04/11/2018
Chúa Nhật tuần 31 Thường Niên năm B
(phần II)
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 31 thường
niên- năm B
CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN B
(Đnl 6,2-6; Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34)
(Đnl 6,2-6; Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34)
ĐIỀU RĂN MỚI
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa,
Thiên Chúa của ngươi,hết lòng, hết linh hồn,
hết trí khôn và hết sức lực ngươi.
Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình
(Mc 12,29-31)
Thiên Chúa của ngươi,hết lòng, hết linh hồn,
hết trí khôn và hết sức lực ngươi.
Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình
(Mc 12,29-31)
Giữa muôn vàn điều răn, người Do Thái cảm thấy bối rối
vì không thể nhớ hết, càng không thể giữ hết cách trọn vẹn nên thật khó để chọn
lựa phải giữ điều nào, bỏ điều nào. Chúa Giêsu đã đưa ra một câu trả lời thoả
đáng, cho vị kinh sư Do Thái, và cho các Kitô hữu mọi thời.
I.
CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài
đọc 1:
Đoạn sách Đệ Nhị Luật nhắc lại cho dân Israel và con
cháu bổn phận quen thuộc là kính sợ Thiên Chúa, đồng thời, tuân giữ các chỉ thị
và mệnh lệnh của Ngài, thì sẽ được sống lâu (6,2), được hạnh phúc và nên đông đảo
trong miền đất mà họ sắp vào chiếm hữu, miền đất tràn trề sữa và mật (6,3).
Ngoài bổn phận quen thuộc đó, đoạn sách Đệ Nhị Luật còn nêu lên một bổn phận
khác hoàn toàn mới mẻ, bổn phận “yêu mến Thiên Chúa”.
Quả vậy, đối với dân Israel, kính sợ Đức Chúa là đòi
buộc quen thuộc mà mọi thế hệ con cháu đều phải ghi nhớ và thực hiện (x. Xh
14,31; Đnl 5,29; 6,2.24; 10,12; 14,23; Gs 4,24; 24,14; 1 Sm 12,24…). Thiên Chúa
là Đấng uy nghiêm và thưởng phạt công minh nên kính sợ Thiên Chúa là điều phải
lẽ để được Người bao bọc, chở che. Vì thế, điều răn mới mẻ mà đoạn sách Đệ Nhị
Luật này mở ra ở đây, sau này sẽ trở nên lời kinh căn bản mà mỗi người Israel
phải lặp đi lặp lại hằng ngày: đó là lời kinh “Sơma Israel”, nghe đây hỡi
Israel. Điều răn này gồm ba điều cơ bản sau.
Thứ nhất, đây là điều răn đòi buộc mọi người Israel
phải lắng nghe và tuân giữ: “Nghe đây hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta
là Đức Chúa duy nhất” (6,4). Đối với dân Israel, dù sống giữa những dân tộc
xung quanh với tục thờ đa thần, và không ít lần họ đã bị cám dỗ chạy theo thói
tục đó, thì lời kinh này một lần nữa nhắc lại điều căn cốt trước hết đối với họ
là tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất. Bất cứ một hình thức tôn thờ một thần nào
khác đều là thờ ngẫu tượng và sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
Thứ hai, điều răn đòi buộc dân Israel “yêu mến Đức
Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (6,5). Thiên Chúa
không chỉ là một Thiên Chúa uy nghiêm và công minh mà dân Israel phải kính sợ,
nhưng còn là một Thiên Chúa muốn thiết lập mối tương quan với dân Người, muốn
được dân Người yêu mến. Vì thế, đòi buộc yêu mến Thiên Chúa thật là một điều
răn hoàn toàn mới mẻ và đề cao mối tương quan yêu thương thân tình hơn là sự sợ
hãi. Hơn nữa, lòng yêu mến đối với Thiên Chúa phải được thể hiện với “hết lòng,
hết sức”, nghĩa là với hết tấm lòng và toàn bộ khả năng.
Thứ ba, điều răn này đòi buộc dân Israel phải ghi tạc
vào lòng (6,6), nghĩa là không được quên hoặc bỏ sót. Phải ghi nhớ để thực hành
và để truyền lại cho con cháu, dù ở bất cứ nơi nào (6,7), và phải dùng mọi
phương tiện có thể như cột vào tay, mang lên trán hay viết lên khung cửa nhà và
cửa thành (x. 6,8-9). Từ đây, điều răn yêu mến Thiên Chúa, một khi được ghi tạc
vào lòng, phải được dân Israel ghi nhớ, tuân giữ và truyền lại cho con cháu qua
mọi thế hệ.
2. Bài
đọc 2:
Tác giả thư Do Thái dùng lối so sánh giữa chức tư tế
theo định chế truyền thống Lêvi và chức tư tế của Đức Kitô để làm nổi bật sự
khác biệt và tính trổi vượt của chức tư tế Đức Kitô.
Trước hết, tác giả so sánh giữa tính mau qua của chức
tư tế Lêvi vì các tư tế phải chết; trái lại, chính vì Đức Kitô hằng sống muôn đời,
nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi. Vì thế, Người có thể mang ơn cứu độ
vĩnh viễn cho những ai thông qua Người mà được lại gần Thiên Chúa. Người hằng sống
nên luôn làm trung gian chuyển cầu cho những ai đến với Thiên Chúa.
Sau nữa, tác giả so sánh phẩm chất của các tư tế
Lêvi và Đức Kitô thượng tế. Trong khi các tư tế Lêvi mang bản chất mỏng dòn, yếu
đuối và có tội nên họ phải dâng lễ đền tội cho mình trước, rồi mới dâng lễ đền
tội cho dân, thì Đức Kitô thượng tế mang nơi mình những phẩm chất của một tư tế
hoàn thiện như thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi các tội nhân và được
nâng cao vượt các tầng trời. Vì thế, không như các tư tế Lêvi phải dâng đi dâng
lại ngày này qua ngày khác, năm này qua năm nọ, Đức Giêsu dâng của lễ là chính
bản thân mình, một của lễ vẹn toàn và đẹp lòng Thiên Chúa, nên dù Người chỉ
dâng một lần nhưng hiệu quả tế lễ tồn tại đến muôn đời.
Bằng cách so sánh như thế, tác giả thư Do Thái cho
thấy chức tư tế của Đức Kitô hoàn toàn trổi vượt chức tư tế truyền thống Lêvi cả
về phẩm chất của vị tư tế, tính ưu việt của lễ và cả hiệu quả vĩnh viễn của việc
dâng lễ tế.
3. Bài
Tin Mừng:
Nhân câu hỏi của vị kinh sư, một bậc thầy về nghiên
cứu và giải thích Sách Thánh, Chúa Giêsu tóm gọn rất nhiều điều luật trong Do
Thái Giáo thành điều răn quan trọng nhất là yêu Chúa và yêu người.
Trước hết, yêu mến Thiên Chúa là điều răn mới mẻ
trong sách Đệ Nhị Luật, theo đó Thiên Chúa đòi buộc dân Israel đi từ thái độ
“kính sợ Đức Chúa” (Đnl 6,2.24; 10,12; 14,23) đến mối tương quan “yêu mến Đức
Chúa” (x. Đnl 6,5; 11,1.13.22; 19,9). Thiên Chúa không chỉ là Đấng đáng tôn thờ,
kính sợ mà còn là Đấng đáng mến yêu. Dẫu vậy, Chúa Giêsu còn đi xa hơn đòi hỏi
của Thiên Chúa đối với dân Israel khi buộc phải yêu mến Thiên Chúa không chỉ “hết
lòng, hết sức lực” (x. Đnl 6,5), mà còn phải hết linh hồn và hết trí khôn” (Mc
12,30), nghĩa là với tất cả con người.
Hơn nữa, Chúa Giêsu xem đòi buộc “yêu người thân cận
như chính mình” là điều răn thứ hai, nhưng không phải là điều răn thứ yếu, mà
là điều răn gắn liền với điều răn thứ nhất là “yêu mến Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đã
khéo léo kết hợp đòi buộc “yêu mến Thiên Chúa” trong sách Đệ Nhị Luật (6,5) với
đòi buộc “yêu mến người thân cận” trong sách Lêvi (19,18b) và đặt hai đòi buộc
này ở cùng một cấp độ quan trọng hàng đầu. Như thế, đối với Chúa Giêsu, tương
quan chiều dọc đối với Thiên Chúa chỉ trọn nếu “yêu mến Thiên Chúa” đòi buộc phải
“hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” thì “yêu người thân cận”
cũng đòi buộc phải “như yêu chính mình”.
Sau cùng, khi lặp lại lời dạy của Chúa Giêsu về một
Thiên Chúa duy nhất (Mc 12,32) và sự kết hợp giữa yêu mến Thiên Chúa và yêu người
thân cận thì cao quý hơn mọi thứ của lễ dâng theo lề luật (Mc 12,33), vị kinh
sư cho thấy sự xác tín của ông nơi giáo huấn mới mẻ của Chúa Giêsu, trong đó đặt
tình yêu lên hàng đầu. Khi xác tín như vậy, ông được Chúa Giêsu chứng thực là
“không còn xa Nước Thiên Chúa” (Mc 12,34). Thật vậy, việc tuyên xưng đức tin
vào một Thiên Chúa duy nhất chưa đủ mà còn cần phải thực thi giới răn yêu
thương trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân nữa. Đó mới là tiêu chuẩn của
công dân Nước Thiên Chúa.
II. GỢI
Ý ÁP DỤNG:
1/ Tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng duy nhất và ngoài
Người ra không có thần nào khác nữa; yêu mến Thiên Chúa với tất cả tấm lòng và
khả năng, đồng thời dạy cho con cháu ghi nhớ và thực hiện qua mọi thế hệ là xác
tín căn bản của mọi người dân Israel. Chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa và yêu mến
Người với tất cả tấm lòng và khả năng cũng là nền tảng căn bản của đời sống
Kitô hữu. Giữa bao nhiêu thứ thụ tạo mà con người ngày nay vẫn tôn là thần để
thờ và dành mọi khả năng và sức lực để đạt được với tất cả sự say mê, thì việc
tôn thờ và yêu mến chỉ một mình Thiên Chúa vẫn là một thách đố cho con người
trong thời đại hôm nay. Mỗi Kitô hữu được lời Chúa hôm nay nhắc nhở để cảnh
giác với mọi loại thờ ngẫu tượng.
2/ Tác giả thư Do Thái cho thấy vị thế trổi vượt của
Đức Kitô thượng tế, Đấng thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, nhưng đã chấp nhận chết
để dâng của lễ là chính mình một lần duy nhất mà vĩnh viễn đem lại ơn tha tội
cho những ai tin. Giờ đây Người hằng ở bên hữu Thiên Chúa để chuyển cầu hiệu quả
cho những ai nhờ Người mà đến gần Thiên Chúa. Mỗi Kitô hữu đều được chuộc bằng
giá máu của Đức Kitô thượng tế đổ ra để ban ơn tha tội. Những lúc yếu đuối, bất
toàn, tội lỗi, người Kitô ý thức sâu xa về giá trị vô giá của máu Đức Kitô đổ
ra vì mình.
3/ “Yêu mến Thiên Chúa” và “yêu người thân cận” đều
là những đòi buộc của lề luật trong Cựu Ước đối với dân Israel, nhưng Chúa
Giêsu đã kiện toàn lề luật đó khi đặt hai đòi buộc này bên cạnh nhau và ngang
hàng với nhau. Hai điều răn được kết hợp thành một điều răn duy nhất: điều răn
yêu thương. Người ta không thể nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu
thương anh chị em mình (x. 1 Ga 4,20). Mỗi người Kitô hữu đều thuộc lòng điều
răn đứng đầu này và theo thánh Phaolô, chỉ cần thực hiện điều răn yêu thương
này thôi thì cũng đủ cho đời sống Kitô hữu, vì “yêu thương là chu toàn lề luật
vậy” (Rm 13,10).
III.
LỜI NGUYỆN CHUNG:
Chủ
tế: Anh chị em
thân mến! Kính mến Thiên Chúa hết lòng hết sức và yêu thương mọi người như
chính mình là hai đòi hỏi không thể tách rời của giới răn quan trọng nhất. Với
quyết tâm thực thi luật Chúa, cộng đoàn chúng ta cùng sốt sắng dâng lời cầu
xin:
1. Hội Thánh có sứ mạng loan báo và thực thi giới luật
yêu thương. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn
nhiệt tâm chu toàn sứ mạng ấy: hết lòng thờ kính Thiên Chúa và tận tình chăm
sóc đoàn chiên.
2. Hận thù, chia rẽ và bạo lực là mầm mống gây biết
bao đau thương cho con người. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các dân tộc luôn
đoàn kết thuận hòa, cho mọi người biết yêu thương tha thứ, hầu góp phần xây dựng
một thế giới hòa bình thịnh vượng.
3. Nhiều người trên thế giới và ngay tại Việt Nam
đang trải qua khó khăn thử thách. Chúng ta cùng cầu xin cho họ nhận được sự
quan tâm trợ giúp kịp thời của cộng đồng, để họ thêm xác tín rằng mọi người
luôn hiệp thông trong sự sống và tình yêu của Thiên Chúa.
4. “Mến Chúa hết lòng và yêu tha nhân như chính mình
thì hơn mọi lễ vật hy sinh.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người trong cộng
đoàn chúng ta biết liên kết hy tế bàn thờ với nỗ lực sống giới luật yêu thương
trong cuộc sống hằng ngày.
Chủ
tế: Lạy Chúa là Cha toàn năng, Con Một Chúa là Đức Giêsu Kitô đã dạy chúng
con phải kính mến Chúa và yêu thương nhau. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và
ban sức mạnh Thánh Thần, giúp chúng con thực hành lời Người dạy. Người hằng sống
và hiển trị muôn đời. Amen.
SCĐ Chúa Nhật 31 Thường Niên B
Chủ đề :
ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT
Thưa Thầy, trong mọi điều răn,điều răn nào trọng nhất ?”(Mc 12,28)
Sợi chỉ
đỏ :
– Bài đọc I (Đnl 6,2-6) : Ông Môsê dạy cho dân do
thái rằng điều răn trọng nhất là Kính mến Chúa.
– Tin Mừng (Mc 12,28b-34) : Đức Giêsu dạy rộng hơn :
Điều răn trọng nhất cũng là kính mến Chúa, nhưng nó gắn liền với điều răn yêu
thương anh em.
I.Dẫn
vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Từ hồi học giáo lý Rước Lễ Vỡ Lòng, chúng ta đã thuộc
lòng câu “10 điều răn ấy tóm về hai điều này mà thôi, trước kính mến Thiên Chúa
trên hết mọi sự, sau là yêu người như mình ta vậy, Amen”. Tuy nhiên chúng ta đã
không thực hiện đúng như điều ta đã thuộc : một mặt, chúng ta không ý thức rằng
yêu thương là điều quan trọng nhất trong cuộc sống ; mặt khác, chúng ta cố gắng
mến Chúa nhưng chưa cố gắng yêu người cho đủ.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng
ta thực hành hai điều răn quan trọng ấy một cách trọn vẹn hơn.
II.Gợi
ý sám hối
– Chúng con chưa thực sự kính mến Chúa trên hết mọi
sự.
– Chúng con lỗi phạm rất nhiều về điều răn yêu
thương anh em.
– Rất nhiều lần chúng con hành động vì bị thúc đẩy bởi
lòng giận ghét.
III.
Lời Chúa
- Bài đọc I (Đnl
6,2-6)
Ông Môsê nhấn mạnh cho dân do thái thấy tầm quan trọng
của điều răn kính mến Chúa bằng những chữ “hết” được lặp đi lặp lại nhiều lần :
“Hãy yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của anh em hết lòng, hết dạ, hết sức anh em”.
Trải qua bao thế hệ, người do thái đã cố gắng tuân
giữ điều răn ấy. Tuy nhiên giáo huấn của Cựu Ước còn thiếu sót vì chỉ nhấn mạnh
đến việc kính mến Chúa mà không quan tâm đủ đến việc yêu thương tha nhân.
Điều thiếu sót này sẽ được Đức Giêsu bổ túc.
2.
Đáp
ca (Tv 130)
Thánh vịnh này là bài ca bày tỏ một tấm lòng yêu mến
Chúa thiết tha.
3.
Tin
Mừng (Mc 12,28b-34)
Các luật sĩ tấn công Đức Giêsu : “Trong các giới
răn, giới răn nào trọng nhất ?”. Đối với họ, đây là một câu hỏi hóc búa, vì Cựu
Ước ghi lại rất nhiều giới luật nhưng không cho biết giới luật nào trọng hơn giới
luật nào. Nguyên việc thuộc hết các giới luật đã là một chuyện rất khó, huống
chi đánh giá và so sánh các luật đó.
Nhưng Đức Giêsu trả lời rất gọn gàng và rõ ràng : 2
giới luật trọng nhất là yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như
chính mình.
4. Bài đọc II (Dt 7,23-28) (Chủ đề phụ)
Tác giả thư do thái so sánh chức Thượng tế trong đạo
do thái với chức Thượng tế của Đức Giêsu : (1) Chức thượng tế do thái chỉ có một
đời người, khi chết rồi thì mất ; còn chức Thượng Tế của Đức Giêsu là chức Thượng
tế đời đời, tồn tại mãi mãi ; (2) Các thượng tế do thái cũng là người phàm với
những tội lỗi ; còn Đức Giêsu là vị Thượng tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội ;
(3) Các thượng tế do thái phải dâng lễ đền tội nhiều lần ; còn Đức Giêsu chỉ
dâng lễ đền tội một lần là đủ.
IV. Gợi
ý giảng
*
1. Giới luật yêu thương, điểm độc đáo
Có một giáo lý viên kia đang dạy đạo cho một người dự
tòng. Một hôm, người dự tòng hỏi “Điểm đặc biệt nhất của Đạo Công Giáo là gì
?”. Giáo lý viên đáp : “là Yêu Thương”. Người dự tòng là một thanh niên, nghĩa
là đang ở tuổi yêu đương, nên gật gù tỏ ra rất thấm thía với câu trả lời của
giáo lý viên. Nhưng sau một lúc suy nghĩ, anh lại đặt vấn đề : “Yêu thương thì
tôi đã nghe nói rất nhiều, và rất nhiều người nói : Những cặp tình nhân luôn miệng
nói yêu nhau ; những đạo khác, đạo nào cũng dạy người ta sống yêu thương ; và
ngay cả những tổ chức không có đạo cũng dạy người ta yêu thương nhau”. Rồi anh
này đưa ra 2 kết luận hết sức bất ngờ : 1/ Đạo Công giáo chẳng có gì hơn những
đạo khác, mà cũng không hơn không có đạo ; 2/ Chẳng cần vào đạo Công giáo mới
biết yêu thương”. Và giáo lý viên bí !
Chúng ta phải công nhận rằng người dự tòng trên đã
nhận xét rất đúng. Yêu thương là tình cảm cao đẹp nhất trong con tim mọi người.
Yêu thương là nhân đức cao trọng nhất trong mọi nhân đức. Vì thế không cần đạo
công giáo dạy, không cần Đức Giêsu dạy, mọi người cũng đều biết trân trọng tình
cảm và nhân đức yêu thương. Nhưng chẳng lẽ đạo Công giáo của chúng ta không có
gì hơn các đạo khác, cũng không có gì hơn các nền luân lý không có đạo sao ? Chẳng
lẽ Đức Giêsu từ trời xuống thế làm người mà chẳng dạy gì hay hơn điều mà mọi
người đã biết hết rồi sao ? Chúng ta phải tìm hiểu kỹ lại bài Tin Mừng hôm nay
mới được.
- Đoạn Tin Mừng mà chúng ta nghe trong Thánh Lễ hôm nay là do thánh
Marcô chép. Marcô thì quen chép ngắn gọn, nên đôi khi không đủ ý. Muốn đầy
đủ hơn, chúng ta phải đọc thêm đoạn Tin Mừng của Thánh Mathêu, cũng chép về
câu chuyện này, nhưng đầy đủ hơn. Theo bản chép của thánh Matthêu, để trả
lời cho câu hỏi của một người luật sĩ xem điều luật nào trọng nhất, thì CG
sau khi đưa ra luật mến Chúa, đã nói “Còn điều thứ hai cũng giống như điều
trước” và CG đưa ra luật yêu người. Nghĩa là Đức Giêsu đã xếp luật Yêu
thương người nặng với luật mến Chúa. Nói cách khác, CG đã nâng luật yêu
người lên cao bằng luật mến Chúa.
Phía trên đã nói rằng mọi người, không phân biệt là
có đạo hay không có đạo, đều trân trọng tình cảm yêu thương. Tuy nhiên tình
thương của người ta có nhiều cấp bực khác nhau : thương một người bạn thì không
bằng thương anh em ruột, thương anh em cũng không bằng thương cha mẹ, và thương
ai cũng không thể nào bằng thương người tình của mình. Đối với một người có đạo,
thì họ nghĩ phải thương yêu Chúa trên hết, kế đó mới là tình thương đối với những
người khác. Còn CG thì dạy phải đặt tình thương người và tình thương Chúa ngang
nhau. Nghĩa là ta thương Chúa bao nhiêu thì cũng phải thương người bấy nhiêu.
Nói cách khác, ta phải coi người ta như Chúa vậy, và phải thương người ta như
thương Chúa vậy. Đó chính là điểm độc đáo thứ nhất của Tình Thương Công Giáo.
2/ Nhưng thương người là thương ai ? Về điểm này,
chúng ta lại đọc thêm đoạn Tin Mừng của Thánh Luca để bổ túc cho đoạn của thánh
Marcô quá ngắn gọn. Thánh Luca chép thêm rằng người luật sĩ ấy sau khi nghe CG
nói về luật thương người, thì hỏi một câu tương tự như câu hỏi tôi vừa đặt ra :
Nhưng thương người là thương ai ? CG đưa ra dụ ngôn về người xứ Samaria tốt bụng
đã tốn công tốn tiến cứu giúp một người Do thái, tức là một kẻ thù của dân
Samaria. Ý nghĩa dụ ngôn ấy là : ta phải coi mọi người là người thân, do đó phải
biết thương tất cả mọi người, cho dù đó là một người chưa hề quen biết, cho dù
đó là một kẻ thù của chúng ta.
Thiết tưởng cũng cần giải thích về bối cảnh của đoạn
Tin Mừng này. Người Do thái cũng có luật thương người, luật ghi rõ phải thương
người thân cận. Theo lối hiểu của người Do thái, thì người thân cận tức là người
cũng dân tộc, cùng tín ngưỡng với mình. Còn những kẻ thuộc dân khác, thuộc đạo
khác thì không phải là người thân cận nên không buộc phải thương. Bấy giờ CG
qua dụ ngôn về người Samaria đã thương yêu giúp đỡ một người Do thái khác dân tộc
và khác tín ngưỡng, đã phá bỏ hàng rào ấy. Theo CG, tình yêu thương không có
biên giới. Ta phải thương yêu mọi người, phải coi mọi người đều là kẻ thân cận.
Nói cách khác đi, ta không chỉ thương người đồng bào, đồng đạo, đồng chí mà phải
thương bất cứ ai ta gặp trên đường đời, bất cứ ai đứng bên cạnh ta trong cuộc đời,
ta đều phải thương hết. Người ta thường vẽ ranh giới cho tình thương, người ta
thường đặt hàng rào cho tình thương : ai ở trong ranh giới và trong hàng rào đó
thì thương hết là thương, còn ai ở ngoài thì là người dưng, người lạ khỏi thèm
thương. Đức Giêsu khi phá bỏ mọi hàng rào, mọi biên giới, tức là thêm một điểm
độc đáo nữa cho Tình Yêu thương Công giáo.
3/ Và điểm độc đáo thứ ba, chúng ta thấy ngay trong
đoạn văn của Thánh Marcô. “Yêu thương người thân cận như chính mình thì hơn là
dâng mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”. Chúng ta hãy chú ý đến hai chữ Hơn Là. Cho
người nghèo một lon gạo, và dâng cho Chúa một bó bông huệ. Việc nào quý hơn. Nếu
chưa đọc câu Tin Mừng này, chắc hẳn ai cũng bảo dâng bông huệ cho Chúa là quý
hơn. Nhưng câu Tin Mừng này đánh giá ngược lại : cho người nghèo một lon gạo
quý hơn. Đó là điểm độc đáo thứ 3 của Tình thương Công giáo.
Xin trở lại với câu chuyện ban đầu. Người Giáo lý
viên đã bí không trả lời được khi người dự tòng cho rằng Tình yêu Thương của Đạo
Công giáo chẳng có gì khác hơn tình yêu thương của các đạo khác, kể cả của người
không có đạo. Lý do có lẽ là vì Giáo lý viên ấy không thấy 3 điểm độc đáo của
Tình yêu Tin Mừng, mà nhất là đã không thực hiện 3 điểm ấy. Chắc chúng ta cũng
vậy thôi. Nếu chúng ta không thực hiện 3 điểm ấy thì danh nghĩa công giáo của
chúng ta cũng là vô ích, dù là công giáo nhưng chúng ta chẳng hơn gì một người
ngoại đạo. Xin nói rõ hơn để tóm lại và cũng là để kết thúc :
. Chúng ta yêu mến Chúa nhiều lắm. Nhưng nếu chúng
ta không yêu thương người bằng Chúa thì chúng ta không hơn gì người ngoại đạo.
. Chúng ta cũng rất yêu thương những người thân của
chúng ta, như vợ chồng, cha mẹ, anh chị em, con cái… Nhưng nếu chúng ta không
coi tất cả mọi người cũng là người thân và không yêu thương họ như yêu thương
người thân, thì chúng ta cũng không hơn gì những người ngoại đạo.
. Chúng ta thường dâng lễ vật cho Chúa như dâng hoa,
xin lễ, dâng việc hy sinh hãm mình, những việc lành phúc đức v.v… Nhưng có một
thứ lễ vật mà Tin Mừng nói còn quý hơn những lễ vật kể trên, mà Chúa rất thích
chúng ta dâng, đó là lễ vật tình thương mà ta đối xử với mọi người. Mỗi lần đến
Nhà thờ dự lễ, chúng ta đừng quên mang theo những lễ vật tình thương ấy.
*
2. Hai giới răn đi đôi
Các tín đồ Hồi giáo rất coi trọng luật buộc hành
hương thánh địa Mecca vì đây là nơi sinh của đức giáo chủ Mahomet.
Ngày xưa Vua các loài mèo cũng đi hành hương thánh địa
Mecca. Khi ngài trở về, vị vua các loài chuột nghĩ rằng mình có bổn phận phải đến
chúc mừng. Tuy nhiên các bề tôi chuột ái ngại cho tính mạng của vua mình. Họ
tâu : “Mèo là kẻ thù của chúng ta. Không thể tin cậy được”. Nhưng vua chuột đáp
: “Ông ta đã đi hành hương thánh địa, cho nên chắc là tâm tính của ông đã thay
đổi”.
Thế là vua chuột tìm đến hoàng cung của vua mèo. Mới
tới cửa thì vua chuột đã thấy vua mèo đang nằm mọp cầu kinh rất là sốt sắng.
Vua mèo thấy an tâm, tiến vào gần hơn chút nữa. Đột nhiên vua mèo chồm lên định
vồ lấy vua chuột. Rất may là nhờ nhanh hơn nên vua chuột kịp phóng ra ngoài
thoát thân.
Khi vua chuột trở về nhà, các bề tôi hỏi : “Phải
chăng là sau khi hành hương thánh địa trở về, vua mèo đã thay tâm đổi tính ?”
Nhưng vua chuột đáp : “Các ngươi đã đoán đúng, còn ta thì sai”.
Câu chuyện tưởng tượng trên muốn giúp ta thấy rằng
thật là nguy hiểm nếu tách riêng hai giới răn mến Chúa và yêu người.
Thiên Chúa là tình yêu và là nguồn của mọi tình yêu.
Vì thế nếu yêu Chúa thật thì cũng phải yêu người. Một tôn giáo chỉ lo yêu Chúa
mà không biết yêu người là một tôn giáo không hợp ý Chúa và không phải là tôn
giáo thật.
Nơi nào không có tình yêu, ta hãy gieo tình yêu và
ta sẽ gặt được tình yêu
Nơi nào không có tình yêu, ta hãy đặt tình yêu vào đấy
và ta sẽ tìm thấy tình yêu
Tôi đi tìm Chúa nhưng tôi không gặp được Ngài
Tôi đi tìm linh hồn tôi nhưng linh hồn trốn né tôi
Tôi đi tìm người láng giềng, và tôi gặp được cả ba.
(Viết theo Flor McCarthy)
*
3. Mến Chúa yêu người
Trong báo Los Angeles ngày 13-13-1997 có đăng lá thư
của một độc giả ở Sun City, California gởi cho nữ ký giả Ann Landers – người phụ
trách mục “Giải đáp thắc mắc” như sau :
Bà Ann thân mến
…Ba tôi đi làm sáu ngày một tuần, còn mẹ tôi lúc nào
cũng bận rộn với việc lau chùi nhà cửa, giặt giũ, nấu ăn. Cả hai người đều lớn
lên trong những gia đình không bộc lộ tình cảm. Ông bà tôi không bao giờ bộc lộ
tình cảm dành cho cha mẹ tôi và chẳng bao giờ nói với họ rằng họ được yêu
thương. Vì vậy, cũng dễ hiểu là tại sao ba mẹ tôi đã không bộc lộ tình cảm hay
nói những lời thương mến với chúng tôi.
Cuộc đời tôi đã thay đổi khi tôi lên chín tuổi. Hôm ấy
có dịp ở lại qua đêm ở nhà một cô bạn. Mẹ cô hôn cả hai chúng tôi khi cho chúng
tôi lên giường ngủ. Cử chỉ ấy đã biến đổi đời tôi. Tôi quá cảm động vì hành vi
yêu thương ấy, đến nỗi tôi không thể ngủ được. Tôi nghĩ : “Đây mới thực là cách
lẽ ra ba mẹ phải làm cho mình”. Khi về nhà, tôi đã giận ba mẹ một thời gian.
Nhưng vì không thể giận ba mẹ hoài vì tính tình sẵn có của họ.
Đây là điều tôi đã làm để thay đổi tình hình : Tôi bắt
đầu hôn mẹ tôi thường xuyên đến nỗi mẹ tôi phải bật cười. Tôi đã kết hôn khi
lên 17 tuổi và đã có hai con khi chưa đầy 20. Tôi thường hôn chúng đến khi má
chúng ửng hồng. Khi nói chuyện với mẹ tôi trên điện thoại, tôi nói : “Mẹ ơi !
Con thương Mẹ !” Sau một thời gian, cuối cùng mẹ tôi cũng đã nói được với tôi :
“Mẹ cũng rất thương con”. Tôi chưa được nghe như thế bao giờ. Sau lần ấy vài tuần
khi tôi đến thăm mẹ, bà hỏi tôi : “Những cái hôn của mẹ đâu ?” Khi tôi sắp về mẹ
tôi bảo : “Mẹ thương con. Con biết mà phải không ?”
*
Đạo Do thái dựa trên 10 điều răn. Nhưng qua các thế
hệ, họ chú giải thêm thành 613 luật. Trong đó có 248 luật khuyên làm và 365 luật
cấm làm. Họ không đồng ý với nhau về điều luật nào trọng nhất, nên hôm nay một
luật sĩ đã đến hỏi Đức Giêsu : “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất ?” Người
đáp : “Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết
sức ngươi. Còn giới răn thứ hai : Hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi” (Mc.12,30-31).
Giới răn thứ nhất trích trong sách Đệ Nhị luật đoạn 6, câu 5. Giới răn thứ hai
rút trong sách Thứ luật đoạn 19, câu 18. Vậy Đức Giêsu đã nâng luật mến Chúa
ngang với luật yêu người. Người đã kết hợp thành một luật duy nhất : “Mến Chúa
yêu người”. Nó như hai mặt của một đồng tiền, không thể tách rời nhau được.
Thánh Gioan quả quyết : “Nếu ai nói : “Tôi yêu mến Chúa” mà lại ghét anh em
mình, người ấy là một kẻ nói dối ; vì ai không yêu thương người anh em mà họ
trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng mà họ không thấy”
(1Ga.4,20).
Vậy bắt đầu yêu thương từ đâu ? – Trước tiên, hãy
yêu thương những người trong gia đình mình, những người gần gũi thân thiết nhất
trong trái tim ta. Không yêu được các thành viên trong gia đình, chúng ta không
thể yêu thương người khác. Không yêu thương người khác, chúng ta cũng không thể
yêu mến Thiên Chúa.
Người đàn bà ở Sun City bằng những lời nói yêu
thương, những cử chỉ âu yếm, những đón tiếp chân thành đã mang lại niềm vui, niềm
hạnh phúc cho những người thân yêu trong gia đình. Từ đó, như vết dấu loang
tình yêu lan tỏa ra bên ngoài. Ngạn ngữ Trung Hoa có câu : “Hãy tử tế khi còn gần
nhau để sau này khỏi hối hận khi đã xa nhau”.
Cũng thế với những lời nói yêu thương, những
nghĩa cử chân thành, chúng ta sẽ làm tươi mát biết bao cuộc đời. Lúc đó, chúng
ta sẽ ra khỏi sự hạn hẹp của tình yêu con người, để vươn cao tới tình yêu Thiên
Chúa. Bởi vì, thước đo tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa là tình yêu của
chúng ta đối với nhau. Thánh Augustinô mô tả : “Tình yêu có đôi chân đến với
người nghèo. Tình yêu có đôi mắt để thấy nỗi bất hạnh và thiếu thốn. Tình yêu
có đôi tai để nghe được tiếng than thở và nỗi buồn phiền của tha nhân”. Thomas
Merton nói : “Không yêu thương và nhân từ với kẻ khác, thì tình yêu chúng ta
dành cho Đức Kitô chỉ là tưởng tượng”. Rosalie còn khẳng định : “Nước Thiên
đàng không dành cho những người cằn cỗi yêu thương”.
*
Lạy Chúa, để gặp gỡ tha nhân chúng con phải mở to
đôi mắt, để đón tiếp tha nhân chúng con phải dọn dẹp cho trống trải lòng mình,
để yêu thương anh em chúng con phải biết quên mình.
Xin cho chúng con luôn xác tín : Chúng con chỉ kính
mến Chúa khi thực sự yêu thương anh em. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)
*
4. Thứ tội phạm nhiều nhất
Thứ tội mà chúng ta phạm nhiều nhất là tội không yêu
thương. Tuy nhiên chúng ta lại không coi đó là tội, vì chúng ta vẫn nghĩ cái gì
làm hại đến người khác mới là tội.
Một người kia bán một chiếc xe “dỏm” cho một người
khách lạ. Một hôm anh vừa đi nhà thờ xưng tội ra thì gặp một người bạn. Người bạn
nói : “Chắc là anh có kể cho Cha giải tội nghe chuyện anh bán chiếc xe dỏm ?”
Anh đáp lại : “Tôi chỉ xưng các tội thôi. Còn chuyện buôn bán thì có ăn thua gì
tới ông cha đó”
Một nguy hiểm lớn cho những tín hữu thường đi nhà thờ
là không thấy sự liên hệ giữa điều họ làm ở nhà thờ ngày Chúa nhật với điều họ
làm trong tương quan với người khác vào những ngày trong tuần.
Nhiều người xét mình theo đủ mọi điều răn nhưng
không hề xét tới những tội thiếu sót ; thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ngay
thẳng trong việc làm ăn, thiếu tôn trọng những người cùng sống chung với mình
v.v. Đối với những người đó, đạo và đời hoàn toàn tách biệt nhau.
Đức Giêsu nói với người kinh sư “Ông không còn xa Nước
Thiên Chúa bao nhiêu”. Ông đã biết liên kết hai giới răn mến Chúa và yêu người
thành một, đó là một bước. Ông chỉ cần bước thêm bước thứ hai nữa là vào được
Nước Thiên Chúa, bước đó là thực hành điều ông biết. (Viết theo Flor McCarthy)
*
5. Các bậc thang yêu thương
Maimonides là một thầy giáo người do thái rất nổi tiếng
ở Tây ban nha trong thế kỷ 20. Ông đã liệt kê 8 bậc thang yêu thương như sau :
. Bậc thứ nhất và cũng thấp nhất là cho, nhưng cho một
cách miễn cưỡng.
. Bậc thứ hai là cho cách vui vẻ, nhưng không tương
xứng với nhu cầu của người nhận.
. Bậc thứ ba là cho vui vẻ và tương xứng với nhu cầu
người nhận, nhưng đợi người ta xin mới cho.
. Bậc thứ tư cho vui vẻ, tương xứng và không chờ người
ta xin.
. Bậc thứ năm là cho một cách nào đó khiến người-nhận
nhận được của cho đồng thời biết được người-cho, nhưng người-cho không biết người-nhận.
. Bậc thứ sáu là người-cho biết người-nhận nhưng người-nhận
không biết người-cho.
. Bậc thứ bảy là cho, nhưng cả người-cho và người-nhận
đều không biết nhau.
. Bậc thứ tám cao nhất, là thấy trước nhu cầu người-nhận
nên cho để người-nhận khỏi rơi vào cảnh nghèo khổ.
6.
Chuyện
minh họa
Một người nghèo kia đi từ nhà này sang nhà khác để
ăn xin. Nhưng chẳng ai cho ông một đồng hay một mụn bánh, trái lại ông còn nhận
được rất nhiều lời xua đuổi, thậm chí chửi rửa.
Một ngày mùa đông, ông bị trượt té gãy chân. Có người
đi ngang thấy thế đưa ông vào bệnh viện. Khi dân chúng hay tin có người nghèo bị
té gãy chân và đang phải nằm bệnh viện, họ kéo đến rất đông, họ an ủi ông, họ
đem thức ăn đến cho ông. Khi ông rời bệnh viện, họ còn cho ông những quấn áo ấm
và cả một số tiền nữa.
Trở về nhà, người ấy nói với vợ : “Ngợi khen Chúa vì
đã làm một phép lạ là cho tôi được gãy chân !”
Sớm giúp cho người ta khỏi té còn tốt hơn là khi người
ta té rồi mới giúp.
V.Lời
nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Đức Giêsu đã dạy rằng
: Mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như chính mình ; không có giới răn nào
khác quan trọng hơn hai giới răn này. Chúa cùng cầu xin Chúa giúp chúng ta hiểu
và sống đúng lời dạy của Chúa :
- Xin cho mọi thành phần trong Hội thánh luôn thực thi đúng lời Chúa dạy
/ để chứng minh cho mọi người hiểu rằng : người công giáo mến Chúa là để
yêu người / và yêu người là để chứng tỏ lòng mến Chúa.
- Xin cho mọi nhà cầm quyền trong xã hội hiểu biết rằng / lòng mến
Chúa của người Công giáo không gây thiệt hại gì cho tình yêu đồng loại /
trái lại còn giúp họ yêu thương đồng bào trọn hảo hơn.
- Xin cho mọi người đang thiếu tình thương, thiếu sức khỏe, không có
công ăn việc làm / gặp được những người thật tình giúp đỡ vì lòng mến Chúa
và vì lòng yêu thương họ.
- Xin cho mọi người trong cộng đồng họ đạo chúng ta / biết bày tỏ lòng
mến Chúa yêu người một cách thành thật và cụ thể / để loại trừ thói giữ đạo
bề ngoài và giả hình.
Chủ tế : Lạy Chúa, xin cho chúng con sau khi
được bồi dưỡng lòng mến Chúa yêu người nhờ Thánh lễ, biết thực thi lòng mến
Chúa yêu người đó với mọi người chung quanh trong cuộc sống hằng ngày. Chúng
con cầu xin nhờ Đức Kitô.
VI.Trong
Thánh lễ
– Trước kinh Lạy Cha : Hôm nay khi đọc kinh Lạy Cha
đến câu “Và tha nợ chúng con”, chúng ta hãy chú ý đến phần kế tiếp “như chúng
con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
VII.
Giải tán
Hai điều răn quan trọng nhất và đi đôi với nhau là mến
Chúa và yêu người. Trong Thánh lễ, chúng ta đã bày tỏ lòng yêu mến Chúa. Trở về
với môi trường sống hằng ngày, chúng ta hãy thể hiện đức yêu người.
Lm.
Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio: Chúa Nhật XXXI Thường Niên (B)
Chủ Nhật 4 Tháng Mười Một, 2018
Khi
thể diện bề ngoài trả thù yêu thương…
Điều
răn trọng nhất: tình yêu Thiên Chúa và tha nhân
Mc 12:28-34
1.
Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp
chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên
đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh
Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa
trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình. Vì thế, cây thập giá
tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống
và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng
con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong
các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những
người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để,
giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh
của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa
chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con
cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về
Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2.
Bài Đọc
a)
Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này nói về các Luật
Sĩ, những người có trách nhiệm giảng dạy giáo lý, muốn biết từ Chúa Giêsu, giới
răn nào trọng nhất. Ngày nay cũng vậy, có nhiều người muốn biết điều
gì quan trọng nhất trong tôn giáo. Một số người nói rằng đó là phép
rửa tội, người khác nói là tham dự Thánh Lễ hay một nghi thức Phụng Vụ Chúa Nhật
khác, có người cho là tình yêu tha nhân! Có một số người chỉ lo lắng
về bề ngoài hoặc các địa vị trong Giáo Hội. Trước khi đọc câu trả lời
của Chúa Giêsu, bạn hãy cố gắng nhìn vào bản thân và tự hỏi: “Đối với
tôi, điều gì quan trọng nhất trong tôn giáo và trong cuộc sống?”
Văn bản cho chúng ta cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu
và vị Luật Sĩ. Đang khi đọc, bạn hãy cố gắng tập trung vào những điều
sau đây: “Chúa Giêsu khen vị Luật Sĩ về điểm nào và chỉ trích họ về
điều gì?”
b)
Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Mc 12:28: Câu hỏi của vị Luật Sĩ liên
quan đến giới răn trọng nhất
Mc 12:29-31: Câu trả lời của Chúa Giêsu
Mc 12:32-33: Vị Luật Sĩ tán thành câu trả
lời của Chúa Giêsu
Mc 12:34: Chúa Giêsu xác định với vị Luật
Sĩ
c)
Tin Mừng:
28 Khi ấy, có người trong nhóm luật
sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” 29 Chúa
Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây:
Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, 30 và ngươi
hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức
ngươi. 31 Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến
tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn
đó”. 32 Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy
phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào
khác nữa. 33 Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức
mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật
hy sinh”. 34 Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa
Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi
Người thêm điều gì nữa.
3.
Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống
chúng ta.
4.
Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.
a) Điểm nào trong
bài Tin Mừng này làm bạn chú ý nhất? Tại sao?
b) Chúa Giêsu chỉ
trích vị Luật sĩ điều gì và khen Luật Sĩ về điều gì?
c) Theo như các
câu 29 và 30, tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa phải như thế
nào? Những chữ sau đây trong các câu Tin Mừng có ý nghĩa gì: tâm hồn,
trí khôn, sức lực? Tất cả những chữ này có hướng về cùng một điều
không?
d) Mối quan hệ giữa
điều răn thứ nhất và điều răn thứ hai là gì? Tại sao?
e) Ngày nay chúng
ta gần hơn hay là xa hơn với Vương quốc Thiên Chúa so với vị luật sĩ mà Chúa
Giêsu khen ngợi? Bạn nghĩ gì?
5.
Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề
a)
Bối cảnh:
i) Khi Chúa Giêsu
bắt đầu hoạt động công việc truyền giáo của Người, các luật sĩ ở Giêrusalem thậm
chí đã đến miền Galilêa để quan sát Người (Mc 3:22; 7:1). Họ lúng
túng vì lời rao giảng của Chúa Giêsu và đã xuôi theo lời vu khống nói rằng Chúa
đã bị quỷ ám (Mc 3:22). Giờ đây, tại Giêrusalem, một lần nữa họ bắt
đầu tranh cãi với Chúa Giêsu.
ii) Vào thập niên
70, khi Máccô biên soạn sách Tin Mừng của ông, đã có nhiều sự thay đổi và bách
hại, và vì vậy, đời sống của các cộng đoàn Kitô hữu thật bấp
bênh. Vào thời điểm của những đổi thay và bất trắc luôn có nguy cơ
hoặc sự cám dỗ để tìm kiếm sự an lành, không tin tưởng vào sự tốt lành của
Thiên Chúa đối với chúng ta, nhưng trong việc chấp hành nghiêm ngặt Luật
Môisen. Đối diện với kiểu suy nghĩ này, Chúa Giêsu khẳng định việc
thực hành luật yêu thương để làm dịu đi việc tuân giữ Luật Môisen và cho nó ý
nghĩa thực sự.
b)
Lời bình luận về văn bản:
Mc 12:28: Câu hỏi của vị Luật Sĩ
Ngay trước khi vị Luật Sĩ đặt câu hỏi với Đức Giêsu,
Chúa đã có một cuộc thảo luận với nhóm người Sađốc về vấn đề niềm tin vào sự sống
lại (Mc 12:18-27). Vị Luật Sĩ, người đã có mặt trong cuộc thảo luận,
hài lòng với câu trả lời của Chúa Giêsu, và nhận ra rằng đây là một người rất
thông minh, cho nên ông ta tạo cơ hội và đưa ra câu hỏi của mình để làm sáng tỏ: “Trong
các giới răn, điều nào trọng nhất?” Vào thời ấy, người Do Thái đã có
rất nhiều luật lệ để quy định việc tuân giữ Mười Điều Răn về Lề Luật của Thiên
Chúa. Có người nói: “Tất cả những luật lệ này đều quan trọng
như nhau, vì chúng được Thiên Chúa ban ra. Chúng ta không có quyền
phân biệt về những việc của Thiên Chúa”. Người khác đáp lại: “Không! Một
số lề luật thì quan trọng hơn những luật khác và do đó có nhiều ràng buộc
hơn!” Vị luật sĩ muốn biết quan điểm của Chúa Giêsu: “Giới
răn nào trọng nhất trong tất cả các giới răn?” Vấn đề này đã được thảo
luận sôi nổi vào thời bấy giờ.
Mc 12:29-31: Câu trả lời của Chúa
Giêsu
Chúa Giêsu trả lời bằng cách trích dẫn Kinh Thánh,
nói rằng điều răn thứ nhất là “ngươi phải yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết
linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi!” (Đnl 6:4-5). Những lời này
là một phần của lời cầu nguyện được gọi là Shemá (Hãy nghe). Vào
thời Chúa Giêsu, người Do Thái đọc lời cầu nguyện này hai lần mỗi
ngày: vào buổi sáng và buổi tối. Lời cầu nguyện này cũng
phổ quát như Kinh Lạy Cha đối với chúng ta ngày nay. Sau đó, Chúa
Giêsu thêm vào, vẫn còn trích dẫn lời Kinh Thánh: “Còn đây là giới
răn thứ hai: ‘Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi’ (Lv
19:18). Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn
đó”. Một câu trả lời ngắn gọn và rất sâu sắc! Đó là bản
tóm tắt tất cả những gì Chúa Giêsu đã giáo huấn về Thiên Chúa và đời sống (Mt
7:12)
Mc 12:32-33: Câu trả lời của vị Luật
sĩ
Vị luật sĩ đồng ý với Chúa Giêsu và đưa ra kết luận: “Thưa
Thầy, đúng lắm! Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và
yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy
sinh”. Nói cách khác, giới răn yêu thương thì quan trọng hơn tất cả
các giới răn phải giữ về thờ phượng hoặc các hy tế trong Đền Thờ. Lời
tuyên bố này phát xuất từ các tiên tri trong Cựu Ước (Hs 6:6; Tv 40:6-8; Tv
51:16-17). Ngày nay chúng ta sẽ nói rằng: thực hành giới
răn yêu thương thì quan trọng hơn là các tuần cửu nhật, lời khấn hứa, Thánh Lễ,
cầu nguyện và rước kiệu. Hay nói đúng hơn, các tuần cửu nhật, lời khấn
hứa, Thánh Lễ, lời cầu nguyện và cuộc rước kiệu phải là kết quả của việc thực
hành giới răn yêu thương và phải dẫn đến sự yêu thương.
Mc 12:34: Bài tóm tắt về Nước Trời
Chúa Giêsu xác định câu kết luận đưa ra bởi vị luật
sĩ và nói: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao
nhiêu!” Thật vậy, Nước Thiên Chúa bao gồm trong việc nhận ra rằng
tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân là điều quan trọng nhất. Và
nếu Thiên Chúa là Cha, thì tất cả chúng ta đều là anh chị em và chúng ta phải
bày tỏ điều này trong thực hành bằng cách sống trong cộng đoàn. “Tất
cả Luật Môisen và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy!” (Mt
22:40) Môn đệ của Chúa Giêsu phải ghi khắc điều luật tuyệt vời này
vào trong trí nhớ của họ, trí tuệ và tâm hồn của họ: chỉ có như vậy chúng ta mới
có thể đạt được Thiên Chúa trong món quà tận hiến chính mình cho tha nhân!
Mc 12:35-37: Chúa Giêsu chỉ trích lề lối
giảng dạy của các luật sĩ về Lề Luật Đấng Mêssia
Lời tuyên truyền chính thức của nhà cầm quyền và các
luật sĩ nói rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến như Con vua Đavít. Điều này có
ý để giảng dạy rằng Đấng Cứu Thế sẽ là một vì vua thống trị, dũng mãnh và vinh
hiển. Đây là những gì đám đông dân chúng reo hò vang dậy vào ngày Lễ
Lá: “Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavít, tổ phụ chúng
ta!” (Mc 11:10). Người mù thành Giêricô cũng kêu lên rằng: “Lạy
ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10:47). Thế
mà ở đây Chúa Giêsu lại đặt vấn đề về lời giảng dạy này của các luật
sĩ. Người trích dẫn bài Thánh Vịnh của vua Đavít: “Đức
Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: ‘Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để
rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con!’” (Tv 110:1) Sau
đó Chúa Giêsu tiếp tục: “Nếu vua Đavít gọi Đấng Cứu Thế là Chúa Thượng,
thì Đấng Cứu Thế lại là con vua ấy thế nào được?” Điều này có nghĩa
là Chúa Giêsu đã không đồng ý với ý tưởng về một Đấng Mêssia vua vinh hiển, Đấng
sẽ đến để thống trị và áp đặt triều đại của Người trên tất cả địch
thù. Chúa Giêsu ưa thích là Đấng Mêssia tôi tớ được công bố bởi tiên
tri Isaia (Is 42:1-9). Người nói: “Con Người đến không phải
để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc
muôn người” (Mc 10:45).
Mc 12:38-40: Chúa Giêsu lên án các luật
sĩ
Sau đó Chúa Giêsu tạo sự chú ý của các môn đệ về
thái độ thiên vị và đạo đức giả của một số các luật sĩ. Những người
này ưa đi dạo quanh quảng trường, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người
ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội
đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của
các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ để lấy tiền! Và
rồi Chúa Giêsu kết thúc bằng câu nói: “Những người ấy sẽ bị kết án
nghiêm khắc hơn những gì họ nhận được!” Chúng ta cũng nên dựa vào
văn bản này làm một việc tự vấn lương tâm để liệu xem chúng ta có thể thấy
chính mình phản chiếu trong đó không!
c)
Phần phụ chú:
Giới
răn trọng nhất
Giới răn trọng nhất và trước nhất là và mãi mãi sẽ
là “ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và
với hết sức lực ngươi” (Mc 12:30). Qua hằng thế kỷ, vào những lúc
dân riêng của Thiên Chúa đã đào sâu hơn sự hiểu biết của họ và đặt tầm quan trọng
cho lòng yêu mến Thiên Chúa, rồi thì họ đã nhận thức được rằng tình yêu Thiên
Chúa chỉ thực sự khi nó trở thành cụ thể trong tình yêu tha nhân. Đó
là lý do tại sao điều răn thứ hai yêu thương tha nhân, cũng tương tự như điều
răn thứ nhất yêu mến Thiên Chúa (Mt 22:39; Mc 12:31). “Nếu ai
nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ
nói dối” (1 Ga 4:20). “Tất cả Luật Môisen và các sách Ngôn Sứ đều
tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22:40). Thoạt đầu, những chi tiết
về tình yêu tha nhân thì không được rõ ràng cho lắm. Liên quan đến
điểm này, đã có một sự tiến hóa trong ba giai đoạn lịch sử của dân riêng Thiên
Chúa:
Giai
đoạn thứ nhất: “Người lân cận” là quan hệ thân thích đồng
chủng tộc
Cựu Ước đã dạy về nhiệm vụ “phải yêu thương người đồng
loại như chính mình!” (Lv 19:18). Vào thời xa xưa, chữ người
lân cận thì đồng nghĩa với bà con thân thích. Họ
cảm thấy có nhiệm vụ phải yêu thương tất cả những người thân thuộc trong cùng một
gia đình, bộ lạc, chi tộc và cùng dân tộc. Đối với người ngoại chủng,
đó là, những người không phải là dân Do Thái, sách Đệ Nhị Luật nói rằng: “Người
nước ngoài, anh em có thể thúc nợ; nhưng cái gì của anh em mà ở trong nhà người
bà con của anh em, thì phải tha không đòi (bà con, người lân cận)!” (Đnl 15:3).
Giai
đoạn thứ hai: “Người lân cận” là bất cứ ai tôi tiếp cận hoặc họ tiếp cận
tôi
Dần dà, khái niệm về người lân cận phát
triển. Do đó, trong thời Chúa Giêsu đã có một cuộc tranh cãi sôi nổi
về “ai là người lân cận của tôi?” Một số luật sĩ nói rằng khái niệm
về người lân cận đã được triển khai vượt khỏi giới hạn của chủng tộc. Tuy
nhiên, những kẻ khác sẽ không đồng ý với điều này. Đó là lý do tại
sao một người luật sĩ tìm đến Chúa Giêsu với câu hỏi đầy tranh
cãi: “Ai là người lân cận của tôi?” Chúa Giêsu đã trả lời
bằng dụ ngôn người Samaritanô Nhân Lành (Lc 10:29-37), khi người lân cận chẳng
phải là một thân nhân, cũng chẳng là một người bạn, hay một nhà quý tộc, mà là
một người tiếp cận với bạn, không phân biệt tôn giáo, màu da, chủng tộc, giới
tính hoặc ngôn ngữ. Bạn phải yêu mến người ấy!
Giai
đoạn thứ ba: Sự đo lường tình yêu thương của chúng ta đối
với “người lân cận” là yêu thương như Chúa Giêsu yêu thương chúng ta
Chúa Giêsu đã nói với vị luật sĩ: “Ông
không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu!” (Mc 12:34). Vị luật sĩ đã gần
kề với Nước Trời bởi vì thật ra Nước Trời bao gồm trong sự hiệp nhất tình yêu
Thiên Chúa với lòng yêu mến tha nhân, như vị luật sĩ đã dõng dạc tuyên bố trước
sự hiện diện của Chúa Giêsu (Mc 12:33). Nhưng để vào được Nước Trời,
ông ta vẫn còn cần thêm bước nữa. Chuẩn mực để yêu thương tha nhân
được dạy trong Cựu Ước là “yêu như chính thân mình”. Chúa
Giêsu nới rộng tiêu chuẩn này và nói rằng: “Đây là điều răn của Thầy: anh
em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh
em! Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy
sinh tính mạng vì bạn hữu của mình!” (Ga 15:12-13). Chuẩn mực trong
Tân Ước sau đó là: “Hãy yêu thương tha nhân như Chúa
Giêsu đã yêu thương chúng ta!” Chúa Giêsu đã ban cho lời giải
thích thực sự Lời của Chúa và cho thấy cách chắc chắn để đạt được một lối sống
huynh đệ và công chính hơn.
6.
Cầu Nguyện với Thánh Vịnh 46 (45)
Thiên
Chúa, được mặc khải trong Đức Giêsu, là sức mạnh của ta!
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.
Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
núi đồi có sập xuống biển sâu,
dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,
núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng,
ta cũng chẳng sợ gì.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.
Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
núi đồi có sập xuống biển sâu,
dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,
núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng,
ta cũng chẳng sợ gì.
Một dòng sông chảy ra bao nhánh
đem niềm vui cho thành của Chúa Trời:
đây chính là đền thánh Đấng Tối Cao.
Thiên Chúa ngự giữa thành, thành không lay chuyển;
ngay từ rạng đông, Thiên Chúa thương trợ giúp.
Muôn dân náo động, muôn nước chuyển lay,
tiếng Người vang lên là trái đất rã rời.
đem niềm vui cho thành của Chúa Trời:
đây chính là đền thánh Đấng Tối Cao.
Thiên Chúa ngự giữa thành, thành không lay chuyển;
ngay từ rạng đông, Thiên Chúa thương trợ giúp.
Muôn dân náo động, muôn nước chuyển lay,
tiếng Người vang lên là trái đất rã rời.
Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi,
Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta.
Đến mà xem công trình của CHÚA,
Đấng gieo kinh hãi trên mặt địa cầu.
Người chấm dứt chiến tranh trên toàn cõi thế,
cung tên bẻ gẫy, gươm giáo đập tan,
còn khiên thuẫn thì quăng vào lửa.
Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa!
Ta thống trị muôn dân, thống trị địa cầu.
Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta.
Đến mà xem công trình của CHÚA,
Đấng gieo kinh hãi trên mặt địa cầu.
Người chấm dứt chiến tranh trên toàn cõi thế,
cung tên bẻ gẫy, gươm giáo đập tan,
còn khiên thuẫn thì quăng vào lửa.
Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa!
Ta thống trị muôn dân, thống trị địa cầu.
Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi,
Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta.
Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta.
7.
Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời
Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin
Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh
để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng
con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe
mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với
Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét