Trang

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

CÁC CON HÃY YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ THẦY YÊU THƯƠNG CÁC CON!

CÁC CON HÃY YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ THẦY YÊU THƯƠNG CÁC CON!

... Bà Marie-Thérèse - nhân viên thiện nguyện người Pháp - luôn trung tín trong việc viếng thăm các vị cao niên. Đối với bà thì đây là một phục vụ mang lại sự phong phú cho cả đôi bên: người viếng thăm cũng như kẻ được thăm viếng. Xin nhường lời cho bà.

Tôi bắt đầu công tác viếng thăm các vị cao niên từ năm 1985. Hồi ấy, công tác này được phân phối giữa nhiều nhân viên thiện nguyện khác nhau. Một thời gian sau thì chỉ còn lại duy nhất mình tôi. Tôi phải phân chia thời giờ để có thể viếng thăm 3 Nhà Hưu Dưỡng. Và tôi đã thi hành công tác phục vụ này trong vòng 20 năm! Ban đầu tôi viếng thăm các vị cao niên cứ 15 ngày một lần. Tiếp đó tôi chuyển sang thời hạn đều đặn mỗi tuần một lần. Đối với các vị cao niên ở trong giai đoạn cuối đời thì tôi viếng thăm các vị hàng ngày. Có vị sống đến trăm tuổi!

Trong thập niên vừa qua, vì nhiều lý do ngăn cản, tôi phải ngưng công tác viếng thăm các vị cao niên nơi các Nhà Dưỡng Lão, nhưng gần đây tôi lấy lại công tác này bằng cách viếng thăm các vị cao niên sống cùng chung cư với tôi. Đặc biệt tôi được giao phó công tác viếng thăm các vị cao niên sống cùng một tầng nhà với tôi. Tôi viếng thăm các vị này cứ 15 ngày một lần.

Sở dĩ tôi giữ mức độ viếng thăm đều đặn là vì tôi thấy rằng đây là vấn đề quan trọng. Nhiều người trong các vị không được thân nhân viếng thăm vì họ ở quá xa. Có các vị khác thì không còn gia đình nữa. Đôi khi tôi cảm nhận nỗi khổ, niềm lo âu của các vị cao niên, nhất là đối với những vị gặp khó khăn trong việc nối kết mối truyền thông với thân bằng quyến thuộc qua đường giây điện thoại hoặc qua thư từ. Thế là tôi nhận công tác làm trung gian. Thật quan trọng biết bao khi nối kết được mối giao hảo với gia đình!

Để thực hiện tốt đẹp công tác thiện nguyện này thì tôi tự tổ chức như sau. Xét vì tôi được trao phó nhiệm vụ viếng thăm các vị cao niên sống cùng một tầng lầu nên tôi đến gõ cửa từng căn hộ. Tôi sẽ cảm nhận và đoán biết là người trong phòng có muốn tôi đến thăm hay không. Nếu họ từ chối thì tôi tự động rút lui. Hoặc họ tỏ ra do dự thì tôi nhã nhặn cáo từ và nói:
- Cụ đang mệt. Tôi sẽ trở lại sau.
Nói thế nhưng chính tôi sẽ linh cảm là có nên trở lại hay không.

Đôi khi chính những người sống trong chung cư báo cho tôi biết là có cụ nào đó đang yếu mệt hoặc bị xuống tinh thần. Thế là tôi mau mắn đến viếng thăm ngay. Nói chung thì tôi quen biết tất cả những người sống cùng tầng lầu với tôi. Tôi cũng gặp những người ra khỏi phòng vì chúng tôi thường tụ họp nơi phòng tiếp khách. Tại đây tôi đến bắt tay chào hỏi từng người.

Đôi khi phải lâu-lắc lâu-lơ mới tạo được mối giao hảo với một người. Chẳng hạn có một phụ nữ cao niên ngoại quốc đang sống ở đây. Trong phòng bà không hề treo một hình ảnh kỷ niệm nào. Cứ mỗi lần đến thăm, tôi đều trông thấy bà nằm dài trên giường. Phải ròng rã sau 6 tháng, khi tôi cáo lui, bà mới mở miệng nói với tôi:
- Chào tạm biệt bà nhé!

Tôi may mắn tìm ra thời giờ để thi hành công việc phục vụ với sự đồng ý của hiền phu. Tôi luôn chu toàn bổn phận nội trợ của một bà mẹ gia đình. Sống chung thủy trong tình nghĩa phu thê cũng là một trong những lý do giúp tôi trung tín trong các công tác mà tôi tự nguyện dấn thân. Tôi luôn luôn đều đặn viếng thăm các bậc cao niên nơi Nhà Dưỡng Lão hoặc nơi nhà thương khi các vị nhập viện. Đối với tôi thì đây là một cách thức thực tiễn sống Đức Tin Công Giáo:
- Chính Đức Chúa Thánh Thần sai tôi đến viếng thăm an ủi các vị cao niên!

Tôi cầu chúc mình có thể đáp lại phần nào các chờ mong của các vị cao niên và sốt sắng cầu nguyện cho các vị. Tôi cũng biết rõ và tin vững chắc rằng có rất nhiều vị cao niên sẵn sàng cầu nguyện cho tôi và cho gia đình thân yêu của tôi.

... ”Chúa CHA yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong Tình Yêu của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong Tình Yêu của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của CHA Thầy và ở lại trong Tình Yêu của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi CHA Thầy, Thầy đã nói cho anh em biết” (Gioan 15,9-15).

(”Paroles & Gestes”, Magazine Diocésain d'Information et de Communication. Diocèse de Laval. No 152 - Novembre 2013, trang 13)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét