Trang

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

03-03-2015 : THỨ BA TUẦN II MÙA CHAY

03/03/2015
Thứ Ba Tuần II Mùa Chay Năm lẻ

BÀI ĐỌC I:  Is 1, 10. 16-20
"Các ngươi hãy học làm điều lành và tìm kiếm công lý".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Hỡi các Thủ lãnh thành Sôđôma, hãy nghe lời Chúa; hỡi dân thành Gômôra, hãy lắng nghe lề luật của Thiên Chúa chúng ta. Các ngươi hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy,  đừng làm điều xấu nữa, hãy làm điều lành; hãy tìm kiếm công lý, hãy cứu giúp kẻ bị áp bức, hãy xét xử công bằng cho những trẻ mồ côi và bênh vực người goá bụa.
Và Chúa phán: "Các ngươi hãy đến và đối chất với Ta: cho dầu tội lỗi các ngươi như màu đỏ thắm, cũng sẽ trở nên trắng như tuyết; cho dầu đỏ như vải điều, cũng sẽ trở nên trắng như len. Nếu các ngươi quyết tâm nghe Ta, các ngươi sẽ hưởng hoa màu ruộng đất; nhưng nếu các ngươi cố chấp không nghe và khiêu khích Ta, thì lưỡi gươm sẽ tiêu diệt các ngươi, vì miệng Chúa phán như thế".  Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA:  Tv 49, 8-9. 16bc-17. 21 và 23
Đáp:  Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ (c. 23b).
1) Ta không khiển trách ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt Ta luôn. Ta không nhận từ nhà ngươi một con bò non, cũng không nhận từ đoàn chiên ngươi những con dê đực. -  Đáp.
2) Tại sao ngươi ưa kể ra những điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta, ngươi là kẻ không ưa lời giáo huấn, và ném bỏ lời Ta lại sau lưng? -  Đáp.
3) Ngươi làm thế, mà Ta đành yên lặng? Ngươi đã tưởng rằng Ta giống như ngươi? Ta sẽ bắt lỗi, sẽ phơi bày trước mặt ngươi tất cả. Ai hiến dâng lời khen ngợi, người đó trọng kính Ta; ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ.  -  Đáp.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Ga 6, 64b và 69b
Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời.

PHÚC ÂM:  Mt 23, 1-12
"Họ nói mà không làm".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: "Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy, vì thế họ nới rộng thẻ Kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là "thầy". Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha, vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo, vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên". Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)

SUY NIỆM : Biệt Phái giả hình
Có người kể câu chuyện khôi hài như sau: một luật sư mới ra trường thuê một căn nhà sang trọng để làm văn phòng. Nhằm gây ấn tượng nơi các thân chủ tương lai, ông cho gắn một ống điện thoại loại đắt tiền trên bàn làm việc. Ngày khai trương, ông ăn mặc chải chuốt và ngồi chờ đợi trong một tư thế rất tự tin. Có tiếng chuông reo, ông ra mời thân chủ đầu tiên vào văn phòng và để người đó chờ hơn một khắc đồng hồ, trong khi đó ông làm như đang nghe điện thoại. Người thân chủ cười thầm khi nghe cuộc nói chuyện tưởng tượng của ông với một Giám đốc của một cơ quan rất quan trọng trong thành phố. Chấm dứt cuộc nói chuyện tưởng tượng, ông luật sư quay sang hỏi thân chủ: “Thưa ông, tôi có thể làm gì để giúp ông?”. Người thân chủ đầu tiên trả lời: “Thưa ông, tôi là nhân viên của sở viễn thông thành phố, tôi được gửi đến để nối đường giây điện thoại cho ông”.
Những giao tế xã hội dễ khiến cho con người đeo mặt nạ hay đánh bóng khuôn mặt mình bằng những nét giả tạo. Ngay cả trong đời sống tôn giáo, con người cũng dễ bị cám dỗ tô vẽ và đánh bóng gương mặt mình thêm đạo đức. Đó là một trong những thái độ mà Chúa Giêsu đã đả phá một cách gay gắt.
Mùa Chay, người Kitô hữu được mời gọi gia tăng các việc đạo đức: ăn chay, cầu nguyện, hãm mình, bố thí. Ý nghĩa của sám hối dễ bị biến mất khi các việc làm đó biến thành một thứ thi đua, phô trương. Chính vì muốn các tín hữu đề cao cảnh giác trước thái độ phô trương giả hình ấy mà Giáo hội cho chúng ta lắng nghe lời kêu gọi của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay. Qua thái độ phô trương công đức của các Biệt phái và luật sĩ, Chúa Giêsu nêu bật dung mạo của kẻ giả hình. Kẻ giả hình là người muốn đánh lừa người khác bằng các hành vi đạo đức. Họ tìm kiếm vinh dự mà lẽ ra chỉ thuộc về Thiên Chúa. Họ làm những động tác thờ phượng Thiên Chúa, nhưng thật ra chỉ tìm danh vọng và tư lợi. Tựu trung, giả hình là một hình thức tiếm vị Thiên Chúa. Dưới nhiều hình thức khác nhau, giả hình là một nọc độc dễ len lỏi vào tâm hồn người Kitô hữu. Khi con người thực thi những việc đạo đức cốt chỉ để tìm mình, thì lúc đó con người đang rơi vào thái độ giả hình.
Mùa Chay là mùa của hoán cải, là mùa của trở về. Trở về đối với người Kitô hữu chính là trở về với chân lý về con người. Con người đã được tạo dựng để sống cho Thiên Chúa. Chỉ khi nào con người sống trọn cho Thiên Chúa, con người thực sự tìm được chính mình. Chỉ khi nào con người bị tiêu hao vì Thiên Chúa, con người mới đạt được tầm vóc viên mãn của mình. Đó là định luật Chúa Giêsu đã đề ra cho các môn đệ Ngài khi nói: “Ai mất sự sống mình thì sẽ tìm lại được”.
Tìm kiếm và yêu mến chỉ một mình Thiên Chúa, đó là định hướng cơ bản của người Kitô hữu mà chúng ta được mời gọi để đeo đuổi và thực thi trong mùa chay này.


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần II MC
Bài đọc: Isa 1:10, 16-20; Mt 23:1-12.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thực hành đức tin.
Chúng ta thường phán xét con người theo những gì chúng ta thấy bên ngòai, vì chúng ta không thấy được những gì trong tâm hồn họ. Vì thế, chúng ta rất dễ sai lầm trong việc phán đóan và chọn lựa. Đến khi chúng ta phát giác ra đó không phải là con người thật của họ, nhiều lần chúng ta đã phải đau đớn thốt lên: “Thật! không thể nào ngờ được!” Hay, “bề ngòai thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm một bồ dao găm.”
Thiên Chúa phán xét rất khác chúng ta, vì Ngài thấu suốt những gì đang xảy ra trong tâm hồn. Điều nguy hiểm cho chúng ta là vì quá quen với sự phán đóan bên ngòai, nên chúng ta cũng “quen thói đóng kịch” khi đến với Thiên Chúa; và vì thế, chúng ta bị lên án nặng nề.
Các Bài Đọc hôm nay đề phòng chúng ta khỏi những thói quen nguy hiểm này. Trong Bài Đọc I, tiên tri Isaiah kêu gọi các nhà lãnh đạo của Israel hãy vứt bỏ các tội ác khi đến cầu xin với Thiên Chúa. Nếu muốn Ngài nhận lời cầu xin và chúc phúc, họ phải ăn năn xám hối và thực thi công bình. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khiển trách thái độ giả hình và kiêu ngạo của các kinh-sư và Biệt-phái. Ngài đề phòng các tông đồ đừng bắt chước những hành động của họ và dạy dỗ các ông chú ý đến thái độ khiêm nhường và tinh thần phục vụ bên trong.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy sống thành thật và thực thi công bình.
1.1/ Phải thay đổi cuộc sống: Như đã nói nhiều lần, giao ước của Thiên Chúa với Israel là giao ước có điều kiện. Ngài sẽ bảo vệ dân nếu họ tuân giữ Lề Luật; nếu họ bất tuân không giữ, Ngài sẽ để họ làm mồi cho quân dữ. Các tiên-tri được Thiên Chúa gởi đến để nhắc nhở dân biết xét mình và ăn năn trở lại. Tiên-tri Isaiah đưa ra 3 điểm chính:
(1) Trút bỏ tội ác: “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa.” Hai tội chính được nhắc đi nhắc lại nhiều lần bởi các tiên-tri: giả hình khi đến với Thiên Chúa và bất công xã hội.
(2) Xưng thú tội lỗi: Đức Chúa phán: "Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.” Thiên Chúa không chấp tội con người, nhưng sẵn sàng tha thứ khi con người nhận ra tội lỗi của mình và xám hối; không có tội gì là không thể tha thứ đối với Ngài.
(3) Tập làm điều thiện: “Hãy tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ.” Thiên Chúa bênh vực người cô thân cô thế vì những người này ít khi được bảo vệ bởi xã hội. Những người có quyền thế là những người dễ bị mua chuộc và đối xử bất công với những hạng người này.
1.2/ Hậu quả của hành động: Sống thế nào, phải chịu kết quả như vậy. Tiên-tri Isaiah chỉ nhắc lại những gì Thiên Chúa hứa khi làm giao ước với Moses, bằng cụm từ khác: “Nếu các ngươi chịu nghe lời Ta, các ngươi sẽ được hưởng dùng hoa mầutrong xứ. Còn nếu các ngươi từ chối mà phản nghịch, các ngươi sẽ phải ăn gươm ăn giáo." Nói cách khác, nếu họ vâng lời Thiên Chúa và thực thi công bằng, họ sẽ có hòa bình, đất đai sẽ sinh hoa quả để nuôi dưỡng họ; nếu họ bất tuân, chiến tranh sẽ xảy ra: ngọai xâm hay nội chiến, lúc đó họ sẽ chết vì gươm giáo hay phải lưu đày xa quê hương.
2/ Phúc Âm: Tri hành đồng nhất
2.1/ Người đóng kịch: Tài tử nổi tiếng là người nói hay và diễn xuất giỏi, làm sao để sống như nhân vật trong vở kịch; mặc dù biết đó không phải là con người thật của mình. Ví dụ: người nghệ sĩ có gia đình phải đóng vai linh mục hay thầy tu. Người diễn xuất:
(1) Phải giả vờ, không được sống thật: Họ không được nói những gì họ muốn nói; nhưng phải nói những gì đạo diễn muốn họ nói: nhiều khi muốn nói có nhưng phải nói không, hay ngược lại. Ngòai ra, còn phải diễn xuất sao cho đúng tâm tình của vai họ thủ: đang buồn cũng phải giả vui, hay đang vui cũng phải giả khóc. Họ chỉ có thể sống thật với con người của mình sau khi cánh màn nhung khép lại.
Đức Giêsu nhận ra tính kịch sĩ nơi những người Biệt-phái và Kinh-sư khi họ ăn chay, cầu nguyện, và làm phúc bố thí; nên Ngài đã dạy các môn đệ cách làm những việc lành này cho đúng, mà chúng ta đã nghe trong ngày Thứ Tư Lễ Tro. Hôm nay, Chúa Giêsu đề phòng các môn đệ về tài giảng dạy của họ: "Các Kinh-sư và các người Pharisees ngồi trên toà ông Moses mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.”
(2) Phải hóa trang, không được mang những gì mình thích: Những người đóng kịch sợ người ta biết bộ mặt thật của mình, nên phải đeo mặt nạ; hay phải hóa trang kỹ lưỡng để người xem khỏi nhận ra. Điều nguy hiểm cho những người này là nguy cơ bị tha hóa: đeo mặt nạ riết rồi tưởng là mặt thật của mình, hóa trang đóng kịch mãi rồi thành thói quen. Khi phải trở về sống ở đời thực, họ cũng vẫn đóng kịch như đang trên sân khấu vậy. Chúng ta có thể nhận ra tính thay vợ đổi chồng như thay áo của một số các nghệ sĩ.
Các Biệt-phái và Kinh-sư cũng hành động như các nghệ sĩ. Lề Luật khuyến khích họ phải ăn mặc theo lễ nghi mỗi khi lên Đền Thờ cầu nguyện. Mặc lễ phục mãi rồi trở thành thói quen. Họ nghĩ rằng cứ phải đeo những hộp kinh thật lớn trước trán và mang những tua áo thật dài mới có thể cầu nguyện, hay là thành người đạo đức thánh thiện. Họ quên rằng “chiếc áo không làm nên thầy tu;” và Thiên Chúa muốn họ có tâm hồn ngay thẳng khi cầu nguyện.
2.2/ Sống thật với con người của mình:
(1) Sống khiêm nhường: Con người thích quyền bính, danh vọng, và được phục vụ như các Kinh-sư và Biệt-phái: “Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "Rabbi".” Người môn đệ Chúa Giêsu được kêu gọi để làm ngược lại: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”
(2) Biết Thiên Chúa, biết mình, và biết người: Nói một cách tuyệt đối, chỉ có Thiên Chúa mới xứng đáng được gọi là Thầy, Cha, hay Vị Lãnh Đạo. Tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau. Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng chọn và trao trách nhiệm cho mỗi người: cha mẹ, thầy dạy, người lãnh đạo, tiên tri, tư tế … như chúng ta thấy trong Kinh Thánh. Chính Chúa Giêsu, tuy là Thiên Chúa, cũng chọn để gọi Thánh Giuse và Đức Mẹ là cha mẹ mình. Điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây là thái độ khiêm nhường và tinh thần phục vụ khi thi hành bổn phận, chứ không được kiêu ngạo, chú trọng đến danh xưng, và lợi dụng quyền hành.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải sống thành thật với Thiên Chúa, vì chúng ta không thể giấu Ngài bất cứ điều gì. Chúng ta cũng phải sống công bằng và thành thật với nhau, vì không ai muốn bị người khác đánh lừa, và đó cũng là tiêu chuẩn để Thiên Chúa ban ơn và chúc phúc.
- Giáo dục rất cần thiết để trẻ em biết sống thật. Đừng bao giờ dạy dỗ con cái đóng kịch để đánh lừa người khác, vì rất dễ thành thói quen.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

03/03/15 THỨ BA TUẦN 2 MC
Mt 23,1-12

Suy niệm: Người thợ lặn ngọc trai, dù gặp sức nước đẩy ngược lên, vẫn cố lặn sâu đến tận đáy biển để có thể chạm được những vỏ trai chứa ngọc quý giá dưới đáy biển. Cũng vậy, nỗ lực hạ mình sống khiêm nhường của ta thường bị sức đối kháng của sự kiêu căng đẩy ta lên, không để ta sống đúng sự thật về bản thân, là nền tảng cho sự cao trọng của ta. Chiến đấu để sống khiêm nhường là một chiến dai dẳng suốt đời, bởi vì thói cao ngạo, tính kiêu căng, muốn đặt mình làm trung tâm của vũ trụ, là cám dỗ thâm căn cố đế của con người. Người khiêm nhường đẹp lòng Thiên Chúa vì biết mình là gì trước mặt Ngài, và sống theo sư thật đó. Thánh Phanxicô Assisi nhận xét: “Con người trước mặt Thiên Chúa như thế nào, thì thực sự là thế ấy.”
Mời Bạn: A-đam và E-và từng cao ngạo muốn bằng Thiên Chúa, tự phụ không muốn lệ thuộc Ngài. Thời đại hôm nay cũng có nhiều con người kiêu căng như vậy, muốn coi con người như là Tạo Hóa, có quyền đặt ra luật lệ, bản chất cho chính con người, không muốn liên hệ với ý muốn của Đấng sáng tạo ra mình. Bạn nghĩ sao về lập trường này?
Sống Lời Chúa: Đề phòng sự kiêu ngạo theo kinh “Cải tội bảy mối”: thứ nhất khiêm nhượng chớ kiêu ngạo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa cho con sống khiêm nhường,  nhìn nhận đúng sự thật về mình, theo cái nhìn của Chúa, chứ không phải theo cách người đời đánh giá. Xin cho con luôn thờ phượng Chúa trong tâm tình của người môn đệ khiêm nhu, phục vụ anh chị em trong tinh thần huynh đệ khiêm tốn. Amen.

Nói mà không làm
“Đừng để ai gọi mình là thầy, đừng gọi ai là cha...” Lời của Đức Giêsu vẫn là một lời cảnh giác cho Giáo hội mọi thời. 

Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay được đọc trong Mùa Chay
không phải để chúng ta nghiền ngẫm thói hư của một số người Pharisêu,
nhưng để chúng ta soi gương họ mà nhận ra mình.
Chẳng có thói đạo đức giả nào của họ mà ta được miễn nhiễm.
Đạo đức giả đơn giản là một sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất nơi lòng người.
Nói rất hay, giảng rất đúng, nhưng lại chẳng sống điều mình nói hay giảng.
Có một khoảng cách thật xa giữa ngôn và hành.
Chất trên vai người khác gánh nặng của luật lệ với những đòi hỏi chi li,
nhưng chính mình lại không muốn chia sẻ chút nào gánh nặng đó.
Vẫn là khoảng cách giữa nói và làm, giữa mình với người khác.
Đeo trên trán hay cánh tay những hộp kinh thật to, đính những tua áo thật dài:
các cử chỉ này lẽ ra để bày tỏ tình yêu đối với Lời Chúa, qui hướng về Chúa,
thì lại trở nên những cử chỉ qui về mình,
nhằm làm cho người ta thấy mình, thấy sự đạo hạnh của mình, để tìm tiếng khen.
Người đạo đức giả không thực sự tìm Chúa.
Chúa chỉ là phương tiện để họ tự đánh bóng mình trước mặt người đời.
Háo danh là điều họ khó dứt bỏ trong cuộc sống:
ưa ngồi chỗ nhất, ưa chiếm ghế đầu, thích được chào là rabbi…
Cộng đoàn Kitô hữu của Matthêu là một cộng đoàn huynh đệ.
Trong cộng đoàn ấy hẳn có những vị thầy dạy.
Có những bậc thầy cao niên được gọi một cách trân trọng là rabbi.
Có những đấng sáng lập cộng đoàn được gọi một cách kính cẩn là cha.
Nhưng bất chấp điều đó, Đức Giêsu khẳng định:
Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (c.8).
Mọi thành viên trong cộng đoàn đều lệ thuộc như nhau
vào một vị Thầy duy nhất là Đức Giêsu Kitô,
vào một người Cha duy nhất là Cha trên trời.
Các Kitô hữu gọi nhau là anh, là chị, là em,
và đối xử với nhau như anh chị em, con một Cha, học trò một Thầy.
Đừng để ai gọi mình là thầy, đừng gọi ai là cha…”
Lời của Đức Giêsu vẫn là một lời cảnh giác cho Giáo hội mọi thời.
Càng lớn mạnh theo thời gian, Giáo hội càng cần một cơ cấu tổ chức,
bao gồm nhiều chức vụ lãnh đạo có uy quyền.
Làm sao để tinh thần phục vụ khiêm hạ của Đức Kitô thấm vào mọi cơ cấu?
Làm sao để mọi vị thầy của Giáo hội không che khuất Đấng là vị Thầy duy nhất?
Làm sao để các người cha thiêng liêng múc được tình phụ tử dịu hiền
từ Người Cha duy nhất là chính Thiên Chúa?
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.

Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.

Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.

Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.

Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
3 THÁNG BA
Gặp Gỡ Đấng Thánh
Tại chính trung tâm của phụng vụ Mùa Chay, mầu nhiệm về sự thánh thiện vô cùng của Thiên Chúa được công bố cho chúng ta. Mô-sê đã trở thành một chứng nhân đặc biệt của sự thánh thiện ấy. Mầu nhiệm này phải đồng hành với chúng ta mỗi ngày trong cả Mùa Chay cho đến khi sự thánh thiện và tình yêu của Thiên Chúa được công bố qua Thập Giá và Cuộc Phục Sinh của Đức Kitô.
Tuy nhiên, để cho mầu nhiệm vượt qua phát sinh hoa trái dồi dào trong cõi lòng và lương tâm chúng ta, chúng ta phải kinh nghiệm một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa như cuộc gặp gỡ mà Mô-sê đã trải qua tại chân núi Hô-rép.
Vị Thiên Chúa lên tiếng nói với con người tại chân núi ấy là ai vậy? Mô-sê đã hỏi tên Ngài và ông đã nghe câu trả lời: “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14). Theo Thánh Tô-ma A-qui-nô, câu trả lời ấy của Thiên Chúa có thể được diễn dịch thành: “Ta là Đấng mà bản chất của mình là hiện hữu.”
Thiên Chúa nói danh tánh của chính Ngài cho con người. Điều đó cho thấy sự mật thiết của giao ước mà Ngài thiết lập với Abraham và con cháu ông. Thật vậy, Ngài nói với Mô-sê: “Ta là Đấng sẽ giải phóng và cứu vớt dân Ta.”
Thiên Chúa tỏ cho Mô-sê thấy mối quan tâm của Ngài đối với mọi người – và đối với dân Ngài xét như một toàn thể: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập … “ (Xh 3,7-8). Thiên Chúa là Đấng Hiện Hữu, là Đấng Giải Phóng. Ngài là Đấng Sáng Tạo, là Thiên Chúa của giao ước, là Thiên Chúa cứu độ.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 03-3
Is 1,10.16-20; Mt 23,1-12

LỜI SUY NIỆM: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “Ráp-bi”, nghĩa là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau”.
Chúa Giêsu cho biết trong Giáo Hội của Chúa mọi người đều được bình đẳng với nhau, không ai là kẻ lớn người nhỏ, nhưng cùng nhau xây dựng cho nhau nên Thánh, tuy mỗi một người tùy theo khả năng đã được Chúa ban cho, khi chọn gọi, họ có những bổn phận và trách nhiệm khác nhau, nhưng tất cả phải hoàn thành tốt với sự nhiệt tâm của mình.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang ở trong mùa Chay, xin ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết xây dựng đời mình bằng những Bí Tích cần thiết để xây dựng một cộng đồng dân Chúa trong xã hội hôm nay.
Mạnh Phương

03 Tháng Ba
Vàng Bạc Trong Tro Bụi
Trong kinh điển Phật giáo, có ghi lại câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Có một người giàu có và tham lam nọ bỗng thấy tiền bạc của cải của mình biến thành tro bụi. Người đó đau buồn đến độ không còn thiết gì đến ăn uống nữa. Hay tin ông đau liệt, một người bạn tìm đến thăm. Sau khi đã tìm ra nguyên nhân của căn bệnh, người bạn đã nói như sau: "Anh đã không biết sử dụng của cải của anh. Chính vì thế mà anh càng thu tích, thì của cải của anh càng trở thành tro bụi. Xin anh hãy nghe lời khuyên sau đây của tôi: anh hãy đưa cả đống tro bụi vào hiệu buôn của anh. Anh ngồi trên đó và rao bán cho mọi người".
Người giàu có làm theo lời khuyên của người bạn. Ông ngồi trên đống tro và rao hàng. Có người hỏi tại sao ông bán tro, ông trả lời như sau: "Ðây là tất cả tài sản của tôi".
Một ngày kia, có một em bé gái mồ côi đi qua trước cửa hiệu. Em nghèo nhưng trong lòng không hề vương vấn đối với của cải. Thấy người giàu có ngồi trên đống tro, em bé mới nói: "Thưa ngài, ngài không biết là ngài đang bán vàng và bạc đó sao?". Ngạc nhiên trước lời nói chân thành của em bé, người đàn ông mới thành khẩn van xin: "Xin cháu hãy chỉ cho chú biết đâu là vàng, đâu là bạc trong đống tro này?". Ðứa bé đưa tay bốc lên một nắm tro. Tức khắc vàmg hiện lên trên đôi tay em trước sự ngạc nhiên của người giàu có.
Sự vật luôn có hai mặt. Kẻ tham lam nhìn vào chỉ thấy tro bụi và những của cải chóng qua ở đời này, trái lại người có tâm hồn trong sạch sẽ nhìn thấy được những giá trị vĩnh cửu. Kẻ bi quan nhìn vào sự vật sẽ chỉ nhìn thấy bóng tối, nhưng người lạc quan lại nhìn thấy ánh sáng và vẻ cao đẹp của sự vật. "Hãy thử nghĩ đến những sự vật trên trời": đó là lời khuyên vàng ngọc của Thánh Phaolô. Tưởng nghĩ đến những sự trên trời không có nghĩa là sống trong thế giới của mơ mộng, ảo tưởng mà trái lại là sống tích cực trong thế giới này, sống bằng đôi mắt luôn tỉnh thức để nhìn ra chiều kích vĩnh cửu của cuộc sống, sống bằng tâm hồn trong sạch để nhận ra được những giá trị cao đẹp của cuộc sống. "Ðầu đội trời nhưng chân đạp đất": đó là thế đứng đích thực của con người. Cắm rễ trong lòng cuộc sống này, nhưng vẫn luôn hướng nhìn về trời cao. Sống một cách trọn hảo trong từng phút giây của cuộc sống. Sống với tất cả trân trọng từng sinh hoạt hằng ngày. Sống với cái thường nhật của tất cả tin yêu, cảm mến... Ðó chính là cách sống của người có niềm tin.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét