Trang

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Những việc sửa soạn bên ngoài cho ngày lễ cưới

Những việc sửa soạn bên ngoài cho ngày lễ cưới [1]. 


Bàn về việc sửa soạn tâm tư để bước vào đời sống hôn nhân, mà không đề cập đến việc sửa soạn bên ngoải cho ngày đám cưới thì e rằng có phần thiếu sót.

Sau khi làn sóng vượt biên của người Việt ra hải ngoại và sau khi Việt Nam gia nhập Tổ Chức Tự Do Mậu Dịch Hoàn Cầu, việc tổ chức đám cưới của ngưởi bản địa đã có ảnh hưởng đến việc tổ chức đám cưới Việt Nam, không những ở hải ngoại mà ngay tại Quê Hương nữa. Việc tổ chức đám cưới có thể gồm nhiều thứ sửa soạn bên ngoài, tuỳ theo tính tình và khả năng tài chính của cô dâu chú rể hay của gia đình hai họ.

Thường linh mục làm lễ cưới không đòi hỏi đôi tân hôn phải tổ chức đám cưới bên ngoài thế nào. Tổ chức đám cưới thật linh đình mà đôi tân hôn lơ là trong việc sửa soạn tâm tư tưởng cho đời sống hôn nhân thì linh mục làm đám cưới cũng chỉ có thể chung vui gượng trong ngày đám cưới thôi. Bài này đưa ra những cách thế tổ chức đám cưới, để mỗi cặp hôn nhân có thể chấm những lựa chọn khác nhau. Tuy nhiên để cho đám cưới của đôi tân hôn được thành sự thì chỉ cần có linh mục nhận lời hứa hôn nhân của cô dâu chú rể trước bàn thờ giáo xứ và hai người làm chứng đã thấy và nghe đôi tân hôn nói lên lời hứa hôn nhân.

Ghi danh học giáo lí hôn nhân tại nhà thờ

Trước hay sau khi hứa hôn, cặp dự bị hôn nhân cần đến ghi danh học giáo lí hôn nhân tại nhà thờ tối thiểu là sáu tháng trước khi làm đám cưới. Dựa vào đơn xin làm đám cưới, linh mục trong giáo xứ sẽ gọi đến để phỏng vấn sơ khởi, rồi hỏi một số câu hỏi và điền vào bản điều tra trước khi làm đám cưới gọi là : Pre-nuptial Investigation như tên, ngày sinh, tháng đẻ, ngày rửa tội, thêm sức, tên cha mẹ, rồi sắp xếp cho học những buổi học dự bị hôn nhân tại giáo xứ hay với giáo phận.

Chứng chỉ Rửa Tội và Thêm Sức

Nộp cho linh mục dạy giáo lí hôn nhân chứng chỉ Rửa Tội và Thêm Sức do Giáo Xứ mà đương sự lãnh nhận hai bí tích này cấp, không quá 6 tháng. Tại sao không quá 6 tháng? Sau khi một người cưới hỏi tại một nhà thờ, thì linh mục làm đám cưới thông báo cho cha xứ của nhà thờ mà đương sự đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, để được ghi chú vào sổ rửa tội là đương sự đã cưới hỏi ở nhà thờ nọ kia vào ngày tháng năm đấy. Nếu linh mục nhận được giấy chứng chỉ rửa tội đã cấp nhiều năm trước khi làm đám cưới, thì theo giấy rửa tội thấy đương sự còn độc thân. Giả sử linh mục không nhận được giấy rửa tội cấp sau khi đương sự làm lễ cưới ở đâu đó, mà cứ theo giấy rửa tội cấp trước khi làm đám cưới, thì dĩ nhiên không phải là bằng chứng tin cậy được.

Vào những năm đầu của làn sóng di cư ra hải ngoại khi một linh mục Việt Nam làm đám cưới cho những cặp dự bị hôn nhân thì thường dễ dãi khi đương sự khai còn độc thân nhất là khi đương sự sinh hoạt trong hội đoàn nọ kia và có cha mẹ anh chị em cùng vượt biên. Hồi đó vì liên lạc với giáo xứ bên Quê nhà khó khăn, nên những linh mục làm đám cưới cho những cặp dự bị hôn nhân, cũng thường xét tình trạng độc thân, căn cứ vào sổ gia đình Công Giáo, hay giấy chứng nhận độc thân của linh mục Việt Nam cấp, khi đương sự vượt biên. Tuy nhiên đời nay đối với những cặp dự bị hôn nhân, không có thân nhân và bạn hữu làm chứng, thì linh mục phải điều tra tình trạng hôn nhân khác những năm trước đây.

Hai người làm chứng

Trước đám cưới, chú rể cần hai người làm chứng cho tình trạng độc thân của mình và cô dâu cũng cần hai người làm chứng đời sống độc thân của mình. Một trong hai người làm chứng phải là người Công Giáo, có thực hành đức tin và sống phù hợp với đường lối giáo huấn của Giáo Hội. Phụ huynh là những người làm chứng thích hợp nhất trong trường hợp này. Trong lễ cưới cần có hai người làm chứng là cô dâu chú rể có thực sự làm đám cưới trong nhà thờ

Ngày giờ lễ cưới và tiệc cưới

Lễ cưới và tiệc cưới có liên hệ, nghĩa là xếp đặt hai buổi lễ cưới và tiệc cưới thế nào cho khỏi cách xa nhau quá. Lễ cưới thường được xếp vào Thứ Bảy. Tuy nhiên lễ cưới không tuỳ thuộc vào tiệc cưới, nghĩa là không phải hễ có tiệc cưới là linh mục giáo xứ phải xếp đặt lễ cưới cho cô dâu chú rể vào cùng ngày có tiệc cưới vì những lí do khác nhau.

Thiệp cưới

Khi cho in thiệp cưới, cô dâu và chú rể cần phối kiểm với nhà thờ xem ngày giờ xin làm lễ cưới trong nhà thờ có được thoả thuận chưa.

Ghi danh hôn thú tại toà án đời

Hôn thú đời và hôn thú đạo tách biệt, nhưng có liên hệ. Ở Mĩ, trước khi làm đám cưới tại nhà thờ chừng một tháng, cô dâu chú rể đến toà án hôn phối dân sự của quận hay thành phố là nơi mình cư ngụ để ghi danh xin làm hôn thú. Rồi mang giấy Marriage Register đã điền của toà án và chứng chỉ hôn thú (Certificate of Marriage) chưa điền cũng của toà án trao cho linh mục sẽ làm đám cưới. Sau lễ cưới, linh mục làm đám cưới sẽ kí giấy Marriage Register, rồi gửi lại cho toà án, rồi điền và kí chứng chỉ hôn thú (Certificate of Marriage) trao lại cho cô dâu chú rể.

Có trường hợp kia một cặp dự bị hôn nhân Việt Nam học giáo lí hôn nhân ở nhà thờ Mĩ, do linh mục Mĩ làm giấy tờ và dạy giáo lí hôn nhân. Tuy nhiên cô dâu chú rể muốn mời một linh mục Việt Nam quen biết làm đám cưới. Sau đó mấy năm, cô dâu cần chứng chỉ hôn thú đời để xin việc làm có liên quan đến vấn đề an ninh của Mĩ, mới đến hỏi toà án đời. Tìm sổ sách không thấy ai kí giấy làm đám cưới. Hỏi qua lại giữa linh mục kế vị nhà thờ Mĩ và linh mục Việt Nam làm đám cưới, linh mục VN xác nhận có làm đám cưới cho cô. Toà án Mĩ giải quyết bằng cách điền lại hồ sơ Marriage Register với cùng ngày tháng năm cô đã lám đám cưới, gửi lại cho cô đem về cho linh mục VN đã làm đám cưới cho vợ chồng cô điền thêm và kí nhận. Tại sao không có giấy Marriage Register của cô đã kí trong trường hợp này? Trước khi làm đám cưới cặp dự bị hôn nhân thường phải trao giấy Marrige Register cho linh mục dạy giáo lí hôn nhân để kí. Trường hợp này linh mục dạy giáo lí hôn nhân lại không làm đám cưới. Rất ít trường hợp xẩy ra là cô dâu trao trực tiếp giấy Marriage Register cho linh mục khách, chỉ đến chừng nửa giờ trước khi làm đám cưới. Như vậy có thể giả sử rằng cô dâu quên trao giấy Marriage Register cho linh mục dạy giáo lí hôn nhân hoặc có trao mà linh mục dạy giáo lí hôn nhân quên trao giấy này cho linh mục khách đến làm đám cưới để kí và gửi về cho toà án. Cũng có thể xẩy ra là linh mục làm đám cưới quên hỏi linh mục dạy giáo lí hôn nhân hay quên hỏi đôi tân hôn xem giấy Marriage Register ở đâu để kí.

Tập Phụng Vụ Lễ cưới

Muốn làm tập Phụng Vụ Lễ hôn phối cho người đi dự lễ theo để có thể tham dự tích cực gồm lời nguyện, ba bài đọc Thánh Kinh, lời hứa hôn nhân, thánh ca.. có thể xin linh mục làm đám cưới chỉ dẫn để chọn những bài Thánh Kinh thích hợp theo bản dịch Công Giáo, cũng như tránh những bài hát lẳng lơ, tình tứ. Khi đến tập lễ cưới cần đem một số tập phụng vụ cho cô dâu chú rể và cho phụ dâu rể để theo dõi.

Hiểu biết ý nghĩa lới Chúa và lời hứa hôn nhân

Để cho việc nghe lời Chúa và chứng kiến lời hứa hôn nhân được thấm nhập vào tâm hồn và để cho việc trao lời hứa hôn nhân cảm nhận được ý nghĩa, đôi tân hôn cần đọc trước những bài Thánh kinh trong tập Phụng vụ Lễ cưới, cũng như lời hứa hôn nhân trong tập Phụng vụ để cho lời Chúa và lời hứa hôn nhân được ấp ủ trong tâm hồn. Do đó khi trao lời hứa hôn nhân, hai người có thể ý thức được tầm quan trọng của lời hứa hôn nhân Công Giáo, để khỏi lập lại lời hứa hôn nhân một cách máy móc. Thực tế đã có những cô dâu khi nói lên lời hứa hôn nhân mà nghẹn ngào vì cảm động.

Tham dự tích cực

Đám cưới là dịp vui mừng của cô dâu chú rể, của cha mẹ đôi tân hôn, của quan viên 8 họ và của bạn hữu, nên trong lễ cưới phụ huynh cần khuyến khích những người đi dự lễ cưới thưa kinh nguyện đối đáp với chủ tế để cho thánh lễ hôn phối được linh động, cho cô dâu chú rể lên tinh thần. Có những đám cưới thật buồn tẻ vì người đi dự lễ cưới, mặc dù là người Công Giáo, không biết hay không muốn thưa kinh đối đáp.

Ca Đoàn

Hát lễ cưới không phải là bổn phận của ca đoàn. Có những giáo xứ có hai ba ca đoàn trở lên. Muốn có ca đoàn hát lễ cưới cho lễ cưới được linh động, cần liên lạc với ca đoàn trưởng. Nếu muốn nhờ người quen hay khách dự tiệc cưới hát một bài solo lúc rước lễ, bài hát đó phải được thông qua với ca đoàn hay linh mục làm lễ cưới.

Những ai cần phải có mặt trong buổi tập lễ cưới

Những người cần có mặt trong buổi tập lễ cưới là cô dâu, chú rể, phụ dâu, phù rể (số phụ dâu phù rể có thể giới hạn hay không giới hạn tuỳ theo chính sách của mỗi cha sở hay tuỳ theo số chỗ ngồi cho đoàn phụ dâu phù rể), trẻ cầm bông, bé mang nhẫn, hai người đọc sách thánh phải là người Công Giáo, người quay phim, người chụp hình, cha mẹ của cô dâu chú rể để biết cách dẫn cô dâu lên trước cung thánh nếu muốn đi lên kiểu Tây, kiểu Mĩ, và tập cách đốt nến hôn nhân đầu lễ nếu có nến hôn nhân. Khi tập đám cưới có những giáo xứ cấm bận áo thung hay quần xà lỏn. Ngày giờ tập đám cưới thưòng được ấn định vào những buổi chiều tối hôm trước lễ cưới.

Vấn đề phụ rể

Đa số phụ rể thường không biết làm gì trong lễ cưới. Mặc dù tối hôm trước có đi tập, nhưng vì con trai thường không để ý hay không ghi chép xuống, nên trong lễ cưới không biết làm gì hay làm trật lất. Chẳng hạn khi chú rể đứng lên để cử hành nghi thức hôn phốu, mà phụ rể cứ ngồi tỉnh bơ, hoặc phụ rể lấy nhẫn đưa cho chú rể quá lâu, hoặc thay vì đưa nhẫn chú rể cho linh mục chủ tế để được trao lại cho cô dâu, thì lại đưa nhẫn cô dâu.

Vấn đề phụ dâu

Phụ dâu thì để ý hơn. Tuy nhiên có những phụ dâu thường đứng lên lay hoay sửa đuôi áo của cô dâu, gây chia trí cho cử toạ. Ngoài ra có những phụ dâu tự chọn áo phụ dâu ở tiệm cho thuê áo cưới mà không hỏi ý kiến những người hiểu biết. Do đó người ta thấy có những áo phụ dâu trong lễ cưới cụt ngủn, cũn cỡn trông thật lố lăng, không thích hợp ở nơi thờ phượng.

Muốn có lễ sinh giúp lễ?

Có những giáo xứ lớn và có tổ chức thì cắt đặt lễ sinh giúp lễ cưới. Có những giáo xứ di cư không có đủ lễ sinh để giúp lễ cưới hoặc nhà xa nên không thể cắt đặt các em giúp lễ cưới. Do đó nếu đôi tân hôn muốn có các em trong họ hàng giúp lễ cưới thì cần giàn xếp các em đến tập, vì giúp lễ cưới có phần khác biệt lễ Chúa Nhật. Rồi cơ cấu thiết kế cung thánh và cách bầu biện cũng như xếp đặt trên cung thánh mỗi nhà thờ có khác. Nếu không tập thì khi đến giúp lễ cưới thay vì giúp chủ tế và cô dâu chú rể, lại gây cản trở cho linh mục mục chú tế.

Bộ nến hôn nhân

Bộ nến gồm một cây nến lớn và hai cây nến nhỏ. Đầu lễ hai bà mẹ được mời lên thắp hai cây nến nhỏ tượng trưng cho cô dâu chú rể. Sau lời hứa hôn nhân, cô dâu chú rể lấy lửa ở hai cây nến nhỏ, thắp vào cây nến lớn ở giữa, rồi tắt hai cây nến nhỏ đi. Ý nghĩa ở đây được hiểu là cả hai trở nên một. Có thể mua bộ nến ở những tiệm sách đạo. Còn chân bộ nến có thể mượn của nhà thờ. Sau lễ đem bộ nến về làm kỉ niệm để thắp lên vào những dịp kỉ niệm hôn nhân, còn chân nến để lại trong nhà thờ cho những đám cưới sau có thể dùng.

Bông hoa

Liên lạc với Ban chưng hoa nhà thờ mấy tháng trước lễ cưới. Nếu mua bông đã chưng sẵn ở tiệm thì bảo họ chưng bông cho nhà thờ. Bông thường đặt ở giữa phía trước bàn thờ một bình. Nếu cung thánh lớn và cao thì cần để bình bông lớn và bông cao kẻo bị mất hút. Có thể đặt trước bàn đọc Lời Chúa một bình nữa hoặc đặt nơi khác trên cung thánh. Một số giáo xứ có thể có chính sách cho việc chưng bông và đặt bông. Nếu có hơn hai đám cưới cùng ngày, thì các cặp hôn nhân chia phí tổn về tiền bông. Hỏi văn phòng giaó xứ số điện thoại của những cô dâu cưới ngày đó để liên lạc. Thường đám cưới sớm nhất trong ngày có quyền chọn bông. Sau lễ cưới để lại bông trong nhà thờ cho đám sau dùng. Đám cưới sau cùng cũng để lại bông trong nhà thờ.

Bông giấy, gạo, giấy trải lối đi giữa lòng nhà thờ cho cô dâu bước lên.

Tuỳ chính sách của mỗi Giáo xứ. Có giáo xứ cho dùng những thứ trên. Có giáo xứ cấm. Có giaó xứ cho dùng nhưng sau đám cưới phải quét dọn sạch sẽ. Nếu không, có thể bị phạt tiền.

Cột bông giấy vào thành ghế giữa lối đi. 

Đa số các giáo xứ cho cột bông giấy nhưng phải dùng giây nylông hay giây vải để cột, mà không được đóng bằng kim thép (staples) hay giây kẽm. Nếu cột giây kẽm thì khi cọ sát có thể làm trầy vẹc ni ở ghế. Nếu dùng băng keo cũng rất dễ quên không lột băng keo ra, lâu ngày sẽ làm phai mầu vẹc ni.

Thể lệ chụp hình đám cưới.

Để cho thánh lễ hôn nhân được trang nghiêm và thêm phần ý nghĩa, thường chính sách của Giáo xứ chỉ cho phép một người quay phim và một người chụp hình được chính thức đi lại trong giới hạn để thu hình. Nếu dùng giàn máy có chân, thì không được di chuyển chân máy trong thánh lễ. Nhiều nhà thờ cũng không cho dùng đèn gắn vào máy ảnh. Nhà thờ không phải là sân khấu công cộng để ai cũng có thể chụp hình. Hồi mới di cư sang Mĩ, trong những đám cưới thấy những người có máy hình chạy lung tung để chụp. Có thể có những người cầm máy hình đi lại là để khoe máy hình hay để gây chú ý. Có trường hợp xẩy ra trong thánh lễ khi một thanh niên kia bước lên cung thánh cao, ngồi bệt xuống sàn cung thánh, hai chân duỗi dài ra, thẳng về trước để thu hình. Thấy chướng tai gai mắt, một em giúp lễ được lệnh đến gần bảo xuống. Nói về vấn để chụp hình lễ cưới trong thánh lễ thì thấy đa số người bản điạ cũng như những sắc dân khác, họ biết kiềm chế và nếu không biết, trước lễ họ thường hỏi linh mục chủ tế xem có được phép dùng đèn chiếu không, nơi nào không được phép đứng để thu hình. Còn người mình thì không thấy, chưa thấy hay ít thấy ai hỏi.

Đúng giờ 

Hồi mới sang Mĩ có nhiều đám cưới đến trễ cả giờ đồng hồ. Điều này cũng có thể hiểu được vì có những người ở xa, lại bị lạc đường. Có những đám cưới, cô dâu chú dể quên mang nhẫn cưới. Dĩ nhiên mọi người phải đợi cả giờ để đợi người mang nhẫn cưới đến nhà thờ. Nếu sau đó có đám cưới khác hay đến giờ sinh hoạt của nhóm khác trong nhà thờ, họ có thể khó chịu và bực bội với đám cưới trước, khiến linh mục làm đám cưới cũng mất mặt.

Việc rước lễ

Hôn nhân Công Giáo nối kết hai người nên một. Vì thế Giáo Hội khuyến khích cô dâu chú rể rước Mình Thánh Chúa, nếu là Công Giáo. Nếu cần xưng tội thì hẹn ngày giờ trước chứ không nên đợi tới giờ phút cuối cùng mới làm khi mọi người đều bận tâm với những việc sửa soạn khác. Lãnh nhận Bí tích Hôn nhân mà không lãnh nhận Bí tích Thánh thể thì làm giảm đi ý nghĩa của Bí tích Hôn nhân. Người Công Giáo tham dự lễ cưới cũng nên rước lễ. Đối với người ngoài Công Giáo thì Giáo Hội mời gọi hiệp nhất trong lời cầu nguyện. Tuy nhiên Giáo Hội không thể mời gọi người ngoài Công Giáo lên rước Mình Thánh Chúa.

Lời cảm tạ

Đại diện hai họ muốn ngỏ lời với quan khách thì có thể nói mấy phút sau khi linh mục chủ tế đọc lời nguyện kết thúc, lúc ngồi xuống. Cần hỏi xin linh mục chủ tế.

Nhường chỗ

Nếu sau lễ cưới có lễ cưới khác hoặc tang lễ thì đám cưới trước cần ra khỏi nhà thờ theo giờ phút nào theo sự chỉ dẫn của linh mục làm đám cưới.

Dọn dẹp

Sau thánh lễ hôn phối, bông gắn vào thành ghế, tập phụng vụ thánh lễ, nến hôn nhân và rác rưởi - nếu hàn ra - phải được dọn dẹp. Có giáo xứ ra chính sách phạt bằng hiện kim nếu sau đám cưới không thu dọn. Có giáo xứ VN ở Mĩ có thời đã phạt 75 mĩ kim cho những đám cưới dùng những thứ trên mà sau đám cưới không quét dọn sạnh sẽ nhà thờ để sữa soạn cho Lễ Vọng Chúa Nhật vào chiều Thứ Bảy.

Việc tham dự lễ cưới

Ðược mời dự những lễ cưới của nhiều người Việt ở hải ngoại, người ta thấy người đi lễ thưa thớt, lại không thấy có nhiều người thưa kinh nguyện đối đáp với chủ tế để cầu nguyện cho đôi tân hôn, cho thánh lễ hôn nhân được linh động, cho cô dâu chú rể được lên tinh thần. Không biết có phải họ không thuộc kinh hay không dám biểu lộ đức tin khi có sự hiện diện của người ngoài Công Giáo cũng đi dự lễ cưới chăng?

Vấn đề giờ giấc dự tiệc cưới

Khách đi dự tiệc cưới VN ở nhà hàng Trung Hoa tại Mĩ thường có thói quen đi trễ cả giờ đồng hồ, có khi 2 giờ. Sau mấy lần thấy người này đi trễ, người khác nghĩ rằng đến sớm phải đợi người đến trễ, nên họ cũng đi trễ, để khỏi phải đợi. Có nhiều đám cưới phải đợi cả hơn hai giờ sau mới khai mạc được. Có lẽ vì thế mà tiệc cưới Việt Nam ở nhà hàng Trung hoa kéo dài rất trễ, thường từ 6:00, 6:30 chiều tới 10, 11 giờ. Nếu có nhảy đầm, còn kéo dài thêm nữa. Chủ nhà hàng Trung Hoa cũng muốn chiều khách, nên tiếp viên biết ý chủ cũng chiều khách theo. Ba nhà hàng phục vụ đám cưới cho người Việt ở một miền kia đều do người Trung Hoa Chợ Lớn hay Hồng Kông làm chủ.

Nghe nói có linh mục kia vào những năm đầu di cư có thói quen đến nhà hàng dự tiệc cưới rất trễ. Tuy nhiên không ai phải đợi cả. Thường cuối tiệc linh mục đó mới mò đến. Vào mùa cưới hỏi, có tối linh mục đó đi dự ba tiệc cưới. Tiệc thứ nhất có mặt lúc 9:30 tối, để uống một lon bia, chúc mừng và chung vui với cô dâu chú rể và gia đình hai họ. Và hễ còn món gì đặc biệt thì cũng muốn thử để gọi là đưa cay thôi. Tiệc thứ hai lúc 10:00 tối uống một li rượu champage để chúc mừng và chung vui. Tiệc thứ ba lúc 10:30 tối, ăn một miếng bánh cưới cũng để chung vui và chúc mừng. Có thế thôi.

Vấn đề mở nhạc

Nhận thấy trong tiệc cưới ban nhạc thường cho mở nhạc quá lớn, không còn ai muốn nói với ai. Muốn nói người này phải nghiêng mình, hướng miệng vào sát tai ngươi kia mới hi vọng họ nghe được.

Vấn để quản trò

Hồi mới di cư sang Mĩ, thấy lớp người đứng tuổi đảm nhậm vai trò quản trò (Em Xi) trong tiệc cưới. Có những quản trò, đáng tuổi bố, gần tuổi ông của cô dâu chú rể - không biết có phải để tỏ ra mình cũng biết làm trò không - mà ép cô dâu chú rể diễn những màn có vẻ lố bịch và lộ liễu, khiến cô dâu chú rể mắc cở và khách dự tiệc cưới cũng thấy ngượng. Với thời gian, lớp quản trò này đã tự rút lui vào bóng tối để nhường chỗ cho lớp quản trò mới: trẻ trung, nhẹ nhàng và thức thời hơn.

Mời Chúa và Mẹ Người vào đời sống hôn nhân

Ðể cho đời sống hôn nhân có sự hiện diện của Chúa, người ta cần mời Chúa và Mẹ Người vào đời sống hôn nhân để Chúa và Mẹ Người cùng đồng hành và làm chủ đời sống hôn nhân. Nếu trong tiệc cưới Cana, Chúa đã biến đổi nước thành rượu để cho cô dâu chú rể khỏi bẽ mặt và cho đời sống hôn nhân khòi bị đổ vỡ sau này, Chúa cũng có thể biến đổi đời sống hôn nhân miễn là người ta mời Chúa và Mẹ Người vào đời sống hôn nhân.

[1]. Đa số tư tưởng trong bài này đã được tác giả cho in trong tập ‘Thể lệ xin làm đám cưới’ để phát cho mỗi cặp dự bị hôn nhân tại Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Mĩ vào những năm 1988-2000. Nay được sửa chữa, thêm bớt để phổ biến rộng rãi hơn trên mạng.

(Nguồn: http://www.mucvuvanbut.net)

Lm Trần Bình Trọng1/21/2014(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét