Trang

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ chính quyền Bosni Erzegovine

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ chính quyền Bosni Erzegovine

SARAJEVO. ĐTC Phanxicô kêu gọi chính quyền Bosni Erzegovine đối xử đồng đều với mọi công dân.
 Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc gặp gỡ chính quyền Cộng hòa Bosni Erzegovine sáng ngày 6-6-2015 là sinh hoạt đầu tiên trong chuyến viếng thăm mục vụ của ngài tại nước này.
 Vài nét về Bosni Erzegovine
 Cộng hòa này chỉ rộng gần 51.200 cây số vuông với 3 triệu 830 ngàn dân cư, trong đó có 439 ngàn tín hữu Công Giáo, tương đương với 11.5% dân số toàn quốc, thuộc 4 giáo phận, với 304 giáo xứ. Về nhân sự mục vụ, Giáo Hội tại Bosni có 6 GM với sự cộng tác của 624 LM, trong số này 280 vị là LM giáo phận và 344 LM thuộc các dòng tu, 14 tu huynh và 537 nữ tu. Giáo Hội tại đây có 120 đại chủng sinh và 96 tiểu chủng sinh.
 Số tín hữu Công Giáo tại Bosni giảm mất một nửa từ sau chiến tranh từ 1991 đến 1995: từ hơn 800 ngàn xuống còn 439 ngàn người như vừa nói. Cuộc chiến này cũng làm cho khoảng 1 ngàn thánh đường và cơ sở của Công Giáo bị phá hủy. Tình trạng xuất cư tiếp tục kéo dài.
 Cộng hòa Bosni Erzegovine lâm vào tình trạng nội chiến, xung đột chủng tộc, từ 1991 đến 1996, làm cho 12 ngàn người chết trong đó có 400 trẻ em. Hồi đó, dân thành Sarajevo bị giảm mất một nửa, vì 335 ngàn người phải di tản đi nơi khác. Hiệp định ký kết tại Dayton Hoa kỳ chấm dứt cuộc chiến. Bosni Erzegovine bị chia thành 3 vùng khác nhau: người Bosniac theo Hồi giáo đông nhất với 40%, vùng thuộc người Serbi theo Chính Thống giáo, và vùng của người Công giáo với đa số là dân Croát, với 11,5%. Tại vùng thuộc người Serbi, 94% trên tổng số 150 ngàn tín hữu Công Giáo di tản đi nơi khác. Một tổng thống đoàn gồm 3 vị đại diện cho 3 sắc tộc, thay phiên nhau đứng đầu đất nước, mỗi vị 8 tháng.
 ĐHY Vinko Puljic, TGM Sarajevo, thường than phiền về sự thiệt thòi mà các tín hữu Công Giáo phải chịu cho đến nay. Họ không được đối xử đồng đều và cho đến nay chính quyền vẫn chưa trả lại cho họ các tài sản đã bị Nhà nước cộng sản trước kia tịch thu.
 Đón tiếp Đức Thánh Cha
 ĐTC từ Roma đến thủ đô Sarajevo lúc 9 giờ sáng sau chuyến bay hơn 1 tiếng từ Roma. Liền đó ngài đi chiếc xe bé nhỏ đến phủ Tổng thống và được Tổng thống đoàn đón tiếp, đứng đầu là Ông Mladan Ivanic, người Serbi. Sau cuộc hội kiến riêng với Tổng thống, ĐTC gặp gỡ chính quyền dân sự, ngoại giao đoàn, các GM, các vị lãnh đạo tôn giáo khác của Bosni.
 Trong lời chào mừng, Tổng thống Ivanic nói với ĐTC rằng:
 ”Cuộc viếng thăm của Ngài tại Bosni Erzegovine được mọi người coi là một thời điểm mạnh mẽ nói lên tình thương, sự bao dung, khiêm tốn và cảm thông lẫn nhau, trong toàn thế giới Ngài được coi như một vị lãnh đạo tôn giáo gần gũi người dân thường, một vị lãnh đạo tôn giáo thăng tiến lòng bao dung với tha nhân và với những người khác biệt... Những sứ điệp hòa bình của Ngài thực sự khích lệ chúng tôi”.
 Tổng thống Ivanic cũng cho biết Bosni Erzegovine là một trong những nước đầu tiên ở vùng Balcan ban hành luật tự do của các Giáo hội và cộng đoàn tôn giáo, và cho đến nay đã ký hiệp định với Tòa Thánh cũng như Giáo hội Chính thống Serbi ở Belgrade.. Chúng tôi xác tín mạnh mẽ rằng cuộc viếng thăm của Ngài là một khích lệ trên con đường đối thoại để tìm ra một giải pháp không những cho các vấn đề liên tôn, nhưng cả những vấn đề sống chung dân sự nữa”.
 Diễn văn của ĐTC
 Lên tiếng sau diễn văn chào mừng của Tổng thống Ivanic, ĐTC ca ngợi sự sống chung hòa hợp trong quá khứ giữa các chủng tộc và cộng đoàn tôn giáo khác nhau tại Sarajevo. Cả về mặt kiến trúc, tại đây người ta thấy các Hội đường Do thái, thánh đường Kitô và Đền thờ Hồi giáo chỉ cách nhau không bao xa, đến độ thành phố này được gọi là ”Jerusalem của Âu châu”. Và thực vậy thành này là một ngã tư các nền văn hóa, dân nước và tôn giáo; và vai trò đó đòi phải luôn luôn kiến tạo những cây cầu mới, và chăm sóc, tu bổ những cây cầu hiện hữu, để đó một sự giao thông dễ dàng, vững chắc và văn minh.
 ĐTC khẳng định rằng:
 ”Chúng ta cần đả thông, khám phá những phong phú của nhau, đề cao giá trị của những gì liên kết chúng ta và coi những khác biệt như một cơ hội để tăng trưởng trong sự tôn trọng mọi người. Cần có một sự đối thoại kiên nhẫn và tín nhiệm nhau, làm sao để các gia đình và các cộng đoàn có thể thông truyền các giá trị văn hóa của mình và đón nhận điều tốt đến từ những kinh nghiệm của người khác.
 ”Như thế, cả những vết thương trầm trọng của quá khứ gần đây cũng có thể được hàn gắn và ta có thể nhìn về tương lai trong hy vọng, đương đầu với các vấn đề thường nhật với một tâm hồn không sợ hãi và oán hận.”
 ĐTC ghi nhận đã có những tiến bộ từ sau Hòa Ước ký kết tại Dayton năm 1995, nhưng ngài cũng nói rằng: ”Điều quan trọng là không hài lòng với những gì đã thực hiện được, nhưng tìm cách thực hiện thêm những bước tiến để củng cố sự tín nhiệm và tạo ra những cơ hội làm gia tăng sự hiểu biết và quí chuộng nhau. Để tạo điều kiện dễ dàng cho hành trình ấy, điều quan trọng là sự gần gũi và cộng tác của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên hiệp Âu Châu và các tổ chức đang hiện diện và hoạt động trên lãnh thổ Bosni Erzegovine.”
 ĐTC cũng nhắc đến ”một nghĩa vụ cao quí của các nhà chính trị là phục vụ các cộng đoàn của mình bằng cách bảo tồn trước tiên các quyền căn bản của con người, trong đó nổi bật là tự do tôn giáo. Như thế có thể kiến tạo một cách cụ thể một xã hội an bình và công chính hơn, khởi sự giải quyết nhiều vấn đề trong đời sống thường nhật của dân chúng.”
 ”Nhưng để điều đó xảy ra, có một điều kiện không thể thiếu được, đó là phải có sự bình đẳng thực sự của mọi công dân trước mặt pháp luật và trong việc thi hành luật pháp, bất kỳ họ thuộc chủng tộc, tôn giáo và địa lý nào: như thế tất cả sẽ cảm thấy mình hoàn toàn tham gia vào đời sống công cộng, được hưởng các quyền lợi như nhau, và có thể tích cực đóng góp cho công ích”.
 Sau cùng, ĐTC cho biết Giáo Hội Công Giáo tham gia vào công cuộc tái thiết Bosni Erzegovine về vật chất cũng như tinh thần, chia sẻ vui mừng và lo âu, mong muốn làm chứng về sự gần gũi những ngừơi nghèo và túng thiếu, qua sự dấn thân thực sự.
 Bài diễn văn của ĐTC trong dịp này cũng như trong toàn cuộc viếng thăm đều bằng tiếng Ý và được phiên dịch trực tiếp cho những người hiện diện. Những bài trong dịp khác thì được dịch sau khi ngài đã nói từng đoạn.
 Sau khi gặp gỡ chính quyền Bosni Erzegovine, và trước khi rời phủ Tổng Thống, ĐTC còn thực hiện một cử chỉ đặc biệt là thả 7 con chim bồ câu hòa bình. Một gia đình chuyên nuôi chim câu du hành đã cung cấp các chim câu cho cử chỉ này.
 G. Trần Đức Anh OP


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét