28/01/2014
Thứ Ba Tuần III Mùa
Thường Niên Năm chẵn
BÀI
ĐỌC I: 2 Sm 6, 12b-15, 17-19
"Đavít và toàn dân Israel hân hoan đi rước hòm bia Thiên Chúa".
Trích
sách Samuel quyển thứ hai.
Trong
những ngày ấy, Đavít hân hoan đi mang hòm bia Thiên Chúa từ nhà Obêđê về thành
Đavít. Vua dẫn theo bảy ca đoàn và đàn bò con làm của lễ. Khi những người mang
hòm bia Thiên Chúa đi được sáu bước, thì Đavít hiến tế một con bò và một con
bê. Ngài tận lực nhảy múa trước Thiên Chúa. Ngài mang khăn vải điều ngang lưng.
Ngài và toàn thể nhà Israel mang hòm bia Thiên Chúa hân hoan và trong tiếng kèn
trống. Họ rước hòm bia Thiên Chúa vào đặt giữa nhà tạm mà Đavít đã dựng sẵn. Rồi
ngài hiến dâng của lễ toàn thiêu và của lễ bình an; ngài nhân danh Chúa các đạo
binh mà chúc lành cho dân chúng, đoạn ngài phân phát cho toàn dân Israel, nam
cũng như nữ, mỗi người một ổ bánh mì, một miếng thịt và một chiếc bánh chiên dầu.
Và toàn dân giải tán, ai về nhà nấy. Đó là lời Chúa.
ĐÁP
CA: Tv 23, 7. 8. 9. 10
Đáp:
Vua hiển vinh là ai vậy? Chính Người là Thiên Chúa (c. 8a).
1)
Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên; vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu, để vua hiển
vinh Người ngự quá! - Đáp.
2)
Nhưng vua hiển vinh là ai vậy? Đó là Chúa dũng lực hùng anh, đó là Chúa anh
hùng của chiến chinh. - Đáp.
3)
Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên, vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu, để vua hiển
vinh Người ngự quá. - Đáp.
4)
Nhưng vua hiển vinh là ai vậy? Đó là Chúa đạo thiên binh, chính Người là Hoàng
Đế hiển vinh. - Đáp.
ALLELUIA:
Ga 15, 15b
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy
đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.
PHÚC
ÂM: Mc 3, 31-35
"Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ
Ta".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi
ấy, mẹ Chúa Giêsu và anh em Người đến và đứng ở ngoài, sai người vào mời Chúa
ra. Bấy giờ có đám đông ngồi chung quanh Người và họ trình Người rằng:
"Kìa mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy". Người trả lời rằng:
"Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?" Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi
vòng quanh, Người nói: "Đây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên
Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Ai là Mẹ Ta
Khổng Tử có một người cháu tên là Khổng Liệt và một người học trò tên là Bật Thứ
Thiên, cả hai ra làm quan cùng một thời. Một hôm Khổng Tử hỏi người cháu:
-
Từ khi ra làm quan đến giờ, ngươi đã được điều gì và mất điều gì?
Khổng
Liệt trả lời:
-
Từ khi làm quan, tôi chưa được điều gì, mà đã mất ba điều: không có giờ học tập
vì thế trình độ vẫn thấp, lương bổng không đủ giúp người thân, công việc bề bộn
nên không có giờ thăm viếng bạn bè.
Nghe
thế, Khổng Tử rất buồn lòng.
Một
ngày nọ, Khổng Tử cũng hỏi Bật Thứ Thiên cùng một câu như đã hỏi Khổng Liệt, Bật
Thứ Thiên đáp:
-
Từ khi ra làm quan, tôi chưa mất điều gì, mà đã được ba điều: Những điều đã học
nay đem ra thực hành, vì thế việc học được rõ ràng thêm; lương bổng tuy ít
nhưng cũng có thể giúp người thân phần nào, do đó mà thân thiện hơn; công việc
tuy nhiều, những cũng bớt chút thời giờ thăm bạn bè khiến tình bạn càng thân
thiết.
Câu
trả lời của Bật Thứ Thiên được Khổng Tử khen là chí lý và thực là câu trả lời của
người quân tử.
Câu trả lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, thoạt nghe người ta dễ hiểu
lầm là từ khi bắt đầu đời công khai, Chúa Giêsu đã đánh mất gia đình và người
thân của mình. Thật vậy, khi Chúa đang ngồi giảng giữa một đám đông, có kẻ nói
với Ngài: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang tìm Thầy". Chẳng những
Chúa Giêsu không ra gặp mẹ, mà Ngài còn nói: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em
Ta? Chính những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ Ta và là anh
em Ta".
Thật ra, qua câu nói này, Chúa Giêsu gián tiếp khen ngợi Mẹ Ngài, bởi vì Mẹ là
người hoàn toàn tuân theo ý Chúa. Mẹ đã hiểu rõ sứ mạng của Chúa Giêsu, con của
Mẹ. Như thế câu nói của Chúa Giêsu cho thấy Ngài đặt quan hệ tình nghĩa trên nền
tảng đức tin, thể hiện niềm tin của mình bằng việc thực thi thánh ý Chúa.
Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha; còn chúng ta được
trở nên con cái Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, và nhờ tình
yêu Chúa, chúng ta được liên kết với nhau trong một quỹ đạo mới, một tình nghĩa
mới, cao đẹp hơn tình nghĩa cha mẹ, anh chị em ruột thịt.
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta luôn biết sống theo thánh ý Chúa, để
chúng ta được nối kết trong tình nghĩa với Chúa, với Mẹ và với tất cả mọi người.
(Veritas
Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 3 TN
Bài đọc: Heb 10:1-10; 2 Sam
6:12b-15, 17-19; Mk 3:31-35.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thi hành thánh ý
Thiên Chúa.
Có
một câu truyện dẫn chứng sự quan trọng của việc làm theo thánh ý Thiên Chúa như
sau: Một vị vua kia muốn trao tài sản cho các con; nhưng để dạy các con một bài
học phải tránh xa sự hào nhoáng bên ngòai, nhà vua cho gói những thứ thật quí
vào những hộp trông có vẻ tầm thường, và những thứ tầm thường vào những hộp
trông rất lộng lẫy bên ngoài. Sau đó, vua cho gọi các con vào để lựa chọn, bắt
đầu từ hoàng tử lớn nhất. Đa số các hoàng tử đều chọn các hộp lộng lẫy. Đến
phiên hoàng tử út, chàng tần ngần một lát, rồi nói nhỏ với cha: Con không biết
cách chọn; nhờ cha chọn cho con. Nhà vua đã chọn của quí nhất cho hoàng tử út.
Các
Bài Đọc hôm nay xoay quanh chủ đề sự quan trọng của việc làm theo thánh ý Thiên
ChúaTrong Bài Đọc I, năm chẵn, vua David học được bài học phải làm theo ý Thiên
Chúa; chứ không theo ý nhà vua. Vì thế, vua đổi ý để đi lên Obededom di chuyển
Hòm Bia Thiên Chúa về thành của vua David. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố:
mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa không đặt căn bản trên liên hệ ruột thịt,
nhưng trên căn bản làm theo thánh ý của Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I (năm chẵn):
Vua David cuốn áo choàng bằng vải gai và nhảy múa hết sức mình trước nhan Đức
Chúa.
1.1/
Cuộc rước Hòm Bia Thiên Chúa về thành David lần thứ hai: Cuộc rước Hòm Bia
Thiên Chúa lần thứ nhất bị cắt đứt dở dang vì ông Uzzah bị Thiên Chúa phạt chết.
Lý do Uzzah bị chết vì đã giơ tay đỡ Hòm Bia khi sắp rơi xuống đất. Sự kiện xảy
ra cách đột ngột làm vua David buồn bực (6:8) và sợ hãi; nên nhà vua cho di
chuyển Hòm Bia đến nhà ông Obededom, một người Dân Ngoại; thay vì di chuyển Hòm
Bia về thành vua David.
Tại
sao David lại chuyển Hòm Bia Thiên Chúa đến nhà một người Dân Ngoại? Có thể vua
David sợ nếu ở gần Thiên Chúa, vua sẽ phải lãnh nhận hình phạt tương tự (6:9).
Có thể vua David buồn bực (6:8), vì Thiên Chúa đã không làm theo ý vua muốn:
đang vui mừng đón Thiên Chúa, Ngài lại giáng phạt biến vui mừng thành khổ đau!
1.2/
David học để làm theo ý Thiên Chúa: Khi Hòm Bia Thiên Chúa ở nhà ông Obededom, vua David
nghe tin Thiên Chúa chúc phúc cho gia đình ông. Vì thế, vua David đổi ý định,
nhà vua liền đi và rước Hòm Bia Thiên Chúa từ nhà ông Obededom lên Thành vua
David.
David
học được một bài học quan trọng: Con người cần có sự hiện diện của Thiên Chúa để
được Ngài che chở và chúc lành. Thiên Chúa không mắc nợ nần gì với con người;
nhưng con người mắc nợ Thiên Chúa tất cả. David được phong vương làm vua là vì
Thiên Chúa đã truất phế vua Saul, và sai Samuel đến xức dầu phong vương khi ông
vẫn là cậu bé chăn chiên ngoài đồng. David có thắng được quân thù Philistines
là vì bàn tay hùng mạnh của Thiên Chúa ở với ông. David nhận ra: con người phải
làm theo thánh ý Thiên Chúa; chứ không bắt Thiên Chúa phải làm theo ý mình. Khi
con người làm theo ý Thiên Chúa, Ngài sẽ chúc lành và ban ơn cho con người.
2/
Phúc Âm:
Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.
2.1/
Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự: Thoạt đọc trình thuật hôm nay, một người không tránh
khỏi bất mãn với Chúa Giêsu vì đã khinh thường Đức Mẹ và anh em của Ngài, và
Ngài đã không giữ giới răn thứ bốn. Nhưng Chúa Giêsu có vi phạm những điều này
không? Một trong những sứ vụ của Chúa Giêsu là dạy dỗ và sửa chữa những hiểu biết
sai lầm. Trong bài học hôm nay, Chúa Giêsu không đi ra ngoài 2 giới răn quan trọng
nhất: trước tiên, mến Chúa; sau đó, yêu người. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến thứ
tự ưu tiên của hai giới răn, mà con người rất nhiều lần đã đảo lộn thứ tự ưu
tiên của nó. Việc Chúa Giêsu đang rao giảng Tin Mừng là Ngài đang làm theo
thánh ý Thiên Chúa; và Ngài phải đặt nó lên trên tất cả các việc khác. Ngài
không thể hy sinh việc rao giảng để tiếp chuyện với thân nhân. Tuy nhiên, khi
nào không làm việc Thiên Chúa, Ngài vẫn yêu thương và săn sóc Đức Mẹ; như khi
Chúa Giêsu trao Đức Mẹ cho Thánh Gioan chăm sóc dưới chân Thập Giá.
2.2/
Yêu mến Thiên Chúa là làm theo thánh ý Ngài: Bài học thứ hai Chúa Giêsu muốn
dạy con người hôm nay: tình yêu phải biểu tỏ cụ thể bằng hành động. Con người
thường nghĩ mình có thể yêu Thiên Chúa bằng lời nói, hay bằng những hành động
bên ngoài như tham dự Thánh Lễ, đọc kinh, cầu nguyện. Những điều này tốt, nhưng
không quan trọng bằng việc tìm ra và làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Cuộc đời
Chúa Giêsu là một mẫu mực cho con người học thế nào là yêu thương Thiên Chúa:
Ngài muốn nhập thể để thi hành Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong những năm ở
trần gian, thánh ý Thiên Chúa là động lực sống của Ngài đến nỗi Ngài thốt lên
những câu phải là châm ngôn cho chúng ta như: “Của ăn của Ta là làm theo ý Đấng
đã sai Ta, và chu toàn các việc của Ngài” (Jn 4:34). “Điều Ta tìm kiếm không phải
ý Ta, nhưng là ý của Đấng đã sai Ta” (Jn 5:30). “Ý của Chúa Cha là hễ ai thấy
Chúa Con và tin vào Ngài, sẽ có sự sống đời đời” (Jn 6:40). Những giờ phút sau
cùng trong vườn Ghetsemane, Chúa Giêsu bị giằng co giữa đau khổ sắp đến và
thánh ý Thiên Chúa, nhưng sau cùng Ngài đã thốt lên: “Lạy Cha! Nếu có thể được,
xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha” (Mt
26:42).
2.3/
Người nhà của Chúa Giêsu là những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa: Chúa Giêsu tuyên bố
rõ ràng: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Ai thi hành ý muốn của Thiên
Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi." Chúa Giêsu loại bỏ tất cả
những lý do khác con người có thể dựa vào để nhận họ là người nhà của Chúa;
nhưng chỉ còn giữ lại điều kiện duy nhất là nghe và thực hành ý muốn của Thiên
Chúa. Dĩ nhiên, Mẹ Maria và các môn đệ là người nhà của Chúa vì họ luôn thực
thi ý muốn của Thiên Chúa.
Thi
hành thánh ý Thiên Chúa không phải chỉ bằng làm những công việc vĩ đại; nhưng bằng
chu toàn các bổn phận Ngài đã trao phó cho trong cuộc sống hàng ngày. Nói cách
rõ hơn, bổn phận của người môn đệ là phải: "từ bỏ ý riêng mình, vác thập
giá của mình hàng ngày, và theo Chúa."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Thiên Chúa không hài lòng về hy sinh và lễ vật chúng ta dâng, cho bằng về những
cố gắng của chúng ta tìm ra và làm theo thánh ý Ngài.
-
Thánh ý của Thiên Chúa, cách tổng quát, là lo sao cho chính bản thân chúng ta
và mọi người đạt được ơn Cứu Độ.
-
Bổn phận của chúng ta là phải học biết và thi hành thánh ý Thiên Chúa; chứ
không bắt Ngài phải làm theo ý chúng ta mong muốn.
-
Để tìm ra thánh ý của Thiên Chúa, chúng ta phải học hỏi Kinh Thánh để hiểu biết
Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa; và làm hết sức có thể để làm cho Ơn Cứu Độ lan
rộng đến mọi người.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẢY MẦM
Mc
3,31-35
A.
Hạt giống...
Các
đoạn Tin Mừng từ ngày Thứ Ba này đến ngày Thứ Năm đều nói về việc nghe Lời
Chúa. Ý tưởng mỗi ngày một tiến thêm :
-
Thứ Ba (Mc 3,31-35) : đề cao những người nghe Lời Chúa.
-
Thứ Tư (Mc 4,1-20) : Nghe Lời Chúa chưa đủ, còn phải sống Lời đó nữa.
-
Thứ Năm (Mc 4,21-25) : Và còn phải loan báo Lời Chúa cho những người khác.
Trong
đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đang giảng Lời Chúa cho những kẻ khao khát
nghe. Đúng lúc đó những người bà con đến xin gặp Ngài. Chúa Giêsu tỏ ra coi trọng
những người đang nghe Lời Chúa hơn những người bà con : chẳng những Ngài không
bỏ việc giảng để ra ngoài gặp bà con, mà còn nói những kẻ đang nghe Ngài giảng
mới là gia đình thật của Ngài.
B....
nẩy mầm.
1.
"Mẹ và anh em Chúa Giêsu đứng ở ngoài, cho gọi Người ra" : Văn mạch
phía trước có kể rằng khi hay tin Chúa Giêsu say mê giảng dạy và chữa bệnh cho
dân chúng đến nỗi không có thời giờ ăn uống, "thân nhân của Người liền đi
bắt Người vì họ nói rằng Người đã mất trí" (Mc 3,21). Chuyến đó họ không
"bắt" (nghĩa là không ngăn cản) Chúa Giêsu được. Có lẽ vì thế mà hôm
nay, họ mời thêm Đức Maria. Khi Đức Mẹ đến, hẳn Người không hề có ý cản trở sứ
mạng Chúa Giêsu mà chỉ đến để xem xét sự thể ra sao. Dù sao, câu chuyện cũng
cho thấy Đức Mẹ chưa hiểu nhiều về sứ mạng của Chúa Giêsu. Đã nhiều lần Mẹ phải
ghi nhớ và suy nghĩ trong lòng về những việc lạ lùng nơi con của mình. Cuối
cùng, dưới chân Thập giá, Mẹ mới hiểu hết và còn kết hợp sự đau khổ của mình với
sự đau khổ của Chúa Giêsu.
Chúng
ta hãy học nơi Đức Mẹ thái độ ghi nhớ và suy gẫm trong lòng những điều chưa hiểu.
2.
Theo cách viết của Thánh Mác cô, mẹ và anh em Chúa Giêsu "đứng ở
ngoài", còn đám đông nghe Ngài giảng thì "ngồi chung quanh". Như
thế nghĩa là những kẻ nghe Lời Chúa còn gần gũi và thân thiết với Ngài còn hơn
những người bà con ruột thịt.
3.
Đối với bản thân mình, Chúa Giêsu coi trọng việc rao giảng Lời Chúa hơn việc gặp
bà con ; đối với người khác, Ngài coi trọng những người nghe Lời Chúa hơn cả bà
con của Ngài.
4.
Chúa Giêsu nhiều lần nhấn mạnh đến việc nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Thí
dụ : "Đừng lo cho mạng sống lấy gì mà ăn ; cũng đừng lo cho thân thể lấy
gì mà mặc… Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa
biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiến Nước Thiên Chúa và
đức công chính của Người (nghĩa là thi hành ý Người), còn tất cả những thứ kia
Người sẽ thêm cho" (Mt 6,25-33) ; "Ai nghe mà không thực hành thì ví
được như người xây nhà ngay trên mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào thì
nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành" (Lc 6,49).
5.
"Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em, là mẹ
tôi" (Mc 3,35)
Bản
thân là một kitô hữu, tôi đã thuộc về Đức Kitô. Biết và thi hành ý muốn của
Chúa, tôi sẽ là mẹ, là anh chị em của Người. Vâng, Chúa đã nói với những kẻ ngồi
xung quanh Người như thế.
Hôm
nay, Chúa cũng tha thiết nói với tôi, với những người xung quanh tôi như vậy, từ
những người trí thức đến những người thấp kém trong xã hội. Tất cả chúng ta đều
có nhiệm vụ đón nhận và làm cho lời Chúa thấm nhuần cả đời sống của ta, gia
đình và xã hội, để Chúa Giêsu không ngừng lớn lên trong ta và trong mọi người.
Như thế đó, ta vừa là mẹ vừa là anh chị em của Người.
Nhiều
lần tôi đã từ chối chức vụ cao trọng ấy, vì còn miệt mài cạnh tranh, dành giật
những địa vị khá hơn, cao hơn ; mong cho cuộc sống được "sung túc".
Lạy
Chúa, xin cho con biết trọng địa vị cao sang Chúa dành cho con là được làm mẹ
và làm anh chị em Người, khi lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. (Epphata)
Lm.Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp. Cần Thơ
28/01/14 THỨ BA TUẦN 3 TN
Th. Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mc 3,31-35
Th. Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mc 3,31-35
TỰ HÀO ĐƯỢC LÀM CON CHÚA
“Ai thi hành ý muốn của Thiên
Chúa, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”
(Mc 3,35)
Suy niệm: Ở
đời người ta thường vin vào mối quan hệ “dây mơ rễ má” họ hàng với những người
nổi tiếng, thành đạt hoặc có địa vị trong xã hội, nếu không phải để cậy nhờ vụ
lợi thì cũng để hãnh diện, tự hào. Những người bà con với Chúa Giêsu hẳn cũng
mang tâm trạng như thế khi một người trong họ hàng nhà họ được quần chúng hâm
mộ. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta quan niệm đúng đắn: Là anh em chị em đích thực
với Chúa không phải vì có mối tương quan huyết thống với Ngài mà là nhờ biết “thi hành ý muốn của Thiên Chúa”.
Mời Bạn: Bất
cứ ai đã được làm người, đều có thể tự hào mình là con cái Chúa, vì được tạo dựng
giống hình ảnh Ngài. Hơn nữa, là Kitô hữu, chúng ta càng có quyền hãnh diện
mình là người thuộc về Chúa Kitô. Nhưng sẽ là hữu danh vô thực nếu ta tự hào với tên gọi như thế còn thờ
phượng Chúa thì chỉ “bằng môi miệng” còn tấm lòng xa Chúa (x. Mt 15,8). Tệ hơn nữa, có khi chúng ta còn hổ thẹn vì
mang danh là con cái Chúa, là Kitô hữu nữa. Để xứng danh là người thân thuộc
với Chúa, chúng ta hãy chuyên cần thực thi giáo huấn của Ngài.
Chia sẻ: Những
ý nghĩ, hành vi tội lỗi không chỉ làm cho mình ra xấu xa đáng ghét mà còn làm ô
danh Thiên Chúa, xúc phạm đến sự thánh thiện của Ngài. Bạn có xác tín như vậy
chưa?
Sống Lời Chúa: “Dù khi anh em ăn uống hay làm bất cứ việc gì, hãy làm vì danh
Thiên Chúa” (1Cr
10,31).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hạ mình xuống để làm người thân nghĩa
thiết của con. Xin cho con sống sao cho xứng đáng với ơn cao trọng là được làm
con Chúa. Amen.
Đây
là mẹ tôi
Khi thực thi ý Thiên Chúa muốn, người ta trở nên
có họ với Đức Giêsu. Người kitô hữu chúng ta vui sướng được thuộc về gia đình
này, có người Mẹ là Đức Maria suốt đời tín trung sống ý Chúa
Suy
niệm:
Các thân nhân của Đức
Giêsu nghĩ Ngài bị mất trí,
vì họ nghe tin Ngài và
các môn đệ làm việc nhiều đến nỗi không có giờ ăn.
Các kinh sư từ Giêrusalem
xuống
thì kết luận rằng Ngài đã
thông đồng với tướng quỷ để trừ quỷ.
Còn đám đông dân chúng
lại ngồi nghe Ngài giảng trong nhà.
Hơn ai hết, họ biết Đức
Giêsu là ai.
Chính lúc ấy mẹ và anh em
của Ngài đến và đứng ngoài.
Họ không vào được, có thể
vì đám đông ngồi chật cứng.
Nhưng họ đã nhờ người
nhắn với Đức Giêsu.
“Mẹ Thầy và anh em Thầy
đang ở ngoài, tìm gặp Thầy đó.”
Rốt cuộc chắc ai cũng
biết là Thầy có người thân đến thăm.
Người ta tưởng Ngài sẽ bỏ
dở bài giảng để ra ngay gặp họ.
Nhưng Đức Giêsu lại muốn
dùng cơ hội này
để nói với đám đông đang
ngồi nghe một điều quan trọng.
Ngài đặt cho họ một câu
hỏi tưởng như vô nghĩa:
“Ai
là mẹ tôi và là anh em tôi?”
Dĩ
nhiên là những người đang đứng ngoài kia rồi.
Nhưng
không, Ngài đảo mắt nhìn những người đang ngồi,
và
nói với họ: “Đây là mẹ tôi và anh em tôi.”
Với
lời khẳng định này, Đức Giêsu loan báo về gia đình mới của Ngài.
Có
những người thân yêu cùng máu mủ đứng ngoài kia.
Có
một gia đình mới đang ngồi trong này.
Đức
Giêsu không coi thường hay loại bỏ gia đình ruột thịt.
Nhưng
Ngài cho thấy Ngài còn có một gia đình lớn hơn nhiều,
một
gia đình gồm những người rất khác nhau về nhiều mặt,
nhưng
lại có một mẫu số chung, một điểm giống nhau,
đó
là cùng muốn thi hành ý Thiên Chúa trong cuộc sống.
Đức
Giêsu đã rời bỏ gia đình để lên đường loan báo Tin Mừng.
Và
Ngài cũng đã mời gọi các môn đệ của mình như thế.
Đức
Giêsu để lại người mẹ, Phêrô để lại người vợ,
Gioan
và Giacôbê để lại người cha.
Tương
quan gia đình ruột thịt là điều cao quý thiêng liêng.
Nhưng
nó lại không được trở nên một cản trở cho sứ vụ.
Đức
Giêsu đã khai mở một đại gia đình mới cho mọi người:
“Bất
cứ ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa
người
ấy là mẹ tôi, là anh em và chị em tôi.”
Khi
thực thi ý Thiên Chúa muốn, người ta trở nên có họ với Đức Giêsu.
Người
kitô hữu chúng ta vui sướng được thuộc về gia đình này,
có
người Mẹ là Đức Maria suốt đời tín trung sống ý Chúa,
có
Đức Giêsu là Anh Trưởng, người Con luôn sống đẹp lòng Cha,
và
có bao anh chị em khác đã dám đặt ý Chúa lên trên mạng sống.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
những hạt cải Chúa gieo
vãi cách đây hai ngàn năm
nay đã trở thành cây cao
cho chim trời rủ nhau trú
ngụ.
Nhúm men nhỏ bé được Chúa
vùi vào khối bột,
đã làm bột dậy lên,
để trở nên tấm bánh thơm
ngon cho thế giới.
Sau hai mươi thế kỷ,
các môn đệ Chúa không còn
là nhóm Mười Hai bé nhỏ.
Hôm nay, các kitô hữu
chiếm gần một phần ba,
người công giáo chiếm hơn
một phần sáu dân số thế giới.
Chúng con được mời gọi
xây dựng Nước Chúa trên trần gian,
cho đến khi tất cả mọi
người nhận biết và tin yêu Chúa.
Xin cho chúng con đừng
mặc cảm
vì người công giáo chỉ là
thiểu số trên quê hương Việt Nam,
nhưng xin cho chúng con
mạnh dạn làm chứng cho Chúa
trong việc xây dựng một
xã hội công bằng và huynh đệ.
Hôm nay chúng con phải
tiếp tục làm việc như Chúa,
gieo hạt giống để làm nên
những cánh rừng,
trở nên chất xúc tác để
biến đổi môi trường mình sống.
Và chúng con biết rằng
sớm muộn cũng sẽ thành công
vì tin Chúa vẫn cần cù
làm việc với chúng con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy niệm
Chúng ta không biết những
người thân của Chúa Giêsu đến tìm Ngài vì lý do gì, bởi vì Thánh Kinh không nói
rõ. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, phản ứng của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy
được vài điểm quan trọng sau:
Thứ nhất, nó nói lên sự nhiệt thành của Chúa Giêsu khi
thi hành việc rao giảng. Khi đến trần gian, Chúa Giêsu luôn ý thức vai trò của
mình là làm theo Thánh Ý của Chúa Cha. Rất nhiều lần, Ngài luôn dành ưu tiên
cho công việc của Thiên Chúa. Trong đền thờ Giêrusalem, lúc 12 tuổi, câu trả
lời của Ngài với Mẹ Maria đã nói lên điều đó: "Cha mẹ không biết là con
có bổn phận ở nhà của Cha con sau?" (Lc 2,49). Hay tại Capharnaum,
nhiều người muốn giữ Chúa Giêsu lại, thì Ngài trả lời với họ: "Tôi còn
phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai
đi cốt để làm việc đó" (Lc 4,43)… Và trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Ngài
không vội ra gặp người thân đang khi giảng cho dân chúng, cũng nói lên lòng
nhiệt tâm của Ngài cho công việc của Thiên Chúa.
Chúng ta có nhiệt tâm lo
việc Chúa, việc đạo hay không? Có khi chúng ta cũng lo nhưng hình như chua đủ
mạnh. Việc Chúa còn được xếp sau những việc khác, chứ không ở vị trí ưu tiên.
Có khi chúng ta còn mãi mê lo việc trần thế mà quên đi những việc thiêng liêng.
Hãy chú tâm làm ăn để lo cho cuộc sống thường ngày, nhưng đừng mãi mê mà quên
đi những việc thiêng liêng, những việc liên hệ đến cuộc sống đời đời. Nếu lời
lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích gì chăng?
Thứ hai, nó nói đến diễm phúc cho chúng ta, đó là được
làm anh em với Chúa. Có lần Chúa Giêsu gọi các Tông đồ là bạn hữu. Còn ở đây,
Ngài cho biết tất cả mọi người đều có thể trở nên anh em của Ngài, với điều
kiện duy nhất là "làm theo ý Cha Ta". Trở nên anh em của Chúa
không đòi hỏi chúng ta phải là người Do thái, mà chỉ cần noi gương Ngài, là
luôn nhiệt tâm, lắng nghe và làm theo Lời Chúa.
Chúng ta lắng nghe Lời
Chúa qua việc đọc Kinh Thánh, nghe các linh mục giảng dạy… Nhưng chỉ nghe thôi
chưa đủ, cần phải sống Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Càng sống Lời Chúa
càng làm cho chúng ta mỗi ngày trở nên anh em Chúa hơn.
Được trở nên anh em của
Chúa là một ân phúc. Nhưng điều ấy có thật sự trở thành ân phúc cho từng người
chúng ta hay không là tuỳ thuộc vào thái độ chúng ta đón nhận và thực thi Lời
Chúa.
Xin cho chúng con luôn
nhiệt thành trong công việc của Chúa, nhất là luôn biết phấn đấu trở nên người
thân của Chúa bằng cách lắng nghe và thực thi Lời Chúa dạy. Amen.
Lm.Thiện Duy
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28
THÁNG GIÊNG
Làm Việc Là Một Quyền
Căn Bản
Tầm
mức toàn cầu của vấn đề lao động đang thúc bách chúng ta phải khẩn trương làm một
cái gì đó. Không thể chần chừ thêm nữa. Đó là một trong những quan điểm của
Thông Điệp Laborem exercens, cũng đồng nhịp với nhu cầu cần phải có những sự cộng
tác quốc tế thông qua những hiệp ước và những bản thỏa thuận. “Căn bản của những
hiệp ước này phải nhắm đến việc liệu sao cho có thêm việc làm cho người ta. Quyền
làm việc là quyền căn bản của mọi người, và những người cùng làm việc như nhau
phải được hưởng thù lao tương ứng với nhau. Phải liệu sao cho mức sống của người
lao động trong mọi xã hội có thể bớt bộc lộ những sự chênh lệch khủng khiếp về
mức lương bổng – là điều vốn bất công và thậm chí có thể châm ngòi cho những phản
ứng bạo động” (Số 18). Vì thế, ở đây các nhà lãnh đạo quốc gia phải đứng trước
một công cuộc có qui mô rất lớn.
Bản
thân người lao động cũng có thể đóng góp vào công cuộc lớn lao này, bằng cách
hiện diện trong những tổ chức quốc tế nơi mà họ có một tiếng nói đầy sức tác động,
chẳng hạn Tổ Chức Lao Động Quốc Tế.
Trong
phạm vi quốc gia mình, người lao động được kỳ vọng tác động vào công luận. Tại
những nước dân chủ, điều đó có thể góp phần tạo ra những chính sách đặt nền tảng
không phải trên sự phân biệt đối xử nhưng là trên cơ sở rằng người ta có quyền
được nuôi sống chính mình và gia đình mình một cách thích đáng. Chúng ta phải nắm
vững nhãn quan này về thiện ích của toàn thể gia đình nhân loại, một nhãn quan
đòi hỏi chúng ta phải vượt qua những sự chênh lệch quá lớn giữa các quốc gia –
về vấn đề việc làm và về tiềm lực kinh tế.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY 28-01
THÁNH TÔMA AQUINÔ, LINH MỤC, TIẾN SĨ HỘI
THÁNH
2Sm6,12b-15.17-19; Mc 3, 31-35.
LỜI SUY NIỆM: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anhem chị em tôi, là mẹ
tôi”
Chúa Giêsu khẳng định người thân, người trong gia đình
của Chúa, chính là những người thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Ý muốn của Thiên
Chúa, được Chúa Giêsu mạc khải qua giáo huấn của Ngài, và chính đời sống của
Ngài đối với con người: con người nghèo khổ, cô nhi quả phụ, người bị loại bỏ
ra ngoài lề xã hội, người tội lỗi. Đặc biệt đối với Chúa Cha. Muốn đạt được điều
này, con người phải biết học hỏi và vâng phục dưới sự Giáo Huấn của Giáo
Hội với ơn Chúa Thánh Thần.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình
chúng con, biết chăm sóc và cầu nguyện cho nhau được trở nên là người trong gia
đình của Chúa.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
28-01: Thánh TÔMA AQUINÔ
Linh
mục Tiến sĩ (1225-1274)
Tại
vương quốc Naples, người vợ quí phái của lãnh chúa Aquinô được vị tu sĩ Thánh
thiện cho biết, là bà sẽ rất đỗi vui mừng vì con trẻ bà mong đợi sẽ sáng chói với
sự hiểu biết khôn sánh, Người con ấy là Tôma. Ngài sẽ là một vị thánh trong
hàng ngũ các thánh. Toma sinh tại lâu đài Roccasecca, gần Naples khoảng năm
1225.
Được
sáu tuổi cha nàng dẫn tới tu viện Montê Cassinô. Con trẻ được dâng hiến đã hỏi:
- Thiên Chúa là gì ?
Và
các tu sĩ ngạc nhiên vì thấy chìm đắm trong các suy ngắm (quá sớm và sáng suốt)
ấy.
Lúc
mười tuổi, Ngài được gửi tới đại học Naples. Các giáo sự đã khám phá ra dưới
dáng vẻ nhút nhát của Ngài, một trí khôn thượng thặng và một đời sống siêu
nhiên sáng ngời với các đức tính hiền hòa, trong trắng và đức ái của Ngài.
Trong những kỳ nghỉ tại lâu đài cùng cha mẹ, Ngài gắng sức trợ giúp người
nghèo. Điều này làm cho chủ lâu đài phiền trách Ngài. Tình yêu của Ngài đối với
người mẹ thật bao la và đã tạo nên mối dày vò suốt đời.
Khi
chưa tốt nghiệp đại học, Ngài đã quyết định vào dòng Đa-minh. Lúc ấy dòng thành
lập chưa được ba năm. Gia đình Ngài rúng động với ý tưởng một con người quý
phái như vậy lại trở thành một tu sĩ dòng ăn xin. Ngoài ra họ còn mong mỏi rằng:
một ngày kia, Ngài sẽ còn làm điều gì đó, để phục hồi vận mệnh của họ bằng việc
trở lại làm tu viện trưởng Montê Cassinô. Nghe được tin, các anh của Ngài đang
là sĩ quan trong quân đội, đã giận dữ. Họ bắt Ngài trên đường đi Roma và giam
Ngài dưới chân tháp của lâu đài. Gia đình gắng công vô ích khi nài nỉ, đe dọa
và quyến rũ Tôma đổi ý.
Các
anh Ngài còn dùng tới một cô gái làng chơi để hại người nữa. Nhưng cương quyết,
Tôma đã dùng cây củi cháy để xua đuổi nàng, rồi dùng than củi này vẽ lên tường
hình thánh giá. Quỳ xuống trước hình thánh giá, Toma với nhiệt tâm mạnh mẽ hơn
bao giờ hết, lập lại lời hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa. Được hai năm, các
chị Ngài đã cảm động trước sư cương nghị và những khổ cực của Ngài, đã giúp
Ngài trốn qua cửa sổ bằng một cái thúng. Các tu sĩ Đaminh đợi Ngài dưới chân
tháp.
Tôma
khấn dòng ở Naples, rồi đi bộ từ Roma tới đại học Colonia.
Trong
môi trường học thức ưu việt này, Ngài cố dấu kín các bước tiến khác thường của
mình như Ngài đã che kín vinh dự gia đình. Không khi nào Ngài đã để cho người
ta ngờ rằng mình là cháu của hoàng đế Barberoussa và là bà con của vua Frêdêric
II cả. Khiêm tốn là bà hoàng của lòng Ngài. Ngày kia một bạn học giảng bài cho
Ngài. Toma phải là bậc thầy của anh, đã tiếp nhận bài học với lòng biết ơn. Đó
là thói câm lặng của Toma. Vì bình dị nên Ngài bị coi là đần độn. Người ta gọi
chàng trai to con này là con bò câm.
Nhưng
thày Albertô đã coi Ngài như một thiên tài và tuyên bố: - Con bò nầy sẽ rống lớn,
đến nỗi những tiếng rống của nó sẽ vang dội khắp thế giới.
Người
sinh viên tài ba này đã tỏ ra dễ dạy như một trẻ em. Tại phòng ăn, vị chủ chăn
lầm lẫn, đã bắt Ngài sửa lại cách phát âm đã chính xác. Lập tức Toma sửa lại liền.
Sau bữa ăn các bạn Ngài bày tỏ sự ngạc nhiên, nhưng thánh nhân trả lời: - Điều
quan trọng không phải là cách phát âm của một từ ngữ, nhưng là biết khiêm tốn
vâng phục hay không.
Lúc
hai mươi tuổi, Tôma đã được gọi làm giáo sư tại Côlônia, Ngài xuất bản một tác
phẩm danh tiếng, rồi đi Paris mở trường dạy triết học ở đường thánh Giacôbê và
thụ phong linh mục. Các nhà trí thức tới hỏi ý Ngài. Vua Lu-y IX xin ý kiến
Ngài trong những việc hệ trọng và mời Ngài đồng ban dự tiệc.
Nhưng
không hoàn cảnh nào đã làm cho Tôma chia trí khỏi những suy tư sâu xa. Chẳng hạn
tại bàn ăn của nhà vua, người ta thấy Ngài bất chợt ra khỏi sự yên lặng của
mình, đập mạnh lên bàn và kêu lên:- Đây rồi, một luận chứng quyết liệt chống lại
những người theo phái Manicheô.
Bối
rối vì quên rằng mình đang ở trước mặt vua, Ngài muốn xin lỗi, nhưng vua thánh
đã truyền cho Ngài đọc ngay cho thơ ký chép lại những suy tư có giá trị siêu việt
đó.
Kinh
nguyện, làm việc và ý chí là những yếu tố tạo nên sức mạnh của Tôma, Ngài nói:
- Ai không cầu nguyện thì cũng giống như người lính chiến đấu mà không có khí
giới.
Ngài
định nghĩa sự nhàn rỗi như là: - Cái búa mà quân thù bửa xuống.
Ngài
trả lời cho bà chị hỏi làm sao để được cứu rỗi: - Phải muốn.
Dầu
bận việc rao giảng, dạy học và đi tới những nơi Đức Thánh Cha sai tới Thánh
Toma vẫn viết nhiều tác phẩm thành công rực rỡ. Trong một lần hiện ra, Ngài
nghe thấy thầy chí thánh nói với mình: - Hỡi con, con đã viết cách xứng đáng về
ta, con muốn được thưởng gì ?
Tôma
trả lời: - Oi lạy Chúa, con không muốn gì ngoài Chúa cả.
Người
ta quả quyết rằng: Ngài đã nói chuyện với Đức Trinh Nữ, các thiên thần và các
thánh. Và khi cầu nguyện tâm hồn Ngài như lìa khỏi xác. Ngài còn được mệnh danh
mãi là "Tiến sĩ thiên thần" Ngài có một tâm hồn vui tươi, nhã nhặn với
anh em, đến nỗi có người nói: - Mỗi lần thấy và nói chuyện với Ngài, tôi thấy
như tràn ngập niềm vui thiêng liêng.
Thánh
nhân đã qua mười năm tại Italia. Một phần trong thời gian nầy ở trong giáo triều,
Đức Thánh cha Urbanô đã trao phó cho Ngài nhiều trọng trách, rõ ràng nhất là lo
cải hóa người Do thái. Đức thánh cha còn muốn gọi Ngài lên chức giám mục nhưng
Ngài đã từ chối. Năm 1269 Ngài trở lại Paris để dạy thần học. Năm 1272 Ngài được
gọi về Naples để lo việc cho nhà mẹ dòng Daminh. Được năm cuối đời Ngài cống hiến
để hoàn tất một tác phẩm vĩ đại, bộ "Tổng luận thần học".
Nhưng
cuối năm 1273 đột nhiên Ngài ngừng viết. Khi dâng thánh lễ, Ngài bỗng có linh
nghiệm rằng mình không thể viết thêm được nữa. Réginald, thơ ký của Ngài thúc
giục viết thêm, thánh nhân đã trả lời rằng: theo điều đã hiển hiện cho Ngài thì
tất cả chẳng ra gì: - "Vì mọi điều tôi đã viết đối với tôi chỉ là rơm rác
so với điều đã được mạc khải cho tôi thấy".
Đức
Grêgôriô cho mời thày dòng danh tiếng đến dự công đồng Lyon. Dầu bệnh hoạn,
thánh Toma đã tuân phục và đi bộ với hai anh em để tới dự công đồng. Đi đường
lên cơn sốt. Sức khỏe đã chận Người lại tu viện Fossa Nova.
Cảm
thấy sắp chết, Ngài tuyên xưng đức tin và khi rước lễ, Ngài nói: - Tôi tin vững
rằng: Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật trong bí tích này,
con thờ lạy Chúa, ôi Thiên Chúa, đấng cứu chuộc con".
Ngài
qua đời đơn sơ và dịu hiền của một trẻ em không ngừng chiêm ngưỡng Thiên Chúa.
Năm
1323 Ngài được phong thánh và được tuyên bố làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1567, Đức
Lêo XIII đã đặt Ngài làm Đấng bảo trợ các nhà thần học và các trường công giáo.
(daminhvn.net)
28
Tháng Giêng
Nhân Vô Thập Toàn
Theo
một cổ truyện của người Hồi Giáo, thì Nasruddin là hiện thân của những người độc
thân khó tính. Trong một buổi trà dư tửu hậu, khi được hỏi về lý do tại sao ông
không bao giờ lập gia đình, Nasruddin đã giải thích như sau: "Suốt cả tuổi
thanh niên, tôi đã dành trọn thời giờ để tìm kiếm người đàn bà hoàn hảo. Tại
Cairo, thủ đô của Ai Cập, tôi đã gặp một người đàn bà vừa đẹp vừa thông minh, với
đôi mắt đen ngời như hạt oliu. Ðẹp và thông minh, nhưng người đàn bà này không
có vẻ dịu hiền chút nào. Tôi đành bỏ Cairo để đi Baghdad, thủ đô Iraq, để may
tìm ra người đàn bà lý tưởng tôi hằng mơ ước. Tại đây, tôi đã tìm thấy một người
đàn bà hoàn hảo như tôi mong muốn, nghĩa là nàng vừa đẹp, vừa thông minh và
cũng có tấm lòng quảng đại nữa. Nhưng chỉ có điều là hai chúng tôi không bao giờ
có đồng quan điểm với nhau về bất cứ điều gì.
Hết
người đàn bà này đến người đàn bà khác: người được điều này, người thiếu điều
kia. Tôi tưởng mình sẽ không bao giờ tìm được người đàn bà lý tưởng cho cuộc đời.
Thế rồi, một hôm tôi gặp được nàng, người đàn bà cuối cùng trong cuộc tìm kiếm
của tôi. Nàng kết hợp tất cả những đức tính mà tôi hằng mong muốn, nghĩa là
nàng vừa đẹp, vừa thông minh, vừa quảng đại tử tế. Nàng đúng là người đàn bà
hoàn hảo.
Nhưng
cuối cùng, tôi đành phải quyết ở độc thân suốt đời. Các bạn có biết tại sao
không? Nàng cũng đang đi tìm một người đàn ông hoàn hảo. Và tôi đã được nàng chấm
như một người đàn ông còn quá nhiều thiếu sót.
Người
đàn ông suốt đời độc thân trong câu chuyện trên đây đã quên một trong những quy
luật cơ bản nhất của cuộc sống: đó là luật thích nghi. Thay vì bắt người khác
và cuộc sống phải thích nghi với chúng ta, chính chúng ta phải là người thích
nghi với người khác và cuộc sống. người đàn ông trong câu chuyện đã tìm được
người đàn bà lý tưởng, nhưng chỉ tiếc rằng ông chưa biết trở thành một người
đàn ông lý tưởng để có thể ăn đời ở kiếp với người đàn bà ấy.
Tâm
lý thông thường của con người là thích đòi hỏi người khác hơn là đòi hỏi chính
mình. Chúng ta đòi hỏi người khác phải thế này thế nọ với chúng ta, nhưng chúng
ta quên rằng chúng ta chưa làm những gì người khác cũng trông chờ nơi chúng ta.
Chúa
Giêsu đã đề ra cho chúng ta khuôn vàng thước ngọc để xử sự trong cuộc sống:
"Những gì ngươi không muốn người khác làm cho ngươi, thì ngươi cũng đừng
làm điều đó cho người khác". Nếu chúng ta không muốn ai đối xử bất công với
chúng ta, chúng ta hãy sống công bình. Nếu chúng ta không muốn ai cư xử hẹp hòi
ích kỷ với chúng ta, chúng ta hãy sống quảng đại, độ lượng. Nếu chúng ta không
muốn người khác cau có với chúng ta, chúng ta hãy luôn mang bộ mặt của tươi
vui, phấn khởi đến với người.
(Lẽ
Sống)
Thứ Ba 28-1
Thánh Tôma Aquinas
(1225 - 1274)
M
|
ọi người đều đồng ý rằng
Thánh Tôma Aquinas là tiếng nói trổi vượt của truyền thống Công Giáo về lý lẽ
và về sự mặc khải của Thiên Chúa. Ngài là một bậc thầy vĩ đại của Giáo Hội Công
Giáo thời trung cổ, và được vinh danh với tước vị Tiến Sĩ Hội Thánh và Tiến Sĩ
Thiên Thần.
Lúc năm tuổi, ngài được
cha mẹ cho vào tu viện Biển Ðức ở Monte Cassino với hy vọng ngài sẽ thích lối
sống ấy và trở nên một tu viện trưởng. Trong tu viện, các thầy giáo đều ngạc
nhiên về sự tiến bộ của ngài, và mọi bạn cùng lớp đều thua kém ngài về việc học
cũng như việc trau dồi nhân đức.
Khi đến tuổi khôn được
lựa chọn con đường cho chính mình, Thánh Tôma đã khước từ mọi sự của thế gian
và quyết tâm chọn Dòng Ða Minh trái với ý định của cha mẹ. Năm 1239, lúc mười
bảy tuổi, ngài gia nhập Dòng Ða Minh ở Naples. Theo lệnh của bà mẹ, ngài bị các
anh em bắt cóc và giam ở nhà trên một năm trời. Gia đình còn đi xa hơn nữa bằng
cách dùng một cô gái điếm đến dụ dỗ ngài. Nhưng tất cả mọi cố gắng ấy đều vô
hiệu, Thánh Tôma vẫn kiên trì với ơn gọi. Như một phần thưởng cho sự trung tín
này, Thiên Chúa đã ban cho ngài ơn thanh sạch tuyệt đối, mà nhờ đó ngài xứng
đáng với tước vị là "Tiến Sĩ Thiên Thần."
Sau khi tuyên khấn ở
Naples, ngài theo học ở Cologne với vị thầy nổi tiếng là Thánh Albert Cả. Ở đây
ngài có biệt danh là "bò câm", vì ngài to con và thường im lặng,
nhưng thực sự ngài là một người rất giỏi. Vào năm hai mươi hai tuổi, ngài được
bổ nhiệm để dạy học tại hai thành phố. Ðồng thời ngài cũng bắt đầu công bố các
sáng tác của ngài. Bốn năm sau, ngài được gửi đến Balê. Vào năm ba mươi mốt
tuổi, ngài đậu bằng tiến sĩ.
Ở Balê, ngài được vinh
dự làm bạn với Vua Louis (sau này được phong thánh). Năm 1261, Ðức Urbanô IV
gọi ngài về Rôma để dạy học, và ngài nhất quyết từ chối mọi vinh dự của một
chức sắc trong giáo hội. Không những Thánh Tôma có tài viết, mà ngài còn có tài
giảng thuyết với nhiều kết quả tốt đẹp.
Sự đóng góp lớn lao của
ngài cho Giáo Hội Công Giáo là các trước tác. Sự đồng nhất, sự hài hòa và sự
liên tục của đức tin và lý lẽ, của mặc khải và kiến thức loài người, được thấy
đầy dẫy trong các văn bản của ngài.
Tập "Summa
Theologica" là công trình sau cùng của ngài đề cập đến toàn thể thần
học Công Giáo, nhưng không may chưa được hoàn tất. Ngài ngưng sáng tác sau khi
cử hành Thánh Lễ vào ngày 6 tháng Mười Hai, 1273. Ðược hỏi lý do, ngài trả lời,
"Tôi không thể tiếp tục... Tất cả những gì tôi viết, đối với tôi dường
như chỉ là cọng rơm so với những gì tôi được thấy và những gì tôi được mặc
khải." Ngài từ trần ngày 7 tháng Ba, 1274.
Thánh Tôma là một trong
những thần học gia vĩ đại và ảnh hưởng đến mọi thời đại. Ngài được phong thánh
năm 1323 và được Ðức Giáo Hoàng Piô V tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh.
Lời Bàn
Chúng ta có thể coi
Thánh Tôma Aquinas như một gương mẫu xuất chúng của Công Giáo trong ý nghĩa sâu
rộng, toàn bộ và bao quát. Một lần nữa chúng ta phải quyết tâm sử dụng đến lý
lẽ, là món quà của Thiên Chúa, để học hỏi và hiểu biết. Ðồng thời, chúng ta
cũng phải cảm tạ Thiên Chúa vì ơn ích do sự mặc khải của Ngài, nhất là qua Ðức
Giêsu Kitô.
Lời Trích
"Do đó chúng ta
phải nói rằng sự nhận biết bất cứ chân lý nào đều cần đến sự trợ giúp của Thiên
Chúa, để sự hiểu biết đó được Ngài thúc đẩy đến hành động. Nhưng họ không cần
một khai sáng mới ngoài sự khai sáng tự nhiên của họ, để hiểu biết chân lý
trong mọi sự, ngoại trừ một vài chân lý vượt quá sự hiểu biết tự nhiên" (Summa Theologica, 1-2, 109, 1).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét