Trang

Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

12-06-2015 : THỨ SÁU - LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU (LỄ TRỌNG)

12-06-2015 : THỨ SÁU - LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU
Lễ Trọng
Ngày thế giới xin ơn thánh hóa các Linh mục.


BÀI ĐỌC I: Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9
"Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi".
Trích sách Tiên tri Hôsê.
Đây Thiên Chúa phán: "Lúc Israel còn niên thiếu, Ta đã yêu thương nó, và Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.
"Ta đã dưỡng nuôi Ephraim, Ta đã bồng chúng trên cánh tay Ta mà chúng không biết Ta chăm sóc chúng. Ta đã dùng dây êm ái và mối yêu thương mà tập (cho) chúng đi; Ta đối xử với chúng như người dưỡng nuôi trẻ thơ, Ta đã ấp yêu chúng vào má. Ta nghiêng mình trên chúng và đút cho chúng ăn.
Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không buông thả theo cơn giận của Ta. Ta sẽ không huỷ diệt Ephraim, vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm; Ta là Đấng Thánh ở giữa ngươi, Ta không thích tiêu diệt".
 Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Is 12, 2-3. 4bcd. 5-6
Đáp: Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Đấng Cứu Độ (c. 3).
Xướng: 1) Đây Thiên Chúa là Đấng Cứu Chuộc tôi, tôi sẽ tin tưởng mà hành động và không khiếp sợ: vì Chúa là sức mạnh, là Đấng tôi ngợi khen, Người sẽ trở nên cho tôi phần rỗi. - Đáp.
2) Hãy ca tụng Chúa và kêu cầu danh Người, hãy công bố cho các dân biết kỳ công của Chúa, hãy nhớ lại danh Chúa rất cao sang. - Đáp.
3) Hãy ca tụng, vì Người làm nên những việc kỳ diệu, hãy cao rao việc đó trên khắp hoàn cầu. Hỡi người cư ngụ tại Sion, hãy nhảy mừng ca hát, vì Đấng cao cả là Đấng Thánh Israel ở giữa ngươi. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Ep 3, 8-12. 14-19
"Biết lòng mến của Đức Kitô vượt quá trí hiểu loài người".
Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, tôi là kẻ hèn nhất trong các thánh, nhưng đã được ơn này là rao giảng cho Dân Ngoại những sự giàu có không thể thấu hiểu được, và soi sáng cho mọi người biết cách thức phân phát mầu nhiệm đã được ẩn giấu từ muôn thuở trong Thiên Chúa, Đấng tạo thành vạn vật: khiến các chủ thần và quyền thần thiên quốc đều phải nhờ Hội thánh mới biết được sự khôn ngoan muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa, thể theo dự định từ trước muôn đời mà Ngài đã thi hành trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Người, chúng ta được cậy trông và nhờ lòng tin vào Ngài, chúng ta mạnh dạn đến cùng Ngài.
Nhân vì lẽ ấy, tôi quỳ gối trước mặt Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ngài là nguồn gốc mọi danh phận làm cha trên trời dưới đất. Xin Ngài chiếu theo sự giàu có vinh quang của Ngài và nhờ Thánh Thần của Ngài, thêm sức mạnh cho anh em được nên người thiêng liêng, và nhờ đức tin, anh em được Đức Kitô ngự trong lòng anh em, làm cho anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được hiệp cùng các thánh mà hiểu biết chiều rộng, dài, cao, sâu, và cũng được biết lòng mến của Đức Kitô vượt quá trí hiểu loài người, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Mt 11, 29ab
Alleluia, alleluia! - Các ngươi hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. - Alleluia.
Hoặc: 1 Ga 4, 10b
Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 19, 31-37
"Tên lính đâm thủng cạnh sườn Người, và máu cùng nước chảy ra".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Bởi lẽ là Ngày Chuẩn Bị, và để tránh cho các tử thi không còn treo trên thập giá trong ngày sabbat, vì ngày sabbat là một ngày trọng đại, những người Do-thái xin Philatô cho hạ các tử thi xuống, sau khi đánh giập ống chân. Bấy giờ những người lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Khi đến gần Chúa Giêsu, chúng thấy Người đã chết, nên không đánh giập ống chân Người; nhưng một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức máu cùng nước chảy ra. Và kẻ đã xem thấy, thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cả chư vị cũng tin. Những điều đó đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: "Không một cái xương nào của Người bị đánh giập". Và lại có lời Kinh Thánh khác rằng: "Chúng sẽ nhìn vào Đấng chúng đã đâm thâu qua".
 Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Máu và nước  - Sự sống và tình yêu
Chúng ta hãy cám ơn thánh Yoan tác giả bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe. Người đã trung thành kể lại sự kiện một lính đã lấy giáo đâm thủng cạnh sườn Chúa Yêsu, để hôm nay chúng ta có đường lối đi vào Thánh Tâm Chúa. Bài Phúc Âm hôm nay thật đẹp hơn mọi bức ảnh Thánh Tâm. Và những lời Kinh Thánh là tư tưởng chắc chắn hơn cả đưa chúng ta đi vào mầu nhiệm.
Vậy, nếu chúng ta theo vết thương mà người lính đã cầm giáo mở ra ở cạnh sườn Chúa Yêsu mà nhìn vào trái tim Chúa, chúng ta sẽ thấy như thánh Yoan hồi trước, máu và nước đang chảy ra. Máu nói lên sự sống và tình yêu; Nước chảy đến đâu như muốn rửa sạch đến đó. Khi nói Máu và Nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa Yêsu, thánh Yoan muốn trỏ cho mọi người thấy trái tim Chúa đang đổ hết sức sống và tình yêu của Người ra để rửa sạch chúng ta, khiến chúng ta trở thành tạo vật mới, thánh thiện, trong sạch đẹp lòng Chúa.
Thế nên, thánh Phaolô trong bài thơ hôm nay đã muốn quỳ gối xuống trước mặt Cha Ðức Yêsu Kitô để tạ ơn Người vì đã dành cho loài người chúng ta một kho tàng yêu thương vô tận như thế ở trong Thánh Tâm Chúa Yêsu. Hôm nay chúng ta cùng với Giáo hội cũng hãy bắt chước thánh Tông đồ quỳ gối ở trước Thánh Tâm Chúa mà chiêm ngưỡng: kìa sức sống và tình yêu của Chúa đang chảy ra lênh láng mang phúc lành, ơn thánh đến cho chúng ta, để hôm nay chúng ta được tươi mát và phong phú hơn.
Quỳ trước Thánh Tâm Chúa, chúng ta thấy những lời sách Hôsê vừa nghe, tuy thật thắm thiết, nhưng dường như chưa diễn tả được tới mức của bài thơ Phaolô và của bài Phúc Âm Yoan. Hôsê cố gắng nói lên mối tình đặc biệt giữa Chúa và dân Người. Ông mượn hình ảnh một người cha, một người mẹ săn sóc đứa con thơ để nói về cách thức Chúa chăm lo cho loài người chúng ta. Chúa phán: lúc Israel còn niên thiếu, Ta yêu thương, bồng nó trên tay, ắp nó vào má, nghiêng mình trên nó và đút cho nó ăn. Quả tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi... Hỡi Israel, làm sao Ta có thể bỏ ngươi được? Phải Chúa đã không bỏ Israel, dù dân Người nhiều khi phản bội. Ezêkiel nói: Israel như người con gái, sinh ra đã bị bỏ rơi ngoài đường, Chúa đi qua động tình trắc ẩn, đem về tắm rửa nuôi nấng... Càng lớn càng thêm xinh đẹp. Chúa lại sắm cho nhiều tư trang và y phục đẹp. Gặp chàng thanh niên nào đi qua, Israel cũng chạy theo, đâm ra đồi trụy... Nhưng tình yêu của Chúa trước sau như một. Trái tim Người chỉ có yêu thương. Người lại đến chăm sóc, giúp hồi tâm tỉnh ngộ để mắt Israel lại bừng ra, khuôn mặt lại trở nên xinh đẹp.
Nói đúng hơn, trong Cựu Ước, Chúa mới chỉ hứa làm như vậy thôi. Nhưng đọc những tư tưởng ấy, ai mà không cảm động? Ai không thấy rằng trái tim Chúa thật là đại dương bát ngát tình thương? Người ta đã ví không sai khi gọi các trang Kinh Thánh là những bức thư tình. Kinh Thánh mạc khải tâm tư ý nghĩ của Chúa đối với loài người. Ðọc lên rõ ràng chúng ta chỉ thấy có tình yêu. Và nêu đọc ngoài viễn tượng tình yêu, sẽ không còn hiểu được Kinh Thánh nữa; và phải nói sẽ hiểu sai hoàn toàn. Kinh Thánh như vậy là trái tim của Chúa mở ra cho loài người. Ngày lễ Thánh Tâm trước hết chúng ta phải đọc Kinh Thánh, phải hứa sẽ đọc Kinh Thánh để tìm thấy Chúa yêu thương loài người và từng người chúng ta.
Cựu Ước đã thắm thiết, nhưng như ta đã nói, vẫn chưa sánh được với Tân Ước... Vì trong Cựu Ước, Chúa đã yêu thương nhiều, nhưng còn hứa làm nhiều việc yêu thương hơn nữa ở trong Tân Ước. Trái tim của Chúa Cha ở trong Cựu Ước còn giấu kín nhiều kho tàng bí ẩn, chỉ được mở ra nơi trái tim Chúa Yêsu như lời thánh Phaolô nói trong bài thư. Phải nhờ Tân Ước, nhờ Giáo hội, nhờ Trái tim Chúa Cứu thế, chúng ta mới biết được các mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở trong Thiên Chúa, và mới rõ được sự khôn ngoan muôn màu mà Thiên Chúa đã dự định thi hành trong Ðức Yêsu Kitô Chúa chúng ta. Như vậy, chiêm ngưỡng Thánh Tâm Chúa Yêsu hôm nay, chúng ta có thể thấy tất cả mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương loài người trong kế hoạch cứu độ.
Là vì sau nhiều thời, nhiều cách, dùng các tiên tri, đến nói với chúng ta về trái tim yêu thương của Người, của Thiên Chúa đã sai chính Con Một Người xuống thể để ai thấy Chúa Con cũng thấy Chúa Cha, ai thấy trái tim Chúa Con cũng thấy trái tim của Chúa Cha. Và trái tim của Chúa Con như thế nào, thì tất cả cuộc đời trần gian của Người đã nói lên tất cả. Không những lòng có gì, thì Người đã tâm sự hết với chúng ta. Người nói với chúng ta về Chúa Cha nhân lành yêu thương loài người đến nỗi đã thí Con Một Người cho ta. Câu chuyện những người thuê vườn nho là một tỉ dụ. Thiên Chúa có một vườn nho để cho loài người canh tác. Loài người không biết ơn, đã đánh đập mọi tôi tớ mà Người sai đến. Cuối cùng Người sai chính Con Một Người tới. Họ cũng đánh đập rồi giết chết. Tình yêu lạ lùng của Chúa Cha còn được câu chuyện đứa con hoang đàng kể lại.
Nhưng Chúa Yêsu đã diễn tả tình yêu ấy không nguyên bằng lời nói, mặc dầu lời nói của Người còn mạc khải toàn bộ chân lý cứu sống loài người. Người diễn tả trái tim của Người bằng chính nếp sống khó nghèo, vâng phục, tận tụy phục vụ mọi hạng người, kể cả những thành phần bị loài người vứt bỏ, rẻ rúng hơn cả. Người săn sóc kẻ phong cùi, người cải hoán kẻ tội lỗi. Người không bỏ chúng ta mồ côi. Và cuối cùng, Người đã chấp nhận chết để nói lên lời yêu thương thấm thía: Lạy Cha, con tự hiến thánh con để họ được nên thánh, con dâng mạng sống con để họ được sống. Chúa chết trên thập giá vì yêu thương; nhưng ở trên thập giá, Chúa còn muốn tỏ dấu yêu thương cho đến cùng.
Một người lính đã cầm giáo chọc thủng cạnh sườn Người, nơi che giấu trái tim yêu thương của Người. Những giọt máu yêu thương cuối cùng chảy ra. Những giọt máu nói lên tình yêu thương nồng nàn ngay khi thân thể đã cứng lạnh. Những giọt máu hy sinh tế lễ để đền tội cho loài người. Yoan đã nhìn thấy cảnh tượng đó. Ông thấy người lính không đánh dập ống chân Chúa tử nạn như thói quen vẫn có, khiến dù thân thể Chúa đã hy nát như vậy mà mọi cái xương vẫn còn y nguyên. Bây giờ máu lại chảy ra, máu nói lên ý nghĩa hy tế tình yêu, Yoan bừng mắt nhận ra lời Thánh Kinh: khi làm thịt con chiên vượt qua, không được làm gãy một cái xương nào. Như vậy, trên thánh giá, Ðức Kitô thật là Con Chiên vượt qua của đạo mới. Và máu từ cạnh sườn đang chảy ra, đúng là máu cứu độ thay thế hẳn máu chiên vượt qua ngày xưa bôi trên cửa nhà người Dothái để cứu họ khỏi bị sát hại.
Chúng ta quả thật đã được cứu chuộc nhờ máu từ cạnh sườn Chúa Yêsu. Yoan sung sướng suy nghĩ như vậy. Và ông lại nhìn thấy nước từ cạnh sườn Chúa chảy ra. Ðúng rồi, Êzêkiel đã viết: từ bên hông đền thờ Yêrusalem mới sẽ có suối nước chảy ra: nước trong sạch và phong phú làm sao! Nước chảy đi đến đâu, tạo vật mới mọc lên, sinh ra đến đó. Nước ấy là nước sự sống trường sinh vậy. Nay ở cạnh sườn Chúa tử nạn, có nước chảy ra theo máu. Ðiều đó nói lên ý nghĩa rõ ràng: hy lễ của Ðức Kitô đang ban Nước Thánh Thần rửa sạch chúng ta, biến chúng ta nên tạo vật mới làm cho chúng ta từ nay được sống trong sạch tươi mát.
Người ta thật có lý khi bảo Giáo hội đã được sinh ra từ cạnh sườn Chúa Yêsu, như Evà đã sinh ra nhờ khúc xương sườn của Adong. Sách thánh nói Evà đã sinh ra như thế là có ý bảo xương thịt Evà cũng là xương thịt Adong. Nam nữ cũng là loài người. Nam nữ phải mật thiết yêu thương nhau bình đẳng. Coi nhau như thân thể mình. Hôm nay, Giáo hội và chúng ta cũng được sinh ra từ cạnh sườn Chúa Cứu thế. Giáo hội là thân thể của Người. Người sẽ yêu thương Giáo hội và chúng ta như thân thể của Người. Còn có thể diễn tả tình yêu như thế nào nữa không?
Thánh Yoan mời ta hãy nhìn lên Ðấng bị đâm thâu; thánh Phaolô bảo ta hãy hiệp cùng Hội Thánh mà hiểu biết chiều rộng, chiều dài, chiều cao, chiều sâu của tình yêu nơi Ðức Kitô; phụng vụ Giáo hội trong lễ và tháng Thánh Tâm này, thúc giục chúng ta chiêm ngưỡng yêu mến trái tim Chúa Yêsu yêu thương chúng ta lạ lùng.
Vậy chúng ta hãy đến cùng Trái Tim Chúa Yêsu trong Kinh Thánh, trên Thánh giá, nơi Thánh Thể, trong Giáo hội và nơi tha nhân. Trong Kinh Thánh rõ ràng chúng ta chỉ đọc thấy những lời Chúa yêu thương. Trên Thánh giá, chúng ta được thánh Yoan chỉ cho thấy máu tình yêu đang chảy ra để cứu sống chúng ta trong mạch nước trường sinh, thánh thiện. Còn nơi Thánh Thể, mầu nhiệm yêu thương của Trái Tim Chúa được biểu thị trong chính lời truyền phép: chúng con hãy lãnh nhận mà ăn, vì này là Mình Ta và này là Máu Ta. Có lẽ chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều hơn về tình yêu của Chúa ở trong Giáo hội và nơi tha nhân. Việc suy nghĩ đó không khó khăn gì vì nếu Chúa đã trao tất cả trái tim Chúa cho Giáo hội, cho chúng ta, thì nhìn vào Giáo hội và tha nhân, chúng ta phải như nhìn thấy tình yêu thương của Chúa đang dành tất cả cho loài người. Chúng ta sẽ phải thêm lòng yêu thương tha nhân, muốn phục vụ tha nhân, vì có như vậy chúng ta mới cảm nghĩ như trái tim Chúa và mới làm đẹp lòng Trái Tim Chúa.
Thế nên, tháng Thánh Tâm không phải chỉ là tháng yêu mến Trái Tim Chúa; nhưng khi nhìn thấy Trái Tim Chúa yêu thương loài người vô cùng, chúng ta phải biết yêu thương chăm lo cho người khác.
Xin Thánh Tâm Chúa Yêsu làm cho trái tim chúng con được nên giống Thánh Tâm Chúa.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Sáu Lễ Thánh Tâm, Năm B
Bài đọc: Hos 11:1, 3-4, 8c-9; Eph 3:8-12, 14-19; Jn 19:31-37.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh Tâm Chúa Giêsu

            Chúng ta thường rất ghét người phản bội, nhất là sự phản bội từ những người mà chúng ta đã yêu thương, hy sinh, và lo lắng mọi sự cho họ như: vợ chồng, con cái, bạn kết nghĩa ... Nhưng nếu xét về mối liên hệ của chúng ta dành cho Đức Kitô, chúng ta cũng chẳng khác chi những người phản bội hay vô ơn bạc nghĩa; vì chúng ta đã không đền đáp cho cân xứng những gì Ngài đã làm cho chúng ta: ơn cứu tử, ơn được làm con Thiên Chúa, ơn nuôi dưỡng hằng ngày qua BT Thánh Thể, ơn dạy dỗ qua Kinh Thánh, ơn răn dạy và thúc đẩy làm hòa với Thiên Chúa, và ơn thánh bảo vệ chúng ta khỏi mọi nguy hiểm. 
            Các Bài Đọc trong ngày Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta nhớ đến tình yêu Thiên Chúa, để chúng ta biết cách đáp trả cho cân xứng. Trong Bài Đọc I, tiên tri Hosea nhắc nhở cho dân Do-thái biết tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ như tình phụ tử của người cha dành cho con; thế mà họ đã phản bội Ngài như những dân thành tội lỗi nhất của Cựu Ước. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Ephesô về tình yêu của Thiên Chúa và Kế Hoạch Cứu Độ của Ngài. Theo Kế Hoạch này, Ngài chọn dân Do-thái làm dân riêng trước để yêu thương và dạy dỗ họ; nhưng khi Đức Kitô đến, tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ mở rộng đến tất cả mọi người. Trong Phúc Âm, thánh Gioan ghi lại một biến cố quan trọng trong những giờ phút cuối cùng của Đức Kitô trên Thập Giá: một tên lính không đập gẫy ống chân Ngài; nhưng dùng ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Ngài, tức thì Nước cùng Máu chảy ra. Nước để rửa sạch tội cho con người qua BT Rửa Tội để con người xứng đáng làm con Chúa, và Máu để nuôi dưỡng con người qua BT Thánh Thể và cung cấp đời sống thần linh cho con người.

 KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Tình thương Thiên Chúa dành cho dân tộc Israel.

1.1/ Mối tình phụ tử: Tiên tri Hosea dùng nhiều hình ảnh để diễn tả mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân tộc Israel. Trong trình thuật hôm nay, tiên tri ví Thiên Chúa như người cha và Israel như người con: ''Khi Israel còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về. Ta đã tập đi cho Ephraim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.'' Khi dân Israel còn làm nô lệ bên Ai-cập, Thiên Chúa vì yêu họ, nên đã dẫn đưa họ ra khỏi Ai-cập qua sự lãnh đạo của ông Moses để ban cho họ một vùng Đất Hứa chảy sữa và mật. Ngài đã dạy dỗ họ từng ly từng tí, và ban Thập Giới để họ biết sống xứng đáng như Dân Riêng của Ngài.
            Ephraim và Manasseh là hai con của Joseph, và được tổ phụ Jacob chúc lành như 12 chi tộc của Israel. Ephraim nằm về phía Bắc và thuộc vương quốc Israel khi bị chia đôi. Nhiều tác giả đã dùng tên Ephraim để gọi vương quốc Israel phía Bắc (Isa 7:2, Jer 31:9; Eze 37:16, 19), và Judah để gọi vương quốc phía Nam.

1.2/ Sự phản bội của Israel: Mặc dù được Thiên Chúa yêu thương, dạy dỗ, và bảo vệ cẩn thận; Israel đã xúc phạm đến Thiên Chúa bằng cách vi phạm các giới răn, quay lưng lại với Thiên Chúa, và chạy theo các thần ngoại bang. Theo giao ước trên núi Sinai, Thiên Chúa có quyền để mặc họ cho quân thù giày xéo, hay khiến lửa diêm sinh từ trời xuống tiêu diệt họ, như đã từng tiêu diệt các thành tội lỗi như 5 thành Sodom, Gomorrah, Admah, Zeboiim, và Zoar (Gen 14:2, 8). Nhưng tình yêu Thiên Chúa đã ngăn cản Ngài làm chuyện đó cho Israel: ''Hỡi Ephraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành! Làm sao Ta xử với ngươi như với Admah, để ngươi nên giống như Zeboiim được? Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Ephraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ.''  

2/ Bài đọc II: Tình thương Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người.

2.1/ Tình thương Thiên Chúa được biểu lộ qua Đức Kitô:
            (1) Hai đặc quyền được ban cho Phaolô: thấu hiểu và loan truyền tình thương cứu độ của Thiên Chúa, được thực hiện qua Đức Kitô: ''Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài.''
            (2) Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Kitô: Theo Kế Hoạch này, Thiên Chúa chọn dân Do-thái là dân riêng trước, rồi sau đó lan ra đến mọi dân tộc. Ý định cứu độ tất cả đã có từ đầu; nhưng hiện thực với sự xuất hiện của Đức Kitô. Phaolô viết: ''Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật... Thiên Chúa đã hành động như thế theo quyết định Người đã có từ muôn thuở và đã thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô và nhờ tin vào Người, chúng ta được mạnh dạn và tin tưởng đến gần Thiên Chúa.''
            (3) Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh để loan truyền Kế Hoạch Cứu Độ cho mọi người: ''để giờ đây, nhờ Hội Thánh, mọi quyền năng thượng giới được biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.''

2.2/ Tình thương của Thiên Chúa và của Đức Kitô vượt quá sự hiểu biết của con người.
            (1) Tình thương bắt nguồn từ Thiên Chúa: Giống như Gioan, thánh Phaolô tin tưởng Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu. Ngài yêu con người như người cha yêu thương con cái, và tình phụ tử của Thiên Chúa là "nguồn gốc mọi tình phụ tử trên trời dưới đất."
            (2) Biểu lộ của tình thương Thiên Chúa: Để biểu lộ tình thương cho con người, Thiên Chúa đã làm hai việc trọng đại, như chúng ta đã đề cập đến trong ngày Lễ Chúa Ba Ngôi:
            - Ban Thánh Thần của Ngài cho con người: để soi sáng, củng cố mạnh mẽ, và làm cho đời sống nội tâm của các tín hữu được vững vàng.
            - Ban Người Con Một của Ngài là Đức Kitô: Thánh Phaolô cầu nguyện: ''Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa.''

3/ Phúc Âm: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.

3.1/ Trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu:
            (1) Khác biệt giữa phong tục của Rôma và Do-thái: Người Rôma để xác chết của nạn nhân bên ngoài cho đền khi tan biến. Người Do-thái chôn cất nạn nhân. Trình thuật kể: ''Hôm đó là ngày áp lễ (Vượt Qua), người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày Sabbath, mà ngày Sabbath đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống.''
            (2) Chúa Giêsu bị đâm thâu: ''Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.''
            (3) Ý nghĩa của Nước và Máu: Các thánh Giáo Phụ đã suy tư về biến cố này và cắt nghĩa:
                        + Nước tượng trưng cho BT Rửa Tội và Máu tượng trưng cho BT Thánh Thể.
                        + Nước tượng trưng cho sự thanh tẩy tội lỗi và Máu tượng trưng cho sự sống.
                        + Nước tượng trưng cho sự sống và Máu tượng trưng cho Thánh Thần.
                        + Như bà Evà được tạo từ cạnh sườn ông Adong, Hội Thánh cũng được phát sinh từ cạnh sườn Chúa Giêsu.

3.2/ Làm chứng cho tình thương Thiên Chúa: ''Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin.'' Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh:
            (1) Chúa Giêsu là Chiên Vượt Qua không tì tích: ''Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.'' Tin Mừng Gioan tiên báo Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa đến xóa bỏ tộ trần gian ngay từ đầu (Jn 1:29); và theo truyền thống, con chiên dùng trong lễ Vượt Qua phải là con chiên không tì tích, và không một khúc xương nào của con chiên này bị bẻ gẫy (Exo 12:46, Num 9:12).
                (2) Lời tuyên bố về lòng sùng kính Thánh Tâm: ''Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.'' Biến cố này làm trọn những gì đã được loan báo bởi tiên tri Zechariah (Zech 12:10) và được tác giả Sách Khải Huyền tuyên bố sẽ xảy ra trong Ngày Cánh Chung (Rev 1:7). Nhiều người cũng dùng những lời này như lời tiên tri về sự sùng kính Thánh Tâm của con người như đang xảy ra trong thời đại chúng ta.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

            - Chúng ta không thể tách rời tình thương Thiên Chúa ra khỏi tình thương của Đức Kitô. Khi chúng ta cảm nhận tình thương của Đức Kitô, cũng là lúc chúng ta nhận ra tình thương của Thiên Chúa.
            - Trong Kế Hoạch Cứu Độ, Thiên Chúa đã thương yêu và muốn cứu chuộc tất cả mọi người; nhưng khi Đức Kitô nhập thể, Ngài chính thức loan truyền ơn cứu độ cho mọi người.
            - Thiên Chúa luôn yêu thương và trung thành giữ lời hứa, nhưng con người luôn bất trung và phản bội. Mừng Lễ Thánh Tâm là dịp chúng ta nhìn lại tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta và quyết tâm đền tạ những tội lỗi chúng ta và nhân loại đã không ngừng xúc phạm đến Ngài. 
Lm.Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

12/06/15 THỨ SÁU TUẦN 10 TN
Thánh Tâm Chúa Giê-su
Ga 19,31-37

Suy niệm: Máu và nước được sử dụng trong Kinh Thánh như dấu chỉ biểu trưng mang đậm ý nghĩa cứu độ. Máu là biểu tượng của hy tế, là dấu hiệu có mặt trong mọi giao ước. Còn nước biểu trưng sự sống, như dòng nước vọt ra từ tảng đá trong sa mạc (Xh 17,6), suối nước từ bên phải Đền thờ chảy ra (Ed 47,1-12), v.v…. Nước trào ra từ cạnh sườn Chúa ám chỉ: Đức Giê-su là tảng đá tuôn trào dòng suối đem lại sự sống mới cho nhân loại. Việc máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa cho thấy Đức Giê-su đã chết thật về thể lý nhưng từ cõi chết Ngài đã phục sinh vinh hiển, để tuôn trào sự sống mới cho nhân loại. Truyền thống Giáo Hội coi nước và máu tượng trưng cho nguồn ơn của Bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể nhờ đó người tín hữu được sinh ra và nuôi dưỡng trong Hội Thánh.
Mời Bạn: Chúa chuyển thông ân sủng của mầu nhiệm Vượt Qua cho ta qua các dấu hiệu của bí tích. Trong các bí tích Chúa Giê-su đang hiện diện và hoạt động trong cộng đoàn và trong tâm hồn người tín hữu. Nhờ bí tích Thánh Tẩy ta được dìm vào trong dòng suối cứu độ của Chúa Ki-tô; nhờ bí tích Thánh Thể ta được thông phần hiến tế với Chúa Ki-tô và được chia sẻ sự sống của Ngài.
Sống Lời Chúa: Tôi lãnh nhận các bí tích với đức tin chân thật và mạnh mẽ. Chính vì thế tôi luôn giữ thái độ trang nghiêm và cầu nguyện sốt sắng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, “xin gia tăng ân sủng để chúng con hiểu rằng: chính Chúa Ki-tô đã thanh tẩy chúng con bằng phép rửa, đã tái sinh chúng con bằng Thánh Thần và cứu chuộc chúng con bằng Máu Thánh. Amen.”
(Lời nguyện CN II Phục Sinh)

Máu cùng nước chảy ra
Giáo Hội vẫn coi các bí tích được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu. Máu là máu của bí tích Thánh Thể, nước là nước của bí tích Thánh Tẩy.

Suy nim:
Muốn nhìn thấy Trái Tim của Thiên Chúa, phải đến với Giêsu.
Muốn nhìn thấy Trái Tim của Giêsu, chúng ta có thể đứng từ nhiều vị trí.
Thấy Trái Tim ấy khi Giêsu cúi xuống trên những bệnh nhân và tội nhân,
trên người thu thuế và gái điếm, trên phụ nữ và trẻ em.
Thấy Trái Tim ấy khi Giêsu nuôi dân ăn no, hay rửa chân cho các môn đệ.
Nhưng có một chỗ đứng đặc biệt để nhìn thấu Trái Tim của Giêsu,
nhìn rõ Trái Tim đó vào lúc yêu bằng tình yêu lớn nhất,
chỗ đó là Núi Sọ, lúc đó là buổi chiều thứ sáu, áp lễ Vượt Qua,
khi đó Trái Tim ấy đã ngừng đập và bị đâm thâu.
Chỉ riêng Tin Mừng thứ tư kể lại chuyện Đức Giêsu bị đâm vào cạnh sườn,
khi Ngài chịu đóng đinh trên thánh giá.
Có Mẹ của Ngài và người môn đệ Ngài thương mến đứng gần bên.
Chính người môn đệ này đã chứng kiến tận mắt
và muốn làm chứng một cách nghiêm túc cho các môn đệ tương lai
về điều đối với ông thật là quan trọng, để họ cũng tin như ông (c.35).
Câu chuyện xảy ra thật là đơn giản.
Người Do thái muốn hạ xác các người bị đóng đinh xuống,
vì chiều thứ sáu là đã bắt đầu ngày sabát,
cũng là ngày đầu tiên của tuần lễ Vượt Qua, một đại lễ trong năm.
Thấy Đức Giêsu chết rồi, lính đã không đánh giập ống chân nữa.
“Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người.
Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (c. 34).
Làm sao máu có thể chảy ra khi tim đã ngừng bơm máu và xác đã chết ?
Làm sao máu và nước có thể chảy ra một cách có vẻ biệt lập như vậy ?
Nhiều nhà khoa học đã tìm cách giải thích hiện tượng này,
và đối với họ điều này không phải là không có khả năng xảy ra,
đối với một người mới chết, đang ở tư thế thẳng đứng.
Người môn đệ được Chúa mến thương đã chứng kiến cảnh tượng ấy,
hẳn đã nhận ra và trân trọng ý nghĩa sâu xa của nó.
Giáo Hội vẫn coi các bí tích được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu.
Máu là máu của bí tích Thánh Thể, nước là nước của bí tích Thánh Tẩy.
Từ cạnh sườn Đức Giêsu chảy ra dòng nước mà Ngài đã hứa ban trước đây.
“Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7, 38-39).
Dòng nước ấy là Thần Khí Ngài ban khi gục đầu tắt thở (Ga 19, 30).
Chính vào giờ Đức Giêsu chịu treo, người ta giết chiên Vượt qua để mừng lễ.
Đức Giêsu mới là Chiên Vượt qua đích thực (Ga 1, 29. 36).
Ngài chết như con chiên hiền lành bị đem đi giết, như người Tôi Trung (Is 53, 7).
Ngài chết như con chiên Vượt qua không bị đánh giập cái xương nào (c. 36).
Lễ Thánh Tâm cũng là Ngày thánh hóa các linh mục.
Chúng ta cầu cho các linh mục có trái tim của Thầy Giêsu,
trái tim bị đâm thâu, nên đã mở ra để đón mọi người chẳng trừ ai,
trái tim yêu đến cùng, yêu bằng tình yêu lớn nhất, yêu đến hiến mạng.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin ban cho chúng con những linh mục
có trái tim thuộc trọn về Chúa,
nên cũng thuộc trọn về con người.

Xin cho chúng con những linh mục
có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng,
một trái tim đủ lớn
để chứa được mọi người và từng người,
nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.

Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện,
có tình bạn thân thiết với Chúa
để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.

Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện,
có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho,
tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.

Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục
có trái tim của Chúa,
say mê Thiên Chúa và say mê con người,
hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên
và dẫn đưa chúng con
đến với Chúa là Nguồn Sống thật.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Tâm Chúa Giêsu; Ngày thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục;
Hs 11, 1.3-4.8c-9; Ep 3,8-12.14-19; Ga 19, 31-37.

LỜI SUY NIỆM: “Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh dập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.”(Ga 19,33-34).
        Hình ảnh Máu và Nước từ trái tim của Chúa Giêsu đã chảy ra cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã hoàn thành chương trình Cứu độ nhân loại theo Thánh Ý của Chúa Cha.
        Nước trong trái tim của Chúa Giêsu đổ ra, đã trở thành Nước Rửa Tội; Nước của ân sủng, cho những ai tin Ngài là Con Một của Thiên Chúa.
        Máu từ trái tim của Chúa Giêsu chảy ra là giá Cứu chuộc chúng ta khỏi tay ác thần, giải thoát chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi và sự chết để được tự do trở thành con cái Thiên Chúa và được sống muôn đời.
Mạnh Phương

12 Tháng Sáu
Ngọn Lửa Không Hề Tắt

Tong tác phẩm Ðại Học Máu, văn sĩ Hà Thúc Sinh cũng giống như văn hào Nga Solzenitzyn ghi lại thân phận tù đày của các tù nhân Việt Nam trong các trại học tập. Nhưng giữa những đọa đày cùng cực của kiếp người, Hà Thúc Sinh vẫn có cái nhìn lạc quan về thân phận con người. Con người bị bạo hành ở những mức độ vô nhân nhất mà vẫn khôi hài, cười đùa, bỡn cợt được.
Trong tác phẩm đầu tay của ông có tựa đề "Hai chị em", Hà Thúc Sinh đã nêu bật được hình ảnh con người tranh đấu lạc quan, chẳng còn biết gì để sợ, sẵn sàng kịch liệt chống lại định mệnh để tự thắng và tự cứu mình... Hai chị em Lan và Trực bị đắm tàu trong một cuộc vượt biên đầy nguy hiểm. Là hai người duy nhất còn sống sót, họ trôi dạt và tấp vào một hoang đảo giữa Thái Bình Dương. Trong nguyên một tuần lễ, tác giả đề cao sức chịu đựng, tinh thần tháo vát của hai chị em. Sau một tuần lễ chịu đựng, người chị ngã bệnh, Trực bèn kết bè để ra khơi mong tìm lại được chiếc ghe đắm trên đó còn chút ít lương thực, thuốc men và quần áo. Khi ra đi, anh đã nhóm được một ngọn lửa trên núi cao vừa làm dấu hiệu để kêu gọi sự chú ý của thuyền bè qua lại trong vùng, vừa lấy đó như ngọn hải đăng để còn có thể quay lại đảo... Nhưng anh đã ra đi và không bao giờ trở lại hoang đảo... Sóng to gió lớn có lẽ đã chôn vùi anh giữa lòng đại dương. Người chị tất tả chạy ra bãi cát giữa cơn giông bão để réo gọi tên em.
Tác giả đã kết thúc câu chuyện như sau: "Nếu có thuyền bè chạy qua eo biển, một vùng hoang đảo trên Thái Bình Dương những ngày biển lặng sau đó, chú mục, người ta có thể nhìn thấy một ngọn lửa. Ngịn lửa ấy đốt bập bùng trên một triền núi, khi lớn, khi nhỏ, khi tỏ, khi mờ. Nhưng có điều chắc chắn là nó chưa hề tắt".
Sống là một cuộc chiến đấu không ngừng. Chiến đấu chống lại với những khắc nghiệt của thiên nhiên, chống lại không biết bao nhiêu kẻ thù, chống lại với chính bản thân đầy ươn hèn, xấu xa.
Nhưng người Kitô hữu không phải là một thứ anh hùng khắc kỷ, tự chiến đấu một mình và tin ở sức mạnh vô song của ý chí. Chúa Giêsu đã chiến đấu, nhưng Ngài không là một anh hùng của một ý chí sắt đá. Sức mạnh duy nhất của Ngài chính là Thiên Chúa. Lương thực của Ngài chính là Thánh ý Chúa Cha. Khí giới của Ngài là sự kết hiệp với Chúa Cha.
Qua ba cơn cám dỗ, Chúa Giêsu đã luôn luôn qui chiếu vào Lời Chúa. Lời của Chúa là khí giới, là thuẫn đỡ của Ngài.
Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà chính là Ðức Kitô sống trong tôi. Ðó phải là ý lực sống của chúng ta. Chúng ta cũng hãy nói: tôi chiến đấu, nhưng không phải là tôi chiến đấu, mà chính Ðức Kitô chiến đấu trong tôi. Sức mạnh của Kitô giáo, bản chất của Kitô giáo không phải là tổng số của các tín hữu, mà chính là Sự Sống của Ðức Kitô đang châu lưu trong từng người tín hữu.
(Lẽ Sống)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét