sự bỉ ổi của con người, nhưng đã được Chúa Giêsu biến thành biểu tượng của tình yêu. Chúa Giêsu chịu treo trên Thập giá, không phải để đề cao đau khổ, mà chính là để biểu lộ tình yêu của Ngài. Như vậy, chính trong mầu nhiệm Thập giá, chúng ta đón nhận khổ đau; chính trong mầu nhiệm Thập giá Chúa Giêsu mà thái độ đón nhận đau khổ của chúng ta mang lấy ý nghĩa.

Bức tượng Mẹ Maria bồng xác Chúa Giêsu trên tay, do danh họa Michel-Angelo thực hiện và hiện được đặt tại Ðền thờ thánh Phêrô ở Rôma, là một trong những kiệt tác về sự đau khổ. Mẹ Maria ôm xác Chúa Giêsu trong vòng tay Mẹ, không gì buồn thảm bằng; thế nhưng đó cũng là một trong những kiệt tác về yêu thương. Tất cả đều tùy thuộc thái độ của con người trước khổ đau. Con người có thể trốn chạy khổ đau, con người có thể suốt một đời phàn nàn về khổ đau. Nhưng con người cũng có thể biến khổ đau thành một hành động yêu thương; đó là thái độ của Chúa Giêsu và cũng phải là thái độ của tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài.

Nơi nào có Thập giá, nơi đó có Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện yêu thương của Ngài ngay trong khổ đau, để giữa những giờ phút tăm tối và thử thách, chúng ta vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

 

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Sáu Tuần 18 TN2Năm chẵn

Bài đọcNah 2:1, 3; 3:1-3, 6-7; Mt 16:24-28.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nghệ thuật sống trong cuộc đời 

          Có những người khi gặp cơ hội, cuộc đời của họ lên như hương; khi thấy mình phát triển thịnh đạt, họ quên đi quá khứ và mọi người chung quanh đã giúp đỡ họ. Thay vì tìm cách trả ơn những người đã giúp đỡ, họ lại lên mặt kiêu căng và khinh thường mọi người. Đến khi gặp rủi ro trong cuộc đời, họ xuống nước cầu cứu và xin người chung quanh giúp đỡ! Ai có thể thương đến người một dạ hai lòng như thế?

          Hai bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra và biết sống đúng trong cuộc đời. Trong bài đọc I, tiên-tri Nahum nhìn thấy trước và tiên đoán sự suy sụp của Nineveh, vì những tội ác tày trời của dân thành đã xúc phạm đến Thiên Chúa và với tha nhân. Lời tiên-tri này đã được ứng nghiệm năm 612 BC. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy khán giả nghệ thuật sống trong cuộc đời: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.”   

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC

1/ Bài đọc I: Đức Chúa sẽ khôi phục dân của Người.

          Nahum sống trong thời đất nước bị khủng hoảng (7th BC), vương quốc miền Bắc đã bị rơi vào tay của Assyria và vương quốc miền Nam đang bị đe dọa. Ông là một thi sĩ kỳ tài, lối làm thơ của ông ít ai sánh nổi. Các tín hữu ít biết về ông vì Sách của ông chỉ được đọc một lần trong trình thuật hôm nay. Một số học giả chủ trương phải nghiên cứu Sách của Nahum song song với Sách của Jonah, vì cả hai đều nói tới Nineveh. Nahum nói về sự công bằng của Thiên Chúa; đó là lý do Nineveh bị luận phạt. Jonah nhấn mạnh đến lòng nhân từ của Thiên Chúa; đó là lý do Nineveh được tha thứ.

          1.1/ Đức Chúa khiến cho Jacob và Israel lấy lại sức kiêu hùng: Như phần đông các tiên-tri, Nahum mặc khải cho dân chúng biết Thiên Chúa dùng Assyria như cái roi để sửa dạy con cái Israel vì họ không nghe lời dạy bảo của Thiên Chúa; nhưng chính Thiên Chúa sẽ khôi phục số còn sót lại của Israel khi họ ăn năn trở lại. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài có thể dùng Assyria như cây roi để sửa phạt Israel; nhưng cũng có thể bẻ gẫy cây roi khi đã dùng xong, nếu cây roi “lên mặt” với người cầm roi.

          Nahum tóm tắt Tin Mừng của Thiên Chúa trong một chữ: bình an. Nếu số còn sót lại của Israel biết nhận ra tội lỗi và ăn năn trở lại với Thiên Chúa, họ sẽ được Ngài cứu thoát và địch thù của họ sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Tiên-tri Nahum nhìn thấy trước ngày liên kết trọn vẹn giữa miền Bắc (Jacob) và miền Nam (Israel) như hai cành của một cây, sau một thời gian cả hai đều đã bị ngoại bang dầy vò xâm lấn.

          1.2/ Thành Nineveh sẽ bị phá tan hoang: Nineveh nằm về hữu ngạn của sông Tigris, là thủ đô của đế quốc Assyria (miền Bắc của Iraq ngày nay). Đế quốc Assyria rất ác độc và vi phạm mọi nhân quyền. Nahum muốn dạy cho Assyria một bài học: đế quốc muốn tồn tại lâu dài không thể xây dựng trên những toan tính giả dối và dùng sức mạnh, Thiên Chúa sẽ trừng phạt những kẻ bất công, dùng bạo lực và thờ tà thần.

          Nahum cảnh cáo ngày tàn của Nineveh, vì những tội lỗi họ đã vi phạm: “Khốn cho thành vấy máu, toàn mưu chuyện lừa đảo, đầy những của cướp giật, chẳng bao giờ thiếu mồi!” Khi nhìn thấy cảnh tượng Nineveh bị tàn phá, mọi người sẽ kinh hoàng; nhưng vui mừng. Nineveh sẽ không tìm được ai để an ủi, vì mọi người chung quanh đều bị đối xử tàn tệ bởi dân thành.

2/ Phúc Âm: “Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.”

          2.1/ Cách sống theo đường lối của Thiên Chúa: Đức Giêsu nói với các môn-đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.”

          Thoạt nghe những lời này, chúng ta nhận ra lối sống Chúa Giêsu dạy đối ngược với lối sống của thế gian, nhất là với lối sống của nhiều người hiện nay. Nhiều chủ thuyết dạy con người đặt quyền lợi cá nhân và vật chất trên hết (individualism, materialism), nên họ chỉ biết ích kỷ tìm sự sống và lo vun quén cho chính họ mà thôi.

          Nhưng kinh nghiệm dạy những người theo chủ thuyết này sẽ không tiến bộ được. Người khôn ngoan, thành công và được mọi người quí mến trong cuộc đời, là người biết sống theo đường lối của Thiên Chúa. Nếu một người chịu khó suy gẫm những lời Chúa Giêsu nói: “Nếu hạt giống rơi xuống đất không thối đi, nó sẽ chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ nảy sinh hàng trăm những hạt khác;” người đó có thể nhận ra lý do tại sao anh phải hy sinh chết đi để được sống.

          Hơn nữa, người tín hữu không chỉ tìm những ích lợi đời này, nhưng mắt họ vẫn luôn luôn tìm kiếm kho tàng vĩnh cửu là cuộc sống đời sau. Đó là lý do Chúa dạy: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” Một số những sự thật về của cải vật chất mà con người phải suy xét:

          – Con người không thể tự mang theo mình bất cứ vật gì khi nằm xuống.

          – Của cải vật chất không thể chuộc lại mạng sống con người, dù chỉ một thời gian ngắn.

          – Con người sẽ phải trả lời cho Thiên Chúa về những của cải được sở hữu cách bất chính. Lúc đó, con người có hối hận chẳng thà đừng có cũng muộn rồi.

          2.2/ Thiên Chúa nhớ mọi việc con người làm: “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên-thần của Người và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.” Con người phát xuất từ Thiên Chúa và sẽ trở về với Ngài để chịu phán xét; vì thế, cuộc đời mỗi người không phải là một đường thẳng, để rồi mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời sẽ hoàn toàn qua đi; nhưng con người sẽ phải quay về để chịu trách nhiệm với Thiên Chúa về những biến cố này.

          Lời hứa khó hiểu của Chúa Giêsu: “Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị.” Điều này nếu hiểu theo nghĩa đen thì không đúng, vì mọi người cùng thời với Chúa đều đã chết. Trình thuật của Marcô hợp lý hơn: “Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực” (Mk 9:1). Sau khi Chúa Giêsu về trời, các môn-đệ ra đi rao giảng và nhìn thấy dân chúng nô nức tin vào Đức Kitô cả hàng ngàn vạn người. Điều này chứng minh uy quyền của Thiên Chúa hoạt động ngay từ đời này và Nước Chúa ngày càng trị đến.         

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG

          – Thiên Chúa muốn con người sống đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, chúng ta đừng bao giờ kiêu căng, hống hách và đối xử tàn tệ với tha nhân.

          – Khi chúng ta càng cho đi bao nhiêu, chúng ta sẽ càng nhận lại bấy nhiêu. Thiên Chúa và tha nhân sẽ trả lại cho chúng ta vượt quá lòng mong đợi của chúng ta.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

 

 

07/08/2020 – THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 18 TN

Th. Xít-tô II, giáo hoàng và các bạn tử đạo

Mt 16,24-28

 

MẠNG ĐỔI MẠNG

“Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16,26)

 

Suy niệm: “Mạng đổi mạng” nghe như thể Chúa đang nói về những cảnh đấu tay đôi trong phim ảnh hay những cuộc thanh trừng lẫn nhau của đám giang hồ xã hội đen. Nhưng không phải vậy, mà đây là điều kiện để trở thành môn đệ Đức Giê-su đấy. Chúng ta hẳn còn nhớ đã có lần Đức Giê-su bảo phải dám chặt đứt một cánh tay, dám móc đi một con mắt… để được vào cõi sống muôn đời. Đó không phải là Chúa dạy hành xử dã man bạo lực, trừng trị lạnh lùng; trái lại Ngài muốn nói dạy chúng ta sám hối cách triệt để, từ bỏ điều xấu đến tận cùng. Mạng sống con người thật là bé nhỏ giữa muôn vàn mạng sống trong vũ trụ này. Nhưng với người môn đệ Chúa Giê-su, nếu biết đem cả con người, cả mạng sống mình để sống tròn đầy cho Chúa và vì Chúa trong việc loan báo Tin Mừng, trong phục vụ và yêu thương thì mạng sống ấy có vẻ như mất đi nhưng lại trở nên quý giá trước mặt Chúa, và trở nên bất tử, tồn tại muốn đời.

Mời Bạn: Bạn có muốn giữ cuộc sống của mình ở trần gian hay bạn muốn mạng sống mình được sống viên mãn cùng Đức Ki-tô? Trong bậc sống của mình, bạn sống như thế nào để bạn không bị hư mất mà, trái lại, trở nên quý giá trước mặt Thiên Chúa?

Sống Lời Chúa: Coi trọng việc thực hành hy sinh, khổ chế để làm chủ được những dục vọng của bản thân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết phán đoán và sự tự do để chúng con phân định và lựa chọn việc phải làm và nên làm. Xin cho chúng con luôn chuyên cần “làm điều thiện không sờn lòng nản chí” (x. Gl 6,9).

(5 Phút Lời Chúa)

 

 

SUY NIỆM : Từ bỏ chính mình


Suy niệm:

Con đường của người môn đệ Thầy Giêsu là con đường không êm ả.

Ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần đầu về số phận sắp đến của mình,

Ngài đã nói đến số phận của các môn đệ (cc. 24-28).

Họ được mời chia sẻ cùng một thân phận với Thầy và như Thầy.

Thầy trò sẽ phải đi qua con đường hẹp, con đường của khổ đau và cái chết.

Nhưng cuối cùng con đường ấy dẫn đến phục sinh (Mt 16, 21).

Phục sinh, sự sống, niềm vui, sẽ chiến thắng.

Chiến thắng ấy chỉ mua được bằng khổ đau và cái chết tự nguyện.

Như thế điều kiện để giữ được sự sống đời sau là dám mất sự sống đời này.

Đây thật là một liều lĩnh của đức tin,

vì nếu không thực sự tin vào đời sau, thì chẳng ai muốn thả mồi bắt bóng.

Cuộc đời này có nhiều điều chân thiện mỹ, có nhiều giá trị đáng trân trọng.

Nhưng lắm khi cũng phải hy sinh chúng cho những giá trị lớn hơn,

cho Đấng là Chân Thiện Mỹ viết hoa, là Giá Trị của mọi giá trị.

Cái tôi của tôi là một giá trị lớn, là quà tặng độc đáo Chúa ban cho tôi.

Chẳng có hai cái tôi giống nhau dưới mắt Chúa.

Cùng với cái tôi, Chúa ban cho tôi tự do, lý trí, trái tim, thân xác…

Chúa còn ban cho tôi vũ trụ vật chất với bao tài nguyên để tôi sống nhờ,

và cả một thế giới với bao cái tôi khác, để tôi sống với như anh em.

Cái tôi là món quà quý nhất Chúa ban cho tôi.

Cái tôi cũng là món quà quý nhất tôi có thể dâng lại cho Chúa.

Nhiều tôn giáo nói đến từ bỏ cái tôi, phá chấp ngã.

Đức Giêsu cũng mời bất cứ ai muốn bước theo Ngài phải từ bỏ chính mình,

không phải vì cái tôi của mình là xấu xa, đáng ghét,

nhưng chỉ vì nó chỉ là thụ tạo trước mặt Đấng Tạo Hóa đã dựng nên nó.

Từ bỏ chính mình là đặt mình ở dưới Thiên Chúa, không coi mình là trung tâm,

và để cái tôi của mình trọn vẹn tùy thuộc vào ý muốn của Ngài.

Thầy Giêsu đã sống từ bỏ mình như vậy trong suốt cuộc đời trần thế.

Ngài luôn sống như một người con thảo, một người được Cha sai.

Lạ thay, chính lúc từ bỏ mình, múc cạn chính mình, hủy mình ra không,

thì Ngài lại được phục hồi chính mình và được siêu tôn trên mọi sự (Pl 2, 9).

Trong Kitô giáo, cái tôi được thanh luyện, nhưng không bị loại bỏ.

Cái tôi ấy cũng không bị Thiên Chúa nuốt chửng hay hòa tan.

“Ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (c. 25).

 Như thế từ bỏ mình là cách duy nhất để giữ mình cho toàn vẹn.

Chẳng thể nào yêu mến và phục vụ lại không gắn liền với việc từ bỏ mình.

Có khi từ bỏ một định kiến hay tự ái, một quyền lợi hay ảnh hưởng riêng,

cũng khó như một hy sinh mạng sống.

Vác thập giá của mình là vác gánh nặng của bổn phận mỗi ngày,

vác yếu đuối của người anh em mỗi ngày, vác cuộc đời mình mỗi ngày.

Thầy Giêsu đòi chúng ta vác thập giá của mình mà theo Thầy cho đến chết.

Vì Thầy là Con Thiên Chúa, vì Thầy đã lấy lại được sự sống,

nên chúng ta tin tưởng vác thập giá bước đi sau Thầy.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

trước khi con tìm Chúa, Chúa đã đi tìm con.

Trước khi con thấy Chúa, Chúa đã nhìn thấy con.

Trước khi con theo Chúa, Chúa đã đi theo con.

Trước khi con yêu Chúa, Chúa đã mến yêu con.

Trước khi con thuộc về Chúa, Chúa đã thuộc về con.

Trước khi con phụng sự Chúa, Chúa đã phục vụ con.

Trước khi con từ bỏ mình vì Chúa, Chúa đã nộp mình vì con.

Trước khi con sống và chết cho Chúa, Chúa đã sống và chết cho con.

Trước khi con đặt Chúa lên trên hết,

Chúa đã coi con là hạnh phúc tuyệt vời của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu là Thầy của con,

Chúa luôn đi trước con.

Chúa làm trước khi Chúa dạy.

Con hiểu rằng mọi điều Chúa đòi hỏi nơi con

đều chỉ vì lợi ích vĩnh cửu của con mà thôi.

Xin cho con đón nhận những cắt tỉa của Chúa

với lòng biết ơn và rất nhiều tình yêu. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

 

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

7 THÁNG TÁM

Không Gì Có Thể Tách Chúng Ta Ra Khỏi Tình Yêu Thiên Chúa

Thánh Tông Đồ Gia-cô-bê cũng diễn tả tương tự khi ngài dạy các Kitôhữu thái độ đương đầu các thử thách với niềm vui và kiên nhẫn: “Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không thiếu sót điều gì” (Gc 1,2-4).

Cuối cùng, trong Thư gửi các tín hữu Rôma, Thánh Phaolô so sánh những đau khổ của con người và của vũ trụ với ‘cơn đau sinh nở’ của mọi tạo vật. Ngài nhấn mạnh rằng đây là ’những tiếng rên siết’ của những ai lãnh nhận Thần Khí như ‘ơn huệ mở đầu’ nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là ‘cứu chuộc thân xác chúng ta nữa’(Rm 8,22-23).

Rồi, Thánh Phaolô ghi nhận về đau khổ: “Chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi cho những ai yêu mến Ngài, tức là cho những kẻ được Ngài kêu gọi theo như ý Ngài định…” (Rm 8,28). Cũng trong văn mạch này, ngài tuyên bố: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8,35).

Với cảm nhận sâu xa ấy về tình yêu và sự tốt lành của Thiên Chúa trong Đức Kitô, Thánh Phaolô kết luận: “Tôi tin chắc rằng: dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay ma vương quỉ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).

Ở đây Thiên Chúa, Cha chúng ta đang yêu thương chúng ta đời đời trong Đức Kitô. Ngài là người Cha dạy bảo chúng ta trong sự quan phòng yêu thương của Ngài: “Con hãy kiên trì để cho Ta sửa dạy; Ta đối xử với con như con cái. Thật vậy, có đứa con nào mà người Cha không sửa dạy?… Ta sửa dạy con vì lợi ích của con, để con được thông phần vào sự thánh thiện của Ta” (Dt 12,7.10).

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

 

 

Lời Chúa Trong Gia Đình

NGÀY 07/8

Thánh Xystô II, Giáo hoàng

và các bạn tử đạo

Thánh Cajêtanô, linh mục

Nk 2, 1.3; 3,1-3.6-7; Mt 16, 21-28.


LỜI SUY NIỆM: “Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”

          Lời mời gọi nầy của Chúa Giêsu, Chúa đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần ở nhiều nơi: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,37-39); (Mc 8,34-37); (Lc 9, 23-27); (Ga 12,25). Đây vừa là một lời mời gọi, vừa là một lời loan báo đầy thách thức với tất cả những ai muốn đi theo Người

          Lạy Chúa Giêsu. Chúa đòi buộc chúng con phải từ bỏ chính mình chúng con; Phải vác thập giá của chúng con mọi ngày; Phải đi theo Chúa trong sự vâng phục. Xin Chúa ban thêm ân sủng của Chúa, để chúng con bền vững vác thập giá đi theo Chúa cho đến trọn đời.

Mạnh Phương

 

 

Gương Thánh Nhân

Ngày 07-08: Thánh GAETANÔ

(1480 – 1547)


Thánh Gaetanô (Cajetan) là một trong những khuôn mặt lớn đặt nền tảng cho cuộc canh tân Giáo hội tại Ý vào thế kỷ 16. Ngài sinh năm 1480 tại Vicenza, trong một gia đình giầu có và quí phái. Năm 1504, Ngài đậu bằng tiến sĩ luật và giáo luật tại Padua và năm 1508 tham phần vào việc điều khiển Giáo hội tại Roma. Đức Juliô rất quí chuộng Ngài và có lẽ Ngài đã được Đức Giáo hoàng này cử đi thương thuyết với vương quốc Venice, thời kỳ ký hiệp ước Cambray và thời kỳ hậu chiến 1509 -1516.

Có thể những hoàn cảnh này đã gợi lên trong Gaetanô lần đầu tiên ước muốn chấn hưng đạo đức thật sự. Năm 1516 Ngài nhập dòng tình yêu Thiên Chúa ở Roma, một tu hội tìm bảo đảm đời sống thiêng liêng của hội viên bằng kinh nguyện, việc năng lãnh nhận bí tích và thực hiện các công cuộc từ thiện tại các nhà thương, cô nhi viện, trại cải huấn… Ngài thụ phong linh mục ngày 30 tháng 9 năm 1516. Ngài dâng lễ mở tay mấy tháng sau đó và bắt dầu dâng lễ hàng ngày, một thực hành bất thường vào thời đó. Do một người bạn từ Brescia tên là Bartolômeô Stella, Ngài chịu ảnh hưởng của nữ tu Laura Mignani, trong dòng Augustinô. Ngài thường xuyên liên lạc thư từ với chị, nhưng có lẽ không bao giờ gặp mặt chị.

Năm 1517, Ngài trở về Vicenza, nuôi bệnh mẹ lần cuối. Tại đây Ngài chọn cha Fra Batttista Carieni da Grema, một cha dòng Daminh nổi tiếng làm cha giải tội, từ đây Ngài hiến trọn đời phục vụ Thiên Chúa. Sau khi dàn xếp xong câu chuyện và từ bỏ sự tiến cử trong Giáo hội, Ngài hiến 6 năm tiếp làm việc thiêng liêng và bác ái trong các cộng đoàn ở Vicenza, Verona và Venice. Nơi đây, Ngài truyền bá việc rước lễ thường xuyên, lòng tôn sùng Thánh thể, đời sống cầu nguyện hãm mình. Ngài trở thành người hướng dẫn tinh thần và gương mẫu thúc đẩy thánh Hiêrônimô Emilimô lập dòng Somaco.

Dầu vậy năm 1523, khi trở về Roma và dưới sự hứơng dẫn của cha Fra Battista, cha Gaeta gặp các bạn và lập một dòng mới vào năm 1524. Nhân vật chính trong số các bạn của Ngài là Pietro Carafa, sau này sẽ là Đức Phaolô IV. Hai người tính tự nhiên khác hẳn nhau, nhưng lại hợp nhất trong một nhiệt tình muốn canh tân Giáo hội, nhất là ở Roma. Bề trên tiên khởi của dòng là Pietro Crafa, lúc ấy đang làm Tổng giám mục Chicti. Bởi đấy dòng được gọi là Theatinus. Dầu là các linh mục triều, sống thành cộng đoàn và dấn thân làm việc mục vụ. Các hội viên vẫn giữ lời khấn nghèo khó, vâng lời và trong sạch. Từ chối sở hữu mọi của cải, họ không đi ăn xin và chỉ sống nhờ lòng bác ái của các tín hữu. Đây là một cuộc mạo hiểm chống lại những lạm dụng của hàng giáo sĩ thời đó và tìm tái lập nét đẹp tinh thần của chức linh mục.

Cộng đoàn ở Rôma nhỏ bé nhưng đã trở nên trung tâm đạo đức, bác ái và nghiên cứu Phụng vụ. (Năm 1527 bị xâm chiếm. Nhà dòng phải trốn về Venice. Các hội viên nhất là chính cha Gaetanô bị người Tây Ban Nha hành hạ dã man. Mãi tới năm 1555, khi đức Hồng y Carafa lên làm giáo hoàng và cha Gaetanô đã chết nhà dòng mới trở lại Roma)

Cha Gaetanô là bề trên thứ hai của nhà dòng. Linh đạo của cha đã in nét tối hậu tạo thành nếp sống của dòng. Linh đạo này hoà hợp đời mục vụ với đời sống chiêm niệm. Trong khi Đức cha càng ngày càng tích cực với các hoạt động công khai thì cha Gaetanô không ngừng lui vào đời sống ẩn dật. Sự khiêm nhường rất mực của cha Gaetanô trở nên như huyền thoại. Ngài để lại một ít thư từ và không có một tác phẩm nào.

Dầu vậy, Ngài đã đạt tới đỉnh cao thánh thiện và được kính nể nnhư một bậc thánh nhân ngay khi còn sống. Cầu nguyện và rao giảng không biết mệt, tôn sùng Thánh Thể và sống đời nhiệm nhặt, không ngừng làm việc bác ái tông đồ, tất cả những đặc điểm ấy của Ngài ghi dấu vào cuộc canh tân tinh thần của Giáo hội. Ngoài ra, Ngài rất tinh tế trong việc phụng vụ. Nhiều chuyện còn kể các phép lạ Ngài làm khi còn sống. Trong một lá thứ gởi cho chị Mignami, chính Ngài đã kể lại việc Đức Mẹ trao cho Ngài săn sóc Chúa Hài Đồng.

Trên giường bệnh Ngài nói rằng mình phải chịu mọi cực hình thánh giá. Thánh Gaetanô qua đời tại Naples năm 1547, được phong chân phước năm 1629 và năm 1691 Đức Innocentê XII tuyên phong hiển thánh.

************************
Ngày 07-08: Thánh XISTÔ II

Giáo Hoàng và Các Bạn Tử Đạo


Ngày 30 tháng 8 năm 257, Đức Xystô lên ngôi Giáo hoàng, kế vị Đức Stephanô I giữa lúc Giáo hội đang chìm trong con người bách hại thời Valerianô. Pontiô, một phó tế của Thánh Cyprianô gọi Ngài là “Linh mục nhân hậu hòa nhã”. Ngài đã tránh được một cuộc ly khai khi để cho các Giáo hội địa phương tự do theo thói quen rửa tội lại cho các người theo lạc giáo.

Một năm sau thánh Cyprianô loan tin: Đức giáo hoàng Systô đã bị xử tử đêm 6 tháng 8 cùng với 4 vị trợ tá (phó tế) của Ngài. Các Kitô hữu Roma đã bị cảnh sát đột kích trong khi đang cử hành thánh lễ tại hang toại đạo Callistô. Để khỏi bị bắt giam tất cả, Đức Xystô đã hiến mình chịu chết. Ngài bị chặt đầu ngay tại ngai tòa giám mục cùng với 4 vị trong số 7 vị trợ tá (phó tế) của Ngài là Gianuariô. Mahnô, Vicentê và Stêphanô. Hai vị khác là Fêlicissimô và Agapitô đã bị bắt và bị chặt đầu cùng ngày tại hang toại đạo Praetextato.

Cái chết vì đoàn chiên trong những cảnh thương tâm như vậy đã khiến cho Đức Xystô được dân chúng tôn kính rộng rãi. Ngài được mai táng trong hầm mộ giáo hoàng tại chính nơi Ngài chịu chết. Tuy nhiên di hài của Ngài có lẽ đã được Đức Lêô IV (847 – 855) dời về thánh đường Xystô vẫn còn được tôn kính cho đến ngày nay.

(daminhvn.net)

 

 

07 Tháng Tám

Con Bọ Cạp Giữa Dòng Sông

Một tín đồ Ấn giáo nọ xuống dòng sông Gange để thanh tẩy và cầu nguyện…

Ông đang trầm mình giữa dòng sông thì bỗng đâu rác rưởi tấp lại dày đặc xung quanh ông. Trong đống rác, một con bọ cạp đang chao đảo chới với giữa dòng nước. Sẵn lòng khoan dung đối với thú vật, người tín đồ Ấn giáo mới chìa cánh tay ra để cứu vớt con vật. Nhưng cánh tay ông vừa đưa ra đã bị con vật dùng chiếc vòi độc của nó đốt lấy. Người đàn ông không mất kiên nhẫn, con vật càng hung hãn, ông càng chịu đựng để nó dùng nọc độc chích liên hồi, miễn là cứu sống nó thoát khỏi dòng nước đang cuốn trôi.

Có người theo dõi cảnh tượng, mới trách người tín đồ như sau: “Ông mất giờ vô ích. Nó là con bọ cạp, bản chất của nó chỉ là dùng nọc độc để chích mà thôi”.

Người tín đồ Ấn giáo mới điềm nhiên trả lời: “Bản chất của con bọ cạp là dùng nọc độc để chích, nhưng bản chất của con người là cứu vớt”.

Chúng ta dễ có khuynh hướng phân biệt xã hội thành hai loại người: xấu và tốt, bạn và thù… Kẻ xấu là người đáng xa lánh, người thù thì phải oán căm sâu sắc… Chúa Giêsu đã đánh đổ mọi thứ óc “biệt phái”. Những kẻ bị xã hội loại ra bên lề đã được Ngài biến thành bạn hữu, những kẻ đồng bàn. Ngài đã không nhìn người bằng những nhãn hiệu có sẵn, mà chỉ bằng hình ảnh cao quý của Thiên Chúa. Trong cái nhìn ấy, hàng rào giữa bạn và thù, giữa tốt và xấu sẽ được tháo gỡ giữa mọi người. Trong cái nhìn ấy, tất cả mọi người đều có chung một danh xưng; đó là anh em của nhau…

(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét