Trang

Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Giải đáp phụng vụ: Lời nguyện tín hữu có là bắt buộc trong Thánh lễ ngày thường hoặc Thánh lễ an táng không?; Được phép chúc bình an trước phần dâng lễ vật không?

Giải đáp phụng vụ: Lời nguyện tín hữu có là bắt buộc trong Thánh lễ ngày thường hoặc Thánh lễ an táng không?; Được phép chúc bình an trước phần dâng lễ vật không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma. 

Hỏi: Thưa cha, được phép bỏ qua Lời nguyện tín hữu trong Thánh Lễ ngày thường hoặc Thánh lễ an táng không? Được phép chúc bình an trước phần dâng lễ vật không? - J. R., San Antonio, Texas, Mỹ.


Đáp: Về việc tái lập Lời nguyện tín hữu vào phụng vụ, trong năm 1963 Công Đồng chung Vatican II tuyên bố như sau trong Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, số 53:

"Phải tái lập “Lời nguyện chung” hay “Lời nguyện tín hữu”, sau bài đọc Tin Mừng và bài giảng, nhất là vào các Chúa Nhật và lễ buộc, để giáo dân cùng hợp chung lời cầu nguyện cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những ai đang gặp khó khăn trước những nhu cầu cần thiết, cho tất cả mọi người, và cho phần rỗi của toàn thế giới" (Bản dịch của Hội Đồng Giám mục Việt Nam)

Hai năm sau, vào năm 1965, Tòa Thánh đã được hỏi: "Liệu trong các Thánh lễ có giáo dân tham dự, Lời nguyện tín hữu có là bắt buộc trong các ngày thường không?"

Câu trả lời trong phong cách điển hình vắn tắt của Tòa Thánh là: "Không buộc đọc Lời nguyện tín hữu vào các ngày thường". Sau đó, Tòa thánh xác nhận và đưa câu trả lời này vào các tài liệu khác, với sự qui chiếu đặc biệt tới Hiến chế Sacrosanctum Concilium.

Vì vậy, mặc dầu Lời nguyện tín hữu có thể được sử dụng cách hữu ích trong các ngày thường, nó chỉ là buộc trong Thánh lễ Chúa Nhật và các ngày lễ buộc mà thôi.

Tuy nhiên, đáng chú ý là các tài liệu gần đây nhất không có sự phân biệt rõ giữa các ngày lễ trọng và ngày thường, nhưng chỉ mô tả cấu trúc Lời nguyện tín hữu. Điều này cho phép sử dụng Lời nguyện trong mọi dịp thích hợp, mà không đưa ra việc buộc.

Do đó, Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM ) nói:

“69. Trong lời nguyện cho mọi người, cũng gọi là lời nguyện tín hữu, chính dân Chúa, sau khi tiếp nhận trong đức tin, đáp lại Lời Chúa và thực thi chức tư tế do phép rửa của mình mà cầu cho hết mọi người. Lời nguyện này thường nên thực hiện trong các Thánh Lễ có giáo dân tham dự, để họ cầu cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những người đang gặp đủ thứ khó khăn, cho hết mọi người và cho toàn thế giới được ơn cứu độ. 

“70. Thứ tự những ý nguyện thường là:

a. Cho các nhu cầu của Hội Thánh;

b. Cho các người trong chính quyền và cho toàn thế giới được an bình;

c. Cho các người đang gặp bất cứ khó khăn nào;

d. Cho cộng đoàn địa phương.

Nhưng trong một buổi lễ cử hành đặc biệt nào đó, như là Thêm Sức, Hôn Phối, An Táng, thì thứ tự ý nguyện có thể dành ưu tiên cho trường hợp đặc biệt đó.

“71. Chính vị chủ tế điều khiển việc cầu nguyện từ ghế. Ngài vắn tắt mời tín hữu cầu nguyện và đọc lời nguyện để kết thúc. Các ý nguyện nêu ra cần phải chừng mực, được soạn thảo với sự tự do khôn ngoan và ngắn gọn, diễn tả lời nguyện của toàn thể cộng đoàn.

Thầy phó tế, hoặc một ca viên, hay độc viên hay một giáo dân khác xướng các ý nguyện từ giảng đài hay một nơi nào khác xứng hợp.

Còn toàn thể cộng đoàn đứng biểu lộ lời nguyện của mình, hoặc bằng những lời kêu cầu chung sau mỗi ý nguyện được xướng lên, hoặc bằng cách cầu nguyện trong thinh lặng” (bản dịch của cha Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang).

Về Thánh Lễ cầu cho người qua đời, Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma nói:

"385. Trong việc sắp xếp và chọn lựa các phần của Thánh Lễ cầu cho người quá cố, nhất là lễ an táng, là những phần có thể thay đổi (ví dụ: các lời nguyện, bài đọc, lời nguyện tín hữu), phải có trước mắt các lý do mục vụ liên quan đến người chết, gia đình và những người hiện diện” (bản dịch, như trên).

Điều này có nghĩa rằng, trong khi Lời nguyện tín hữu có thể được bỏ qua cách hợp lệ trong thánh lễ an táng, điều quan trọng là quan tâm đầy đủ đến các nhu cầu mục vụ của tang quyến, trước khi quyết định làm như vậy.

Liên quan đến câu hỏi thứ hai, Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 71, nói: 

“71. Phải duy trì thông lệ của Nghi Lễ Rôma là chúc bình an trước khi Rước Lễ một chút, như được dự liệu trong Nghi thức Thánh Lễ. Quả nhiên, theo truyền thống của Nghi Lễ Rôma, thông lệ này không bao hàm ý nghĩa hoà giải, cũng không có ý nghĩa xoá tội, nhưng đúng hơn nó có mục đích biểu lộ sự bình an, sự hiệp thông và lòng bác ái, trước khi lãnh nhận Thánh Thể. Trái lại, hành động sám hối ở đầu Thánh Lễ, nhất là khi nó được thực hiện theo công thức thứ nhất, có đặc tính diễn tả sự hoà giải này giữa các anh em" (Bản dịch của Hội Đồng Giám mục Việt Nam).

Ngay cả sau tài liệu này, và đặc biệt là trong Thượng Hội Đồng Giám mục về phép Thánh Thể năm 2005, khả năng dời thời điểm chúc bình an đã được tranh luận sôi nổi. Cuối cùng, các Giám mục chỉ đơn giản đề nghị nghiên cứu thêm nữa.

Từ những gì tôi đã có thể thu thập được, một nghiên cứu chuyên sâu đã được thực hiện, nhưng với các kết quả chưa thuyết phục. Nói chung, các chuyên gia phụng vụ phản đối việc thay đổi thời điểm chúc bình an, và các Giám mục trên thế giới chia rẽ nhau về việc này. Cho đến nay, chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra.

Khó khăn chủ yếu liên quan đến sự thay đổi đề xuất này, ít nhất là như tôi hiểu, đã được nhấn mạnh trong Huấn thị Redemptionis Sacramentum. Việc thay đổi chúc bình an vào phần dâng lễ vật sẽ đòi hỏi một sự thay đổi về ý nghĩa của chính nghi thức, không còn đúng như ý nghĩa chúc bình an đến với chúng ta từ Chúa Kitô trên bàn thờ, hướng đến ý nghĩa của hòa giải hoặc tha tội.

Tuy nhiên, nếu điều này được thực hiện, ý nghĩa nào sẽ có khi làm một cử chỉ hòa giải ở phần đầu của Thánh Lễ? Liệu chúng ta không hòa giải với anh chị em của mình, để tham dự vào bàn tiệc Lời Chúa cũng như bàn tiệc Thánh Thể sao?

Đúng là một số phụng vụ Đông phương không có nghi thức chúc bình an trong phần dâng lễ vật. Nhưng trong các nghi lễ này, bánh và rượu đã được chuẩn bị một trọng thể trước Thánh lễ, để cho ý nghĩa của việc chúc bình an của Chúa Kitô là tương tự như trong nghi thức Rôma.

Nghi thức Ambrosian đáng kính, được sử dụng trong Tổng Giáo Phận Milan (Ý), cũng có chúc bình an ở phần dâng lễ vật, nhưng đây là một sự mới lạ tương đối ngay cả đối với nghi thức này.

Một số nhóm Công Giáo cũng đã được Toà Thánh cho phép có sự thay đổi thời điểm chúc bình an, trong bối cảnh của một cuộc hành trình tâm linh đặc biệt, vốn không nhất thiết phải áp dụng cho tất cả mọi người .

Vì vậy, trong kết luận, ngoại trừ trong các trường hợp được Tòa Thánh ban phép chuẩn đặc biệt, không được phép thay đổi thời điểm của việc chúc bình an.

Luôn được phép bỏ qua việc chúc bình an, vì nó là một nghi thức tùy chọn, chứ không là một nghi thức bắt buộc. (Zenit.org 11-3-2014)

Nguyễn Trọng Đa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét