04/11/2018
Chúa Nhật tuần 31 Thường Niên năm B
(phần I)
Bài Ðọc
I: Ðnl 6, 2-6
"Hỡi
Israel, hãy nghe đây: Ngươi hãy yêu mến Chúa hết lòng ngươi".
Trích
sách Ðệ Nhị Luật.
Ông
Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa
các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy
cho các ngươi, cho con cái cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống
các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài.
"Hỡi
Israel, hãy nghe đây mà tuân hành các điều Chúa truyền dạy cho ngươi, thì ngươi
được phần phúc và sinh sản ra nhiều hơn, như lời Chúa là Thiên Chúa tổ phụ
ngươi đã hứa ban cho ngươi phần đất chảy sữa và mật.
"Hỡi
Israel, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến
Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Những lời tôi
truyền cho ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng".
Ðó là
lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 47-51ab
Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu
mến Chúa (c. 2).
Xướng:
1) Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa; lạy Chúa là đá tảng, chiến luỹ,
cứu tinh. - Ðáp.
2) Lạy
Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền
cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca khen ngợi cầu cứu Chúa, và con sẽ được
cứu thoát khỏi tay quân thù. - Ðáp.
3) Vạn
tuế Thiên Chúa, chúc tụng Ðá Tảng của con, ngợi khen Thiên Chúa là Ðấng cứu độ
con. Ngài đã ban cho đức vua được đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức
dầu của Ngài. - Ðáp.
Bài Ðọc
II: Dt 7, 23-28
"Vì
lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu".
Trích
thư gởi cho tín hữu Do-thái.
Anh
em thân mến, có nhiều người làm tư tế (của Giao Ước cũ), vì lẽ sự chết ngăn trở
họ tồn tại lâu bền. Còn Ðức Kitô, vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một
chức tư tế hằng hữu. Bởi đó, Người có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ
Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta.
Phải,
vì chúng ta cần một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi
kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các
tư tế hằng ngày dâng lên của lễ trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi
dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính mình. Vì Lề
luật thì đặt những người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật thì đặt
Người Con hoàn hảo làm Thượng tế đến muôn đời.
Ðó là
lời Chúa.
Alleluia:
Mt 4, 4b
Alleluia,
alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng
Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mc 12, 28b-34
"Ðó
là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy,
có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong
các giới răn điều nào trọng nhất?" Chúa Giêsu đáp:
"Giới
răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta,
là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn,
hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến
tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn
đó".
Luật
sĩ thưa Ngài: "Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là
Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết
trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn
thiêu và mọi lễ vật hy sinh".
Thấy
người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn xa Nước
Thiên Chúa bao nhiêu". Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
Ðó là
lời Chúa.
Suy Niệm: Yêu Mến Ðồng Loại
Ðức
Yêsu đã đến kếp nạp một dân tín hữu là dân mới của Thiên Chúa. Việc này đã được
các bài Thánh Kinh trong Chúa nhật trước gợi lại. Hôm nay hình như Phụng vụ muốn
tiếp nối tư tưởng lần trước và nói lên quy chế, hay luật pháp của dân mới. Ðó là
luật cũ được kiện toàn. Vì thế chúng ta sẽ thấy bài Tin Mừng bổ khuyết cho bài
Thứ luật, luật yêu anh em được đính vào luật mến Chúa. Rồi cũng như trong dân
cũ có hàng tư tế, thì vị Thượng tế của đạo mới sẽ vượt xa các Thượng tế xưa, để
dân mới luôn luôn đẹp lòng Thiên Chúa.
Tất cả
những tư tưởng này rất rõ ràng trong ba bài Kinh Thánh hôm nay mà chúng ta cầu
xin ơn Chúa giúp để đọc lại.
1.
Ngươi Sẽ Yêu Mến Yavê
Bài
sách Thứ luật hôm nay ghi lại lời kinh hằng ngày của người Dothái. Họ đọc lên
không phải để thưa với Thiên Chúa nhưng để nhắc nhở cho mình nhiệm vụ căn bản
nhất của người dân trong Nước Người. Ðó là lời của Môsê, vị lập quốc và lập luật.
Lời vô cùng quan trọng vì sẽ đem phúc đến cho dân khi họ nắm giữ và sẽ làm cho
dân nên lớn trong đất chảy sữa và mật. Tương lai và số mệnh của dân tùy ở việc
thi hành những lời Môsê truyền hôm nay.
Ông dạy
rằng: Hãy nghe, hỡi Israel, Yavê Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa độc nhất.
Ngươi sẽ yêu mến Yavê Thiên Chúa của ngươi hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi,
hết sức lực ngươi. Các lời ta truyền cho ngươi hôm nay hãy ở nơi lòng ngươi,
ngươi sẽ lập lại cho con cái ngươi.
Phân
tách những lời này, người ta sẽ phải kính phục con người nào đã biết diễn tả
như thế. Chắc chắn nội dung là của Môsê rồi, nhưng hình thức của các câu văn có
thể phải là kết quả của nhiều thế hệ trung thành với truyền thống của Môsê. Quả
vậy, chúng ta biết: sách Thứ luật đã không thành hình trong một ngày và do một
tác giả nào. Nó càng không phải là tác phẩm của thời Môsê. Nó lấy lại luật
Môsê, suy đi nghĩ lại và cộng với kinh nghiệm lịch sử của Dân Chúa. Có thể hàng
tư tế đã là nguồn gốc của cuốn sách này. Họ suy niệm Luật Chúa đêm ngày rồi viết
ra để khuyên nhủ đồng đạo. Thế nên nó được gọi là Thứ luật, tức là Luật đến sau
Luật trước; luật bổ khuyết và diễn giải Luật pháp Sinai. Nó được công bố vào những
năm có nguy hiểm nhất cho dân. Nước nhà phân đôi, miền Bắc đã bị xâm lấn, miền
Nam đang ngấp nghé vực sâu. Ông vua yêu nước đã chạy đến truyền thống của dân tộc,
đưa sách Thứ luật ra, mưu lập một cuộc canh tân cứu nước... nhưng đã không kịp
về mặt chính trị, mà chỉ phục hồi được truyền thống Môsê.
Ðó là
truyền thống độc thần, Israel chỉ được thờ một Chúa. Ngài là Yavê. Chính Ngài
đã mạc khải danh xưng này cho Môsê trên núi Thánh. Có lẽ trong thời gian đầu
Môsê tưởng Ngài chỉ là Chúa của Israel như những vị thần khác là Chúa của các
lân bang và chỉ khác ở một điểm: trong khi các dân này thờ nhiều thần và vì thế
gọi là đa thần; thì Israel chỉ thờ một mình Yavê và do đó được gọi là dân độc
thần.
Sự
khác biệt này nhiều khi thật khó giữ. Luôn luôn Israel bị cám dỗ thờ thêm thần
khác, nhất là những thần của các sắc dân mạnh hơn, giàu hơn vì tưởng rằng chính
các thần ban sự giàu sang sức mạnh cho dân của mình. Các tiên tri phải mạnh mẽ
ngăn cản dân đi vào đường lối đó và nhắc đi nhắc lại dân phải trung thành với
Yavê. Làm khác đi, thờ thêm thần khác, là "đánh đĩ" và ngoại tình.
Chúng
ta không ngại nhắc đến những từ ngữ này. Chúng giúp chúng ta hiểu quan niệm tôn
giáo của các tiên tri một cách sâu sắc. Người ta hay nói dân Israel chỉ có một
lòng kính sợ Yavê, theo nghĩa họ khiếp sợ Ngài đến nỗi chẳng còn dám xưng danh
của Ngài ra nữa. Họ dùng những kiểu nói vòng vo, gọi Ngài là Chúa, là Ðấng Tối
Cao... chứ không dám xưng Ngài là Yavê nữa. Thật ra đó chỉ là một diện. Còn nhiều
diện khác trong vấn đề này, đặc biệt còn có quan niệm sâu sắc của các tiên tri.
Các ngài luôn luôn đề cao lòng yêu mến. Hôsê chẳng hạn đã táo bạo coi tôn giáo
là hôn nhân giữa Yavê và Israel; một bên như "chồng" với một bên như
"vợ", và tư cách căn bản của lòng đạo đức là nghĩa tín trung. Những
tiên tri khác cũng đi vào chiều hướng đó; và trong ngữ vựng của các ngài mới có
những từ ngữ như trên để nói đến thái độ thất tín đối với Yavê. Chúng ta phải
hiểu quan niệm của các tiên tri như thế mới ý thức được hết sức mạnh của lời
sách Thứ luật hôm nay, truyền cho Israel: hãy yêu mến Yavê Thiên Chúa của ngươi
hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết sức lực ngươi; nghĩa là phải yêu Ngài với
tất cả khả năng và như quên hết mọi sự khác, giống như khi đôi bạn khắng khít
yêu thương nhau, mặc cho cuộc đời bể dâu và nước chảy đá mòn.
Cho
được đi đến một lòng yêu mến như vậy, Israel đã được dần dần dạy cho biết: Yavê
không phải chỉ là Chúa của dân, hoặc chỉ là Chúa trên các Chúa, nhưng Ngài còn
là Chúa độc nhất và duy nhất trong tất cả hoàn vũ. Các thần của các lân quốc,
chỉ là ngẫu tượng và Yavê phải thống trị địa cầu. Tôn giáo độc thần của Israel
sẽ là tôn giáo độc thần của mọi dân nước. Thế nên câu sách Thứ luật hôm nay
nói: Yavê Thiên Chúa của chúng ta là Yavê độc nhất, câu ấy có một ý nghĩa sâu sắc
trong lòng các tiên tri, Yavê không phải chỉ là Chúa duy nhất của Israel, mà
còn phải là Chúa độc nhất của mọi dân tộc. Và những điều này Israel phải ghi
nơi lòng và lặp lại nơi con cái. Chính nhờ sự ghi nhớ và lập lại này mà có truyền
thống Môsê, truyền thống độc thần, truyền thống sách Thứ luật chúng ta đọc hôm
nay.
Chúng
ta cảm mến Thiên Chúa đã mạc khải chân lý độc thần này sớm sủa như vậy và nơi một
dân nhỏ bé như thế. Nhiều lý luận loài người còn vấp phải sự kiện lịch sử này.
Và chúng ta còn phải kiểm điểm về lòng tin của mình, xem mình có thờ ngẫu tượng
naò ở bên cạnh Thiên Chúa hay không (như tiền, tình, quyền...)? Và biết đâu đã
không có lúc chúng ta nao núng về niềm tin nơi Thiên Chúa chúng ta thờ? Như vậy
chúng ta chưa "gần Nước Thiên Chúa" như người ký lục trong bài Tin Mừng
hôm nay đâu.
2.
Người Phải Yêu Mến Ðồng Loại
Thánh
Marcô thuật câu chuyện này xảy ra trong khoảng thời gian giữa ngày Ðức Yêsu khải
hoàn vào Yêrusalem và hôm Người bị nộp. Ðó là thời gian địch thủ tìm cơ hội bắt
Người. Họ thay lượt nhau đến gài bẫy, hết các Thượng tế đến các Biệt phái, rồi
phe cánh Hêrôđê và những người thuộc bè Sađóc. Hôm nay một ký lục đến hỏi Chúa
Yêsu: "Giới răn thứ nhất trên hết là giới răn nào?". Ông không hỏi giới
răn nào "trọng nhất", để chúng ta nghĩ đó là điều ông thắc mắc thật sự.
Là vì ở thời đó luật Dothái có tới 613 khoản, và phân làm những khoản nặng và
nhẹ, trọng và tùy; và sự sắp xếp nhiều khi có thể rõ ràng và dứt khoát. Ở đây,
dường như người ký lục không muốn đi vào vấn đề chi tiết tỉ mỉ, ông chỉ muốn
đánh giá quan điểm của Ðức Yêsu, xem Người có "chính thống", tức là
có ở trong và tôn trọng truyền thống của đạo Môsê hay không? Và đó là điều mà
các địch thủ với Người muốn biết.
Nhưng
họ chỉ phải bẽ bàng; vì Ðức Yêsu đã có lần tuyên bố: Người không đến để hủy bỏ
Luật pháp dù chỉ là một cái chấm hay một cái phẩy, nhưng là để kiện toàn và
hoàn tất. Thế nên không có câu trả lời nào chính thống hơn câu của Người hôm
nay: "Giới răn thứ nhất là: hãy nghe, hỡi Israel, Chúa Thiên Chúa chúng ta
là Thiên Chúa độc nhất. Phải yêu mến Người hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức
lực ngươi". Người đã đọc lại kinh Thứ luật. Người có thể dừng lại ở đó. Và
người ký lục kia nhất định phải thỏa mãn với câu trả lời.
Nhưng
Ðức Yêsu đã không dừng lại. Người không phải như một người học trò thuộc bài và
chưa phải là người bị hạch hỏi. Người muốn đóng vai Thầy dạy muôn dân. Thế nên,
Người đã thêm: Thứ đến là ngươi phải yêu mến đồng loại ngươi như chính mình.
Người cũng chỉ nhắc lại một câu trong sách Lêvi. Không ai có thể bảo Người
không chính thống. Nhưng Người đã nhắc lại cho người ta một điều rất quan trọng
mà thường khi họ sống đạo mà vẫn quên. Họ tưởng đạo chỉ là nhà thờ, kinh kệ và
dâng lễ. Không, đạo còn là yêu mến đồng loại như chính mình tức là yêu người
khác như bản thân. Ðiều này, trong thực tế, nhiều người giữ đạo "rất chính
thống" mà vẫn quên và có ý quên vì nó khó giữ. Ðức Yêsu không đến để
nguyên dạy người ta yêu mến Thiên Chúa. Người còn luôn bảo họ phải thi hành ý
muốn của Thiên Chúa là cứu độ trần gian. Hơn nữa Người còn nói rõ không có giới
răn nào khác lớn hơn hai việc mến Chúa yêu người này.
Người
ký lục tỏ ra rất thông minh, chấp nhận ngay câu trả lời và bài học của Ðức
Yêsu. Ông còn phụ họa thêm và nói rằng mến Chúa yêu người như vậy "ắt vượt
quá các toàn thiêu và lễ tế thay thảy". Ðức Yêsu không thể không mừng khi
gặp kẻ hiểu ý Người như vậy. Người tuyên bố: "Ông không xa Nước Thiên Chúa
đâu!"
Lời
khen này có thể trở thành một câu chất vấn lương tâm chúng ta. Chúng ta có thường
coi các hành vi yêu người như toàn thiêu và lễ tế không? Chúng ta vẫn phải thi
hành các nhiệm vụ mến Chúa, vì đó là lẽ sống của chúng ta như lời sách Thứ luật
hôm nay nói: Ðó là giới răn thứ nhất, nhưng thứ đến còn phải yêu mến đồng loại
như chính mình, điều mà Ðức Yêsu đã đính vào điều răn mến Chúa để làm nên như
giới răn của Người. Chúng ta có thi hành không để chứng tỏ mình đang ở trong đạo
mới? Ðể thâm tín thêm, chúng ta hãy đọc tiếp bài thư Hipri.
3.
Người Là Vị Thượng Tế Thích Hợp
Tác
giả so sánh các Thượng tế đạo cũ với vị Thượng tế đạo mới. Họ thì bị sự chết
ngăn cấm lưu tồn mãi mãi; còn Ngài thì tồn tại đời đời nên giữ một tế vụ bất hủ.
Ðó là sự khác biệt quan trọng. Càng quan trọng hơn nếu ta tìm hiểu sâu về ý nghĩa
sự chết theo Thánh Kinh.
Ðối với
các tác giả thánh, chết không phải chỉ là một hiện tượng thể lý, giết sức sống
trong cơ thể, nhưng còn là hậu quả và hình phạt do tội lỗi. Sự chết không những
hủy diệt thân xác, nhưng nhất là còn nói lên sự mâu thuẫn cùng cực với Thiên
Chúa là sự sống. Chết và sống khác nhau hơn lửa với nước, nên ai đụng vào tử
thi tức khắc đã trở nên ô uế, không được đến gần bàn thờ khi chưa chịu thanh tẩy.
Chính điểm nay ngăn cấm các Thượng tế đạo cũ còn lưu tồn mãi mãi. Họ không tiếp
tục làm tư tế được không những vì sự chết thể lý, nhưng nhất là vì đã trở thành
tử thi, họ xa hẳn Thiên Chúa. Còn Ðức Kitô thì ngược lại. Chính sự chết đã đưa
Người vượt qua về với Thiên Chúa và trở thành vị Thượng tế đời đời, sống luôn
mãi để chuyển cầu cho nhân loại.
Tư tưởng
trên đây dẫn sang một kết luận khác: tế vụ của các Thượng tế đạo cũ khi họ còn
sống cũng không hoàn toàn. Vì muốn hoàn toàn, vị Thượng tế phải có khả năng ở gần
Thiên Chúa để chuyển cầu cho chúng sinh, tức là phải vô tội. Thế mà có ai trong
loài người được điều kiện này? Ngược lại Ðức Yêsu là Ðấng vô tội và vô tì, Người
cao siêu vượt các tầng trời, nên Người ở gần Thiên Chúa và có khả năng chuyển cầu
cho chúng ta...
Có lẽ
đối với chúng ta không cần phải nói thêm về sự khác biệt giữa các Thượng tế đạo
cũ và vị Thượng tế đạo mới. Nhưng điều quan trọng hơn cho chúng ta là hãy ghi
nhớ bản chất của tế vụ mà Ðức Kitô đang thi hành. Người đang ở nơi Thiên Chúa
và đứng gần Thiên Chúa để chuyển cầu cho chúng ta. Người đang nối trời với đất,
Thiên Chúa với loài người. Lễ tế của Người vừa để tôn thờ Thiên Chúa vừa để cứu
độ chúng ta. Chúng ta giữ đạo của Người, chúng ta vẫn đến nhà thờ dâng lễ và cầu
nguyện trong chức tư tế của Người. Lẽ nào chúng ta không nhận ra rằng: một người
đạo đức thật như có hai vai phải mang hai nhiệm vụ: mến Chúa và yêu người; phụng
thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân?
Vậy nếu
chúng ta đã sốt sắng ở nhà thờ đối với Chúa, thì chúng ta hãy nhiệt tình với
tha nhân ngoài xã hội. Khẩu hiệu kính Chúa và yêu nước, tốt đời và đẹp đạo có
thể được sáng thêm trong phụng vụ hôm nay. Chúng ta hãy tận tâm thi hành trong
niềm tin.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 31 Thường NiênB
Bài đọc: Deut 6:2-6; Heb 7:23-28; Mk
12:28b-34.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đâu là bổn phận quan trọng nhất phải
làm?
Con người bị lẫn lộn nhiều về câu hỏi này vì có quá nhiều bổn phận phải chu
toàn trong cuộc sống này như: bổn phận đối với Chúa, Giáo Hội, quốc gia, xã hội,
cha mẹ, vợ chồng, con cái, thân nhân và bạn hữu. Bổn phận nào trong những bổn
phận này quan trọng nhất và tại sao? Sẽ có những câu trả lời khác nhau tùy thuộc
vào sự hiểu biết về đời sống của mỗi người.
Các bài đọc hôm nay cho con người một câu trả lời rõ ràng và lý do tại sao phải
làm như thế. Trong bài đọc thứ nhất, Moses và tất cả những nhà lãnh đạo Do-thái
thường xuyên nhắc nhở con cái Israel bổn phận quan trọng nhất của họ là đối với
Thiên Chúa, “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa
duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức
anh em.” Trong bài đọc thứ hai, tác giả của Thư Do-thái cho lý do tại sao con
người phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, là vì tình yêu vô biên của Ngài
cho con người qua sự kiện Ngài cho người con một của Ngài để cứu chuộc và để
không ngừng cầu bầu cho con người. Trong Phúc Âm, khi một luật sĩ hỏi Chúa
Giêsu đâu là giới răn quan trọng nhất, Ngài cho ông hai giới răn, thứ nhất yêu
mến Thiên Chúa trên hết mọi sự; thứ hai yêu người như chính bản thân ta vậy.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên
Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh
em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em.”
1.1/ Con
người phải làm mọi cách để nhớ điều răn quan trọng nhất: Có hai điều con người phải làm từ giới
răn này:
- Chỉ có một Thiên Chúa mà thôi: Con người không được thờ phượng bất cứ thần
nào khác. Đây là giới răn tuy rõ ràng nhưng không dễ làm vì con người có khuynh
hướng tạo những thần khác nhau để tôn thờ.
- Con người phải yêu mến Thiên Chúa hết tâm hồn, hết linh hồn và hết sức: Họ
không thể đặt bất cứ ai hay bất cứ vật gì trên Thiên Chúa. Nếu họ đặt quốc gia,
xã hội, cha mẹ, vợ chồng, con cái, thân nhân hay bạn hữu trên Thiên Chúa, họ đã
đảo ngược trật tự và vi phạm giới răn thứ nhất.
Vì con người dễ quên và thường hay bị cám dỗ bởi ba thù là ma quỉ, thế gian và
xác thịt, ông Moses đã truyền cho con cái Israel phải làm những điều sau đây,
và những người Do-thái truyền thống vẫn giữ thói quen này đến bây giờ:
(1) Phải ghi nhớ nó trong lòng: Để nhớ bất kỳ điều gì, cách thức tốt nhất là lặp
đi lặp lại cho đến khi thành thói quen hay bản tính thứ hai. Những tín hữu thường
cầu nguyện ba lần một ngày vào những lúc cố định như sáng, chiều và tối. Những ẩn
sĩ và tu sĩ thường cầu nguyện bảy lần một ngày để nhớ đến Chúa, cứ mỗi ba giờ.
(2) Phải ghi tạc vào lòng con trẻ của họ: Vì con người có khuynh hướng dễ quên,
nên cần được thường xuyên nhắc nhở bởi những người có trách nhiệm. Moses truyền
cho con cái Israel, “Ghi tạc nó vào lòng con cái của các anh. Nói với chúng khi
ở nhà cũng như khi ra ngoài đường, khi bận rộn cũng như lúc nghỉ ngơi” (Deut
6:7). Đây là bổn phận đầu tiên của cha mẹ cho con cái; nếu họ không hoàn tất bổn
phận này, họ sẻ phải chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa.
(3) Phải đặt nó ở những nơi để kéo sự chú ý của con người: Moses truyền, “Cuốn
nó vào tay của anh như một dấu hiệu và đặt nó như một vương miện trên đầu của
anh. Viết chúng trên cửa ra vào của nhà anh và trên cổng thành của anh.”
- Khi người Do-thái cầu nguyện, họ cuốn hai hộp đựng Shema chung quanh tay của
họ.
- Họ cũng viết Shema trên thẻ kinh và cuốn trên đầu của họ trước khi cầu nguyện.
- Họ cũng viết chúng trên cửa nhà và cửa thành của họ: Vì mỗi người trong nhà đều
phải ra vào cửa nhà nhiều lần trong ngày, họ sẽ nhớ đến Chúa mỗi khi nhìn thấy
Shema. Thành phố xưa của người Do-thái thường chỉ có một cổng nơi mà mọi công
dân trong thành đều phải dùng khi đi ra hay đi vào. Họ được nhắc nhở để nhớ đến
Chúa khi nhìn thấy Shema.
1.2/ Phần
thưởng cho những ai tuân giữ giới răn: Vì người Do-thái xưa chưa có một quan niệm rõ ràng về cuộc sống
đời sau, nên họ nghĩ rằng ai tuân giữ giới răn của Chúa sẽ được thưởng những điều
sau đây ở đời này: hạnh phúc, sống lâu, thịnh vượng và nhiều con cái. Moses liệt
kê hai phần thưởng Chúa sẽ ban cho con người trong đoạn văn này:
(1) Được sống một cuộc đời lâu dài: “Như vậy anh em cũng như con cháu anh em sẽ
kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ
tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh em, và anh em
sẽ được sống lâu.”
(2) Được thịnh vượng: “Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực
hành; như vậy anh em sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất
tràn trề sữa và mật, như Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, đã phán với
anh em.”
2/ Bài
đọc II: “Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn
cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để
chuyển cầu cho họ.”
Tác giả của Thư Do-thái cho con người hai lý do tại sao họ phải yêu mến Thiên
Chúa trên hết mọi sự, đó là: Chúa đã ban tặng Người Con duy nhất của Ngải để chết
cho tội của chúng ta và để thường xuyên bầu chủ cho chúng ta trước tòa Thiên
Chúa. Để giúp cho độc giả có thể hiểu những điều này, ông so sánh chức tư tế
Lê-vi của Cựu Ước với chức tư tế của Đức Kitô trong Tân Ước.
2.1/ Chức
tư tế của Đức Kitô sẽ tồn tại muôn đời.
(1) Chức tư tế Lê-vi thay đổi thường xuyên vì họ là những con người phải chết,
“Lại nữa, trong dòng tộc Lê-vi, có nhiều người kế tiếp nhau làm tư tế, bởi vì họ
phải chết, không thể giữ mãi chức vụ đó.”
(2) Chức tư tế của Đức Kitô sẽ không thay đổi: “Còn Đức Giê-su, chính vì Người
hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. Do đó, Người
có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên
Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.”
2.2/ Chức
tư tế của Đức Kitô hiệu quả hơn chức tư tế của Cựu Ước.
(1) Hy lễ của Đức Kitô chỉ xảy ra một lần và cho mọi người.
- Hy lễ của Lê-vi: Tất cả tư tế là tội nhân; vì thế, “mỗi ngày họ phải dâng lễ
tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân.”
- Hy lễ của Đức Kitô: “Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một
vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được
nâng cao vượt các tầng trời... phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng
một lần là đủ.”
(2) Chức tư tế của Đức Kitô được làm bởi lời thề của Thiên Chúa.
- Chức tư tế Lê-vi được thiết lập bởi lề luật: Họ là tất cả những ai thuộc chi
tộc Lê-vi, và thầy thượng-tế được chọn theo luật: “Vì Luật Mô-sê thì đặt làm
thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối.”
- Chức tư tế của Đức Kitô: “Còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã
nên thập toàn cho đến muôn đời.” Tác giả đã dùng Thánh Vịnh 110:4 để chứng minh
lập luận của mình, “Chúa Thượng đã thề và không rút lời: “Con là Thượng Tế đến
muôn đời theo phẩm hàm Melchizedek””
3/
Phúc Âm: Điều răn nào đứng
đầu?
3.1/ Điều
răn đứng đầu là: “Nghe đây,
hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải
yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và
hết sức lực ngươi.”
Có hơn 600 khoản luật trong Cựu Ước. Điều này có thể gây lẫn lộn ngay cả cho những
người thông thạo về luật như các kinh-sư và Biệt-phái. Đây là lý do tại sao một
nhà kinh sư, sau khi đã nghe Chúa Giêsu đối chất với người khác, đến gần người
và hỏi: “Đâu là điều răn đứng đầu trong các điều răn?”
A. Câu trả lời của Chúa Jesus: Ngài nhắc lại Shema, điều răn đứng đầu
là: “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy
nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn,
hết trí khôn và hết sức lực ngươi.”
(1) Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất: Do-thái Giáo và Công
Giáo là hai tôn giáo độc thần; họ không chấp nhận đa thần. Một số người Do-thái
đã phê bình Công Giáo không phải là độc thần vì họ thờ ba thần. Các tín hữu
Công Giáo thờ một Chúa, nhưng trong ba ngôi vị là Cha, Con và Thánh Thần như đã
được mặc khải trong Cựu Ước và xác nhận bởi Đức Kitô.
(2) Bổn phận của con người với Thiên Chúa: Chỉ có một điểm khác biệt giữa Shema
và tường thuật của Marcô là “hết trí khôn” trong Marcô. Như thế nào là mến
Chúa:
(1) Hết lòng (kardía): Truyền thống Semit coi trái tim là chỗ của tình
yêu, một loại cảm nghĩ đặc biệt và tất cả cảm xúc. Người yêu mến Thiên Chúa hết
lòng không được đặt cảm xúc của anh cho bất kỳ điều gì trước Thiên Chúa.
(2) Hết linh hồn (psychè): Thánh Thomas nói, “Linh hồn là nguyên lý đầu
tiên của dinh dưỡng, cảm giác, di chuyển nơi chốn cũng như sự hiểu biết của
chúng ta.” Người yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn phải đặt Thiên Chúa làm trung
tâm điểm của mọi hoạt động của mình, dù ăn uống, nghỉ ngơi hay học hỏi.
(3) Hết trí khôn (dianoía): Nhiều người cho trí khôn là chỗ của các hoạt
động trí tuệ. Trí khôn nên được bao gồm như hoạt động chính của linh hồn. Người
yêu mến Thiên Chúa hết trí khôn phải nghiền ngẫm những lời dạy của Thiên Chúa
đêm ngày.
(4) Hết sức (ischús): Danh từ này có thể được phiên dịch là khả năng,
năng lực, sức mạnh hay quyền năng. Sức mạnh cần thiết để làm việc, nhất là
trong lúc khó khăn. Người yêu mến Thiên Chúa hết sức phải dùng năng lực của
mình để làm công việc của Thiên Chúa. Anh ta phải sống động và lạc quan, không
được buồn sầu và bi quan.
B. Câu lập lại của kinh sư:
(1) Ông ta đồng ý với Chúa Jesus về chủ nghĩa độc thần và Thiên Chúa của
Israel: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất,
ngoài Người ra không có Đấng nào khác.”
(2) Ông không bao gồm “với hết trí khôn” và dùng “hiểu biết” (súnesis)
cho “linh hồn”: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực.” Hiểu
biết là một trong các hoạt động của linh hồn, nhưng không phải là tất cả.
3.2/ Điều
răn thứ hai là:
A. Câu trả lời của Chúa Jesus: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.
Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” Sau Thiên Chúa là đến con
người; con người phải yêu mến tha nhân vì những lý do sau đây: Thứ nhất, mọi
người là con của một Chúa và là anh chị em với nhau. Thứ hai, tất cả các tín hữu
là những chi thể của một thân thể Đức Kitô; khi một phần thân thể đau, toàn
thân phải chịu đựng. Thứ ba, Chúa Jesus đã báo trước là bất cứ những gì chúng
ta làm cho một kẻ bé mọn nhất là làm cho chính ngài và ngược lại; vì thế, chúng
ta phải yêu mến và giúp đỡ nhau. Sau cùng, khi tất cả mọi người góp phần xây dựng
thế giới, cuộc sống của mỗi người sẽ tốt đẹp hơn. Ngược lại, nếu mỗi người chỉ
lo cho chính họ, thế giới sẽ nghèo nàn và mất trật tự.
B. Câu lập lại của kinh sư: “Yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn
mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” Ông ta nhấn mạnh đến con người phải đặt tha nhân
lên trên của cải vật chất, ngay cả các lễ vật và hy sinh cho Thiên Chúa. Điều
này có nghĩa là nếu có ai cần được giúp đỡ để sinh sống, chúng ta cần phải dùng
những của cải vật chất được dùng cho Thiên Chúa để giúp đỡ người ấy.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Rất nhiều lần trong cuộc sống chúng ta đã vi phạm điều răn thứ nhất nhưng chúng
ta đã không để ý tới chúng. Chúng ta cần thật lòng với chính mình bằng cách cẩn
thận xét mình xem nếu chúng ta đã thật lòng chu toàn bổn phận của chúng ta với
Thiên Chúa, đặc biệt trong cách chúng ta dùng thời gian của Ngài ban.
- Nhiều lần chúng ta đã vi phạm điều răn thứ hai khi chúng ta đánh giá những của
cải vật chất của chúng ta hơn phẩm giá con người và nhu cầu của họ. Chúng ta cần
giúp đỡ người khác, không chỉ với của cải vật chất nhưng còn với kiến thức và
thời gian của chúng ta để mở trí tha nhân và đưa họ đến với Chúa.
LM.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP
04/11/2018
CHÚA NHẬT TUẦN 31 TN – B
Mc 12,28b-34
Mc 12,28b-34
LỄ VẬT CHÚA YÊU THÍCH
“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn,
hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quí hơn mọi lễ toàn
thiêu và hy lễ.” (Mc
12,33)
Suy niệm: Trong các thánh lễ vào các đại lễ, phần dâng lễ vật rất được
chăm chút. Về của lễ, ngoài bánh và rượu như thường lệ, còn có các lễ vật
là hoa, nến, hương, trầm và cả tiền giỏ nữa. Những thành viên trong đoàn dâng lễ
y phục chỉnh tề, tập dượt kỹ lưỡng trước để tiến dâng lễ vật trong sự trang
nghiêm, nhịp nhàng. Cùng với bài ca dâng lễ, còn có vũ khúc kèm theo và những lời
dẫn nói lên ý nghĩa lễ dâng và tâm tình của cộng đoàn. Dâng lễ vật cho Thiên
Chúa là việc chính đáng và cao quí. Tuy nhiên, tiêu chuẩn để Thiên Chúa phán
xét không hệ tại ở mức ‘hoành tráng’ của lễ dâng nhưng ở việc làm do lòng
thương xót ta dành cho tha nhân. Lòng yêu mến người khác là dấu hiệu cho biết
ta có mến Chúa thật lòng hay không. Về điểm này, thánh Gio-an nói rất rõ
ràng: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình,
người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy,
thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20).
Mời Bạn: Thánh Tô-ma A-qui-nô cho rằng việc trợ giúp những nhu cầu cấp
thiết của người khác vì tình yêu thương “là một hy lễ được Thiên Chúa
yêu thích hơn vì hướng trực tiếp đến tha nhân”. (x. Tông huấn “Hãy Vui
Mừng Hoan Hỉ”, số 106 của ĐGH Phan-xi-cô).
Sống Lời Chúa: Khi xét mình xưng tội, tôi vừa xét bổn phận đối với Chúa vừa xét
bổn phận đối với anh em, đặc biệt, tôi xét xem tôi có sống vô cảm đối với người
đang đau khổ, túng cực không.
Cầu
nguyện: Đọc kinh Kính Mến: Lạy Chúa, con kính mến Chúa….
Amen.
(5
phút lời Chúa)
Điều răn đứng đầu (04.11.2018 – Chúa nhật 31 thường niên năm B)
Suy
Niệm
Ðối với
một số bạn trẻ, yêu chẳng có gì khó.
Yêu là gặp nhau, quen nhau, nhớ nhau.
Yêu là hẹn hò, viết thư, tặng quà sinh nhật.
Nhưng dần dần quan niệm về tình yêu trở nên sâu xa hơn.
Các bạn nhận ra yêu là trao hiến bản thân,
là hy sinh chính mình để sống cho người khác.
Tình yêu đích thực không dễ như nhiều người lầm tưởng.
Vào ngày tận thế, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu.
Yêu là gặp nhau, quen nhau, nhớ nhau.
Yêu là hẹn hò, viết thư, tặng quà sinh nhật.
Nhưng dần dần quan niệm về tình yêu trở nên sâu xa hơn.
Các bạn nhận ra yêu là trao hiến bản thân,
là hy sinh chính mình để sống cho người khác.
Tình yêu đích thực không dễ như nhiều người lầm tưởng.
Vào ngày tận thế, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu.
Một vị
kinh sư tốt lành hỏi Ðức Giêsu
về điều răn đứng đầu trong số 613 khoản luật.
Ngài trích Ngũ Thư để tóm lại trong hai điều răn chính:
yêu Thiên Chúa hết lòng và yêu tha nhân như chính mình.
Tất cả lề luật cô đọng trong một thái độ là yêu mến.
Giữ luật mà quên yêu mến có thể dẫn đến óc nệ luật.
Giữ luật phải trở nên phương thế để bày tỏ tình yêu.
“Yêu mến là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).
về điều răn đứng đầu trong số 613 khoản luật.
Ngài trích Ngũ Thư để tóm lại trong hai điều răn chính:
yêu Thiên Chúa hết lòng và yêu tha nhân như chính mình.
Tất cả lề luật cô đọng trong một thái độ là yêu mến.
Giữ luật mà quên yêu mến có thể dẫn đến óc nệ luật.
Giữ luật phải trở nên phương thế để bày tỏ tình yêu.
“Yêu mến là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).
Thánh
Âu-tinh phàn nàn là mình đã yêu Chúa quá muộn.
Còn chúng ta lại thấy mình yêu Chúa quá ít và hời hợt.
Khi nghe Ðức Giêsu nhắc lại lời kinh của người Do Thái:
“Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi,
với trọn cả trái tim ngươi, với trọn cả linh hồn ngươi,
với trọn cả trí khôn ngươi, với trọn cả sức lực ngươi…”,
ta mới thấy đòi hỏi quyết liệt của Thiên Chúa.
Ngài muốn ta yêu Ngài bằng tất cả con người mình.
Cụm từ “với trọn cả” được lặp lại nhiều lần
như nhắc ta chẳng nên giữ điều gì lại.
Còn chúng ta lại thấy mình yêu Chúa quá ít và hời hợt.
Khi nghe Ðức Giêsu nhắc lại lời kinh của người Do Thái:
“Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi,
với trọn cả trái tim ngươi, với trọn cả linh hồn ngươi,
với trọn cả trí khôn ngươi, với trọn cả sức lực ngươi…”,
ta mới thấy đòi hỏi quyết liệt của Thiên Chúa.
Ngài muốn ta yêu Ngài bằng tất cả con người mình.
Cụm từ “với trọn cả” được lặp lại nhiều lần
như nhắc ta chẳng nên giữ điều gì lại.
Sống
điều răn thứ nhất là đặt Chúa lên trên hết,
là dành ưu tiên một cho Chúa giữa những ưu tiên.
Coi Chúa là tất cả, mãn nguyện vì có Chúa.
Dành cho Chúa tất cả, để Chúa chiếm trọn mình.
Ðiều răn thứ hai bắt nguồn từ điều răn thứ nhất:
yêu người thân cận như chính mình.
Người thân cận là mọi người chẳng trừ ai.
Chỉ trong Chúa tôi mới có thể yêu thương đến vô cùng.
Trong Chúa, tôi nhận ra tha nhân là anh em, con một Cha,
là hình ảnh của Ðức Kitô đang cần tôi giúp đỡ.
Trong Chúa, tôi cảm nhận phẩm giá đích thực của một người,
dù đó là một thai nhi, một phạm nhân hay người mất trí.
Tình yêu thực sự với Thiên Chúa đưa tôi về với anh em.
Tình yêu anh em đòi tôi gặp gỡ Thiên Chúa
để múc lấy nơi Ngài sức mạnh hầu tiếp tục hiến trao.
Ðó là nhịp đập bình thường của trái tim người Kitô hữu,
cứ đong đưa giữa hai tình yêu.
Hay đúng hơn chỉ có một tình yêu:
tôi yêu tha nhân trong Chúa và tôi yêu Chúa nơi tha nhân.
là dành ưu tiên một cho Chúa giữa những ưu tiên.
Coi Chúa là tất cả, mãn nguyện vì có Chúa.
Dành cho Chúa tất cả, để Chúa chiếm trọn mình.
Ðiều răn thứ hai bắt nguồn từ điều răn thứ nhất:
yêu người thân cận như chính mình.
Người thân cận là mọi người chẳng trừ ai.
Chỉ trong Chúa tôi mới có thể yêu thương đến vô cùng.
Trong Chúa, tôi nhận ra tha nhân là anh em, con một Cha,
là hình ảnh của Ðức Kitô đang cần tôi giúp đỡ.
Trong Chúa, tôi cảm nhận phẩm giá đích thực của một người,
dù đó là một thai nhi, một phạm nhân hay người mất trí.
Tình yêu thực sự với Thiên Chúa đưa tôi về với anh em.
Tình yêu anh em đòi tôi gặp gỡ Thiên Chúa
để múc lấy nơi Ngài sức mạnh hầu tiếp tục hiến trao.
Ðó là nhịp đập bình thường của trái tim người Kitô hữu,
cứ đong đưa giữa hai tình yêu.
Hay đúng hơn chỉ có một tình yêu:
tôi yêu tha nhân trong Chúa và tôi yêu Chúa nơi tha nhân.
Ðức
Giêsu đã sống đến cùng hai điều răn Ngài dạy.
Ngài sống để yêu và chết vì yêu.
Tình yêu của Ngài là lễ toàn thiêu và hy tế.
Mỗi tối tôi lại xét mình về tình yêu
để thấy mình còn yêu quá ít.
Ngài sống để yêu và chết vì yêu.
Tình yêu của Ngài là lễ toàn thiêu và hy tế.
Mỗi tối tôi lại xét mình về tình yêu
để thấy mình còn yêu quá ít.
Cầu
Nguyện
Lạy
Chúa Giêsu,
trước khi con tìm Chúa, Chúa đã đi tìm con.
Trước khi con thấy Chúa, Chúa đã nhìn thấy con.
Trước khi con theo Chúa, Chúa đã đi theo con.
Trước khi con yêu Chúa, Chúa đã mến yêu con.
Trước khi con thuộc về Chúa, Chúa đã thuộc về con.
Trước khi con phụng sự Chúa, Chúa đã phục vụ con.
Trước khi con từ bỏ mình vì Chúa,
Chúa đã nộp mình vì con.
Trước khi con sống và chết cho Chúa,
Chúa đã sống và chết cho con.
Trước khi con đặt Chúa lên trên hết,
Chúa đã coi con là hạnh phúc tuyệt vời của Chúa.
trước khi con tìm Chúa, Chúa đã đi tìm con.
Trước khi con thấy Chúa, Chúa đã nhìn thấy con.
Trước khi con theo Chúa, Chúa đã đi theo con.
Trước khi con yêu Chúa, Chúa đã mến yêu con.
Trước khi con thuộc về Chúa, Chúa đã thuộc về con.
Trước khi con phụng sự Chúa, Chúa đã phục vụ con.
Trước khi con từ bỏ mình vì Chúa,
Chúa đã nộp mình vì con.
Trước khi con sống và chết cho Chúa,
Chúa đã sống và chết cho con.
Trước khi con đặt Chúa lên trên hết,
Chúa đã coi con là hạnh phúc tuyệt vời của Chúa.
Lạy
Chúa Giêsu là Thầy của con,
Chúa luôn đi trước con.
Chúa làm trước khi Chúa dạy.
Con hiểu rằng mọi điều Chúa đòi hỏi nơi con
đều chỉ vì lợi ích vĩnh cửu của con mà thôi.
Xin cho con đón nhận những cắt tỉa của Chúa
với lòng biết ơn và rất nhiều tình yêu. Amen.
Chúa luôn đi trước con.
Chúa làm trước khi Chúa dạy.
Con hiểu rằng mọi điều Chúa đòi hỏi nơi con
đều chỉ vì lợi ích vĩnh cửu của con mà thôi.
Xin cho con đón nhận những cắt tỉa của Chúa
với lòng biết ơn và rất nhiều tình yêu. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
HÃY NÂNG TÂM HỒN LÊN
4
THÁNG MƯỜI MỘT
Lòng
Thương Xót Của Chúa Cha
Trong
lời nguyện hiến tế của Ngài, Chúa Giêsu xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ cho khỏi
ác thần (Ga 17,15). Như vậy, lời nguyện hiến tế vừa ca ngợi sự tốt lành của hiệp
nhất, vừa là lời khẩn xin tha thiết để mọi sự dữ chống lại hiệp nhất đều có thể
được thắng vượt. Do đó, đây cũng là một lời nguyện hoà giải. Sự hoà giải này diễn
ra ở những cấp độ khác nhau: nơi chính bản thân mỗi người, giữa các cá nhân, giữa
các Kitô hữu, giữa người Kitô hữu và những người ngoài Kitô giáo, giữa các dân
tộc và các quốc gia, giữa các khu vực đã phát triển và các khu vực kém phát triển
trên thế giới.
Hoà
giải là một kinh nghiệm sâu xa thuộc lãnh vực tâm linh con người. Trong hình thức
cao nhất của nó, nó là hình ảnh người Cha nhân lành mở rộng vòng tay ôm lấy đứa
con bất trị. Anh ta là nạn nhân của cám dỗ muốn xây dựng một thế giới hoàn toàn
bởi sức riêng mình, bất cần Cha. Cái trống rỗng của sự chọn lựa ấy, nỗi cô đơn
nhức nhối ấy, và hậu quả là phẩm giá của anh cũng chẳng còn … Tất cả đã gây ra
những vết thương cần phải được chữa trị tận căn. Anh cần phải quay về và kinh
nghiệm lại lòng thương xót của Cha. Vâng, sự hoà giải phải cắm rễ sâu trong cuộc
sống chúng ta: hoà giải với Thiên Chúa, với chính mình, với nhau, với các cộng
đoàn Giáo Hội khác, bắt đầu bằng một sự biến đổi sâu xa trong tâm hồn mình.
Hoà
giải còn mang một chiều kích xã hội nữa. Nó vượt qua những rào cản ngăn cách
các tầng lớp xã hội và vượt qua sự xung khắc giữa các quốc gia. Nó tiêu diệt
các hình thức kỳ thị đầy bất công. Trên hết, nó ưu tiên tôn trọng phẩm giá độc
đáo của mỗi người và tích cực bảo vệ các quyền của con người ở bất cứ nơi đâu
mà các quyền ấy bị đe doạ.
–
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Hạnh Các Thánh
4
Tháng Mười Một
Thánh
Charles Borromeo
(1538-1584)
(1538-1584)
Tên của
Thánh Charles Borromeo đi liền với chữ cải cách. Ngài sống trong thời kỳ Cải
Cách Tin Lành, và đã tiếp tay trong công cuộc cải cách toàn thể Giáo Hội trong
những năm cuối của Công Ðồng Triđentinô.
Mặc
dù ngài thuộc về một gia đình quý tộc ở Milan và có bà con với dòng họ Medici rất
uy thế, nhưng ngài lại muốn tận hiến cho Giáo Hội. Khi người bác của ngài là Ðức
Hồng Y de Medici được chọn làm giáo hoàng năm 1559 với tước hiệu là Piô IV, đức
giáo hoàng đã chọn ngài làm trưởng phó tế và là quản lý của Tổng Giáo Phận
Milan trong khi ngài chỉ là một sinh viên giáo dân. Vì sự thông minh xuất chúng
nên ngài được giao cho nhiều chức vụ quan trọng có liên hệ đến Tòa Thánh, và
sau này được bổ nhiệm làm bộ trưởng chịu trách nhiệm toàn thể ban hành chánh của
tòa thánh. Cái chết đau đớn của người anh đã đưa ngài đến quyết định đi tu làm
linh mục, mặc dù bao người thân nhân ngăn cản. Ngài được thụ phong linh mục năm
25 tuổi, và sau đó không lâu được tấn phong làm giám mục của Milan.
Chính
thánh nhân là người đã thúc giục đức giáo hoàng phục hồi Công Ðồng Triđentinô
vào năm 1562 sau 10 năm bị ngưng trệ. Ðứng ở đằng sau và âm thầm làm việc,
thánh nhân là người có công trong việc duy trì sự liên tục của các khóa họp
Công Ðồng mà nhiều khi tưởng đã đổ vỡ. Trong giai đoạn cuối của Công Ðồng, ngài
là người chủ yếu trong việc hướng dẫn và thành hình các sắc lệnh của công đồng.
Hiển nhiên ngài cũng được phép dành thời giờ để làm việc cho Tổng Giáo Phận Milan,
là nơi mà tôn giáo và luân lý thật sáng tỏ.
Sự cải
tổ cần phải thi hành trong mọi tầng lớp Công Giáo, dù là giáo sĩ hay giáo dân,
và được khởi sự từ các công đồng địa phương với các giám mục phụ tá. Những quy
luật rõ ràng được đặt ra cho các giám mục và tu sĩ: Nếu người ta thay đổi đời sống
để trở nên tốt lành hơn, thì giáo sĩ phải là những người làm gương và phải canh
tân tinh thần tông đồ của mình trước hết.
Chính
Thánh Charles tiên phong trong việc làm gương. Ngài chia sẻ hầu hết phần lương
của ngài cho công việc bác ái, tự ý từ bỏ đời sống sang trọng của một tổng giám
mục, và ăn chay đền tội. Ngài hy sinh giầu sang, danh vọng, sự mến mộ và ảnh hưởng
để trở nên nghèo hèn. Trong thời kỳ dịch tễ và đói kém năm 1576, ngài cố tìm
cách để nuôi ăn 60,000 đến 70,000 người mỗi ngày. Ðể thực hiện điều này, ngài
phải mượn một số tiền rất lớn mà nhiều năm sau mới trả hết. Khi nạn dịch hoành
hành đến mức tối đa, các giới chức hành chánh dân sự bỏ trốn thì ngài vẫn ở lại
thành phố để thi hành công việc mục vụ cho những người đau yếu, người hấp hối
và những ai cần sự giúp đỡ.
Vào
năm 1578, ngài thành lập một tổ chức cho các linh mục triều, Tu Sĩ của Thánh
Ambrôsiô (bây giờ là Tu Sĩ của Thánh Charles), tích cực rao giảng, chống với sự
xâm nhập của các tà thuyết, và đưa những người Công Giáo lầm lạc trở về với
Giáo Hội.
Công
việc và gánh nặng của chức vụ đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ngài. Ngài từ trần
khi mới 46 tuổi và được phong thánh năm 1610.
Lời
Bàn
Thánh
Charles đã sống theo lời Ðức Kitô: "... Khi ta đói con đã cho ta
ăn, ta khát con đã cho ta uống, ta lạc lõng con đã tiếp đón, ta trần truồng con
đã cho áo mặc, ta đau ốm con đã chăm sóc, ta tù đầy con đã thăm viếng" (Mt.
25:35-36). Thánh Charles đã nhận ra Ðức Kitô trong tha nhân, và ngài biết rằng
công việc bác ái được thi hành cho những người bé mọn là được thi hành cho Ðức
Kitô.
Lời
Trích
"Trong
cuộc lữ hành trần thế, Ðức Kitô luôn mời gọi Giáo Hội hãy cải tổ liên tục và đó
là điều rất cần thiết, vì giáo hội là một tổ chức của con người. Do đó, nếu ảnh
hưởng của các biến cố hay thời cuộc đã đưa đến những khiếm khuyết trong hành động,
trong kỷ luật của Giáo Hội, hay ngay cả trong việc hình thành tín lý (cần thận
trọng phân biệt với kho tàng đức tin), thì những khiếm khuyết ấy phải được chấn
chỉnh một cách thích hợp và đúng lúc" (Sắc Lệnh về Ðại Kết, 6).
4
Tháng Mười Một
Quo Vadis, Domine?
Ðêm
trước ngày vào cơ mật viện để bầu Giáo Hoàng, Hồng Y Karol Wojtyla đã chuẩn bị
hành lý để trở về Krakow, tổng giáo phận của ngài. Thế nhưng, ngài đã không trở
lại Krakow nữa? Ngày thứ hai, 16 tháng 10 năm 1978, vị Hồng Y 58 tuổi này đã được
bầu làm Giáo Hoàng và lấy tên là Gioan Phaolô II. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu
tiên đến từ Ba Lan, là vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải là người Italia kể từ
450 năm qua, và tính từ 150 năm trở lại, thì ngài là vị Giáo Hoàng trẻ nhất.
Trong
khi chuẩn bị cho bài giảng Chúa Nhật đầu tiên kể từ lúc được bầu làm Giáo
Hoàng, Ðức Gioan Phaolô II đã nghĩ đến tác giả của quyển tiểu thuyết giả sử nổi
tiếng "Quo vadis, Domine?" là ông Henryk Sienkiewicz, một văn sĩ và đồng
thời cũng là một nhà ái quốc Ba Lan? Qua tác phẩm này, vị Giáo Hoàng người Ba
Lan đã so sánh tâm tình của mình với vị Giáo Hoàng đầu tiên là thánh Phêrô như
được ghi lại trong tác phẩm "Quo vadis,Domine?", "Lạy Chúa, Chúa
đang đi đâu?". Theo tác giả quyển tiểu thuyết giả sử, thì có lẽ thánh
Phêrô thích ở lại quanh quẩn bên bờ hồ Genezareth hơn là đến giữa trung tâm của
đế quốc La Mã để gặp không biết bao nhiêu chống đối và bách hại. Giữa lúc vị
Giáo Hoàng đầu tiên toan tình trốn khỏi La Mã để trở về quê hương mình, thì
ngài gặp lại Chúa Giêsu hiện ra đang đi ngược chiều với ngài. Ngạc nhiên về sự
xuất hiện của Chúa, thánh Phêrô đã hỏi: "Quo vadis, Domine?" nghĩa là
"Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu?". Và Chúa Giêsu đã trả lời như sau:
"Ta đang đi đến La Mã để chịu đóng đinh một lần nữa". Hiểu được ý
Chúa, Phêrô đã quay trở lại La Mã và ngài ở lại đó cho đến khi chịu đóng đinh.
Hôm
nay Giáo Hội kính nhớ thánh Carolô Borremêô và mừng bổn mạng một cách đặc biệt
của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Mãi mãi tên Carolô gắn liền với tên tuổi và
vận mệnh của Ðức Thánh Cha. Hơn ai hết, ngài phải là người kính nhớ và ghi ơn vị
thánh bổn mạng nhiều nhất.
Tên
thánh được đặt cho chúng ta trong ngày chịu Phép Rửa đánh dấu sự đổi đời quan
trọng của chúng ta. Từ cái chết trong tội lỗi, chúng ta được tái sinh trong sự
sống của Chúa. Hướng đi của chúng ta phải là hướng đi tới Chúa, không thể là bước
thụt lùi.
Mang
lấy tên thánh Carolô, Wojtyla đã quyết tâm hướng cuộc đời của mình tiến tới
trong phục vụ và hy sinh như như chính thánh giám mục Carolô Borremêô. Và khi
chọn lấy danh hiệu mới là Gioan Phaolô, vị Giáo Hoàng người Ba Lan cũng quyết
tâm tiến tới trên con đường mà hai vị tiền nhiệm của mình đã vạch ra... Là người
Kitô, chúng ta cũng luôn được mời gọi tiến tới không ngừng trên đường theo chân
Chúa Giêsu. Tên thánh mà chúng ta mang lấy trong ngày Rửa Tội, danh hiệu Kitô
mà chúng ta được đặt cho phải luôn luôn là một nhắc nhở chúng ta về con đường
tiến lên ấy. Chắc chắn con đường ấy không là một con đường rộng thênh thang. Sự
tiến lên ấy không là một đà tiến dễ dàng. Phêrô đã quay trở lại La Mã để chịu
đóng đinh... Thập giá có lẽ đang chờ đợi chúng ta, chúng ta hãy hiên ngang tiến
bước vì đó chính là hướng đi của tất cả những ai mang danh hiệu Kitô.
Trích
sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét