07/06/2015
Lễ Mình Máu Thánh Chúa Năm B
(phần I)
Bài Ðọc I: Xh 24, 3-8
"Ðây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Môsê đến thuật lại cho dân chúng nghe tất cả những lời và lề luật của Chúa, và toàn dân đồng thanh thưa rằng: "Chúng tôi xin thi hành mọi lời Chúa đã phán". Vậy Môsê ghi lại tất cả những lời của Chúa. Và sáng sớm, ông chỗi dậy, lập bàn thờ ở chân núi, dựng mười hai cột trụ, chỉ mười hai chi họ Israel, ông sai các thanh niên trong con cái Israel mang của lễ toàn thiêu và hiến dâng lên Chúa những con bò tơ làm hy lễ giao hoà. Môsê lấy phân nửa máu đổ vào các chậu và rưới phân nửa kia lên bàn thờ. Ông mở quyển giao ước ra đọc cho dân nghe và họ thưa: "Chúng tôi xin thi hành và tuân theo tất cả những điều Chúa đã phán". Vậy ông lấy máu rẩy lên dân chúng và nói: "Ðây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đó".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18
Ðáp: Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa (c. 13).
Hoặc đọc: Alleluia
Xướng: 1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. - Ðáp.
2) Trước mặt Chúa thật là quý hoá, cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Tôi là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tì Ngài, Ngài bẻ gãy xiềng xích cho tôi. - Ðáp.
3) Tôi sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Dt 9, 11-15
"Máu Chúa Kitô tẩy sạch lương tâm chúng ta".
Trích thư gởi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng tế cầu bầu mọi phúc lành tương lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê và tro bò mà người ta rảy trên kẻ ô uế còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Ðức Kitô, Ðấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống. Vì vậy Chúa Kitô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc tội phạm dưới thời Cựu Ước, mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ.
Ðó là lời Chúa.
Ca Tiếp Liên
"Lauda Sion: Hỡi Sion, Hãy Ngợi Khen"
Trước Alleluia, có thể hát hoặc đọc Ca Tiếp Liên này, tất cả hoặc từ câu 21 ("Này đây bánh") cho đến hết.
1. Hỡi Sion, hãy ngợi khen Ðấng cứu độ ngươi, Ðấng lãnh đạo và mục tử của ngươi / với những bài vãn và những khúc ca!
2. Ngươi có sức chừng nào, hãy rán ngợi khen chừng nấy, vì Người vĩ đại hơn mọi lời khen ngợi, và ngươi cũng không đủ sức ngợi khen Người.
3. Ðề tài của sự ngợi khen đặc biệt, đó là bánh sống và tác thành sự sống, ngày hôm nay đã đặt ra cho ngươi.
4. Ðó là bánh mà trên bàn tiệc thánh, cho đoàn thể mười hai người anh em, Chúa đã ban tặng chẳng khá nghi ngờ.
5. Hãy xướng lên lời ca khen ngợi đầy đủ, lời ca hoan hỉ và râm ran, tâm thần hãy vui mừng rạng rỡ!
6. Vì đây là ngày trọng thể, ngày kỷ niệm bàn tiệc thánh / lần đầu tiên được thiết lập ra.
7. Tại bàn tiệc này của Ðấng Tân Vương, lễ Vượt Qua mới theo luật pháp mới / chấm dứt lễ Vượt Qua của thời đại cũ.
8. Lễ nghi cũ nhường chỗ cho sự thực; đêm tối tăm nhường chỗ cho sự sáng sủa.
9. Ðiều mà Chúa Kitô đã làm trong bữa tiệc ly, thì Người đã ra lệnh cho thực thi điều đó để nhớ lại Người.
10. Nhờ lời thánh huấn của Người dạy bảo, chúng ta làm phép cho bánh và rượu / trở nên lễ vật hy sinh ban ơn cứu độ.
11. Ðây là tín điều dạy người Kitô hữu rằng / bánh trở nên thịt Chúa, và rượu trở nên máu Người.
12. Ðiều bạn không hiểu, không xem thấy, thì đức tin mạnh mẽ xác nhận xảy ra, ngoài luật lệ thiên nhiên.
13. Dưới những hình sắc khác nhau, chúng chỉ là biểu hiệu, không còn thực chất, có ẩn nấp những thực tại cao siêu.
14. Thịt Chúa là của ăn, máu Người là thức uống, nhưng Chúa Kitô vẫn còn đầy đủ dưới mỗi sắc hình.
15. Người không bị kẻ lãnh nhận nghiền nát, không bị bẻ gẫy, không bị phân chia, nhưng Người được thiên hạ lãnh nhận toàn thân.
16. Một người lãnh nhận, ngàn người lãnh nhận, những người này cũng lãnh bằng những người kia, thiên hạ ăn thịt Người mà Người không bị tiêu hao.
17. Người lương thiện lãnh, kẻ ác nhân cũng lãnh, nhưng số phận họ không đồng đều: hoặc được sống hay là phải chết.
18. Kẻ ác nhân phải chết, người lương thiện được sống; hãy coi, cùng một của ăn như nhau, mà kết quả khác xa biết mấy.
19. Hình bánh bị vỡ, chớ khá lo âu, nhưng hãy nhớ rằng / trong miếng vỡ cũng như trong toàn thể / Chúa vẫn hiện diện đầy đủ như nhau.
20. Bản chất không hề bị bẻ vỡ, duy có biểu hiệu bị phân chia, nhưng không giảm thiểu tình trạng và dáng vóc của Ðấng ẩn dật bên trong.
21. Này đây bánh của các thiên thần, biến thành lương thực của khách hành hương; thực là bánh của những người con cái, không nên ném cho loài khuyển.
22. Bánh này đã được báo trước bằng hình ảnh, khi người ta sát tế Isaac, chiên của lễ vượt qua đã được kể ra, khi cha ông chúng ta được tặng manna.
23. Lạy Chúa Giêsu là mục thủ tốt lành, là bánh thực, xin Người thương xót, chăn nuôi và bảo vệ chúng con; xin Người ban cho chúng con nhìn thấy / những điều thiện hảo trong cõi nhân sinh.
24. Chúa là Ðấng thông biết và có thể làm nên mọi sự, Chúa nuôi dưỡng chúng con trong đời sống tạm gửi này, trên cõi cao xanh, xin cho chúng con được trở nên thực khách đồng bàn của Chúa, đồng thừa kế và đồng danh phận / với những công dân thánh của nước trời. Amen. Alleluia.
Alleluia: Ga 6, 51-52
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời". - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 14, 12-16. 22-26
"Này là Mình Ta. Này là Máu Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: "Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?" Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: "Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: 'Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?' Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó". Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.
Ðang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: "Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta". Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: "Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa". Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Mầu nhiệm hàm chứa trong bí tích tình yêu
Câu kết và cả bài Phúc Âm hôm nay dường như lại muốn đưa chúng ta trở về bầu khí của ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Mà quả thật, ngày lễ hôm nay bắt nguồn từ ngày đó. Hôm ấy, chúng ta kính nhớ việc Chúa Yêsu lập phép Thánh Thể. Ðó là biến cố đặc biệt và thâm thúy quá, lẽ ra phải để ra nhiều giờ mà suy niệm. Nhưng hôm ấy, Giáo hội phải vội đi theo Chúa Yêsu trong mầu nhiệm cứu thế. Bỏ bàn Tiệc ly Chúa với các môn đệ ra đi lên núi Cây Dầu. Rồi Chúa bị bắt, bị tra, bị đánh, bị đóng đinh vào thánh giá... Biết bao là việc kế tiếp nhau dồn dập! Giáo hội phải âu yếm đi theo Chúa ngay, không thể dừng lại lâu để suy nghĩ về bí tích Thánh Thể mà Chúa vừa thiết lập. Giáo hội hôm đó chỉ chầu Mình Thánh Chúa một lúc thôi. Nên hôm nay, sau khi đã đi hết chu kỳ phụng vụ và tưởng niệm hết các mầu nhiệm chính trong lịch sử cứu độ, Giáo hội dừng chân, lấy lại công việc bỏ dở hôm trước chạy đến với bí tích Thánh Thể một lần nữa để tìm hiểu cho hết ý nghĩa sâu xa của bí tích tình yêu này.
Và Giáo hội thấy đây là một mầu nhiệm cao cả, mầu nhiệm bao trùm, chứa đựng mọi mầu nhiệm khác. Hát ca tung hô mấy cũng không vừa. Vì thế Giáo hội khuyến khích chúng ta cố gắng tối đa để tôn sùng mầu nhiệm ấy. Lễ Mình Thánh Chúa trở thành một lễ lớn làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi lễ khác, đến nỗi trong suốt năm, lễ nào cũng chỉ là lễ Thánh Thể tạ ơn. Thế nên, mầu nhiệm lễ này không thể diễn tả một lần. Hy vọng đây chỉ là khởi điểm cho những suy niệm sâu xa hơn.
Ðể bắt đầu, chúng ta hãy nhớ lại bài Phúc Âm. Hôm ấy các môn đệ hỏi ý Chúa Yêsu về việc dọn lễ Vượt qua. Ðó là ngày hội lớn trong dân. Càng những người đạo đức như các tông đồ lại càng háo hức mừng lễ trọng đại này. Vì hôm nay toàn dân sẽ tưởng niệm Ngày hoàn toàn được giải phóng khỏi ách nô lệ, được đưa vào đất chảy sữa và mật. Kỷ niệm ấy lại càng đáng nhắc nhở khi dân Chúa ngày nay đang sống dưới ách ngoại bang. Khơi lại lịch sử cũ và sưởi ấm lòng người để quy hướng về tương lai.
Các tông đồ muốn ăn lễ Vượt qua trong viễn tượng trông chờ ngày cứu độ mà các tiên tri từng nói tới. Chúa Yêsu chia sẻ những cảm tình đó. Người tỏ ra rộng rãi, bảo môn đệ đi dọn một căn phòng trang trọng. Rồi, như Phúc Âm Yoan cho chúng ta biết, Người đã bước vào phòng ăn một cách đặc biệt, bởi vì Người biết đã đến giờ Người hành động, nên Người tuyên bố: Thầy đã từng ước ao ăn lễ Vượt qua này với chúng con. Câu nói hẳn đã làm cho các môn đệ phải lưu ý. Thầy sắp có một hành vi nào đây. Phải chăng Người sắp công bố Công cuộc cứu dân độ thế của Người. Người vẫn xưng mình là đấng phải đến, là Ðấng Thiên Sai cứu thế. Thì đây là lúc thuận tiện nhất để công bố một kế hoạch như vậy. Tâm lý mọi người ngồi ăn đang hướng về tương lai cứu độ.
Có lẽ vì vậy mà vừa ngồi xuống, các môn đệ đã bắt đầu tranh nhau xem ai sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời. Họ như đã được lôi vào bầu khí, tưởng bữa tiệc hôm nay sẽ khai Nước Trời ở trần gian. Ðủ mặt 12 tông đồ đại diện cho 12 chi tộc Israel. Thế nên bữa ăn này như đúc kết tất cả lịch sử dân tộc Dothái. Nó nhắc lại hôm mừng lễ Vượt qua chuẩn bị Xuất hành, từ giã nơi nô lệ lầm than để đi vào đất hứa tự do trù mật. Nó cũng gợi đến bữa ăn giao ước như bài đọc I hôm nay vừa thuật: Môsê cùng dân làm lễ cam kết trung thành với Thiên Chúa. Và nhất là nó nghĩ đến bữa ăn cứu độ mà một Isaia đã loan báo: Thiên Chúa sẽ dọn ra trên đồi Sion cho muôn dân đến no thỏa. Chính Ðức Kitô cũng đã từng ví Nước Trời như một bữa tiệc trọng đại.
Lời nói và thái độ của Chúa Yêsu hôm nay rõ ràng như muốn thực hiện điều đó ở trong bữa ăn này. Thế nên bàn tiệc Thánh Thể quả thật là Nước Trời. Quá khứ, hiện tại, tương lai phải lấy đây làm mốc. Tất cả lịch sử cựu ước hướng về bữa ăn này; và tất cả tương lai của lịch sử cứu độ cũng phát xuất từ đây. Ước gì mỗi khi đến dự bàn tiệc Thánh Thể chúng ta có được tâm trạng của các môn đệ ngày xưa cảm thấy đây là giây phút trọng đại của tất cả lịch sử loài người.
Quả thật, Phúc Âm hôm nay kể tiếp: đang khi ăn, Chúa Yêsu cầm lấy bánh mà đọc: này là Mình Ta sẽ bị nộp vì chúng con. Rồi Người lại cầm lấy chén rượu mà phán: Này là Máu Ta, Máu tân ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho muôn người được khỏi tội. Thật là rõ ràng, Chúa Yêsu đã biến mình trở thành con chiên vượt qua. Bữa ăn này không phải chỉ tưởng niệm lễ Vượt qua của người Dothái nữa, nhưng từ nay muốn thay hẳn lễ vượt qua này. Vì Con Chiên Vượt qua đích thực là đây, nơi con người mà trước kia Yoan đã trỏ vào mà nói: đây là Con Chiên Thiên Chúa gánh tội thiên hạ. Hôm ấy, Anrê đã có mặt... Ông đã nghe rõ lời Yoan. Ông xin Yoan cho đi theo Chúa Yêsu. Hôm nay chắc ông mới hiểu rõ lời của Yoan, vì trong lễ Vượt qua này, rõ ràng Chúa Yêsu đã muốn bỏ quên máu chiên để nói máu mình.
Và bữa ăn hôm nay, với những lời tuyên bố kia, rõ rệt cũng muốn thay thế lễ nghi ký kết giao ước như Môsê đã làm. Hôm ấy như bài đọc I hôm nay kể, ông đã lấy máu bò rảy trên dân để tuyên bố giao ước giữa Chúa và dân. Hôm nay Ðức Kitô đã lấy chính máu mình đưa cho các môn đệ uống và công bố đó là máu giao ước mới và vĩnh cửu. Như vậy cũng đã chấm dứt giao ước cũ và dĩ hậu trong tương lai cũng chẳng còn giao ước nào khác nữa vì đây đã là giao ước mới và vĩnh cửu rồi.
Thành ra các lời tiên tri loan báo Nước Trời, về bữa ăn thịnh soạn sẽ bày ra trên đỉnh đồi Sion để công bố thời đại thiên sai hòa giải nay cũng đã được thực hiện trong bữa ăn giữa Chúa và các môn đệ... Các tiên tri đã loan báo thời đại cứu thế như thời thái hòa: Chúa tha hết tội lỗi cho dân, dân trở thành nơi quy tụ các dân tộc, các dân tộc sống với nhau trong hòa bình và thông cảm. Hôm nay cầm lấy chén rượu, Chúa Yêsu tuyên bố đây là chén máu của giao ước mới và vĩnh cửu, tha tội cho dân và cho mọi người. Chúa Yêsu muốn thực hiện mọi lời tiên tri, khiến bàn tiệc Thánh Thể hôm nay trở thành bàn tiệc Nước Trời và ai muốn được ơn nào bởi trời, phải đến với bàn tiệc Thánh Thể.
Quả vậy, trong bàn tiệc này, không thiếu một ơn trên trời nào. Chúng ta cần trời ban cho những ơn nào? Sức khỏe phần xác và giàu sang phú quý ư? Chắc chắn đó không phải là những ơn đầu tiên chúng ta cần trời ban cho. Những ơn đó quá gần với mặt đất, nên có cầu xin, chúng ta cũng chỉ coi như là những ơn phụ, đi kèm và biểu lộ những ơn phần hồn quan trọng hơn.
Chính Chúa Yêsu cũng có ý như vậy khi dùng bánh rượu vào tiệc bồi dưỡng tâm hồn. Chúa ban Mình Máu Người cho ta dưới hình thức bánh rượu để nói lên ý Chúa muốn nuôi dưỡng tâm hồn ta nhưng cũng không quên đời sống vật chất của mọi người. Những ơn mà ta cần trời ban cho hơn cả chính là tình thương của Thượng đế, ơn tha tội mà chỉ mình Người mới có thể ban được, để chúng ta được hòa giải với Người hầu sống trong tình thương của Người.
Thế mà Thánh Thể lại muốn ban chính ơn ấy cho ta. Chén máu mà chúng ta lãnh nhận là chén máu giao ước tha tội. Và tấm bánh mà chúng ta cầm ăn chính là mình Chúa chịu nộp vì chúng ta. Lãnh nhận Thánh Thể như vậy là lãnh nhận được ơn cao cả nhất mà chúng ta cần được Chúa ban cho. Mọi ơn khác được bao hàm trong ơn cứu độ phong phú này. Tìm đến với Thánh Thể là tìm được điều cần thiết duy nhất và mọi sự khác sẽ được ban thêm cho. Chúng ta chỉ còn việc làm cách nào hầu lãnh nhận được ơn Thánh Thể cho sung mãn.
Chính Chúa Yêsu khi lập Bí tích Thánh Thể đã gợi ý cho ta: chúng con hãy làm việc này để nhớ đến Ta. Và thánh Phaolô đã quảng diễn: mỗi khi ăn bánh và uống chén rượu này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết cho đến khi Người lại đến. Nghĩa là chúng ta luôn luôn phải cử hành mầu nhiệm Thánh Thể trong bầu khí Chúa chịu chết của ngày thứ Năm Tuần Thánh. Chúng ta phải có tâm tình hơn những người Dothái khi ăn thịt chiên vượt qua, vì Mình Thánh Chúa đây mới thật là thịt chiên vượt qua của đạo mới. Thế mà người Dothái ngày trước khi ăn lễ chiên đã có tâm trạng dứt khoát từ bỏ nếp sống nô lệ để dấn thân vào nếp sống tự do mới mẻ. Chúng ta tham dự phụng vụ Thánh Thể phải có tâm hồn cương quyết hơn nữa muốn dứt bỏ đời sống tội lỗi và xác thịt để sống cho Thiên Chúa. Và như dân Dothái ngày xưa khi làm lễ giao ước đã thề hứa sống liên kết với Chúa và trung thành với Lời Chúa thế nào, thì chúng ta ngày nay càng cần phải có tâm trạng như thế vì trong bàn tiệc Thánh Thể này có máu giao ước thật thay cho máu bò xưa.
Nếu tham dự lễ nghi Thánh Thể trong viễn tượng ấy, chúng ta có thể nhìn vào Mình Máu Thánh Chúa mà nói với tác giả thư Hibá như chúng ta vừa nghe đọc: Chúa Kitô xuất hiện như vị thượng tế... Người hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch... Máu Người sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta, khiến chúng ta có thể phụng thờ Thiên Chúa hằng sống... và nhờ sự chết của Người mà những kẻ được kêu gọi đến lãnh gia nghiệp đời đời.
Ít là hôm nay chúng ta hãy tham dự thánh lễ với tất cả những ý nghĩa đó. Và mong rằng ngày hôm nay khi tôn sùng Thánh Thể bằng bao nghi thức long trọng bên ngoài, chúng ta hằng suy niệm trong lòng tất cả các mầu nhiệm hàm chứa trong bí tích tình yêu, để ai tin và ăn bánh này sẽ được trường sinh.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật Lễ Mình Máu Chúa, Năm B
Bài đọc: Exo 24:3-8; Heb 9:11-15; Mk 14:12-16, 22-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu hy sinh Mình và Máu Người cho chúng ta được sống.
Mỗi năm, tại các quốc gia trên thế giới, người ta thường có một ngày đặc biệt (Memorial Day) để tưởng nhớ các chiến sĩ đã bỏ mình vì chính nghĩa. Đây là những con người đã hy sinh bản thân bằng cách đổ máu, để bảo vệ tổ quốc và dân lành khỏi kẻ thù. Ngày Lễ Mình và Máu Thánh Chúa hôm nay, chúng ta cũng dành để tưởng niệm Đức Kitô, không những đã hy sinh thân mình và đổ máu cứu con người khỏi chết, cho con người được sống đời đời, mà còn muốn ở với con người mọi ngày cho đến tận thế, qua việc thiết lập Bí-tích Thánh Thể. Ngài có thể làm những chuyện này vì Ngài có uy quyền và Ngài yêu thương con người.
Các Bài Đọc hôm nay tường thuật tình yêu Thiên Chúa qua các việc Ngài làm để cứu chuộc con người. Trong Bài Đọc I, vì con người không ngừng xúc phạm đến Thiên Chúa, nên để được tha tội, con người cần dâng các súc vật. Máu của các súc vật đổ ra để cho con người khỏi chết và được sống. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái so sánh lễ vượt qua và giao ước Sinai được thực hiện qua ông Moses, với lễ vượt qua và giao ước mới, được thực hiện qua Đức Kitô. Ngài là Bánh Không Men và Chiên Vượt Qua của giao ước mới, sẵn sàng hy sinh để chết thay cho con người, và làm cho họ được sống muôn đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sai các môn đệ vào thành Jerusalem để chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Đang khi dùng bữa, Ngài đã thiết lập Bí-tích Thánh Thể, để hiến Mình và Máu cho con người được sống cả đời này và đời sau. Ngài cũng truyền cho các môn đệ phải làm những điều đó thường xuyên để tưởng nhớ đến Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Giao ước Sinai được chứng thực bằng máu của chiên bò.
1.1/ Thiên Chúa thiết lập giao ước trên núi Sinai với dân người: Trước khi tiến vào Đất Hứa, Thiên Chúa muốn thiết lập với dân người một giao ước. Vì con người không thể chịu nổi khi Thiên Chúa muốn nói với họ; nên họ đã xin Thiên Chúa nói với họ qua ông Moses. Sau khi đã nhận chỉ thị của Thiên Chúa, ông Moses xuống thuật lại cho dân mọi lời của Đức Chúa và mọi điều luật. Toàn dân đồng thanh đáp: "Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành." Giao ước là một thỏa thuận của hai bên chính thức ký kết một số điều để bảo vệ nhau. Theo giao ước Sinai, Thiên Chúa hứa sẽ bảo vệ dân, và dân hứa sẽ thi hành mọi điều luật của Ngài.
"Ông Moses chép lại mọi lời của Đức Chúa. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Israel. Rồi ông sai các thanh niên trong dân Israel dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế Đức Chúa. Ông Moses lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: "Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.""
1.2/ Giao ước được ký kết bằng máu chiên bò: "Bấy giờ, ông Moses lấy máu rảy lên dân và nói: "Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này."" Người Do-thái quan niệm: "máu là sự sống." Khi giao ước được ký kết bằng máu, họ lấy sự sống mà thề với Thiên Chúa là họ sẽ giữ Lề Luật của Ngài; nhưng họ đã vi phạm giao ước nhiều lần sau khi đã ký kết với Thiên Chúa. Để được tha thứ, Thiên Chúa truyền cho họ phải sát tế các súc vật để lấy máu làm của lễ hy sinh đền tội cho họ, như Sách Levi viết: "vì mạng sống của xác thịt thì ở trong máu, và Ta, Ta đã ban máu cho các ngươi, trên bàn thờ, để cử hành lễ xá tội cho mạng sống các ngươi. Thật vậy, máu xá tội được vì nó là mạng sống. Vì thế, Ta đã bảo con cái Israel: Không một ai trong các ngươi được ăn huyết, ngoại kiều sống giữa các ngươi cũng không được ăn huyết." (Lev 17:11-12).
2/ Bài đọc II: Người đã vào cung thánh không phải với máu súc vật, nhưng với Máu của Mình.
2.1/ Máu của giao ước cũ và máu của giao ước mới: Máu của giao ước cũ chỉ là hình ảnh và phải được kiện toàn bằng Máu của giao ước mới. Tác giả Thư Do-thái đã so sánh một cách chi tiết hai giao ước cũ và mới, rồi đưa đến kết luận như sau: Giao ước mới hoàn hảo hơn giao ước cũ: "Nhưng Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này. Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta." Đức Kitô là Thượng Tế cao trọng hơn tất cả các thượng tế, vì các lý do sau:
(1) Ngài không phải dâng lễ đền tội cho mình vì Ngài không có tội; trong khi các thượng tế khác phải dâng lễ đền tội cho mình trước khi dâng lễ đền tội cho người khác.
(2) Ngài tự nguyện hy sinh chính Mình để làm của lễ đền tội cho con người, và chỉ cần một lần là đủ. Từ nay, con người không cần phải dâng lễ vật chiên bò mỗi khi phạm tội nữa.
(3) Các Thượng Tế mỗi năm chỉ được vào trong Nơi Cực Thánh của Đền Thờ (nơi Thiên Chúa hiện diện) một lần trong Ngày Xá Tội, Đức Kitô vào một cung thánh hoàn hảo hơn trên trời, và Ngài luôn luôn ngự bên hữu Thiên Chúa để chuyển cầu cho con người. Khi chịu chết, Đức Kitô đã xé tan bức màn ngăn cách giữa hai nơi thánh và cực thánh trong Đền Thờ; vì thế, tất cả mọi người đều có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa qua Đức Kitô bất cứ lúc nào.
(4) Máu của Đức Kitô không thể so sánh với máu của chiên bò: "Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống." Thứ nhất, Máu của Đức Kitô đổ ra là máu tình nguyện, "làm theo ý Thiên Chúa;" chứ không phải máu của các súc vật bị bắt phải đền tội. Thứ hai, Máu của Đức Kitô là Máu của Con Thiên Chúa. Sau cùng, Máu của Đức Kitô đổ ra không những có sức thanh tẩy tội lỗi, còn có sức thánh hóa và thông ban cho con người sức sống thần linh.
2.2/ Công dụng của máu:
(1) Thanh tẩy: Máu của thân thể luân chuyển để lọc bỏ các chất dơ trong các phần của thân thể. Máu của giao ước cũ là máu của súc vật đổ ra để thanh tẩy tội lỗi cho con người. Máu của giao ước mới thanh tẩy tội lỗi cho con người một lần là đủ: "Bởi vậy, Người là trung gian của một giao ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ. "
(2) Nuôi sống: Máu là biểu tượng của sự sống vì máu luân chuyển và nuôi dưỡng mọi phần của thân thể. Máu các súc vật đổ ra để chết thay cho con người. Máu Đức Kitô đổ ra để chết thay cho con người và khôi phục lại sự sống đời đời cho con người: "Máu Đức Kitô đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa."
(3) Liên kết: Máu liên kết các phần của thân thể với nhau. Trong Cựu Ước, ngày lễ Xá Tội (Yon Kippur) được mệnh danh là "at-one-ment = trở thành một," để liên kết con người với Thiên Chúa và với nhau. Trong Tân Ước, máu của Đức Kitô liên kết chúng ta, những chi thể của một thân thể là Giáo Hội, với Đức Kitô là Đầu.
3/ Phúc Âm: "Đây là máu Thầy, máu giao ước mới, đổ ra vì muôn người."
3.1/ Lễ Vượt Qua của Đức Kitô: có bối cảnh lịch sử từ Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Trong biến cố Vượt Qua này, Thiên Chúa giải thoát dân tộc Do-thái khỏi làm nô lệ cho người Ai-cập, và đem họ vào vùng Đất Hứa tràn trề sữa và mật. Chúa Giêsu cũng ví Cuộc Thương Khó của Người như một vượt qua: "khi biết đã đến giờ Người sắp sửa từ giã cuộc đời này để về với Thiên Chúa" (Jn 13:1). Trong Lễ Vượt Qua cũ, bánh không men và chiên vượt qua là hai thứ không thể thiếu để mừng lễ: máu chiên dùng để bôi trên cửa nhà, để thiên thần vượt qua mà không vào sát hại như sát hại các con đầu lòng của người Ai-cập.
3.2/ Chúa Giêsu thiết lập Bí-tích Thánh Thể: Trong Lễ Vượt Qua mới, bánh không men chính là Mình Chúa Giêsu, như trình thuật kể: "Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy." Chiên Vượt qua mới là máu của Đức Kitô: "Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: "Đây là máu Thầy, máu giao ước, đổ ra vì muôn người."
Trong Cuộc Vượt Qua mới, Đức Kitô cũng giải thoát con người khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết bằng chính Mình và Máu của Ngài. Sau khi ăn Lễ Vượt Qua, người Do-thái phải lên đường bắt đầu cuộc hành trình qua Biển Đỏ. Chúa Giêsu và các môn đệ cũng thế, sau khi đã thiết lập Bí-tích Thánh Thể, Chúa Giêsu và các môn đệ hát thánh vịnh, Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ ra núi Olive để cầu nguyện và chịu thử thách.
Cuộc sống của mỗi người cũng thế, sau khi đã lãnh nhận thần lương của Bí-tích Thánh Thể, chúng ta cũng phải vào cuộc đời để đương đầu với những khó khăn và thử thách hằng ngày của cuộc sống như: bệnh tật; học hành và công ăn việc làm; bất đồng, hiểu lầm, chia rẽ, và hận thù đến từ các mối liên hệ với tha nhân, cộng thêm vào những lo lắng tương lai... Chính sự sống thần linh nhận được từ Bí-tích Thánh Thể sẽ giúp chúng ta có đủ sức mạnh và nghị lực, để vượt qua tất cả các khó khăn này. Nếu không năng lãnh nhận thần lương, làm sao chúng ta tìm được sức mạnh để vượt qua các khó khăn của cuộc sống?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Bí-tích Thánh Thể là Bí-tích tình yêu. Vì yêu nên Đức Kitô đã lập ra để ở lại với con người mỗi ngày cho đến tận thế. Chúng ta cần năng lãnh nhận Bí-tích này để xin Ngài gia tăng tình yêu cho chúng ta.
- Bí-tích Thánh Thể là Bí-tích đem lại sự sống. Chúng ta không chỉ sống cách thể lý; nhưng phải sống đời sống thiêng liêng. Bí-tích Thánh Thể cung cấp sức mạnh tinh thần, để chúng ta có nghị lực vui sống và vượt qua các khó khăn mỗi ngày.
- Bí-tích Thánh Thể là Bí-tích hiệp nhất. Bí-tích này liên kết con người với Thiên Chúa và với nhau. Để có thể chung sống hài hòa, chúng ta cần năng lãnh nhận Bí-tích này.
Lm.Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
07/06/15 CHÚA NHẬT TUẦN 10 TN – B
LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA
Mc 14,12-16.22-26
LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA
Mc 14,12-16.22-26
Suy niệm: Các trình thuật Tin Mừng từ phép lạ bánh hóa nhiều, bữa Tiệc ly, đến bữa tối với các môn đệ Em-mau, đều cho thấy Đức Giê-su làm bốn động tác quen thuộc: “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao ban.” Bốn động tác ấy trở thành biểu trưng cho việc cử hành Thánh Thể. Đức Giê-su, tấm bánh được bẻ ra và trao ban cho mọi người, là nền tảng cho sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại. Trong mầu nhiệm Nhập thể, Con Thiên Chúa đến “cư ngụ giữa chúng ta;” còn trong Bí tích Thánh Thể, Ngài ở lại với con người “mọi ngày cho đến tận thế.” Với ta, “cầm lấy bánh” là cầm lấy cuộc đời, cầm lấy những gì thuộc về mình để rồi biết “dâng lời chúc tụng” về món quà Thiên Chúa tặng ban. “Bẻ ra và trao ban” của cải, thời gian, tài năng... cho những người lân cận.
Bạn ơi, Bí tích Thánh Thể là Mình và Máu Chúa Ki-tô, là lương thực thần linh, nơi bạn sống mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Cây cầu hiệp thông đã được nối kết, bạn có thể tìm đến gặp gỡ, kết hiệp nên một với vị Thiên Chúa sống động, gần gũi và luôn ở giữa dân Người. Dù bạn là ai, như thế nào, hãy nhớ rằng: Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể là Điểm Hẹn cho bạn tìm đến và tìm về.
Sống Lời Chúa: Tôi năng nhớ Chúa trong suốt ngày sống với lời nguyện tắt, hoặc đọc kinh Rước lễ thiêng liêng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cám ơn Chúa đã thương cho con có được mối tương quan tình bạn thân tình với Chúa. Xin cho con luôn biết tìm đến và tìm về điểm hẹn Tình yêu Thánh Thể, nơi Chúa hằng chờ đợi con. Amen.
VÌ MUÔN NGƯỜI
Rước lễ không phải chỉ là nhận Chúa vào miệng, mà là để Chúa chiếm lấy mọi ngõ tối của đời mình, nhờ đó đời ta được hoàn toàn biến đổi.
Suy niệm:
Ðại lễ Vượt qua gần đến.
Chúa Giêsu ước ao ăn lễ Vượt qua lần cuối
với các môn đệ trước khi chịu khổ hình (Lc 22,15).
Ngài đã tiên liệu nơi tổ chức bữa tiệc.
Một căn phòng rộng rãi trên lầu, đã chuẩn bị sẵn sàng.
Các môn đệ chỉ phải lo những gì cần cho bữa ăn:
bánh không men, rượu, chiên và rau đắng.
Thế nhưng chỉ mình Chúa Giêsu biết
Ngài sẽ làm gì trong bữa tiệc Vượt qua này.
Bữa tiệc cuối là thánh lễ đầu tiên của Chúa.
Vẫn bánh đó, vẫn rượu đó trên bàn tiệc.
Nhưng đối với các môn đệ, thật là bất ngờ
Khi Chúa Giêsu bẻ bánh, trao cho họ và nói:
“Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy”.
Ngài còn mời họ uống rượu và nói:
“Ðây là Máu Thầy, Máu giao ước, đổ ra vì muôn người”.
Như thế bánh rượu đã được biến đổi tận căn
để trở thành Mình Máu Chúa.
Ăn bánh và uống rượu trở nên hành vi thông hiệp
vào cái chết sắp đến của Thầy.
Ngay hôm sau, trên núi Sọ, máu Chúa đã đổ,
và tấm thân Chúa bị nát tan.
Hy lễ núi Sọ chỉ diễn ra một lần,
nhưng ảnh hưởng trên cả dòng lịch sử.
Bữa tiệc ly chỉ diễn ra một lần,
nhưng Chúa muốn nó được lặp lại cho đến tận thế:
“Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).
Mỗi thánh lễ là một bữa tiệc ly,
vị linh mục lặp lại cử chỉ và lời nói của Chúa.
Mỗi thánh lễ là một tưởng nhớ hy tế thập giá.
Cái chết cứu độ năm xưa, nay trở thành hiện tại
để đem đến sự sống cho tín hữu thuộc mọi thời.
Rước lễ là gặp gỡ Ðấng hy sinh chịu chết,
là kết hợp với Ðấng đã yêu đến cùng.
Ta được mời gọi sống như Ðấng ta lãnh nhận,
nghĩa là bẻ ra, chia sẻ, phục vụ và hiến trao.
Ta không thể tiếp tục sống ích kỷ và khép kín,
khi ngày ngày rước lấy Ðấng đã chết vì muôn người.
Rước lễ không phải chỉ là nhận Chúa vào miệng,
mà là để Chúa chiếm lấy mọi ngõ tối của đời mình,
nhờ đó đời ta được hoàn toàn biến đổi.
Nhiều khi có một khoảng cách quá xa
giữa thánh lễ và đời thường của người Kitô hữu.
Thực sự gặp Chúa dưới hình bánh rượu
sẽ đưa ta gặp Chúa nơi những người nghèo khổ,
vì họ cũng là sự hiện diện thật sự của Chúa (x. Mt 25, 35).
Mặt khác, càng say mê phục vụ con người,
ta càng cảm thấy nhu cầu rước lấy Ðấng phục vụ.
Khi dự lễ, bạn hãy đem theo hy lễ đời mình
để kết hiệp với Hy lễ của Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con một tâm hồn
theo hình ảnh Tấm Bánh Thánh
Một tâm hồn trong trắng,
cố tránh cả những ô uế nhỏ mọn
để luôn xứng đáng với Chúa.
Một tâm hồn khiêm hạ
tìm chiếm chỗ nhỏ bé,
nhưng luôn luôn muốn bày tỏ
một tình yêu lớn lao.
Một tâm hồn đơn sơ,
không biết đến những phức tạp của ích kỷ,
và tìm hiến dâng mà không đòi lại.
Một tâm hồn lặng lẽ,
hạnh phúc khi thấy sự quảng đại của mình
không được người khác biết đến.
Một tâm hồn nghèo khó,
chỉ làm giàu cho mình
nhờ chiếm được chính Chúa.
Một tâm hồn luôn hướng về tha nhân,
quan tâm đến những nhu cầu và ước muốn của họ.
Một tâm hồn luôn kết hiệp với Chúa,
và múc lấy nguồn sống từ nơi Chúa.
(Cha Galot)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
7 THÁNG SÁU
Ngài Tạo Nên Con Người Có Nam Có Nữ
“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình; Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa; Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Người nam và người nữ được tạo dựng với phẩm giá bình đẳng trong tư cách là những ngôi vị chia sẻ cùng một sự duy nhất của tinh thần và thể xác. Tuy nhiên, họ khác nhau về thể lý và về tâm lý. Thực vậy, hữu thể con người mang dấu vết của cả nam tính lẫn nữ tính.
Đó là một dấu vết khác biệt, song đó cũng là một dấu vết cho thấy đặc tính bổ sung lẫn cho nhau. Ta có thể nhận ra điều ấy qua bản trình thuật Gia-vít về cuộc sáng tạo. Người nam, khi nhìn thấy người nữ mới được tạo dựng, thốt lên: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2,23). Đó là những tiếng nói vui mừng và sung sướng khi con người cảm nhận được một hữu thể giống như mình về mặt yếu tính.
Đó là sự phong phú trong công cuộc sáng tạo loài người. Có những dị biệt về tâm lý và về thể lý giữa hai phái tính, tuy nhiên hai bên bổ khuyết cho nhau. Thật là một di sản độc đáo của con cháu A-đam xuyên qua giòng lịch sử của mình. Hôn nhân nhận lấy sự sống của nó cũng chính từ thực tại này. Hôn nhân được thiết lập từ đời đời bởi chính Đấng Tạo Hóa: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.”
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 07-6
Chúa Nhật X Thường niên
Mình và Máu Thánh Chúa Kitô
Xh 24, 3-8; Dt 9, 11-15; Mc 14, 12-16.22-26
LỜI SUY NIỆM: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước đổ ra vì muôn người.”
Chúa nhật lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu. Giáo Hội mời gọi tất cả chúng ta nghe lại Giao Ước trong Cựu Ước Đức Chúa với dân Ít-ra-en: “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo” Bấy giờ ông Môsê lấy máu rảy trên dân và nói: “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này.” (Xh 24,7-8). Trong Tân Ước, Chúa Giêsu muốn cùng các Tông đồ của mình cùng ăn lễ Vượt Qua cuối cùng của Người, Trong lúc ăn lễ Vượt Qua Chúa Giêsu đã dùng Bánh và Rượu của buổi tiệc, Người đã dâng lời chúc tụng để biến thành chính Máu Thịt của Người để lập Giao Ước Mới. Giao Ước mới Chính Máu Thịt của Người, Máu Thịt Con Một Thiên Chúa thay thế cho máu chiên bò trong Cựu Ước, để đền tội thay cho cả loài người, để làm giao hòa cùng Thiên Chúa và cứu độ toàn thể nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Để tất cả được sống.
Lạy Chúa Giêsu. Máu Thịt của Chúa nuôi sống cả xác thịt lẫn linh hồn chúng con, đồng thời cũng là Giao ước cứu độ chúng con. Xin cho mọi thành viên trong gia đình luôn ý thức sự cần thiết này, để luôn khao khát nhận lãnh Mình Máu Thánh Chúa cho xứng đáng; để sinh ích lợi cho phần rỗi đời đời chúng con.
Mạnh Phương
07 Tháng Sáu
Bằng Lòng Với Cuộc Sống
Sau một thời gian cần cù và chắt chiu, một người đàn ông nọ đã trở thành người giàu có nhất trong ngôi làng nhỏ bé của mình.
Từ lúc mua đươc một con lừa, anh ta mới có ý nghĩ làm một chuyến đi xa cho biết đó biết đây. Anh đến một ngôi làng khác lớn hơn ngôi làng của anh. Một ngôi nhà thật đẹp và sang trọng đập vào đôi mắt của anh. Sau khi dò hỏi, anh biết được đó là ngôi nhà của người giàu có nhất trong làng.
Anh bèn trở về ngôi làng nhỏ bé của mình và quyết trí làm ăn, dành dụm để có thể may ra xây được một ngôi nhà đẹp hơn ngôi nhà mà anh vừa trông thấy ở ngôi làng bên cạnh. Không mấy chốc, tiền bạc dư dả, không những anh đã xây được một ngôi nhà sang trọng đẹp đẽ hơn mà còn mua được cả đàn ngựa và xe nữa.
Lần này, anh vượt qua các ngôi làng nhỏ để đến một đô thị lớn. Tại đây, đâu đâu anh cũng thấy những ngôi nhà đẹp và ngôi nhà nào cũng đẹp hơn ngôi nhà của anh. Anh nghĩ bụng: cho dẫu có lao nhọc cả quãng đời còn lại, anh cũng không tài nào có thể xây được một ngôi nhà đẹp như thế.
Anh bèn tiu nghỉu đánh xe quay lại ngôi làng cũ của mình. Nhưng rủi thay, xe gặp tai nạn, anh đành phải bỏ chiếc xe để leo lên lưng ngựa cố gắng chạy về ngôi làng cũ của mình. Nhưng dọc đường, vì mệt mỏi và đói lả, ngựa cũng lăn ra chết. Người đàn ông chỉ còn biết lủi thủi đi bộ về nhà.
Ðêm đến, giữa sa mạc, anh nhìn thấy một ánh lửa bập bùng từ xa. Anh nấn ná tìm đến và khám phá ra túp lều của một vị ẩn sĩ. Vào trong túp lều, người đàn ông mới nhận ra rằng có lẽ trong đời anh, chưa bao giờ anh thấy có cảnh nghèo nàn cùng cực hơn.
Anh ái ngại nhìn nhà tu hành rồi thắc mắc: "Thưa ông, làm sao ông có thể sống được trong cảnh cùng cực như thế này?".
Nhà ẩn sĩ mỉm cười đáp: "Tôi bằng lòng với cuộc sống... Thế còn ông, xem chừng như ông không được thỏa mãn về cuộc sống của ông cho lắm". Người đàn ông ngạc nhiên hỏi: "Sao ông biết tôi không được thỏa mãn?". Nhà ẩn sĩ nhìn thẳng vào đôi mắt của người đối diện rồi thong thả nói: "Tôi nhìn thấy điều đó trong đôi mắt của ông. Ðôi mắt của ông cứ chạy theo giàu sang, nhưng sự giàu sang không bao giờ đến với ông... Ông hãy nhìn cảnh hoàng hôn. Ông có thấy những ánh sáng yếu ớt đang chiéu rọi trên cánh đồng không? Chúng tưởng mình đang soi sáng cả vũ trụ. Nhưng không mấy chốc, các ngôi sao mọc lên, và những tia sáng hoàng hôn biến mất. Những ánh sao tưởng chúng đang soi sáng cả bầu trời, nhưng khi mặt trăng vừa ló rạng, thì những ánh sao ấy cũng bắt đàu tắt ngụm. Vầng trăng sáng kia tưởng mình soi sáng cả trái đất, nhưng không mấy chốc, mặt trời mọc lên và mọi thứ ánh sáng của đêm đen đều biến mát. Nếu những thứ ánh sáng trên đây đều biết suy nghĩ về những điều ấy, thì có lẽ chúng sẽ tìm thấy nụ cười đã đánh mất".
Nghe câu chuyện ví von của nhà hiền triết, người đàn ông mở miệng mỉm cười, nhưng nỗi buồn vẫn còn thoáng trên gương mặt ông.
Vị ẩn sĩ tiếp tục câu chuyện: "Ông cso biết rằng sánh với tôi, ông là vua không?". Người đàn ông tự nhiên so sánh căn nhà của mình với túp lều của vị ẩn sĩ. Nhưng đó không phải là điều mà vị ẩn sĩ muốn nói đến... Ông cầm chiếc đèn đưa lên cao và mời người đàn ông đến gần bên mình.
Dưới ánh đèn, người đàn ông mới nhận ra rằng vị ẩn sĩ là người không còn ngay cả đôi chân để có thể di chuyển một cách bình thường.
Giữa cuộc hành trình đầy cam go, Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi Tabor. Chúa Giêsu muốn dùng thứ ánh sáng từ trên núi cao ấy để chiếu rọi vào cuộc tử nạn mà Ngài sắp trải qua, cũng như chính nỗi hoang mang lo sợ của các môn đệ khi Ngài loan báo cái chết... Xin cho ánh sáng Phục Sinh của Chúa chiếu rọi vào cuộc sống đầy âm u, tăm tối của chúng ta. Xin cho chúng ta biết đón nhận từng đớn đau, thử thách trong cuộc sống với tinh thần lạc quan, phó thác, chấp nhận và hân hoan, vì tin rằng bên kia tăm tối là ánh sáng Phục Sinh đang chờ đón chúng ta.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét