04/03/2018
Chúa Nhật tuần 3 Mùa Chay năm B.
(phần I)
Bài Ðọc I: Xh 20, 1-17
"Luật do Môsê đã ban
ra".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo
những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng
Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta, đừng
chạm trổ tượng gỗ, hay vẽ hình các vật trên trời, dưới đất, trong nước, dưới
lòng đất. Ðừng thờ lạy và phụng sự các hình tượng ấy, vì Ta là Chúa, Thiên Chúa
ngươi, Chúa hùng mạnh, Chúa ganh tị, trừng phạt con vì tội lỗi cha, cho đến ba
bốn đời, những kẻ ghét Ta; Ta tỏ lòng nhân lành đến ngàn đời đối với những ai
kính mến Ta và tuân giữ các giới răn Ta.
Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên
Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh
Người mà lường gạt.
Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày
Sabbat. Ngươi làm lụng và làm tất cả mọi việc trong sáu ngày, còn ngày thứ bảy
là ngày Sabbat, thì thuộc về Chúa, Thiên Chúa ngươi; trong ngày đó, ngươi, con
trai, con gái, tôi tớ nam nữ, súc vật, ngoại kiều trọ trong nhà ngươi, tất cả
không được làm việc gì. Vì trong sáu ngày, Chúa đã tạo dựng trời, đất, biển, và
tất cả mọi vật trong đó, rồi Người nghỉ trong ngày thứ bảy: cho nên Chúa chúc
phúc và thánh hoá ngày Sabbat.
Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để
ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết
người, chớ phạm tội ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối hại anh em
mình, chớ tham lam nhà của kẻ khác, chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò
lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài vắn này: Xh 20, 1-3. 7-8. 12-17
"Luật do Môsê đã ban
ra".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo
những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng
Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta. Ngươi
đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng
phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt. Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat.
Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi
được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người;
chớ phạm tội ngoại tình; chớ trộm cắp; chớ làm chứng dối hại anh em mình; chớ
tham lam nhà của kẻ khác; chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất
cứ vật gì của bạn hữu.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 11
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời (Ga 6,
69).
Xướng: 1) Luật pháp Chúa toàn
thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. - Ðáp.
2) Giới răn Chúa chính trực, làm
hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. - Ðáp.
3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết,
còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực, công minh hết thảy. - Ðáp.
4) Những điều đó đáng chuộng hơn
vàng, hơn cả vàng ròng, ngọt hơn mật và hơn cả mật tàng ong. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 22-25
"Chúng tôi rao giảng
Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho nhiều người, nhưng
là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đối với những người được gọi".
Trích thư thứ nhất của Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, các người
Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn
chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp
phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối
với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Ðức Kitô, quyền
năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Chúa Cha, vì sự điên rồ của Thiên Chúa
thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì
vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người.
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 4, 4b
Người ta sống không nguyên bởi
bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.
Phúc Âm: Ga 2, 13-25
"Các ngươi cứ phá huỷ đền
thờ này, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Gioan.
Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần
đến, Chúa Giêsu lên Giêru-salem. Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán
bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng
làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung
tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim
câu rằng: "Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành
nơi buôn bán". Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: "Sự nhiệt thành vì
nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi".
Bầy giờ người Do-thái bảo Người
rằng: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy".
Chúa Giêsu trả lời: "Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày
Ta sẽ dựng lại". Người Do-thái đáp lại: "Phải bốn mươi sáu năm mới
xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?" Nhưng Người,
Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống
lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.
Trong thời gian Người ở lại
Giêrusalem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ
Người làm. Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ, vì Người biết tất cả mọi
người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong
lòng người ta.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Những Ðền Thờ
Trong dịp lễ Vựơt qua của người
Dothái năm 28, Chúa Yêsu xuất hiện ở đền thờ Yêrusalem. Hằng năm, Người vẫn có
thói quen trẩy lễ nơi đây như những người Dothái đạo đức khác. Ta còn nhớ cũng
tại đây, lúc lên 12 tuổi, Người đã long trọng công bố: "Tôi phải ở tại nhà
Cha tôi, để lo việc Người trao phó" (Lc 2,49). Chính lòng nhiệt thành đối
với nhà Thiên Chúa đã thôi thúc Người xua đuổi các con buôn đang mải miết làm
ăn nơi tôn nghiêm thánh thiện (Yn 2,17). Lần này Người công bố một lời khác,
cũng long trọng và hàm chứa nhiều ý nghĩa: "Hãy phá đền thờ này và sau 3
ngày Ta sẽ xây dựng lại" (Yn 2,19). Nhưng đền thờ nào phải phá? Ðền thờ
nào phải xây?
1. Những Ðền Thờ Ngẫu Tượng
Chúa Yêsu tự ví thân xác mình
như một đền thờ, nhưng là một đền thờ phải phá đi, vì Người sẽ chết để sống lại
vinh quang. Thân xác phục sinh của Người chính là Ðền thờ vĩnh cửu, nơi mà loài
người phải thờ phượng Chúa Cha một cách chân thật trong Thần Trí.
Người Dothái không nghĩ được ý
nghĩa sâu sắc của lời Chúa Yêsu nói. Họ chỉ nghĩ tới ngôi đền thờ bằng đá do đại
vương Hêrôđê đã khởi sự xây lại từ 46 năm trước đó. Chính các môn đệ cũng chưa
hiểu liền. Sau biến cố Phục sinh, họ nhớ lại và nhờ suy niệm trong lòng, nhờ
tìm kiếm trong Thánh Kinh, họ mới dần dà đi sâu vào mầu nhiệm của Thầy Chí
Thánh, như một Yoan và một Phaolô đã làm. Chúa Kitô muốn rằng: chúng ta cũng phải
vượt qua bình diện hữu hình của cái nhìn nhân loại, để vươn tới những thực tại
thiêng liêng của mầu nhiệm Thiên Chúa.
Lòng trí con người vốn có xu hướng
tôn thờ ngẫu tượng là những cái hấp dẫn và có lợi trước mắt, làm cho nó dễ mù
quáng. Lời Chúa Yêsu nói và việc Người làm trong năng lực Thánh Thần nhằm giải
thoát chúng ta khỏi sự mê hoặc ấy của ngẫu tượng. Trước tiên Thần Trí Người
thúc bách chúng ta phá đổ đền thờ ngẫu tượng lý trí.
Không phải chỉ có người Hylạp
xưa, mà cả chúng ta hôm nay vẫn khó chấp nhận sự điên rồ của Thập giá. Ðó là một
nhục nhã cho trí óc (1C 1,24). Ðối lại, thánh Phaolô khẳng định rằng: Ðức Kitô
chịu đóng đinh trên Thập giá là một bằng chứng cho sự khôn ngoan tuyệt đỉnh của
Thiên Chúa, vì sự điên rồ tột độ của cái chết ấy nói lên tình yêu tột độ của
Thiên Chúa đối với loài người (1C 1,24). Chỉ có đức tin Kitô giáo mới hiểu và
chấp nhận nổi điều nghịch lý đó. Quả vậy, thực tâm tin vào Ðức Yêsu Kitô chết
treo trên Thập giá, có nghĩa là chấp nhận cái nhìn ngược đời của Thiên Chúa và
sống một nếp sống không rập theo khuôn thói thế gian phản nghịch với Người.
Chính đó là khôn ngoan đích thực, một đức khôn ngoan vượt qua giới hạn của lý
trí và đem lại ơn cứu độ cùng với sự sống đời đời, giống như ánh sáng Phục sinh
đã xuất hiện từ trong bóng tối sự chết và thắng vượt sự chết.
Ðứng trước cái thế giằng co giữa
đức tin và lý trí, tuy chúng ta phải nghĩ như thánh Anselmô rằng: "Ðức tin
cũng cần được lý trí lĩnh hội", nghĩa là tôi phải biết tôi tin ai, tôi tin
gì và vì sao tôi tin; nhưng câu nói của thánh Augustinô còn đúng một cách sâu sắc
hơn nữa: "Tôi tin để tôi hiểu", vì đức tin làm cho tôi thấy ý định cứu
độ của Thiên Chúa trong lịch sử loài người. Như thế đức tin đem khoa luận lý
siêu nhiên của tình yêu và hy vọng bổ túc cho khoa luận lý tự nhiên của lý trí
hay suy tính, và đức tin làm cho lý trí chấp nhận rằng Thiên Chúa có thể biến
cái nghịch lý thành phương tiện cứu rỗi.
Chúa Kitô còn muốn người ta phá
đổ một đền thờ ngẫu tượng khác: đó là ngẫu tượng "Vị Thiên Sai vinh quang
trần thế". Ða số người Dothái thời bấy giờ, kể cả những môn đệ của Người,
đã mơ ước một Ðấng Cứu thế có quyền năng đem lại thịnh vượng vật chất và vẻ
vang thế tục cho họ, để họ đua đòi với thiên hạ. Họ muốn rằng: Người phải là Vị
cứu tinh đó. Nhưng Người đã quyết liệt khước từ, vì Nước Người không ở trần
gian và sứ mạng của Người tiên vàn không phải là xây dựng đời sống vật chất, mà
là đổi mới tâm hồn nhân loại. Chúa Kitô muốn rằng chúng ta phải hoán cải, phải
thay đổi kiểu nhìn và lối sống cho phù hợp với đức công chính và luật thương
yêu là đòi hỏi của Chúa Cha. Ðấng giải hòa chúng ta với Người trong Con Một yêu
dấu. Sự hoán cải nội tâm và giải hòa với Thiên Chúa bằng tình yêu như thế chắc
chắn sẽ có những âm hưởng xã hội trong tương quan giữa con người với con người
và đóng góp hữu hiệu vào việc xây dựng một thế giới nhân đạo, huynh đệ và hạnh
phúc hơn. Do đó người ta có thể nói: Nước Trời lành-mạnh-hóa và củng cố Nước trần
gian từ bên trong. Sứ mạng của Chúa Kitô cũng như các tín hữu đối với thế giới,
trước tiên là một sứ mạng tinh thần, dùng sức mạnh của tình thương và ánh sáng
của Thánh Thần để biến đổi và nâng cao phẩm chất đời sống loài người. Tính háo
danh và óc vụ lợi của người Dothái ngày xưa cũng như chúng ta hôm nay là một ngẫu
tượng đã và đang ngự trị trong lòng ham muốn và ý chí thống trị của tâm thức
nhân loại. Ta phải phá đền thờ ngẫu tượng ấy, cũng như Chúa Kitô đã đánh tan
hình ảnh sai lạc mà dân Dothái phác họa về sứ mạng Thiên Sai của Người. Người
đã cho họ thấy một thực tế phũ phàng là: Ðấng Cứu thế phải chết trên Thập giá �một cớ vấp phạm không thể chấp nhận đối với người Dothái-
(1C1,24). Nhưng chính cái chết ô nhục ấy đã đem lại cho ta: vinh dự được làm
con Thiên Chúa và được cứu độ muôn đời.
Cõi lòng con người chưa được cứu
độ quả là một đền thờ chứa đầy ngẫu tượng: ngẫu tượng dị đoan mê tín, gắn liền
với sai lầm và dối trá, ngẫu tượng hận thù, ngẫu tượng hưởng thụ, ngẫu tượng tiền
tài, ngẫu tượng tự mãn. Ðạo Chúa cấm tôn thờ các ngẫu tượng ấy, như bảng Mười
Ðiều Răn của Giao Ước Sinai đã công bố (Xh 20,1-17). Chỉ có một Ðấng duy nhất
đáng tôn thờ: đó là Cha Ðức Yêsu Kitô và cũng là Cha chúng ta ở trên trời. Ðền
thờ Người không phải là những ngôi nhà bằng đá, nhưng là những tâm hồn sống động
xây quanh Người Con yêu dấu của Người: Ðức Yêsu Kitô, đền thờ của Giao Ước mới.
2. Phụng Tự Mới, Ðền Thờ Mới
"Hãy phá đền thờ này và sau
3 ngày, Ta sẽ xây dựng lại" (Yn 2,19). Người Dothái, khi nghe lời đó, đã
hiểu theo nghĩa đen và nghĩ rằng Chúa Yêsu có ý định phá ngôi đền thờ bằng đá,
trung tâm phượng tự của dân tộc họ. Vì thế họ chất vấn Người tại chỗ, và sau
này trước tòa án công nghị, họ sẽ tố cáo Người và đòi xử án tử hình cho Người
(Mc 14,58). Quả thực trung tâm phượng tự ấy bị thu hẹp bởi ranh giới quốc gia
và chủng tộc, và nơi đây người ta sát tế chiên bò để làm lễ đền tội. Ðền thờ ấy,
từ nay, trong chế độ Tân Ước, đã hết ý nghĩa, vì thế phải được thay thế bởi một
đền thờ mới, để thờ phượng Chúa Cha trong Thần Trí và Sự Thật. Việc phượng tự mới
không dành riêng cho một dân tộc nào, nhưng mở rộng cho cả loài người, quy tụ
trong Ðức Kitô. Tế vật không còn phải chiên bò nữa, nhưng chính là Con Thiên
Chúa.
Theo thần học của thánh Phaolô,
Ðức Kitô đã trở thành tội vì ta, trong thân phận xác thịt tội lỗi của ta (Rm
8,3). Người chấp nhận để cho thân xác Người bị phá hủy hầu đền tội thay ta và kết
án tội thế gian ngay nơi thân xác Người. Một khi Người đã tự nguyện để cho thân
xác mình bị dập nát và hạ xuống lòng đất, thì đền thờ ngẫu tượng không có quyền
đứng ngạo nghễ trong lòng ta nữa. Phải phá nó đi để xây dựng lại đền thờ Thiên
Chúa như một công trình sáng tạo mới, trong đà mạnh mẽ vươn lên cõi sống.
- "Hãy phá đền thờ này, đền
thờ do bàn tay loài người làm ra" (Mc 14,58). Cái tôi tội lỗi trong ta phải
chết đi với các đam mê của nó, để con người mới sống lại với tinh thần của
Thiên Chúa. Việc phượng tự hẹp hòi và bị giới hạn bởi các nghi thức bề ngoài của
lề lối cũ, phải được thay thế bằng việc phượng tự nội tâm, thiêng liêng là cách
thờ phượng chân thật, vì được thôi thúc bởi Thần Trí của Ðức Kitô Phục sinh và
dựa theo ánh sáng của mạc khải tròn đầy trong Con Thiên Chúa.
- "Sau ba ngày, Ta sẽ xây dựng
lại một đền thờ không do bàn tay loài người làm ra" (Mc 14,58; Yn 2,19).
Ba ngày là thời gian Người sẽ chết trước khi chỗi dậy trong năng lực Thánh Thần.
Từ đó Người trở nên đền thờ thiêng liêng, nơi phát xuất nguồn nước hằng sống
(Yn 7,37-39; 19,34). Thân xác đã chịu chết và sống lại của Người chính là dấu
chỉ bí tích nền tảng, làm phát xuất Ơn Thánh mà ta đã lãnh nhận qua bảy bí
tích, nhất là bí tích Rửa tội và bí tích Thánh Thể. Nhờ đó ta thờ phượng Chúa
Cha cách xứng hợp và được nuôi dưỡng bởi Thân Mình Chúa Kitô đã bị sát tế vì
ta. Khi ta được sát nhập vào Thân Mình Ðấng Phục sinh, ta thực sự trở nên đền
thờ của Chúa Thánh Thần (1C 3,16; 6,19). Và cả Giáo Hội là một đền thờ rộng lớn
(Ep 2,19-21), trong đó phụng vụ được cử hành để thờ phượng, tôn vinh Chúa Cha.
Việc phượng tự mới của chúng ta
cũng phải tuân theo định luật Vượt qua của mầu nhiệm Chúa Cứu thế: đền thờ cũ với
các ngẫu tượng phải phá đi. Con người cũ với các tội lỗi, phải chết đi. Như thế
Ðức Kitô Phục sinh sẽ hoạt động trong ta, và xây dựng lại ngôi đền thờ mới ngay
giữa lòng ta, nơi mà Thần Trí Người sẽ ngự trị, sẽ khơi dậy tâm tình nghĩa tử
và làm phát lên lời cầu nguyện thiết tha: "Abba, lạy Cha yêu dấu" (Yn
4,6; Rm 8,15). Ðó chính là thờ phượng Chúa Cha trong Thần Trí và Sự Thật (Yn
4,23).
Giảng Lễ
Có lẽ không bao giờ chúng ta thấy
Chúa Yêsu có thái độ như trong bài Phúc Âm hôm nay. Dường như khi bước vào đền
thờ Yêrusalem, Người không còn tự chủ được nữa. Người đi vào nơi cầu nguyện, thế
mà trước mắt chỉ có cảnh chợ búa mua kém bán hơn, ồn ào lủng củng. Nhà của Cha
Người không còn là nơi gặp gỡ giữa tâm hồn đạo đức và dân đã được tuyển chọn với
Chúa Cả trời đất và Chúa của dân Israel nữa! Người ta đã tụ họp lại đây, đâu
còn giống như ngày trước, khi ở chân núi Sinai, lúc Chúa ban 10 điều răn như
bài đọc Cựu Ước hôm nay còn kể lại. Thay vào quang cảnh phụng vụ của buổi lễ ký
kết giao ước xưa, nay chỉ còn cảnh buôn bán bóc lột nhau. Chịu làm sao nổi một
cảnh tượng như vậy! Ðấng được Chúa Cha sai xuống trần thế tái lập giao ước,
không dẹp cảnh khốn nạn kia đi sao được! Lòng nhiệt thành đối với Nhà Chúa, đối
với Giao ước nung nấu tâm can Người. Người phải nhào vào, đánh đuổi những kẻ
buôn thần bán thánh, thanh tẩy đền thờ cho Cha Người, rửa lại bộ mặt cho tôn giáo
giao ước. Làm như vậy, Ðức Kitô đã tỏ ra là Cứu thế, là Ðấng thánh hóa các tâm
hồn, là vị phải đến để đưa tôn giáo vào con đường chính đáng.
Nhưng đó chỉ là hành động tượng
trưng. Việc xua đuổi hạng con buôn ra khỏi đền thờ chỉ thành công trong một
lúc, cùng lắm trong một ngày. Phúc Âm không nói có một sức kháng cự nào. Nhưng
liền sau đó, Ðức Kitô đã gặp ngay phải não trạng của người Dothái. Chính đầu óc
tội lỗi này đã đẻ ra cảnh chợ búa ở ngay trong đền thờ. Họ chạy lại hạch Chúa
Yêsu: "Ông tỏ ra có uy quyền gì mà dám làm như vậy? Nghĩa là: Ông lấy quyền
đâu mà dám đi ngược lại thứ tôn giáo của chúng tôi?" Câu hỏi thật bất ngờ
và sâu sắc. Nó diễn tả đúng não trạng của người Dothái luôn luôn đòi dấu lạ. Phải
có những phép lạ tương đương với các công cuộc kỳ diệu mà xưa kia Chúa đã làm
cho cha ông họ, mới làm họ tin được. Sách Thánh nhắc nhở cho họ biết Chúa đã
làm vô vàn kỳ công cho dân tộc này. Họ hãnh diện nhưng đồng thời lại trở nên cứng
lòng. Họ tin vào mình và vào truyền thống, đến nỗi không còn gì nhạy cảm nữa đối
với những lời tinh thần. Vì còn có thể có lời tinh thần nào nữa ở ngoài đầu óc
của họ, bởi lẽ họ là dòng dõi của người con tinh thần là Isaac? Họ trở thành biệt
phái, kỳ thị đối với hết mọi người cư xử khác họ. Thế nên có lần họ dám kể Chúa
Yêsu vào hàng ngũ Bêelzêbút. Muốn diễn tả nôm na, thì đã có lần họ gọi Người là
đồ quỷ! Thái độ của họ làm ta có thể liên tưởng tới một vài thái độ hằng gặp ở
nơi chính chúng ta, để chúng ta nên biết đó là thái độ có thể đi đến chỗ giết
Chúa và bóp nghẹt chân lý.
Chúa Yêsu đã phản ứng thế nào
trước một thái độ như vậy? Có thể nói, Người đã chẳng biết phải đáp lại thế
nào. Lời nói như đã đứng nghẹn ở nơi cổ Người, để cuối cùng thốt ra thành một
câu thật đầy ý nghĩa: "Cứ phá đền thờ này đi, ba ngày sau Ta sẽ xây lại".
Dĩ nhiên, những người Dothái kia đã chẳng hiểu gì. Nói đúng hơn, họ đã hiểu
theo chiều hướng cố hữu của mình: Ông Yêsu này thật là lộng ngôn phạm thượng.
Làm náo loạn trong đền thờ chưa đủ, ông ta còn muốn phá đổ đền thờ này đi, để
xây một đền thờ khác. Ông ta khinh bỉ và thù nghịch đền thờ của ta đến như vậy!
Họ ghi thêm một tội nữa vào bảng cáo trạng sau này dùng vào việc lên án Chúa.
Nhưng đó không phải là ý Người.
Ðối với Người, các ngôi đền thờ
bằng gạch đá không phải là điều quan trọng. Người đã nói thẳng với người phụ nữ
thành Samaria: kẻ tôn thờ chân thật, phải thờ phượng trong tinh thần và trong
chân lý. Người đến để tìm những con người như vậy. Mà Người là Chân lý, là Sự
thật, là Lời-Thiên Chúa nhập thể. Ai muốn thờ phượng trong chân lý, phải nghe
tiếng Người, phải giữ Lời Người, như nhiều lần Người đã quả quyết với dân
Dothái. Chính Chúa Cha cũng đã tuyên bố: Người là Con yêu dấu, và chúng ta phải
nghe Lời Người, như ta đã đọc thấy trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước.
Nhưng người Dothái cứng đầu, họ không vâng lời. Họ không để Lời Chúa giáo dục họ
đi trong Giao ước 10 điều răn. Nên đền thờ của họ đã trở nên nơi buôn bán; tôn
giáo của họ đi đến chỗ vụ hình thức và pháp luật. Chúa Cứu thế phải cải tạo não
trạng này, chứ không cần thanh tẩy đền thờ. Người thánh hóa đền thờ để nói rằng
Người sẽ cải tạo những tâm hồn mà Người biết rõ đang sống trong tội lỗi.
Chính đền thờ các tâm hồn mới cần
được thanh tẩy. Và đối với những tâm hồn chai đá, phải đập nát để xây dựng lại
hầu trái tim mọi người trở thành trái tim thịt biết yêu mến và biết nghe lời.
Nhưng làm thế nào? Ðức Kitô đã
chấp nhận gánh lấy tội lỗi của mọi người trên vai. Người đã mặc lấy thân xác của
loài người. Người bằng lòng để thân xác mình chịu đóng đinh vào thập giá. Thân
thể Người sẽ bị tan nát trong đau thương, để từ đó sống lại với sức mạnh thánh
thiện của thần tính, thân xác Người trở thành đền thờ mới cho người ta cầu nguyện.
Ðó là con đường Người đã đi.
Không có đường lối cứu độ nào khác. Người mời ta đi vào con đường ấy trong mùa
Chay này. Gương Người chịu chết để tiêu diệt tội lỗi cho ta, khuyến khích ta
trong những tuần lễ này phải kết hiệp với Người mà thanh tẩy tâm hồn và đời sống.
Bảng 10 điều răn ta đọc hôm nay nhắc nhở chúng ta kiểm điểm lại đời sống. Biết
đâu tâm hồn và đời sống ta hiện nay không như đền thờ Yêruselem ngày trước. Phải
đuổi, phải xua những gì không phù hợp với tín ngưỡng và Phúc Âm ra khỏi đời sống
của mình. Nhất là phải diệt cho đến tận gốc của tội lỗi, là sự chai lì đối với
Lời Chúa. Không còn nhạy cảm khi nghe Phúc Âm nữa, mà như người Dothái, dường
như phải chờ thấy phép lạ mới sửa đổi đường lối sống đạo hiện nay. Chúa Yêsu đã
trả lời cho người Dothái rồi: cứ phá đền thờ này đi, ba ngày sau, Người sẽ xây
dựng lại� Dân này đòi dấu lạ, nhưng họ sẽ chẳng được thấy dấu lạ
nào khác ngoài dấu lạ như Yôna thuở xưa. Ông đã ở trong bụng cá ba ngày, thì
Con Người cũng sẽ sống lại sau ba ngày nằm trong lòng đất. Và dấu lạ này đòi
người ta phải tham dự. Mọi người có bằng lòng chết với Ðức Kitô, họ sẽ mới cùng
Người được sống lại. Chẳng có phép lạ nào khác có thể thay đổi được não trạng
và đời sống tội lỗi của con người, ngoại trừ chính việc người ta phải cùng Ðức
Kitô đóng đinh tội lỗi vào Thập giá.
Chúng ta đang tham dự Thánh lễ.
Chúng ta muốn kết hiệp với Ðức Kitô trong mầu nhiệm Thánh Thể là mầu nhiệm chết
và sống lại của Chúa.
Chúng ta chỉ thành tâm tham dự
Thánh lễ này, nếu giờ đây ta cùng nhau dứt khoát đem ý chí muốn tiêu diệt tội lỗi
lên bàn thờ, để ta dâng mình với Ðức Kitô trong mầu nhiệm hy tế, hầu ơn sống lại
của Người sẽ khiến ta đổi đời và canh tân đời sống sau khi bước ra khỏi nhà thờ
này. Như vậy ta mới thật sự kết hiệp với Chúa trong mầu nhiệm thanh tẩy đền thờ
là chính tâm hồn và đời sống của ta.
(Trích dẫn từ tập sách Giải
Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật III Mùa Chay,
Năm B
Bài đọc: Exo
20:1-17; I Cor 1:22-25; Jn 2:13-25.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm
thế nào để thanh tẩy và làm đẹp đền thờ tâm hồn?
Ít có người trong chúng ta thích
ở dơ dáy bẩn thỉu, và khó chịu khi phải ở chung với người như thế; vì sợ bệnh tật
và thiệt hại cho sức khỏe. Để tránh ở dơ, chúng ta phải dành thời giờ để tắm rửa,
dọn dẹp, và lau chùi. Trong đàng thiêng liêng cũng thế, chúng ta không thể chất
chứa tội trong tâm hồn; vì chúng sẽ tàn phá và đưa chúng ta dần dần đến chỗ chết.
Hơn nữa, Thiên Chúa không thể ở trong những tâm hồn tội lỗi. Để có thể rước
Thiên Chúa vào lòng và ở lại trong tâm hồn, chúng ta cần thường xuyên xét mình
để nhận ra những tội lỗi, và mau chạy đến với BT Giải Tội để làm hòa và lãnh nhận
ơn tha thứ. Mùa Chay là dịp thuận tiện để chúng ta thanh tẩy những tính hư tật
xấu trong tâm hồn, nhiều người gọi Mùa Chay là mùa xuân của tâm hồn. Nhưng làm
sao chúng ta có thể nhận ra những tội lỗi để thanh tẩy?
Các Bài Đọc hôm nay cung cấp cho
chúng ta những cách thức để nhận ra tội lỗi. Trong Bài Đọc I, Sách Xuất Hành
trình bày cách thức xét mình bằng Thập Giới: 3 giới răn đầu tiên đặc biệt chú
trọng tới mối liên hệ với Thiên Chúa, 7 giới răn sau chú trọng tới mối liên hệ
với tha nhân. Trong Bài-đọc II, Thánh Phaolô chọn Chúa Kitô chịu đóng đinh trên
cả hai thần: thần khôn ngoan của người Hy-lạp, và thần thích biểu dương uy quyền
của người Do-thái. Trong Phúc Âm, vì lòng nhiệt thành, khi thấy Nhà Cha của
Ngài ra ô uế, Chúa Giêsu đã đánh đuổi những con buôn ra khỏi Đền Thờ. Ngài
trách mắng họ: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha
tôi thành nơi buôn bán."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thập Giới giúp con người sống mối liên hệ tốt đẹp với Thiên
Chúa và tha nhân.
1.1/ Ba điều giúp con người sống mối
liên hệ với Thiên Chúa:
(1) Phải yêu mến Thiên Chúa hết
lòng và trên hết mọi sự: Chỉ có một Thiên Chúa mà thôi; tất cả các thần khác là
do con người tạo nên: Thần Tài, Thần Mặt Trời, Vệ Nữ, Thần Mammon. Lời của
Thiên Chúa cảnh cáo những ai muốn thờ hai thần hay làm tôi hai chủ: “Ngươi
không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên
Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt
con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và
giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.”
(2) Chớ kêu tên Thiên Chúa cách
vô cớ: Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất
xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.
(3) Giữ ngày Chủ Nhật: Người
Do-thái giữ ngày thứ bảy, và gọi đó là ngày Sabbath; vì Thiên Chúa đã hòan tất
việc tạo dựng và nghỉ ngơi trong ngày đó. Họ tuyệt đối không làm việc xác trong
ngày đó. Chúng ta giữ ngày Chủ Nhật, vì là ngày Chúa Giêsu sống lại. Vì kế sinh
nhai, Giáo Hội cho phép người nghèo và những người không thể nghỉ được làm việc;
nhưng không có nghĩa là tất cả được phép. Con người cần được nghỉ ngơi và cần
dành thời giờ cho Thiên Chúa. Khi đã có đủ ăn, con người cần lo lắng cho những
giá trị tinh thần nhiều hơn, và cho anh chị em có cơ hội làm việc để sinh sống.
Thần Mammon rất dễ lợi dụng ngày này.
1.2/ Bảy điều giúp sống mối liên hệ
với tha nhân: Các điều này cần thiết; tuy
nhiên, khi có xung đột, phải giữ ba điều trên trước.
(4) Thảo kính cha mẹ.
(5) Ngươi không được giết người.
(6) Ngươi không được ngoại tình.
(7) Ngươi không được trộm cắp.
(8) Ngươi không được làm chứng
gian hại người.
(9) Ngươi không được ham muốn vợ
người ta.
(10) Ngươi không được ham muốn bất
cứ vật gì của người ta.
2/ Bài đọc II: Đức Kitô chịu đóng đinh là sức mạnh và sự khôn ngoan của
Thiên Chúa.
2.1/ Khôn ngoan của người đời: Mỗi dân tộc đều có những đặc điểm mà họ rất hãnh diện; chẳng
hạn, người Trung-hoa tự hào vì tài bắt chước, không một sản phẩm nào mà họ
không làm giả được. Thánh Phaolô cũng đưa ra hai dân tộc rất tự hào về truyền
thống của họ, là Do-thái và Hy-lạp:
- Người Do-thái đòi hỏi những điềm
thiêng dấu lạ: Họ đã từng thách thức Chúa Giêsu tỏ uy quyền bằng cách làm phép
lạ để họ có thể tin vào Ngài. Trong Phúc Âm Gioan hôm nay, họ cũng thách thức
Chúa Giêsu: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền
làm như thế?"
- Người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn
ngoan: Triết học của Plato và Aristotle, hùng biện như Demosthenes. Họ khao
khát biết sự thật và nguồn gốc của mọi sự để thuyết phục con người tin họ.
Thánh Phaolô hãnh diện tuyên
xưng: Nhưng chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh: điều mà người
Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và Dân-ngoại cho là điên rồ. Ô nhục
vì chỉ có kẻ cướp của giết người mới phải chịu án tử Thập Giá; điên rồ vì Thiên
Chúa không thể chịu đau khổ, một Thiên Chúa chịu đau khổ không còn là Thiên
Chúa uy quyền nữa.
2.2/ Khôn ngoan của Thiên Chúa: “Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là
Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của
Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người,
và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.”
- Khôn ngoan không chỉ là học
cho biết những lý thuyết cao xa, những điều bí ẩn, kỳ diệu; nhưng không sinh lợi
ích gì cho con người. Khôn ngoan đích thực là học biết thánh ý của Thiên Chúa để
đạt được mục đích của cuộc đời. Qua Đức Kitô, con người biết được những kế họach
của Thiên Chúa, và cách thức làm sao để đạt được mục đích của cuộc đời. Thánh
Thomas Aquinas, một nhà thần học lỗi lạc của Dòng Đa-minh tuyên bố: “Tôi học dưới
chân Thánh Giá được nhiều điều hơn bất cứ nơi nào khác.”
- Sức mạnh không chỉ đo lường bằng
vũ lực hay quyền năng, nhưng làm sao có thể lay chuyển được lòng người; ví dụ,
sức mạnh của anh hùng phải nhường bước trước giọt nước mắt của phụ nữ. Thập Giá
Đức Kitô có sức làm mềm những con tim chai đá nhất, và cải hóa họ về cho Thiên
Chúa. Qua Thập Giá, Đức Kitô đánh bại quyền lực của quỉ thần và sự chết, và đưa
con người về cho Thiên Chúa.
3/ Phúc Âm: Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.
3.1/ Lòng nhiệt thành của Chúa
Giêsu cho Nhà Cha của Ngài: Tại sao Chúa Giêsu
đuổi họ? Hai lý do chính:
(1) Đền Thờ là nơi cầu nguyện:
là chỗ con người tiếp xúc với Thiên Chúa. Người nói với những kẻ bán bồ câu:
"Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi
buôn bán."
(2) Họ dùng Lề Luật tôn giáo để
kiếm lợi nhuận kinh tế: Đây là cả một hệ thống kinh tài dựa trên các luật con
người dâng lễ vật để đền tội. Khi lên Đền Thờ dâng lễ vật đền tội, con người phải
dâng những lễ vật thanh sạch và không tì tích. Để bảo đảm điều này, các con vật
phải được khám xét bởi các chuyên gia của Đền Thờ. Thử tưởng tượng trường hợp của
những người phải mang lễ vật và đi mấy ngày đàng mới tới Jerusalem, đến khi
thanh tra những con vật mình mang lên lại không đủ tiêu chuẩn, mà không có lễ vật
thì tội không được tha. Họ đành phải bỏ tiền mua các con vật của các chuyên gia
hay người nhà của họ, nhiều khi đắt gấp cả chục lần. Để có quầy hàng trong khu
vực Đền Thờ, họ lại phải là người nhà hay quen biết với các thượng-tế, kinh sư,
và các tư tế.
3.2/ Làm thế nào để thanh tẩy và
trang hòang đền thờ tâm hồn? Trong cuộc đối
thọai giữa Chúa Giêsu và các nhà lãnh đạo Do-thái, Ngài nhấn mạnh đến Đền Thờ
là chính thân thể của Ngài. Nếu Đền Thờ Jerusalem không thể vừa là chỗ thờ phượng,
vừa là chỗ để làm thương mại; đền thờ tâm hồn của mỗi người cũng không thể vừa
là chỗ cho Thiên Chúa vừa là chỗ cho ma quỉ. Vì Thánh Phaolô nhấn mạnh: “thân
thể anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần” và “thân thể anh em là chi thể của Đức
Kitô.”
Để có thể thanh tẩy tâm hồn, điều
trước tiên con người phải làm là quyết tâm chỉ thờ một Thiên Chúa mà thôi:
Không thờ phượng hai thần, không làm tôi hai chủ. Bài Đọc I nói rõ: “Thiên Chúa
là Thiên Chúa ghen tương.” Ngài không chấp nhận ở chung với bất cứ thần nào.
- Thánh Teresa Hài Đồng nói:
“Thiên Chúa nhận tất cả những gì chúng ta cho Ngài, nhưng sẽ không cho tất cả
những gì của Ngài cho chúng ta, cho tới khi Ngài nhìn thấy chúng ta đang cho
Ngài tất cả những gì chúng ta có.”
- Thánh Gioan Thánh Giá nói: “Đừng
để ý tới bất cứ tạo vật nào nếu anh muốn giữ hình ảnh của Thiên Chúa rõ ràng và
đơn nhất trong linh hồn anh, nhưng hãy trút đi tất cả những gì liên quan tới
chúng và chạy xa khỏi chúng, và anh sẽ đi trong ánh sáng của Thiên Chúa.” Còn
biết bao các thần tạo vật mà chúng ta đang làm nô lệ cho nó trong cuộc đời. Hãy
mạnh dạn để quăng đi tất cả để có thời gian và dành cho Thiên Chúa chỗ ưu việt
nhất trong cuộc đời.
- Nếu chúng ta chọn thanh tẩy
tâm hồn, chúng ta biết rằng chúng ta càng thanh tẩy tâm hồn bao nhiêu, tiến
trình thanh tẩy càng dễ dàng bấy nhiêu. Trong đời sống nội tâm có một ảnh hưởng
dây chuyền, chúng ta càng đi sâu vào, chúng ta càng ao ước được trở nên trong sạch
hơn để chúng ta càng sống thân tình với Thiên Chúa hơn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải thờ phượng và
kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.
- Chúng ta phải học nơi Thập Giá
của Đức Kitô hơn là bất cứ nơi nào trong thế giới này, vì Ngài là sức mạnh và sự
khôn ngoan của Thiên Chúa.
- Chúng ta phải thường xuyên
thanh tẩy tâm hồn, để nhiệt thành và dứt khóat quét sạch các nhơ bẩn, bụi bặm của
tội lỗi, để xứng đáng trở nên Đền Thờ cho Thiên Chúa ngự. Chỉ có những tâm hồn
trong sạch mới được nhìn thấy Thiên Chúa (Phúc thứ 6). Thánh Thomas Aquinas quả
quyết một tâm hồn trong sạch có thể chiêm ngưỡng Thiên Chúa từ đời này.
- Chúng ta phải dứt khóat không
làm tôi hai chủ, chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi.
Linh mục Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
04/03/2018 - CHÚA NHẬT TUẦN 3 MC – B
Ga 2,13-25
SỐT SẮNG THAM DỰ PHỤNG VỤ
“Nhưng đền thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể
Người.” (Ga 2,21)
Suy niệm: Đền thờ Giê-ru-sa-lem là nơi thiêng thánh tối cao, là đền thờ duy nhất
của người Do-thái để thờ phượng Thiên Chúa. Thế nhưng, nơi thánh thiêng đó đang
thành nơi họp chợ. Thấy cảnh tượng đó, Chúa Giê-su đã nổi giận, Ngài xô đổ bàn
ghế, lấy dây làm roi xua đuổi những người buôn bán đó ra khỏi đền thờ. Khi người
Do thái chất vấn Chúa lấy quyền nào mà làm những điều đó, Ngài bảo: “Các ông cứ
phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại.” Đền thờ Ngài muốn nói
đến ở đây là Thân Thể phục sinh của Ngài. Chúa Giê-su cho biết nền thờ phượng của
Cựu Ước giờ đây được thay thế bằng việc thờ phượng mới của Tân Ước, mà của lễ
hiến tế mới là chính thân thể Ngài sẽ bị giết chết và rồi sẽ phục sinh. Nhờ đó
Thân thể của Đức Ki-tô phục sinh trở nên một Đền Thờ mới để phụng thờ Thiên
Chúa. Chúa Giê-su là hy lễ đồng thời Ngài là tư tế, và là đền thờ mới cho nhân
loại tôn thờ Chúa Cha.
Mời Bạn: Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm
Chúa Ki-tô. Trong cử hành phụng vụ, Chúa Giê-su cùng toàn thể Hội Thánh thờ phượng
Thiên Chúa và ban ơn thánh hóa nhân loại. Mỗi lần tham dự phụng vụ, chúng ta dự
phần vào hiến lễ của Chúa Giê-su. Đây là một ân phúc, một niềm vinh dự lớn lao
cao trọng mà Chúa Giê-su ban cho chúng ta.
Sống Lời Chúa: Tôi luôn có thái độ tin kính tôn thờ khi tham dự phụng vụ, cách đặc biệt
khi tham dự thánh lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su,
mỗi lần con tham dự thánh lễ, xin Chúa thêm đức tin cho con để con nhận ra
Chúa, nghe tiếng Chúa và cùng với Chúa chúc tụng, tạ ơn Chúa Cha. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
ĐEM TẤT CẢ NHỮNG THỨ NÀY RA KHỎI ĐÂY (4.3.2018 – Chúa nhật 3 Mùa Chay, Năm B)
Mùa Chay là mùa tu sửa các đền thờ, để mọi đền thờ đều dẫn đến Ðền Thờ Giêsu.
Suy niệm:
Trong sách Tin Mừng, hiếm
khi ta thấy Ðức Giêsu nổi giận.
Ngài bình thản đón lấy nụ
hôn phản bội của Giuđa.
Ngài lặng lẽ trước những
lời cáo gian buộc tội.
Chính Ngài đã mời ta học
nơi Ngài
bài học hiền lành và
khiêm nhượng.
Vậy mà ở đây ta lại thấy
Ðức Giêsu dùng roi
để đuổi những người buôn
bán bồ câu, chiên bò,
Ngài còn lật nhào bàn ghế
của những người đổi bạc!
Dù rằng những chuyện buôn
bán này
chỉ diễn ra ở ngoài phạm
vi Ðền Thờ,
nơi tiền đình dành cho
dân ngoại,
nhằm phục vụ cho nhu cầu
tế tự
của những người đi hành
hương vào dịp lễ Vượt qua,
nhưng Ðức Giêsu vẫn thấy
đó là một điều bất kính,
vì chúng tạo ra một bầu
khí ồn ào, hỗn độn.
Ðức Giêsu vốn quý trọng
Ðền Thờ Giêrusalem.
Ngài gọi đó là nhà Cha
của tôi, nhà cầu nguyện.
Ngài không muốn nơi Thánh
này trở thành cái chợ.
Ngài không chấp nhận nhà
của Cha Ngài bị xúc phạm.
Chính tình yêu đã khiến
Ðức Giêsu nổi giận.
Ngài thấy cần phải thanh
tẩy Ðền Thờ,
dù điều đó sẽ đưa Ngài
đến chỗ thiệt thân.
“Cứ phá hủy Ðền Thờ này
đi;
nội ba ngày, tôi sẽ xây
dựng lại”.
Ðức Giêsu ám chỉ đến cái
chết và sự phục sinh của Ngài.
Ðền Thờ ở đây là chính
thân thể Ðức Giêsu.
Thân thể được phục sinh
của Ngài sẽ là Ðền Thờ mới,
nơi nhân loại thờ phượng
Thiên Chúa cách đích thực.
Ðức Giêsu đã thanh tẩy
Ðền thờ Giêrusalem.
Ngài cũng muốn thanh tẩy
các nhà thờ của chúng ta.
Ngài muốn chúng thực sự
là nơi thờ phượng,
nơi lắng đọng để con
người gặp gỡ Thiên Chúa.
Có khi thánh lễ của chúng
ta trở nên máy móc, buồn tẻ.
Có khi lại ồn ào, nặng
tính trình diễn.
Dù sao thánh lễ vẫn cần
một cái hồn, một sức sống
lan tỏa từ Chúa Giêsu
phục sinh.
Ðể tâm đến việc sửa nhà
thờ là cần, nhưng không đủ.
Mỗi Kitô hữu cần để tâm
xây dựng con người mình,
bởi lẽ đó là đền thờ của
Cha và Con (x. Ga 14,23).
Chính thân xác ta cũng là
đền thờ của Thánh Thần (x. 1Cr 6,19).
Có những đền thờ thánh
thiêng đã trở nên phàm tục.
Ðam mê vô độ của thân xác
đã trục xuất Thánh Thần.
“Hãy đem tất cả những thứ
này ra khỏi đây!”
Chúa Giêsu hôm nay cũng
giận dữ như thế
khi thấy con người của
chúng ta bị vấy bẩn,
đền thờ của Ba Ngôi bị
nhơ nhớp.
Tha nhân quanh ta cũng là
những đền thờ.
Có nhiều đền thờ bị xuống
cấp, tước đoạt và sụp đổ...
Mùa Chay là mùa tu sửa
các đền thờ,
để mọi đền thờ đều dẫn
đến Ðền Thờ Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người
phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương
như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4 THÁNG BA
Đến Gần Thiên Chúa, Chúng Ta
Sẽ Được Biến Đổi
Hằng năm, qua phụng vụ, Mùa Chay
nhắc lại cuộc gặp gỡ của Mô-sê với Thiên Chúa hằng sống. Tại gốc rễ kinh nghiệm
đức tin của chúng ta, chúng ta phải thấy bật ra sự cao cả khôn dò của Thiên
Chúa. Thiên Chúa vượt quá các cảm quan và vượt quá trí hiểu của chúng ta; thế
nhưng, Ngài lại hiện diện với chúng ta. Cũng như Ngài đã tự tỏ hiện cho Mô-sê,
Ngài cũng tự tỏ hiện cho chúng ta.
Sự hiện diện và quyền năng của
Thiên Chúa được đổ tràn xuống trên Mô-sê, và cuộc đời ông đã được biến đổi. Ông
có được sức mạnh và quyền lực mới. Vâng, Mô-sê vốn cảm nhận sâu sắc tình cảnh bị
áp bức của dân mình tại Ai-cập và vốn khát vọng giải phóng họ khỏi cảnh nô lệ.
Nhưng ông đã không có đủ sức để thực hiện điều ấy… Ông đã phải trốn thoát qua đất
Midian sau khi hạ sát một người Ai-cập.
Bấy giờ, Thiên Chúa gọi đích
danh ông và tỏ cho ông biết danh tánh Ngài. Qua Danh này, quyền năng của Thiên
Chúa được biểu lộ nơi Mô-sê, một quyền năng sẽ thực hiện bao sự việc lạ lùng.
Mô-sê trở lại Ai-cập, đứng trước mặt Pha-ra-on, và với quyền năng Thiên Chúa,
ông thuyết phục được nhà vua. Cũng chính nhờ quyền năng Thiên Chúa, ông đã vượt
qua được sự yếu đuối và nhút nhát của đồng bào mình. Ông giải thoát họ khỏi ách
nô lệ bên Ai-cập. Vì thế, Mô-sê trở thành công cụ của cuộc Xuất hành – tức cuộc
Vượt Qua của giao ước cũ. Trong cuộc Xuất hành này, Thiên Chúa tự biểu lộ chính
Ngài như “Đấng Giải Phóng”. “Ta là Đức Chúa, là Thiên Chúa của các ngươi; Ta đã
dẫn đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, ra khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20,2).
- suy tư 366 ngày của Đức
Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope
John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 04/3
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY
Xh 20, 1-17; 1Cr 1, 22-25; Ga
2, 13-25.
LỜI SUY NIỆM: “Người thấy
trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên bò, bồ câu và những người đang ngồi đổi tiền.
Người liền lấy giây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền
Thờ; còn tiền những người đổi bạc, Người đổ tung ra và lật nhào bàn ghế của họ.”
Chúa Giêsu là Đấng nhân từ và đầy
lòng thương xót, Người luôn tìm đến những người tội lỗi và dau khổ để cứu giúp,
nhưng khi Người thấy Nhà Cha của Người bị những con người xúc phạm, thì Người
đã dùng đến bạo lực để đánh đuổi tất cả một cách dứt khoát.
Lạy Chúa Giêsu, tâm hồn của
chúng con đã là Đền Thờ của Chúa ngự. Xin ban thêm ơn sức mạnh đức tin cho
chúng con, để chúng con luôn biết tôn trọng, gìn giữ, để không trở thành sào
huyệt của bọn cướp.
Mạnh Phương
04 Tháng Ba
Các Con Hãy Nên Trọn Lành!
Người ta kể lại rằng thánh
Antôn ẩn tu đã tìm đến gặp một người thợ giày, vì nghe đồn rằng người thợ giày
này có một đời sống đạo đức lạ thường. Ðể hỏi đâu là bí quyết để nên thánh, người
thợ giày đáp gọn: "Tôi chỉ biết đóng giày".
Ngạc nhiên vô cùng, thánh
Antôn hỏi vặn lại: "Nếu chỉ có thế thì làm sao mà gọi là thánh thiện được.
Tôi đây, tôi tưởng nghĩ đến Chúa từng phút giây. Ông có bí quyết gì khác nữa
không?". Người thợ giày giải thích: "Tôi làm việc 8 giờ, cầu nguyện 8
giờ và ngủ nghỉ 8 giờ".
Thánh Antôn vẫn chưa cho đó
là cuộc sống lý tưởng. Ngài cho biết, ngài cầu nguyện từng phút giây. "Vậy
ông sống đức khó nghèo như thế nào?". Người thợ giày bảo: "Tôi cho
Giáo hội một phần ba của cải của tôi, một phần ba tôi bố thí cho người nghèo và
một phần ba tôi giữ lại cho tôi". Thánh Antôn chưa cho đó là bí quyết nên
thánh trọn hảo, bởi vì chính ngài đã phân phát tất cả của cải của ngài cho Giáo
hội và người nghèo...
Thánh nhân vặn hỏi mãi, cuối
cùng người thợ giày mới khai ra bí quyết của ông như sau: "Mặc dù tôi phân
phát một phần ba tiền lương của tôi cho người nghèo, nhưng đêm ngày tôi không
ngủ yên được khi tôi nhìn thấy cảnh nghèo xung quanh tôi, đến độ tôi đã thưa với
Chúa: Chúa ơi, thà để con đi hỏa ngục còn hơn nhìn thấy những người khốn khổ
này phải triền miên trong cảnh nghèo đói...".
Nghe đến đó, thánh Antôn đã bỏ
ra về. ngài chợt hiểu rằng ngài chưa đủ thánh thiện như người thợ giày này đến
độ dám hy sinh tất cả chỉ vì người nghèo.
Có rất nhiều cách để nên thánh,
nhưng dường như không có một mẫu mực thánh thiện chung cho tất cả mọi người. Có
người nên thánh ngay trong bấc sống của mình giữa trần gian. Có người chịu tử đạo.
Có người sống trong bậc tu trì. Mỗi một vị thánh là một cách sống.
Tuy nhiên giữa khung khác biệt
đó vẫn có một mẫu số chung cho tất cả mọi cuộc sống thánh thiện: đó là Tình
Yêu. Thánh Phaolô trong bài ca đức ái đã nói: "Dù tôi có thể nói được các
tiếng lạ lùng, dù tôi có thể làm được phép lạ chuyển núi di sông, dù tôi có làm
được không biết bao nhiêu công trình... nếu tôi không có tính đức bác ái, tôi
chỉ là một thứ thùng rỗng...".
Không có đức bác ái, không có
tình yêu thì tất cả tòa nhà đạo đức của chúng ta chỉ được xây dựng trên hão huyền
mà thôi. Chúa Giêsu cũng đã nói với chúng ta: "Các con hãy nên trọn hảo
như Cha các con trên trời". Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiên Chúa yêu thương
tất cả mọi người không loại trừ ai. Và cuối cùng vì yêu thương con người, Thiên
Chúa đã hóa thân làm người như chúng ta... Ðó là tận cùng của Tình Yêu!
Người thợ giày trong câu chuyện
của thánh Antôn không những dành của cải của mình cho người nghèo, ông còn tưởng
nghĩ đễn người nghèo như chính lẽ sống của mình. Thánh Antôn đã nhận ra đó là
bí quyết cao cả nhất để nên thánh. Bố thí tất cả của cải của mình, xa lánh tất
cả các thú vui của cuộc sống, đêm ngày ăn chay cầu nguyện là điều tốt. Nhưng nếu
sống như thế chỉ để tìm cho mình sự thanh thản trong tâm hồn mà phải sợ người
khác quấy rầy, thì một cuộc sống như thế chưa phải là lý tưởng nhất.
"Hãy nên trọn lành như Cha
các con trên trời". Ðó phải là lý tưởng của người Kitô chúng ta. Cha trên
trời yêu thương tất cả mọi người. Cha trên trời đã yêu thương con người đến nỗi
đã phó ban chính Con Một của Ngài. Thiên Chúa chỉ được gọi là Cha bởi vì Ngài sống
cho con cái của mình... Sự sống Ngài ban cho chúng ta chỉ có thể triển nở và có
ý nghĩa nếu nó cũng được sống cho tha nhân.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét