19/08/2020
Thứ Tư tuần 20 thường
niên
Bài Ðọc I: (Năm II) Ed 34,
1-11
"Ta sẽ giải thoát đoàn chiên
Ta khỏi tay chúng, và đoàn chiên sẽ không làm mồi ngon cho chúng nữa".
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: Hỡi
con người, hãy nói tiên tri về các chủ chăn Israel, hãy nói tiên tri và bảo các
chủ chăn rằng: Chúa là Thiên Chúa phán thế này: Khốn cho các chủ chăn Israel, họ
chỉ lo nuôi chính bản thân: chớ thì các chủ chăn không phải lo chăn nuôi đoàn
chiên sao? Các ngươi đã uống sữa chiên, đã mặc áo lông chiên, hễ con nào béo tốt,
các ngươi làm thịt: nhưng các ngươi không chăn nuôi đoàn chiên của Ta. Con nào
yếu đuối, các ngươi không bổ dưỡng; con nào đau ốm, các ngươi không chạy chữa;
con nào bị thương, các ngươi không băng bó; con nào đi lạc, các ngươi không đem
về; con nào đi mất, các ngươi không tìm kiếm; nhưng các ngươi chăn dắt chúng bằng
bạo lực và nghiêm khắc. Các chiên Ta tản mác vì thiếu chủ chăn: chúng làm mồi
cho thú dữ ngoài đồng. Các chiên Ta lang thang khắp núi, trên mọi đồi cao, các
chiên Ta tản mác khắp mặt đất, và chẳng có ai tìm kiếm. Ta nói, chẳng có ai tìm
kiếm.
Vì thế, hỡi các chủ chăn, hãy
nghe lời Thiên Chúa phán: Nhân danh mạng sống của Ta, các chiên Ta đã bị cướp mất,
các chiên Ta làm mồi cho thú dữ ngoài đồng, vì không có chủ chăn: các chủ chăn
của Ta không lo lắng cho đoàn chiên Ta, nhưng chúng chỉ nuôi chính bản thân, mà
không chăn nuôi các chiên Ta, vì thế, hỡi các chủ chăn, hãy nghe lời Chúa: Chúa
là Thiên Chúa phán như thế này: Ðây chính Ta sẽ đến với các chủ chăn, đòi lại
đoàn chiên khỏi tay chúng, và sẽ không cho chúng chăn nuôi đoàn chiên nữa, các
chủ chăn không còn nuôi chính bản thân nữa. Ta sẽ giải thoát đoàn chiên Ta khỏi
miệng chúng, và đoàn chiên sẽ không còn làm mồi ngon cho chúng nữa.
Vì Chúa là Thiên Chúa phán như thế
này: Ðây chính Ta sẽ tìm kiếm các chiên Ta, và Ta sẽ thăm viếng chúng.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).
Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi
chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn
nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, người lo bồi dưỡng. -
Ðáp.
2) Người dẫn tôi qua những con đường
đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối,
con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều
an ủi lòng con. - Ðáp.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ,
ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu
con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa
theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư, cho tới
thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 135
Alleluia, alleluia! - Xin Chúa tỏ
cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của
Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 20, 1-16a
"Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi
nhân lành chăng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các
môn đệ dụ ngôn này rằng: "Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê
người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền
công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông.
"Khoảng giờ thứ ba, ông trở
ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: "Các
ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng
đáng". Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm
như vậy.
"Ðến khoảng giờ thứ mười một
ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: "Sao các ngươi đứng
nhưng không ở đây suốt ngày như thế?" Họ thưa rằng: "Vì không có ai
thuê chúng tôi". Ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho
ta".
"Ðến chiều chủ vườn nho bảo
người quản lý rằng: "Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ
người đến sau hết tới người đến trước hết". Vậy những người làm từ giờ thứ
mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ
tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang
khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: "Những người đến sau hết chỉ
làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng
chúng tôi sao?" Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: "Này bạn,
tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng
sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn,
nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi
nhân lành chăng?"
"Như thế, kẻ sau hết sẽ nên
trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Lòng Quảng Ðại Của Thiên
Chúa
Dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để trình
bày giáo lý của Ngài cho dân chúng được các nhà chú giải xếp thành hai loại: tỷ
dụ và dụ ngôn. Loại tỷ dụ là thể văn mà toàn bộ những chi tiết đều mang ý nghĩa
nòng cốt, còn các chi tiết phụ chỉ làm cho câu truyện thêm thú vị và khiến người
đọc quan tâm chú ý đến ý chính mà thôi.
Câu truyện về những người thợ vào
làm vườn nho của chủ là một dụ ngôn. Chủ đề chính của dụ ngôn là mối liên hệ của
con người với Thiên Chúa trên bình diện ân sủng.
Trong lúc các Rabbi Do thái thường
tính toán phần thưởng Thiên Chúa ban cho mọi việc lành, thì cách tính toán sòng
phẳng theo công bình giao hoán này hoàn toàn bị dụ ngôn làm đảo lộn, vì nếu
chúng ta tính với Chúa, Ngài sẽ tính với chúng ta, và chắc chắn số tội của
chúng ta sẽ nhiều hơn công phúc và chúng ta sẽ là kẻ thiệt thòi.
Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn để cảnh
cáo người Do thái không nên so đo, phân bì với người tội lỗi hay người ngoại
giáo được ơn Chúa trở lại và thừa hưởng Nước Trời, bởi vì Nước Trời là phần thưởng
nhưng không do lòng quảng đại của Chúa, chứ không do lòng đạo đức hay công nghiệp
của con người. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho những kẻ phàn nàn kêu trách nêu bật
lòng quảng đại của Thiên Chúa: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn
đã chẳng thỏa thuận với tôi một quan sao; cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn
tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn, tôi không có
quyền được tùy ý sử dụng của cải tôi sao?". Thiên Chúa đối xử tốt với mọi
người, Ngài ban ơn cho mọi người chỉ vì lòng thương của Ngài mà thôi. Còn con
người thì dễ bị cám dỗ, ghen tỵ, hẹp hòi, muốn giới hạn hành động yêu thương của
Thiên Chúa.
Chúng ta hãy xét xem mình đã có
thái độ nào đối với người khác, nhất là khi thấy họ được sự lành? Xin Chúa giải
thoát chúng ta khỏi tính ghen tỵ và cho chúng ta sống quảng đại với mọi người.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 20 TN2
Bài đọc: Eze 34:1-11; Mt 20:1-16.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mục Tử Tốt Lành.
Bổn phận của những người lãnh đạo
là phải lo cho tất cả mọi người dưới quyền mình, không chỉ những người có tài đức,
tốt lành, trẻ trung, mạnh khỏe; nhưng còn cả những người bất tài, già yếu, bệnh
tật… Các Bài đọc hôm nay cho thấy sự khác biệt giữa Thiên Chúa, người Mục Tử Tốt
Lành với những mục tử giả hiệu.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Các mục tử giả hiệu không chịu săn sóc đòan chiên của mình.
Bổn phận của người mục tử là coi
sóc đòan chiên của mình, họ phải chịu trách nhiệm trước mặt chủ vì số phận của
đòan chiên. Nếu đòan chiên tốt lành, mạnh khỏe, họ sẽ được chủ khen ngợi và thưởng
công xứng đáng. Nếu đòan chiên yếu nhược, tan tác, họ sẽ bị chủ nghiêm khắc trị
tội và lấy đi quyền mục tử để trao cho người khác biết cách chăm sóc đòan chiên
tốt hơn. Cũng vậy, những người lãnh đạo trong tôn giáo cũng như ngòai xã hội, họ
có bổn phận coi sóc những người dưới quyền họ, và họ phải chịu trách nhiệm trước
mặt Thiên Chúa, Đấng đã ban quyền và trao cho họ những người họ phải chăm sóc.
Người mục tử giả hiệu chỉ biết lo
cho bản thân họ như tiên tri Êzêkiel đã tuyên sấm hôm nay: Khốn cho các mục tử
Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn
chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi
giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm
cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các
ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các
ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc.
Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng
tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi. Chiên của
Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm.
Hậu quả của việc chăn chiên vô
trách nhiệm là họ sẽ bị Thiên Chúa trừng trị xứng đáng. Ngài sẽ tước đọat quyền
mục tử bằng cách lấy đòan chiên lại để trao vào tay người khác: Đây Ta chống lại
các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta; Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên, và
các mục tử sẽ không còn lo cho mình. Ta sẽ giải thoát các chiên của Ta khỏi miệng
chúng, để chiên của Ta không còn làm mồi cho chúng nữa.
Vì không kiếm được những mục tử tốt
lành trong Israel, nên Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: “Đây, chính Ta sẽ
chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm.” Người Mục Tử Tốt Lành trong Tân
Ước là chính Chúa Giêsu vì chính Ngài đã tuyên bố: “Ta là Mục Tử Tốt Lành, Ta
biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta” (Jn 10:11a). Điểm nổi bật của người
Mục Tử Tốt Lành là ông “dám phó mạng sống mình vì đòan chiên” (Jn 10:11b).
Chính Chúa Giêsu đã thân hành huấn luyện các Tông Đồ để trở thành những người Mục
Tử Tốt Lành theo gương và đường lối của Ngài.
2/ Phúc Âm: Người Mục Tử Tốt Lành săn sóc tất cả các con chiên của mình.
Điểm chính trong dụ ngôn hôm nay
không phải ở chỗ công bằng hay bất công xã hội: làm ít ăn ít, làm nhiều ăn nhiều;
nhưng ở chỗ mọi người đều có của ăn. Người lãnh đạo tài đức là người sắp xếp
làm sao cho mọi người đều có việc và có của ăn xứng với phẩm giá con người. Khởi
đầu bằng lời Chúa Giêsu nói: "Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa
tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả
thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc.”
Những người đến sau Phúc Âm không
cho biết lý do tại sao; nhưng trong đời sống con người, rất nhiều chuyện không
dự tính có thể xảy ra. Thay vì mất công tìm ra lý do tại sao họ không cùng nhóm
với những thợ từ sáng sớm (ngay cả việc lười biếng cũng là một chứng bệnh),
chúng ta có thể xếp họ vào nhóm không có cơ may (bệnh tật, ít tài, tai nạn…).
Nhà lãnh đạo giỏi có thể khắc phục và tìm ra cách dùng những người không có cơ
may. Phúc Âm tường thuật: Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người
khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy
đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng." Họ liền đi. Khoảng
giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy.
Sau cùng, khoảng giờ mười một,
ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: "Sao
các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?" Họ đáp: "Vì không ai mướn
chúng tôi." Ông bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!"
Phúc Âm ở đây nói rõ hơn lý do tại sao họ không làm việc vì không ai mướn họ.
Những người này chỉ làm có một tiếng mà thôi vì bắt đầu giờ thứ 12 là hết ngày
làm việc.
Công nhật của người Do-Thái trong
thời gian này là một denari một ngày, và ông chủ đã giao kèo với họ từ đầu. Ông
chủ không đối xử bất công với bất cứ nhóm thợ nào nên họ không có lý do nào để
khiển trách ông. Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: "Anh gọi
thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những
người vào làm trước nhất." Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến
lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước
nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một
quan tiền.
Ghen tị là bản chất của con người,
họ không muốn ai bằng họ nhất là lại làm ít giờ hơn họ.
Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ:
"Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang
hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị
nắng nôi thiêu đốt."
Tại sao ông chủ như thế? Câu trả
lời của ông chứng tỏ ông là người Mục Tử Nhân Lành, ông thực thi cả công bằng
và nhân từ. Ông lo cho tất cả mọi người có việc làm và có tiền để sinh sống khi
ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: "Này bạn, tôi đâu có xử bất
công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần
của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng
bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi
sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?"
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tất cả chúng ta đều được Thiên
Chúa trao cho một, hai, hay cả đòan chiên để chăm sóc tùy khả năng của mỗi người
trong các chức vụ cha mẹ, thầy cô, cha xứ, lãnh đạo trong tôn giáo cũng như
ngòai xã hội.
- Khi trao quyền Chúa cũng trao
luôn trách nhiệm, chúng ta phải chịu trách nhiệm trước Chúa về những người Chúa
trao.
- Người Mục Tử Tốt Lành biết khả
năng của chiên mình, và chăn dắt chiên sao cho phù hợp với từng chiên. Ông biết
cách vượt lên trên mọi ghen tị của các chiên khác và luôn tỏ lòng nhân từ cho hết
mọi con chiên.
- Phải bắt chước Chúa để thương đến
các anh chị em không có cơ may như chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên,
OP
19.08.20
THỨ TƯ TUẦN 20 TN
Thánh Gio-an Ơ-đê, linh mục
Mt 20,1-16a
CẢ CÁC ANH NỮA
“Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho.” (Mt 20,4)
Suy niệm: Cũng như ông chủ đã mời những người thợ vào làm vườn nho vào các thời
điểm khác nhau, Thiên Chúa cũng mời mọi người từ vạn nẻo đường đời vào làm việc
cho Nước Chúa. Để làm sáng tỏ lời mời gọi phổ quát này, đồng thời đề cao vai
trò của người giáo dân, thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, trong tông huấn Christifideles
laici (Người Ki-tô hữu giáo dân), đã trưng dẫn những lời “Cả các
anh nữa” này cả dụ ngôn, ngài viết: “Lời mời gọi không chỉ gửi tới các
linh mục, tu sĩ nam nữ mà cả người giáo dân cũng được Chúa mời gọi đích danh,
nơi Người, họ nhận lãnh một sứ vụ trong Giáo Hội và trên thế giới” (số
2).
Mời Bạn: Ki-tô hữu giáo dân là thành phần chiếm đại đa số trong Giáo Hội. Biết
bao giáo dân ý thức được phẩm giá, sứ mạng và trách nhiệm của mình, đang âm thầm
mở mang Nước Chúa ngay trong môi trường sống của mình. Họ là những người thợ
đang chăm bón, làm cho các cây trong vườn nho Chúa xanh tốt và sinh hoa kết
trái. Lúc này đây, lời mời gọi “cả anh nữa” cũng được gửi tới
bạn và chờ đợi lời đáp trả của bạn.
Sống Lời Chúa: Xét mình theo lời khuyên của thánh Grê-gô-ri-ô Cả: “Hãy lưu
ý một chút về cách sống của anh em, hãy nghiêm chỉnh xét xem anh em có phải là
thợ làm vườn nho của Chúa hay không? Mỗi người hãy tự xét việc mình làm và nhận
định xem mình có làm việc trong vườn nho Chúa hay không?”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mặc dầu con bất xứng, nhưng Chúa vẫn mời gọi con đi vào
làm vườn nho cho Chúa. Xin Chúa cho con luôn biết cố gắng làm một người thợ
chăm chỉ, khiêm tốn và cần mẫn trong vườn nho Nước Chúa. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
SUY NIỆM : Vì tôi tốt
bụng
Suy niệm :
Sau khi anh thanh niên giàu có từ chối lời mời của Đức Giê-su,
ông Phêrô đã đại diện anh em hỏi Thầy:
“Chúng con đã bỏ mọi sự và theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì ?”
Thầy Giêsu đã đáp lại bằng một câu trả lời khá dài.
Họ sẽ được xét xử các chi tộc Ít raen, được gấp trăm về mọi sự,
và nhất là được hưởng sự sống đời đời (Mt 19, 27-30).
Như thế ở đây Nước Trời được coi như một phần thưởng,
một sự trả công Chúa dành cho những ai dám từ bỏ hy sinh.
Các môn đệ cho đi, và rồi họ sẽ được lại.
Bài Tin Mừng hôm nay nằm ngay sau câu chuyện trên.
Dưới một góc độ nào đó thì cả hai có nội dung rất khác nhau,
nhưng bổ túc cho nhau, để ta có một cái nhìn quân bình về Thiên Chúa.
Thiên Chúa không phải chỉ là Đấng công bằng,
thưởng công cho những gì chúng ta đã vất vả cố gắng.
Người còn là Đấng quảng đại, tốt lành và giàu lòng xót thương.
Dụ ngôn về “người thợ giờ thứ mười một” cho thấy điều đó.
Thật ra phải gọi dụ ngôn này là dụ ngôn về “Ong chủ độ lượng”.
Trong thế giới thời Đức Gíê-su, người ta mướn thợ buổi sáng
và trả công cho thợ buổi chiều theo lề luật (Lv 19,13; Đnl 24, 14-15).
Lương công nhật là một quan tiền (denarius),
tiền này tạm đủ để nuôi gia đình ở mức căn bản.
Dụ ngôn hôm nay có nhiều nét khác thường mà không có lời giải thích.
Ong chủ vườn nho tự mình ra chợ mướn người, thay vì viên quản lý.
Những người thợ đứng suốt ngày ngoài chợ (c.6)
lại không được ông chủ thấy và mướn từ đầu, dù ông ra chợ nhiều lần.
Chỉ nhóm thợ đầu tiên mới được thuê với tiền công rõ ràng,
còn ba nhóm sau chỉ được hứa sẽ trả “hợp lẽ công bằng” (c.4).
Cuối cùng ba nhóm giữa bị bỏ rơi, để chỉ tập trung vào nhóm đầu và cuối.
Dụ ngôn này trở nên hết sức khác thường
với việc ông chủ ra lệnh trả công cho người làm cuối trước.
Những người thợ giờ thứ mười một (5 giờ chiều)
cả ngày làm có một tiếng, được trả một quan tiền.
Điều này hẳn tạo ra niềm hy vọng cho những ai đã làm từ sáng sớm,
“đã làm việc nặng nhọc cả ngày, lại bị nắng nôi thiêu đốt” (c.12).
Nhưng rốt cuộc những người thợ đầu tiên cũng chỉ được một quan tiền.
Chúng ta cần phải đứng trong hoàn cảnh của họ
để xem họ sẽ sửng sốt, thất vọng, buồn bực, tức giận và cằn nhằn ra sao.
Có lẽ chúng ta cũng phản ứng tương tự khi gặp chuyện như vậy.
Phản ứng này cũng là phản ứng giận dữ của người anh cả
khi biết cha mình đã tiếp đón linh đình sự trở về của đứa con hư hỏng.
Đối với những người thợ, đây rõ ràng là một sự bất công.
Bất công nằm ở chỗ làm nhiều. làm ít, nhận lương như nhau.
Nhưng ông chủ không cho đây là một sự bất công,
vì ông đã trả cho nhóm thợ làm sớm nhất đúng như đã thỏa thuận.
Những câu cuối của dụ ngôn là những câu đẹp nhất,
những câu nói lên bản chất sâu xa của tấm lòng Thiên Chúa.
“Tôi muốn cho người làm cuối này như tôi cho anh” (c. 14).
Tôi muốn cho họ nhiều như tôi đã cho anh, tôi muốn họ bằng anh :
đó là ước muốn, là chọn lựa của Thiên Chúa.
Tình thương của Người phá vỡ sự phân biệt người đầu, người cuối,
người làm nhiều, làm ít, công nhiều, công ít.
“Chẳng lẽ tôi không được phép làm điều tôi muốn
với tài sản của tôi sao?” (c. 15).
Thiên Chúa giàu sang nên có quyền rộng rãi thi ân cho kẻ Người muốn.
Chẳng ai có thể bắt Người phải đối xử công bình theo kiểu con người.
Chẳng ai có quyền hạch hỏi Người vì Người quá sức độ lượng (c.12).
“Hay mắt của anh xấu xa vì tôi tốt lành” (c. 15).
Con mắt xấu xa là con mắt khó chịu vì kẻ khác bằng mình, dù không đáng,
ghen tỵ với may mắn và hạnh phúc bất ngờ của người khác.
Đức Giêsu khẳng định mình là người tốt lành,
đặc biệt trong cách cư xử của Người đối với những tội nhân.
Anh trộm lành trên thập giá cũng là người thợ giờ thứ mười một.
Anh được hưởng những gì mà người khác phải nỗ lực cả đời.
Nói cho cùng, vấn đề không phải là đáng hay không đáng.
Chẳng ai xứng đáng để vào thiên đàng, kể cả các thánh.
Hạnh phúc Nước Trời là một ơn ban
hơn là một sự trả công hay phần thưởng.
Thiên Chúa vượt lên trên sự sòng phẳng có tính mua bán của con người.
Người không phải là nhà buôn, nhưng là người cha tốt lành.
Cha thương cả hai con, cả đứa ở nhà phục vụ lẫn đứa bỏ đi bụi đời.
Thậm chí đứa hư hỏng hay tật nguyền lại được quan tâm hơn.
Ông chủ vườn nho thương cả những người
đứng ngoài chợ suốt ngày mà không được ai mướn.
Có thể vì họ kém khả năng, kém may mắn hơn những người khác chăng?
Người thợ giờ thứ mười một đã làm được gì cho vườn nho của ông chủ?
Chắc chẳng được bao nhiêu.
Nhưng anh ấy đã đứng chờ suốt ngày.
Thế giới này lúc nào cũng có những người thợ giờ thứ mười một,
“những người không được ai mướn” (c.7),
những người cứ đứng chờ vậy thôi, suốt ngày, suốt đời,
những người được nhận trễ, chẳng biết mình sẽ được trả lương ra sao.
chỉ biết phó thác cho lòng tốt của ông chủ.
Những người này khác với những người làm từ sáng,
biết chắc mình sẽ được trả công một quan tiền.
Dụ ngôn không nói đến việc người làm cuối reo lên vì được trả công hậu hỹ.
Nhưng chắc là đã có những tiếng reo.
Thiên đàng đầy ắp những tiếng reo như thế,
kinh ngạc, ngỡ ngàng, thán phục, tri ân…
Chẳng có ai vào thiên đàng mà lại không reo lên
vì thấy những gì gọi là công đức của mình chỉ là chuyện nhỏ,
quá nhỏ để có thể mua được một vé vào thiên đàng.
Người ta cũng sẽ reo lên vì thấy sự có mặt của những người
mà ta tưởng chẳng bao giờ có thể lên thiên đàng được.
Thiên Chúa không chỉ thấy thời gian làm việc trong vườn nho.
Người còn thấy cả thời gian chờ.
Nhiều khi chờ còn mệt hơn làm việc.
Đừng cằn nhằn! hãy vui với niềm vui của Thiên Chúa,
Đấng hạnh phúc khi thấy người ta ngỡ ngàng vì những ơn bất ngờ,
vì lòng tốt của Ngi không sao hiểu được.
Hãy vui với những người được Chúa yêu, bất chấp quá khứ của họ.
Chúng ta không có quyền buồn như người con cả, khi cha đang vui.
Hãy đổi cái nhìn của mình về Thiên Chúa.
Như thế chúng ta cũng sẽ thay đổi cách cư xử với anh em.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu, con Thiên Chúa,
Chúa đã làm người như chúng con,
Nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.
Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc
Mà con người lại yếu đuối mong manh.
Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,
Và giữa ánh sáng,
Cũng có những bóng mờ đe dọa.
Lạy Chúa Giêsu,
Nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,
Xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu
Chúa đã buồn muốn chết được.
Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,
Xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá
Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?
Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.
Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.
Xin cho con yêu đời luôn
Dù đời chẳng luôn đáng yêu.
Xin cho con can đảm
Đối diện với những thách đố
Vì biết rằng cuối cùng
Chiến thắng thuộc về người
Có niềm hy vọng lớn hơn. Amen
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
19 THÁNG TÁM
Tiến Tới Một Thế Giới
Có Tính Người Hơn
Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh rất rõ ràng ý nghĩa đạo đức của sự phát
triển và tiến bộ của con người trong thế giới này. Công Đồng cho thấy lý tưởng
đạo đức của một thế giới có tính người hơn gắn chặt với giáo huấn của Tin Mừng
như thế nào.
Trong khi phân biệt rõ ràng giữa sự phát triển của thế giới và lịch sử cứu
độ, các Nghị Phụ Công Đồng khảo sát mối tương quan giữa hai lãnh vực ấy: “Tuy
phải phân biệt rõ rệt những tiến bộ trần thế với sự bành trướng Vương Quyền của
Chúa Kitô, nhưng những tiến bộ này trở thành quan trọng đối với Nước Thiên Chúa
tùy theo mức độ chúng có thể góp phần vào việc tổ chức xã hội loài người cho tốt
đẹp hơn. Thực vậy, sau khi đã theo mệnh lệnh Chúa và nhờ Chúa Thánh Thần phổ biến
trên trái đất các giá trị về nhân phẩm, về hiệp thông huynh đệ và tự do, nghĩa
là mọi thành quả tốt đẹp do bản tính và hoạt động con người đem lại, chúng ta sẽ
gặp lại chúng, nhưng là gặp lại sau khi chúng được thanh tẩy khỏi mọi tì ố, được
chiếu sáng và biến đổi, nghĩa là khi Chúa Kitô giao hoàn lại Chúa Cha vương quốc
vĩnh cửu và đại đồng: “Vương Quốc của chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện
và diễm phúc, vương quốc công bình, yêu thương và bình an”. Vương quốc ấy đã hiện
diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn khi Chúa đến” (MV 39).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 19 – 8
Ed34,1-11; Mt
20,1-16.
Lời suy niệm: “Cầm lấy phần
của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng
bạn đó.”
Tất cả chúng ta đang ở
trong Giáo Hội của Chúa, mọi thành phần dân Chúa đều được Chúa quan tâm yêu
thương như nhau. Mỗi người đều là quan trọng đối với Chúa. Chúa cứu chuộc từng
người một, từng hoàn cảnh của mỗi người. Không ai có quyền đòi hỏi sự ưu tiên
cho mình. Điều quan trọng là mỗi người phải chu toàn bổn phận của mình với ơn
ban của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Xin
ban cho mỗi người trong chúng con, luôn biết chu toàn bổn phận của mình, với ơn
ban của Chúa với lòng ao ước những người chung quanh chúng con cũng nhận ra
tình yêu của Chúa trong cuộc sống. Để cùng nhau sống tình yêu thương với nhau.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 19-08
Thánh GIOAN EUDÊ
Linh Mục (1601 -
1680)
Thánh Gioan Euđê là một
trong số những người chấn hưng tôn giáo tại Pháp thời vua Luy XVI. Isaac Euđê,
cha Ngài là nhà nông kiêm nghề giải phẫu tại thành Ri gần Argentan, đã có ý định
trở thành linh mục, nhưng rồi lại bỏ ý định để lập gia đình. Mẹ Ngài là bà
Mattha Corbin tưởng sẽ phải son sẻ. Nhưng rồi sau nhờ cầu nguyện, họ sinh được
Gioan với bốn em gái và hai em trai nữa.
Gioan có tính nóng nảy,
nhưng hiến mình cho Đức Trinh Nữ Maria, Ngài quyết sửa mình bằng cách ngày càng
mến Mẹ hơn. Hồi 9 tuổi, có lần Ngài bị một thằng bạn vả mặt, nhớ lời Chúa Ngài
đưa má kia ra: còn má này nữa, nếu muốn anh cứ vả tiếp đi. Thằng bạn ngượng
ngùng và sau này đã kể lại sự kiện đó với niềm thán phục sâu xa.
15 tuổi Gioan theo học
các cha dòng Tên tại Caen. Từ trong huyết quản Gioan đoan hứa dâng mình cho mẹ
Thiên Chúa. Nhưng khi trở về nhà, cha mẹ nói với Ngài về việc hôn nhân. Ngài
bày tỏ ước vọng với cha mẹ và phải khó khăn lắm mới được cha mẹ ưng thuận. Ngài
nhập dòng giảng thuyết và năm 1625 thụ phong linh mục.
Sau ngày thụ phong,
Gioan phục vụ giáo xứ ở Aubervilliers. Hai năm sau, một cơn dịch xảy tới tàn
phá giáo phận Sees. Các bệnh nhân bị những người khác bỏ mặc và trốn chạy.
Gioan chỉ muốn bay tới để giúp đỡ họ. Trong suốt hai tháng trời, Ngài hết mình
phục vụ. Khi cơn dịch hạ giảm, Ngài thực hiện sứ vụ tại Caen. Nhưng cơn dịch
chưa dứt mà chỉ dời chỗ. Lần này cơn dịch tràn tới Caen. Gioan lại tận tâm quên
mình phục vụ. Không có gì làm cho Ngài sợ hãi cả. Nhưng dân chúng lại sợ Ngài
truyền bệnh. Bởi đó Ngài bị giam mình trong một cái thùng để ở ngoài đồng ruộng,
khiến lúc đó cánh đồng được gọi là "cánh đồng của thánh nhân". Các nữ
tu thương hại Ngài ngày ngày mang của ăn đến cho Ngài. Ngài trở về dòng hiến
mình phục vụ hai tu sĩ và bề trên sắp chết vì bệnh dịch. Cuối cùng, cơn dịch
tan biến, nhưng Gioan lên cơn sốt, dân chúng khẩn cầu tha thiết cho Ngài được
chữa lành và niềm vui thật lớn lao khi người "Samaritanô nhân hậu" tái
xuất hiện.
Bây giờ bắt đầu công
trình rao giảng và truyền giáo của Ngài. Ngài chống lại lạc thuyết Calvinô, những
kinh hoàng của cuộc nội chiến, sự dốt nát của hàng giáo sĩ, những tật xấu của
các tín hữu. Chúng ta có thể đo lường hoạt động của một vị thánh như thế nào:
15 ngàn người chen lấn nghe thánh nhân giảng, các tội nhân sám hối và để được
xưng tội, họ phải chờ 4 hay 5 ngày mới đến lượt. Trong khi để tiết kiệm thì giờ
của họ. Ngài chỉ dùng vài miếng bánh để dưỡng sức. Các thói tục ngoại giáo biến
dạng. Ở Autun, cuộc rước Trinh nữ thay thế cho những gương mù ngày Mi-Careme
(thứ 5 tuần III mùa chay). Ở Meaux dân chúng mang các sách đồi trụy đến công
trường để đốt bỏ.
Cha Gioan Euđê đã giảng
thuyết khắp vùng Normandie Bretagne, tới tận Saint Etienne. Tại Paris, cha sở
thánh thiện của Saint - Sulpice, M.Olier, đã tổ chức cho Ngài 5 kỳ giảng thuyết.
Ngài danh tiếng đến nỗi có 10 giám mục hiện diện. Ở Saint Germain-Laye, vua và
hoàng hậu đến ngồi vào ghế thính giả. Cha Gioan Euđê thuyết giảng lần cuối cùng
tại Sain-Lô.
Suốt 40 năm, cha Gioan
đi rao giảng đó đây. Nhưng việc rao giảng chỉ là một phần hoạt động của Ngài.
Nhận thấy hàng giáo sĩ không được đào tạo đầy đủ, Ngài từ giã dòng giảng thuyết
năm 1643, để lập hội dòng Chúa Giêsu và Đức Maria lo việc tổ chức các chủng viện.
Theo lời đề nghị của Đức Hồng Y Richelieu, Ngài lập đại chủng viện ở Caen rồi
sau này ở Lisieux, Rouen, Eureux và Renner. Đàng khác Ngài rất thương cảm các
thiếu nữ bất hạnh hoàn lương, năm 641 Ngài đã lập dòng Chúa chiên lành để săn sóc
họ.
Giữa bao nhiêu công
chuyện, ước mơ lớn nhất của thánh Gioan Eusê là phổ biến lòng tôn sùng Thánh
Tâm, Ngài là người khởi xướng, viết sách và các thánh thi ca tụng Thánh Tâm.
Đây là nỗ lực chống lại chủ trương sai lầm của thuyết Giansêniô.
Ngày 19 tháng năm
1680, thánh Gioan Euđê từ trần, Ngài được phong chân phước năm 1925 được tôn
phong hiển thánh.
Ngày 19-08
Thánh RÔMUALĐÔ
Tu Viện Trưởng (956
- 1027)
Thánh Rômualdô sinh tại
Ravenna năm 956, trong một gia đình danh giá nước Ý. Bá tước Sergiô, cha Ngài
đã phụng dưỡng Ngài trong một nếp sống xa hoa. Rômualdô đã chỉ tìm vui chơi mà
không nghĩ gì tới bổn phận phải nên thánh. Dầu vậy đôi lần đi săn thú, Ngài thấy
mình đơn độc giữa rừng vắng và phải suy nghĩ... Ngài đặt mình vào một ngày nào
đó phải chết và bỗng thấy lo âu. Ngài cũng thấy rằng các ẩn sĩ chọn đời sống cô
tịch, hãm mình để hiến thân phụng sự Chúa thật là đúng đắn. Những giấc mơ như vậy
thanh luyện hồn Ngài và cảm kích bởi ơn thánh Ngài tự hứa với mình là sẽ cải
thiện đời sống nhưng rồi trở lại với những thú vui ngày thường Ngài lại lùi bước
trước nỗ lực và lao mình theo các thị hiếu.
Một biến cố đau thương
đã thành phương tiện Thiên Chúa dùng để gỡ Rômualđô khỏi những ràng buộc với thế
gian. Sergiô cha Ngài gây lộn với một người bà con về việc sở hữu một cánh đồng
đã thách đấu kiếm, ông còn bắt con mình dự vào cuộc đấu. Sergiô giết chết đối
thủ, coi mình là đồng lõa với tội phạm này và thấy phải đền trả. Rômuadô đã vào
tu viện để thống hối suốt 40 ngày. Bị đánh động bởi thực tế trái ngược hẳn với
lối sống phân tán của thế gian, Ngài chỉ còn nghĩ tới việc bắt chước những khắc
khổ mà Ngài được chứng kiến.
Bá tước Sergiô cảm
kích vì mẫu gương của con mình đã vào dòng. Khi bị cám dỗ trở về đường xưa, ông
lại dẫn con mình kịp thời can thiệp và tiếp tục trung thành với đời sống đền bồi
cầu nguyện.
Sau 7 năm sống trong
dòng, Rômuado dấn mình vào sa mạc, sống gần vị ẩn sĩ già là Marinô. Đây là bậc
thầy nghiêm ngặt mà Ngài đã chọn, Marinô thường lấy roi đánh trên đầu môn đệ của
mình để xua đuổi sự chia trí lo ra hay để phạt một lầm lỗi khi đọc thánh vịnh,
hay hơn nữa để giúp họ quen chịu khổ. Ông lại hay đánh có một phía. Rômuado
không hề phàn nàn kêu trách.
Một ngày kia Ngài nói
với thầy: - Thưa thày, từ nay xin thầy đánh về phía mặt vì tai trái con hầu như
điếc rồi.
Rômuado thầm cảm phục
và kính trọng môn đệ mình.
Rômuado nuôi chí hứơng
canh tân dòng Bênêdictô đang thời sa sút, Ngài thiết lập một tu viện. Ngài làm
cho các môn đệ nhiệt tình nên hoàn hảo trong việc hãm mình, khi phải chống lại
sự dữ và phạt tội lỗi, thánh nhân đã tỏ ra cương nghị, chẳng hạn khi vua Othen
III đến tu viện để đền bù tội lường gạt và sát hại một thủ lãnh loạn luân, ông
được truyền dạy phải đi chân không tới nhà thờ thánh Micae và suốt mùa chay, phải
ở trong đồng mà ăn chay, ngủ trên rơm cỏ.
Rômuado chống gậy rảo
khắp nước Ý sang cả Pháp và Đức. Ngài xây nhiều nhà thờ, thiết lập nhiều tu viện,
và các trung tâm ẩn tu trong sa mạc. Ngày kia, Ngài tìm được một nơi thanh vắng
trong dãy Apennins. Ngài mơ thấy một cái thang bắc lên trời, có các tu sĩ lên
xuống. Vị lãnh chúa miền này cho Ngài cánh đồng Malđôli. Thánh nhân lập dòng
Camaldules sống đời liên lỉ.
Vào tuổi 120, thánh
Rômuado từ trần, ngày 19 tháng 6 năm 1076.
Sau 439 năm xác Ngài
còn nguyên vẹn và được đặt trong nhà thờ của dòng ở Fabrianô.
(daminhvn.net)
19 Tháng Tám
Hãy Nhìn Lên Cao
Dạo cuối tháng
4/1990, ở cao độ 620 cây số trên biển Thái Bình Dương, cánh tay dài 12 thước của
người máy từ phi thuyền con thoi Discover đã đưa ống thiên văn Hubble rời xa
phi thuyền để đi vào quỹ đạo không gian, bắt đầu một cuộc hành trình quan sát
vũ trụ được dự trù kéo dài trong suốt 15 năm, mở đầu cho một kỷ nguyên mới
trong ngành thiên văn học.
Do nhu cầu tìm hiểu
vũ trụ, kính thiên văn đã được ra đời cách đây khoảng 380 năm. Nhờ kính thiên
văn, các nhà thiên văn học mới có thể quan sát một cách chi tiết những thiên thể
ở gần trái đất và từ đó đưa ra những định lý căn bản cho ngành thiên văn học.
Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, đặc biệt là những máy điện toán, những
kính thiên văn ngày càng được cải tiến về kỹ thuật cũng như kích thước để gia
tăng khả năng quan sát. Hai kính thiên văn có đường kính lớn nhất hiện nay được
đặt trên đỉnh núi Palomar và Caucasus. Nhưng dù được cải tiến cách mấy đi nữa,
khoảng cách quan sát và mức độ phân giải của kính thiên văn đặt trên mặt đất vẫn
còn bị giới hạn, vì ánh sáng từ các thiên thể trước khi đến mặt đất đã bị ngăn
cản và tản xạ nhiều bởi lớp khí quyển bao quanh trái đất.
Ý tưởng về kính
thiên văn đặt ngoài không gian đã được đề cập đến năm 1923, nhưng mãi đến năm
1981, ý tưởng này mới được thực hiện với một kinh phí khổng lồ là 1 tỷ rưỡi Mỹ
kim. Kính thiên văn đặt ngoài không gian trái đất này mang tên khoa học gia Hoa
Kỳ Edwin Hubble, một trong những tài năng lỗi lạc nhất trong ngành thiên văn học.
Sự ra đời của kính
thiên văn Hubble có thể so sánh với sự ra đời của kính thiên văn đầu tiên của
Galilêô vào năm 1609: đây là bước tiến quan trọng trong ngành thiên văn học, nó
giúp con người tiến đến gần chân lý hơn trên con đường tìm hiểu vũ trụ.
Càng lên cao, con người
mới nhìn xa thấy rộng. Càng ra khỏi mặt đất, càng lên cao trên không gian, nhãn
giới của chúng ta càng mở rộng. Cũng giống như ống kính thiên văn Hubble, người
Kitô hữu cũng được trang bị bằng cái nhìn từ trên cao. Nhờ cái nhìn ấy, chúng
ta nhìn thấy được ý nghĩa của cuộc sống, chúng ta biết được đâu là nguồn gốc và
cùng đích của chúng ta. Nhờ cái nhìn ấy, chúng ta có thể nhìn thấy dấu vết của
một tình yêu luôn hiện diện và tác động trong lịch sử nhân loại và của từng người.
Khi Chúa Giêsu loan
báo về cuộc tử nạn của Ngài, Phêrô kéo Ngài lại và can gián Ngài. Chúa Giêsu đã
quở trách ông: "Hãy lui ra đằng sau ta hỡi Satan. Ngươi là cớ vấp phạm cho
Ta, bởi vì cái nhìn của ngươi không phải là cái nhìn của Thiên Chúa, mà là của
loài người".
Lắm lúc chúng ta cũng
khước từ cái nhìn trên cao của Thiên Chúa để chỉ nhìn vào cái biến cố bằng cái
nhìn trần tục của chúng ta. Với cái nhìn trần tục, chúng ta chỉ thấy màu đen của
thất bại, chết chóc, thất vọng, buồn thảm. Nhưng với cái nhìn của Chúa, sự yếu
đuối sẽ trở thành sức mạnh, mất mát sẽ trở thành lợi lộc, khờ dại sẽ trở thành
khôn ngoan. Trong cái nhìn của Chúa, chúng ta sẽ chỉ thấy ánh sáng, hy vọng,
tin tưởng, lạc quan.
Thánh Phaolô đã khuyên
chúng ta: "Hãy yêu thích những sự trên trời". Hãy mặc lấy cái nhìn từ
trên cao. Hãy luôn sống và hành động bằng những tâm tình của chính Chúa Giêsu.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét