Trang

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

03-03-2018 : THỨ BẢY - TUẦN II MÙA CHAY

03/03/2018
Thứ bảy đầu tháng, tuần 2 Mùa Chay


Bài Ðọc I: Mk 7, 14-15. 18-20
"Chúa ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển".
Trích sách Tiên tri Mikha.
Lạy Chúa, với cây trượng của Chúa, xin chăn dắt dân Chúa, chăn dắt những con chiên thuộc quyền sở hữu của Chúa, sống lẻ loi trong rừng, ở giữa núi Carmêlô. Tất cả được chăn dắt ở Basan và Galaad như ngày xưa. Như ngày ra khỏi Ai-cập, xin tỏ cho chúng con thấy những việc lạ lùng.
Có Chúa nào giống như Chúa là Ðấng dẹp tan mọi bất công, và tha thứ mọi tội lỗi của kẻ sống sót thuộc về Chúa? Chúa không khư khư giữ mãi cơn thịnh nộ của mình, vì Chúa ưa thích lòng từ bi. Chúa còn thương xót chúng tôi, còn dày đạp những bất công của chúng tôi dưới chân Chúa, và ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển. Chúa ban cho Giacóp biết sự trung thành của Chúa và cho Abraham biết lòng từ bi mà Chúa đã thề hứa với tổ phụ chúng tôi từ ngàn xưa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 9-10. 11-12
Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).
Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. - Ðáp.
2) Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân; Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. - Ðáp.
3) Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa điều oan trái chúng tôi. - Ðáp.
4) Cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. - Ðáp.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: 2 Cr 6, 2b
Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.

Phúc Âm: Lc 15, 1-3. 11-32
"Em con đã chết nay sống lại".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này:
"Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: "Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con". Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó mới hồi tâm lại và tự nhủ: "Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: "Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha". Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: "Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa". Nhưng người cha bảo các đầy tớ: "Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu; hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy". Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.
"Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: "Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ". Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào, nhưng anh trả lời: "Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn; còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó". Nhưng người cha bảo: "Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm:  Người con hoang đàng
 Văn hào Nga Dostoievki khi biết mình không còn sống bao lâu nữa, đã gọi các con đến bên giường bệnh và yêu cầu vợ đọc cho chúng nghe dụ ngôn người con hoang đàng. Khi bà vợ vừa dứt lời, Dostoievki nói như để lại di chúc riêng của ông như sau:
“Các con yêu dấu, các con đừng quên những gì các con vừa nghe đọc. Hãy tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, đừng bao giờ thất vọng về sự tha thứ của Ngài. Cha thương các con vô cùng, nhưng tình thương của cha không thể sánh được với tình yêu Thiên Chúa dành cho những ai Ngài đã tạo dựng. Cho dù các con có phạm tội ác, các con đừng bao giờ thất vọng về Thiên Chúa. Các con là con cái Ngài, hãy khiêm tốn đến trước mặt Ngài. Hãy xin Ngài tha thứ và Ngài sẽ vui mừng vì sự sám hối của các con, như người Cha đã vui mừng khi người con hoang trở về”.
Những lời trăn trối của Dostoievki có lẽ cũng chính là tâm tình mà Giáo Hội mời gọi chúng ta khi cho chúng ta lắng nghe dụ ngôn về người con hoang đàng. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn nêu bật lòng thương xót của Thiên Chúa được chính Ngài cụ thể hoá qua sự gần gũi của Ngài với các tội nhân. Nêu bật lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người, Chúa Giêsu cũng nhắm đến thái độ chai đá của các biệt phái và luật sĩ, được Ngài tô vẽ qua hình ảnh của người con cả. Trong một vài nét ngắn ngủi, nhưng Chúa Giêsu đã phô bày được bộ mặt chai đá, ích kỷ, mù quáng của biệt phái và luật sĩ. Người con cả là hạng người không bao giờ nhận ra được tình thương của Thiên Chúa. Bao lâu nay sống bên cạnh cha, người con cả vẫn xem mình như một thứ người làm công trong nhà, mà không nghĩ rằng “tất cả những gì của cha đều là của con”.
Đó có thể là tâm tình của rất nhiều người trong chúng ta. Chúng ta tuân giữ và thực hành đúng đắn với giới răn, nhưng có lẽ chúng ta chỉ ngước lên Chúa như một quan toà công thẳng hay như một viên cảnh sát lúc nào cũng rình rập theo dõi để trừng phạt chúng ta. Từ một hình ảnh như thế về Thiên Chúa, tâm tình mà chúng ta có đối với Ngài có lẽ chỉ là sợ hãi, nô lệ. Và bởi lẽ không nhận ra Thiên Chúa như một người cha, cho nên con người cũng không nhận ra tha nhân là anh em của mình và như vậy cũng là xúc phạm đến chính Thiên Chúa.
Mùa Chay là mùa của hoán cải. Hoán cải trước tiên là trả lại cho Thiên Chúa gương mặt mà Chúa Giêsu đã mạc khải, đó là gương mặt của người Cha yêu thương con người đến thí ban Con Một mình. Nhưng không thể trở về với Thiên Chúa là Cha mà lại không yêu thương tha thứ cho người anh em của mình.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần II MC
Bài đọcMic 7:14-15, 18-20; Lk 15:1-3, 11-32.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình thương tha thứ của Thiên Chúa
Khi chúng ta nghe Chúa Giêsu đòi hỏi phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người đã xúc phạm đến chúng ta; nhiều người đã lắc đầu và chép miệng than: Khó quá! Làm sao thực hiện nổi? Chắc chắn Thiên Chúa không đòi con người làm những gì quá sức mình. Để giúp con người làm được điều này, Thiên Chúa ban ơn thánh và mời gọi con người nhìn lại mối liên hệ của họ với Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay giúp con người nhận ra tình thương tha thứ của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của con người đã xúc phạm đến Ngài. Trong Bài Đọc I, Tiên-tri Micah xin Thiên Chúa nối lại mối liên hệ của Ngài với Israel sau Thời Lưu Đày. Điều này chỉ Thiên Chúa mới có thể làm được, vì mọi con dân Israel đã xúc phạm đến Ngài. Để thực hiện điều đó, Thiên Chúa phải chà đạp tội lỗi dưới chân hay quăng chúng xuống đáy biển. Trong Phúc Âm, Thánh-sử Luca viết lại cho chúng ta một câu truyện tuyệt vời về tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Ngài sẵn sàng tha thứ vô điều kiện và phục hồi quyền làm con, khi một người ăn năn trở lại.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa nhân từ.
1.1/ Xin Thiên Chúa tiếp tục chăn dắt dân: Những gì Tiên-tri Micah viết trong chương cuối hôm nay giả sử Thời Lưu Đày đã qua, và Thiên Chúa đã có kế họach cho dân Do-Thái trở về để tái thiết Đền Thờ và xây dựng lại quê hương. Tiên-tri ước mơ Thiên Chúa sẽ nối lại tình cha con, như khi họ mới từ Ai-cập vào Đất Hứa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài dùng gậy để chăn dắt dân là đàn chiên, là cơ nghiệp của Ngài, đang biệt cư trong rừng giữa vườn cây ăn trái. Xin đưa họ tới đồng cỏ miền Bashan và Galaat như những ngày thuở xa xưa. Như thời Ngài ra khỏi đất Ai-cập, xin Ngài cho chúng con thấy những kỳ công.”
1.2/ Thiên Chúa không chấp tội của con người: Tiên-tri ý thức sâu xa các tội của dân đã xúc phạm đến Thiên Chúa, và tình thương như trời biển của Ngài dành cho dân. Họ xứng đáng lãnh nhận mọi hình phạt và ngay cả cái chết; nhưng họ còn sống và còn được trở về quê hương là hòan tòan do lòng nhân từ của Thiên Chúa. Tiên-tri Micah tự hỏi: “Thần minh nào sánh được như Ngài, Đấng chịu đựng lỗi lầm, Đấng bỏ qua tội ác cho phần còn sót lại của cơ nghiệp Ngài? Người không giữ mãi cơn giận, nhưng chuộng lòng nhân nghĩa, Người sẽ lại thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển.”
2/ Phúc Âm: Người Cha nhân hậu
2.1/ Người tội lỗi cần tình thương của Thiên Chúa: Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pharisees và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." Chúa Giêsu đưa ra 3 dụ ngôn để giúp họ nhận ra tình thương Thiên Chúa, và dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” tuyệt vời hơn cả, vì nó bao hàm tất cả các tiến trình phạm tội, xám hối, trở về, và tình thương tha thứ.
(1) Tội lỗi và tự do: Tội lỗi xảy ra khi con người lạm dụng quyền tự do của mình. Thiên Chúa ban cho con người quyền tự do chọn lựa, và Ngài tôn trọng quyền tự do của con người. Dĩ nhiên Ngài có thể bắt con người làm theo ý Ngài, nhưng làm như thế là mâu thuẫn với chính Ngài, và con người cũng không thỏai mái khi bị bắt làm như thế. Người con thứ cho chúng ta nhìn thấy cách xử dụng tự do không đúng của con người. Người cha để cho con hòan tòan tự do, mặc dù ông rất đau khổ trong lòng, vì ông biết có thể đây là lần cuối được nhìn thấy con.
(2) Tội lỗi và hình phạt: Tự do chọn lựa là phải lãnh nhận hậu quả mang lại. Người biết dùng tự do là người biết cân nhắc kỹ các hậu quả sẽ mang lại của từng lựa chọn. Người con thứ đã không nhìn thấy trước hậu quả của lối sống anh ta đã chọn; và khi hậu quả xảy ra, anh mới biết mình đã lựa chọn không đúng. Vì không có nghề, nên anh phải chăn heo, là một nghề mà người Do-Thái khinh thường. Chưa hết, vì quá đói nên anh ước ao được ăn những đồ heo ăn, mà cũng chẳng ai cho. Danh dự của một con người giờ còn thua cả một con vật nhơ bẩn.
(3) Tội lỗi và xám hối: Đau khổ cần thiết vì nó giúp con người biết phân biệt phải trái; trong đau khổ, con người nhận ra nhu cầu phải ăn năn xám hối. Người con thứ nhận ra mình đã không sống xứng đáng với địa vị làm con, nên muốn xin trở nên như một người làm công để có cơm ăn cho khỏi chết đói. Và anh ta mạnh dạn đứng lên ra về.
(4) Tội lỗi và tha thứ: Có một chi tiết nhỏ, nhưng nhiều người đã nhận ra và viết về nó: Làm sao người cha biết khi nào con trở về mà chạy ra đón con? Có người suy đóan: chắc ngày nào ông cũng ra đón vì thương con. Điều hợp lý hơn có lẽ Chúa Giêsu muốn ám chỉ Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa mới biết những gì xảy ra trong tâm hồn con người. Ngài tha thứ mà chẳng đòi điều kiện nào cả; cũng chẳng cần con kịp nói hết lời. Không những sẵn sàng tha thứ mọi tội mà còn phục hồi quyền làm con qua việc mặc áo đẹp nhất, xỏ nhẫn, mang giầy, và ăn mừng.
2.2/ Con người không thể hiểu được tình thương Thiên Chúa: Tình thương quá tuyệt vời của người cha làm nhiều người bất mãn, trong đó có người anh của người con thứ.
(1) Phản ứng của người anh cả: Khi biết lý do của buổi tiệc, Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ, và cậu được dịp để bày tỏ nỗi tức giận của mình:
- Kể công phục vụ: "Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.”
- Từ chối không nhận em mình: “Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”
(2) Phản ứng của người cha: Ông vẫn bênh vực người con thứ và kiên nhẫn cắt nghĩa cho người con cả: "Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta khó tha thứ cho kẻ thù và cầu nguyện cho người xúc phạm; vì chúng ta không chịu xét mình để nhìn ra tình thương tha thứ và cách cư xử của Thiên Chúa với chúng ta.
- Một khi chúng ta nhìn ra tình thương tha thứ của Thiên Chúa và cách cư xử của Thiên Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ cho anh chị em hơn; và nhận ra những gì họ xúc phạm đến chúng ta không thể so sánh với những gì chúng ta đã xúc phạm đến Thiên Chúa.
- Sau cùng, tất cả chỉ là tình thương. Nếu chúng ta đã nhận được tình thương từ Thiên Chúa, chúng ta cũng phải chia sẻ tình thương cho nhau.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

03/03/2018 - THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 2 MC
Lc 15,1-3.11-32
LÒNG THƯƠNG XÓT: CHUẨN MỰC CỦA THIÊN CHÚA

Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” (Lc 15,2)
Suy niệm: Xã hội nào cũng có những chuẩn mực đạo đức để định hình ứng xử của con người và duy trì sự ổn định trong xã hội. Thế nhưng những chuẩn mực đó sẽ trở thành lớp vỏ hình thức cứng nhắc khi có ai đó cho rằng mình đã “đạt chuẩn,” để rồi lấy mình làm chuẩn đánh giá và bắt người khác rập theo cái chuẩn của mình. Khi các kinh sư và người Pha-ri-sêu ngày hôm nay xầm xì với nhau về Chúa Giê-su vì Ngài “đón tiếp những người tội lỗi và đồng bàn với chúng” hẳn họ ngầm ý rằng nếu là họ, họ đã không làm như thế, và bằng cách gián tiếp họ mới đúng chuẩn là người công chính. Bằng một dụ ngôn thật xúc động, Chúa Giê-su không phủ nhận họ là người tội lỗi nhưng Ngài cho thấy Thiên Chúa có chuẩn mực khác: chuẩn mực của lòng thương xót như người cha luôn rộng lòng mở đón người con hoang đàng trở về.
Mời Bạn tự vấn: Tôi có mắc ảo tưởng mình là người công chính khi thực hành một số việc làm đạo đức và coi đó là chuẩn mực để phê phán người khác không?
Sống Lời Chúa: Tập sống tinh thần bao dung và nhẫn nại đối với tha nhân để có thể có lòng thương xót như Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lòng thương xót của Chúa vô bờ bến, nhưng chúng con mãi chưa nhận ra nên chúng con vẫn sống trong tội lỗi, vẫn chìm đắm trong sự giả dối, giả hình để lừa cả chính bản thân mình. Xin cho chúng con nhìn ra sự thật bản thân mà bước đi trong đường lối ánh sáng và sống trong Lòng Thương Xót Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)


Ăn mng (3.3.2018 – Th by Tun 2 Mùa Chay)
Hoán ci bao gi cũng khó. Con th phi can đm lm mi dám tr v nhà cha... Mùa Chay là thi gian tr v vi Cha, tr li vi anh em.


Suy nim:
Dụ ngôn người cha nhân hậu là một dụ ngôn nổi tiếng,
qua đó Đức Giêsu cho thấy tại sao Ngài đón tiếp và ăn uống với tội nhân.
Đơn giản chỉ vì ngài giống Thiên Chúa là người Cha nhân hậu.
Người cha nhân hậu là người tôn trọng tự do của đứa con thứ,
người đã chia một phần ba gia sản cho nó ngay khi ông còn sống.
Ông đã không tìm con, như người ta tìm chiên lạc hay tìm đồng bạc bị mất.
Ông tin và hy vọng sớm muộn nó sẽ về, nên ông kiên nhẫn chờ.
Vì chờ, nên ông là người đầu tiên trông thấy con trở về tiều tụy.
Không cầm lòng được vì thương, ông chạy ra, ôm lấy cổ con mà hôn.
Người con của ông đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.
Khi con thứ sám hối, ông đã trả lại cho cậu tất cả vinh dự của người con.
Việc duy nhất phải làm ngay là mở tiệc ăn mừng (cc. 23, 24. 29, 32).
Khi con cả giận dỗi, không chịu vào nhà chung vui với cha và em,
một lần nữa người cha lại đi ra và năn nỉ (c. 28).
Ông chấp nhận ở thế yếu vì ông không muốn mất một đứa con nào.
Ông không thể yên tâm ở trong nhà khi còn một đứa con ngoài cổng.
Hoán cải bao giờ cũng khó.
Con thứ phải can đảm lắm mới dám trở về nhà cha.
Làm sao lường được phản ứng của cha, anh, của gia nhân, hàng xóm?
Làm sao dám về nhà trong tình trạng thân tàn ma dại?
Nhưng con cả cũng không dễ vào nhà chút nào,
vì vào nhà là phải bắt tay thằng em đã phung phí hết của cải,
vào nhà là phải chấp nhận sự thiên vị khó hiểu của người cha (cc. 29-30).
Cả hai người con đều cần hoán cải.
Người con cả cũng hỗn hào với cha không kém gì đứa em (c. 30).
Em bỏ nhà ra đi nên đói, còn anh không chịu vào nhà nên cũng có thể bị đói.
Anh phục vụ cha rất tốt nhưng lại mong cha trả công như người thợ (c. 29).
Anh ở gần cha, nhưng thực sự trái tim lại xa cha.
Khi cha vui vì em trở về thì anh lại buồn giận.
Mùa Chay là thời gian trở về với Cha, trở lại với anh em.
Người con thứ đã đứng lên trở về nhà cha và tìm được hạnh phúc.
Không rõ người con cả có vào nhà cha và ôm lấy em mình không?
Cầu nguyn:

Lạy Cha,
người con thứ đã muốn tự định đoạt lấy đời mình.
Chúng con vẫn rơi vào tội của người con thứ,
khi coi Cha
như người cản trở hạnh phúc của chúng con.
Chúng con thèm được tự do bay nhảy
ngoài vòng tay Cha,
nhưng tự do ấy lại biến chúng con thành nô lệ.
Hạnh phúc do thế gian ban tặng thì bọt bèo.
Như người con thứ,
chúng con bỗng thấy mình tay trắng,
rơi xuống chỗ cùng cực và bị cái chết đe dọa.

Lạy Cha đầy lòng bao dung,
xin kéo chúng con trở về với Cha mỗi ngày,
giúp chúng con điều chỉnh những đam mê lệch lạc.
Xin nâng chúng con đứng lên trong niềm vui
vì tin rằng tình Cha lớn hơn tội chúng con vạn bội.

Ước gì những vấp ngã khiến chúng con lớn lên,
thấy mình mong manh, thấy Cha rộng lượng.
Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ,
chúng con lại thấy mình hiền hòa hơn với tha nhân.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
3 THÁNG BA
Gặp Gỡ Đấng Thánh
Tại chính trung tâm của phụng vụ Mùa Chay, mầu nhiệm về sự thánh thiện vô cùng của Thiên Chúa được công bố cho chúng ta. Mô-sê đã trở thành một chứng nhân đặc biệt của sự thánh thiện ấy. Mầu nhiệm này phải đồng hành với chúng ta mỗi ngày trong cả Mùa Chay cho đến khi sự thánh thiện và tình yêu của Thiên Chúa được công bố qua Thập Giá và Cuộc Phục Sinh của Đức Kitô.
Tuy nhiên, để cho mầu nhiệm vượt qua phát sinh hoa trái dồi dào trong cõi lòng và lương tâm chúng ta, chúng ta phải kinh nghiệm một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa như cuộc gặp gỡ mà Mô-sê đã trải qua tại chân núi Hô-rép.
Vị Thiên Chúa lên tiếng nói với con người tại chân núi ấy là ai vậy? Mô-sê đã hỏi tên Ngài và ông đã nghe câu trả lời: “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14). Theo Thánh Tô-ma A-qui-nô, câu trả lời ấy của Thiên Chúa có thể được diễn dịch thành: “Ta là Đấng mà bản chất của mình là hiện hữu.”
Thiên Chúa nói danh tánh của chính Ngài cho con người. Điều đó cho thấy sự mật thiết của giao ước mà Ngài thiết lập với Abraham và con cháu ông. Thật vậy, Ngài nói với Mô-sê: “Ta là Đấng sẽ giải phóng và cứu vớt dân Ta.”
Thiên Chúa tỏ cho Mô-sê thấy mối quan tâm của Ngài đối với mọi người – và đối với dân Ngài xét như một toàn thể: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập … “ (Xh 3,7-8). Thiên Chúa là Đấng Hiện Hữu, là Đấng Giải Phóng. Ngài là Đấng Sáng Tạo, là Thiên Chúa của giao ước, là Thiên Chúa cứu độ.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II



Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 03/3
Nk 7, 14-15.18-20; Lc 15, 1-3.11-32
.
LỜI SUY NIỆM: “Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.”
Chúa Giêsu chứng kiến sự hiện diện và tâm tư của hai hạng người đang đến với Người: là thu thuế và tội lỗi với kinh sư và người Pharisêu, Chúa Giêsu đều thương yêu như nhau. Để tỏ tình yêu thương và niềm vui này, Người đã đưa ra cho họ ba dụ ngôn: dụ ngôn con chiên bị mất, đồng bạc bị đánh mất, để cho tất cả thấy được chính Thiên Chúa đi tìm người tội lỗi và dụ ngôn: người cha nhân hậu, để cho tất cả thấy được tình yêu thương tha thứ và trông đợi hoán cải của con người.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho tất cả chúng con luôn tìm gặp Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của chúng con và tin vào tình yêu thương của Chúa đã dành để cho từng người trong chúng con.
Mạnh Phương


03 Tháng Hai
Ngôn Ngữ Của Tình Yêu
Có lẽ cái tên của Helen Keller, một cô gái câm điếc người Mỹ, đã trở thành bậc khoa bảng, không còn xa lạ với chúng ta nữa. Vừa được 19 tháng, sau một cơn đau màng óc, cô gái bất hạnh này trở thành mù lòa và câm điếc. Thế giới của âm thanh và màu sắc đã khép hẳn cánh cửa lại với cô.
Làm thế nào để truyền thụ kiến thức cho một người đã câm điếc lại còn mù lòa? Cha mẹ của cô bé dường như muốn bó tay. Nhưng có một cô giáo tên là Anna Sullivan đã không muốn bỏ cuộc. Hy vọng duy nhất mà cô giáo này còn đó là còn có thể truyền thông và liên lạc với cô gái mù lòa và câm điếc này qua việc tiếp xúc với bàn tay của cô. Chỉ có thể tiếp xúc với thế giới bằng đôi tay, nhưng Helen Keller đã có thể học xong Ðại Học, tốt nghiệp Tiến sĩ và trở thành văn sĩ.
Cho người mù lòa và câm điếc chạm vào một sự vật và viết lên tên gọi của sự vật ấy: đó là phương pháp của cô giáo Anna Sullivan. Dạy về những sự vật cụ thể như cái bàn, cuốn sách, cành cây, con chó xem ra không hẳn là điều khó. Nhưng làm thế nào để diễn tả cho Helen hiểu được những ý niệm trừu tượng như tình yêu chẳng hạn?
Ngày kia, cô giáo Anna Sullivan đã viết lên tay của Helen Keller hai chữ "Tình Yêu" rồi ôm trầm lấy cô bé hôn lấy hôn để với tất cả sự thành thật và nhiệt tình của cô. Lần đầu tiên trong đời, cô gái câm điếc mù lòa bỗng cảm thấy tim mình đập mạnh và cô hiểu được thế nào là Yêu Thương.
Ngôn ngữ của Tình Yêu là những hành động cụ thể.
Ánh mắt trìu mến, những âu yếm vuốt ve của người mẹ đối với đứa con mới lọt lòng có giá trị hơn bất cứ một quyển sách biên khảo nào về tình yêu. Nhưng mồ hôi và nước mắt, những hy sinh hằng ngày của người cha giúp con cái hiểu được thế nào là Yêu thương hơn bất cứ lời dẫn giải nào về Tình Yêu. Và có lẽ cũng thừa thãi để bảo rằng khi hai người yêu nhau thì sự thinh lặng và những cử chỉ âu yếm có sức mạnh hùng hồn hơn những lời nói hoa mỹ, những trống rỗng.
Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài tỏ tình, Ngài bộc lộ tình yêu với con người không chỉ bằng những lời nói suông, mà bằng cả lịch sử của những can thiệp, những thể hiện cụ thể.
Một tình yêu không được chứng tỏ bằng những hành động cụ thể là một tình yêu giả dối, lừa bịp.
Ðạo Kitô của chúng ta là Ðạo của Tình Yêu. Một người kitô không sống Tình Yêu, không viết lên hai chữ Tình Yêu bằng những hành động cụ thể đối với tha nhân, người đó chỉ là một người Kitô giả hiệu, một Ðức Tin không việc làm là một Ðức Tin chết. Một lòng Mến không được thể hiện bằng hoa trái của lòng Mến chỉ là lòng Mến giả tạo.
(Lẽ Sống)


Lectio Divina: Luca 15:1-3, 11-32
Thứ Bảy 3 Tháng Ba, 2018

Thứ Bảy Tuần II Mùa Chay   
                           

1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Cha Trung Tín, Chúa là Thiên Chúa của chúng con
Chúa của ân sủng, lòng thương xót và tha thứ.
Lạy Chúa, khi mà lòng thương xót và tha thứ nghe có vẻ như thuộc về chế độ gia trưởng cho người thời nay,
Thì lại khiến cho chúng con nhận ra được,
Rằng Chúa thách thức chúng con phải đối diện với chính mình
Và trở thành con người mới,
Chịu trách nhiệm về số phận của chính mình
Và vì hạnh phúc của người khác.
Xin Chúa hãy làm cho chúng con biết đáp trả lại tình yêu của Chúa
Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

2.  Phúc Âm – Luca 15:1-3, 11-32

Khi ấy, những người thu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Biệt Phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này:
“Người kia có hai con trai. Đứa em đến thưa cha rằng: ‘Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con’. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của.
Khi nó tiêu hết tiền của, thì gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó mới hồi tâm lại và tự nhủ: ‘Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha”’. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó.
Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: ‘Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa’. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: ‘Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu; hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy’. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.
Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: ‘Đó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu trở về mạnh khỏe’. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào, nhưng anh trả lời: ‘Cha coi, đã bao nhiều năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn; còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó’.
Nhưng người cha bảo: ‘Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy’”.

3.  Suy Niệm

– Chương 15 của sách Tin Mừng Luca được kèm theo những dữ kiện sau đây: “Những người thu thuế và những người tội lỗi, tất cả mọi người đều vây quanh Chúa Giêsu để nghe Người giảng, và các người Biệt Phái và Kinh Sư lẩm bẩm rằng: ‘Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và ngồi ăn uống với chúng’ (Lc 15:1-3). Ngay lập tức, Luca trình bày ba dụ ngôn được kết lại với nhau bởi cùng một chủ đề: con chiên lạc (Lc 15:4-7), đồng tiền bị đánh mất (Lc 15:8-10), đứa con bị mất (Lc 15:11-32). Dụ ngôn cuối cùng này tạo thành chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay.
– Lc 15:11-13: Quyết định của người con thứ. Người kia có hai con trai. Đứa em xin chia phần gia tài thuộc về nó. Người cha chia tất cả gia tài cho hai con và cả hai đều nhận phần gia tài của chúng. Được nhận phần thừa kế không phải vì bất cứ công trạng nào của chúng ta. Đó là món quà cho không. Việc thừa kế những ân huệ của Thiên Chúa được phân chia cho tất cả nhân loại, cho dù là dân Do Thái hay dân ngoại, cho dù là Kitô hữu hay không phải là Kitô hữu. Tất cả mọi người đều nhận được một phần gia nghiệp của Chúa Cha. Nhưng không phải tất cả ai cũng chăm sóc nó trong cùng một cách. Trong trường hợp tương tự, đứa con thứ bỏ nhà và trẩy đi miền đất xa xôi, và phung phí tiền bạc của mình vào cuộc sống trác táng, lìa xa người Cha. Vào thời thánh sử Luca, người con cả được tượng trưng cho các cộng đoàn phát xuất từ Do Thái giáo, và người con thứ được tượng trưng cho các cộng đoàn họp thành từ dân ngoại. Và ngày nay, người con út là ai, và người con cả là ai?
– Lc 15:14-19: Ảo tưởng và ý chí quay trở về nhà Cha. Nhu cầu sinh nhai khiến cho người thanh niên đánh mất sự tự do của mình và anh ta trở thành người làm công và phải chăn heo. Đây là tình trạng đời sống của hàng triệu người nô lệ trong Đế quốc La Mã vào thời thánh Luca. Tình huống khiến người con thứ hồi tưởng lại cuộc sống ngày xưa ở nhà Cha mình. Cuối cùng, anh ta nhủ thầm những lời mà anh ta sẽ nói với người Cha: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha!” Người làm công làm theo lệnh của chủ, phải hoàn thành bổn phận của người tôi tớ. Người con thứ muốn tuân thủ lề luật y như người Biệt Phái và Kinh Sư của thời Chúa Giêsu muốn (Lc 15:1). Sứ vụ của người Biệt Phái cáo buộc dân ngoại là những người đã cải đạo sang đạo Thiên Chúa của ông Abraham (Mt 23:15). Vào thời của ông Luca, một số Kitô hữu xuất phát từ Do Thái giáo, tự mang cái ách của Lề Luật vào mình (Ga 1:6-10).
– Lc 15:20-24: Niềm vui mừng của người Cha khi ông được gặp lại người con thứ của mình. Dụ ngôn nói rằng khi người con thứ còn ở đàng xa, mà người Cha đã trông thấy con mình, và chạy lại, ôm choàng lấy nó và hôn nó. Chúa Giêsu cho chúng ta ấn tượng rằng người Cha vẫn luôn ở bên cửa sổ để ngóng xem con mình có xuất hiện ở đầu ngõ không. Theo lối suy nghĩ và cảm xúc của con người, niềm vui mừng của người Cha dường như được phóng đại. Thậm chí ông ấy đã không để cho con mình nói hết những gì nó muốn nói. Không ai muốn nghe! Người Cha không muốn con của ông trở thành kẻ nô lệ cho mình. Ông muốn nó là con của ông! Đây là Tin Mừng tuyệt vời mà Chúa Giêsu đã đem đến cho chúng ta! Một chiếc áo mới, giầy mới, nhẫn đeo vào tay nó, con bê, tiệc mừng! Trong niềm vui lớn lao của việc gặp gỡ, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy nỗi buồn to lớn của người Cha như thế nào vì sự mất mát con trai của ông. Thiên Chúa đã rất buồn và người ta bây giờ đã ý thức được điều này, khi nhìn thấy niềm vui bao la của người Cha vì được gặp lại con mình! Đó là niềm vui được chia sẻ với tất cả mọi người trong tiệc mừng mà ông đã chuẩn bị sẵn sàng.
– Lc 15:25-28a: Phản ứng của người con cả. Người con cả từ ngoài ruộng trở về và trông thấy trong nhà đang có yến tiệc linh đình. Anh ta từ chối bước vào nhà. Anh ta muốn biết chuyện gì đang xảy ra. Khi được biết lý do cho việc ăn uống linh đình, anh ta liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Anh ta tự cách biệt, anh ta nghĩ mình có quyền lợi riêng. Anh ta không thích việc yến tiệc và không hiểu được lý do cho sự vui mừng của Cha mình. Đây là dấu hiệu cho thấy anh ta đã không có sự gắn bó mật thiết với Cha, mặc dù thực tế là họ sống trong cùng một nhà. Thật ra, nếu người con cả đã có liên hệ mật thiết với Cha mình, thì anh ta đã nhận ra được nỗi muộn phiền của người Cha vì mất đi người con thứ và sẽ hiểu được niềm vui mừng của ông khi thấy con mình trở về. Những ai sống rất lo lắng về việc tuân giữ Lề Luật Thiên Chúa, có nguy cơ quên chính Thiên Chúa! Người con thứ, dù rằng sống xa nhà, dường như biết về Cha nhiều hơn người con cả là kẻ sống chung nhà với ông. Bởi vì người con thứ đã có can đảm để quay trở về với Cha mình, trong khi đó người con cả thì lại không muốn bước vào nhà Cha. Anh ta không ý thức được rằng không có anh ta, người Cha sẽ mất đi niềm vui mừng. Bởi vì, anh ta, người con trưởng, cũng là con, giống như người con thứ!
– Lc 15:28b-30:   Thái độ của người Cha và câu trả lời của người con cả. Người Cha đi ra và xin người con cả vào nhà. Nhưng anh ta trả lời: “Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn; còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó”. Người con cả cũng muốn có một bữa tiệc và vui chơi, nhưng chỉ với nhóm bạn riêng của anh ta thôi. Không muốn vui với em mình và càng không muốn với Cha mình, và anh ta không gọi em mình là em, mà lại gọi “thằng con của cha kia”, như thể rằng người con thứ không còn là em của anh ta nữa. Và anh ta, người con cả, nói đến những cô gái mãi dâm. Đó là ác tâm mà anh ta diễn giải cuộc sống của em mình theo cách này. Đã bao nhiêu lần, người Công Giáo chúng ta đã diễn giải tồi tệ về đời sống và tôn giáo của các kẻ khác! Thái độ của người Cha thì ngược lại! Ông chấp nhận người con thứ, nhưng cũng không muốn mất người con cả. Cả hai đều là phần tử của gia đình. Người này không thể loại trừ người kia!
– Lc 15:31-32: Câu trả lời cuối cùng của người Cha. Người Cha là người đã không chú ý đến lời đối đáp của người con thứ, thì trong cùng một cách, ông cũng không màng đến những lời của người con cả và nói rằng: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy!” Có phải là người con cả đã thực sự nhận thức được rằng anh ta luôn ở bên Cha mình và tìm thấy rằng sự hiện diện của anh ta là nguyên nhân cho niềm vui của cha mình không? Câu nói: “Mọi sự của cha đều là của con!” cũng bao gồm cả người con thứ là người đã quay về nhà! Người con cả không có quyền phân biệt, và nếu anh ta muốn là con trai của người Cha, thì anh ta phải chấp nhận người cha như thế và không như là người cha mà anh ta muốn! Câu chuyện dụ ngôn không nói đến câu trả lời của người con cả ra sao sau đó. Điều đó tùy thuộc vào người con cả, mà chúng ta là người ấy, cho câu trả lời!
– Những ai có kinh nghiệm về sự dạt dào đáng ngạc nhiên và cho không về tình yêu Thiên Chúa trong đời sống của mình thì trở nên vui vẻ và mong muốn được truyền bá niềm vui mừng này cho những người khác. Hành động cứu độ của Thiên Chúa là nguồn mạch của sự vui mừng: “Hãy chung vui với tôi!” (Lc 15:6-9). Và từ kinh nghiệm này về sự cho không của Thiên Chúa dấy lên ý nghĩa của tiệc mừng và niềm vui (Lc 15:32). Vào cuối câu chuyện dụ ngôn, người Cha đòi hỏi phải được hạnh phúc và ăn mừng, tiệc vui. Niềm vui mừng đang bị đe dọa bởi người con cả, là người không muốn vào nhà. Anh ta nghĩ rằng mình có quyền vui vẻ nhưng chỉ riêng với chúng bạn của mình và không muốn chia sẻ niềm vui mừng với tất cả các thành viên của gia đình nhân loại. Anh ta đại diện cho những ai tự coi mình là công chính và tuân giữ lề luật, và những ai nghĩ rằng họ không cần bất kỳ một sự chuyển đổi nào.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân

– Đâu là hình ảnh về Thiên Chúa mà tôi đã có từ thời thơ ấu? Hình ảnh ấy có đã thay đổi trong những năm qua không? Nếu nó đã thay đổi, tại sao?
– Trong hai người con, tôi nhận thấy mình giống người con nào: người con thứ hay người con cả? Tại sao?

5.  Lời nguyện kết

Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
Toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
Chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
(Tv 103:1-2)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét