06/04/2014
Chúa Nhật V Mùa
Chay Năm A
(phần I)
Bài
Ðọc I: Ed 37, 12-14
"Ta
sẽ cho các ngươi thần trí của Ta, và các ngươi sẽ được sống".
Trích
sách Tiên tri Êdêkiel.
Ðây
Chúa là Thiên Chúa phán: "Hỡi dân Ta, này Ta sẽ mở cửa mồ các ngươi, Ta sẽ
kéo các ngươi ra khỏi mồ và dẫn dắt các ngươi vào đất Israel. Hỡi dân Ta, các
ngươi sẽ biết Ta là Chúa, lúc Ta mở cửa mồ các ngươi, và kéo các ngươi ra khỏi
mồ, Ta sẽ cho các ngươi thần trí của Ta, và các ngươi sẽ được sống, Ta sẽ cho
các ngươi an cư trên đất các ngươi, và các ngươi biết rằng: Ta là Chúa, chính
Ta đã phán và đã thi hành".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 129, 1-2. 3-4ab. 4c-6. 7-8
Ðáp: Bởi vì Chúa rộng
lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ (c. 7).
Xướng:
1) Từ vực sâu, lạy Chúa, con kêu lên Chúa. Lạy Chúa, xin nghe tiếng con cầu;
dám xin Chúa hãy lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của con. - Ðáp.
2)
Nếu Chúa con nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường
rộng lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu. - Ðáp.
3)
Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Ngài. Linh hồn con
mong đợi Chúa con, hơn người lính gác mong trời rạng đông. - Ðáp.
4)
Hơn người lính gác mong hừng đông dậy. Israel đang mong đợi Chúa con: Bởi vì
Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ. Và chính Ngài sẽ giải thoát
Israel cho khỏi mọi điều gian ác. - Ðáp.
Bài
Ðọc II: Rm 8, 8-11
"Thánh
Thần của Ðấng làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh
em thân mến, những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Chúa. Còn anh
em, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự
Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Ðức Kitô, thì kẻ
ấy không thuộc về Người. Nhưng nếu Ðức Kitô ở trong anh em, cho dù thân xác đã
chết vì tội, nhưng tinh thần vẫn sống vì đức công chính. Và nếu Thánh Thần của
Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã
làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh
em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.
Ðó
là lời Chúa.
Câu
Xướng Trước Phúc Âm: Ga 11, 25a và 26
Chúa
phán: "Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời".
Phúc
Âm: Ga 11, 1-45
"Ta
là sự sống lại và là sự sống".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi
ấy, có một người đau liệt tên là Ladarô, ở Bêtania, làng quê của Maria và
Martha. (Maria này chính là người đã xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân
Người. Em trai bà là Ladarô lâm bệnh). Vậy hai chị sai người đến thưa Chúa
Giêsu rằng: "Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt". Nghe tin ấy, Chúa
Giêsu liền bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên
Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển".
Chúa
Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người
còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: "Chúng ta hãy trở lại xứ
Giuđêa". Môn đệ thưa: "Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm ném đá Thầy,
mà Thầy lại trở về đó ư?" Chúa Giêsu đáp: "Một ngày lại chẳng có mười
hai giờ sao? Nếu ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì người ta thấy ánh sáng mặt
trời; nhưng kẻ đi ban đêm sẽ vấp ngã vì không có ánh sáng". Người nói thế,
rồi lại bảo họ: "Ladarô bạn chúng ta đang ngủ, dầu vậy Ta đi đánh thức
ông". Môn đệ thưa: "Thưa Thầy, nếu ông ta ngủ, ông sẽ khoẻ lại".
Chúa Giêsu có ý nói về cái chết của Ladarô, nhưng môn đệ lại nghĩ Người nói về
giấc ngủ. Bấy giờ Chúa Giêsu mới nói rõ: "Ladarô đã chết. Nhưng Ta mừng
cho các con, vì Ta không có mặt ở đó để các con tin. Vậy chúng ta hãy đi đến
nhà ông". Lúc đó Tôma, cũng có tên là Ðiđimô, nói với đồng bạn:
"Chúng ta cũng đi để cùng chết với Người".
Ðến
nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. (Bêtania chỉ cách
Giêrusalem chừng mười lăm dặm). Nhiều người Do-thái đến nhà Martha và Maria để
an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người,
còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt
ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì
cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy". Chúa Giêsu nói:
"Em con sẽ sống lại". Martha thưa: "Con biết ngày tận thế, khi kẻ
chết sống lại, thì em con sẽ sống lại". Chúa Giêsu nói: "Ta là sự sống
lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà
tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?" Bà thưa:
"Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống
đã đến trong thế gian".
Nói
xong bà về gọi Maria em gái bà và nói thầm với em rằng: "Thầy ở ngoài kia,
Thầy gọi em". Nghe vậy, Maria vội vàng đứng dậy và đi đến cùng Chúa. Vì
lúc đó Chúa Giêsu chưa vào trong làng, Người còn đang đứng ở nơi Martha đã gặp
Người. Những người Do-thái cùng ở trong nhà với Maria và an ủi bà, khi thấy bà
vội vã đứng dậy ra đi, họ cũng đi theo bà, tưởng rằng bà đi ra khóc ngoài mộ. Vậy
khi Maria đến chỗ Chúa Giêsu đứng, thấy Người, bà liền sấp mình xuống dưới chân
Người và nói: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt đây, thì em con không chết".
Khi thấy bà khóc nức nở và những người Do-thái theo bà cũng khóc, Chúa Giêsu thổn
thức và xúc động. Người hỏi: "Ðã an táng Ladarô ở đâu?" Họ thưa:
"Thưa Thầy, xin đến mà xem". Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền
nói: "Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!" Nhưng có mấy kẻ trong
đám nói: "Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho
người này khỏi chết ư?" Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ. Mộ đó là
một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: "Hãy đẩy tảng đá ra".
Martha là chị người chết, thưa: "Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn
ngày". Chúa Giêsu lại nói: "Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin,
thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Thế là người ta cất tảng
đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: "Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm
lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con, nhưng Con nói lên vì những người đứng
xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con". Nói rồi, Người kêu lớn tiếng:
"Ladarô! Hãy ra đây!" Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh
vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: "Hãy cởi ra cho anh ấy
đi".
Một
số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm,
thì đã tin vào Người.
Ðó
là lời Chúa.
Hoặc
đọc bài vắn này: Ga 11, 3-7. 17. 20-27. 33b-45
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi
ấy, hai chị em của Ladarô sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy,
người Thầy yêu đau liệt". Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: "Bệnh này
không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ
được vinh hiển".
Chúa
Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người
còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: "Chúng ta hãy trở lại xứ
Giuđêa".
Ðến
nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. Khi hay tin Chúa
Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu:
"Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả
bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy".
Chúa Giêsu nói: "Em con sẽ sống lại". Martha thưa: "Con biết
ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con cũng sẽ sống lại". Chúa
Giêsu nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ
được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó
không?" Bà thưa: "Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con
Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian".
Người
xúc động và hỏi: "Ðã an táng Ladarô ở đâu?" Họ thưa: "Thưa Thầy,
xin đến mà xem". Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: "Kìa, xem
Ngài thương ông ấy biết bao!" Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: "Ông ấy
đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết
ư?" Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ.
Mộ
đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: "Hãy đẩy tảng đá
ra". Martha là chị người chết, thưa: "Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì
đã bốn ngày". Chúa Giêsu lại nói: "Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con
tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Thế là người ta cất
tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: "Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã
nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con. Nhưng Con nói lên vì những người
đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con". Nói rồi, Người kêu lớn
tiếng: "Ladarô! Hãy ra đây!" Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn
những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: "Hãy cởi ra cho
anh ấy đi".
Một
số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm,
thì đã tin vào Người.
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm: Từ Tinh Thần Phục Sinh Sang Ðời Sống Phục Sinh
Cả
ba bài Kinh Thánh hôm nay đều nói lên sự sống lại; không phải sự sống lại của
Chúa mà là của ta, để ta sống lại trong tinh thần, hầu có khả năng tham dự Tuần
lễ Phụng vụ lớn nhất trong năm, cử hành từ Chúa nhật tới. Ðó cũng là phương
pháp Ðức Kitô đã dùng đối với các môn đệ của Người. Chỉ ít ngày trước khi bước
vào tuần lễ Vượt qua, ra đi chịu chết một cách nhục nhã trên Thập giá, Người củng
cố đức tin của các môn đệ. Người cho Lazarô sống lại để khi thấy Người nằm xuống,
họ vẫn không mất niềm tin ở nơi Người. Thế nên bài Kinh Thánh chủ chốt trong Phụng
vụ Lời Chúa hôm nay là bản văn Tin Mừng chúng ta vừa nghe đọc. Nhưng hai bài
kia cũng rất giàu ý nghĩa.
A.
Từ Phục Sinh Thân Xác Ðến Phục Sinh Tâm Hồn
Không
ai có thể lầm về bài sách Êzêkiel. Ông là vị Tiên tri bấy giờ đang sống với dân
lưu đày ở Babylon. Thoạt đầu Dân cứ tưởng cuộc lưu đày chỉ tạm thời thôi. Chúa
phạt Dân một lúc rồi sẽ cứu độ. Người ta chờ được giải phóng từng ngày, từng giờ.
Giêrêmia đã cảnh giác người ta: không như vậy đâu, hãy thích nghi với hoàn cảnh
mới, hãy xây dựng đời sống trên những cơ sở mới mà thi hành Ý Chúa. Nhưng phải
đợi khi Yêrusalem bị tàn phá, Dân mới thôi ảo tưởng... Khốn nỗi, họ lại bước sang
một thái cực khác. Chẳng hy vọng có ngày hồi hương nữa, họ đâm chán Chúa và muốn
bỏ Người. Êzêkiel bấy giờ được sai đến. Ông rao giảng niềm tin: Chúa sẽ ra tay
cứu Dân. Người sẽ đem Dân lưu lạc về. Bài sách của ông chúng ta vừa nghe nằm
trong lời giáo huấn đó. Và vì ông có óc tưởng tượng mãnh liệt, ông diễn tả việc
Chúa hồi phục dân như việc mở cửa mồ cho người chết sống lại. Thật ra hình ảnh
đó cũng không quá đáng. Dân lưu đày bấy giờ cũng như kẻ chết ở trong mồ. Mọi
khí phách đều đã tiêu tan và nhất là không còn hy vọng nào chỗi dậy được nữa.
Chỉ có Chúa có thể cứu độ. Và đưa Dân ra khỏi cảnh nô lệ sẽ khác nào như làm
cho kẻ chết sống lại ra khỏi mồ. Hơn nữa Chúa còn hứa sẽ đặt Thần trí Người vào
trong những xác chết kia, để sống lại rồi, ra khỏi nơi lưu đày Dân sẽ sống theo
tinh thần của Chúa.
Bài
sách Êzêkiel chắc chắn đáng suy nghĩ trong Mùa Chay. Những người tội lỗi nhất vẫn
không có gì phải thất vọng. Những gia đình nhiều rủi ro nhất vẫn còn lý do để cậy
trông. Hơn nữa chúng ta phải cầu nguyện cho tất cả Giáo hội được niềm tin mãnh
liệt vào mầu nhiệm Phục sinh. Mọi vấn đề và khó khăn trong cơ thể của Chúa
không phải là không có lối thoát. Chúa có thể làm cho kẻ chết sống lại: đó là lời
Êzêkiel còn để lại cho chúng ta. Và thật sự Người đã làm như thế. Người đã đưa
dân ra khỏi nơi lưu đày. Người đã ban tinh thần và định mệnh mới cho Dân. Dùng
hình ảnh phục sinh thân xác, lời tiên tri khuyên nhủ ta tin vào sức mạnh phục
sinh tinh thần. Niềm tin này cần cho mọi thời và cho chúng ta.
Nhưng
có phúc hơn Êzêkiel, chúng ta còn có niềm tin vào quyền năng Chúa phục sinh
thân xác thật sự để đưa chúng ta vào sự sống đời đời.
B.
Từ Sự Sống Lại Ðến Sự Sống Ðời Ðời
Quả
thật Ðức Kitô đã không phục sinh thân xác Lazarô để ông sống thêm một số năm
tháng ở trần gian; nhưng qua việc làm cho ông sống lại Người muốn ban cho chúng
ta sự sống đời đời. Vì thế câu then chốt trong bài Tin Mừng hôm nay là chính lời
Chúa phán: "Phục sinh và sự sống chính là Ta! Ai tin vào Ta, thì dẫu chết
cũng sẽ sống và mọi kẻ sống mà tin vào Ta, sẽ không phải chết bao giờ. Ngươi có
tin thế không?" (c.25). Và để giúp người ta tin như thế, Người đã cho
Lazarô sống lại.
Câu
truyện này, thánh Yoan đã thuật lại khá dài; và theo một cách thức khác hẳn khi
kể chuyện Chúa chữa người mù. Có thể nói trong câu chuyện người mù, phép lạ đi
trước để sau đó nói lên sự xung đột giữa ánh sáng và tối tăm, và tối tăm đã
không triệt được sự sáng. Còn ở đây, phép lạ lại đến cuối cùng để củng cố và bảo
đảm cho niềm tin đã nói trên. Thế nên vai chính ở đây không phải là Lazarô, mà
là các môn đệ, chị em Martha và Maria, và nhất là người Dothái. Dĩ nhiên tất cả
đều tùy thuộc vào Ðức Kitô.
Người
muốn dẫn đưa mọi người vào niềm tin ở nơi Người là sự sống lại và là sự sống.
Không phải bây giờ Người mới dạy người ta điều đó. Từ ngày ra đi rao giảng Tin
Mừng. Người không ngớt làm cho mọi người tin Người có sự sống đời đời đem đến
cho người ta. Nhưng hôm nay, sắp bước vào con đường khổ tử nạn, Người thấy phải
khẳng định mạnh mẽ, quyết liệt hơn để củng cố niềm tin của mọi người cũng như để
nói lên ý nghĩa của việc Người chấp nhận sự chết.
Người
thấy ngay cơ hội đã đến, khi người ta báo tin Lazarô bạn Người lâm bệnh. Vì
"vinh quang Thiên Chúa" (c.4), Người còn lưu lại hai ngày nơi đang ở;
chứ như vì tình bạn thắm thiết đó là những ngày chẳng sung sướng gì. Ðến khi
Người ngỏ ý ra đi, các môn đồ lại muốn cản chân. Người phải nhắc lại cho họ bài
học hôm trước. Nào là chúng ta phải lao công vào việc của Ðấng đã sai Ta, bao
lâu còn là ngày; nào là việc Lazarô đã chết mà Ta không có mặt ở đó là để Thiên
Chúa được hiển vinh, vì để các ngươi tin. Cuối cùng họ đã phải chịu "ra đi
để chết với Người".
Họ
có lý, vì cuộc lên đường này sẽ dẫn Người đến thập giá. Nhưng Người còn có lý
hơn, vì nhìn xa hơn và đã thấy trước mầu nhiệm Phục sinh. Chẳng vậy mà Người lại
chọn ngày thứ ba để lên đường, sau hai ngày ở lại đau khổ vì nghĩ đến người bạn
đã chết.
Người
đã chuẩn bị đức tin của môn đồ để hiểu việc Người sắp làm. Nhưng còn bao nhiêu
người khác nữa: nào Martha, nào Maria, nào vô số người Dothái đến chia buồn với
họ. Người chọn Martha là chủ nhà để dạy dỗ bà và mọi người khác về niềm tin Người
là sự phục sinh và là sự sống. Lazarô đối với Người không quan trọng, mặc dầu
Người rất thương ông. Người chẳng hỏi thăm gì về cái chết của ông. Người chỉ
quan tâm đến đức tin của những người đang có mặt. Martha lưu ý Người rằng:
"Ðã nặng mùi rồi, vì đã được 4 ngày". Người trả lời ngay: Ta đã chẳng
nói với ngươi rồi sao? Là nếu ngươi tin, ngươi sẽ thấy vinh quang của Thiên
Chúa. Và để khẳng định một lần cuối cùng mục đích và ý nghĩa của việc sắp làm,
Người ngước mắt lên mà nói: "Ngõ hầu họ tin rằng Cha đã sai Con". Nói
thế rồi, Người lớn tiếng gọi Lazarô; và ông đã ra khỏi mồ... khiến nhiều người
tin vào Người. Nhưng đó chỉ là niềm tin tạm, niềm tin khởi đầu. Phải đợi đến
hôm thấy chính mộ của Người đã trống và Ðấng chịu đóng đinh hiện đến trước mắt
họ, niềm tin vào Người từ đó mới không lay chuyển. Nhưng để có niềm tin hoàn
toàn này, đã phải có niềm tin hôm nay sau khi Lazarô được gọi ra khỏi mồ.
C.
Từ Tinh Thần Phục Sinh, Sang Ðời Sống Phục Sinh
Chúng
ta ngày nay có niềm tin đầy đủ. Không những chúng ta tin Ðức Yêsu Kitô Chúa
chúng ta đã chết và đã sống lại, mà chúng ta còn tuyên xưng thân xác chúng ta sẽ
được phục sinh trong ngày sau hết. Hơn nữa chúng ta còn tin rằng khi đã cùng chết
với Người trong bí tích Rửa tội, chúng ta đã được Người ban cho sự sống phục
sinh và đời đời của Người. Nói cách khác chúng ta đã là những người được phục sinh
trong tinh thần chờ ngày được sống lại trong thân xác.
Niềm
tin thật rõ ràng và thật chắc chắn. Nhưng có sống động không? Người tín hữu có
sống đức tin của mình không? Cứ dấu nào, người tín hữu biết mình đang sống đức
tin Con Thiên Chúa đã phục sinh và đã ban ơn phục sinh cho mình? Thánh Phaolô
trả lời trong bài Thánh thư: nếu Ðức Kitô ở trong anh em thì tuy thân xác vẫn
là đồ chết dở (vì tội), nhưng Thần khí là sự sống (vì đức công chính). Thánh
Tông đồ cho chúng ta phương thế để đạt được điều Êzêkiel từng trông chờ. Nhà
Tiên tri mong đợi Chúa ban Thần trí cho Dân để họ được phục hồi như kẻ chết được
ra khỏi mồ. Chúng ta đã nhận được Thần trí ấy nhờ mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh của
Ðức Kitô, vì sau khi Người được vinh hiển thì Thánh Thần đã được đổ xuống chan
hòa trên mọi xác phàm. Chúng ta mà để Thần trí ấy hoạt động trong chúng ta thì
đời sống chúng ta sẽ không còn những công việc của xác thịt nữa, nhưng mọi hành
vi ngôn ngữ đều đã đầy Thánh Thần. Và như thánh Phaolô nói tiếp, nếu Thần khí của
Ðấng đã cho Ðức Yêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ tái sinh thân xác chết dở của
chúng ta. Nghĩa là thân xác chúng ta sẽ được sống lại vinh hiển, nhờ Thần khí của
Chúa cư ngụ trong chúng ta.
Do
đó chúng ta có thể có sự phục sinh và sự sống đời đời ngay từ bây giờ, nếu
chúng ta mang trong mình chính Ðức Kitô phục sinh. Người đang đến ban ơn đó cho
chúng ta trong thánh lễ. Người sẽ theo chúng ta vào đời để tác sinh, hầu chúng
ta luôn làm những công việc không phải của xác thịt nhưng của Thần khí. Chúng
ta sẽ tích cực trong mọi công việc tốt lành, đặc biệt trong mọi công việc đem lại
phục hồi cho Dân Nước. Chúng ta sẽ thể hiện lời tiên tri Êzêkiel và tin chắc
nhân loại sẽ phục sinh trong ngày sau hết như Lazarô đã sống lại trong bài Tin
Mừng. Và được như vậy là vì Ðức Yêsu Kitô đã sống lại và đã ban ơn phục sinh của
Người cho chúng ta.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật V
Mùa Chay,
Năm A
Bài đọc: Eze 37:12-14; Rom
8:8-11; Jn 11:1-45 (11:3-7, 17, 20-27, 33b-45).
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa có uy quyền trên cả sự chết lẫn sự sống.
Ai cũng mong được sống
mãi, nhưng ai cũng phải đối diện với cái chết. Chết có phải là hết không? Trong
lịch sử, đã có nhiều người cho chết là hết; nhưng đại đa số đều tin linh hồn bất
tử vì linh hồn con người không được cấu tạo bằng chất liệu như thân xác. Nhưng
những câu hỏi như: linh hồn đi đâu sau khi chết, linh hồn của kẻ lành và kẻ dữ
có cùng chung một số phận, con người sẽ làm gì trong cuộc sống đời sau... chỉ
tìm thấy câu trả lời thỏa đáng trong đạo Công Giáo.
Các
bài học hôm nay chuyển hướng từ bầu khí Mùa Chay để hướng chúng ta tới bầu khí
của sự sống lại và sự sống. Trong bài đọc I, trình thuật hôm nay là đoạn kết của
“thị kiến ruộng xương khô.” Thiên Chúa có uy quyền tạo dựng và Ngài cũng có uy
quyền tái tạo dựng. Ngài truyền cho ngôn sứ Ezekiel tuyên sấm trên các xương
khô để chúng tháp nhập lại với nhau, có gân để giữ, có da để bọc; nhưng chưa có
hơi thở để sống. Thiên Chúa cho chúng hơi thở và chúng trở thành những con người
sống. Trong bài đọc II, thánh Phaolô trong chương 8 của Thư Rôma, so sánh hai lối
sống theo xác thịt và theo thần khí. Lối sống làm nô lệ cho xác thịt chỉ đưa
con người tới sự hủy diệt; nhưng lối sống theo thần khí sẽ làm cho con người được
sống và sống muôn đời. Trong Phúc Âm, thánh Gioan tường thuật Chúa Giêsu làm một
phép lạ chưa từng nghe nói tới. Ngài cho Lazarô sau khi đã chết 4 ngày được sống
lại. Ngài cũng mặc khải cho con người chiều kích cánh chung hiện tại: “bất cứ
ai sống và tin vào Ngài sẽ không bao giờ phải chết.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi.
1.1/
Quan niệm của người Do-thái về Sheol: Danh từ này có nhiều nghĩa: huyệt mộ, vực sâu, nơi
tăm tối, nơi ở của người chết... Quan niệm về Sheol của người Do-thái thay đổi
theo thời gian. Thoạt đầu, người Do-thái tin Sheol là chỗ ở chung cho tất cả,
vì mọi người đều phải chết (Psa 89:47-48). Những người tin Thiên Chúa và giữ cẩn
thận Lề Luật sẽ được Ngài chúc lành cho thịnh vượng, con đông, và sống lâu khi
còn ở đời này; nhưng một khi từ giã cuộc đời, mọi người đều phải vào Sheol. Khi
con người đã vào đó là không bao giờ có cơ hội được sống lại hay trở về nhà
(Job 7:9-10). Tuy Sheol là nơi tăm tối, người Do-thái tin Thiên Chúa nhìn thấy
Sheol và tất cả những người trong đó (Job 26:6, Psa 139:8). Dần dần, quan niệm
này biến đổi và Sheol trở thành nơi ở của những người gian ác và tội lỗi, những
người đã quên Thiên Chúa (Psa 9:17). Có lẽ quan niệm này biến đổi cùng lúc với
quan niệm của người Do-thái về cuộc sống trường sinh.
Tác
giả của một số Thánh Vịnh và Sách Ngôn Sứ ví cuộc sống khổ cực của dân Do-thái
trong nơi lưu đày như đang ở trong Sheol, và việc được trở về đất Israel được
ví như người được ra khỏi huyệt mộ: “Vì hồn con ngập tràn đau khổ, mạng sống
con âm phủ gần kề, thân kể như đã vào phần mộ, ví tựa người kiệt sức còn chi!
Con nằm đây giữa bao người chết, như các tử thi vùi trong mồ mả đã bị Chúa quên
đi, và không được tay Ngài săn sóc” (Psa 88:4-6).
1.2/
Chỉ có Thiên Chúa mới có uy quyền đưa con người ra khỏi Sheol: Đưa ra khỏi huyệt mộ,
vực sâu, hay Sheol được nhắc đến nhiều lần trong Cựu Ước (Psa 30:3, 49:15,
71:20, 86:13, 88:4-6, Lam 3:54ff, Jon 2:3-7). Thiên Chúa có uy quyền giải thoát
người ở trong Sheol khi họ kêu cầu Ngài (Psa 116:3-6).
Trình
thuật của Ezekiel, ngôn sứ nơi lưu đày, tiếp tục truyền thống này khi Ezekiel
tuyên sấm: “Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau: Hỡi dân Ta, này chính Ta mở
huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất
Israel.” Trình thuật này nằm trong bối cảnh của “thị kiến cánh đồng xương khô.”
Trong chương 37, đã có 2 lần Thiên Chúa bảo Ezekiel tuyên sấm: lần thứ nhất
trên xương để chúng nhập vào nhau, lần thứ hai trên gió để chúng cung cấp hơi
thở và làm cho các thân xác được sống lại.
Nhưng
trong trình thuật ngắn hôm nay, Thiên Chúa nói: “Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào
trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh.” Một người có thể nhận ra ngay
tác giả muốn ám chỉ những gì Thiên Chúa đã làm khi tạo dựng con người trong
Sách Sáng Thế 2:7. Nhưng đâu là sự khác biệt giữa sự tuyên sấm lần thứ hai của
Ezekiel và lần này? Rất khó giải thích, vì trong tiếng Do-thái, họ chỉ có một
chữ ruah dùng cho gió, hơi thở, thần khí của một người, và
Thánh Thần.
Điều
quan trọng là khi nhìn thấy các điều này xảy ra, “bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết
chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta làm. Đó là sấm ngôn của Đức Chúa.” Khi
con người nhìn thấy Thiên Chúa mở huyệt và đưa con người ra khỏi huyệt, họ sẽ
nhận ra Ngài là Đức Chúa; vì không một ai có thể làm được điều này. Điều này có
thể xem là đã được thực hiện khi Thiên Chúa cho các người Do-thái được hồi
hương từ các nơi lưu đày; nhưng đa số các thánh Giáo Phụ cho là Cuộc Phán Xét
trong Ngày Tận Thế, khi hồn nhập vào thân xác để chịu phán xét.
2/
Bài đọc II:
Lối sống theo Thần Khí và lối sống theo xác thịt
Chương
8 của Thư Rôma phải được đọc chung với chương 6-7. Lý do là vì con người đã được
Đức Kitô giải phóng để khỏi làm nô lệ cho tội lỗi, Lề Luật, và sự chết để sống
theo Thần Khí. Nhiều người hiểu lầm thánh Phaolô là ngài quảng bá tư tưởng: con
người chỉ cần đặt niềm tin vào Đức Kitô là được cứu độ và không cần làm gì cả.
Trong chương 8, thánh Phaolô cắt nghĩa con người được Đức Kitô giải phóng khỏi
phải làm nô lệ cho tính xác thịt, để được tự do sống theo Thần Khí.
2.1/
Sống theo tính xác thịt: là
sống theo các cảm xúc của con người như sự tham lam của con mắt, sự ham muốn của
trái tim, và mọi đam mê dục vọng. Người sống theo tính xác thịt chẳng khác loài
cầm thú, vì chúng hành động theo bản năng tự nhiên; nhưng con người không được
phép sống như thế, vì ngoài thân xác, Thiên Chúa còn ban cho con người có linh
hồn, trí tuệ, và ý chí để điều khiển các quan năng của xác thịt. Thánh Phaolô
diễn tả điều này như sau: “Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được
Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em.” Thần Khí của
Thiên Chúa cũng là Thần Khí của Đức Kitô ngự trong các tín hữu để hướng dẫn và
ban sức mạnh để các tín hữu có thể sống theo sự thật, những gì Đức Kitô dạy bảo:
“Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa.”
2.2/
Sống theo thần khí của Đức Kitô: Thánh Phaolô liệt kê ba lợi điểm của những người sống
theo Thần Khí:
(1)
Thần Khí làm cho con người được sống: Sống theo thần khí mới là sống thật, sống theo tính
xác thịt là làm nô lệ cho tội lỗi và hậu quả là cái chết.
(2)
Thần Khí làm cho con người được trở nên công chính: bằng tin và thực
hành những gì Đức Kitô truyền dạy. Lề Luật không có sức mạnh làm cho con người
nên công chính.
(3)
Thần Khí sẽ làm cho con người sống lại từ cõi chết: “Nếu Thần Khí ngự
trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì
Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người
đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.”
3/
Phúc Âm:
“Anh Lazarô, hãy ra khỏi mồ!"
Trình
thuật hôm nay, chương 11, được đặt trong bối cảnh Chúa Giêsu sắp hoàn tất cuộc
đời rao giảng trên dương thế của Ngài. Theo cấu trúc của Tin Mừng Gioan, bắt đầu
Cuộc Thương Khó là chương 13. Trong chương 11, Ngài cho Lazarô sống lại. Đây là
một yếu tố quyết liệt cho cuộc đời rao giảng của Ngài trước khi bắt đầu Cuộc
Thương Khó. Ngài muốn cho mọi người thấy rõ nếu Ngài có uy quyền làm cho kẻ chết
sống lại, Ngài cũng có thể tự mình sống lại như Ngài đã báo trước cho các môn đệ.
Sự chết không có một sức mạnh chi trên Ngài cả. Điều này cũng có tác động mạnh
trên khán giả vì họ cũng là những người ham sống và mong muốn được sống đời đời.
Chương
12 là phản ứng của con người trước phép lạ Ngài làm cho Lazarô sống lại, và đó
là lý do quyết liệt để những người trong Thượng Hội Đồng của người Do-thái quyết
định án tử cho Ngài (Jn 11:53) và cho cả Lazarô (Jn 12:10-11), vì tại anh mà
nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu. Các người Pharisees đã
ghen tị khi thấy ảnh hưởng của Chúa Giêsu trên dân chúng nên họ bảo nhau: “Các
ông thấy chưa: các ông chẳng làm nên trò trống gì cả! Kìa thiên hạ theo ông ấy
hết!” (Jn 12:19). Chúng ta có thể phân tích trình thuật thành 4 hồi như sau.
3.1/
Chúa Giêsu với các môn đệ: Tại sao khi nghe tin Lazarô đau nặng, Chúa Giêsu không đi
Bethany ngay, nhưng còn chờ hai ngày nữa mới đi? Có ý kiến cho rằng Chúa Giêsu
muốn Lazarô thực sự chết và bắt đầu có mùi, để người chứng kiến không nghi ngờ
về quyền năng làm cho sống lại của Ngài. Có ý kiến cho rằng Chúa Giêsu không muốn
làm vì ảnh hưởng của người khác, như khi Đức Mẹ yêu cầu tại tiệc cưới Cana (Jn
2:1-11) hay khi các anh em Ngài thúc giục Ngài đi Jerusalem (Jn 7:1-10). Chúa
Giêsu muốn Ngài làm khi nào Ngài muốn. Cả hai ý kiến đều có thể xảy ra.
Trong
Gioan không có 3 lần tường thuật phản ứng của các môn đệ khi Chúa Giêsu báo trước
cho các ông về những gì sắp xảy ra cho Ngài tại Jerusalem như trong Tin Mừng Nhất
Lãm. Đây là lần duy nhất các môn đệ ngăn cản Chúa Giêsu trong Gioan khi Chúa
Giêsu muốn trở lại miền Judah: "Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách
ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?"
Ban
ngày của người Do-thái có 12 giờ, được tính từ lúc bình minh (6 AM) tới hoàng
hôn (6 PM), ban đêm được chia thành canh, và là giờ nghỉ ngơi, chứ không phải để
làm việc. Lý do là họ không có đèn điện như chúng ta ngày nay. Có nhiều sự thật
chứa đựng trong câu nói kế tiếp của Chúa Giêsu với các môn đệ: "Ban ngày
chẳng có mười hai giờ đó sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh
sáng mặt trời. Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi
mình!" Thứ nhất, cuộc đời con người đã được ấn định bởi Thiên Chúa. Nếu
con người muốn làm gì thì hãy làm đi kẻo trễ; khi Chúa muốn gọi con người về,
con người không thể xin hoãn để hoàn tất điều muốn làm. Câu này cũng tương tự
như câu Chúa nói với các môn đệ tuần trước (Jn 9:4). Thứ hai, con người có đủ
giờ để làm việc mà không cần phải vội vã. Đừng bao giờ để nước đến chân mới nhảy.
Sau cùng, con người phải biết lợi dụng thời giờ để sinh ích cho mình và cho tha
nhân. Đừng lười biếng hay phung phí thời giờ.
Chúa
Giêsu có thói quen dùng chữ có hai ý nghĩa trong Gioan; ví dụ: sinh bởi ơn trên
hay sinh một lần nữa (Jn 3:3-8); nước uống hay nước hằng sống (Jn 4:10-15); và
trong trình thuật hôm nay: koimasthai vừa có nghĩa “ngủ” vừa
có nghĩa “chết, ngủ muôn đời.” Các môn đệ hiểu theo nghĩa thứ nhất, nên họ nói
với Người: "Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại."
Bấy giờ Người mới nói rõ: "Lazarô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy
đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy."
Ông Thomas, gọi là Didymus, nói với các bạn đồng môn: "Cả chúng ta nữa,
chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!"
3.2/
Chúa Giêsu với Martha: Trong
Tin Mừng Nhất Lãm cũng như trong Gioan, Martha biểu lộ tâm tính của một người
luôn nhanh nhẩu hoạt động; trong khi Maria là người luôn thâm trầm hướng về đời
sống nội tâm. Nghe tin Chúa Giêsu đến, cô nhanh nhẩu chạy ra đón Ngài và nói với
Đức Giêsu: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây
giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy."
Martha tin Chúa Giêsu có uy quyền chữa bệnh. Còn việc Chúa Giêsu làm cho người
chết sống lại, có lẽ cô chưa bao giờ nghĩ tới.
(1)
Cánh chung đời sau: Người
Do-thái sống thời Chúa Giêsu đã có niềm tin vào sự sống đời sau. Điều này được
biểu tỏ trong Sách Daniel và II Maccabees. Vì thế, khi Chúa Giêsu nói: "Em
chị sẽ sống lại!" Martha nghĩ Chúa Giêsu nói về cánh chung đời sau, nên
thưa: "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết."
(2)
Cánh chung hiện tại: Chúa
Giêsu cắt nghĩa: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy,
thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải
chết. Chị có tin thế không?" Theo Chúa Giêsu, con người không cần phải đợi
tới đời sau mới được hưởng sự sống đời đời. Nếu họ tin vào Ngài, họ đã bắt đầu
được sống đời đời ngay từ cuộc đời này, cái chết chỉ là một sự thay đổi tạm thời
từ đời này sang đời sau, trong khi mối liên hệ của họ với Thiên Chúa không gì
có thể thay đổi được. Khi một người không sợ ngay cả cái chết, lúc đó họ mới thực
sự sống, và sống tròn đầy.
3.3/
Chúa Giêsu với Maria: Tục
lệ của người Do-thái là khóc thương người chết trong vòng từ 7 ngày cho đến một
tháng, tùy sự liên hệ và sự thương tiếc. Có lẽ vì không muốn cho quan khách biết
việc Chúa Giêsu đến hay đã được dặn bởi Chúa Giêsu, Martha về nhà và nói nhỏ với
Maria: "Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!" Nghe vậy, cô Maria vội đứng
lên và đến với Đức Giêsu. Tuy vậy, những người Do-thái đang ở trong nhà với cô
Maria để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô
ra mộ khóc em.
(1)
Phản ứng của Maria: Giống
như chị Martha biểu lộ lòng thương em, khi em Maria vừa thấy Chúa Giêsu, liền
phủ phục dưới chân Người và nói: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã
không chết." Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc.
(2)
Phản ứng của Chúa Giêsu: Khi
chứng kiến nỗi khổ đau của Maria và thân hữu của cô, trình thuật kể “Đức Giêsu
thổn thức trong lòng và xao xuyến” và “Ngài khóc.” Hai động từ Hy-lạp dùng để
diễn tả cảm xúc của Chúa Giêsu là embrimasthai và tarassein.
Động từ thứ nhất xảy ra 5 lần trong Tân Ước: 3 lần trong Tin Mừng Nhất Lãm (Mk
1:43, 14:5; Mt 9:30), có nghĩa là “ngăn cấm” một người không cho ai được biết
việc gì đã xảy ra cho họ; hai lần trong Gioan (Jn 11:33, 38) được dịch là “bị cảm
nhận sâu xa” bởi thần khí, vì điều ngăn cấm đó xảy ra cho chính mình. Động từ
thứ hai xảy ra 13 lần trong Tân Ước, hai lần trong Gioan (5:4, 7) có nghĩa “khuấy
động;” 4 lần khác (11:33, 12:27, 13:21, 14:1) có nghĩa “bị thử thách.”
Có
một số người không tin Thiên Chúa có thể bị khuấy động và thử thách bởi con người
(Stoics); nhưng theo tác giả Thư Do-thái, Chúa Giêsu mặc lấy thân xác con người
có nghĩa Ngài trở nên giống chúng ta về mọi phương diện chỉ trừ tội lỗi. Ngài đồng
cảm với con người, và rất nhiều lần trong Tin Mừng diễn tả Chúa Giêsu “có hay tỏ
lòng thương xót” cho con người. Ngài yêu 3 chị em Martha, và Ngài đồng cảm với
họ tới nỗi Ngài đã bật khóc khi chứng kiến nỗi đau khổ của họ.
3.4/
Chúa Giêsu với Lazarô: Mộ
của người chết bên Do-thái thời Chúa Giêsu không phải là những ngôi mộ riêng biệt,
nhưng là những nhà mồ. Tùy vào số người trong gia đình mà nhà mồ được chia
thành nhiều ngăn, nó có hình dạng giống như phòng ngủ với giường tầng hai bên và
một lối đi chính giữa. Lối vào là một tảng đá có thể khép lại như cửa kéo. Người
chết được cuốn khăn chung quanh chân tay, mặt được cuốn riêng, rồi cả thân thể
được ướp thuốc thơm và bọc trong một bao vải. Thi thể người chết sẽ được đặt
lên giường và để tự nó thối rữa đi, xương cốt còn lại sẽ được thu gọn để lấy chỗ
chôn những người khác.
(1)
Niềm tin của Martha: Đức
Giêsu truyền: "Đem phiến đá này đi." Cô Martha là chị người chết liền
nói: "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn
ngày." Đức Giêsu bảo: "Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị
tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Martha có thể nghĩ
Chúa Giêsu muốn nhìn mặt em mình lần cuối, nhưng mặt đã bị băng kín và đã có
mùi rồi. Martha có thể chỉ tin uy quyền của Chúa Giêsu cách giới hạn trong việc
chữa bệnh, chị không tin Chúa Giêsu có uy quyền làm cho em chị đã chết 4 ngày
được sống lại. Chúa Giêsu nhấn mạnh niềm tin vào Thiên Chúa làm được mọi sự,
ngay cả việc làm cho người đã chết được sống lại.
(2)
Niềm tin của Chúa Giêsu: Ngài
biết Chúa Cha luôn nhận lời Ngài cầu xin dù bất cứ sự gì. Mục đích của việc cho
Lazarô sống lại là để khơi mào đức tin của dân chúng đang đứng chung quanh
Ngài, chứ không phải để làm vinh danh cá nhân Ngài. Chúa Giêsu muốn dân chúng
tin Ngài là Đấng Messiah, được sai đến bởi Chúa Cha. Cầu nguyện xong, Người kêu
lớn tiếng: "Anh Lazarô, hãy ra khỏi mồ!" Người chết liền ra, chân tay
còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giêsu bảo: "Cởi khăn và vải cho anh
ấy, rồi để anh ấy đi." Chúng ta thử tưởng tượng chính mình được chứng kiến
cảnh tượng này và toàn thân sẽ toát lạnh vì sợ hãi. Xưa nay, chưa từng có ai được
chứng kiến cảnh người đã chết trong mộ 4 ngày nhờ một lệnh truyền được bước ra
khỏi mộ.
(3)
Niềm tin của những người Do-thái: Trong số những người Do-thái đến thăm cô Maria và được
chứng kiến việc Đức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nếu Ngài không bởi
Thiên Chúa mà đến, Ngài sẽ không thể làm được một phép lạ lớn lao như vậy.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Đức Kitô muốn chúng ta sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, để Ngài dẫn chúng
ta đến sự thật trọn hảo. Chúng ta đừng sống theo những đam mê của xác thịt.
-
Thiên Chúa có quyền trên sự sống và sự chết. Chúng ta hãy đặt niềm tin tưởng
vào Ngài và đừng sợ cái chết, nó chỉ là sự thay đổi tạm thời trước khi chúng ta
được sống muôn đời với Ngài.
Lm.Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
06/04/14 CHÚA NHẬT TUẦN 5 MC – A
Ga 11,1-45
Ga 11,1-45
TIN VÀO ĐẤNG LÀ SỰ SỐNG
“Chính Thầy là sự sống lại và
là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin
vào Thầy thì sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không ?” (Ga 11,25-26)
Suy niệm: Chỉ còn hai tuần nữa chúng ta
mừng biến cố quan trọng nhất trong đời sống đức tin của người Ki-tô hữu: Chúa
Ki-tô phục sinh. Thế nhưng chúng ta không chỉ kỷ niệm biến cố đó như một sự
kiện trong quá khứ, mà còn cử hành hồng ân sự sống cho chúng ta hôm nay và mãi
muôn đời. Khi chứng kiến những người thân ra đi, nhất là ra đi đột ngột, tang
gia buồn sầu, chỉ thấy khung trời mịt mù đầy nước mắt. Nếu không có niềm tin
vào sự sống lại và sự sống muôn đời sau cái chết, thì cái gì sẽ nâng đỡ, an ủi
tang gia trước sự phi lý của cái chết? Đấng đã không kết thúc cuộc đời trong
nấm mồ, nhưng đã ra khỏi mồ trong vinh quang, Đấng ấy có thể đưa ta đến vinh
quang phục sinh với Ngài. Chúng ta tin và tôn thờ Đấng ấy.
Mời Bạn: Kinh nghiệm trong những lúc phải tiễn đưa
người thân về nơi an nghỉ có làm bạn mạnh mẽ hơn trong niềm tin vào sự sống lại
của thân xác không?
Sống Lời Chúa: Viếng nghĩa trang và suy niệm
việc Chúa chịu an táng trong huyệt đá.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa, con tin rằng sự chết là một phần của sự sống. Con tin rằng mỗi
khi chúng con bước từ giai đoạn này sang giai đoạn khác của cuộc đời,
thì đều có một cái gì đó chết đi và một cái gì đó mới sinh
ra. Con tin rằng chúng con nếm mùi sự chết trong những lúc
cô đơn, phiền muộn, thất vọng, thất bại, bị ruồng bỏ. Với đức tin của
người tín hữu, con tin rằng cái chết không dập tắt được ánh sáng, mà
chỉ là tắt đèn đi ngủ. Amen.
(Dựa theo Anon, “Tôi tin vào sự
chết”)
Lưỡi hái hay chìa khóa vàng?
Thánh Charles Borrômê sống
ở Italia trên 400 năm trước đây (1538-1584). Khi còn trẻ, Borrômê đầy những
tước vị, danh vọng. Nhưng một lúc Borrômê đã nhận ra ngày nào đó, Ngài sẽ phải
bỏ tất cả. Ngài muốn ghi khắc điều đó, nên nhờ một họa sĩ nổi tiếng vẽ bức bích
họa trong tư thất để diễn tả cái chết. Bức họa hoàn thành: họa sĩ trình bày
thần chết theo lối cổ điển: một bộ xương người nắm chặt lưỡi hái trong tay.
Borrômê ngạc nhiên: “Tại
sao họa sĩ hình dung cái chết bằng chiếc lưỡi hái?”
Họa sĩ đáp: “Vì thần chết
cắt hái mọi cuộc sống. Cái chết hủy hoại mọi cuộc đời.”
“Đồng ý”, Borrômê nói,
“nhưng thần chết cũng mở cửa Nước Trời nữa chứ. Cái chết là cửa ngõ vào đời
sống tốt đẹp hơn. Vì thế, tôi đề nghị họa sĩ xóa chiếc lưỡi hái đi và đặt vào
tay thần chết chiếc chìa khóa vàng.”
Phải, Chúa Kitô đã chết và
đã sống lại. Thập giá là chìa khóa Nước Trời. Thần chết đã buông lưỡi hái và
cầm lấy chiếc chìa khóa vàng. Cửa Trời đã mở ra cho con người vào Nhà Cha.
Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu đã tuyên bố:
“Tôi là sự sống lại và là sự sống”. Lời tuyên bố của Chúa Giêsu trước khi làm
cho Lagiarô sống lại là một trong những lời “lạ tai” nhất đối với người thời
đại cũng như bao người ngoài Thiên Chúa giáo và những người không tin ngày nay.
Nhưng đối với chúng ta, lời tuyên bố đó chính là nền tảng và hy vọng của cuộc
đời.
Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi
là sự sống. Ai đang sống mà tin tôi sẽ không bao giờ chết”. Chúa không nói đùa.
Chúa không thể đùa với sự chết, vì nó hoàn toàn trái nghịch với Ngài. Là sự
sống và đến để đem lại sự sống, Chúa không thể muốn sự chết cho con người. Phép
lạ cho ông Lagiarô sống lại làm chứng rằng Ngài có quyền ban sự sống. Không
phải sự sống như đám đông bao quanh Ngài thầm nghĩ – sống một thời gian rồi
chết – cũng không phải sống lại ngày tận thế mà thôi, như Matta tin tưởng, mà
là sống ngay bây giờ và sống đời đời, như Ngài đã nói: “Ai nghe lời Tôi và tin
vào Đấng đã sai Tôi thì được sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi
chết mà qua cõi sống” (Ga 5,24).
Vậy là có một sự sống khác.
Có một sự sống thật. Sự sống ấy đã bắt đầu từ bí tích Rửa Tội và tiếp tục mãi
đến đời đời. Sự sống thật này không mất đi khi con người chết, nhưng chỉ mất đi
bởi tội lỗi (Ga 8,21). Tội lỗi mới là cái chết thật. Và ngược lại, cái mà chúng
ta coi là sống chưa hẳn là sống.
Chỉ khi nào sống bằng chính
sự sống của Chúa thông ban cho, lúc đó mới là sống thật và bảo đảm sống đời đời
ngan qua cái mà chúng ta gọi là chết.
Thánh Phaolô, trong bài đọc
2 hôm nay (Rm 8,8-11) đã nói đến tình trạng những người “sống mà như chết” và
“chết mà vẫn sống” đó: “Ai sống theo xác thịt, tội lỗi, thì dù có sống cũng như
chết; ngược lại, ai sống theo Thánh Thần thì dù có chết cũng vẫn sống; hơn nữa,
một ngày kia, Đấng đã cho Đức Kitô phục sinh cũng sẽ cho thân xác của những kẻ
sống theo Thánh Thần được sống lại”.
Thưa anh chị em,
Một người nhắm mắt xuôi tay
từ giã cõi đời này được coi là chết. Nhưng nhiều người đang sống vẫn tự coi
mình đã chết. Vì sống mà không có hy vọng, sống không tình thương, sống mà bị
đời bạc đãi, phản bội, sống không ra con người, và nhất là sống trong tội ác.
Sống như vậy, con người không cần đợi đến chết mới là chết. Chúng ta khóc
thương người chết, nhưng biết đâu người sống lại chẳng đáng khóc thương hơn?
Bất cứ ai đã thoát khỏi tội
lỗi và sống trong ân sủng thì đang sống trong sự sống đời đời rồi. Sự chết thể
xác không làm gián đoạn được sự sống thân thiết với Thiên Chúa trong Nước Trời.
Sự sống lại ngày tận thế, sự sống vinh quang đời sau đã bắt đầu ở hiện tại như
cây trái đã bắt đầu trong hạt giống.
Từ Lời Chúa hôm nay, chúng ta
mới có được một cái nhìn lạc quan hơn về thân phận con người chúng ta. Là tội
nhận, là loài người phải chết, nhưng chúng ta đã được Con Thiên Chúa xuống thế
làm người mạc khải tình yêu thương của Thiên Chúa cho chúng ta và Ngài đã thực
hiện công việc cứu chuộc của Thiên Chúa giữa chúng ta và cho chúng ta. Cuối
cùng, bằng chính cái chết và cuộc Phục Sinh của Ngài, Ngài đã giải thoát chúng
ta khỏi chết đời đời và cho chúng ta được tham dự vào sự sống bất diệt của
Thiên Chúa.
Như thế, đối với chúng ta,
những người đã tin nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế và đang cố
gắng sống Lời Chúa dạy, thì sống hay chết, không thành vấn đề, mà chỉ có một
thực tại duy nhất là sống, sống trong Chúa, sống cho Chúa, sống thuộc về Chúa.
Cái chết chẳng qua chỉ là bước vượt qua từ đời sống trần gian đến đời sống vinh
quang vĩnh hằng với Chúa Cha trên trời. Chính vì có sự liên tục giữa hai cuộc
sống mà đời sống trần gian này mới có ý nghĩa và mới quan trọng, đòi hỏi mỗi
người chúng ta phải sống làm sao cho cuộc sống trần gian này là khởi điểm, là
bảo đảm, là dấu chứng cho cuộc sống mai sau.
Anh chị em thân mến,
Trước khi bước vào Tuần
Thánh là đỉnh cao của mầu nhiệm Khổ Nạn Phục Sinh, Giáo Hội đọc bài Tin Mừng
hôm này nhằm kêu gọi chúng ta tin vào Đấng là sự sống lại và là sự sống. Niềm
tin ấy thắp sáng lên trong chúng ta một hy vọng mà trần gian này dù đen tối đến
đâu cũng không thể nào dập tắt được. Đức tin không chuẩn chước cho chúng ta
khỏi những tang chế đau thương, những chia ly mất mát hay sự sợ hãi khi đối diện
với cái chết. Nhưng đức tin là chấp nhận hiểu và sống các biến cố hiện tại dưới
ánh sáng của sự sống siêu việt mà Đức Giêsu Kitô, Đấng là nguồn cội sự sống đã
loan báo.
“Tôi là sự sống lại và là
sự sống. Ai tin Tôi sẽ không chết bao giờ”. “Matta, con có tin điều đó không?”, Chúa Giêsu hỏi.
“Vâng, thưa Thầy, con tin”.
Matta nói lên niềm tin của chị cũng là niềm xác tín của chúng ta: “Con tin Thầy
là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.
Chớ gì khi tuyên xưng: “Tôi
trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”, trong kinh Tin Kính chúng ta
sắp đọc, niềm tin ấy không chỉ được phát biểu cách máy móc ngoài môi miệng,
nhưng sẽ trở nên sức mạnh giúp chúng ta đứng vững trước mọi đau khổ thử thách,
ngay cả cái chết. Đồng thời niềm tin ấy thúc đẩy chúng ta đến với anh em, để
góp phần mang lại sự sống dồi dào cho anh em.
R. Veritas.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
6-4
Thánh Crescentia Hoess
(1682 - 1744)
C
|
rescentia sinh trong một
thành phố nhỏ gần Augsburg, là con gái của một người thợ dệt nghèo nàn. Khi còn
nhỏ, thời giờ để chơi đùa cô đã dùng để cầu nguyện, giúp đỡ những người nghèo
hơn mình, và cô hiểu biết về giáo lý nhiều đến độ được phép Rước Lễ lần đầu vào
lúc bảy tuổi, sớm hơn những người cùng tuổi. Mọi người trong phố gọi cô là
"thiên thần nhỏ."
Khi lớn lên, cô khao khát
được gia nhập dòng Phanxicô. Nhưng tu viện thì nghèo và, Crescentia không có
của hồi môn, nên các bề trên đã từ chối không nhận. Sau đó, trường hợp của cô
được ông thị trưởng thành phố là một người Tin Lành can thiệp, vì nhà dòng có
nặng ơn nghĩa với ông. Cả nhà dòng cảm thấy như bị ép buộc phải chấp nhận cô,
bởi đó đời sống trong tu viện của cô thật khốn khổ. Cô bị coi là một gánh nặng
và không được làm gì khác hơn là các công việc của người đầy tớ. Ngay cả tính
tình vui vẻ của cô cũng bị cho là bợ đỡ hoặc đạo đức giả.
Bốn năm sau, tình trạng của
Sơ Crescentia khá hơn khi bà bề trên mới nhận ra các nhân đức của sơ. Và Sơ
Crescentia được bổ nhiệm là giám đốc đệ tử. Sơ được mọi người yêu mến và quý
trọng đến nỗi, sau khi mẹ bề trên từ trần, Sơ Crescentia được mọi người tín
nhiệm trong chức vụ ấy.
Dưới sự dẫn dắt của Sơ
Crescentia, tình trạng kinh tế nhà dòng khấm khá hơn, và tinh thần đạo đức của
Sơ Crescentia ngày càng lan rộng. Không bao lâu, Sơ Crescentia được các hoàng
thân công chúa cũng như giám mục và hồng y đến xin ý kiến. Tuy nhiên, là một
người con đích thực của Thánh Phanxicô, Sơ Crescentia vẫn hết mực khiêm tốn.
Tinh thần Sơ Crescentia thì
vững mạnh nhưng thể xác của ngài thường đau yếu luôn. Sơ thường xuyên bị đau
đầu và đau răng. Sau đó sơ không thể đi lại được, chân tay từ từ tê liệt, co
quắp lại. Mặc dù đau đớn, sơ vẫn tràn đầy bình an và niềm vui khi sơ từ trần
vào Chúa Nhật Phục Sinh năm 1744.
Sơ được phong chân phước
năm 1900, và được ĐGH Gioan – Phaolô II phong thánh năm 2001.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét