03/06/2015
Thứ Tư sau Chúa Nhật 9 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm
I) Tb 3, 1-11. 24-25 (Hl 1-11. 16)
"Lời
cầu nguyện của hai người trước tôn nhan vinh quang của Thiên Chúa Cao Cả, được
chấp nhận".
Trích
sách Tôbia.
Trong
những ngày ấy, Tôbia thổn thức và khóc lóc cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa,
Chúa công bình, mọi sự xét đoán của Chúa đều công minh, mọi đường lối của Chúa
là từ bi, chân lý và phán quyết. Lạy Chúa, giờ đây xin hãy nhớ đến con, xin
đừng báo oán tội lỗi con, xin đừng nhớ đến những lỗi lầm của con và của cha ông
con. Bởi chúng con đã không vâng theo các giới răn của Chúa, nên Chúa để cho
chúng con bị cướp bóc, tù đày, chết chóc, nhạo báng, và khinh bỉ nơi các dân mà
chúng con bị lưu đày. Lạy Chúa, giờ đây sự xét xử của Chúa thật cao cả và công
bình, vì chúng con không sống theo giới răn Chúa, và không thành tâm tiến bước
trước thánh nhan Chúa. Lạy Chúa, giờ đây xin cứ đối xử với con theo thánh ý
Chúa, và xin hãy cho linh hồn con được an nghỉ; vì thà con được chết còn hơn
sống!"
Cũng
trong ngày đó, xảy ra là Sara, con gái của Raguel, người thành Mêđi, cũng bị
một đứa đầy tớ gái của cha cô lăng mạ, bởi vì cô đã kết hôn với bảy người đàn
ông, nhưng khi họ vừa đến gần cô, thì bị quỷ Asmođêô giết chết ngay. Vậy khi
một đứa tớ gái có lỗi, cô quở mắng nó, nó liền trả lời rằng: "Ðồ sát
chồng, chúng tôi sẽ không nhìn thấy con trai con gái của bà trên mặt đất này.
Nào bà muốn giết tôi như đã giết bảy người chồng của bà đó sao?" Nghe lời
đó, cô liền đi thẳng lên lầu nhà cô, và trong ba ngày đêm, cô không ăn uống gì
cả, cô chỉ cầu nguyện, khóc lóc than van cùng Thiên Chúa, mong Người cứu thoát
cô khỏi cảnh nhục nhã ấy.
Lúc
ấy, lời cầu nguyện của hai người trước tôn nhan vinh quang của Thiên Chúa Cao
Cả, được chấp nhận. Chúa liền sai thiên thần Raphael đến để cứu giúp hai người
trong chính lúc họ dâng lời cầu nguyện lên trước tôn nhan Chúa.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 24, 2-4a.
4b-5ab. 6-7bc. 8-9
Ðáp: Lạy Chúa, con
vươn linh hồn lên tới Chúa (c. 1b).
Xướng:
1) Con tin cậy vào Chúa, xin đừng để con tủi hổ. Xin đừng để quân thù hoan hỉ
về con. Phàm ai trông cậy Chúa, ắt chẳng hổ ngươi, hổ ngươi sẽ là những kẻ liều
thân phản bội. - Ðáp.
2)
Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của
Ngài. Vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, và con luôn luôn cậy trông vào Chúa. -
Ðáp.
3)
Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn
có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài,
thân lạy Chúa. - Ðáp.
4)
Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối, Ngài
hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối
của Ngài. - Ðáp.
Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia,
alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa.
- Alleluia.
Phúc Âm: Mc 12, 18-27
"Người
không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi
ấy, có ít người phái Sađốc đến cùng Chúa Giêsu; phái này không tin có sự sống
lại và họ hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, luật Môsê đã truyền cho chúng tôi
thế này: Nếu ai có anh em chết đi, để lại một người vợ không con, thì hãy cưới
lấy người vợ goá đó để gây dòng dõi cho anh em mình. Vậy có bảy anh em: người
thứ nhất cưới vợ rồi chết không con. Người thứ hai lấy người vợ goá và cũng
chết không con, và người thứ ba cũng vậy, và cả bảy người không ai có con. Sau
cùng người đàn bà ấy cũng chết. Vậy ngày sống lại, khi họ cùng sống lại, thì
người đàn bà đó sẽ là vợ của người nào? Vì cả bảy anh em đã cưới người đó làm
vợ". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Các ông không hiểu biết Kinh Thánh,
cũng chẳng hiểu biết quyền phép của Thiên Chúa, như vậy các ông chẳng lầm lắm
sao? Bởi khi người chết sống lại, thì không lấy vợ lấy chồng, nhưng sống như
các thiên thần ở trên trời. Còn về sự kẻ chết sống lại, nào các ông đã chẳng
đọc trong sách Môsê chỗ nói về bụi gai, lời Thiên Chúa phán cùng Môsê rằng:
"Ta là Chúa Abraham, Chúa Isaac và Chúa Giacóp". Người không phải là
Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống. Vậy các ông thật lầm lạc".
Ðó
là lời Chúa.
Suy Niệm: Có sự sống
lại
Tin
Mừng hôm nay mô tả cuộc đụng độ đầu tiên giữa Chúa Giêsu và nhóm người Sađốc.
Những người Sađốc thuộc về hàng tư tế quí tộc. Về mặt chính kiến, họ theo bọn
xâm lược. Về mặt tôn giáo, họ rất bảo thủ. Ðối với họ, lề luật phải tuân theo
chỉ có trong năm cuốn sách đầu tiên của Bộ Kinh Thánh. Họ phi bác mọi giáo
thuyết xuất hiện sau này do các tiên tri và các bậc trí giả giảng dạy, chẳng
hạn việc kẻ chết sống lại. Do đó chẳng có gì ngạc nhiên khi họ tấn công Chúa
Giêsu về vấn đề này.
Thật
thế, dựa vào niềm tin mà họ cho là đúng đắn, những người Sađốc bắt đầu hỏi Chúa
Giêsu bằng bộ luật Môsê, theo đó khi người chồng chết, nếu người vợ anh ta chưa
có con, thì người anh (hoặc em) chồng phải cưới bà này để nối dõi tông đường.
Họ
đặt ra trường hợp một người đàn bà có bảy đời chồng, vào lúc sống lại, bà ấy sẽ
là vợ của ai trong bảy người anh em vì tất cả đã lấy bà làm vợ? Những người
Sađốc hỏi thế, không phải vì thành tâm tìm kiếm để sống theo sự thật, mà chỉ để
đùa giỡn với sự thật mà thôi.
Chúa
Giêsu biết rõ họ ngoan cố và cố ý thử thách Ngài, nhưng Ngài vẫn điềm tĩnh và
chỉ cho họ thấy sự dốt nát lầm lẫn của họ: Thứ nhất, họ thiếu hiểu biết Kinh
Thánh và quyền năng của Thiên Chúa; thứ hai, hoàn cảnh con người sau khi sống
lại hoàn toàn thay đổi, không giống như lúc còn sống ở trần gian này. Chúa
Giêsu nói rõ có sự sống lại, nhưng sở dĩ họ không tin là vì họ thiếu hiểu biết
Kinh Thánh. Thật thế, trong sách Môsê, đoạn nói về bụi gai, Thiên Chúa phán:
"Ta là Chúa của Abraham, Chúa của Isaac, Chúa của Yacob", Ngài không
là Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Hơn nữa, nếu Thiên Chúa đã phán một lời
liền có mọi sự, chẳng lẽ Ngài không thể làm cho kẻ chết sống lại sao? Sự sống
và sự chết đều do Thiên Chúa, vì thế sự sống lại cũng thuộc về Thiên Chúa. Lại
nữa, khi sống lại từ cõi chết, thân xác con người được biến đổi hoàn toàn, nó
sẽ giống như các thiên thần, giống như Chúa Kitô Phục Sinh, nên không còn phải
chết và cũng chẳng phải dựng vợ gả chồng nữa.
Từ
khi Chúa Giêsu mạc khải về sự thật này, biết bao người đã tin vào Thiên Chúa và
đã sống trọn vẹn với niềm tin đó; biết bao người đã can đảm sống sự thật được
mạc khải, dù phải hy sinh mạng sống, dù phải từ bỏ mọi danh lợi trần gian. Ðó
là gương của những vị anh hùng tử đạo qua bao thế hệ nơi các dân tộc.
Nguyện
xin Chúa soi lòng mở trí chúng ta hiểu biết và mộ mến Lời Chúa dạy trong sách
Kinh Thánh, để chúng ta am tường các mầu nhiệm của Chúa và thực thi thánh ý
Chúa. Xin cho chúng ta trân trọng sự sống, trau dồi cuộc sống tại thế tốt đẹp
để được sống đời đời với Chúa.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư Tuần 9 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Tob 3:1-11, 16;
Mk 12:18-27.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Có sự sống lại và
cuộc sống đời sau.
Niềm tin vào sự sống lại và cuộc sống đời sau là một mặc khải tiệm tiến. Mặc dù
đã có tiềm ẩn trong Cựu Ước; nhưng chỉ với mặc khải của Chúa Giêsu và sự sống
lại của Ngài, niềm tin này mới rõ ràng và chắc chắn hơn.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy sự nhầm lẫn và đau khổ của con người khi
không có niềm tin này. Trong Bài Đọc I, cả ông Tobit và cô Sarah đều cầu nguyện
xin Thiên Chúa cho họ chết đi, vì không chịu nổi những đau khổ và nhạo báng xảy
đến cho họ trong cuộc đời. Trong Phúc Âm, khi những người Sadducees muốn dùng
Lề Luật để chứng minh không có sự sống lại, Chúa Giêsu đã mặc khải rõ ràng về
có sự sống lại qua lời Thiên Chúa nói với Moses trong Xuất Hành 3:6, và thân
xác phục sinh của con người sẽ không còn phải chịu ảnh hưởng của các định luật
vật lý nữa, và họ sẽ sống như các thiên thần trên trời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự quan phòng của
Thiên Chúa
1.1/
Trường hợp của ông Tobit:
Có hai lý do làm ông u sầu: thứ nhất, vì ông phải chứng kiến và chịu quá nhiều
những đau khổ: bị cướp phá tàn nhẫn bởi Dân Ngoại, bị lưu đày, bị mù; thứ hai,
bị châm biếm bởi kẻ thù, và nhất là chịu mỉa mai từ người vợ của mình. Ông
không dám trách Thiên Chúa, vì ông biết đó là hậu quả của việc xúc phạm đến
Ngài từ cha ông, và ngay cả từ chính cá nhân ông: "Vâng, các phán quyết
của Ngài thì nhiều và chân thật; Ngài đối xử như thế với con vì tội lỗi con,
bởi chúng con đã không thi hành mệnh lệnh Ngài và đã chẳng sống theo chân lý
trước nhan Ngài."
Vì không có niềm tin vào sự sống lại và cuộc sống đời sau, nên ông Tobit không
tìm được một lý do nào để tiếp tục sống giữa bao đau khổ và nhạo cười; nên ông
nghĩ chỉ còn một cách: xin Thiên Chúa chấm dứt cuộc đời trên cõi dương gian:
"Xin truyền rút sinh khí ra khỏi con, để con biến khỏi mặt đất và trở
thành bụi đất. Quả thật, đối với con, chết còn hơn sống, vì con đã nghe những
lời nhục mạ dối gian khiến con phải buồn phiền quá đỗi. Lạy Chúa, xin truyền
lệnh cho con được giải thoát khỏi số kiếp gian khổ này. Xin để con ra đi vào
cõi đời đời. Lạy Chúa, xin đừng ngoảnh mặt không nhìn con. Quả thật, đối với
con, thà chết còn hơn là suốt đời phải nhìn thấy bao nhiêu gian khổ, và phải
nghe những lời nhục mạ."
1.2/
Trường hợp của cô Sarah: Có
hai lý do làm cô u sầu: thứ nhất, cô đã 7 lần lấy chồng, nhưng người chồng nào
cũng chết yểu bởi quỉ Asmodeus; thứ hai, cô bị đầy tớ châm biếm là "đồ sát
phu!" và nguyền rủa cho cô cũng bị chết theo những người chồng đó. Vì
không có niềm tin vào sự sống lại và cuộc sống đời sau, nên cô định lên lầu
thắt cổ tự tử; nhưng cô nghĩ đến người cha sẽ phải chịu đau khổ: Người ta sẽ
nhục mạ cha cô và châm biếm: "Ông chỉ có một cô con gái yêu quý, thế mà vì
bạc phận, cô đã thắt cổ tự tử! Như vậy, tôi sẽ làm cho tuổi già của cha tôi
phải buồn phiền đi xuống âm phủ. Nên tốt hơn là tôi đừng thắt cổ tự tử, mà phải
cầu xin Chúa cho tôi chết đi, để đời tôi không còn phải nghe những lời nhục mạ
nữa." Nghĩ như thế, cô dang hai tay về phía cửa sổ, cầu nguyện rằng:
"Chúc tụng Chúa, lạy Thiên Chúa từ nhân! Chúc tụng danh Chúa đến muôn đời,
và mọi công trình của Chúa phải chúc tụng Ngài muôn muôn thuở."
Sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa: "Ngay lúc ấy, lời cầu xin của hai
người là Tobit và Sarah đã được đoái nghe trước nhan vinh hiển của Thiên
Chúa."
2/ Phúc Âm: Người không phải là
Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống.
2.1/
Bẫy giăng của những người Sadducees: Đây là những người thuộc nhóm thống trị và giàu có
của Do-thái. Chức Thượng-tế thường đến từ nhóm người này. Khác với Pharisees là
những người tin cả vào luật bất thành văn và truyền thống, họ chỉ tin vào luật
thành văn, và chú trọng ưu tiên cho Bộ Ngũ Thư. Họ không tin có sự sống lại,
thiên thần, và các thần khí. Trong trình thuật hôm nay, họ muốn dùng Lề Luật
của Moses để chứng minh không có sự sống lại. Theo Sách Đệ Nhị Luật 25:5-6,
"Khi có những anh em ở chung với nhau, và một trong những người đó chết mà
không có con trai, thì vợ của người chết không được lấy một người xa lạ, ngoài
gia đình; một người anh em chồng sẽ đến với nàng, lấy nàng làm vợ và chu toàn
bổn phận của một người anh em chồng đối với nàng. Đứa con đầu lòng nàng sinh ra
sẽ duy trì tên của người anh em đã chết; như vậy tên của người chết sẽ không bị
xoá khỏi Israel."
Dựa trên khoản luật này, họ nghĩ ra một trường hợp không thực tế cho lắm để thử
Chúa. Họ hỏi Người: "Thưa Thầy, ông Moses có viết cho chúng ta rằng:
"Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì
người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình." Vậy có
bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không để lại một đứa
con nối dòng. Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không để lại một đứa
con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy. Cả bảy người đều không để lại một đứa con
nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết. Trong ngày sống lại, khi họ sống
lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì bảy người đó đã lấy bà làm vợ."
2.2/
Câu trả lời của Chúa Giêsu: gồm 2 phần chính:
(1) Thân xác phục sinh khác với thân xác trần thế: Thân xác phục sinh sẽ không
bị chi phối bởi các định luật vật lý mà con người đang chịu bây giờ; vì thế,
"khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng
sẽ giống như các thiên thần trên trời." Sách Enoch cũng đã từng nói:
"Các anh sẽ có nguồn vui vĩ đại như các thiên thần trên trời." Sách
Khải Huyền của Baruch cũng nói: "người công chính sẽ được tạo thành như
thiên thần trên trời."
(2) Chúa Giêsu dùng chính những gì người Sadducees tin để chứng minh có sự sống
lại: Trong Sách Xuất Hành 3:6, nói về thị kiến từ bụi gai của Moses, mà Chúa
Giêsu trưng dẫn hôm nay, Thiên Chúa đã mặc khải cho ông Moses: "Ta là
Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và Thiên Chúa của Jacob."
Chúa Giêsu thêm: "Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của
kẻ sống." Điều này chứng tỏ các Tổ-phụ, Abraham, Isaac, và Jacob, đang
sống; vì thế, những người Pharisees đã lầm to khi không tin có sự sống lại.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần cố gắng tìm hiểu cho biết thấu đáo mọi sự để niềm tin của chúng
ta được vững chắc. Một sự hiểu biết lờ mờ sẽ dẫn chúng ta đến chỗ khủng hoảng
đức tin, và sống phất phơ như liễu trước gió.
- Chúng ta biết chắc Thiên Chúa sẽ công bằng phán xét và trả cho mỗi người tùy
theo công phúc và tội họ đã làm khi còn sống ở đời này. Bổn phận của chúng ta
là cố gắng chu toàn thánh ý Chúa và sống ngay thật mọi ngày trong cuộc đời.
- Niềm tin vào sự sống lại và cuộc sống đời sau là chân lý căn bản của đức tin
Kitô Giáo. Niềm tin này đã từng được mặc khải cách tiềm ẩn trong Cựu Ước, nhưng
đã được mặc khải cách minh bạch và rõ ràng bởi Chúa Giêsu và sự phục sinh vinh
hiển của Ngài.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
03/06/15 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN
Th. Ca-rô-lô Loan-ga và các bạn tử đạo
Mc 12,18-27
Th. Ca-rô-lô Loan-ga và các bạn tử đạo
Mc 12,18-27
Suy niệm: Theo thánh Âu-tinh, không có tín điều nào
trong Ki-tô giáo lại bị chống đối mãnh liệt và dai dẳng như niềm tin vào sự
sống lại. Trường hợp thánh Phao-lô khi giảng đạo ở A-thê-na (Hy Lạp) là một
điển hình. Thính giả ngoại giáo ở đó rất thích nghe thánh Phao-lô giảng, nhưng
khi ngài nói về Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì họ đã cười nhạo và nói: “Vấn đề ấy, để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông” (Cv 17,32). Những người thuộc phái Xa-đốc cũng
cùng một quan niệm tương tự: không có chuyện kẻ chết sống lại vì làm gì có sự
sống đời sau. Chúa Giê-su cho biết cuộc sống đời sau không phải là kéo dài cuộc
sống đời này, nhưng là một cuộc sống mới mà những khát vọng sâu xa nhất của con
người được thoả mãn tròn đầy vì lúc đó họ ở với Thiên Chúa, và họ “sống như các thiên thần.”
Mời
Bạn: Thời
nay không thiếu những người đồng ý với người Xa-đốc. Đối với họ, cuộc sống đời
sau là mơ hồ viển vông, chi bằng tận hưởng cuộc sống trước mắt ở đời này. Chính
sự sống lại và lên trời của Đức Ki-tô chứng thực cho lời xác quyết của Ngài về
cuộc sống đời sau nhờ đó chúng ta nắm chắc niềm tin sẽ được sống lại với Ngài
Sống
Lời Chúa: Tin
vào sự sống lại, tôi tập từ bỏ những gì cản trở hoặc không cần thiết cho cuộc
sống đời sau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cuộc sống trần gian này là một cuộc lữ hành mà
điểm đến là quê trời. Xin cho con sống niềm tin này vững chãi và rõ ràng, để
cuộc sống đời này của con trở thành lời loan báo về cuộc sống hạnh phúc vĩnh
cửu mai sau mà ngày nay chúng con đang hăm hở tiến về. Amen.
Thiên Chúa của kẻ sống
Chúng ta tuyên xưng có sự sống
đời sau qua kinh Tin Kính. Nhưng sống niềm tin ấy giữa thế giới vật chất và vô
tín là điều không dễ. Chỉ xin cho vất vả lo toan đời này không làm ta quên đời
sau.
Suy niệm:
Khi được hỏi về cuộc sống mai hậu,
Đức Khổng Tử đã trả lời đại khái như
sau:
chuyện đời này còn chưa nắm hết, nói gì
đến chuyện đời sau.
Nhưng chuyện đời sau vẫn là thao thức
muôn thuở của con người.
Con người muốn biết sau cuộc sống ngắn
ngủi này, mình sẽ đi về đâu.
Đi mà không rõ đích đến thì sẽ đi lông
bông vô định.
Tiếc là có người đã tin rằng chẳng có
gì sau cái chết!
Nhóm Xađốc cũng thuộc hạng người trên.
Họ là những tư tế Do thái giáo bảo thủ,
không chấp nhận các ý tưởng mới
như chuyện người chết sống lại hay sự
hiện hữu của các thiên thần.
Trong Kinh Thánh, họ chỉ dựa vào Ngũ
Thư, trong đó có sách Đệ nhị luật.
Sách này có nói đến chuyện một người
trong họ hàng gần (Đnl 25, 5-10),
phải lấy bà vợ góa không con của anh em
mình, để có người nối dõi.
Nhóm Xađốc đã đưa ra một trường hợp hãn
hữu và buồn cười (cc. 20-23),
để cho thấy chuyện sống lại là vô lý,
và Môsê cũng chẳng tin chuyện đó.
“Khi sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai?
Vì cả bảy người đều đã lấy bà làm vợ.”
Đức Giêsu đã nặng lời chê các tư tế
trong nhóm này (c. 24).
Họ đã hiểu cuộc sống đời sau như một
thứ kéo dài cuộc sống hiện tại,
nơi đó người ta vẫn cưới vợ, lấy chồng,
vẫn sinh con đẻ cái.
Đức Giêsu cho thấy một bộ mặt khác hẳn
của đời sau.
Người được sống lại là người bước vào
cuộc sống hoàn toàn mới.
Họ sống “như các thiên thần trên trời”
(c. 25),
nghĩa là sống trọn vẹn cho việc phụng
sự Thiên Chúa,
với một thân xác đã được biến đổi nên
giống thân xác Đấng phục sinh.
Nhưng đừng hiểu thiên đàng là nơi mất
đi sự ấm áp của tình người.
“Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên
thiên đàng” (Lc 23, 43).
“Thầy đi dọn chỗ cho anh em, để Thầy ở
đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,3).
Tình yêu với Thầy Giêsu và những mối
dây thân ái giữa người với người,
chẳng có gì bị phá vỡ, nhưng trở nên
hoàn hảo vững bền.
Người ta sẽ không cưới hỏi hay sinh
con,
nhưng tình nghĩa vợ chồng được nâng lên
một bình diện mới.
Đức Giêsu trưng dẫn sách Xuất hành để
minh chứng có sự sống lại.
Thiên Chúa nhận mình là Thiên Chúa của
các tổ phụ Ítraen (Xh 3,15).
Mà người Do thái tin là Ngài không gắn
mình với các anh hùng đã chết.
Vậy Abraham, Ixaác và Giacóp phải là
những người đang sống,
nghĩa là những người đã chết và đã được
phục sinh.
Chúng ta tuyên xưng có sự sống đời sau
qua kinh Tin Kính.
Nhưng sống niềm tin ấy giữa thế giới
vật chất và vô tín là điều không dễ.
Chỉ xin cho vất vả lo toan đời này
không làm ta quên đời sau.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên
cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay
lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng
con. Amen.
Lm
Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Lời Chúa Trong Gia
Đình
03-06 Thứ Tư tuần 9
quanh năm
Thánh Carôlô Loanga
và các bạn tử đạo
Tb
3, 1-11a. 16-17a; Mc 12, 18-27
LỜI
SUY NIỆM: “Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy
chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.” (Mc 12,25).
Đọc
trong các Sách Tin Mừng, chúng ta đều biết Chúa Giêsu đã từng cho nhiều kẻ chết
sống lại như: người con gái mười hai tuổi của ông Giaia (Mc 5,21), hay người
thanh niên con của bà góa thành Naim (Lc 7,!5) cũng như Ladarô (Ga 11,1), đây
chỉ là sự phục hồi sự sống để sống thêm một thời gian; rồi sau đó cũng phải
chết. Còn sự sống lại thật mà Chúa Giêsu muốn cho chúng ta hiểu là một sự hóa
thân toàn diện; là một công trình ân huệ ân sủng của Thiên Chúa ban cho mỗi một
con người với quyền năng của Thiên Chúa. Trong quyền năng ấy Chúng ta được
Thiên Chúa tái sinh. Để được sống lại, và được sống giống như các thiên thần
trên trời.
Mạnh
Phương
Thứ
Tư 3-6
Thánh Charles
Lwanga và Các Bạn
(c.
1886)
Tổ
Chức Truyền Giáo Phi Châu đến Uganda chỉ có 6 năm, tuy nhiên đức tin
của cộng đồng Kitô Hữu ở đây thật đáng ca ngợi mà sự hăng say sống Tin Mừng của
họ vượt cả các linh mục truyền giáo (Các Cha Da Trắng). Nhiều người tân tòng đã
can đảm sống đức tin trong bộ lạc của tù trưởng Mwanga.
Tù
trưởng Mwanga là nhà cai trị tàn ác và thích dâm dục với trẻ em và người cùng
phái. Các Kitô Hữu làm việc trong triều cố gắng bảo vệ những người tiểu hầu
này. Người quản lý các tiểu hầu là một thanh niên Công Giáo hai mươi lăm tuổi,
Joseph Mkasa và anh cũng là người lãnh đạo cộng đồng Kitô Hữu.
Khi
tù trưởng Mwanga giết các nhà truyền giáo Tin Lành, anh Joseph Mkasa đã chất
vấn và lên án hành động của ông. Mwanga rất quý Joseph, nhưng vì anh dám đòi
hỏi ông phải thay đổi lối sống, Mwanga đã quên đi tình bằng hữu ấy và đã tuyên
án tử hình sau khi đâm anh bằng giáo. Trước khi bị chặt đầu và hoả thiêu, anh
Joseph đã tha thứ cho nhà vua.
Anh
Charles Lwanga thay thế vai trò lãnh đạo cộng đồng Kitô Giáo trong triều đình
-- với trách nhiệm gìn giữ các tiểu hầu khỏi bàn tay dâm loạn của tù trưởng.
Một ngày trong tháng Năm 1886, sau khi tù trưởng Mwanga biết tiểu hầu Mwafu
đang được học giáo lý Công Giáo, ông nổi điên và đã dùng giáo đâm chết Denis
Sebuggwago, là thầy dạy các tiểu hầu.
Ðêm
hôm đó, anh Charles Lwanga rửa tội thêm năm tiểu hầu nữa. Sáng hôm sau, việc
rửa tội được khám phá, Mwanga điên tiết, tụ họp tất cả các tiểu hầu và ra lệnh
những ai là Kitô Hữu phải đứng tách sang một bên. Mười lăm người, tất cả đều
dưới 25 tuổi, đồng loạt đứng sang một bên và sau đó có thêm hai người nữa trước
đây đã bị bắt và có cả hai người lính. Khi được hỏi có muốn giữ đạo hay không,
tất cả đều trả lời, "Giữ đạo cho đến chết." Tù trưởng Mwanga
ra lệnh tử hình mọi Kitô Hữu sống trong triều.
Tất
cả ba mươi hai người Công Giáo và Tin Lành được điệu đến một nơi cách đó 37 dặm
để bị thiêu sống. Ba người bị giết trên đường đi. Những người còn lại bị giam
giữ trong bảy ngày để chuẩn bị giàn hoả thiêu. Vào ngày lễ Thăng Thiên, tất cả
các vị tử đạo nằm trên chiếu bằng sậy, được bó lại và cột chặt. Sau khi đổ dầu,
tất cả đều bị thiêu sống.
Việc
bắt đạo bắt đầu lan tràn. Dưới sự cai trị của tù trưởng Mwanga, khoảng 100 Kitô
Hữu đã đổ máu đào làm chứng cho đức tin.
Sau
khi Mwanga từ trần, các linh mục thừa sai trở lại đây, họ thấy số Kitô Hữu đã
lên đến 500 người và một ngàn dự tòng đang đợi để được rửa tội.
Hai
mươi hai vị tử đạo Công Giáo đã được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI phong thánh ngày
18 tháng Mười 1964.
Lời Bàn
Cũng
như Thánh Charles Lwanga, tất cả chúng ta là người rao giảng và chứng nhân cho
đời sống Kitô Giáo. Chúng ta được mời gọi loan truyền lời Chúa, qua lời nói và
hành động. Khi can đảm sống đức tin trong thời đại nhiều thử thách về luân lý,
chúng ta đã sống như Ðức Kitô.
Lời Trích
Trong
chuyến tông du Phi Châu năm 1969, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI nói với
người Uganda, "trở nên một Kitô Hữu là điều tốt lành, nhưng không
luôn luôn dễ dàng."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét