22/08/2020
Thứ Bảy tuần 20
thường niên
Đức Maria Nữ
Vương.
Lễ nhớ.
* Vì cả thân xác cũng đã được biến đổi, Đức Maria trong vinh quang mông
triệu đã trở nên thành công tối hậu của công trình cứu chuộc. Nhưng Đức Maria
vô cùng diễm lệ đồng thời cũng rất quyền thế bởi vì Người là Thánh Mẫu của Đấng
mà “triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. Chính vì thế, từ bao thế kỷ, các
tín hữu đã kính chào Mẹ là Đức Nữ Vương, Đấng Trung Gian tối cao của ân sủng.
BÀI ĐỌC I: Is 9, 2-4.
6-7 (Hl 1-6)
“Chúa ban Con của Người cho
chúng ta”.
Trích sách Tiên tri
Isaia.
Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng
lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết. Chúa đã làm cho dân tộc nên vĩ
đại, há chẳng làm vĩ đại niềm vui? Họ sẽ vui mừng trước nhan Chúa, như thiên hạ
mừng vui trong mùa gặt lúa, như những người thắng trận hân hoan vì chiến lợi phẩm,
khi đem của chiếm được về phân chia. Vì cái ách nặng nề trên người nó, cái gông
nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức. Chúa sẽ nghiền nát ra,
như trong ngày chiến thắng Mađian.ĐBởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến
thắng, mọi chiếc áo nhuộm đẫm máu đào, sẽ bị đốt đi và trở nên mồi nuôi lửa.
Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng tôi, và một người con đã được ban
tặng chúng tôi. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên
Người là “Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa huy hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua
Thái Bình”.
Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự
trên ngai vàng của Đavít và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường,
trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. Lòng ghen
yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 112, 1-2.
3-4. 5-6. 7-8
Đáp: Nguyện danh
Chúa được chúc tụng, từ bây giờ và cho đến muôn đời (c. 2).
Xướng:
1) Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh
Chúa. Nguyện danh Chúa được chúc tụng, từ bây giờ và cho đến muôn đời. – Đáp.
2) Từ mặt trời mọc lên tới khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi
khen. Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời là vinh quang của
Chúa. – Đáp.
3) Ai được như Thiên Chúa chúng tôi, Người ngự trên nơi cao thẳm, và Người
để mắt nhìn coi, khắp cả trên trời dưới đất?- Đáp.
4) Người nâng cao kẻ túng thiếu từ chỗ bụi tro, và cất nhắc bạn cơ bần từ
nơi phẩn thổ, hầu cho họ ngồi với những bậc quân vương, với những bậc quân
vương của dân Người. – Đáp.
ALLELUIA:
Alleluia, alleluia!
– Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các
người phụ nữ. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 1, 26-38
“Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và
sinh hạ một Con trai”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là
Nadarét, đến với một Trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi
họ Đavít, Trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà Trinh nữ và chào rằng:
“Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa
các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.
Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ
thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi
là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người.
Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”. Nhưng
Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến
người nam?”
Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao
sẽ bao trùm Bà. Vì thế, Đấng Bà sinh ra sẽ là Đấng Thánh, và đưọc gọi là Con
Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi
già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì
không có việc gì mà Chúa không làm được”.
Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần
truyền”. Và thiên thần cáo biệt Bà. Đó là lời Chúa.
Hoặc: Lc 1, 39-47
“Phúc cho Bà là kẻ đã tin”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vả ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ
Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Êlisabeth. Và khi bà Êlisabeth nghe
lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Êlisabeth được đầy
Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ
và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?
Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi.
Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.
Bà Maria nói rằng: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ
trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi”. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Đức Maria Trinh
Nữ Vương
Ngày 1 tháng 11
năm 1954, bốn năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác về trời, Đức
Thánh Cha Piô XII đã long trọng đội triều thiên lên tượng Đức Trinh Nữ là "sự cứu
rỗi của dân Roma". Đây là cử chỉ tượng trưng biểu thị sự công bố về vương
quyền phổ quát của Đức Mẹ Maria.
Đoàn người đông đảo đứng chật quảng đường đền thờ thánh Phêrô, nhân danh
cả hoàn cầu, dâng cao niềm hoan hỉ.
Đức Thánh Cha cầm những vòng vàng dát đá quí từ khắp thế giới gởi về, để
đặt trên đầu tượng Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ngài nói: "Xin Mẹ cai quản trên
Giáo hội, trên mọi trí khôn, mọi cõi lòng, mọi cá nhân, mọi gia đình cũng như mọi
xã hội và mọi quốc gia, trên mọi cộng đoàn, những người quyền thế. Xin Mẹ hãy
cai trị trên mọi nẻo đường và mọi quảng trường, trong thành thị và chốn thôn
quê, trên nền trời, cũng như trên mặt đất và cả biển khơi."
Ngài còn nói: "Vương quyền của Đức Maria là một thực tại siêu vượt
thế trần, đồng thời lại thấm nhập mọi cõi lòng và chạm tới phần cốt yếu sâu thẳm
nhất có tính cách siêu nhiên và bất tử nhất của con người."
Đức Maria là Mẹ thánh, tước hiệu này khiến cho Mẹ được đặc ân không bị
thương tổn vì tội lỗi. Vô nhiễm nguyên tội, Mẹ cũng không bị thương tổn vì sự
chết. Khi kết thúc cuộc đời trần gian cũng như từ những lời đầu tiên buổi truyền
tin, mẹ là tuyệt đỉnh của nhân tính bất khả xâm phạm luôn hiệp nhất với Ngôi Lời
để hoàn tất công cuộc cứu rỗi thế gian. Không một ý tưởng, hành vi nào của Mẹ lại
rời khỏi con Mẹ trong việc chinh phục bản tính nhân loại và việc chinh phục vũ
trụ.
Trong kinh lạy Nữ Vương chúng ta xưng tụng "Thân lạy Nữ Vương, lạy Mẹ
từ bi, Mẹ là sự sống, sự ngọt ngào và hy vọng của chúng con”. Mẹ Maria được
xưng tụng như Esther trong Cựu Ước đã cứu dân ra khỏi hoạ diệt vong, Nữ Vương
có mọi quyền hành bên Đức Vua và là Đấng bầu cử linh thiêng nhất bên cạnh Đức
Vua.
Ngày nay, những lời ca tụng Đức Mẹ hướng về vẻ đẹp tuyệt mỹ của Đức Mẹ và
uy quyền của Mẹ bên ngai tòa Chúa Giêsu. Mẹ là hoa quả tuyệt vời của ơn cứu rỗi
và là hoa trái tuyệt mỹ của thập giá Chúa Giêsu "Một người nữ mình mặc áo
mặt trời, chân đạp vầng trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh
12,1). Mẹ Maria là người Mẹ đầy uy quyền trước mặt Chúa: "Người bảo gì,
các anh cứ việc làm theo" (Ga 2,5).
Lễ Mông Triệu (Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời) kéo dài một tuần đến lễ Đức Trinh
Nữ Vương, lễ này cho thấy Đức Mẹ Maria sáng chói như Nữ Hoàng và như Bà Mẹ,
Ngài là Đấng cầu bầu cho chúng ta bên cạnh Đức Vua muôn thuở.” (Marialis
cultus, 6)
Lạy Chúa, Chúa đã đặt Thánh Mẫu của Đức Kitô Con Chúa làm Thánh Mẫu và Nữ
Vương chúng con. Xin nhận lời Đức Nữ Vương chuyển cầu mà cho chúng con đạt tới
phúc vinh quang Chúa dành sẵn trên trời cho con cái Chúa. (Lời nguyện nhập lễ,
lễ Đức Maria Nữ Vương)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 20 TN2
Bài đọc: Eze 43:1-7; Mt 23:1-12.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Giá trị bên trong thay vì hào nhoáng bên ngòai.
Chúa luôn đòi con người chú trọng đến đời sống tinh thần bên trong hơn là
những nghi thức hoành tráng bên ngòai; đến mối liên hệ sâu đậm với Thiên Chúa
và giữ các điều răn của Ngài hơn là những danh xưng hào nhoáng và giữ các tập tục
của con người.
Các Bài đọc hôm nay lại một lần nữa dạy con người những nguyên tắc căn bản
trên. Trong bài đọc I, ngôn sứ Ezekiel nhắc nhở cho con cái Israel sự hiện diện
của Thiên Chúa trong Đền Thờ, để họ đừng làm cho Đền Thờ ra ô uế như vua chúa
và các tiền nhân của họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên dân chúng chú trọng đến
đạo lý các kinh sư và biệt phái dạy họ; nhưng đừng làm những gì họ làm, vì họ
không thực hành những điều họ dạy.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Vinh quang của Thiên Chúa trở
lại bao phủ Đền Thờ.
1.1/ Đền Thờ sẽ được xây dựng lại sau thời lưu đày: Như lời Chúa đã
tuyên sấm qua các tiên tri (Isaiah, Micah, Jeremiah, Ezekiel), Chúa tạo cơ hội
cho Israel được hồi hương sau những năm tháng lưu đày. Điều quan trọng hàng đầu
là cho họ có cơ hội xây dựng lại Đền Thờ, nơi Thiên Chúa sẽ cư ngụ giữa họ để dạy
dỗ và che chở họ. Trong quá khứ, Israel đã vấp phạm hai lỗi lầm quan trọng: (1)
quá để ý đến Đền Thờ mà quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ, và (2)
quá để ý đến những nghi lễ bên ngoài mà quên đi việc thực thi hai giới răn công
bằng và bác ái.
Thị kiến hôm nay nhắc nhở cho họ biết Đền Thờ sẽ chỉ là cái vỏ vô nghĩa
bên ngoài nếu không có sự hiện diện của Thiên Chúa. Một khi không còn sự hiện diện
của Thiên Chúa, Đền Thờ cũng chẳng khác chi các dinh thự khác. Tiên tri cho biết
thị kiến ông nhìn thấy vinh quang của Chúa xuất hiện và bao trùm Đền Thờ hôm
nay cũng giống như thị kiến ông đã thấy khi Người đến để huỷ diệt thành, thị kiến
ông đã thấy bên sông Chebar.
1.2/ Sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đền Thờ mới: Một khi Đền Thờ
đã hoàn tất, cần có sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đền Thờ. Tiên tri Ezekiel
bảo đảm điều này khi ông nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa từ trời ngự xuống
trên ngai Cherubim, qua cổng phía đông và ở lại trong Đền Thờ; và lời Thiên
Chúa phán với ông: “Hỡi con người, đây là nơi Ta đặt ngai của Ta, đây là nơi Ta
đặt các bàn chân của Ta. Ta sẽ ngự tại đây, giữa con cái Israel, cho đến muôn đời.
Nhà Israel, cả chúng lẫn các vua của chúng, sẽ không còn làm ô uế danh thánh của
Ta vì những sự đàng điếm và xác chết các vua của chúng nữa.”
2/ Phúc Âm: Nghe nhưng đừng làm.
2.1/ Giá trị giới hạn của kiến thức suông: Tục ngữ Việt-Nam dạy: “Lời
nói lung lay, gương bày lôi kéo.” Lời nói có thể chỉ cho con người biết điều
đúng sai, nhưng gương sáng có sức hấp dẫn để người khác làm theo như vậy. Người
lãnh đạo hoàn hảo là người biết dùng cả lời nói lẫn hành động để hướng dẫn những
người dưới quyền mình làm theo những gì họ muốn. Tuy nhiên, nếu không tìm thấy
một người lãnh đạo hoàn toàn như thế, người lãnh đạo chỉ bằng lời nói cũng có
thế giá giới hạn của họ như Chúa Giêsu đã công nhận hôm nay. Người nói với dân
chúng và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pharisees ngồi trên
toà ông Moses mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ,
còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.”
2.2/ Những tật xấu của các luật-sĩ và Pharisees: Chúa Giêsu tố cáo họ những
điều sau:
(1) Họ là những người làm luật và kiểm soát những người lỗi phạm luật; vì
thế họ đặt ra rất nhiều luật đến độ quá chi li không cần thiết, chẳng hạn cách
thức rửa tay trước khi ăn hay đóng thuế thập phân những lá cây như bạc hà. Chúa
buộc tội: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại
không buồn động ngón tay vào.”
(2) Họ làm việc cốt để cho thiên hạ thấy: Tất cả những việc đạo đức họ
làm không vì Thiên Chúa, nhưng để cho người đời trông thấy để khen ngợi họ. Tuy
việc đeo hộp kinh và mang tua áo trong khi cầu nguyện là việc luật buộc phải
làm để nhắc nhở họ phải không ngừng nhớ tới Thiên Chúa là Chúa của họ (hộp
kinh: Exo 13:16, x/c Deut 6:8, 11:18; tua áo: Num 15:37-41, Deut 22:12); nhưng
để kéo sự chú ý của người khác, họ thi nhau làm những hộp kinh lớn hơn và đeo
những tua áo dài hơn.
(3) Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường:
Trong các đám tiệc, chỗ nào quan trọng nhất là chỗ của họ, chẳng hạn ngồi bên
trái hay phải của chủ nhà hay cùng bàn với những nhân vật quan trọng. Trong hội
đường Do-thái, những ghế trên đầu là những ghế dành cho những người già cả và vị
vọng. Họ muốn những ghế này để tỏ cho thiên hạ biết mình quan trọng và chú ý tới
cách ăn mặc của họ cũng như các việc họ làm.
(4) Họ thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ
gọi là “rabbi.” Người luật sĩ và Pharisees quan niệm dân chúng phải đối xử với
họ như những công dân bậc nhất, hơn cả cha mẹ, vì cha mẹ chỉ có công về phần
xác; trong khi họ có công về phần tinh thần và tinh thần quan trọng hơn thân
xác.
Tại sao Chúa Giêsu ngăn cấm không cho các môn đệ gọi ai là “rabbi,”
“cha,” hay “người lãnh đạo”? Ở đây Chúa muốn nhắc nhở cho các môn đệ đừng tôn
thờ ai như thần tượng của mình để bắt chước họ ngòai một mình Thiên Chúa. Sau
cùng, Chúa nhắc nhở con người về tiêu chuẩn đánh giá trị của Thiên Chúa: “Trong
anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ
bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
– Đền thờ hay thánh đường là nơi Thiên Chúa ngự; mỗi khi đến những nơi đó
chúng ta cần có thái độ cung kính và khiêm nhường để học hỏi và cầu nguyện với
Chúa. Đó không phải là nơi phô trương các việc đạo đức hay tài năng cho người
khác nhìn thấy để bái phục và khen thưởng; càng không phải là nơi để trình diễn
thân thể hay thời trang làm chia trí người khác.
– Chúng ta có lý do để không theo những nhà lãnh đạo bằng miệng, nhưng những
kiến thức của họ tự nó cũng có giá trị. Vì thế, chúng ta nên theo những gì họ
nói mà không làm theo những gì họ làm.
– Thân xác con người là đền thờ của Thiên Chúa, chúng ta cần phải chú trọng
đến sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn và biết quí những nét đẹp và giá trị
bên trong thay vì những hào nhoáng và các giá trị bên ngoài.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
22/08/2020 – THỨ BẢY TUẦN 20 TN
Đức Ma-ri-a, Nữ Vương
Lc 1,26-38
CÙNG SỐNG, CÙNG CHẾT VÀ CÙNG VINH QUANG VỚI CHÚA
Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp
lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là
Giê-su, Người sẽ nên cao cả, và được gọi là Con Đấng Tối Cao.” (Lc 1,30-32)
Suy niệm: Ta có thể nói như cha Cantalamessa rằng: “Không ai
cùng chịu đau khổ với Chúa Giê-su đến mức như Đức Ma-ri-a, cũng như không ai được
tôn vinh bên Chúa Giê-su bằng Đức Ma-ri-a.” Quả vậy, từ khi nhập thể, Đức
Giê-su gắn bó với Mẹ Ma-ri-a như hình với bóng: từ lúc còn trong lòng Mẹ, Mẹ đi
đâu, Con đi theo đấy; khi Con trưởng thành, Con ở đâu, Mẹ cũng có mặt ở đó: Con
dự tiệc cưới Cana, cũng có mặt Mẹ; Con đi rao giảng Tin Mừng, có thấp thoáng
bóng Mẹ; Con chịu đóng đinh, Mẹ có mặt dưới chân thập giá. Thì nay Con bước vào
vinh quang Thiên quốc, thì Mẹ được cất lên làm Nữ Vương vũ hoàn.
Mời Bạn: Nhớ rằng ngoài người mẹ trần gian, bạn còn có một
người mẹ trên trời là Đức Ma-ri-a. Bạn hãy siêng năng đến cầu nguyện với Đức Mẹ,
và nhớ lấy ngài làm “gương soi” cho mình.
Chia sẻ: Tôi thích đức tính nào nơi Đức Maria hơn cả? Tôi đã
làm gì để tập đức tính đó?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày trước khi đi ngủ, tôi nhớ ít nhất đọc 3
kinh Kính mừng và cầu nguyện với Đức Mẹ.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, khi đọc sách Tin Mừng, lúc nào
chúng con cũng thấy Mẹ lên đường. Mẹ đi giúp bà I-sa-ve, Mẹ tìm con bị lạc và
đi dự tiệc cưới Cana. Và cuối cùng, Mẹ đã theo Ngài đến tận núi Sọ. Xin Mẹ dạy
chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừøng sợ đáp lại những tiếng mời gọi mới
của Chúa. Amen. (Rabbouni)
(5 Phút Lời Chúa)
SUY NIỆM : Tôi là nữ
tì của Chúa
Maria, một thôn nữ của
ngôi làng Nadarét nhỏ bé thuộc vùng Galilê.
Cô đã đính hôn, và cứ
sự thường, Cô sẽ kết hôn với ông Giuse.
Cuộc sống của Cô bề
ngoài chẳng có gì khác thường.
Nhưng bên trong, Cô là
một kiệt tác của Thiên Chúa.
Đơn giản vì Cô được
tuyển chọn giữa mọi phụ nữ trên địa cầu
để trở nên Mẹ của Con
Thiên Chúa, Mẹ của chính Ngôi Lời nhập thể.
Thiên Chúa đã làm những
điều tốt đẹp nhất cho Cô
để Cô xứng đáng với đặc
ân mà chẳng ai dám nghĩ tới.
Thiên Chúa muốn Con Một
của Ngài làm người trăm phần trăm,
nên Ngài cần một người
mẹ trần thế cho Người Con ấy.
Maria được chọn và được
chuẩn bị hết sức chu đáo cho trọng trách này.
Nhưng Thiên Chúa vẫn
tôn trọng quyết định của Cô.
Maria có chấp nhận cộng
tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa không?
Một Thiên Chúa tôn trọng
tự do là một Thiên Chúa biết mời gọi, hỏi ý.
Thiên Chúa cần sự gật
đầu ưng thuận của một cô thiếu nữ xứ Paléttin
để Con của Ngài được
làm người ở trên trái đất.
Thiên Chúa khiêm tốn
không muốn đặt Cô trước sự đã rồi.
Ngài muốn Con của Ngài
được Cô đón nhận vào cả hồn lẫn xác.
Bài Tin Mừng hôm nay kể
chuyện sứ thần Gabrien truyền tin cho Maria.
Đúng hơn đây là chuyện
Thiên Chúa siêu việt hỏi ý một thụ tạo nhỏ bé.
Lời chào của sứ thần
làm Cô rất bối rối, không hiểu và sợ hãi (cc. 29-30).
Maria được chào là Đấng
đầy ân sủng,
nghĩa là người được
Thiên Chúa đặc biệt mến yêu.
Ngài vẫn luôn ở cùng
Cô ngay từ khi Cô còn trong lòng mẹ.
Sứ thần báo tin Cô sẽ
thụ thai một con trai.
Người Con này là Con Đấng
Tối Cao, là Vị Vua thuộc dòng Đavít (c. 33).
Hẳn Maria biết ngay là
mình được mời gọi làm Mẹ Đấng Mêsia,
một danh dự mà bao thiếu
nữ Do thái mong đợi.
Nhưng Maria vẫn chưa
hiểu làm sao Cô có thể thụ thai
khi Cô chưa làm lễ
thành hôn và về chung sống với chồng (c. 34).
Sứ thần cho biết việc
Cô thụ thai là chuyện độc nhất vô nhị.
Cô có con là vì “Thánh
Thần sẽ ngự xuống trên Cô
và quyền năng của Đấng
Tối Cao sẽ tỏa bóng trên Cô” (c. 35).
Người chồng tương lai
của Cô không dự phần vào việc thụ thai này.
Con của Cô sẽ được gọi
là Con Thiên Chúa theo nghĩa viên mãn nhất.
Maria đã nói tiếng Xin
Vâng với đề nghị của Thiên Chúa (c. 38).
Cô đã thụ thai từ khi
nói tiếng Xin Vâng đầy tín thác ấy.
Ngôi Hai Thiên Chúa đã
hiện diện trong lòng Cô, trong đời Cô.
Chúng ta cũng được
Thiên Chúa mời gọi và hỏi ý như Maria xưa.
Ngài cũng cần từng người
chúng ta để cứu độ cả nhân loại.
Nếu chúng ta chịu cưu
mang Đức Giêsu, sinh hạ và làm cho Ngài lớn lên,
thì chúng ta được chia
sẻ chức làm mẹ của Mẹ Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng
thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi
đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi
dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và
đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu
khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã
theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại
một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ
ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ
Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn
đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của
cuộc sống.
Chẳng phải con đường
nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy
máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi
ngày,
đừng sợ đáp lại những
tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn
tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn
đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành
nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay
đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Lm. Ant. Nguyễn Cao
Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
22 THÁNG TÁM
Hãy Nhạy Bén Với Tiếng
Nói Lương Tâm
Chúng ta cần sự hướng
dẫn và tác động của Thánh Thần trong công cuộc phát triển xã hội. Điều này chỉ
có thể xảy ra khi chúng ta thường xuyên lắng nghe tiếng nói của lương tâm và
trung thành đáp lại tiếng nói ấy.
Giáo huấn của Công Đồng
Vatican II nhắc nhở chúng ta: “Trung thành với lương tâm, người Kitôhữu liên kết
với những người khác để tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý biết bao vấn
đề luân lý được đặt ra trong đời sống cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội.
Bởi vậy, lương tâm ngay thẳng càng thắng thế thì những cá nhân và cộng đoàn
càng tránh được độc đoán mù quáng và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn
khách quan của hành vi luân lý” (MV 16).
Một cách thực tiễn,
Công Đồng kêu gọi chúng ta chú ý tới chướng ngại rắc rối nhất ngăn cản sự tiến
bộ đích thực của con người – đó là sự dữ luân lý tức tội lỗi. Do tội lỗi, “con
người bị phân rẽ nơi chính mình. Vì thế, tất cả cuộc sống của con người, hoặc
riêng rẽ, hoặc tập thể, đều biểu hiện như một cuộc chiến, dĩ nhiên là bi thảm,
giữa tốt và xấu, giữa ánh sáng và tối tăm. Hơn nữa, con người thấy mình không đủ
sức khi phải tự mình chiến thắng hữu hiệu những tấn công của sự dữ, đến nỗi mọi
người cảm thấy dường như bị xiềng xích trói buộc” (MV 13).
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 22/8: Đức
Maria Nữ Vương
Is 9, 1-6; Lc 1,
26-38.
LỜI SUY NIỆM: “Bấy giờ bà
Maria nói: Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ
thần nói.”
Đức Maria Nữ Vương, điều này đã được sứ thần Gáprien công khai tuyên bố: “Và
này đây bà sẽ thu thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên
cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho
Người ngai vàng vua Đavít tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời,
và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” (Lc 1,31-32).
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã ban cho chúng con một người Mẹ luôn yêu thương và quan
tâm đến chúng con trong từng hoàn cảnh khó khăn. Xin cho chúng con luôn biết
trông cậy vào Mẹ trong mọi hoàn cảnh sống của chúng con dể chúng con được sự
bình an của Chúa.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 22-08
ĐỨC MARIA TRINH NỮ
VƯƠNG
Ngày 1 tháng 11 năm
1954, bốn năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác về trời, Đức thánh
cha Piô XII đã long trọng đội triều thiên lên tượng Đức trinh Nữ là “sự cứu rỗi
của dân Roma”. Đây là cử chỉ tượng trưng biểu thị sự công bố về vương quyền phổ
quát của Đức Maria.
Đoàn người đông đảo đứng
chật quảng đường đền thờ thánh Phêrô, nhân danh cả hoàn cầu, dâng cao niềm hoan
hỉ.
Đức Thánh cha cầm những
vòng vàng dát đá quí từ khắp thế giới gởi về, để đặt trên đầu tượng Chúa Giêsu
và Mẹ Maria. Ngài nói: – Xin Mẹ cai quản trên Giáo hội, trên mọi trí khôn, mọi
cõi lòng, mọi cá nhân, mọi gia đình cũng như mọi xã hội và mọi quốc gia, trên mọi
cộng đoàn, những người quyền thế. Xin mẹ hãy cai trị trên mọi nẻo đường và mọi
quảng trường, trong thành thị và chốn thôn quê, trên nền trời, trên mặt đất và
cả biển khơi.
Ngài còn nói : –
“Vương quyền của Đức Maria là một thực tại siêu vượt thế trần, đồng thời lại thấm
nhập mọi cõi lòng và chạm tới phần cốt yếu sâu thẳm nhất có tính cách siêu
nhiên và bất tử.
Đức Maria là Mẹ thánh,
tước hiệu này khiến cho Mẹ được đặc ân không bị thương tổn vì tội lỗi. Vô nhiễm
nguyên tội, Mẹ cũng không bị thương tổn vì sự chết. Khi kết thúc cuộc đời trần
gian cũng như từ những lời đầu tiên buổi truyền tin, mẹ là tuyệt đỉnh của nhân
tính bất khả xâm phạm luôn hiệp nhất với Ngôi Lời để hoàn tất công cuộc cứu rỗi
thế gian. Không một ý tưởng, hành vi nào của Mẹ lại rời khỏi con Mẹ trong việc
chinh phục bản tính nhân loại và việc chinh phục vũ trụ.
“Lễ Mông triệu kéo dài
một tuần đến lễ Đức Trinh Nữ Vương, lễ này cho thấy Đức Maria sáng chói như Nữ
hoàng và như bà Mẹ, Ngài cầu bầu cho chúng ta cạnh vua muôn thuở” (Marialis
cultus, 6)
(daminhvn.net)
22 Tháng Tám
Trinh Nữ Vương
Hiện nay, tại một số
ít quốc gia trên thế giới như Anh Quốc, Hòa Lan, Thụy Ðiển, Thái Lan, chức nữ
hoàng và quốc vương vẫn còn tồn tại, nhưng họ chỉ đóng vai trò tượng trưng, chứ
không có thực quyền.
Giữa trào lưu có sự
thay đổi quan trọng này trong hình thức chính trị và trong đời sống xã hội, những
câu kinh: “Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được
cậy…” lượt dịch bài bình ca bất hủ bằng tiếng La Tinh: “Salve Regina…” vẫn còn
được bao cửa miệng và tâm hồn dâng lên Mẹ Maria, diễn tả tấm lòng tôn kính, mến
yêu của đoàn con cái đối với mẹ không mảy may bị lạnh nhạt, mặc cho thế sự đổi
thay.
Trong tông huấn
mang tựa đề: “Lòmg sùng kính Ðức Mẹ Maria”, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã định
nghĩa về Ðức Maria Trinh Nữ Vương mà Giáo Hội mừng kính hôm nay đại khái như
sau: “Lễ này là tiếp diễn lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời. Thực vậy, vào lễ Ðức Mẹ Hồn
Xác lên trời, chúng ta say đắm và hân hoan mừng kính Mẹ Maria như là hoa quả đầu
mùa của công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu, đã chiến thắng hai kẻ thù của nhân
loại, đó là: tội lỗi và sự chết. Hôm nay, trong lễ Ðức Maria Trinh Nữ Vương,
chúng ta chiêm ngắm Ðức Mẹ bên cạnh Vua Cao Cả trời đất, như là Nữ Vương và là
người bầu cử cho chúng ta như một người mẹ nhân hiền”.
Lời giải thích của Ðức
cố Giáo Hoàng Phaolô VI trên đây giúp chúng ta hiểu đúng vai trò của Mẹ Maria
theo tinh thần của cộng đồng Vatican II. Ðó là liên kết vai trò của Ðức Trinh Nữ
Maria với Chúa Giêsu và công cuộc cứu rỗi của Ngài.
Theo dòng trào lưu đổi
thay của quan niệm về tự do, dân chủ, vai trò Nữ Vương của Mẹ Maria vẫn đứng vững
trong tâm trí và con tim của trăm triệu con cái Mẹ, vì Mẹ ngự bên cạnh Chúa
Giêsu Vua. Một vị vua dùng thập giá làm ngai vàng, mão gai làm triều thiên và
muôn thuở cạnh sườn ngài bị đâm thủng, để nguồn suối của tình yêu Thiên Chúa
luôn chảy tràn, giải lao cho nhân loại đang khao khát tình yêu chân thật, làm động
lực để biến xã hội loài người thành Nước Trời, với Chúa Giêsu là Vua. Mẹ Maria
đứng cạnh ngai vàng thập giá, trái tim bị gươm đâm thâu, để dòng máu tình yêu của
Mẹ hòa chảy, hầu đồng lao cộng khổ và đồng thống trị với con Mẹ trong Nước Trời.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét