10/08/2020
Thứ hai tuần 19 thường
niên
THÁNH LÔRENXÔ, PHÓ TẾ,
TỬ ĐẠO.
Lễ kính.
* Phó tế Lôrenxô chịu tử đạo tại Rôma ngày 10
tháng 8 năm 258, sau đức Xít-tô II bốn ngày. Chuyện kể rằng người phải chịu cực
hình lửa thiêu trên một chiếc giường sắt sau khi người đã phân phát cho người
nghèo tài sản của cộng đoàn. Ngay từ thế kỷ IV, lòng tôn kính người đã phổ biến
trong Hội Thánh.
BÀI ĐỌC I: 2 Cr 9, 6-10
“Thiên Chúa yêu thương kẻ cho
cách vui lòng”.
Trích thư thứ hai của
Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, ai
gieo ít thì gặt ít; ai gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người hãy cho theo như
lòng đã định, không phải cách buồn rầu, hoặc vì miễn cưỡng: Thiên Chúa yêu
thương kẻ cho cách vui lòng. Thiên Chúa có quyền cho anh em được dư tràn mọi ân
phúc: để anh em vừa luôn luôn sung túc mọi mặt, vừa còn được dư dật để làm các
thứ việc phúc đức, như đã chép rằng: “Người đã rộng tay bố thí cho kẻ nghèo
khó, đức công chính của Người sẽ tồn tại muôn đời”. Đấng đã cung cấp hạt giống
cho kẻ gieo và bánh để nuôi mình, thì cũng sẽ cung cấp cho anh em hạt giống dư
đầy, và sẽ làm phát triển hoa quả sự công chính của anh em.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 111, 1-2.
5-6. 7-8. 9
Đáp: Phúc đức cho
người biết xót thương và cho vay (c. 5a).
Xướng:
1) Phúc đức thay người
tôn sợ Chúa, người hết lòng hâm mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng
cường trong đất nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân. – Đáp.
2) Phúc đức cho người
biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới
đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời. –
Đáp.
3) Người không kinh
hãi vì nghe tin buồn thảm, lòng người vững vàng cậy trông vào Chúa. Lòng người
kiên nghị, người không kinh hãi, cho tới khi nhìn thấy kẻ thù phải hổ ngươi. –
Đáp.
4) Người ban phát và bố
thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi; sừng người
được ngẩng lên trong vinh quang. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia!
– Chúa phán: “Ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự
sống”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 12, 24-26
“Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ
tôn vinh nó”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Ta nói thật với các con: Nếu hạt lúa mì rơi
xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi,
thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình
ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta,
và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn
vinh nó”. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Hy Sinh Và
Phục Vụ
Văn sĩ Robert
Jordan Mayer đã viết tập sách có tựa đề Tạ Ơn Chúa. Trong đó ông chia ra ba loại
cho đi: cho đi vì tức, cho đi vì bổn phận và cho đi vì lòng biết ơn.
- Kẻ cho đi vì tức
thường nói: “Tôi không thích cho đi, vì kẹt quá nên đành phải làm như vậy”. Cho
đi vì tức thì cho đi rất ít, vì món quà mà không có người cho thì không giá trị.
- Người cho đi vì bổn
phận thì nói: “Tôi phải cho đi”. Cho đi vì bổn phận thì cho đi nhiều hơn là cho
đi vì tức, nhưng món quà không hấp dẫn, không màu sắc.
- Người cho đi vì
lòng biết ơn thì nói: “Tôi muốn cho đi”. Cho đi vì lòng biết ơn thì cho đi mọi
sự và làm cho thế gian nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa.
Chúng ta hãy xét xem
mình thuộc loại người nào trong ba mẫu người vừa nêu trên: cho đi vì tức, cho
vì bổn phận và cho đi vì lòng biết ơn.
Bài Phúc Âm hôm nay
dùng hình ảnh hạt giống phải chết đi mới trổ sinh nhiều hoa trái để nhắc cho
môn đệ Chúa Giêsu phải biết sống hình ảnh cao cả nhất của việc cho đi là biết
chấp nhận chết đi nơi bản thân, biết hy sinh chính mạng sống mình như thánh
Laurensô vì tình yêu Chúa.
Ðịnh luật chết đi để
trổ sinh hoa trái đã được Chúa Giêsu Kitô, Thầy chúng ta, thi hành nêu gương
trước. “Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”, nếu
không có mẫu gương đi kèm theo lời dạy đầy cương quyết của Chúa thì có lẽ chúng
ta không màng chi đến việc phải chết đi, phải hy sinh chính mạng sống mình để
phục vụ điều thiện hảo của anh chị em. Không hy sinh thì sẽ không có phục vụ
đích thực và không phục vụ đích thực thì ta chưa phải là đồ đệ đích thực của
Chúa.
Lạy Chúa,
Xin hãy khắc ghi thật
sâu vào tâm trí con Lời Chúa dạy về hy sinh và phục vụ. Vì công nghiệp của
thánh Laurentio tử đạo, xin ban cho con ơn can đảm và trung thành với Chúa
trong mọi hoàn cảnh và ngay cả khi phải hy sinh mạng sống vì Chúa và vì anh em.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ Kinh Thánh Laurensô TĐ
Bài đọc: II Cor
9:6-10; Jn 12:24-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cho đi là nguyên tắc sống của cuộc đời.
Nhiều người nghĩ muốn
giầu có hạnh phúc phải biết cách đầu cơ tích trữ, để tiền vào như nước và tiền
ra nhỏ giọt. Theo cách đầu tư khôn ngoan, họ phải làm sao để mua vào với giá rẻ
như bèo, và bán ra với giá cắt cổ. Ngược lại, Chúa Giêsu dạy: nếu muốn sống
sung mãn hạnh phúc phải phục vụ hết mình và luôn rộng lượng cho đi, vì “ai có sẽ
được cho thêm, và ai không có, ngay cả cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.” Phó-tế
Lawrense là thủ quỹ của giáo-triều Rôma, và được nghĩ là người nắm hết tài sản
của Giáo Hội. Khi bị thẩm vấn và bắt trao hết tài sản của Giáo Hội cho hoàng-đế
Valerian, ông xin ba ngày để kiểm kê tài sản. Ngày thứ ba, ông dẫn tới cho
hoàng đế một đám đông giáo hữu nghèo và nói với hoàng-đế: Đây là tài sản của
Giáo Hội; nếu hoàng-đế muốn, xin trao lại cho hoàng-đế.
Các Bài Đọc hôm nay muốn
chứng minh nguyên tắc sống này cho mọi người. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô
khuyên các tín hữu Corintô hãy rộng lượng và vui vẻ giúp đỡ cho Giáo Hội Mẹ tại
Jerusalem, vì Thiên Chúa sẽ rộng lượng cho lại họ cách dư đầy. Khi rộng lượng
cho đi, họ cũng đang xây dựng cho họ kho tàng vĩnh cửu đời sau. Trong Phúc Âm,
Chúa Giêsu muốn nêu bật một nguyên lý bất di dịch của cuộc sống: nếu hạt lúa
gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết
đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương.
1.1/ Định luật của trời
đất: Thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Corintô một định luật phổ quát:
“gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều.” Thánh nhân muốn nói khi con người
càng cho đi bao nhiêu, họ sẽ được nhận lại càng nhiều bấy nhiêu. Điều này có thể
áp dụng cho mọi lãnh vực của cuộc sống; ví dụ, khi một học sinh bỏ nhiều thời
giờ và nỗ lực cho việc học hành, anh sẽ hiểu biết nhiều hơn và thu lượm nhiều kết
quả trên đường học vấn. Tương tự như thế cho việc chăn giữ đoàn chiên: nếu cha
mẹ hay các mục tử biết dành nhiều thời giờ để giáo dục và chăm sóc con cái hay
giáo dân, đàn chiên sẽ mạnh khỏe và tốt lành, gia đình cũng như giáo xứ sẽ tiến
triển tốt đẹp; nhưng nếu cha mẹ và các mục tử không dành thời giờ để dạy dỗ và
săn sóc con cái hay giáo dân, làm sao đàn chiên, gia đình, hay giáo xứ có thể
phát triển được?
Của cho không quí trọng
bằng cách cho. Vì Thiên Chúa thấu suốt mọi tư tưởng, thánh Phaolô khuyên các
tín hữu phải tập luyện những điều này khi họ cho đi: “Mỗi người hãy cho tuỳ
theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai
vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương.”
(1) Cho đi cách vô vị
lợi: Khi cho, đừng tính toán xem người khác sẽ cho lại mình điều gì, như câu tục
ngữ Việt-nam: “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại.” Chắc chắn Thiên Chúa và tha
nhân sẽ không để mình phải thiệt hại, nhưng mong muốn điều này không phải là lý
do để khuyến khích con người cho đi. Những lý do chính giúp con người cho đi:
Thứ nhất, vì mình đã nhận quá nhiều từ Thiên Chúa và tha nhân, nhất là những
người mình không thể trả ơn được như Thiên Chúa và những người quá cố; vì thế,
mình phải làm ơn cho con cái của Ngài và cho thế hệ mai sau. Thứ hai, tất cả là
của Thiên Chúa, con người chỉ là quản lý; nhiệm vụ của quản lý là phân phát cho
đúng thời đúng buổi, chứ không phải để hoang phí hay đào lỗ để chôn của. Sau
cùng, cho đi là cách xây dựng cộng đồng: nếu tất cả mọi người đều biết hăng hái
cho đi, hòa bình sẽ ngự trị trên trái đất và Nước Chúa sẽ trị đến ngay từ đời
này.
(2) Cho đi cách vui vẻ,
không cho đi cách miễn cưỡng: Nhiều người cho đi vì họ cảm thấy bắt buộc phải
cho; ví dụ, khi một người có địa vị đến xin, họ phải cho cách miễn cưỡng vì sợ
bị mang tiếng là keo kiệt. Người cho đi cách vui vẻ là người sau khi đã nhận ra
nhu cầu và thấy mình có khả năng để đóng góp, họ vui vẻ góp phần vào việc giúp
đỡ tha nhân.
(3) Không hối hận khi
đã cho đi: Người rộng lượng không hối tiếc khi cho đi, họ có thể chấp nhận hy
sinh thiếu thốn để tha nhân được sống. Người keo kiệt, tính toán sẽ tiếc nuối
những gì mình đã cho đi. Nếu không chịu tập luyện, họ sẽ để cho tính ích kỷ thống
trị, và sẽ không cho đi lần tới.
1.2/ Thiên Chúa là Đấng
ban phát muôn ơn lành: Thánh Phaolô nêu lên một số lý do chính để giúp con người
biết rộng lượng cho đi:
(1) Thiên Chúa tốt
lành: Ngài ban cho con người không những đủ để sinh sống, mà còn dư thừa để làm
việc thiện.
(2) Ngài yêu mến kẻ có
lòng thương xót tha nhân: Tất cả tha nhân đều là con cái Thiên Chúa; vì thế,
làm cho tha nhân là làm cho Thiên Chúa. Lòng thương xót, yêu mến, và giúp đỡ
tha nhân làm con người trở nên giống Thiên Chúa hơn tất cả điều khác.
(3) Thiên Chúa muốn
con người cộng tác vào sự quan phòng của Ngài: Thánh Phaolô diễn tả như sau: “Đấng
cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng, tất sẽ cung cấp
dư dật hạt giống cho anh em gieo, và sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh
hoa kết quả dồi dào.” Thiên Chúa có thể ban ơn lành trực tiếp đến tất cả mọi
người; nhưng nếu làm như thế, con người chẳng có ơn ích gì trước mặt Ngài. Vì
thế, Ngài ban qua chúng ta, để xem chúng ta có biết cách xử dụng để phát triển
nhân đức và xây dựng cuộc sống vĩnh cửu cho chúng ta sau này hay không. Chúng
ta đừng quên tiêu chuẩn phán xét của Thiên Chúa là hòan toàn dựa vào những gì
chúng ta làm cho tha nhân (x/c Mt 25).
2/ Phúc Âm: Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất.
2.1/ Định luật của
Thiên Chúa trong đời sống sinh vật: Chúa dạy các môn đệ: “Thật, Thầy bảo thật
anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một
mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” Không một sinh vật nào
không qua tiến trình này; nếu sinh vật nào từ chối không tham dự định luật này,
nó sẽ chẳng những không sinh sôi nẩy nở, mà còn mục rữa và chết cách cô độc.
2.2/ Định luật của
Thiên Chúa trong đời sống con người: Định luật trên chẳng những đúng với thiên
nhiên mà còn đúng trong đời sống con người. Chúa dạy: “Ai yêu quý mạng sống
mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được
cho sự sống đời đời.”
Định luật này phải mở
mắt cho những con người ích kỷ, những người chỉ biết tôn thờ chủ nghĩa cá nhân
và vun quén cho mình. Thứ nhất, họ phải biết Thiên Chúa có mắt và vẫn đang theo
dõi những việc làm của họ; họ không thể chỉ biết tận hưởng những ơn lành của
Thiên Chúa mà từ chối không phục vụ và chia sẻ cho tha nhân. Dù họ có thể qua mặt
Ngài trong cuộc sống đời này, họ vẫn phải đối diện với Ngài và tha nhân trong
Ngày Phán Xét. Thứ hai, tha nhân không phải là những người ngu dại, họ chỉ có
thể lợi dụng ít lần, nhưng không thể lợi dụng tha nhân suốt đời; người ích kỷ
là người tự khai trừ mình ra khỏi đời sống của cộng đoàn. Nếu những người ích kỷ
chịu khó suy xét: nếu ai cũng ích kỷ như mình, làm sao có mình và có những thứ
cho mình hưởng thụ?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
– Chúng ta phải xác
tín Thiên Chúa có uy quyền trên tất cả cuộc sống của con người: Ngài không những
ban cho chúng ta đủ của ăn để sinh sống, mà còn dư thừa để làm việc phúc đức.
– Chúng ta chỉ là những
người quản lý những ơn lành của Thiên Chúa, và Ngài muốn chúng ta hãy luôn rộng
lượng cho đi; tại sao chúng ta lại muốn giữ lại?
– Khi cho đi, chúng ta
làm theo ý Thiên Chúa, được Người yêu thương, được tha nhân quí mến, và xây dựng
cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Tại sao chúng ta cần ích kỷ giữ lại để rồi phải chịu
trách nhiệm với Thiên Chúa?
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
10/08/2020 – THỨ HAI TUẦN 19 TN
Th. Lô-ren-xô, phó tế, tử đạo
Ga 12,24-26
CHẾT ĐI ĐỂ ĐƯỢC SỐNG!
“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn
trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga
12,24)
Suy niệm: Chắc hẳn không ai trong chúng ta lại xa lạ với vòng
đời của cây lúa: hạt lúa giống phải được gieo vào lòng đất, phải thối đi, chết
đi rồi mới nảy mầm, thành cây và trổ sinh bông hạt. Có chết đi thì mới được sống,
điều tưởng chừng nghịch lý ấy lại là chân lý. Chúa Giêsu muốn dùng dụ ngôn rất
thực tế này để nói với chúng ta về chính Ngài. Ngài là hạt lúa mà Chúa Cha gieo
vào trần gian, Ngài phải chết đi để trổ sinh hoa trái là Giáo Hội. Các thánh tử
đạo là chứng nhân sống động đi theo con đường hạt lúa của Đức Ki-tô chấp nhận
chết đi để được sống như lời Chúa dạy: “Ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo
tồn được mạng sống” (Lc 17,33).
Mời Bạn: Trong cuộc sống thường ngày chúng ta cũng dễ dàng
nhận ra sự chết đi để được sống trong từng tình huống lớn nhỏ: cha mẹ chấp nhận
“chết đi” qua qua những gian khổ, hy sinh để con cái được trưởng thành và có cuộc
sống tốt đẹp; học sinh, sinh viên chấp nhận “chết đi” qua việc dày công học hỏi,
rèn luyện tri thức để trở nên người hữu ích cho xã hội… Và nhất là mỗi người
chúng ta biết chết đi mỗi ngày khi từ bỏ những tính hư nết xấu để thực thi Lời
Chúa nhờ đó sống một cuộc sống mới kết hiệp trong Chúa Ba Ngôi.
Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ những người chung quanh mà bấy
lâu nay tôi hay từ chối vì ngại khó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con đã được lớn lên từ bao hạt giống đã
hy sinh, chết đi. Xin cho con cũng biết chết đi để cho mầm sống đức tin, tình
yêu thương của Chúa trong con được tiếp tục sống và trổ sinh như ý Ngài muốn.
(5 Phút Lời Chúa)
SUY NIỆM : Mang nhiều
hoa trái
Suy niệm:
Khi nghĩ đến cái chết
sắp đến của mình,
Đức Giêsu lại nghĩ
đến thân phận hạt lúa mì.
Ngài nói một điều
mà ai cũng biết như một định luật tự nhiên,
một điều chẳng làm
ai ngỡ ngàng kinh ngạc.
Nếu một hạt lúa rơi
xuống đất và không chết đi, nó trơ trọi một mình;
nhưng nếu nó chết
đi, nó mới mang nhiều hoa trái” (c. 24).
Đức Giêsu ví mình như
hạt lúa đem gieo.
Điều kiện để đời Ngài
đơm bông kết trái, đó là cái chết.
Không chấp nhận chết
đi, hạt lúa vẫn chỉ là hạt lúa trơ trọi.
Đức Giêsu không muốn
mình là thứ hạt lúa ấy,
được bao bọc vững chắc
bởi lớp vỏ, cố giữ cho mình được nguyên vẹn,
vì thế cũng chẳng chịu
vươn ra khỏi mình,
chẳng dám đánh mất
chính mình để nảy mầm sinh hạt.
Đức Giêsu đã đón lấy
cái chết như con đường để sự sống sinh sôi.
Cái chết của Ngài trên
thập giá có khả năng kéo được mọi người lên (Ga 12, 32),
và thu hút cả vũ trụ về
với Thiên Chúa.
Có một hạt lúa mang
tên Giêsu.
Hạt lúa ấy đã chấp nhận
chịu mục nát,
để cả thế giới trở
thành đồng lúa thơm trĩu hạt.
Mỗi Kitô hữu cũng là một
hạt lúa, được mời gọi để sống như hạt lúa Giêsu.
“Ai yêu mạng sống của
mình, thì sẽ mất nó;
còn ai ghét mạng sống
của mình ở trần gian này,
thì sẽ giữ được nó cho
sự sống đời đời” (c. 25).
Vấn đề là yêu hay ghét
cuộc sống ở đời này.
Kitô hữu không phải là
những kẻ chán đời hay khinh rẻ cuộc đời tại thế.
Ghét mạng sống ở đây
chỉ có nghĩa là không đặt nó lên chỗ cao nhất,
không để nó chiếm chỗ
của Thiên Chúa.
Chính khi nhận ra giá
trị tương đối của cuộc đời trần thế này,
chúng ta mới có hy vọng
giữ được nó mãi mãi.
Ngược lại, thái độ bám
chặt vào đời này, gắn bó với nó một cách lệch lạc,
lại dẫn đến việc đánh
mất hạnh phúc, cả đời này lẫn đời sau.
Thánh Laurensô đã bị
thiêu sống ở Rôma trên một chiếc giường sắt,
sau khi ngài đã phân
phát tài sản của cộng đoàn cho người nghèo.
Thầy phó tế Laurensô
đã sống như người phục vụ cho Đức Kitô (c. 26)
bằng cuộc sống và cái
chết tử đạo năm 258.
Được ở bên Thầy Giêsu
mãi mãi và được Cha Thầy quý trọng,
đó là điều Laurensô được
hưởng và cũng là hy vọng của chúng ta.
Cầu nguyện:
Chỉ mong tôi chẳng còn
gì, nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong
tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy
Người ở mọi nơi, đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu
trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn
gì, nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc
trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với
ý muốn của Người,
và thực hiện ý Người
trong suốt đời tôi. (R. Tagore)
Lm. Antôn Nguyễn Cao
Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
10 THÁNG TÁM
Giáo Hội Trong Thế
Giới Ngày Nay
Chân lý về sự quan
phòng của Thiên Chúa được mạc khải trong những dòng mở đầu của Kinh Tin Kính, rất
sâu sắc và rất xác thực: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Đấng tạo
thành trời đất”.
Chân lý lớn lao ấy được
đề cập đến một cách tuyệt vời trong giáo huấn của Công Đồng Vatican II. Thật vậy,
trong nhiều văn kiện Công Đồng, chúng ta tìm thấy những qui chiếu rất hữu ích đến
chân lý đức tin này, đặc biệt trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng.
Như chúng ta đều biết,
Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng mang chủ đề Giáo Hội Trong Thế Giới Hôm Nay. Tuy
nhiên, ngay từ những đoạn đầu tiên, rõ ràng các Nghị Phụ của Công Đồng không thể
làm việc về chủ đề này mà không trở lại với chân lý mạc khải về mối quan hệ giữa
Thiên Chúa với thế giới, nhất là trở lại với chân lý về sự quan phòng cứu độ của
Thiên Chúa.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 10/8
Thánh Laurensô, Phó
tế, tử đạo
2Cr 9, 6-10; Ga 12,
24-26.
LỜI SUY NIỆM: “Thầy bảo thật
anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một
mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình,
thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho
sự sống đời đời.”
Tất cả các hạt giống đều có một lớp vỏ bên ngoài bao phủ để bảo vệ mầm sống, mầm
sống đó có được phát triển để trở thành cây và sinh nên nhiều hạt khác đều phải
được gieo vào trong lòng đất, chính nhờ những chất sẵn có trong đất, sẽ giúp
cho phần vỏ bên ngoài hạt giống thối đi, và cũng là để nuôi dưỡng mầm sống đó
ngày càng lớn lên để sinh nhiều bông hạt.
Lạy Chúa Giêsu. Thánh Laurensô, phó tế tử đạo, đã liều mất mạng sống của mình ở
đời này để nhận lại sự sống đời đời. Xin cho chúng con cũng biết dâng hiến đời
mình vì đức tin và nhiệt thành đem Tin Mừng đến cho những người anh chị em
chung quanh chúng con chưa nhận ra tình thương cứu độ của Chúa. Để tất cả cùng
hưởng được ơn cứu độ và hạnh phúc thiên đàng.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 10-08: Thánh
LAURENSÔ
Phó Tế Tử Đạo
(+258)
Thánh Laurensô là vị
thánh tử đạo Roma được biết đến nhiều nhất. Từ thế kỷ thứ IV, một mình Ngài
ngoài các thánh tông đồ, được kính nhớ với thánh lễ vọng. Sách nghi thức Đức
giáo hoàng Lêô thế kỷ VI có không dưới 14 lễ kính Ngài. Trời Trung Cổ đã có ít
là 34 thánh đường ở Roma dâng kính thánh nhân. Ngài là vị thánh bổn mạng thứ ba
của thành Roma.
Tại sao thánh Laurensô
được tôn kính cách đặc biệt như vậy ? Thật khó mà trả lời được. Người nếu bản
tường thuật về cuộc tử đạo của Ngài là đúng sự thật, câu trả lời ấy sẽ rõ rệt.
Sau đây là tóm lược bản tường thuật ấy :
Là tổng phó tế của
thánh Xystô, Laurensô gặp Đức giáo hoàng đang bị bắt giữ và trách Ngài đã không
cho mình được chia sẻ triều thiên tử đạo với Ngài. Đức giáo hoàng hứa rằng
trong vài ngày nữa, Laurensô sẽ được lãnh phúc tử đạo, đau đớn hơn nhiều. Ngài
còn truyền cho vị tổng phó tế của mình hãy phân phát tài sản Giáo hội cho người
nghèo. Khi những lời này tới tai hoàng đế Đêciô, ông truyền bắt giam Laurensô.
Thánh nhân cải hóa được viên gác ngục Hippolytô. Bị điệu tới trước viên tổng trấn
Valrianô, Ngài được lệnh phải nhượng lại các tài sản của Giáo hội. Được dành
cho ba ngày để thâu thập của cải, Ngài đã mang tất cả tài sản phân phát cho kẻ
nghèo. Hết hạn Ngài dẫn họ tới trình với tổng trấn Valêrianô, như là tài sản của
Giáo hội. Viên tổng trấn nổi giận, buộc thánh nhân phải dâng lễ tiến các thần
minh.
Từ khước, thánh nhân
phải chịu mọi cực hình, bị nướng trên sắt nung đỏ. Trên giường chết lạ lùng
này, Ngài còn chế nhạo Dêciô, người đích thân ngồi ghế chánh án rằng : –
Một bên đã chín rồi hãy chiên bên kia nữa mà ăn.
Bản tường thuật khó
tin nổi. Tác giả đã lẫn lộn hai vị hoàng đế Dêciô và Valêrianô khi coi ông này
là tổng trấn dưới quyền ông kia. Hơn nữa, Đức Xystô không bị xử mà bị chặt đầu
khi bị giam.
Một cách tổng quát,
người ta công nhận rằng: thánh Laurensô là một trong bảy vị phó tế của Đức
Xystô và chịu tử đạo vào năm 158. Nhưng nếu Ngài chỉ bị chặt đầu như các bạn
thì chắc không đủ lý do để được tôn kính đặc biệt như vậy.
(daminhvn.net)
10 Táng Tám
Tài Sản Của Giáo Hội
Hôm nay, Giáo Hộ
kính nhớ một vị thánh được tôn kính rất nhiều trong những thế kỷ đầu tiên của
Kitô giáo: đó là thánh Lôrenxô. Thật ra, người ta biết rất ít về vị thánh này…
Theo tương truyền,
thì Lôrenxô là một vị phó tế người Roma phục vụ Giáo Hội dưới thời Ðức Giáo
Hoàng Sixtô II, và có lẽ cũng đã chịu tử đạo trong thời kỳ bách hại của Hoàng đế
Velerianô vào thế kỷ thứ 3.
Chuyện kể lại rằng,
cũng như các phó tế trong giai đoạn tiên khởi của Giáo Hội, Lôrenxô được giao
phó trách nhiệm quản lý tài sản của Giáo Hội và trợ giúp người nghèo. Ngày nay
chúng ta gọi là hoạt động xã hội của Giáo Hội.
Sau khi Ðức Sixtô
II bị bắt giữ, phó tế Lôrenxô cũng đã nghĩ ngay đến số phận chờ đợi mình mà
Giáo Hội phải trải qua. Ngài tập trung lại tất cả những người nghèo, các bà góa
và các em cô nhi tại Roma. Tất cả tài sản của Giáo Hội, ngài phân phát cho họ.
Ðể cung cấp đủ cho số người túng thiếu quá đông, ngài đã cho bán cả các chén
thánh dùng trong phụng tự…
Hoạt động bác ái
quá rầm rộ này không mấy chốc đến tai viên thị trưởng Roma. Ông cho rằng, Giáo
Hội phải có rất nhiều kho tàng. Thế là Lôrenxô đã bị điệu đến để cung khai về tất
cả tài sản của Giáo Hội. Vị phó tế khôn ngoan này đã xin hoãn lại một thời gian
để xếp đặt mọi sự và lập danh sách của cải của Giáo Hội. Trong suốt ba ngày,
ngài cho triệu tập những người tàn tật, đui mù, góa bụa, cô nhi… và cho họ xếp
hàng đứng trước dinh viên thị trưởng. Rồi ngài dõng dạc tuyên bố: “Ðây là tất cả
tài sản của Giáo Hội”.
Viên thị trưởng đã
cho lời tuyên bố này là một thách thức ngạo mạn. Ông truyền lệnh cho thiêu sống
Lôrenxô trên một chiếc giường sắt được nung đỏ. Các lý hình thay phiên nhau để
quay trở thân xác của thánh nhân như một con thú…
Câu chuyện trên đây có
thể chỉ là sản phẩm của một lòng tôn kính cao độ mà các tín hữu thời sơ khai
dành cho một vị thánh. Nhưng, dù không biết nhiều về vị thánh này, chúng ta vẫn
có thể xác quyết một điều: ngài đã chết vì Ðức Kitô. Sự thánh thiện ở thời đại
nào cũng được định nghĩa như một sự đáp trả hoàn toàn đối với lời mời gọi bước
theo Ðức Kitô.
Sống và chết cho Ðức
Kitô: đó là ơn gọi từng ngày của người Kitô. Có nhiều hình thức bắt đạo khác
nhau: từ những sắc lệnh cấm đạo công khai cho đến những hạn chế tự do tín ngưỡng
một cách tinh vi.
Có nhiều hình thức tử
đạo khác nhau: từ cảnh đầu rơi, máu đổ cho đến những cái chết dần mòn trong nơi
lao tù, cũng như những khước từ hy sinh từng ngày mà mỗi người Kitô đang phải
trải qua.
Sống trọn vẹn ơn gọi của
người Kitô cũng là một hình thức tử đạo từng ngày. Quyết trí trung thành lắng
nghe tiếng nói của lương tâm để không chạy theo những cám dỗ của quyền lực, của
tiền bạc, của gian dối, của lường gạt: đó cũng là một cuộc tử đạo dai dẳng.
Quyết trí trung thành
với Giáo Hội dù phải chịu những phân biệt đối xử, dù phải bị tước đoạt quyền lợi:
đó cũng là một cuộc tử đạo dai dẳng.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét